Chúa Nhật (05-03-2023) – Trang suy niệm

04/03/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay Năm A

BÀI ĐỌC I: St 12, 1-4a

“Abraham, người cha Dân Chúa, được kêu gọi”.

Trích sách Sáng Thế.

Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc. Ta sẽ ban phúc cho ai chúc phúc ngươi, và chúc dữ cho ai chúc dữ ngươi. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được diễm phúc”. Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).

1) Lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Đáp.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Đáp.

3) Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa: chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng tôi. Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 1, 8b-10

“Thiên Chúa kêu gọi và chiếu soi chúng ta”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Con thân mến, con hãy đồng lao cộng tác với Cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Đấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. 

PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9

“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

05/03/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – A

Mt 17,1-9

VINH QUANG CỦA CHÚA

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17,2)

Suy niệm: Qua sự kiện biến hình, Chúa Giê-su cho ba môn đệ thấy trước vinh quang của Ngài là để củng cố đức tin của các ông. Ngày hôm nay Chúa Giê-su tiếp tục củng cố và nuôi dưỡng niềm tin của ta khi cho bánh và rượu trở thành Thịt Máu Ngài trên bàn thờ mỗi ngày. Ngài tiếp tục bày tỏ vinh quang của mình cho những ai có lòng tin. Là người nhận lãnh ánh sáng vinh quang của Chúa trong bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải phản chiếu ánh sáng vinh quang ấy cho người khác qua chính đời sống tốt đẹp của mình.

Mời Bạn: Trên bàn thờ Thập giá Chúa Giê-su đã cho đi sự sống mình để cứu độ nhân loại. Để ở với và nuôi sống nhân loại, Ngài tiếp tục cho đi chính Thân Mình Ngài mỗi ngày. Vì vậy, cả con người và cuộc sống của bạn đều là ân huệ Chúa ban. Bạn hãy nỗ lực sống thế nào để người khác nhận ra vinh quang của Ngài chiếu tỏa nơi bạn, như một cử chỉ đền đáp ân tình của Ngài.

Chia sẻ: Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi mọi người hoán cải, canh tân đời sống để đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa. Bạn và tôi sẽ sống thế nào để được biến đổi trong Chúa?

Sống Lời Chúa: Nỗ lực sống tốt trong mùa Chay để đẹp lòng Thiên Chúa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng đời sống chúng con là ân huệ Chúa thương ban. Chúng con xin dành trọn cuộc đời mình để tán tụng, tri ân và ngợi khen Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Khi đến miền Xêdarê Philípphê, Đức Giêsu đã nói riêng với các môn đệ
về những gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem (Mt 16,21).
Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị giết, rồi được trỗi dậy.
Lời Ngài nói làm các ông sững sờ, và Phêrô vội vã can ngăn.
Nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn khi nói về thân phận các môn đệ.
Nếu họ muốn đi theo Thầy, làm môn đệ của Thầy,
họ cũng phải chịu chung số phận với Thầy,
chấp nhận mất cả mạng sống mình vì Thầy (Mt 16,24-26).
Chắc hẳn sau cuộc nói chuyện này, bầu khí khá buồn và căng thẳng.
Bóng tối của cái chết làm mọi sự trở nên nặng nề.

Sáu ngày sau, Đức Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao.
Đó là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17,1).
Chính ở đây các ông đã có một kinh nghiệm không thể nào quên.
Bao năm sau, Phêrô vẫn nhớ như in điều ông đã thấy:
“chúng tôi đã được chứng kiến vẻ uy phong lẫm liệt của Người.”
Và ông cũng không thể quên điều ông đã nghe:
“ ‘Đây là Con của Ta, người Con Ta yêu dấu, Ta hết lòng quý mến.’
Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra,
khi chúng tôi ở với Người trên núi thánh” (2 Pr 1,16-18).
Kinh nghiệm này đã xóa đi phần nào nỗi buồn phiền lo âu,  
và đem lại sự ủi an nâng đỡ cho các môn đệ.
Sau biến cố này, các ông hiểu Thầy mình là ai.
Chính Thiên Chúa chứng nhận Thầy là Người Con yêu dấu,
dù Người Con ấy sắp chịu chết như Người Tôi Trung đau khổ (Is 42,1).

