Chúa Nhật (02-06-2019) – Trang suy niệm

01/06/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm C

LỄ THĂNG THIÊN

BÀI ĐỌC I: Cv 1, 1-11

“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Đức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng; Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Đâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Trong khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Đáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. – Đáp.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa; hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! – Đáp.

3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Ep 1, 17-23

“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người; xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 24, 46-53

“Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Đấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”.

Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

02/06/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – C

Chúa Thăng Thiên

Lc 24,46-53

CHÚA VỀ TRỜI, CON ĐƯỢC SAI ĐI

Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem lòng đầy hoan hỉ. (Lc 24,51-52)

Suy niệm: Các tông đồ ngây ngất chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Ki-tô và say sưa với hạnh phúc ngọt ngào khi được hưởng kiến Chúa thăng thiên đến độ các ông quên mất sứ mạng Chúa trao vẫn còn đó. Chúa sai thiên sứ đến “đánh thức” các ông và nhắc lại lệnh truyền cho các ông xuống núi và ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. “Đi đến vùng ngoại biên” là kiểu nói mà ĐTC Phan-xi-cô dùng để nhắc lại lệnh truyền của Đức Ki-tô cho mọi thành phần Dân Chúa phải ra khỏi chính mình để đến với thế giới: “phải nhân danh Chúa rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem… Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

Mời Bạn: Nhiều ki-tô hữu hôm nay khi suy niệm “Đức Chúa Giê-su lên trời” cũng xin cho được “ái mộ những sự trên trời,” nhưng khi nói đến sứ mệnh được sai đi, xuống núi để đem Tin Mừng của Chúa đến anh chị em mình nơi thôn làng, trong khu xóm mình sinh sống thì lại “ngại” hoặc không biết phải nói gì để “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). “Hãy ra đi bình an” là lời cầu chúc của Giáo hội gởi đến mỗi người tín hữu. Nhờ vậy, chúng ta biết bước ra khỏi chính mình để đến với anh em mà đem Tin Mừng Phục sinh cho họ. Mong sao mỗi người tín hữu đều biết đáp lại lời mời gọi này.

Sống Lời Chúa: Bạn thăm viếng một người quen, một gia đình lân cận để chia sẻ tình thân, và bạn nhớ cầu nguyện cùng Chúa cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thúc bách con để luôn quan tâm loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh chị em con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

2 THÁNG SÁU

Triều Thiên Của Tạo Vật

Con người là một thể thống nhất, là duy nhất trong chính mình. Nhưng trong thể thống nhất này có hàm chứa tính lưỡng diện. Thánh Kinh trình bày cả thể thống nhất (ngôi vị) lẫn tính lưỡng diện (hồn và xác) của con người. Chẳng hạn, Sách Huấn Ca viết: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất” (Hc 17, 1 – 2). Nhưng Sách Huấn Ca cũng viết: “Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.” (câu 5 – 6)

Từ quan điểm này, Thánh Vịnh 8 thật hết sức có ý nghĩa. Con người được tôn dương là một tuyệt tác khi tác giả thánh vịnh nói với Thiên Chúa bằng những lời này: “… con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến; phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (câu 5 – 7).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 02/6

Chúa Nhật VII Phục Sinh

Chúa Thăng Thiên

Cv 1, 1-11; Dt 9, 24-28; Lc 24, 46-53.

LỜI SUY NIỆM: “Phần Thầy, Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

        Trong ngày Lễ Kính Chúa Thăng Thiên. Đây chính là: “Đánh dấu việc nhân tính của Chúa Giêsu, vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của Thiên Chúa; từ đó Người lại đến; nhưng trong khoảng thời gian đó, việc Thăng Thiên đã che giấu Người khỏi mắt người ta.” (GL số 665).

        Lạy Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô có nói với chúng con: “Kitô hữu là người của hy vọng, nhận biết và làm chứng rằng: Ngài luôn chuyển cầu với Chúa Cha cho mỗi người chúng ta và Ngài sẽ lại đến trong vinh quang.”. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết loan báo, tuyên xưng niềm tin và đặt trọn hy vọng vào Lời Chúa hứa ban.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 02-06: Thánh MARCELLINÔ và PHÊRÔ

Tử Đạo (+304)

Không có tài liệu lịch sử nào nói về nguồn gốc của hai thánh tử đạo Marcellino và Phêrô cả. Các Ngài được phúc tử đạo dưới thời Diocletianô.

