Chúa Nhật (04-08-2024) – Trang suy niệm

03/08/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

BÀI ĐỌC I: Xh 16, 2-4. 12-15

“Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”.

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?” Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: ‘Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi’”. Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là: “Cái gì vậy?” vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Đó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54

Đáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

1) Điều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa.

2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời. Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời.

3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm.

BÀI ĐỌC II: Ep 4, 17. 20-24

“Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Đức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Đức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:

All. All. – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Ga 6, 24-35

“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”. Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

04/08/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – B

Ga 6,24-35

ĐÓI KHÁT TÂM LINH

Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)

Suy niệm: Chúa Giê-su nhiều lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng khỏi đói khi theo Ngài. Chúa quan tâm đến nhu cầu chính đáng về của ăn vật chất, nhưng Ngài muốn họ cũng được no thoả cơn đói tâm linh còn cấp thiết hơn. Và Ngài cho biết Ngài sẽ ban cho họ tấm bánh trường sinh là chính Thân Mình Ngài, để ai đến với Ngài sẽ không phải đói nữa, mà được sự sống đời đời.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đến để cứu độ con người toàn diện, nhưng Ngài đã chạnh lòng thương dân chúng và cứu giúp họ bắt đầu từ việc ban cho họ tấm bánh vật chất trước khi dẫn họ đến lương thực thường tồn nuôi dưỡng linh hồn. Chúa muốn bạn mở lòng ra với tha nhân trước tiên bằng những việc bác ái cụ thể, bằng những hành động chia sẻ quảng đại với anh chị em sống quanh bạn, nhưng không dừng lại ở đó, mà vươn lên tới tầm mức những con người phát triển toàn diện “tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (x. Ep 4,13). Chính bí tích Thánh Thể là phương thế và nguồn lực để bạn đạt tới được tầm cao đó.

Sống Lời Chúa: Quan tâm yêu thương những người đang thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần để chạnh lòng thương như Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con năng đến với Bí tích Thánh Thể để lãnh nhận sức sống thần linh Chúa ban, nhờ đó, chúng con có thể chia sẻ tình yêu Chúa cho anh chị em để họ cũng được no thoả trong cơn đói tâm linh. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Dấu lạ bánh hóa nhiều đã gây ra một ấn tượng mạnh mẽ.
Dân chúng ngất ngây vì được ăn no nê, dư dật.
Trong thời buổi còn nhiều người đói nghèo
thì bữa ăn đơn sơ ở bên kia hồ do Đức Giêsu khoản đãi
cũng đủ khiến đám đông mong có mãi.
Dưới mắt họ, Ngài được coi là vị ngôn sứ giống Môsê
mà xưa Đức Chúa đã hứa (Đnl 18,15-18).
Thậm chí họ còn muốn tôn Ngài lên làm vua.
Có được một vị vua biết cho dân ăn no thì tốt biết mấy !
Nói chung, dân chúng mong dấu lạ bánh hóa nhiều
không xảy ra chỉ một lần, nhưng được lặp đi lặp lại.
Chẳng ai phải làm lụng vất vả nữa !
Hay nói như người phụ nữ Samaria bên giếng nước:
chẳng phải đến đây lấy nước nữa (Ga 4,15).

Hôm sau, khi thấy vắng bóng Đức Giêsu và các môn đệ,
đám đông đã lên thuyền đi tìm Ngài ở Caphácnaum.
Họ háo hức được gặp lại Ngài, người đã nuôi họ ăn.
Nhưng dấu lạ của Đức Giêsu luôn đưa người ta đi xa hơn.
Đúng là Ngài đã lo cho cái đói cái no của thân xác,
và quả thực mạng sống thật đáng trân trọng.
Nhưng con người không phải chỉ có thế !
Ngài còn quan tâm đến sự sống tâm linh của con người.
Sau khi nuôi dân, Ngài lên núi cầu nguyện.
Có thể ở đó Ngài nhận ra giới hạn của dấu lạ vừa rồi.
Nó chỉ làm no thân xác được vài tiếng, rồi lại đói.
Nó chỉ làm cho vài ngàn người Israel được vui.
Còn thế giới này thì sao? Lấy gì mà nuôi đời sống tâm linh?
Đức Giêsu muốn đưa dân chúng đi từ tấm bánh vật chất
đến một thứ bánh khác quý hơn nhiều.

