Chúa Nhật (02-04-2023) – Trang suy niệm

01/04/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM A

KÍNH NHỚ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA (làm phép lá)

BÀI PHÚC ÂM: Mt 21, 1-11

“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay”. Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán:

“Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ”.

Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô con vua Đavit! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!”

Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: “Người đó là ai vậy?” Dân chúng trả lời rằng: “Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa”. Đó là lời Chúa.

 

THÁNH LỄ

BÀI ĐỌC I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)

1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”.

2) Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con.

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.

4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!” – Ðáp.

BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

BÀI THƯƠNG KHÓ: Mt 26,14 – 27,66 (bài dài)

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C: Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai, tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và nói với họ: S. “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” C. Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người. Ngày thứ nhất tuần lễ ăn bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: S. “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Các con hãy vào thành, đến với một người kia nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. C. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: J. “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. C. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: S. “Thưa Thầy, có phải con không?” C. Người trả lời rằng: J. “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy. Thực ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ sẽ nộp Con Người! Thà người đó đừng sinh ra thì hơn!” C. Giuđa, kẻ phản bội, cũng thưa Người rằng: S. “Thưa Thầy, có phải con chăng?” C. Chúa đáp: J. “Ðúng như con nói”. C. Vậy khi mọi người còn đang ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: J. “Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Ta”. C. Ðoạn Người cầm lấy chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ mà phán: J. “Tất cả các con hãy uống chén này, vì này là Máu Ta, Máu Tân Ước, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội. Thầy bảo các con: Từ nay, Thầy sẽ không còn uống chất nho này nữa cho đến ngày Thầy sẽ uống rượu mới cùng các con trong nước Cha Thầy”.

C: Sau khi hát thánh vịnh, Thầy trò liền lên núi Ôliu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông: J. “Tất cả các con sẽ vấp phạm vì Thầy trong chính đêm nay, vì có lời chép rằng: “Ta sẽ đánh chủ chăn, và các chiên trong đoàn sẽ tan tác”. Nhưng sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến xứ Galilêa trước các con”. C. Phêrô liền thưa: S. “Dù tất cả vấp phạm vì Thầy, riêng con, con sẽ không bao giờ vấp phạm”. C. Chúa Giêsu đáp: J. “Thầy bảo thật con, chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần”. C. Phêrô lại thưa: S. “Dù có phải chết cùng Thầy, con sẽ không chối Thầy”. C. Và tất cả các môn đệ cùng nói như vậy.

Rồi Chúa Giêsu cùng đi với các ông đến một chỗ gọi là Ghếtsêmani, và Người bảo các môn đệ: J. “Các con hãy ngồi đây để Thầy đến đàng kia cầu nguyện”. C. Ðoạn Chúa đưa Phêrô và hai người con ông Giêbêđê cùng đi, Người bắt đầu cảm thấy buồn bực và sầu não. Lúc ấy, Người bảo các ông: J. “Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được; các con hãy ở lại đây và thức với Thầy”. C. Tiến xa hơn một chút, Người sấp mặt xuống, cầu nguyện và nói: J. “Lạy Cha, nếu được, xin cho Con khỏi chén này! Nhưng đừng như ý Con muốn, một theo ý Cha muốn”. C. Người trở lại cùng các môn đệ và thấy các ông đang ngủ, liền nói với Phêrô: J. “Chẳng lẽ các con không thức cùng Thầy được lấy một giờ ư? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi lâm cơn cám dỗ: vì tinh thần thì lanh lẹ, nhưng xác thịt thì yếu đuối”. C. Rồi Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai mà rằng: J. “Lạy Cha, nếu chén này không thể qua đi được mà Con phải uống, thì xin theo ý Cha”. C. Ðoạn Người trở lại và thấy các ông còn ngủ, vì mắt các ông nặng trĩu. Người để mặc các ông và đi cầu nguyện lần thứ ba, vẫn lại những lời như trước. Sau đó Người trở lại với các môn đệ và bảo: J. “Bây giờ các con hãy ngủ và nghỉ ngơi đi! Này sắp đến giờ Con Người sẽ bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi. Các con hãy chỗi dậy. Chúng ta hãy đi: này kẻ nộp Thầy đã tới gần”.

C: Người còn đang nói, thì đây, Giuđa, một trong nhóm mười hai, và cùng với y có lũ đông mang gươm giáo gậy gộc, do các thượng tế và kỳ lão trong dân sai đến. Vậy tên nội công đã dặn họ ám hiệu này: S. “Hễ tôi hôn người nào, thì đó chính là Người, các ông hãy bắt lấy”. C. Tức khắc Giuđa tới gần Chúa Giêsu và nói: S. “Chào Thầy”. C. Và nó hôn Người. Nhưng Chúa Giêsu bảo: J. “Hỡi bạn, bạn đến đây làm chi?” C. Lúc đó chúng xông tới, tra tay bắt Chúa Giêsu. Ngay sau đó, một trong những người vẫn theo Chúa Giêsu, giơ tay rút gươm và chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt một tai. Chúa Giêsu liền bảo: J. “Con hãy xỏ ngay gươm vào bao: vì tất cả những kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm. Nào con tưởng rằng Thầy không thể xin Cha Thầy và Ngài sẽ tức khắc gởi đến hơn mười hai cơ binh thiên thần sao? Mà như thế thì làm sao ứng nghiệm lời Kinh Thánh bảo: Sự thế phải như vậy?” C. Lúc đó Chúa Giêsu nói cùng đám đông rằng: J. “Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp ư? Hằng ngày Ta ngồi trong đền thờ, giữa các ngươi, mà các ngươi không bắt Ta. Nhưng tất cả sự đó xảy ra là để ứng nghiệm lời các tiên tri đã chép”. C. Bấy giờ các môn đệ bỏ Người và chạy trốn hết.

Những kẻ đã bắt Chúa Giêsu điệu Người đến thầy thượng tế Caipha. Nơi đây các luật sĩ và kỳ lão đã hội họp. Phêrô theo Người xa xa cho tới dinh thầy thượng tế. Rồi ông vào trong dinh ngồi cùng bọn đầy tớ, xem việc xảy ra thế nào. Vậy các thượng tế và tất cả công nghị tìm chứng gian cáo Chúa Giêsu để lên án xử tử Người. Và họ đã không tìm được, mặc dù đã có một số đông chứng nhân ra mắt. Sau cùng, hai người làm chứng gian đến khai rằng: S. “Người này đã nói: Ta có thể phá đền thờ Thiên Chúa và xây cất lại trong ba ngày”. C. Bấy giờ thầy thượng tế đứng lên nói: S. “Ông không trả lời gì về các điều những người này đã cáo ông ư?” C. Nhưng Chúa Giêsu làm thinh, nên thầy thượng tế bảo Người: S. “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, ta truyền cho ông hãy nói cho chúng ta biết: Ông có phải là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa không?” C. Chúa Giêsu trả lời: J. “Ông đã nói đúng. Nhưng Ta nói thật với các ông: rồi đây các ông sẽ xem thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng, và sẽ đến trên đám mây”. C. Bấy giờ thầy thượng tế xé áo mình ra và nói: S. “Nó đã nói lộng ngôn! Chúng ta còn cần gì đến nhân chứng nữa? Ðây các ngài vừa nghe lời lộng ngôn. Các ngài nghĩ sao?” C. Họ đáp lại: S. “Nó đáng chết!” C. Bấy giờ chúng nhổ vào mặt Người, đấm đánh Người, lại có kẻ tát vả Người mà nói rằng: S. “Hỡi Kitô, hãy bói xem, ai đánh ông đó?” C. Còn Phêrô ngồi ở ngoài sân. Một đầy tớ gái lại gần và nói: S. “Ông nữa, ông cũng đã theo Giêsu người xứ Galilêa”. C. Nhưng ông chối trước mặt mọi người mà rằng: S. “Tôi không hiểu chị muốn nói gì?” C. Khi ông lui ra đến cổng, một đầy tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: S. “Ông này cũng theo Giêsu người Nadarét”. C. Ông thề mà chối rằng: S. “Tôi không biết người ấy”. C. Một lúc sau, mấy người đứng đó lại gần mà nói với Phêrô rằng: S. “Ðúng rồi, ngươi cũng thuộc bọn ấy. Vì chính giọng nói của ngươi tiết lộ tông tích ngươi”. C. Bấy giờ ông rủa mà thề rằng: ông không hề biết người ấy. Tức thì gà gáy. Phêrô nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói: “Trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần”, và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

