Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm C
BÀI ĐỌC I: Kn 9, 13-18
“Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.
Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.
Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
Đáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. – Đáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. – Đáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. – Đáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Plm 9b-10. 12-17
“Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.
Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.
Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 14, 25-33
“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.
“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.
“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
04/09/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – C
Lc 14,25-33
TIÊU CHUẨN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26)
Suy niệm: Chất lượng cao, bền, đẹp, giá thành hạ là những tiêu chuẩn người ta thường dựa vào để đánh giá một sản phẩm. Cũng thế về con người, thế gian có những tiêu chuẩn để đánh giá. Tiền bạc, quyền chức, thành công, có nhà cửa vẫn luôn là tiêu chuẩn ưu thế. Đối với Thiên Chúa, tiêu chuẩn số một phải có nơi người muốn thuộc về Ngài là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Đây là tiêu chuẩn không thể thay thế, dù trong hoàn cảnh nào, dù vì lý do gìn giữ mạng sống, nhưng nó thay thế cho mọi tiêu chuẩn đánh giá con người. Khi đòi hỏi như thế, Thiên Chúa biết rõ trong tâm trí của Ki-tô hữu không chỉ có tiếng của Thiên Chúa, mà còn có nhiều tiếng khác đang cạnh tranh tìm cách chi phối thánh ý Chúa. Bởi thế, là người cha đầy lòng yêu thương, Chúa nói những lời trên với ta như những người con trưởng thành, tin tưởng chúng luôn biết chọn lựa dựa vào tiêu chuẩn kính mến Chúa trên hết mọi sự.
Mời Bạn: Có quá nhiều tiêu chuẩn thiên hạ đưa ra để đánh giá con người. Nơi bạn đang sống, tiêu chuẩn nào đang được người ta chú trọng? Tiêu chuẩn đó có thay thế hay làm giảm giá tiêu chuẩn kính mến Chúa trên hết mọi sự không? Khi quyết định một việc, bạn dựa vào tiêu chuẩn nào?
Sống Lời Chúa: Khi sắp quyết định làm việc gì, bạn hãy nhớ đến Lời Chúa dạy mình làm gì trong việc này.
Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã yêu thương chúng con đến nỗi thí ban Con Một yêu dấu của Cha là Đức Giê-su. Xin cho chúng con cũng biết mến yêu Cha trên hết mọi sự.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Chẳng ai có thể đi một lúc hai con đường.
Cuộc sống luôn đặt con người trước những lựa chọn,
mà chọn là từ bỏ.
Từ bỏ trở thành quy luật để sống và lớn lên.
Thai nhi không thể ở mãi trong bụng mẹ,
dù đó là chỗ an toàn, êm ấm.
Ðứa bé chẳng thể nào trưởng thành,
nếu nó sống mãi bằng sửa mẹ.
Từ bỏ thường là những cắt đứt đau đớn,
như mổ một khối u.
Có nhiều người không có can đảm từ bỏ,
nên suốt đời bị giằng co, ray rứt.
Trong đoạn Tin Mừng trên đây,
Ðức Giêsu đã nói ba lần câu:
“thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Chúng ta đã trở nên môn đệ Ðức Giêsu,
nhưng để tiếp tục là môn đệ của Ngài,
ta cần phải đặt Ngài lên trên mọi giá trị khác.
Người Kitô hữu lớn lên nhờ chọn lựa và từ bỏ.
Trung tâm điểm là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
Mọi giá trị trở nên tương đối trước Ðấng Tuyệt Ðối.
Tiền bạc, của cải là một giá trị.
Cha mẹ, vợ con, gia đình là những giá trị tinh thần.
Mạng sống là một giá trị trổi vượt.
Nhưng ngay cả những giá trị đó
cũng phải được hy sinh khi cần,
để tôi chọn Ðức Giêsu, Giá Trị của mọi giá trị.
Các thánh tử đạo đã chọn lựa như thế.
Dĩ nhiên chúng ta yêu gia đình, yêu bè bạn,
yêu trái đất nâng ta, yêu bầu trời che chở ta,
yêu cuộc sống làm người với bao niềm vui và nước mắt.
Nhưng ta phải yêu tất cả trong Chúa
và dưới Chúa,
để khi phải chọn lựa một trong hai,
chúng ta chọn Chúa.