Thánh Marcellino được ơn tử đạo còn thánh Phêrô được ơn trừ quỉ.

Nhờ được ơn trừ quỉ, thánh Phêrô được rất nhiều người mộ mến. Ngược lại cũng có nhiều người ghen tức và thù oán tìm cách giết hại. Tỉnh trưởng Sêrênô ra lệnh tống giam Ngài. Bạn ông là Antêmi có đứa con gái bị quỉ ám. Nghe biết Phêrô có quyền trừ quỉ, ông giối thiệu bạn mình tới ngục thất để gặp thánh nhân. Gặp ông, thánh nhân khuyên nhủ ông hãy tin vào Chúa Giêsu và thờ phượng Thiên Chúa. Ông bực tức cho rằng: Chúa không cứu nổi Phêrô thì làm sao thánh nhân cứu nổi con ông được. Rồi ngay đêm ấy khi quân canh ngục còn đang thi hành nhiệm vụ thì thánh nhân đã có mặt ở nhà Antêmi. Cả gia đình Antêmi bỡ ngỡ và xin theo đạo. Paulina, con gái Antêmi được lành bệnh. Từ đó gia đình Antêmi thành nơi tụ tập thường hay lui tới dạy đạo và rửa tội cho các tân tòng.

Tức giận, Sêrênô ra lệnh hành hạ hai thánh nhân một cách dã man rồi giam ngục tối, nền rắc đầy miểng chai, và bỏ đói các Ngài cho chết. Tuy nhiên Chúa đã giải thoát cho các Ngài trong một tuần lễ để lo cho các dự tòng được chịu phép rửa tội. Nghĩ rằng gia đình Antemi lập mưu cho cuộc vượt thoát này, Sêrênô ra lệnh giết cả gia đình ông.

Cuối cùng hai thánh nhân Marcellinô và Phêrô bị đem hành quyết. Khi thi hành án quyết, đao phủ Đorotê đã thấy linh hồn hai Ngài bay về trời. Quá xúc động ông đã xin tòng giáo và qua đời cách lành thánh. Còn xác hai thánh nhân được chôn cất ở nghĩa trang Ad Duos Lauros đường Labicana.

Khi Giáo hội được sống trong an bình, người ta xây cất trên mộ hai Ngài một thánh đường rất nguy nga. Tên Hai thánh nhân đã được nhắc đến trong lễ quy Roma.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

02 Tháng Sáu

Nguồn Gốc Của Sa Mạc 

Người Ả Rập giải thích nguồn gốc của sa mạc bằng câu chuyện ngụ ngôn như sau:

“Thiên Chúa đang sáng tạo vũ trụ. Sau khi đã hoàn tất tinh tú, trái đất, biển khơi, sông ngòi, Thiên Chúa bắt tay vào việc tạo dựng con người. Ngài nặn được những thân hình thật đẹp, nhưng đó chỉ là những pho tượng, vì chưa có linh hồn”.

Lúc bấy giờ, một tổng lãnh thiên thần mới đề nghị với Thiên Chúa là cần phải tạo dựng linh hồn cho con người. Thế là Thiên Chúa miệt mài giam mình trong phòng thí nghiệm để tác tạo linh hồn cho con người. Các linh hồn vừa mới ra lò còn rất mảnh khảnh và yếu ớt.

Ngài mang các linh hồn tươi tắn ấy xuống trần gian và phân phát cho loài người. Nhưng rủi thay, hôm đó trời đổ mưa, cho nên một số linh hồn chưa đủ cứng cáp đã biến dạng.

Một ngày nọ, một trong những người đã lãnh nhận được linh hồn méo mó, đã buột miệng nói ra một lời dối trá. Tuy chỉ là một lời dối trá không đáng kể, nhưng đó là một lời dối trá đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người.

Thiên Chúa vô cùng hối hận vì đã không ngăn ngừa được sự dối trá ấy. ngài bèn tập trung loài người lại và tuyên bố: “Từ nay, đừng có một người nào phạm thêm một điều dối trá nữa. Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, ta sẽ cho rơi xuống mặt đất một hạt cát”.