Trời vừa sáng, các thượng tế và kỳ lão trong dân hội họp bày mưu giết Chúa Giêsu. Họ trói Người và điệu đi nộp cho tổng trấn Phongxiô Philatô. Bấy giờ Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận, đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ lão mà nói rằng: S. “Tôi đã phạm tội vì nộp máu người công chính”. C. Nhưng họ trả lời: S. “Can chi đến chúng tôi! Mặc kệ anh!” C. Anh ta ném những đồng bạc đó vào trong đền thờ và ra đi thắt cổ. Các thượng tế lượm lấy bạc đó và nói: S. “Không nên để bạc này vào kho vì là giá máu”. C. Sau khi bàn bạc, họ lấy tiền đó mua thửa ruộng của người thợ gốm làm nơi chôn cất những người ngoại kiều. Bởi thế, ruộng ấy cho đến ngày nay được gọi là Haselđama, nghĩa là ruộng máu. Như vậy là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia nói: “Chúng đã lấy ba mươi đồng bạc là giá do con cái Israel đã mặc cả mà bán Ðấng cao trọng. Và họ mang tiền đó mua ruộng của người thợ gốm như lời Chúa đã truyền cho tôi”.

Vậy Chúa Giêsu đứng trước quan tổng trấn, và quan hỏi Người rằng: S. “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Ông nói đúng!” C. Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. “Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao?” C. Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Baraba. Vậy Philatô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng: S. “Các ngươi muốn ta phóng thích ai, Baraba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô?” C. Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng: S. “Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”. C. Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ: S. “Trong hai người đó các ngươi muốn ta phóng thích ai?” C. Họ thưa: S. “Baraba!” C. Philatô hỏi: S. “Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô, ta phải làm gì?” C. Họ đồng thanh đáp: S. “Ðóng đinh nó đi!” C. Quan lại hỏi: S. “Nhưng người này đã làm gì nên tội?” C. Chúng càng la to: S. “Ðóng đinh nó đi!” C. Bấy giờ Philatô thấy mất công, lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói: S. “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi”. C. Toàn dân đáp: S. “Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi”. C. Bấy giờ quan phóng thích Baraba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá.

Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng: S. “Tâu vua dân Do-thái!” C. Ðoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Xyrênê tên là Simon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người. Họ đi đến một nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng: “Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm”. Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau: Người này là Giêsu, vua dân Do-thái. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả. Những người đi ngang qua, lắc đầu chế diễu Người và nói: S. “Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!” C. Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng: S. “Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua dân Do-thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” C. Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: J. “Eli, Eli, lema sabachtani!” C. Nghĩa là: J. “Lạy Chúa con, lạy Chúa con! sao Chúa bỏ con!” C. Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng: S. “Nó gọi tiên tri Elia”. C. Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy dấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo: S. “Hãy chờ xem Elia có đến cứu nó không?” C. Ðoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Bỗng nhiên màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, thấy đất chuyển động và các sự xảy ra, thì thất kinh sợ hãi và nói: S. “Ðúng người này là Con Thiên Chúa”.

C: Ở đó cũng có nhiều phụ nữ đứng xa xa; họ là những người đã theo giúp Chúa Giêsu từ xứ Galilêa. Trong số đó có Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê và Giuse, và mẹ các người con của Giêbêđê. Tới chiều có một người giàu sang quê ở Arimathia tên là Giuse, cũng đã làm môn đệ Chúa Giêsu, ông đi gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Bấy giờ Philatô truyền giao xác cho ông. Vậy ông Giuse lấy xác, liệm trong một khăn sạch, và đặt trong mồ mà ông đã cho đục trong đá, rồi ông lăn một tảng đá lớn lấp cửa mồ lại và ra về. Còn Maria Mađalêna và bà Maria kia cùng ngồi đó nhìn vào mộ. Hôm sau, tức là sau ngày chuẩn bị mừng lễ, các thượng tế và biệt phái đến dinh Philatô trình rằng: S. “Thưa ngài, chúng tôi nhớ, lúc sinh thời tên bịp bợm ấy có nói: “Sau ba ngày, Ta sẽ sống lại”. Vậy xin ngài truyền lệnh cho canh mộ đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ nó lấy trộm xác rồi phao đồn với dân chúng rằng: Người đã từ cõi chết sống lại! Và như thế, sự gian dối này lại còn tai hại hơn trước”. C. Philatô trả lời: S. Các ông đã có lính canh thì cứ đi mà canh như ý. C. Họ liền đi và đóng ấn niêm phong tảng đá và cắt lính canh giữ mồ.

 

HOẶC ĐỌC BÀI VẮN NÀY: Mt 27, 11-54

Khi ấy, Chúa Giêsu đứng trước quan tổng trấn, và quan hỏi Người rằng: S. “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Ông nói đúng!” C. Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. “Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao?” C. Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Baraba. Vậy Philatô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng: S. “Các ngươi muốn ta phóng thích ai, Baraba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô?” C. Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng: S. “Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”. C. Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ: S. “Trong hai người đó các ngươi muốn ta phóng thích ai?” C. Họ thưa: S. “Baraba!” C. Philatô hỏi: S. “Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô, ta phải làm gì?” C. Họ đồng thanh đáp: S. “Ðóng đinh nó đi!” C. Quan lại hỏi: S. “Nhưng người này đã làm gì nên tội?” C. Chúng càng la to: S. “Ðóng đinh nó đi!” C. Bấy giờ Philatô thấy mất công, lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói: S. “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi”. C. Toàn dân đáp: S. “Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi”. C. Bấy giờ quan phóng thích Baraba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá.

Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng: S. “Tâu vua dân Do-thái!” C. Ðoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Xyrênê tên là Simon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người. Họ đi đến một nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng: “Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm”. Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau: Người này là Giêsu, vua dân Do-thái. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả. Những người đi ngang qua, lắc đầu chế diễu Người và nói: S. “Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!” C. Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng: S. “Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua dân Do-thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” C. Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: J. “Eli, Eli, lema sabachtani!” C. Nghĩa là: J. “Lạy Chúa con, lạy Chúa con! sao Chúa bỏ con!” C. Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng: S. “Nó gọi tiên tri Elia”. C. Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy dấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo: S. “Hãy chờ xem Elia có đến cứu nó không?” C. Ðoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Bỗng nhiên màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, thấy đất chuyển động và các sự xảy ra, thì thất kinh sợ hãi và nói: S. “Ðúng người này là Con Thiên Chúa”.