Thấy đám đông còn phấn khích về chuyện được ăn bánh,
Đức Giêsu biết họ chưa hiểu hết ý nghĩa của dấu lạ hôm qua.
Họ còn mải mê thứ lương thực hay hư nát,
mà chưa để tâm đến thứ lương thực thường tồn (Ga 6,27).
Lương thực hay hư nát chỉ bổ dưỡng thân xác,
còn lương thực thường tồn mới đem lại sự sống vĩnh hằng.
Đức Giêsu báo cho họ một tin vui:
Ngài là người được Thiên Chúa Cha đóng ấn xác nhận,
nên có thể ban cho họ thứ lương thực thường tồn.
Để có thứ lương thực quý giá này, cần phải làm việc.
Không phải là giữ Luật Môsê cho nghiêm,
mà là tin vào Ngài, Đấng được Chúa Cha sai đến (Ga 6,29).

Thiên Chúa Cha là Đấng hằng nuôi dân của Ngài.
Đám đông không quên tổ tiên họ được nuôi bằng manna.
Đó là thứ bánh bởi trời rơi như sương sa trong sa mạc.
Dấu lạ lớn lao này đã kéo dài nhiều năm…
Bây giờ họ cũng mong một dấu lạ tương tự (Ga 6,30).
Đức Giêsu cho biết Cha Ngài muốn tiếp tục nuôi con người
bằng thứ Bánh mới, Bánh đích thật, Bánh từ trời xuống,
Bánh đem lại sự sống vĩnh hằng cho cả thế gian (Ga 6,32-33).
Khi dân chúng khao khát được ăn thứ bánh kỳ diệu ấy,
Đức Giêsu lại báo cho họ tin vui:
Chính Ngài là Bánh mà Chúa Cha muốn trao cho cả nhân loại.
Chỉ cần tin vào Ngài là được hưởng dùng Tấm Bánh đó.

Thế giới và con người hôm nay đói khát nhiều thứ.
Đói có đủ oxy để thở, khát có đủ vaccine để chích ngừa.
Thèm được một ngày bình yên không có chiến tranh.
Mong các bệnh viện không bị quá tải bởi dịch bệnh.
Mong người nghèo không phải đôn đáo lo miếng ăn.
Trái đất xanh hơn, không khí sạch hơn, nước trong hơn,
và con người sống có tình hơn.

Đức Giêsu mời ta đến với Ngài, tin vào Ngài và giữ lời Ngài
để giải quyết chuyện đói khát triền miên (Ga 6,35).
Chúng ta có dám tin Ngài làm được dấu lạ này không?
Chúng ta có muốn hai tay đón lấy Tấm Bánh Giêsu không?

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,
sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.
Chúa cũng từng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.
Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,
và đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.
    
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,
nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,
Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều
vì sợ người ta xỉu dọc đường,
Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,
và Chúa chẳng bao giờ coi thường
những nhu cầu chính đáng của nó.
Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng
con người không chỉ sống nhờ cơm bánh,
mà còn nhờ Lời Chúa,
không chỉ đói khát thức ăn vật chất
mà còn khao khát những giá trị tinh thần.

Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng
như ông nhà giàu xây thêm kho,
nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng.
Xin cho chúng con hiểu
giá trị của một ly nước được trao đi,
của tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đói khát nên vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày
mà chúng con không hay.
Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng
dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ.
Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa
và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

4 THÁNG TÁM

Chúng Ta Không Đau Khổ Một Mình

Đối với câu hỏi bằng cách nào hòa giải sự dữ và đau khổ trên trần đời với chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta không thể đưa ra một câu trả lời đầy đủ mà không qui chiếu đến Đức Kitô. Một đàng, qua cuộc sống khó nghèo và khiêm nhường của Người – và nhất là qua cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người – Đức Kitô xác nhận rằng Thiên Chúa có mặt với mọi người trong đau khổ của họ.

Hơn th ế nữa, Đức Kitô đã đảm nhận nơi chính Người tất cả những đau khổ của cuộc hiện sinh con người trên trái đất này. Đồng thời, Đức Giê-su Kitô mạc khải rằng đau khổ ấy có một giá trị và năng lực cứu độ. Trong đau khổ ấy có sự chuẩn bị của “một gia tài không thể hư hại, tàn phai” mà Thánh Phêrô đề cập đến trong Thư thứ nhất của ngài: “một gia tài được giữ trên trời cho anh em” (1Pr 1,4).

