Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần X Mùa Thường Niên Năm B
Mình Máu Thánh Chúa
BÀI ĐỌC I: Xh 24, 3-8
“Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ao đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Đáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.
2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. – Đáp.
3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 9, 11-15
“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Đó là lời Chúa.
CA TIẾP LIÊN
Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên Lauda Sion (trang 420), tất cả hoặc từ câu 21 (“Này đây bánh”) cho đến hết.
ALLELUIA: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 14, 12-16. 22-26
“Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
06/06/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B
KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ
Mc 14,12-16.22-26
LƯƠNG THỰC BỞI TRỜI
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”… “Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14,22b.24)
Suy niệm: Về mặt thể lý, con người phải ăn phải uống mới có thể sống và làm việc; khi thiếu ăn, con người không chỉ bị suy nhược, mà còn có nguy cơ tử vong nữa. Đối với sự sống tâm linh cũng vậy, linh hồn cần được nuôi dưỡng bằng thần lương mà Chúa Ki-tô ban cho, đó là Mình và Máu Thánh Ngài. Điều kỳ diệu không chỉ là phép lạ Chúa hoá thân nơi hình bánh rượu khi linh mục đọc lời truyền phép theo lệnh truyền của Chúa, mà còn là Ngài hoá thân trở nên một xương một thịt với chúng ta khi chúng ta rước Thánh Thể. Chính vì yêu thương và để cứu độ nhân loại, Chúa Ki-tô đã có sáng kiến hiến mình làm của ăn nuôi sống con người.
Mời Bạn: Thánh lễ là bàn tiệc chính Chúa dọn ra và mời chúng ta đến dự. Đó là bữa “tiệc cưới” của Chúa để kết hiệp nên một với Hội Thánh là hiền thê và chúng ta là thành phần của Hội Thánh đó. Được mời tham dự bữa tiệc linh thánh, bữa tiệc của tình yêu thương đó, là vinh dự và diễm phúc vô cùng lớn đến nỗi bất cứ lấy lý do nào từ chối cũng là vặt vãnh và phụ lòng Thiên Chúa, Đấng đã muốn dành cho chúng ta hồng ân đó. Bạn sẵn lòng đến dự bữa tiệc này chứ!
Sống Lời Chúa: Vì yêu Chúa và muốn được sống kết hiệp với Chúa, bạn hãy thường xuyên tham dự thánh lễ và siêng năng rước lễ. Ngay cả khi bị giãn cách do dịch bệnh, bạn cũng có thể tham dự thánh lễ và rước lễ thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thờ lạy Chúa nơi tấm bánh bé nhỏ này Xin cho chúng con luôn biết hướng về Chúa để kính thờ, mến yêu và siêng năng lãnh nhận bí tích cực trọng này.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Ðại lễ Vượt qua gần đến.
Chúa Giêsu ước ao ăn lễ Vượt qua lần cuối
với các môn đệ trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15).
Ngài đã tiên liệu nơi tổ chức bữa tiệc.
Một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã chuẩn bị sẵn sàng.
Các môn đệ chỉ phải lo những gì cần cho bữa ăn:
bánh không men, rượu, chiên và rau đắng.
Thế nhưng chỉ mình Chúa Giêsu biết
Ngài sẽ làm gì trong bữa tiệc Vượt qua này.
Bữa tiệc cuối là thánh lễ đầu tiên của Chúa.
Vẫn bánh đó, vẫn rượu đó trên bàn tiệc.
Nhưng đối với các môn đệ, thật là bất ngờ
Khi Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho họ và nói:
“Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”.
Ngài còn mời họ uống rượu và nói:
“Ðây là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra vì muôn người”.
Như thế bánh rượu đã được biến đổi tận căn
để trở thành Mình Máu Chúa.
Ăn bánh và uống rượu trở nên hành vi thông hiệp
vào cái chết sắp đến của Thầy.
Ngay hôm sau, trên núi Sọ, máu Chúa đã đổ, và tấm thân Chúa bị nát tan.
Hy lễ núi Sọ chỉ diễn ra một lần,
nhưng ảnh hưởng trên cả dòng lịch sử.
Bữa tiệc ly chỉ diễn ra một lần,
nhưng Chúa muốn nó được lặp lại cho đến tận thế:
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc ly,
vị linh mục lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa.
Mỗi thánh lễ là một tưởng nhớ hy tế thập giá.