C: Ở đó cũng có nhiều phụ nữ đứng xa xa; họ là những người đã theo giúp Chúa Giêsu từ xứ Galilêa. Trong số đó có Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê và Giuse, và mẹ các người con của Giêbêđê. Tới chiều có một người giàu sang quê ở Arimathia tên là Giuse, cũng đã làm môn đệ Chúa Giêsu, ông đi gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Bấy giờ Philatô truyền giao xác cho ông. Vậy ông Giuse lấy xác, liệm trong một khăn sạch, và đặt trong mồ mà ông đã cho đục trong đá, rồi ông lăn một tảng đá lớn lấp cửa mồ lại và ra về. Còn Maria Mađalêna và bà Maria kia cùng ngồi đó nhìn vào mộ. Hôm sau, tức là sau ngày chuẩn bị mừng lễ, các thượng tế và biệt phái đến dinh Philatô trình rằng: S. “Thưa ngài, chúng tôi nhớ, lúc sinh thời tên bịp bợm ấy có nói: “Sau ba ngày, Ta sẽ sống lại”. Vậy xin ngài truyền lệnh cho canh mộ đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ nó lấy trộm xác rồi phao đồn với dân chúng rằng: Người đã từ cõi chết sống lại! Và như thế, sự gian dối này lại còn tai hại hơn trước”. C. Philatô trả lời: S. Các ông đã có lính canh thì cứ đi mà canh như ý. C. Họ liền đi và đóng ấn niêm phong tảng đá và cắt lính canh giữ mồ.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

02/04/2023 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ – A

Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su

Mt 26,14-27,66

HIẾN THÂN VÌ YÊU THƯƠNG VÀ VÂNG PHỤC

Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. (Mt 27,50)

Suy niệm: Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su kết thúc không thể bi thảm hơn. Người đã từng được hàng ngàn người theo đuổi để tôn làm vua, từng được tung hô sau những phép lạ “chưa hề thấy bao giờ” (Mt 9,33), thế mà nay, bị tra tấn, bị sỉ nhục, vác thập giá, chịu đóng đinh, và giờ đây trên thập giá, Người chỉ “kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn”. Cái chết của Chúa Giê-su tưởng chừng như là một thất bại ê chề; thế nhưng chính trong giây phút đó, Người hoàn tất chương trình cứu độ Chúa Cha giao phó, và cũng chính lúc đó, viên đội trưởng Rô-ma đứng dưới chân thập giá đã nhận ra: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mt 15,39).

Mời Bạn: Vì yêu mến và vâng phục Chúa Cha, Chúa Giê-su đã hiến thân chịu chết “như con chiên hiền lành bị giết đi không kêu một lời” để nên “giá cứu chuộc nhân loại” (x. Is 53,7). Đau khổ và cái chết của Đức Ki-tô có một ý nghĩa và đem lại hiệu quả là sự sống vĩnh cửu cho muôn người. Mời bạn cùng với Đức Giê-su, can đảm bước vào cuộc khổ nạn của chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày là những vất vả lao nhọc của việc bổn phận hằng ngày, và cả những than trách xúc phạm từ anh chị em, để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Kết hiệp với Đức Ki-tô chịu đóng đinh, bạn đón nhận những sự xúc phạm cũng như những khó nhọc tự nhiên trong cuộc sống với sự vui tươi và nhẫn nại để mau mắn phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đón nhận những đau khổ trong cuộc sống với lòng yêu mến để cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Xin cho con dám chết đi cho con người tội lỗi để được phục sinh vinh quang với Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
khi thế giới hôm nay đang sống trong cuộc thương khó của mình.
Toàn bộ cuộc sống của nhân loại chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh
do một loại vi rút mới mà người ta chưa rõ tính chất của nó.
Nó có mặt ở trên hai trăm quốc gia, và bắt nửa dân số thế giới phải ở nhà.
Cả triệu người nhiễm bệnh, hơn sáu chục ngàn người chết.
Không đủ bệnh viện, không đủ giường, không đủ khẩu trang,
Không đủ máy thở, không đủ nhà xác, không đủ lò thiêu,
Và cũng không đủ nhân viên y tế được trang bị kỹ càng.
Cái chết đến khi người ta khó thở, ngộp thở và tắt thở.
Người chết thường phải chết một mình, vắng bóng người thân.
Chẳng có tang lễ cầu kỳ, có khi chẳng có người thân đưa ra mộ.

Trong bầu khí ảm đạm của cả thế giới đang chiến đấu chống dịch,
Thập giá của Đức Giêsu cách đây gần hai ngàn năm
Có đem lại cho chúng ta niềm an ủi nào không?

Đức Giêsu bị treo giữa trời và đất.
Tay chân Ngài bị đóng đinh, máu chảy ra từ những vết thương,
Trận roi đòn làm rách da thịt khiến Ngài kiệt sức.
Khuôn mặt của Ngài vẫn còn nguyên những vết khạc nhổ.
Ngài bị khạc nhổ ở nhà thượng tế Caipha và ở dinh Philatô.
Ngài luôn phải nghe những lời tố cáo của các nhà lãnh đạo.
Nhưng Ngài vẫn chẳng đáp lại một lời (Mt 26,63; 27,12-24).
Như con chiên trước lò sát, Ngài hiền lành đón nhận mọi sự.

Đức Giêsu trên thập giá là Đức Giêsu bị cám dỗ.
Cám dỗ này tương tự như cám dỗ trong hoang địa.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi.
Chỉ cần xuống là chúng ta tin liền” (Mt 27,42).
Đức Giêsu đã không xuống, và cũng không xin Cha đưa mình xuống.
Ngài biết rõ Cha muốn Ngài ở đây, chịu cơn thử thách này.
Ngài biết Cha muốn Ngài uống chén đắng,
nên Ngài đã để cho mình bị bắt mà không kháng cự.
Cha sẽ giải thoát Ngài theo cách Cha muốn và vào lúc Cha muốn.
Đức Giêsu là Con, ở lại trên thập giá và để cho Cha định liệu.

Đức Giêsu trên thập giá là Đức Giêsu giang tay.
Và đây là hai bàn tay trắng.
Ngài không mang theo điều gì khi về với Cha, trừ tình yêu.
Ngài chấp nhận mất tất cả: mạng sống, danh dự, môn đệ…
Giuđa đã phản bội, Phêrô đã chối, môn đệ khác đã bỏ chạy.
Ngài bị coi là xấu xa hơn Barabba, bị đóng đinh giữa hai tên cướp.
Cả đến y phục Ngài mặc cũng đã bị tước đoạt.
Bây giờ cái chết đang từ từ nuốt chửng Ngài.
Hơi thở của Ngài trở nên khó khăn và ngắt quãng.
Nhưng điều kinh khủng hơn cả mà giờ đây Ngài bị mất,
đó là niềm an ủi đỡ nâng mà Ngài vẫn có từ Cha.
“Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46).
Vào lúc Ngài cần Cha hơn cả thì Ngài lại cảm thấy như bị Cha bỏ rơi,
Nhưng Đức Giêsu vẫn gọi Cha, trò chuyện với Cha, và hỏi Cha.
Đúng là Ngài thấy Cha xa cách mình, để mình bơ vơ,
nhưng chưa bao giờ Ngài để cho mối dây với Cha bị cắt đứt.

Đức Giêsu đã trút hơi thở cuối cùng như mọi người chúng ta.
Trước khi chết Ngài đã kêu lớn tiếng, đã gọi tên Thiên Chúa.
Ngài ra đi một mình như nhiều người trong chúng ta.
Cái chết của Ngài không có vẻ nhẹ nhàng êm ả,
nhưng khốc liệt như một cuộc chiến đấu đã mang về phần thắng.
Ngài đúng là một người công chính (Mt 27,19),
đúng là Con Thiên Chúa như lời viên sĩ quan dân ngoại (Mt 27,54).

Hôm nay cũng có bao bệnh nhân đang hấp hối trong Vườn Dầu.
Có những người đang bị đóng đinh vào giường bệnh,
Có những người sắp về với Chúa mà vẫn hỏi: Tại sao Chúa bỏ con?
Chúng ta cầu xin cho những ai chết giống Chúa trên thập giá,
chết cho Chúa và chết trong Chúa,
cũng hy vọng được sống lại như Chúa Giêsu phục sinh.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
Con người hôm nay chênh vênh giữa trời cao và vực thẳm,
Chúa đã cho chúng con tự do để chọn
giữa thiện và ác,
giữa đồng cảm và vô cảm,
giữa chân lý và dối trá.
giữa tha thứ và hận thù,
giữa hiệp nhất và chia rẽ.

