Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần XVIII Mùa Thường Niên Năm B
BÀI ĐỌC I: Xh 16, 2-4. 12-15
“Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”
Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: ‘Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi'”.
Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là: “Cái gì vậy?” vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Đó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54
Đáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).
Xướng:
1) Điều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. – Đáp.
2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời. Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời. – Đáp.
3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Ep 4, 17. 20-24
“Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Đức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Đức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 24-35
“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.
Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.
Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.
Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
01/08/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – B
Ga 6,24-35
ĐỨC TIN ĐEM LẠI SỰ SỐNG
Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6,28-29)
Suy niệm: Hẳn dân chúng vẫn còn ấn tượng về phép lạ bánh hoá nhiều của Đức Giê-su nên họ lên thuyền qua bờ bên kia để tìm Đức Giê-su. Đức Giê-su biết họ tìm Ngài chỉ vì đã được ăn bánh no nê, họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự… Miếng ăn không phải là nỗi lo của riêng họ mà là của muôn người. Chúa không trách họ về chuyện này: Ngài vừa lo cho họ ăn no nê đấy thôi! Điều Ngài muốn là nâng họ lên tầm cao hơn. Đó là phải tìm kiếm lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời. Muốn có lương thực ấy thì phải ra sức làm “những việc Thiên Chúa muốn” đó là tin vào Ngài, Đấng mà Thiên Chúa sai đến, vì chỉ có Ngài mới có những Lời đem lại cho con người sự sống đời đời.
Mời Bạn: Từ mấy tấm bánh là lương thực vật chất, Chúa dần dần mạc khải “lương thực thường tồn” là chính Thịt Máu Ngài mà Ngài sẽ ban qua Bí tích Thánh Thể. Tin vào Đức Ki-tô nhờ lãnh nhận Bí tích Rửa tội là bước đầu để đến lãnh nhận “lương thực thường tồn” ấy. Giữa bối cảnh đại dịch hiện nay, không thể tham dự Thánh Lễ để rước Mình Thánh cách thực sự, chúng ta phương thế bổ sung là rước lễ thiêng liêng. Bạn đã thực hiện như thế chưa?
Sống Lời Chúa: Sốt sắng tham dự thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và khát khao được rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Dân chúng vẫn còn sôi nổi sau phép lạ bánh hoá nhiều.
Hôm sau, họ lên thuyền qua bờ bên kia để tìm Ðức Giêsu.
Ðức Giêsu thấy nỗ lực tìm kiếm của họ.
Ngài biết họ tìm Ngài chỉ vì đã được ăn bánh no nê.
Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự…
Miếng ăn là nỗi lo của người nghèo vùng Galilê.
Ðó cũng là nỗi lo của hàng tỉ người trên thế giới.
Ðức Giêsu không trách họ về chuyện này.
Ngài chỉ muốn nâng họ lên cao hơn,
bởi lẽ con người không chỉ là thân xác.
Dân chúng vất vả tìm chút lương thực mau qua.
Ðức Giêsu muốn họ đừng quên thứ lương thực thường tồn
nhằm nuôi dưỡng tinh thần và đem lại sự sống vĩnh cửu.
Người dân Galilê chỉ nhớ đến chiếc bánh hôm qua.
Họ bị sa lầy và ngừng lại trong phép lạ.
Họ không thể đi xa hơn và cũng không mơ ước gì hơn.
Con người hôm nay có nét giống đám đông ngày xưa.
Người nghèo thì bị hút vào công việc lam lũ nhọc nhằn,
để thỏa mãn cái đói cấp bách của thân xác.
Người giàu thì mê mải với bao tiện nghi đang mời gọi.
Họ bị ám ảnh và chạy đua với những mặt hàng mới.
Rốt cuộc, kẻ nghèo người giàu đều có nguy cơ như nhau,
đó là đánh mất đi cái đói khát tinh thần,
mãn nguyện với cái bụng no, hay với thứ nữ trang đắt giá.
Thật ra, cũng khó dập tắt nỗi khát khao về Tuyệt Ðối
mà Thiên Chúa đã đặt rất sâu trong lòng người.
Mọi thứ thức ăn trần gian, con người không lấy làm đủ.
Người nghèo không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần tình thương.
Người giàu dư cơm bánh, nhưng lại cần lẽ sống.
Không thiếu những bạn trẻ nhà giàu, có học, có tương lai,
nhưng lại thất vọng chán chường, thậm chí rơi vào trụy lạc.