Như vậy, chân lý về sự quan phòng đạt được ý nghĩa cánh chung cuối cùng của nó xuyên qua “sức mạnh và sự khôn ngoan” của Thập Giá Đức Kitô. Câu trả lời đầy đủ cho vấn đề sự dữ và đau khổ được cung ứng bởi mạc khải của Thiên Chúa qua sự tiền định nơi Đức Kitô. Vì sự tiền định này cho ta thấy rằng ơn gọi của con người là đạt đến sự sống vĩnh cửu – tức tham dự vào trong chính sự sống của Thiên Chúa. Và đây là câu trả lời chính xác mà Đức Kitô đã đem lại cho chúng ta. Người đã xác nhận câu trả lời này qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 04/8

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

Xh 16, 2-4. 12-13; Ep 4, 17. 20-24; Ga 6, 24-35.

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6,26).

          Lời Chúa Giêsu đang nhắc nhở mỗi người trong chúng ta cần tìm hiểu Người, học hỏi về Người cũng như mỗi khi chúng ta đọc Lời Người là để tin vào Người. Người chính là Chúa, là Thiên Chúa của mình, để nhận được tình yêu thương, sự tha thứ và ơn cứu chuộc của Người, cùng với mọi ân phúc trong cuộc sống mà mình đang được hưởng dùng.

          Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mỗi người trong chúng con đi theo Chúa với chính đức tin của mình, đã được Thiên Chúa ban cho mình qua Chúa Giêsu Con Một của Ngài và là anh của chúng con. Như trong Kinh Năm Thánh 2025 mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở dạy chúng con chuẩn bị để lãnh nhận Năm Thánh sắp tới. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 04-08

Thánh GIOAN MARIA VIANEY

Linh Mục (1786 – 1859)

Gioan Maria Vianney sinh ngày 8 tháng 5 năm năm 1786 tại Dardilly. Cha mẹ Ngài là những nông dân trung kiên với đức tin. Suốt thời cách mạng Pháp, họ thường bí mật tiếp rước các linh mục đến trú ngụ. Vì vậy Gioan là một trẻ em có mặt trong các buổi lễ cử hành lén lút tại lẫm lúa và được chứng kiến rất nhiều mẫu gương anh hùng với đức tin.

Năm lên 11, Gioan được cha Greboz cho xưng tội lần đầu. Tháng 5 năm 1798 Gioan được mẹ dẫn sang nhà bà dì ở Ecully để dọn mình rước lễ vỡ lòng. Mùa xuân năm 1799 Gioan cùng với 15 em khác được rước lễ vỡ lòng trong một thánh lễ được cử hành giữa đống rơm. Ngài rước lễ rất sốt sắng và đã giữ cho đến chết tràng chuỗi Mân côi kỷ niệm ngày hạnh phúc này.

Năm 1800 thanh bình trở lại với các tín hữu, khi Napoléon nhận biết rằng không có tôn giáo thì không có một tổ chức nào có thể tồn tại vững bền được. Từ nhỏ Gioan đã muốn làm linh mục. Khi bày tỏ ý định tốt đẹp này, Ngài đã 17 tuổi và mới chỉ qua bậc tiểu học. Mẹ Ngài tán thành chí nguyện, nhưng cha Ngài với óc thực tế đã băn khoăn rất nhiều và không chấp nhận. Mãi tới năm 1805, Gioan đến sống với cha Belley, họ Ecully. Theo học với các bạn tuổi còn nhỏ, mà trí khôn Ngài lại quá trì trệ. Đã vậy vào năm 1890, Ngài lại còn phải nhập ngũ. Năm sau Ngài may mắn được trở về nhà.

Năm 1810, Gioan gia nhập tiểu chủng viện Verrières. Hai năm trôi qua, Ngài là một chủng sinh học hành rất kém. Dầu vậy Ngài cũng nhận vào đại chủng viện. Tại đây chuyển ngữ là tiếng Latinh, mà Gioan lại quá dở về môn này, khiến ban giám đốc khuyên thầy hồi tục. Không thất vọng một lần nữa cha Balley đảm nhận việc dạy dỗ người chủng sinh gương mẫu nhưng chậm trí này. Sau khi hoàn tất chương trình học, ngày 13 tháng 8 năm 1815, Gioan Maria Vianney thụ phong linh mục tại nguyện đường đại chủng viện Grênoble. Ngài được gọi lên chức linh mục chính vì đời sống đạo đức.