Chúa đã được giương cao khỏi mặt đất,
Và Chúa hứa sẽ kéo mọi người lên.
Vậy mà chúng con hôm nay vẫn còn chênh vênh!
Cuộc đời này có bao điều hút chúng con xuống,
Khiến chúng con cứ bị giằng co nghiêng ngả.

Xin giúp chúng con buông bỏ những đam mê trần tục,       
Để dám chọn điều Chúa đã chọn trên Thánh Giá:
chọn khó nghèo, nhục nhã, chọn tự hạ, khổ đau.
Nhờ sức mạnh cứu độ của Thánh Giá Chúa,
Xin đưa chúng con ra khỏi thế đứng chênh vênh
Để trọn vẹn thuộc về Chúa.

(Sr. Augusta Lý Bích Nam)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

1 THÁNG TƯ

Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn

Bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu truyền thống, bao nhiêu nền văn hóa, bao nhiêu tôn giáo đã bảo vệ và tiếp tục bảo vệ hình ảnh của chính mình nghĩ ra về Thiên Chúa?

Thiên Chúa là hữu thể vô cùng hoàn hảo, là hữu thể tối cao và khôn dò; Ngài là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự. Dường như chuyện Ngài trở thành con người là điều không thể được; cũng dường như không thể được, chuyện Ngài hầu hạ và rửa chân cho các tông đồ, hoặc chuyện Ngài có thể chết trên thập giá. Nhưng, đó là cái nhìn của con người.

Cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Nói một cách thật đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã tạo thành con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập giao ước với con người. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã trở thành con người. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để cho con người có thể đạt được sự sống đời đời (Ga 3,16). Vì Ngài là tình yêu, Thiên Chúa đã chấp nhận con đường thập giá để thứ tha tội lỗi nhân trần và để thiết lập giao ước mới – giao ước vĩnh cửu – trong máu Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Tình yêu không nhắm gì khác ngoài sự tốt lành mà nó khao khát muốn làm. Vì sự tốt lành này mà Đấng Toàn Năng sẵn lòng trở nên yếu đuối như một con người, chấp nhận số phận chết như một con người. Ngài sẵn lòng trở nên yếu đuối và bị nhai nuốt đi như tấm bánh: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đóng đanh hay không? Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa hiến tế hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra ngay chính trung tâm của Tam Nhật Thánh.

Hỏi – tức là đã trả lời. Vâng, con người có thể chấp nhận hay từ chối vị Thiên Chúa của tình yêu vô hạn ấy. Thật vậy, con người có thể quay lưng chống lại Thiên Chúa hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài “không thể phủ nhận chính Ngài” (2Tm 2,13). Ngài không thể thôi là chính Ngài! Ngài không thể thôi là tình yêu!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 02/4

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA)

Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mt 26, 14-27., 66.

LỜI SUY NIỆM: “Bấy giờ một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcaêiốt đi gặp các thượng tế mà nói: Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.”

          Guida Ítcariốt là một mẫu gương cho những con người phản bội, đối với những kẻ phản bội tuy họ nằm trong cùng một nhóm, cùng một hội đoàn, cùng được học tập và đào tạo, nhưng trong tâm trí họ mang một chủ trương, một đường lối khác hẳn, chỉ chờ cơ hội thuận tiện, thì họ sẽ đi ngược lại với những gì họ đã được đào tạo và sự tin tưởng của những người cùng sống với họ.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con có tâm hồn ngay thẳng và trung tín đối với Chúa, đối với Giáo Hội và đối với nhau, để được vui sống trong bình an. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 02-04

Thánh PHANXICÔ PAOLA
Ẩn tu – (1416 – 1507)

Phanxicô chào đời tại Paola miền Calabria ngày 27 tháng 5 năm 1416. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng rất đạo đức. Lập gia đình đã lâu mà không có con, họ xin thánh Phaxicô khó khăn cần bầu. Họ được nhận lời và khi đưa con trẻ tới bờ giếng rửa tội, họ đã đặt tên cho con trẻ là Phanxicô để tỏ lòng biết ơn.

Người mẹ thánh thiện đã muốn tự mình nuôi dưỡng đứa trẻ và có thể nói, bà đã cho con hấp thụ nền đạo đức cùng với dòng sữa mẹ. Bởi thế ngay từ thuở ấu thơ, Phanxicô đã yêu thích cầu nguyện và hy sinh là hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Một ngày trời lạnh, bà mẹ thấy con quỳ lần chuỗi ngoài vườn, bà bảo: – Cầu nguyện lâu như vậy sao con không lấy nón mà đội ?

Phanxicô nói mình phải để đầu trần vì : “Việc đó lại không phải để lòng tôn kính Đức Trinh Nữ là Nữ Vương Thiên quốc sao ?”

Một trẻ em đạo đức cũng là một gương mẫu vâng phục. Người ta kể lại rằng: ngày kia bà thân mẫu bảo Phanxicô ngừng cầu nguyện để giải trí đôi chút, thánh nhân đã mau mắn trả lời: “Mẹ biết con rất thích nói chuyện và Chúa, nhưng con xin vâng theo lời mẹ dạy”.

Lúc 13 tuổi, Phanxicô vào dòng thánh Marcô của các cha dòng Phanxicô, để thực hiện lời khấn của cha mẹ Ngài, khi Ngài bị bệnh sưng mắt. Tại tu viện, Phanxicô dù không có lời khấn, nhưng đã sống đời gương mẫu nhiệm nhặt. Các thày dòng cảmkích vì gương mẫu của thánh nhân đã tìm cách giữ Ngài lại trong dòng. Nhưng hai năm sau, Phanxicô cùng với cha mẹ đi hành hương Roma. Trở về, Ngài biết rõ ý Chúa muốn kêu gọi mình cách khác. Được sự đồng ý của cha mẹ, Ngài lui vào nơi thanh vắng và nhiệt tâm sống đời cầu nguyện hy sinh.

Hương thơm nhân đức của vị ẩn sĩ 15 tuổi lan rộng khắp nơi. Đến năm 19 tuổi, vì sự khẩn nài tha thiết Ngài đã nhận một số bạn trẻ. Họ làm ba phòng và một nhà nguyện gần hang đá của Ngài. Hàng ngày một lần đến cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích. Đó là nguồn gốc của dòng Anh em rất hèn mọn (Minimes), được tòa thánh phê chuẩn năm 1506. Các tu sĩ của dòng này kiên trì thực hành Đức khiêm tốn và Bác ái. Ngoài ba lời khấn họ còn giữ chay trường.

Chắc chắn trong dòng không ai sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, khiêm tốn và vui tươi hơn thánh Phanxicô. Đời sống như một hiến tế không ngừng ấy làm đẹp lòng Chúa, khiến thánh nhân được ơn làm nhiều phép lạ.

Chúng ta ghi lại một vài phép lạ như sau:

– Một lần kia, thánh nhân muốn đi từ Calabria về Sicilia. Nhưng vì không có tiền trả lộ phí cho mình và cho một người bạn đường, các thủy thủ đã không cho Ngài xuống tàu Thánh nhân liền trải áo xuống nước và cùng với người bạn đường áp con tàu kỳ lạ này về Sicilia.

– Một lần khác công nhân xây cất tu viện của Ngài thiếu nước Ngài làm cho một cái giếng nước chảy ra từ một phiến đá. Giếng này không bao giờ cạn.