Họ có tất cả, nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó…
Thiếu cái này thì mọi thứ khác trở thành thừa.
Có khi sống sa đọa lại là cách họ biểu lộ
cơn đói khác vô cùng về những điều cao cả.
Ðức Giêsu khơi dậy những khát khao tốt đẹp đang ngủ quên.
Ngài không cho dân chúng thứ manna từ trời rơi xuống,
để mỗi ngày họ phải lượm mà ăn.
Ngài cho họ thứ bánh bởi trời đích thực,
bánh ban sự sống đời đời cho toàn thế giới.
“Xin cho chúng tôi thứ bánh đó luôn luôn”
“Xin ông cho tôi thứ nước ấy” (Ga 4, 15).
Con người vẫn đói khát thức ăn tinh thần.
Cơn đói này còn kinh khủng hơn cả cơn đói thân xác.
Hãy đến với Giêsu! Hãy tin vào Giêsu!
Nếu bạn khao khát Tuyệt Ðối
thì chỉ Tuyệt Ðối mới làm bạn no thỏa.
Tuyệt Ðối đã hiện diện nơi Ðức Giêsu.
Ước chi bạn để cho Ngài nuôi bằng lời giáo huấn,
và tin tưởng dấn thân theo Ngài bằng cả cuộc đời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
những lúc con cảm thấy đói,
xin ban cho con một ai đó đang cần của ăn.
Khi con khát,
xin gởi đến cho con
một ai đó đang cần nước uống.
Khi con lạnh lẽo,
xin gởi đến cho con
một ai đó đang cần được sưởi.
Khi con bị xúc phạm,
xin ban cho con một ai đó đang cần ủi an.
Khi thập giá của con trở nên nặng nề,
xin ban cho con
thập giá của một người khác để cùng chia sẻ.
Khi con túng nghèo,
xin dẫn đến cho con một người thiếu thốn.
Khi con không có thời giờ,
xin ban cho con ai đó để con giúp họ giây lát.
Khi con nản chí,
xin gởi đến cho con một người cần khích lệ.
Khi con chỉ biết nghĩ đến mình,
xin xoay chuyển tư tưởng con
hướng đến tha nhân.
(Trích trong PRIER)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG TÁM
Tại Sao Thiên Chúa Cho Phép Sự Dữ Xảy Ra?
Thánh Kinh đảm bảo rằng “sự ác không lướt thắng được sự khôn ngoan” (Kn 7,30). Điều đó khích lệ chúng ta xác tín rằng trong kế hoạch quan phòng của Đấng Tạo Hóa, rốt cục sự dữ cũng ‘chịu thua’ sự thiện. Trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh, chúng ta bắt đầu hiểu hai sự thật này: một là, “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”; hai là, “Thiên Chúa cho phép điều dữ xảy ra”.
Để hiểu tại sao “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”, chúng ta cần nhớ lại những lời trong Sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết; Ngài cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13-14).
Để hiểu tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra giữa những sự vật thể lý, rất cần nhớ lại rằng vật chất thể lý – trong đó có thân xác con người – là những thứ dễ hư nát và tiêu vong. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng điều này ảnh hưởng đến chính cơ cấu của bản tính vật chất của các tạo vật này. Nhưng điều này hoàn toàn lô-gíc. Thật khó mà hình dung rằng các thụ tạo vật chất có thể tồn tại mà không bị giới hạn trong tình trạng hiện hữu của thế giới vật chất chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng nếu “Thiên Chúa không làm ra cái chết” – như Sách Khôn Ngoan khẳng định – thì đồng thời Ngài vẫn cho phép cái chết xảy ra, trong viễn tượng của sự tốt lành phổ quát của toàn vũ trụ vật chất.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/8
Chúa Nhật XVIII Thường Niên
Xh 16, 2-4. 12-15; Ep 4, 17. 20-24; Ga 6, 24-35.
LỜI SUY NIỆM: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”
Chúa Giêsu đang khuyên mỗi người trong chúng ta phải ra sức làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình của mình. Trong việc ra sức làm việc này không những chỉ lo cho nhu cầu và tiện nghi của cuộc sống thân xác, mà còn phải quan tâm đến đời sống của cả linh hồn nữa, nên mỗi người cần phải làm việc với một lương tâm ngay thẳng, công bình và bác ái đầy trách nhiệm của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con khi sống và làm việc luôn nhớ đến Lời Chúa hôm nay: “Chúa là lương thực trường tồn của chúng con”
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-08
Thánh ALPHONSÔ LIGUORI
Giám mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1696 – 1787)
Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài là giao điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ.
Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng: – Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả nhiều.
Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một con người có chí. Alphongsô gây ảnh hưởng tốt đối với chúng bạn. Bằng sự trong trắng tế nhị và lòng đạo đức của mình. Một người bạn kể lại rằng: có lần thua cuộc chơi và giận dữ đến độ trở nên sỗ sàng. Alphongsô buồn phiền nghỉ chơi và nói: – “Chúa không muốn tôi được chút tiền đã khiến cho bạn làm phiền lòng Ngài”
Thế rồi Alphongsô biến mất vào vườn. Các bạn đổ xô đi tìm Ngài và gặp Ngài đang quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ đặt trên cành cây. Người bạn xấu xúc động nói : – “Tôi đã làm phiền một vị thánh”.
Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời. 17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư. Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với trong hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn. Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.
Thất bại Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền. Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: “Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao …? Bỏ nghề, Ngài nói : – “Oi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa”.
Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi: – “Ngươi làm gì ở thế gian này ?”
Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa. Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói:- “Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa”.
Nghe tin này cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao ? Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.
Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe. Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: “Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa”.
Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng. Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo. Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự lớn dần. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2 năm 1749.
Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được đức giáo hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt trong nhiều thành quả tức thời.
Năm 1762 Đức Clementô XIV đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775 Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.
Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong “đêm tối của linh hồn” Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt”. Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
01 Tháng Tám
Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng
Trong một thị trấn nhỏ bên Liên Xô. Một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng của họ. Ðã lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo. Vị giáo trưởng lại cư ngụ trong một thành phố khác. Ông chỉ đến thăm cộng đoàn nhỏ bé này mỗi năm một lần. Ai ai cũng náo nức được gặp con người thánh thiện nổi tiếng này. Mọi người chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ lần lượt nêu lên để xin vị giáo trưởng giải đáp.
Khi ông đến nơi, sự căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người. Ai cũng đang trong tư thế giơ tay để đặt câu hỏi. Nhưng khi mọi người đã an tọa trong phòng họp, vị giáo trưởng không nói lời nào. Ông đưa mắt nhìn mọi người. Một hồi lâu, ông bỗng ngân nga một điệu nhạc. Mọi người đều bắt chước làm theo. Vị giáo trưởng lại cất tiếng hát lên một bài ca quen thuộc. Mọi người cũng hát theo ông… Mọi người tưởng nghi thức mở đầu ấy sẽ chấm dứt và vị giáo trưởng sẽ nói lên những lời vàng ngọc.
Nhưng không, trái với sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông không ngừng bắt lên những bài ca mới. Khi các bài ca vừa dứt, ông bước xuống khỏi bục giảng và bắt đầu nhảy múa. Ông vừa nhảy vừa vỗ tay, không mấy chốc cả cử tọa cũng bước ra khỏi ghế và nhảy theo ông. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng nhịp chân lôi kéo mọi người vào điệu múa khiến họ không còn nhớ đến những câu hỏi mà họ đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. Cả cộng đoàn hòa nhịp với nhau trong đôi chân, cùng nắm tay nhau, cùng khăng khít với nhau trong phấn khởi, vui tươi, cảm thông, hiệp nhất…
Khi các điệu vũ đã chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị giáo trưởng mới lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như sau: “Tôi tin chắc rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị em”.
Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi loạn đưa chúng ta đến tội ác…
Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Ðể ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.
Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 18 – Năm B – Thường Niên
Bài đọc: Exo 16:2-4, 12-15; Eph 4:17, 20-24; Jn 6:24-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát.