Khi thấy Thầy Giêsu chói lòa rực rỡ, nơi khuôn mặt và nơi y phục,
thấy hai ông Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Thầy,
Phêrô quá đỗi hạnh phúc, chỉ muốn ở lại mãi trên ngọn núi này.
Ông quên rằng cuộc đời Thầy Giêsu gắn liền với những ngọn núi.
Thầy đã ở trên núi để chịu quỷ cám dỗ, đã giảng Bài Giảng trên núi đầu tiên.
Núi là nơi Thầy cầu nguyện và chữa bệnh cho đám đông (Mt 14,23; 15,29).
Hôm nay, Thầy được biến đổi hình dạng trên ngọn núi này,
Nhưng Thầy còn phải lên núi Ô-liu để làm chọn lựa cuối (Mt 26,36-46),
còn phải lên núi Sọ để hiến mạng sống mình (Mt 27,33),
để rồi cuối cùng hiện ra như Đấng phục sinh cho môn đệ trên núi (Mt 28,16).
Sau những giây phút ngất ngây của trải nghiệm thiêng liêng,
ba môn đệ sẽ phải xuống núi cùng với Thầy,
để cùng Thầy sẽ trèo lên những ngọn núi khác (Mt 17,9).

Mùa Chay là thời gian ta cùng lên núi với Thầy Giêsu.
Núi cao làm lòng ta thanh thoát nhẹ nhàng.
Nơi đây ta thấy được khuôn mặt bừng sáng rực rỡ của Thầy Giêsu,
nghe được lời Thiên Chúa Cha nhủ bảo,
và cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa bao bọc như đám mây.
Hôm nay, Chúa Giêsu đã phục sinh vinh hiển,
nhân tính của Ngài tỏa sáng, vĩnh viễn và trọn vẹn trên thiên quốc.
Chính khi vâng nghe và sống lời của Chúa Giêsu
mà ta được tham dự vào sự biến đổi sáng láng như Ngài.
Đời kitô hữu gồm nhiều cuộc biến hình, bắt đầu từ ngày được rửa tội.
Chúng ta đã được gọi là con yêu dấu, đã được mang tấm áo trắng tinh,
đã được đặt vào tay ngọn nến sáng.
Làm sao để khuôn mặt của tôi dần dần tỏa sáng như khuôn mặt Chúa?
Làm sao để tôi trở nên hình ảnh trung thực của Đấng đã dựng nên tôi?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
Xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa,
trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG BA

Xu Hướng Về Một Thứ Tự Do Vô Giới Hạn

Cuộc Vượt Qua của giao ước cũ là hình ảnh báo trước cuộc Vượt Qua mới của Đức Kitô. Trong biến cố dân It-ra-en trốn thoát ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa tự thể hiện chính Ngài như Đấng giải phóng họ khỏi tình cảnh nô lệ. Giờ đây, Ngài tự biểu lộ như Đấng cứu độ tất cả những ai tin vào Ngài xuyên qua sức mạnh của Thập Giá và Phục Sinh.

Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các ngươi. Nhờ hy tế Thập Giá của Đức Kitô, Ta có thể đưa các ngươi ra khỏi tình cảnh nô lệ. Tội lỗi là ách nô lệ tai ác nhất. Nó dẫn tới sự chết. Khi các ngươi lạm dụng tự do, chính là các ngươi đang ở trong tình cảnh nô lệ. Và hậu quả của điều đó chỉ có thể là sự chết. Khi cố bám lấy một thứ tự do vô giới hạn, phải chăng chúng ta, những con người hiện đại, đã lựa chọn sự câu thúc và đã tự dối gạt chính mình?

Để vãn hồi sự tự do khỏi tội lỗi, cần phải có một hành động quyết liệt của Thiên Chúa. Mọi tội lỗi phải được vạch mặt đích danh. Ơn cứu độ của Thiên Chúa phải được trao ban lại cho đời sống chúng ta.

Điều chúng ta cần có chính là ánh sáng giúp ta nhận thức về tội lỗi mình, ánh sáng đến từ sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống. Aùnh sáng ấy giúp mỗi người chúng ta có thể đi vào ngả đường tự do đích thực trong Đức Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 05/3

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

St 12, 1-4a; 2Tm 1, 8b-10; Mt 17, 1-9.