– Đặc biệt nhất phải kể đến việc Ngài phục sinh cho đứa cháu của mình. Em Ngài là Birgitta có một đứa con muốn vào tu dòng của cậu. Nhưng với sự quyến luyến tự nhiên của một người mẹ, bà luôn tìm cách ngăn cản. Đứa bé đã chết. Bà tìm đến gặp anh mình để mong được an ủi. Bà nói: – Chính em đã gây ra cái chết này, nếu em đồng ý cho nó đi tu thì nó đã không phải chết.

Thánh nhân trả lời em mình: – Nếu nó còn sống thì em có đồng ý không ?

– Dĩ nhiên nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.

Không nói thêm một lời, Phanxicô đến gần đứa trẻ và làm cho nó sống lại. Người mẹ dường như không tin ở mắt mình nữa. Người ta còn nói có tới 60 người được thánh nhân làm cho sống lại như vậy.

Đức giáo hoàng Phaolô II muốn biết rõ những lời đồn thổi về thánh nhân. Ngài sai một người đến tìm hiểu những thực. Vị sứ giả đến tu viện mà không báo tin trước. Thấy Phanxicô, Ngài muốn cung kính hôn tay thánh nhân, nhưng vị tu sĩ đã phản đối.

Ngài nói: – Chính con phải hôn đôi tay đã 33 năm dâng hy lễ mới phải. Vị sứ giả rất đỗi kinh ngạc vì Phanxicô đã không hề biết tới Ngài trước đây. Để sáng tỏ hơn, Ngài đàm luận riêng với thánh nhân và rất thán phục vì những lời đáp đầy khôn ngoan và đức tin của Thánh nhân. trở về trình bày cho Đức Giáo hoàng, vị sứ giả cho biết những lời đồn thổi về công việc và công đức của thánh Phanxicô Paola còn kém xa sự thực rất nhiều.

Vua Luy XI đau nặng. Ông muốn mời thánh nhân đến Pháp để xin được chữa lành. Thánh nhân còn ngập ngừng, nhưng vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài liền lên đường không một suy nghĩ đắn đo. Đáp lại nguyện vọng sống lâu của nhà vua Thánh nhân trả lời : – Cuộc sống của vua Chúa cũng có giới hạn như bao người khác. Lệnh của Thiên Chúa không thể xoay đổi được, tốt hơn cả là hãy vâng theo ý Chúa và dọn mình chết lành.

Cảm động vì những lời khuyên này, nhà vua đã hối cải và qua đời cách thánh thịên.

Phanxicô vội trở về Italia. Nhưng vua Charles VIII đã giữ không lại. Cả vua Luy XII sau này cũng vậy. Thánh nhân được coi như vị cố vấn soi sáng lương tâm và trong cả việc nước của hai vị vua nước Pháp ấy. Tại đây Ngài thiết lập nhiều nhà dòng.

Khi cảm thấy sắp phải lìa trần, thánh nhân như được tiếp nhận một tin vui. Ngày thư năm tuần thánh, Ngài tập họp các tu sĩ lại, khuyên họ giữ chay trường và luật dòng. Cầm than nóng trong tay Ngài nói: – Cha đoan quyết với con rằng: đối với người yêu mến Chúa, việc hoàn thành điều mình đã hứa với Chúa không khó hơn việc Cha cầm lửa trong tay này dâu.

Sau đó dựa vào một tu sĩ, Ngài dự lễ và rước mình thánh Chúa. Vì được ơn nói tiên tri và làm phép lạ, được mọi người từ vua quan tới dân chúng kính trọng, Ngài cột giây vào cổ và muốn người chết như một tội nhân. Ngày thứ sáu tuần thánh sau khi chỉ định người kế vị, chúc lành cho con cái, Ngài hôn thánh giá và tắt thở. Hôm ấy là ngày 02 tháng 04 năm 1507.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

02 Tháng Tư

Ve Sầu Kêu Ve Ve 

“Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối…”.

Trên đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn “Con ve và con kiến” của thi sĩ Pháp La Fontaine.

Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.

Theo sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3 năm. loại 17 năm v.v… Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.

Sinh vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt đất để bám chặt vào, rồi lột voe, biến thành con ve với hai cánh dài để bay… Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ để làm một công tác duy nhất làđẻ trứng rồi chết.

Kiếp sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.

Nếu đối với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.

Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.

Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A

Bài đọc: (Làm phép lá: Lk 19:28-40); Isa 50:4-7; Phi 2:5-11; Mt 26:14-27:66.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Qua đau khổ tới vinh quang

Con người không thích kỷ luật, kiêng cữ, luyện tập; nhưng các lực sĩ không thể thắng huy chương nếu không qua tiến trình này. Trên bước đường thiêng liêng cũng thế, con người cũng phải trải qua một tiến trình tương tự, nhất là phải được thử thách bằng gian nan đau khổ, để minh chứng đức tin vững mạnh của họ vào Thiên Chúa. Thánh Phêrô và tục ngữ Việt-nam đã từng nói: “lửa thử vàng, gian nan khốn khó thử nhân đức.” Người có nhân đức là người đã trải qua một tiến trình luyện tập, và đã thắng vượt mọi gian nan đau khổ.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những lý do khác nhau của việc chịu đau khổ của Đấng Thiên Sai. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah tường thuật sự đau khổ của Người Tôi Trung của Thiên Chúa trong Bài Ca Thứ Ba. Mục đích là để Ngài có thể an ủi những ai cũng phải ngang qua con đường đau khổ đó. Trong Bài Đọc II, Chúa Giêsu phải ngang qua con đường đau khổ để đạt tới tuyệt đỉnh của vinh quang, và Thiên Chúa đã siêu tôn và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Trong Phúc Âm, Matthew tường thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Mục đích là để Ngài gánh tội cho nhân loại, và trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhiều người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bài ca thứ ba về Người Tôi Trung của Thiên Chúa chịu đau khổ.

1.1/ Người Tôi Trung chịu đau khổ vì tin vào Thiên Chúa: Là con người ai, cũng sợ đau khổ; nhưng sở dĩ họ có can đảm để chịu đau khổ, vì họ có một niềm tin vững chắc vào hậu quả sẽ đạt tới; chẳng hạn, huy chương cho các lực sĩ, sự giải thóat của Thiên Chúa cho các con của Ngài.

Người Tôi Trung của Thiên Chúa cũng thế, Ngài tuyên xưng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Với một niềm xác tín vào Thiên Chúa như thế, Người Tôi Trung có can đảm đương đầu với mọi đau khổ, vì biết mình sẽ chiến thắng.

1.2/ Người Tôi Trung biết nâng đỡ những ai chịu đau khổ: Không những chỉ lãnh nhận huy chương sau cuộc đua, người lực sĩ còn có những phần thưởng khác kèm theo như: sức khỏe dẻo dai, ý chí kiên cường, các nhân đức… Người Tôi Trung của Thiên Chúa cũng thế, ngoài việc được tuyên dương bởi Chúa Cha, Ngài còn biết nâng đỡ những ai đang phải chịu đau khổ. Ngài nói: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.”

2/ Bài đọc II: Đức Giêsu Kitô trải qua đau khổ để đạt tới vinh quang.

2.1/ Đức Kitô khiêm nhường chịu đau khổ: Thánh Phaolô dùng gương của Chúa Giêsu chịu đau khổ để khuyên bảo các tín hữu Philipphê: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự.”

Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình chấp nhận một thân thể như con người. Điều này làm người Hy-lạp không thể hiểu nổi, vì trong khi họ đang tìm cách thóat ra khỏi thân xác mà họ coi là ngục tù của linh hồn; thì Chúa Giêsu lại muốn bị giam hãm trong một thân xác để nên giống con người. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn có uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa để dẹp tan các đau khổ; nhưng Ngài tự nguyện theo con đường của Chúa Cha, chấp nhận chết trên Thập Giá để chuộc tội cho con người. Kiêu ngạo tiêu hủy cả người kiêu ngạo lẫn tha nhân; nhưng khiêm nhường xây dựng người khiêm nhường và mang lại lợi ích cho tha nhân.