Như thế, tuy người Kitô hữu gắn bó với tạo vật
nhưng vẫn giữ một khoảng cách nào đó,
để luôn sống trong tự do, bình tâm.
Vấn đề là dám chọn và tiếp tục chọn,
không để cho tháp đã xây bị dở dang,
không để cho cuộc tiến quân bị ngừng trệ.
Vấn đề là dám đi tới cùng,
để tiếp tục trung tín với một Tình Yêu.
Phải cởi bỏ mình khỏi những điều xấu,
nhưng cũng phải tách mình
khỏi nỗi đam mê lệch lạc một điều tốt:
yêu nó ngoài Chúa và trên Chúa.
Ước gì chúng ta tự cởi trói mình mỗi ngày
và nhờ ơn Chúa, chúng ta được tự do.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG CHÍN
Cắm Rễ Thâm Sâu Trong Thiên Chúa
Ý nghĩa của việc “củng cố mạnh mẽ con người nội tâm” – là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta – được giải thích rõ trong thư gửi tín hữu Eâphêsô: “Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để có đủ sức thấu hiểu và nhận biết tình yêu của Đức Kitô vốn vượt quá mọi sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”. (Ep 3,17-19).
Điều đó chỉ có thể được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong tinh thần con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khai phóng cho chúng ta sự viên mãn của con người nội tâm như được tìm thấy nơi tấm lòng của Đức Kitô. Chỉ có Ngài mới có thể làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hấp thu năng lực từ nguồn viên mãn này. Tâm hồn chúng ta – tức con người nội tâm – không thể chỉ dừng lại nơi những ưu tư về các thực tại chóng qua. Không, chúng ta phải “bén rễ sâu” trong tình yêu không bao giờ hư mất.
Nguyện xin Nữ Tì khiêm cung của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để trái tim nhân loại của chúng ta có thể “bén rễ sâu” trong Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài là tình yêu không bao giờ hư mất. Và tình yêu này được mạc khải nơi trái tim nhân loại của Đấng được sinh bởi cung lòng Đức Maria.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/9
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN
Kn 9, 13-18; Plm 9b-10. 12-17; Lc 14, 25-33.
LỜI SUY NIỆM: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có”
Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem, các môn đệ và cả đám đông đang hào hứng nghĩ đến ngày vinh quang trần thế của Người sắp đến. Nên Chúa Giêsu muốn xóa ngay những tư tưởng đó. Chúa đã công khai công bố những điều kiện theo Người là phải: “từ bỏ hết những gì mình có”
Lạy Chúa Giêsu. “Từ bỏ hết những gì mình có” là một điều rất khó khăn với chúng con. Nhưng chúng con tin, những gì Chúa đòi hỏi chúng con thực hiện theo Lời Chúa dạy, đều có ơn ban của Chúa kèm theo để nâng đỡ chúng con. Xin Chúa thương ban cho chúng con đức tin mạnh, đức cậy bền và đức kính mến sốt sắng, để chúng con bước theo Chúa cho đến trọn dời.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
04 Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!
Theo khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động.
Chúng ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ… Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của người khác.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động cá nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu người làm theo.
Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.
Riêng với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian”.
Ước gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 23 – Năm C – Thường Niên
Bài đọc: Wis 9:13-18; Plm 1:9b-10, 12-17; Lk 14:25-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.
Khôn ngoan là một tĩnh từ mang nhiều hiểu lầm vì tính áp dụng quá rộng của nó: Thiên Chúa khôn ngoan, nhà khoa học khôn ngoan, người thợ kim hoàn khôn ngoan vì làm đồ giả như đồ thật, tên trộm khôn ngoan vì đánh lừa được chủ nhà. Đâu là sự khác biệt mà tĩnh từ khôn ngoan được áp dụng cho các thành phần này?