Cám dỗ về bánh ăn luôn là một diệu kế ma quỉ dùng để cám dỗ con người. Chúng đã từng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, khi Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc: “Hãy biến những hòn đá thành của ăn.” Chúa trả lời: “Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Chúa muốn con người nhận ra chân lý: “Bánh cần thiết, nhưng không phải tất cả.” Nếu con người chú trọng đến bánh quá nhiều, con người sẽ phát sinh nhiều bệnh: cả phần hồn lẫn phần xác.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật hai thực tại: lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn. Trong Bài Đọc I, con cái Israel kêu trách Thiên Chúa vì họ bị đói và khát trong sa mạc. Thiên Chúa cho họ có manna từ trời rơi xuống ban sáng, và có thịt chim cút lúc ban chiều. Họ có thể ăn uống thỏa thuê; nhưng không được họ tích trữ. Ngài truyền chỉ lấy lương thực đủ cho ngày đó; nếu tham lam tích trữ, manna sẽ hư hại hôm sau. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô phân biệt hai lối sống: Dân Ngoại sống theo tư tưởng phù phiếm: họ chỉ biết ra công làm việc để có của ăn hư nát và hưởng thụ; ngược lại, các tín hữu phải sống theo Thánh Thần và tuân theo những lời chỉ dạy của Đức Kitô, để có lương thực trường tồn. Trong Phúc Âm, dân chúng đi kiếm Đức Kitô sau khi đã được Ngài làm phép lạ cho ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu biết rõ họ tìm kiếm Ngài chỉ vì lý do đó; nên Ngài khuyên họ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã cho dân có bánh và thịt trong sa mạc.
1.1/ Con cái Israel kêu trách Thiên Chúa và Moses: Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Israel kêu trách ông Moses và ông Aaron. Con cái Israel nói với các ông: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” Nhiều người cho con cái Israel có lý do để than phiền, vì nếu phải “chết đói” trong sa mạc thì ở lại Ai-cập để được “chết no” còn sướng hơn. Nhưng sự thực là con cái Israel đã không phải chết đói, vì nếu Thiên Chúa đã có kế hoạch đưa dân ra khỏi Ai-cập để vào Đất Hứa, làm sao Ngài có thể để dân chết đói dọc đường được! Những lời than phiền này biểu tỏ:
(1) Con cái Israel không có đức tin mạnh đủ vào Thiên Chúa: Họ vừa mới chứng kiến biến cố Thiên Chúa đưa toàn dân qua Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội Pharao bị nhận chìm trong Biển Đỏ, và uy quyền Thiên Chúa bày tỏ qua 7 thiên tai. Tại sao họ không cầu xin Thiên Chúa ban của ăn, mà lại buông những lời vô ơn bạc nghĩa như thế?
(2) Con cái Israel quí trọng của ăn hơn những giá trị tinh thần: Làm nô lệ cho Pharao là một cực hình; vì chính họ đã từng kêu than lên Thiên Chúa. Tại sao giờ đây họ đã được tự do rồi, lại muốn trở lại kiếp nô lệ ngày xưa để có thịt và bánh ăn thỏa thuê? Đây là một kinh nghiệm quan trọng cho chúng ta học hỏi: lòng ham muốn của ăn có thể làm lu mờ những giá trị tinh thần.
1.2/ Thiên Chúa cho dân ăn manna và chim cút trong sa mạc:
(1) Cho dân ăn manna: Đức Chúa phán với ông Moses: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không.” Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Mỗi buổi sáng, có lớp sương phủ quanh trại; lúc sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Manhu?” Nghĩa là: “Cái gì đây?” Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ: “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!”
(2) Cho dân ăn thịt chim cút: Con cái Israel không chỉ muốn ăn bánh để sống, nhưng còn ao ước được ăn ngon. Họ nói: chúng tôi đã quá nhàm chán thức ăn vô vị này (manna); và họ nhớ tới những cao lương mỹ vị khi còn ở Ai-cập. Thiên Chúa thấu tỏ lòng họ, nên Ngài lại nói với ông Moses: “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.” Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại.
2/ Bài đọc II: Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em.
2.1/ Lối sống theo Dân Ngoại: Ephesô là một thành phố của Hy-lạp, các tín hữu Ephesô hầu hết là những người Dân Ngoại, và đã được Phaolô rao giảng Tin Mừng và nhận vào Đạo Thánh của Đức Kitô. Giống như con cái Israel, các tín hữu Ephesô luôn bị cám dỗ để trở về với nếp sống cũ trước khi được Rửa Tội. Thánh Phaolô nhận ra khuynh hướng này; vì thế, ngài viết thư khuyên họ: “Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như Dân Ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.”
Lối sống theo Dân Ngoại mà thánh Phaolô đề cập đến ở đây bao gồm rất nhiều tật xấu, dựa trên những Thư của Ngài, chúng ta có thể liệt kê các tội như: thờ bụt thần, không tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự sống đời sau, hưởng thụ vật chất và khoái lạc, loạn luân, ham quyền hành, và ghen tương chia rẽ …
2.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Ephesô hai điều quan trọng:
(1) Sống theo sự thật của Đức Kitô: “Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối.”