Nhiều người nghe lời đe dọa của Thiên Chúa, cười thầm trong lòng. Một hạt cát có đáng kể là bao sánh với màu xanh trùng trùng điệp điệp của cây cỏ. Thành ra, loài người đã không đếm xỉa đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói láo mà vẫn đinh nih đó chỉ là một lời không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát trên trái đất cũng không thay đổi được bộ mặt của nó. Cứ thế, người thứ ba, rồi người thứ tư… Người ta nói dối đến độ Thiên Chúa không còn đủ sức để cho cát rơi xuống trên mặt đất nữa… Ngài đành phải dùng đến bàn tay của các thiên thần để cho mưa cát xuống… Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những vườn cây um tùm biến thành sa mạc khô cằn. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo xanh tươi mọc lên, đó là dấu hiệu sự hiện diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật. Nhưng dần dà, ôn dịch dối trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn là một bãi sa mạc.

Tất cả những ai sống trong một xã hội xây dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ lẫn nhau đều biểu hiện được thế nào là sa mạc của tình người. Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết: chết của tình người, chết của lòng tin tưởng lẫn nhau, chết của hy sinh phục vụ, chết của lòng quảng đại. Tựu trung, dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ. Người dối trá là người chỉ biết sống cho mình. Nếu ơn gọi của con người, nếu sự thật của con người là sống yêu thương, sống cho người, thì kẻ dối trá là người chối bỏ chính mình.

Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ dối trá. Ngài nói: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”. Kẻ dối trá, do đó, tự đặt mình dưới quyền thống trị và điều khiển của ma quỷ.

Mỗi một thái độ dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người. Nhưng mỗi một hành động của quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó là Chân lý của tình yêu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên (Chủ Nhật VII Phục Sinh), Năm C

Bài đọc: Acts 1:1-11; Eph 1:17-23; Lk 24:46-53.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu lên trời.

 Hai điều chính chúng ta cần tìm hiểu trong ngày lễ Chúa lên trời:

(1) Hiểu làm sao về biến cố Chúa thăng thiên: Phải chăng khi Chúa Giêsu lên trời là Ngài sẽ sống cách biệt chúng ta? Phải chăng Chúa Giêsu mang thân xác con người về Trời? Đâu là Thiên Đàng? Chúng ta sẽ hưởng những quyền lợi gì trên Thiên Đàng?

(2) Sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng: Tại sao Chúa trao cho các Tông-đồ và Hội Thánh sứ vụ mang ơn cứu độ cho muôn người qua việc rao giảng Tin Mừng?

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa lên trời và sứ vụ Ngài trao cho các môn đệ. Trong Bài Đọc I, Thánh Lucas tường thuật hai biến cố: Chúa lên trời và sứ vụ Ngài trao cho các môn đệ phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô cầu nguyện để các tín hữu có thần trí khôn ngoan để hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải rao giảng Tin Mừng, và Ngài ban quyền cần thiết để người khác tin vào lời các ông rao giảng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu lên trời trước mặt các môn đệ.

1.1/ Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các môn đệ trong suốt 40 ngày sau khi sống lại.

Dựa theo Luca 1:1-4 và trình thuật hôm nay: “Thưa ngài Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời,” chúng ta có bằng chứng để kết luận Thánh Luca là tác giả của Tin Mừng thứ ba và Sách CVTĐ.

Trước ngày lên trời, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Sau khi sống lại, Người đã hiện ra nhiều lần trong bốn mươi ngày, để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, và nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.

1.2/ Chúa Giêsu nhắc lại lời hứa ban Thánh Thần: Trong những lời từ biệt của Chúa Giêsu trước Cuộc Thương Khó, Ngài đã hứa sẽ xin Chúa Cha để gởi đến cho các Tông-đồ Thánh Thần để ở với và hoạt động trong các ông (Jn 15 và 16). Trình thuật hôm nay nhắc lại lời hứa đó và nhắc nhở các Tông-đồ phải ở lại Jerusalem để lãnh nhận Thánh Thần: “Điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”

Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là Phép Rửa bằng nước để tha tội khi con người tỏ lòng ăn năn xám hối và quay về với Thiên Chúa. Các Tông-đồ là những người Do-thái, nên các ông có lẽ đã lãnh nhận Phép Rửa bằng nước, như Gioan Tẩy Giả đã từng làm (Jn 1:26); nhưng có một Phép Rửa để thánh hóa con người bằng Thánh Thần mà Gioan Tẩy Giả đã đề cập đến mà chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận (Jn 1:32-33). Các Tông-đồ lãnh nhận Phép Rửa này trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-4).