Trước hết, chúng ta cần phân biệt Đức Khôn Ngoan với sự hiểu biết: Đức Khôn Ngoan chỉ áp dụng cho Thiên Chúa và những sự thuộc về Ngài; trong khi hiểu biết nên áp dụng cho những sự thuộc về loài người. Hiểu biết cũng có nhiều loại: hiểu biết chung cho tất cả phạm vi của loài người được gọi là kiến thức (knowledge), hay cho những phạm vi chuyên môn gọi là khoa học (science)
Các bài đọc hôm nay chú trọng đặc biệt đến Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự cần thiết của Đức Khôn Ngoan trong cuộc đời con người, để họ biết sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa và đạt được mục đích của cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phân tích sự khác biệt giữa Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và những hiểu biết của con người, và những lợi ích do Đức Khôn Ngoan mang lại. Trong bài đọc II, thánh Phaolô muốn cho Philemon nhận ra sự khác biệt to lớn khi một người biết sống theo sự dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ có thể biến một người vô tích sự thành một người hữu ích cho tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi con người phải có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa thì mới có thể đáp ứng những đòi hỏi để trở thành môn đệ của Ngài được. Nếu một người chỉ sống theo những hiểu biết của thế gian, họ sẽ không bao giờ có thể trở thành môn đệ của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức khôn ngoan của Thiên Chúa và trí khôn của con người
1.1/ Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự hiểu biết của con người
Trước tiên, tác giả Sách Khôn Ngoan xác tín: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?” Có nhiều lý do cho sự không hiểu biết của con người: Thứ nhất, trí khôn con người có giới hạn, vì con người “là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” Linh hồn con người bị chi phối bởi thân xác, mà thân xác bị chi phối bởi khí hậu, ăn uống, hoàn cảnh, và nhất là những đòi hỏi về các ham muốn, lo âu và dục vọng. Thứ hai, con người chỉ có thể hiểu biết những gì thuộc thế giới hữu hình, chứ không hiểu biết được thế giới vô hình. Tác giả thú nhận: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?” Sự thật của cuộc đời là thế, người tài giỏi lắm cũng chỉ biết những gì thuộc phạm vi của mình; ví dụ, trong nghành y khoa còn phải chia ra các phân khoa như: tim, phổi, thần kinh, xương, da…; trong ngành kỹ sư cũng chia ra các phân khoa như: điện đường, điện tử, cơ khí, cầu cống… Làm sao có thời giờ để quán thông mọi sự trong trời đất?
1.2/ Con người cần được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan.
(1) Theo tác giả, Đức Khôn Ngoan là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người trong khi sự hiểu biết là do cố gắng hay kinh nghiệm mà con người đạt được.
Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không lệ thuộc vào trí khôn của con người, vì có người rất hiểu biết nhưng lại không có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa; trong khi có người ít hiểu biết nhưng lại có Đức Khôn Ngoan của Ngài; dĩ nhiên cũng có những người hiểu biết nhiều và sở hữu Đức Khôn Ngoan. Chính Đức Kitô đã nêu lên sự kiện này khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:25; Lk 10:21). Thực ra, Thiên Chúa ban tặng Đức Khôn Ngoan cho mọi người, sở dĩ có những người không có là vì họ quá kiêu ngạo, họ không nghĩ họ cần Đức Khôn Ngoan là những mặc khải và giáo huấn của Thiên Chúa.
(2) Những lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: Tác giả liệt kê 3 lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: thứ nhất, họ được đẹp lòng Thiên Chúa; thứ hai họ biết sống theo trật tự của Thiên Chúa quan phòng nên họ được thành công và có sự bình an; sau cùng, họ đạt được ơn cứu độ là sự sống đời đời.
2/ Bài đọc II: Kẻ xưa kia là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi.
2.1/ Phaolô huấn luyện Onesimus theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa.
Onesimus là một người nô lệ của Philemon, sống tại Colossae. Vì một lý do nào đó, ông đã bỏ trốn chủ qua Rôma và đã gặp lại Phaolô đang lúc ngài bị giam tù lỏng. Sau một thời gian ở với Phaolô và được huấn luyện, ông đã thay đổi hoàn toàn và được chịu phép Rửa bởi Phaolô. Luật Rôma rất nghiêm nhặt đối với người nô lệ bỏ chủ chạy trốn, ông có thể bị tử hình. Phaolô tuy rất muốn giữ Onesimus ở với mình trong khi tù đày và già yếu; nhưng ông không muốn làm gì mà không có sự đồng ý của Philemon, chủ của Onesimus.