LỜI SUY NIỆM: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình, Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17, 1-2)

Chúa nhật II Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại câu chuyện biến hình của Chúa Giêsu với sự chứng kiến của ba Tông Đồ, các ông đã nhìn thấy: Thầy của mình đàm đạo với ông Êlia và ông Môsê, các ông đã nghe tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã vâng nghe và thực hiện ý muốn của Chúa Cha, để cứu độ chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết vâng nghe Lời Chúa để chúng con cũng được Chúa cứu độ và làm đẹp lòng Chúa Cha. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

05 Tháng Ba

Bệnh Quên

Trưa ngày 25/12/1985, sau khi dự lễ Giáng Sinh ở nhà thờ về, bà cụ Anne Mc Donnell ở tiểu bang New York, thấy một ông cụ già râu tóc bạc phơ như ông già Noel đang đứng trước cửa nhà. Thoạt nhìn, bà cụ tưởng một người nào đó giả dạng ông già Noel để đùa, nhưng sau khi nhìn kỹ, bà cụ nhận ra đó là chồng mình, đã biệt tích từ 15 năm qua…

Nguyên do vào ngày 24/12/1971, ông James Mc Donnell bị té xuống thang lầu, rồi qua hôm sau bị tai nạn xe hơi. Gần một tháng sau ông lại bị tai nạn xe hơi một lần nữa, bị chấn động não và bất tỉnh. Vài ngày sau đó, ông đi bách bộ ngoài trời cho thoáng khí, rồi từ đó đi biệt tích luôn.

Về sau, ông Mc Donnell kể lại rằng: “Tôi không còn nhớ gì cả. Tôi không biết tôi đã đến Philadelphia bằng phương tiện gì và bằng cách nào”. Ông cũng không nhớ tên họ hay địa chỉ của mình, nên khi đi ngang qua một cửa hiệu có tên là Peter, ông tự đặt tên cho mình là Jim Peter, rồikiếm việc làm ăn trên đó gần 15 năm.

Ngày Giáng Sinh năm 1985 vừa qua, tình cờ va đầu vào trần nhà ở sở làm, ông Mc Donnell bỗng phục hồi được trí nhớ. Ông nhớ lại tên tuổi, nơi sinh, chỗ ở cũng như quãng đời trước đó 15 năm. Ông liền tìm đến cuốn niên giám điện thoại để xem vợ còn ở chỗ cũ không. Khi biết chắc vợ mình chưa thay đổi địa chỉ, ông Mc Donnell đã đáp xe lửa về lại nhà cũ vào đúng ngày lễ Giáng Sinh…

Trong vòng 15 năm, ông Mc Donnell đã mắc một chứng bệnh: đó là bệnh quên. Quên có thể là một chứng bệnh như trường hợp ông Mc Donnell bị té thang lầu, bị tai nạn xe hơi… Quên cũng có thể là những chứng bệnh thông thường của nhiều người lớn tuổi, như nhiều cụ già thường quên bẵng những sự việc vừa xảy ra, nhưng họ lại nhớ rất rõ ràng tỉ mỉ những việc đã xảy ra hằng ba bốn chục năm về trước. Nhưng cũng có những trường hợp con người muốn quên đi một dĩ vãng đau lòng nào đó, như trường hợp nhiều người tìm quên lãng trong men rượu khói thuốc…

Quên lãng có thể giúp con người tìm lại được đôi chút thanh thản trong tâm hồn, nhưng cũng có thể đưa con người đến chỗ vô ân. Người không còn muốn nhớ đến nguồn gốc và công ơn sinh thành của cha mẹ mình là người đáng trách. Người không còn muốn nhớ đến những liên hệ mình với người khác cũng là một người đáng trách. Người khép mắt bịt tai trước những nỗi đau khổ của người khác cũng là một người đáng thách…

Người Kitô luôn được nhắc nhở để tìm ra dấu chỉ của thời gian qua các biến cố, để nhờ đó luôn nhận ra sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Ðó là khẩu hiệu hàng đầu của người Kitô. Họ được mời gọi để ôn lại bước chân đi qua của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là thái độ tỉnh thức mà Ðức Kitô không ngừng mời gọi chúng ta hãy có trong từng giây phút.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật II – Năm A – Mùa Chay 

Bài đọc: Gen 12:1-4a; 2 Tim 1:8-10; Mt 17:1-9.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vinh quang chỉ có được nhờ làm theo những gì Thiên Chúa truyền dạy.

Con người làm việc là cho một mục đích. Họ biết mục đích càng cao trọng bao nhiêu, thách đố và đau khổ càng lớn lao bấy nhiêu. Làm sao để thuyết phục một người có can đảm bỏ ý riêng của họ, sẵn sàng đương đầu với mọi nguy hiểm, để theo đuổi một mục đích? Có ba cách: Một là hứa hẹn với họ về những hậu quả tương lai mà họ sẽ được hưởng. Cách này chỉ hiệu quả cho những người có uy tín. Hai là cắt nghĩa để họ hiểu sự hợp lý giữa những việc làm hiện tại và hậu quả tương lai. Đây là cách mà con người thường dùng để chinh phục. Ba là cho họ thấy trước những hậu quả đó. Cách này chỉ có thể thực hiện bởi Thiên Chúa, Đấng có quyền trên mọi sự.