Sau khi thụ phong, cha Gioan Maria Vianney được cử làm phó xứ Ecully. Tháng 12 năm 1817, cha Balley qua đời, cha Vianney được cử về làm chánh sở họ Ars. Khi bổ nhiệm, cha tổng đại diện nhắn nhủ : – “Đây là một họ đạo nhỏ bé nghèo nàn, thiếu vắng tình yêu Chúa. Cha hãy mang tình yêu đến cho họ”.

Ngày 9 tháng 2 năm 1818 cha đến xứ lần đầu với hành lý khiêm tốn chất trên một chiếc xe tay, gồm một chiếc giường cũ, một rương sách và ít đồ vặt vãnh khác. Tới gần làng, Ngài dừng chân hỏi đường. Bọn trẻ chăn chiên không hiểu tiếng nói khác với thổ ngữ chúng vẫn dùng nhưng cũng đoán biết và chỉ lối cho cha. Khi biết được điạ sở, cha Gioan quì gối cầu nguyện cho những người sẽ là đoàn chiên của mình. Tới nơi Ngài vào thẳng nhà thờ và chìm trong kinh nguyện.

Nhà xứ Ars thật nghèo nàn với vài đồ vật thật sơ sài. Chính cha sở trẻ họ đạo lại coi đời sống cầu nguyện hãm mình là phương thế để thành công. Trong khi mọi người còn triền miên giấc điệp, Ngài đã xách đèn từ nhà xứ sang nhà thờ để cầu nguyện. Trước nhà tạm, nhiều lần với nước mắt ướt cả sàn nhà, Ngài tha thiết cầu nguyện : – Lạy Chúa, con xin lãnh chịu tất cả, nhưng xin Chúa cải hóa họ đạo của con… Con bằng lòng chịu mọi đau khổ như Chúa muốn, miễn sao họ biết hồi tâm hối cải.

Chìm đắm trong kinh nguyện, cha Gioan không quan tâm tới nhu cầu thể xác, mà Ngài coi như cái thây ma. Ngủ đã ít, Ngài lại thường nằm trên sàn nhà. Đồ đạc người ta dâng cúng, Ngài đem cho người nghèo… Vui cười Ngài nói: – Tôi không hề mất áo choàng bao giờ. Chuyện ăn uống Ngài cũng chẳng quan tâm đến, tự mình nấu ăn, Ngài chỉ nấu một nồi khoai rồi treo lên tường.

Khi đói Ngài ăn một hai củ và củ thứ ba là “để cho vui miệng”. Nồi khoai thường để lâu cho đến nỗi những củ cuối cùng thường bị mốc meo. Ngài hãm mình như vậy cho tới năm 1827, khi các chị dòng Chúa quan phòng nấu ăn cho Ngài.

Hơn nữa thánh nhân còn tự ý hãm mình. Mỗi đêm Ngài đều đánh tội trước khi ngủ. Trên tường phòng Ngài còn loang lổ nhiều vết máu.

Với một đời sống cầu nguyện hy sinh như vậy, thánh nhân nỗ lực canh tân họ đạo. Về xứ được ít lâu, Ngài sớm nhận ra được ba tệ đoan trong họ đạo là sự lãnh đạm với việc đạo đức, thói quen làm việc xác ngày Chúa nhật và tật ham khiêu vũ.

Để chấn hưng lại tình trạng suy dồi kia, dĩ nhiên thánh nhân gia tăng lời cầu nguyện và việc hãm mình. Trong hoạt động Ngài đi thăm viếng các gia đình. Sửa lại tình trạng thiếu hiểu biết về đạo, Ngài lo dạy giáo lý cho trẻ em. Suốt 27 năm, cha thánh Gioan ngày nào cũng trung thành với viêc dạy giáo lý. Đối với người lớn cha dọn bài giảng rất kỹ lưỡng. Ngồi trong phòng thánh cạnh nhà tạm, cha viết bài giảng, Đêm thứ bảy cha học và tập giảng – cho hôm sau lời giảng của cha rất đơn sơ, nhưng xoáy vào lòng người nghe.

Chẳng hạn Ngài nói: – Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi… danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió.

– Càng cầu nguyện người ta càng ham thích, như một con cá trồi lên mặt nước rồi chìm mình trở lại và luôn bơi đi mãi. Linh hồn đắm chìm trong lời cầu nguyện sẽ mất hút trong sự êm dịu của cuộc đàm thoại với Chúa.