Phaolô coi Onesimus như người con ruột của mình, “đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích.” Phaolô xin Philemon nhận lại Onesimus, không phải như nhận lại một người nô lệ; nhưng như một người ruột thịt của ông, và như một người anh em trong Đức Kitô. Có thể nói Phaolô đã làm một cuộc cách mạng khi xin tha chết cho Onesimus, và xin Philemon đối xử với ông không như một người nô lệ.
2.2/ Thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến.
Phaolô muốn Philemon hoàn toàn tự do trong việc nhận lại Onesimus, và nếu Philemon đồng ý, gởi Onesimus lại để ở với Phaolô: “Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.”
Chỉ trong thời gian ngắn, Phaolô đã cảm hóa được Onesimus, đến nỗi có thể nói với Philemon “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.” Điều này là một chứng minh cho thấy cách giáo dục con người hay nhất là giáo dục theo đường lối và cách thức khôn ngoan của Chúa Giêsu là yêu thương hết mình và sống theo sự thật. Con người sẽ đáp trả khi họ được yêu thương thành thật và được tôn trọng phẩm giá như một con người.
3/ Phúc Âm: Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
3.1/ Những điều kiện để làm môn đệ của Đức Kitô:
Trình thuật cho biết có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Có lẽ những người này cũng muốn theo Người làm môn đệ, nên Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Có ba điều kiện Chúa Giêsu đòi nơi người môn đệ:
(1) Bỏ cha mẹ và những người thân thuộc: Làm môn đệ của Đức Kitô là lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nếu người môn đệ nào quá lo lắng cho cha mẹ và gia đình, ông sẽ không còn thời gian để chu toàn sứ vụ được trao; vì thế, đòi hỏi của Chúa Giêsu là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc từ bỏ đây không có nghĩa phải chấm dứt các mối liên hệ gia đình, nhưng phải dám hy sinh cho một sứ vụ, nhất là khi có xung đột.
(2) Bỏ chính mình: có lẽ đây là điều khó khăn hơn cả, vì người môn đệ bị đòi phải bỏ ý riêng và như thế toàn thể con người mình, để sống hoàn toàn theo ý Thiên Chúa. Nếu người môn đệ hiểu Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa sẽ mang lại những lợi ích và nhất là ơn cứu độ, việc bỏ ý riêng mình là điều cần thiết và nên làm.
(3) Vác thập giá mà theo Chúa: con người thường có khuynh hướng chạy trốn đau khổ để tìm những sự an nhàn và dễ dãi. Người môn đệ bị đòi để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.
3.2/ Hai ví dụ của khôn ngoan: Để dẫn chứng sự hợp lý của những đòi hỏi trên, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ.
(1) Người xây tháp canh: Đây là một dự án đòi nhiều vật lực và nhân lực; vì thế, người xây phải ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.”
(2) Vua giao chiến: Ngày nay cũng như ngày xưa, thăng bằng lực lượng là điều cần thiết phải làm trước khi giao chiến. Nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ thăm dò mọi cách để biết lực lượng của đối phương: nếu cán cân lực lượng quá nghiêng về đối phương, ông sẽ phải hạ mình xuống để sai sứ giả cầu hòa để tránh tử vong cho mình, cho binh lính, và cho dân chúng; nếu biết lực lượng của mình mạnh hơn địch, ông sẽ an tâm giao chiến và nắm chắc phần thắng.
Trên con đường làm môn đệ của Đức Kitô cũng vậy, người môn đệ bị đòi phải gạt những hiểu biết theo tính toán con người của mình qua một bên để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nếu ngoan cố cứ sống theo cách riêng của mình, người môn đệ sẽ bỏ Đức Kitô nửa đường và không theo Ngài tới cùng được. Chúa Giêsu kết luận: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Kiến thức có được do trí khôn con người không đủ giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Chúng ta cần cầu xin cho có được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Để có được, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận những giới hạn của mình.
– Hãy giáo dục chính mình, con cái, và tha nhân theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa: đó là yêu thương hết mình và luôn sống theo sự thật.
– Chúng ta phải dẹp bỏ mọi khôn ngoan tính toán theo cách thức con người và chấp nhận những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi thì mới có thể trở thành môn đệ của Ngài được.
– Chúng ta cần tránh thái độ “ếch ngồi đáy giếng,” chỉ biết những gì trong giếng và bầu trời bằng miệng giếng, để rồi chối từ tất cả những gì ngoài cái giếng nó ở!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************