Các bài đọc hôm nay dẫn chứng cả 3 cách đều được dùng trong việc thuyết phục con người, để họ có can đảm làm theo ý muốn của người truyền. Trong bài đọc I, Thiên Chúa hứa với Abram: Ngài sẽ ban cho ông một Đất Hứa, một dòng dõi, và chúc lành bảo vệ ông cũng như dòng dõi của ông, nếu ông có can đảm bỏ quê cha đất tổ để lên đường theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải hy sinh tất cả để đồng lao cộng khổ với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng, vì lợi ích mà Tin Mừng mang lại: Ông và mọi người được xóa bỏ tội lỗi, được trở nên thánh thiện, và được lãnh nhận ơn cứu độ muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biến hình cho ba môn đệ thân tín thấy trước vinh quang các ông sẽ được hưởng, nếu các ông chấp nhận Cuộc Thương Khó sắp xảy ra và làm theo những gì Ngài dạy bảo.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nhờ Abram, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.

1.1/ Những điều Thiên Chúa hứa với Abram: Trước khi Thiên Chúa gọi Abram, ông và gia đình ông đang sống yên ổn tại Urs, một thành phố trù phú nằm chỗ hai con sông lớn Tigris và Euphrates giao nhau, Iraq hiện giờ. Abram chưa hề biết Thiên Chúa, nhưng sớm biết dùng trí khôn và lý luận để tin phải có một Đấng Toàn Năng dựng nên và điều khiển trái đất này, chứ không phải do những vị thần vô tri do tay con người tạo nên mà cha ông buôn bán. Nhờ niềm tin đó, ông dần dần nhận ra Thiên Chúa và phát triển mối liên hệ với Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa hứa với Abram ba điều:

(1) Ngài sẽ ban cho ông một Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật. Đức Chúa phán với ông Abram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” Lời hứa này chỉ được thực hiện khi Thiên Chúa đưa dòng dõi của ông từ hoàn cảnh nô lệ bên Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ, lang thang 40 năm trong sa mạc, trước khi vào đất Canaan. Tuy nhiên, Đất Hứa này cũng chỉ là hình bóng của Nước Trời mà thôi.

(2) Lời hứa ban một dòng dõi đông như sao trên trời và như cát dưới biển. Đức Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.” Lời hứa này cũng chỉ được thực hiện sau khi Abram qua đời. Hiện giờ, ông là tổ phụ của tất cả những người theo đạo Do-thái, Công-giáo, và tất cả những người tin vào Đức Kitô (hơn một nửa dân số trên địa cầu).

(3) Lời hứa được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” Lời hứa này được thực hiện cả trong thời của Abram qua những biến cố như: giao tranh với các vua, giải thoát Sarah vợ ông hai lần… lẫn sau này, khi Thiên Chúa tiếp tục chúc phúc cho dòng dõi của ông: Isaac, Jacob, và các con cháu, nhất là qua biến cố Xuất Hành.

1.2/ Những gì Abram phải hy sinh: Để được hưởng những lời hứa đó, Abram phải tin tưởng và làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền. Abram phải lìa xa quê cha đất tổ xứ Urs, họ hàng, và nhà cha ông. Ông phải vượt qua những lo sợ của con người như: ai sẽ săn sóc cha mẹ già, làm gì mà sống, lang thang đây đó rất nguy hiểm vì phải đương đầu với các quyền lực địa phương, bao giờ những gì Thiên Chúa hứa mới được thực hiện… Ông Abram ra đi như Đức Chúa đã phán với ông, vì ông hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa. Ngài sẽ chúc lành và bảo vệ ông như lời Ngài đã hứa. Nếu ông sợ hãi, ông sẽ ở lại đất Urs và sẽ không bao giờ được hưởng những gì Thiên Chúa hứa.

2/ Bài đọc II: Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

2.1/ Những gì Tin Mừng của Đức Kitô mang lại cho con người: Có 4 điều lợi ích Phaolô liệt kê cho môn đệ Timothy trong trình thuật hôm nay:

(1) Tin Mừng cứu độ được ban cho con người cách nhưng không: Con người được cứu độ và được nhập đoàn hàng ngũ các thánh là hoàn toàn do kế hoạch và ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do bất cứ công việc gì của con người làm. Điều này có nghĩa Tin Mừng Cứu Độ là cho mọi người, không chỉ những người Do-thái mà thôi.