Các câu chuyện nhỏ cha kể nhiều khi có giá trị như một bài giảng. Chẳng hạn cha nói về một em nhỏ bị đau bịnh :- Con đau đớn lắm không ?
Cậu bé trả lời “Hôm qua con không đau đớn gì và ngày mai con cũng hết khổ”.
Cha hỏi lại : – Vậy con muốn được lành bệnh không ?
– Trước khi bệnh con hung dữ, khỏi bệnh con dám như vậy lắm. Để như thế nầy là tốt hơn cả.

Chống lại tật làm việc xác, cha nói: – Ngày chủ nhật là của Chúa. Mà anh em ăn trộm cũng chẳng lợi ích gì cho anh em. Tôi biết có hai phương thế chắc chắn để nên nghèo khó là làm việc ngày Chúa nhật và lấy của kẻ khác.

Để chống lại tật ham khiêu vũ, đã có lần cha đến giữa đám để giải tán. Lần khác cha bỏ tiền trả cho nhạc công để anh rút lui. Tích cực hơn, cha lập hội Mân Côi để tập họp các thiếu nữ vào việc thực hành đạo đức này.

Hơn nữa, trong họ có bảy quán rượu cha hết sức khuyên nhủ và cả chúc dữ nữa để họ đổi nghề. Cuối cùng cả 7 quán đều đóng cửa.

Thấy trọng trách của một chủ chiên quá nặng nề. Đã bốn lần cha Gioan tìm cách trốn khỏi họ đạo. Nhưng rồi cha đã bị phát giác, tiếng chuông reo vang và người ta đổ xô ra đường để giữ cha lại. Nỗ lực của cha không dễ dàng được tiếp nhận. Người ta tìm nhiều cách để vu khống cho cha nhiều tội tày trời. Thành công của cha khiến cho nhiều người nghi ngờ và ghen tị, đến nỗi tòa giám mục phải mở cuộc điều tra. Sau nữa chính quỉ dữ cũng phải công khai phá cha dưới nhiều hình thức như xê dịch đồ đạc, la lối om sòm, hiện hình kỳ quái… đến độ đốt cháy cả giường nằm.

Nhớ lại tất cả những gì đã trải qua, cha nói:
– Khi đến Ars, nếu biết được tất cả những gì tôi phải chịu chắc tôi chết liền.

Nhưng ơn thánh Chúa đã nâng đỡ Ngài. Mỗi ngày trong thánh lễ, Ngài được thấy chính Chúa Giêsu. Dần dần họ Ars đã được biến đổi, hương thơm thánh thiện còn bay lan rộng ra khỏi ngôi làng bé nhỏ và hẻo lánh này. Khách thập phương từ khắp nơi đổ xô đến, để được chiêm ngưỡng một cha sở thánh thiện, để được nghe lời Ngài, để xưng tội. Cha Gioan đã làm vui lòng mọi người.

Suốt hai mươi năm trời, cha như chôn mình trong tòa giải tội, từ sau lễ tới 11 giờ trưa, rồi từ 1 giờ chiều tới 8 giờ tối. Sau này khi được qua đời, cha được chôn cất tại nhà nguyện thánh Gioan tẩy giả, cạnh tòa giải tội mà người ta gọi là phép lạ lớn nhất ở Ars.

Tận tụy với các linh hồn, cha Gioan cũng được ơn thấu tỏ lòng người. Ngày kia có một du khách tới Ars để đi săn. Nhìn ông với con chó bên cạnh, Ngài nói : “Con chó của ông thật đẹp, nhưng linh hồn chẳng đẹp tí nào”. Cúi mặt người du khách vào toà xưng tội.

Một người đàn bà khác nghe cha nói: “Ông ấy đã được rỗi. Giữa thành cầu và giòng nước, ông đã kịp ăn năn tội…”. Thế là cha đã biết nỗi lo âu sầu của bà, vì cái chết mới đây của chồng bà. Ngài đã mang lại cho bà niềm an ủi khi cho biết rằng: nhờ những bó hoa và vài lần cầu nguyện với vợ mỗi tháng Đức Mẹ, mà người chồng xấu số kia đã được cứu rỗi.

Đời sống của cha Gioan là một mẫu gương tận tụy vì Chúa và vì các linh hồn, Ngài thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được hao mòn vì Chúa và các linh hồn”.

Quả thực, cha Gioan đã hao mòn vì phụng sự. Ngày 2 tháng 8 năm 1859 cha chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 4 tháng 8 năm 1859 cha trút hơi thở cuối cùng với sự mãn nguyện.
– Phải chết lành khi người ta sống trên thánh giá.