Tin thế nào, phải sống như thế. Nếu tin một đàng và sống một nẻo, đức tin không sinh lợi ích gì cho các tín hữu; họ chẳng khác gì những người không tin.
(2) Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần: “Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.”
Chúa Thánh Thần mà các tín hữu đã lãnh nhận Ngài khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội, sẽ soi sáng để họ nhận ra những gì là sự thật mà Đức Kitô đã loan báo; đồng thời, Ngài sẽ ban những ơn thánh đủ để thúc đẩy các tín hữu biết sống theo những gì Đức Kitô đã dạy bảo. Chương 8 của Thư Rôma cho chúng ta một đời sống viên mãn dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: Đừng chỉ tìm kiếm những của ăn mau hư nát.
3.1/ Dân chúng tìm Chúa vì đã được ăn no nê: Trình thuật của Gioan hôm nay tiếp tục trình thuật của tuần trước, khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi hơn 5,000 người ăn uống no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, mà vẫn còn dư 12 thúng đầy những mảnh vụn. Sau đó, họ hợp lại và muốn tôn Chúa Giêsu làm vua; nhưng Chúa Giêsu truyền lệnh cho các tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Đêm đó, biển động mạnh làm thuyền các tông-đồ gần chìm. Chúa Giêsu từ trên núi đi trên mặt biển đến để trấn an các ông, và làm cho sóng yên biển lặng. Thuyền của các tông-đồ ghé bến Capernaum bình an.
Phần dân chúng, khi họ thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capernaum tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”
Chúa Giêsu thấu hiểu dụng ý của dân chúng, như ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc: Họ sẽ tôn Ngài làm vua, nếu Ngài tiếp tục làm phép lạ cho họ có của ăn, mà không cần phải vất vả làm việc!
3.2/ Chúa Giêsu chỉ dạy cho dân chúng tìm lương thực tồn tại muôn đời: Chúa từ chối dụng ý của dân chúng, như Chúa đã từ chối thẳng thừng cám dỗ của ma quỉ trong sa mạc. Tuy nhiên, Chúa vẫn kiên nhẫn dạy dỗ và cắt nghĩa cho dân chúng thấy những giá trị tốt lành và vĩnh cửu hơn là lương thực vật chất: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Lương thực mau hư nát ai cũng có thể hiểu được: ngoài đồ ăn thức uống, còn có thể hiểu là những giá trị chóng qua của thế gian như: tiền bạc, của cải, thú vui, danh vọng, chức quyền … Về lương thực mang lại giá trị vĩnh cửu, chúng ta phải học hỏi hết chương 6 của Gioan trong ba tuần kế tiếp. Một cách tổng quát, Chúa Giêsu muốn đề cập đến hai điều căn bản:
(1) Thánh ý Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”
Điều nền tảng nhất trong cuộc đời là tìm ra và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu đã làm. Theo Kế Họach Cứu Độ, Đức Kitô là Con Thiên Chúa, được sai đến để cứu chuộc con người. Vì thế, theo thánh ý Thiên Chúa, con người phải tin vào Ngài để được hưởng ơn cứu độ. Việc tin vào Đức Kitô không đơn thuần là thái độ của trí khôn trong một lúc; nhưng là tin và thực hành tất cả những gì Đức Kitô đã mặc khải và truyền dạy. Hơn nữa, con người còn phải sẵn sàng chấp nhận gian khổ để làm chứng cho Ngài.
(2) Bí-tích Thánh Thể: Không phải chuyện tình cờ mà Gioan đề cập đến biến cố Thiên Chúa cho con cái Israel ăn manna trong sa mạc, và biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ “Bánh hóa nhiều.” Thánh Gioan muốn dẫn chúng ta đến sự quan trọng của Bí-tích Thánh Thể khi Chúa Giêsu chuyển đề và trả lời người Do-thái như sau: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Chúng ta sẽ nói về BT Thánh Thể trong ba tuần tới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần khôn ngoan để phân biệt lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn; để rồi biết dành thời gian tương xứng, và ra sức làm việc cho lương thực trường tồn.
– Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài có dư uy quyền để ban cho chúng ta lương thực hàng ngày. Chúng ta có dám tin tưởng điều đó không?
– Một trong những thói xấu của con người là thói quen đầu cơ tích trữ để người khác phải đói khát. Chúa dạy chúng ta xin cho đủ lương thực hàng ngày; chứ không xin cho có đủ lương thực hay có tiền đủ để mua lương thực cho cả một đời!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************