(2) Tin Mừng mặc khải cho con người về tình yêu Thiên Chúa: “Ân sủng của Thiên Chúa được ban cho con người từ muôn thuở trong Đức Kitô; nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã xuất hiện.” Ân sủng của Thiên Chúa gồm nhiều loại khác nhau, nhưng trọng tâm là Thánh Thần và các ân sủng Ngài ban qua các bí tích.

(3) Tin Mừng ban ơn cứu độ: Điều chính yếu và trên hết của Tin Mừng là về Đấng Cứu Độ của con người là Đức Kitô. Chính Người đã tiêu diệt thần chết qua Cuộc Thương Khó và Phục Sinh, để mang lại sự sống đời đời cho con người. Nếu con người muốn được cứu độ, họ phải tin vào Ngài.

(4) Thiên Chúa dùng Tin Mừng để loan báo ơn cứu độ cho mọi người. Để có thể loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người qua mọi thời đại, Đức Kitô đã có kế hoạch: Ngài muốn Tin Mừng được viết xuống và Ngài sai các môn đệ, những người Ngài đã tuyển chọn để đi rao giảng Tin Mừng.

2.2/ Timothy phải hy sinh mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng: Để được hưởng và để mang lợi ích của Tin Mừng đến mọi người, các nhà rao giảng Tin Mừng cần biết trước những thách đố và đau khổ họ phải chịu.

(1) Rao giảng Tin Mừng sẽ bị người đời ghen ghét: Tin Mừng của Đức Kitô loan báo những điều ngược lại với tiêu chuẩn của người thế gian. Chính Đức Kitô đã cảnh giác các môn đệ: Các con sẽ bị thế gian ghen ghét vì các con không thuộc về nó… Thế gian yêu mến những người giống như nó… Thế gian sẽ yêu mến các con, nếu các con thuộc về nó… Chúng đã ghét Thầy và chúng sẽ ghét các con…

(2) Rao giảng Tin Mừng sẽ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, và có thể bị giết chết. Phaolô viết Thư này cho Timothy khi ông đang bị giam trong ngục tù tại Roma. Những người trong Thượng Hội Đồng của Do-thái truy tố Phaolô, vì ông tiếp tục rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô để làm cho mọi người tin vào Ngài. Điều này cũng đã được Đức Kitô loan báo trước cho các môn đệ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy họ cũng sẽ bắt bớ các con.”

(3) Sức mạnh của Thiên Chúa sẽ giúp cho người rao giảng Tin Mừng chiến thắng mọi trở ngại. Tuy phải đương đầu với thử thách và đau khổ, Phaolô vẫn khuyên Timothy: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”

3/ Phúc Âm: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

3.1/ Tại sao Chúa Giêsu mặc khải vinh quang của Ngài chỉ cho ba môn đệ? Để hiểu mục đích, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của các câu này trong nội dung và bối cảnh lịch sử của nó.

+ Sáu ngày sau: là sáu ngày sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thần tính của Đức Kitô tại Carsarea Philippi, và sự kiện ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Jerusalem để phải đi ngang qua cuộc khổ nạn.

+ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu đã gần kề. Hai điều quan trọng Chúa Giêsu muốn các môn đệ nắm vững: (1) Các ông phải biết rõ Ngài là ai. Điều này đã được giải quyết phần nào khi Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (2) Cách thức Ngài giải phóng nhân loại là qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh. Điều này các tông-đồ chưa nắm vững, đó là lý do Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và ngăn cản Ngài. Như hầu hết người Do-thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá. Vì thế, Chúa Giêsu muốn đưa ba tông-đồ lên núi để các ông xác tín mối liên hệ của Ngài với Thiên Chúa, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, và cho các tông-đồ nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn của Ngài.

+ Sự hiện diện của Moses và Elijah: Moses tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Moses. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo. Elijah tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ. Tiên-tri Elijah được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.

+ Họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lucas nói rõ chủ đề của cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Jerusalem (Lk 9:30-31). Như thế, cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.

3.2/ Lời truyền của Thiên Chúa Cha: Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan. “Hãy vâng nghe lời Người” là một lời truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải cho các ông, dù những điều này không phải những gì các ông muốn về Đấng Thiên Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Kết quả vinh quang không phải tự nhiên mà có; nhưng là hậu quả của việc làm theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.

– Thi hành thánh ý Thiên Chúa đòi con người phải từ bỏ ý riêng mình và sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và đau khổ. Ngài sẽ ban cho chúng ta khôn ngoan và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************