Ngày tháng 5 năm 1925, cha Gioan được tôn phong hiển thánh và năm 1925 được đặt làm bổn mạng các cha sở trên toàn thế giới.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

04 Tháng Tám

Sức mạnh Của Thiên Chúa

Ðược biết đến và được yêu mến như cha sở họ Ars, cha Gioan Maria Vianney, vị thánh được giáo hội mừng kính hôm nay, là một trong những người làm chứng về lời thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã chọn những người không ra gì, để làm rối loạn những người mạnh mẽ”.

Năm 1815, thầy Gioan được truyền chức linh mục.

Sau ba năm tập sự dưới sự hướng dẫn của cha Balley, cha Gioan được chỉ định đến xứ Ars. Trên đường đi nhận họ đạo, khi đi đến khúc đường chật hẹp, cỏ mọc ngụp đầu người, giữa lúc không còn biết hướng đi, cha Gioan đã dừng lại hỏi cậu bé mười tuổi tên Anton đang chăn cừu gần đấy. Cậu bé lịch sự chỉ lối cho cha.

Ngày nay tại nơi đây, dân làng Ars đã dựng một tượng đài để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, gồm có tượng đồng diễn tả thánh Gioan Vianney đang đứng trò chuyện với cậu Anton, một tay ngài đặt lên vai cậu, một tay chỉ lên trời. Dưới chân tượng, người ta ghi câu cám ơn của thánh nhân: “Cám ơn con đã chỉ cho cha đường đi tới Ars. Rồi đây, cha sẽ chỉ cho con đường về Thiên Ðàng”.

Thực ra, cha Gioan đã không những giữ lời mình đã hứa chỉ đường cho một mình em Anton về quê Trời mà thôi, nhưng cho cả giáo xứ Ars và trăm ngàn người khác từ khắp nơi kéo đến hành hương, để được xưng tội và được hướng dẫn trở về đường ngay nẻo chính.

Ý thức bổn phận của linh mục là dấn thân phục vụ cho đàn chiên, cha Gioan đã hoạch định cho mình một chương trình sống, một chương trình chúng ta có thể gói gém vào ba hoạt động chính sau đây: Nếp sống khắc khổ hy sinh, tôn sùng Phép Thánh Thể và thi hành việc mục vụ qua lời giảng dạy cũng như trong tòa Giải Tội.

Ðể thi hành việc mục vụ, cha Gioan đã cho tha nhân thời giờ của mình: Mỗi ngày cha chỉ dùng 2 hay 3 giờ để nghỉ ngơi lấy sức. Giờ còn lại cha dùng để cầu nguyện và giải tội.

Quỳ lâu trong nhà thờ vào lúc canh khuya, cha Gioan duyệt lại trước Thánh Thể hoàn cảnh của tất cả 230 tín hữu trong họ đạo Ars, từng người một, từng nhu cầu của mỗi người.

Ngoài ra, mỗi ngày vào mùa đông lạnh lẽo, cha Gioan giải tội trung bình khoảng 11 hay 12 tiếng đồng hồ. Vào mùa hè, có khi ngài sử dụng đến 16 giờ để giao hòa các hối nhân lại với Thiên Chúa.

Cha Gioan thường gọi những giờ giải tội lâu dài này là “Giờ của Thiên Chúa”. Trong suốt 41 năm mục vụ, cha Gioan có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những khó khăn của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, cha mang theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của toàn dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa. Qua đó, tòa giải tội trở nên như một giếng nước trong lành, nơi giáo dân đến múc lấy Tình Thương Yêu của Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 18 – Năm B – Thường Niên 

Bài đọc: Exo 16:2-4, 12-15; Eph 4:17, 20-24; Jn 6:24-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát. 

            Cám dỗ về bánh ăn luôn là một diệu kế ma quỉ dùng để cám dỗ con người. Chúng đã từng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, khi Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc: “Hãy biến những hòn đá thành của ăn.” Chúa trả lời: “Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Chúa muốn con người nhận ra chân lý: “Bánh cần thiết, nhưng không phải tất cả.” Nếu con người chú trọng đến bánh quá nhiều, con người sẽ phát sinh nhiều bệnh: cả phần hồn lẫn phần xác.

            Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật hai thực tại: lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn. Trong Bài Đọc I, con cái Israel kêu trách Thiên Chúa vì họ bị đói và khát trong sa mạc. Thiên Chúa cho họ có manna từ trời rơi xuống ban sáng, và có thịt chim cút lúc ban chiều. Họ có thể ăn uống thỏa thuê; nhưng không được họ tích trữ. Ngài truyền chỉ lấy lương thực đủ cho ngày đó; nếu tham lam tích trữ, manna sẽ hư hại hôm sau. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô phân biệt hai lối sống: Dân Ngoại sống theo tư tưởng phù phiếm: họ chỉ biết ra công làm việc để có của ăn hư nát và hưởng thụ; ngược lại, các tín hữu phải sống theo Thánh Thần và tuân theo những lời chỉ dạy của Đức Kitô, để có lương thực trường tồn. Trong Phúc Âm, dân chúng đi kiếm Đức Kitô sau khi đã được Ngài làm phép lạ cho ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu biết rõ họ tìm kiếm Ngài chỉ vì lý do đó; nên Ngài khuyên họ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh.”

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:  

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã cho dân có bánh và thịt trong sa mạc.             

1.1/ Con cái Israel kêu trách Thiên Chúa và Moses: Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Israel kêu trách ông Moses và ông Aaron. Con cái Israel nói với các ông: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” Nhiều người cho con cái Israel có lý do để than phiền, vì nếu phải “chết đói” trong sa mạc thì ở lại Ai-cập để được “chết no” còn sướng hơn. Nhưng sự thực là con cái Israel đã không phải chết đói, vì nếu Thiên Chúa đã có kế hoạch đưa dân ra khỏi Ai-cập để vào Đất Hứa, làm sao Ngài có thể để dân chết đói dọc đường được! Những lời than phiền này biểu tỏ:

            (1) Con cái Israel không có đức tin mạnh đủ vào Thiên Chúa: Họ vừa mới chứng kiến biến cố Thiên Chúa đưa toàn dân qua Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội Pharao bị nhận chìm trong Biển Đỏ, và uy quyền Thiên Chúa bày tỏ qua 7 thiên tai. Tại sao họ không cầu xin Thiên Chúa ban của ăn, mà lại buông những lời vô ơn bạc nghĩa như thế?

            (2) Con cái Israel quí trọng của ăn hơn những giá trị tinh thần: Làm nô lệ cho Pharao là một cực hình; vì chính họ đã từng kêu than lên Thiên Chúa. Tại sao giờ đây họ đã được tự do rồi, lại muốn trở lại kiếp nô lệ ngày xưa để có thịt và bánh ăn thỏa thuê? Đây là một kinh nghiệm quan trọng cho chúng ta học hỏi: lòng ham muốn của ăn có thể làm lu mờ những giá trị tinh thần. 

1.2/ Thiên Chúa cho dân ăn manna và chim cút trong sa mạc:

            (1) Cho dân ăn manna: Đức Chúa phán với ông Moses: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không.” Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Mỗi buổi sáng, có lớp sương phủ quanh trại; lúc sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Manhu?” Nghĩa là: “Cái gì đây?” Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ: “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!”

            (2) Cho dân ăn thịt chim cút: Con cái Israel không chỉ muốn ăn bánh để sống, nhưng còn ao ước được ăn ngon. Họ nói: chúng tôi đã quá nhàm chán thức ăn vô vị này (manna); và họ nhớ tới những cao lương mỹ vị khi còn ở Ai-cập. Thiên Chúa thấu tỏ lòng họ, nên Ngài lại nói với ông Moses: “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.” Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại.

 

2/ Bài đọc II: Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em. 

2.1/ Lối sống theo Dân Ngoại: Ephesô là một thành phố của Hy-lạp, các tín hữu Ephesô hầu hết là những người Dân Ngoại, và đã được Phaolô rao giảng Tin Mừng và nhận vào Đạo Thánh của Đức Kitô. Giống như con cái Israel, các tín hữu Ephesô luôn bị cám dỗ để trở về với nếp sống cũ trước khi được Rửa Tội. Thánh Phaolô nhận ra khuynh hướng này; vì thế, ngài viết thư khuyên họ: “Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như Dân Ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.”

            Lối sống theo Dân Ngoại mà thánh Phaolô đề cập đến ở đây bao gồm rất nhiều tật xấu, dựa trên những Thư của Ngài, chúng ta có thể liệt kê các tội như: thờ bụt thần, không tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự sống đời sau, hưởng thụ vật chất và khoái lạc, loạn luân, ham quyền hành, và ghen tương chia rẽ … 

2.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Ephesô hai điều quan trọng:

            (1) Sống theo sự thật của Đức Kitô: “Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối.”