2.2/ Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Kitô: Vì không ai khiêm nhường, vâng lời, hy sinh chịu đau khổ như Chúa Giêsu; nên như một hậu quả, không ai được hưởng vinh quang như Ngài. Thánh Phaolô xác tín: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.””

Chúa Giêsu và thánh Phaolô cũng dùng gương sáng này để dạy các môn đệ và các tín hữu: “Ai trong các con muốn làm lớn nhất, hãy trở nên rốt hết và phục vụ mọi người” (Lk 22:26). “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rom 8:17b).

3/ Phúc Âm: Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu theo thánh Matthew

Vì bài Thương Khó rất dài, những ai muốn đọc chú giải có thể theo Cuộc Thương Khó theo Marcô, năm B, vì trình thuật về Cuộc Thương Khó của Matthew theo rất sát với trình thuật của Marcô. Chỉ có hai phần đặc biệt tập trung trong con người của Judas Iscariot, chúng ta sẽ chú giải chi tiết hai phần này trong sự phản bội của Judah. Thay vào đó, chúng ta sẽ chú trọng đặc biệt đến phản ứng của Chúa Giêsu khi Ngài đối diện với Cuộc Thương Khó, và các phản ứng của con người, đại diện bằng bốn thành phần: Simon Phêrô, Judas Iscarriot, Philatô, và những người trong Thượng Hội Đồng.

3.1/ Thái độ của Chúa Giêsu: Bốn thái độ của Chúa Giêsu chúng ta học được qua Cuộc Thương Khó.

(1) Ngài rất can đảm và sẵn sàng chấp nhận đau khổ: vì Ngài biết đau khổ chỉ tạm thời, và phải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang. Trước khi bước vào Cuộc Thương Khó, Ngài biết đau khổ chỉ kéo dài trong 3 ngày (Thứ Năm, Sáu, và Bảy Tuần Thánh), sau đó là vinh quang Phục Sinh như lời Ngài đã báo trước cho các tông-đồ. Chính niềm tin vững mạnh nơi Chúa Cha sẽ cho Ngài chiến thắng khải hoàn đã giúp Ngài vượt qua tất cả đau khổ. Chúng ta có thể dẫn chứng thái độ tự tin này bằng những biến cố xảy ra trong Cuộc Thương Khó.

– Đang khi dùng bữa, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy.” Chúa Giêsu có thể chỉ rõ Judah là người toan tính phản bội, hắn sẽ không thóat khỏi bàn tay của các tông-đồ khác, và Ngài sẽ thóat khỏi kế họach của hắn. Nhưng Chúa Giêsu không tố cáo Judah, Ngài cho hắn cơ hội để trở lại; nhưng Judah có tự do và đã chọn để làm ngơ trước lời cảnh cáo của Ngài: “Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”

– Sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cùng hát thánh vịnh tạ ơn Thiên Chúa với các môn đệ để ca tụng sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, cho dẫu Ngài sắp phải đương đầu với quyền lực của thế gian. Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu rất tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa và không sợ hãi hay buồn sầu.

(2) Ngài luôn vâng lời làm theo thánh ý Chúa Cha: Hai biến cố chứng tỏ sự vâng phục, luôn tìm làm theo thánh ý Chúa Cha của Ngài.

– Thứ nhất, Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Ghetsemane. Người nói với các ông: “Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện.” Rồi Người đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” Trong giờ hấp hối trước Cuộc Thương Khó sắp tới, Chúa Giêsu muốn có sự liên hệ mật thiết với Cha Ngài và với các môn đệ; nhưng Ngài không nhận được sự đáp trả của bên nào: Cha dường như ẩn mặt; các tông đồ có mặt cũng như không! Loay hoay, chạy đi chạy lại trong vườn, Chúa Giêsu cảm thấy hầu như tất cả đều bỏ mình. Tuy vậy, Ngài vẫn can đảm cầu nguyện: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” Chúa Giêsu, trong thân xác con người, sợ hãi những gì sắp xảy ra cho Ngài; nên Ngài cầu xin Cha cất chén đắng, vì Ngài tin Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Dẫu vậy, Ngài vẫn một lòng tuân phục thánh ý của Thiên Chúa hơn ý riêng mình. Sau khi cầu nguyện lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”

– Thứ hai, là giờ hấp hối của Chúa Giêsu trên Thập Giá: “Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Eli, Eli, lema sabacthani,” nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Elijah.” Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Elijah có đến đem hắn xuống không.” Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Elijah có đến cứu hắn không!” Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.

Những người đứng đó chỉ nghe hai chữ đầu, nên họ tưởng Chúa Giêsu đang gọi ngôn sứ Elijah. Sự kiện bức màn phân biệt chỗ cực thánh trong Đền Thờ khỏi tầm mắt của dân chúng được các học giả phân tích là kể từ nay, con người không cần đợi đến Ngày Xá Tội để được thầy Thượng Tế xin tha tội, nhưng con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa để xin tha thứ. Sự kiện này cũng báo trước sự xụp đổ của Đền Thờ Jerusalem (70 AD), con người không cần phải vào đó để dâng lễ vật để được tha tội nữa.

(3) Ngài luôn thành tín (nói sự thật) khi đương đầu với đau khổ và phản bội.

– Thứ nhất, Chúa Giêsu đối xử với Judah rất tốt đẹp. Ngài biết rõ Judah phản bội, nhưng vẫn không chửi mắng và cũng không tố cáo tội của ông cho các môn đệ khác biết; vì nếu họ biết, Judah sẽ khó giữ được tính mạng của mình. Nhưng Ngài phải nói cho Judah biết, với hy vọng nhờ cách đối xử nhẹ nhàng, Judah sẽ ăn năn trở lại. Chúa Giêsu muốn phân biệt hai điều ở đây: theo kế hoạch của Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải chết; tuy nhiên, con người vẫn có tự do cộng tác hay phá hủy kế hoạch của Thiên Chúa. Nếu Judah không phản bội, vẫn có những Judah khác sẽ phản bội. Hơn nữa, sau khi phản bội, con người phải biết ăn năn.

– Thứ hai, Chúa Giêsu không sợ nói sự thật, dẫu biết khi nói sự thật, có thể mang lại cho Ngài án tử thình: Ông Philatô hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Người trả lời: “Đúng như ngài nói đó.” Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Philatô lại hỏi Người: “Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội!” Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Philatô phải ngạc nhiên. Câu trả lời của Chúa Giêsu không hoàn toàn tích cực “Đúng vậy;” nhưng “Đúng như ngài nói đó.” Chúa Giêsu muốn nói với Philatô: không phải là vua theo nghĩa chính trị như người Do-thái tố cáo; nhưng là vua theo nghĩa tôn giáo mà thôi. Trong trình thuật của Gioan, Chúa Giêsu nói rõ hơn: “Nước tôi không thuộc về thế gian này … ” (Jn 18:36). Ngài không trả lời cho các thượng tế và người Do-thái, vì có trả lời cho họ, cũng chẳng có ích chi!

(4) Ngài luôn yêu thương và tha thứ: Đang khi sắp phải đương đầu với cuộc Thương Khó sắp tới, Chúa Giêsu vẫn nhớ tới những người còn ở lại, nhất là các thế hệ tương lai. Đó là lý do Ngài thiết lập bí-tích Thánh Thể để tiếp tục ở lại và nuôi dưỡng linh hồn con người.

– Chúa Giêsu thành lập Bí-tích Thánh Thể, Lễ Vượt Qua mới: Đang bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” Mỗi khi cử hành bí-tích Thánh Thể, con người được nhắc nhở hướng về tương lai, sẽ có ngày họ sẽ cùng được uống thứ rượu mới trong Nước Chúa với Đức Kitô.