Các môn đệ hiểu lầm những lời Chúa nói nên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Họ vẫn nghĩ đến một Đấng Thiên Sai uy quyền, cho dẫu Chúa Giêsu đã phải trải qua Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Họ nghĩ, Chúa đã phục sinh, thì giờ là lúc Ngài khôi phục vương quốc Israel bằng cách gởi Thánh Thần xuống làm cho họ trở thành những người thống trị cùng với Đức Kitô! Nhưng Chúa Giêsu giải thích cho họ biết mục đích của việc lãnh nhận Thánh Thần là để họ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Ngài tại Jerusalem, trong khắp các miền Judah, Samaria và cho đến tận cùng trái đất, để con người tin và được cứu độ. Còn khi nào Ngài sẽ khôi phục vương quốc Nước Trời là nằm trong quyền lực và kỳ hạn mà Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt. Điều này cũng tùy thuộc vào việc cộng tác của con người làm cho Nước Chúa mau trị đến, bằng việc làm cho mọi người nhận biết Chúa.

1.3/ Chúa Giêsu lên trời: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” Trong Phúc Âm, Luca cũng đề cập tới việc Chúa lên trời trong những câu sau cùng (Lk 24:50-51) và phản ứng vui mừng của các Tông-đồ (Lk 24:52-53). Làm sao chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Giêsu lên trời?

(1) Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính; không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời.

(2) Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là từ nay, Ngài sẽ cách biệt các môn đệ, nhưng có nghĩa Ngài không lệ thuộc vào giới hạn của thân xác về thời gian và không gian. Ngài luôn luôn hiện hữu ở mọi nơi và mọi thời với con người: tại Mỹ cũng như tại Việt-nam; trong BT Thánh Thể cũng như khi cầu nguyện. Hơn nữa Ba Ngôi Thiên Chúa không bao giờ tách biệt nhau, cho dù giai đọan hiện tại là giai đoạn hoạt động của Thánh Thần; nhưng ai có Thánh Thần, người ấy cũng có cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

(3) Theo ĐGH Gioan Phaolô II, Thiên Đàng không phải là một nơi ẩn giấu đàng sau bầu trời, nhưng là một trạng thái vinh quang và vĩnh cửu, do sự kết hiệp hoàn toàn giữa con người với Thiên Chúa. Nếu hiểu như thế, Thiên Đàng đã bắt đầu ngay từ đời này, nhưng chưa đạt tới mức hoàn hảo như ở đời sau, khi con người được chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Chúa là.

(4) Chúa Giêsu từ trời sẽ trở lại lần thứ hai để phán xét kẻ sống cũng như người chết: Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilee, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

2/ Bài đọc II: Phaolô xin Thánh Thần cho các tín hữu để hiểu biết:

2.1/ Mặc khải quan trọng nhất của Thiên Chúa: là Kế Họach Cứu Độ con người, được thực hiện qua Đức Kitô. Con người phạm tội và hậu quả của tội là sự chết. Để cứu con người khỏi chết và phục hồi sự sống, Chúa ban cho con người Đức Kitô. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, con người tìm được niềm hy vọng được sống muôn đời với Thiên Chúa. Tác giả Thư Ephesô diễn tả những điều này như sau: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em để thấy rõ:

(1) “đâu là niềm hy vọng nhờ Người kêu gọi anh em”: Niềm hy vọng đây chính là hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu đã đạt được qua Đức Kitô. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống muôn đời với Thiên Chúa. Ngài không ngừng kêu gọi và tạo cơ hội cho con người biết Đức Kitô.