            Tin thế nào, phải sống như thế. Nếu tin một đàng và sống một nẻo, đức tin không sinh lợi ích gì cho các tín hữu; họ chẳng khác gì những người không tin.

            (2) Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần: “Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.”

            Chúa Thánh Thần mà các tín hữu đã lãnh nhận Ngài khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội, sẽ soi sáng để họ nhận ra những gì là sự thật mà Đức Kitô đã loan báo; đồng thời, Ngài sẽ ban những ơn thánh đủ để thúc đẩy các tín hữu biết sống theo những gì Đức Kitô đã dạy bảo. Chương 8 của Thư Rôma cho chúng ta một đời sống viên mãn dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.

3/ Phúc Âm: Đừng chỉ tìm kiếm những của ăn mau hư nát. 

3.1/ Dân chúng tìm Chúa vì đã được ăn no nê: Trình thuật của Gioan hôm nay tiếp tục trình thuật của tuần trước, khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi hơn 5,000 người ăn uống no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, mà vẫn còn dư 12 thúng đầy những mảnh vụn. Sau đó, họ hợp lại và muốn tôn Chúa Giêsu làm vua; nhưng Chúa Giêsu truyền lệnh cho các tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Đêm đó, biển động mạnh làm thuyền các tông-đồ gần chìm. Chúa Giêsu từ trên núi đi trên mặt biển đến để trấn an các ông, và làm cho sóng yên biển lặng. Thuyền của các tông-đồ ghé bến Capernaum bình an.

            Phần dân chúng, khi họ thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capernaum tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”

            Chúa Giêsu thấu hiểu dụng ý của dân chúng, như ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc: Họ sẽ tôn Ngài làm vua, nếu Ngài tiếp tục làm phép lạ cho họ có của ăn, mà không cần phải vất vả làm việc!

3.2/ Chúa Giêsu chỉ dạy cho dân chúng tìm lương thực tồn tại muôn đời: Chúa từ chối dụng ý của dân chúng, như Chúa đã từ chối thẳng thừng cám dỗ của ma quỉ trong sa mạc. Tuy nhiên, Chúa vẫn kiên nhẫn dạy dỗ và cắt nghĩa cho dân chúng thấy những giá trị tốt lành và vĩnh cửu hơn là lương thực vật chất: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Lương thực mau hư nát ai cũng có thể hiểu được: ngoài đồ ăn thức uống, còn có thể hiểu là những giá trị chóng qua của thế gian như: tiền bạc, của cải, thú vui, danh vọng, chức quyền … Về lương thực mang lại giá trị vĩnh cửu, chúng ta phải học hỏi hết chương 6 của Gioan trong ba tuần kế tiếp. Một cách tổng quát, Chúa Giêsu muốn đề cập đến hai điều căn bản:

            (1) Thánh ý Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

            Điều nền tảng nhất trong cuộc đời là tìm ra và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu đã làm. Theo Kế Họach Cứu Độ, Đức Kitô là Con Thiên Chúa, được sai đến để cứu chuộc con người. Vì thế, theo thánh ý Thiên Chúa, con người phải tin vào Ngài để được hưởng ơn cứu độ. Việc tin vào Đức Kitô không đơn thuần là thái độ của trí khôn trong một lúc; nhưng là tin và thực hành tất cả những gì Đức Kitô đã mặc khải và truyền dạy. Hơn nữa, con người còn phải sẵn sàng chấp nhận gian khổ để làm chứng cho Ngài.

            (2) Bí-tích Thánh Thể: Không phải chuyện tình cờ mà Gioan đề cập đến biến cố Thiên Chúa cho con cái Israel ăn manna trong sa mạc, và biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ “Bánh hóa nhiều.” Thánh Gioan muốn dẫn chúng ta đến sự quan trọng của Bí-tích Thánh Thể khi Chúa Giêsu chuyển đề và trả lời người Do-thái như sau: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Chúng ta sẽ nói về BT Thánh Thể trong ba tuần tới.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta cần khôn ngoan để phân biệt lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn; để rồi biết dành thời gian tương xứng, và ra sức làm việc cho lương thực trường tồn.

            – Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài có dư uy quyền để ban cho chúng ta lương thực hàng ngày. Chúng ta có dám tin tưởng điều đó không?

            – Một trong những thói xấu của con người là thói quen đầu cơ tích trữ để người khác phải đói khát. Chúa dạy chúng ta xin cho đủ lương thực hàng ngày; chứ không xin cho có đủ lương thực hay có tiền đủ để mua lương thực cho cả một đời! 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************