– Trong bối cảnh của Lễ Vượt Qua cũ, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài hiểu những gì sắp xảy ra trong Lễ Vượt Qua mới. Giống như tấm bánh không men bị bẻ ra cho mọi người ăn, Mình Ta cũng bị bẻ ra như vậy cho các con. Giống như ly rượu tạ ơn (ly thứ ba), Máu Ta cũng sẽ bị đổ ra như vậy để nhiều người nhận được ơn tha tội. Giao ước cũ Thiên Chúa thiết lập với dân là Giao-ước Sinai (Exo 24:3-8). Theo Giao-ước này, Thiên Chúa sẽ săn sóc và bảo vệ dân như dân của Ngài, phía người Do-thái, họ phải giữ cẩn thận Thập Giới. Vì người Do-thái đã vi phạm Giao-ước cũ bằng việc không giữ các Lề Luật, nên Chúa Giêsu phải thiết lập với dân một Giao-ước mới. Theo Giao-ước mới này, Máu của Chúa Giêsu phải đổ ra để chuộc tội cho con người. Họ không còn tùy thuộc vào Lề Luật để được sự săn sóc của Thiên Chúa; nhưng hòan tòan tùy thuộc vào tình yêu của Ngài, đặt căn bản trên Máu của Chúa Giêsu sắp đổ ra.

– Khi nói những lời này, Chúa Giêsu xác tín hai điều: (1) Ngài biết Ngài sắp chết, nhưng Ngài cũng biết Nước Thiên Chúa sắp tới. Ngài biết sẽ phải vác Thập Giá, nhưng vinh quang sẽ theo Ngài sau đó. (2) Tình yêu của Thiên Chúa và của Ngài cho con người sẽ thắng vượt tất cả các tội lỗi của họ.

– Dù biết trước tất cả tông đồ đều phản bội, Chúa sẵn sàng tha thứ, hòa giải, và cung cấp hy vọng cho các ông khi Ngài nói: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilee trước anh em.”

3.2/ Tính ích kỷ, gian dối, và phản bội của con người.

(1) Của Simon Phêrô và của các môn đệ khác: Khi Chúa Giêsu tiên đoán một người trong các ông sẽ phản bội, các môn đệ buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: “Chẳng lẽ con sao?” Các môn đệ không biết người sẽ phản bội là ai trong trình thuật của Matthew, và cũng không ngờ người phản bội là Judah. Các ông có lẽ cũng biết sự yếu đuối của mình nên lần lượt hỏi Chúa như vậy. Chúa Giêsu biết trước và đã chuẩn bị hết những gì có thể cho các tông đồ: dạy dỗ, biến hình, báo trước … nhưng những gì xảy ra sẽ phải xảy ra, đó là sự bỏ chạy của các ông. Ngài tin các ông sẽ nhận ra sự thật và tin vào Ngài chắc chắn hơn sau Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài.

– Phêrô không biết sức yếu đuối của mình, nên ông thưa Ngài: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.” Chúa Giêsu nói với ông: “Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần.” Nhưng ông Phêrô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Chỉ có Thiên Chúa biết chắc chắn những gì sẽ xảy ra cho con người, con người không biết chắc chắn những gì sẽ xảy ra cho mình. Vì thế, con người phải tin những gì Thiên Chúa nói hơn những gì loài người hay chính mình nói.

– Người rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế là chính Phêrô, như được nói rõ ràng trong trình thuật của Gioan (Jn 18:10). Phản ứng này rất hợp với tính khí của Phêrô. Ông là người duy nhất có can đảm để bảo vệ Thầy mình. Đúng như lời Chúa Giêsu tiên đóan: “Ta sẽ đánh chủ chăn và chiên sẽ tan tác.” Khi các binh lính bắt và trói Chúa Giêsu, bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Họ sợ nếu ở lại, họ sẽ bị liên lụy và phải chịu thiệt thân.

– Phêrô cũng trải qua cuộc thanh luyện đồng thời với Chúa Giêsu: Ông Phêrô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh Thượng Tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ. Hai cuộc tra vấn xảy ra đồng thời: khi Chúa Giêsu bị thẩm vấn cách công khai trong dinh, ông Phêrô bị thẩm vấn cách âm thầm ngòai dinh. Chối lần thứ nhất: Ông Phêrô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của Thượng Tế đi tới; thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Nazareth, ông Giêsu đó chứ gì!” Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy lần thứ nhất. Đàn bà lắm chuyện, tuy vậy, cũng làm cho Phêrô phải sợ hãi bỏ đi. Chối lần thứ hai: Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.” Nhưng ông Phêrô lại chối. Chối lần thứ ba: Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilee!” Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!” Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phêrô sực nhớ điều Chúa Giêsu đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc.

Dẫu Phêrô chối Chúa ba lần, ông vẫn can đảm hơn các tông đồ khác, vì các ông kia không dám theo Chúa Giêsu vào dinh. Khác với Judah, ông nhận ra sự phản bội của mình, và tiếng khóc trong lòng của ông giúp ông bắt đầu tiến trình giao hòa và làm chứng cho Chúa Giêsu. Phêrô trở thành nhân chứng cho niềm tin Chúa Giêsu phục sinh trước THĐ.

(2) Của Judah Iscariot: Trước bữa tiệc Vượt Qua, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Judah Iscariot, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.

– Hầu hết các môn đệ đều là người Galilee, chỉ có Judah là người thuộc làng Iscariot, trong xứ Judah. Tất cả các Tin Mừng đều không nói gì tới việc Chúa Giêsu gọi Judah. Hầu như tất cả các nơi trong Tin Mừng mà Judah được đề cập tới, đều có bên cạnh tên Judah danh xưng kẻ phản bội, người bán Chúa hay nộp Chúa.

– Giá cả 30 đồng mà người ta ấn định cho Judah là một giá rẻ mạt, chỉ bằng tiền chuộc của một nô lệ rẻ tiền. Để hiểu rõ giá, chúng ta có thể so sánh với giá hiện kim bây giờ: một đồng Mỹ trị giá khoảng 4 shekels, 30 shekels chỉ tương đương khoảng 8 dollars. Dĩ nhiên, chúng ta phải so sánh với giá cả của thời đó. Một đồng của Rôma (denarius) thời đó tương xứng với tiền trả của một ngày làm công, 30 denarii bằng lương tháng của một người. Chúng ta không thể hiểu nổi tại sao Judah bán Chúa với một giá rẻ như thế? Lọ dầu cam tùng nguyên chất mà Maria đổ trên đầu và chân Chúa trị giá 300 đồng! Có nhiều nguồn gốc trong Kinh Thánh ám chỉ việc buôn bán này, gần nhất là Zech (11:11-13), sau đó đến Jer (32:6-15, 18:23, 19:1), và xa nhất là việc các anh em bán ông Giuse với giá 20 đồng bạc (Gen 37:28).

– Các học giả tranh luận để hiểu lý do tại sao Judah bán Chúa Giêsu: Có hai lý do chính: (1) Theo Tin Mừng Gioan (12:6) và một số đông học giả, lý do chính là lòng tham tiền. (2) Có một số học giả cho Judah biết Chúa Giêsu có uy quyền, nên việc bán Chúa chỉ là nguyên cớ làm cho Chúa Giêsu phải ra tay uy quyền của Đấng Messiah để tiêu diệt những kẻ phản nghịch. Sau này, khi Judah thấy sự suy luận của mình không đúng, nên đem tiền trả lại; và khi các thượng tế không nhận, Judah ném tiền vào Đền Thờ. Có lẽ ý kiến thứ nhất đúng hơn, vì nói lên được bản chất và phù hợp với chức quản lý của Judah.