(2) “đâu là sự sung mãn của gia nghiệp vinh quang của Người giữa các thánh”: Gia nghiệp vinh quang của Thiên Chúa chính là ơn cứu độ mà Đức Kitô đã chiến thắng cho con người. Các thánh là những người đã được hưởng ơn cứu độ. Họ là những chứng nhân của niềm hy vọng của chúng ta.

(3) “đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã làm cho chúng ta là những tín hữu, theo như uy quyền vô biên của quyền năng Người, mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.” Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã chiến thắng mọi quyền lực của ma quỉ, tiêu diệt sự chết, và mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người.

2.2/ Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu dương nơi Đức Kitô:

(1) Đức Kitô là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa: “Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.” Thư Philipphê cũng diễn tả các tương tự về uy quyền và danh xưng Giêsu (Phi 2:10-11).

(2) Đức Kitô thiết lập Hội Thánh để tiếp tục thi hành sứ vụ cứu độ của Ngài trong trần gian: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.”

Đức Kitô cần Hội Thánh để loan truyền ơn cứu độ của Ngài cho mọi người: Câu truyện đối thoại giữa Chúa Giêsu và sứ thần Gabriel: Sứ thần hỏi Chúa Giêsu khi Ngài về trời: “Loài người có biết Ngài yêu họ và những gì Ngài đã làm cho họ không?” Chúa Giêsu trả lời: “Họ chưa biết, nhưng họ sẽ biết qua các môn đệ của tôi.” “Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đệ mệt mỏi, hay thế hệ sau sẽ quên, hay hết người rao giảng!” Sứ thần Gabriel hỏi. Chúa Giêsu trả lời: “Tôi tin tưởng họ sẽ không làm như thế.”

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ.

3.1/ Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ: Ngài biết trước các môn đệ sẽ thay thế Ngài để rao truyền Tin Mừng khắp thế gian; giờ đây trước khi lên trời, Ngài long trọng trao phó cho các ông sứ vụ đó. Chúa Giêsu mặc khải cho các ông nhiều điều; nhưng một số điều Ngài nhắc hôm nay là những điều cốt lõi của Tin Mừng: (1) Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; (2) Ngài chịu khổ hình là để gánh tội cho nhân loại. Nếu họ ăn năn và tin vào Ngài, tội sẽ được tha và họ được cứu độ.

3.2/ Tại sao các môn đệ vui mừng: Thông thường, các môn đệ sẽ buồn rầu khi xa Thầy; nhưng Lucas tường thuật các ông “lòng đầy hoan hỷ.” Có ít nhất hai lý do cho sự vui mừng của các môn đệ:

(1) Vì hy vọng sẽ được lên trời với Chúa: Những gì Chúa Giêsu hứa với các môn đệ, Ngài đều cho các ông chứng kiến. Hy vọng được lên trời là đích điểm của cuộc đời con người; nếu các ông đã xem thấy tỏ tường lúc Chúa lên trời, các ông không còn chút nghi ngờ về niềm hy vọng này. Các ông tin chắc sẽ cùng được hưởng hạnh phúc với Ngài trên trời.

(2) Vì sắp được hưởng quyền năng của Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ trước cuộc Thương Khó, và cắt nghĩa rõ ràng vai trò của Thánh Thần (Jn 14:16-17; 16:7-9); giờ đây Ngài lặp lại lời hứa đó và cho các ông biết điều đó sắp xảy ra. Còn gì vui mừng hơn khi sắp lãnh nhận một quà tặng từ trời để giúp các ông nhận ra mọi sự thật và có sức mạnh giúp các ông chống chọi với mọi uy quyền của quỉ thần và của thế gian.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúa Giêsu là Đầu đã lên trời, chúng ta là những chi thể của một thân thể của Ngài là Hội Thánh, cũng sẽ được lên theo. Đó là niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta.

– Chúa Giêsu tin tưởng chúng ta sẽ không quên sứ vụ Ngài trao phó là sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chúng ta phải làm hết cách để cho mọi người biết và tin vào Ngài; đồng thời chúng ta cũng phải đào tạo các thợ nhiệt thành để tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai.

– Chúa Giêsu về trời không có nghĩa là Ngài vắng mặt trong cuộc đời; nhưng một khi Ngài không còn lệ thuộc vào giới hạn của thân xác, Ngài sẽ hiện diện với mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************