– Có một hiện tượng lạ trong Tin Mừng Matthew: Các môn đệ khác đều gọi Chúa Giêsu là Thầy (Lord), chỉ riêng có Judah gọi Chúa là Rabbi (hai lần). Danh xưng Rabbi rất xa lạ, chỉ dùng cho các Pharisees và scribes, và bị Chúa Giêsu cấm các môn đệ: đừng để ai gọi mình là Rabbi.

– Judah biết rõ nơi Chúa Giêsu thường đến để cầu nguyện; và để phân biệt Chúa Giêsu với các môn đệ khác, hắn cho họ một dấu hiệu và dặn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.” Judah tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy!” rồi hôn Người. Họ liền tra tay bắt Người. Cái hôn thường được con người dùng để tỏ tình yêu với nhau; người Do-thái có thói quen hôn thầy của họ. Đàng này, Judah lại dùng cái hôn để phản bội Thầy mình. Có lẽ Judah nghĩ ông có thể qua mặt Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Luca, Chúa Giêsu vạch cho Judah thấy rõ ràng sự phản bội, khi Ngài nói: “Judah! Anh lấy chiếc hôn để nộp con người sao?” (Lk 22:48).

– Judah đi thắt cổ: Bấy giờ, Judah, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” Nhưng họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Judah ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ. Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: “Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.” Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm” để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều. Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là “Ruộng Máu” (Haceldama) cho đến ngày nay. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Jeremiah: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Israel đã đặt khi đánh giá Người. Và họ lấy số bạc đó mà mua “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm,” theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi.”

– Có ba sự khác biệt giữa trình thuật của Matthew và Công Vụ Tông Đồ (Cv 1:18-19). Thứ nhất, cách Judah chết: thắt cổ trong Matthew và té lòi ruột trong CVTĐ. Thứ hai, các thượng tế dùng tiền để mua thửa ruộng; trong khi chính Judah dùng tiền mua thửa ruộng. Thứ ba, giá máu là máu của Chúa Giêsu trong Matthew; trong khi máu là của Judah trong CVTĐ.

– Mặc dù Judah chỉ chối Chúa Giêsu một lần, sau đó biết hối hận mang tiền lại trả cho các thượng tế; nhưng điều khác biệt với Phêrô là Judah không tin tưởng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, nên đã ra đi và quên sinh đời mình.

(3) Của những người trong Thượng Hội Đồng:

– Khi các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Chúa Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau.

– Tội phá Đền Thờ: Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!” Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau. Đây là một chứng gian, vì Chúa Giêsu bảo “Các ông cứ phá;” chứ Ngài không bảo “Tôi sẽ phá” (x/c Jn 2:19). Hơn nữa, Chúa Giêsu không có ý ám chỉ Đền Thờ Jerusalem, nhưng ám chỉ thân thể của Ngài.

– Tội phạm thượng: Vị thượng tế nói với Người: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?”

Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Họ liền đáp: “Hắn đáng chết!” Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người và nói: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?”

Vị Thượng Tế vi phạm Luật trầm trọng khi hỏi Chúa Giêsu câu hỏi này, vì Luật không cho phép THĐ hỏi người bị cáo những câu hỏi mà người bị cáo khi trả lời có thể liên quan chính mình trong đó. Vị Thượng Tế biết Chúa Giêsu sẽ trả lời khi hỏi đến sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, vì Ngài không thể nói dối. Chúa Giêsu không chút do dự trả lời Ngài chính là Đấng Thiên Sai, một đàng đó là sự thật, một đàng Ngài nghĩ cần chấm dứt trò bẩn thỉu của THĐ. Qua câu trả lời, Ngài muốn cho họ thấy Ngài có dư can đảm để nói sự thật, dẫu sự thật mang lại cho Ngài án tử hình. Nếu Ngài không trả lời điều đó, họ không có lý do để buộc tội Ngài. Điều khác Ngài muốn cho họ thấy, tất cả những gì họ sẽ làm cho Ngài chỉ tạm thời. Họ sẽ nhìn thấy chiến thắng vinh quang của Ngài sau Cuộc Thương Khó.

Cuộc thẩm vấn sơ khởi trước Thượng Hội Đồng: Họ điệu Chúa Giêsu đến vị Thượng Tế Tối Cao. Thượng Hội Đồng được coi như tòa án tối cao của người Do-thái, gồm có tất cả 71 người: các thượng tế, kỳ mục, và các kinh sư. Họ chỉ có quyền trên các vấn đề liên quan đến tôn giáo của người Do-thái mà thôi; và họ không có quyền giết người. Thượng Hội Đồng phải họp tại “Tòa Hewn Stone trong khu vực của Đền Thờ.” Họ đã phá rất nhiều luật không được làm khi xử Chúa Giêsu trong đêm đó. Luật không cho phép: xử người ban đêm, xử trong ngày Lễ Lớn, xét xử không đúng chỗ, các nhân chứng không được điều tra tại các nơi khác nhau và bằng chứng phải được đúng từng chi tiết, mỗi thành phần của Thượng Hội Đồng không cho sự cáo buộc riêng rẽ, bắt đầu từ người trẻ nhất. Nếu là bản án xử tử, thời gian một đêm cần thiết trước khi bản án được thi hành. Mục đích là để mọi thành phần của THĐ có cơ hội suy nghĩ cẩn thận, nếu cần được khoan hồng. Nói tóm, vì họ muốn lọai trừ Chúa Giêsu ngay, nên họ đã xử Chúa Giêsu một cách bất hợp pháp.

(4) Của Philatô: Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Philatô. Như đã nói, THĐ chỉ có quyền trên những vấn đề thuộc tôn giáo và không có quyền ra án tử hình cho bị cáo. Vì thế, sau khi đã tìm được lý do để buộc tội Chúa Giêsu phạm thượng, họ phải tìm một lý do chính trị khác để kiếm án tử hình cho Chúa Giêsu; vì họ biết rằng Philatô sẽ không quan tâm đến những bất đồng ý kiến về tôn giáo, như trình thuật của Luca ghi lại. Họ tìm được một lý do chính trị để Philatô có thể kết án Chúa: Chúa Giêsu xưng mình là Vua dân Do-thái. Khi xưng mình là Vua dân Do-thái là chống lại quyền lực của đế quốc Roma và hòang đế Caesar.

– Họ coi Chúa Giêsu không bằng một tên cướp, Barabbas: “Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin. Khi ấy có một người tên là Barabbas, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy. Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ. Đáp lời họ yêu cầu, ông Philatô hỏi: “Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không?” Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Người. Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Philatô phóng thích tên Barabbas thì hơn.”

– Họ kêu xin đóng đinh Chúa Giêsu, Vua dân Do-thái: Ông Philatô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái?” Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Barabba, truyền đánh đòn Chúa Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

– Chúa Giêsu chịu đội mão gai: “Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái!” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.”

– Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!”

– Viên đại đội trưởng tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa: Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”

– Mai táng Đức Giêsu (Mk 15:42-47; Lk 23:50 -55; Jn 19:38-42): Họ đã vi phạm trầm trọng luật của ngày Sabbath là không được ra khỏi nhà và vào chỗ ở của Dân Ngoại. Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pharisees kéo nhau đến ông Philatô, và nói: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: “Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy.” Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước.” Ông Philatô bảo họ: “Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết!” Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ. Matthew muốn chứng tỏ uy quyền của Thiên Chúa: Ngài sống lại và ra khỏi mộ giữa bao nhiêu lính canh phòng cẩn mật, mà không một ai biết.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta hãy học cách hành xử khôn ngoan, can đảm, và đầy tình thương của Chúa Giêsu trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Ngài.

– Ngài vui lòng chịu đau khổ là vì tình thương dành cho con người; nhưng con người đã mù lòa không chịu nhận ra và đáp trả tình thương của Thiên Chúa.

– Đau khổ chỉ tạm thời, nhưng vinh quang dành được sau đau khổ không gì có thể so sánh được. Chúng ta hãy bắt chước cách chịu đựng đau khổ của Chúa Giêsu.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************