Cái chết cứu độ năm xưa, nay trở thành hiện tại
để đem đến sự sống cho tín hữu thuộc mọi thời.
Rước lễ là gặp gỡ Ðấng hy sinh chịu chết,
là kết hợp với Ðấng đã yêu đến cùng.
Ta được mời gọi sống như Ðấng ta lãnh nhận,
nghĩa là bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.
Ta không thể tiếp tục sống ích kỷ và khép kín,
khi ngày ngày rước lấy Ðấng đã chết vì muôn người.
Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng,
mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình,
nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.
Nhiều khi có một khoảng cách quá xa
giữa thánh lễ và đời thường của người Kitô hữu.
Thực sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu
sẽ đưa ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ,
vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa (x. Mt 25, 35).
Mặt khác, càng say mê phục vụ con người,
ta càng cảm thấy nhu cầu rước lấy Ðấng phục vụ.
Khi dự lễ, bạn hãy đem theo hy lễ đời mình
để kết hiệp với Hy lễ của Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con một tâm hồn
theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh
Một tâm hồn trong trắng,
cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn
để luôn xứng đáng với Chúa.
Một tâm hồn khiêm hạ
tìm chiếm chỗ nhỏ bé,
nhưng luôn luôn muốn bày tỏ
một tình yêu lớn lao.
Một tâm hồn đơn sơ,
không biết đến những phức tạp của ích kỷ,
và tìm hiến dâng mà không đòi lại.
Một tâm hồn lặng lẽ,
hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình
không được người khác biết đến.
Một tâm hồn nghèo khó,
chỉ làm giàu cho mình
nhờ chiếm được chính Chúa.
Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,
quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.
Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,
và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.
(Cha Galot)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG SÁU
Những Hữu Thể Siêu Việt
Công Đồng Vatican II nói về nguồn gốc con người trong công cuộc sáng tạo: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng” (MV 14).
Rồi sau đó, các Nghị Phụ của Công Đồng tuyên bố: “Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên… Bởi vì, nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.”
Như vậy. ta thấy rằng sự thật về duy nhất tính và lưỡng diện tính của bản tính con người có thể được trình bày bằng một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới ngày nay.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06/6
Chúa Nhật X Thường Niên
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
Xh 24, 3-8; Dt 9, 11-15; Mc 14, 12-16. 22-26.
LỜI SUY NIỆM: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: ‘Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?’”
Lời Kinh Thánh hôm nay trình bày về câu chuyện: “Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người”. Cho chúng ta thấy được – Trước hết các môn đệ thể hiện sự tôn trọng ý muốn của Chúa Giêsu; và sau đó mọi sự việc, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chuẩn bị trước rồi, Người sắp đặt đầy dủ mọi chi tiết cho buổi tiệc “Lễ Vượt Qua”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã thu xếp chỗ họp mặt cuối cùng của chính Chúa và với các môn đệ tiên khởi của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con cũng luôn tìm hiểu thánh ý của Chúa, giúp chúng con sống, để ngày sau cũng được họp mặt trên Nước thiên đàng.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 06-06: Thánh NÔBERTÔ
Giám Mục (1080 – 1134)
Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, Ngài đã được dự tính cho làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có của cải cũng như dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto cho mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng Ngài nuôi dưỡng trong lòng.
Điều may mắn là khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henty mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng “xiềng xích” và không can đảm bẻ gãy được.
Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale. Ngài dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được một nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto kêu lên như thánh Phaolô ngày trước: – Lạy Chuá, Chúa muốn con làm gì ?
Một tiếng nói bên trong đáp lại: – Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.
Noberto chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua. Khi trở lại triều đình , Ngài trở về Xanten, sống những thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho viêc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải là lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Noberto đã thiết lập tu viện ở Premontré, thường được gọi là dòng áo trắng.
Năm 1126, Noberto được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu dựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: – Tôi đã ở trong triều đình đã rút vào đơn độc, đã được dặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.
Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bernadô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết của Chúa trong bí tích Thánh Thể.
Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
06 Tháng Sáu
Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi
Buổi sáng ngày 06 tháng 6 năm 1966. Trương cao biểu ngữ với tựa đề: Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi, một người da đen 32 tuổi đã bước xuống quốc lộ thứ 51 của thành phố Memphis thuộc tiểu bang Mississipi bên Hoa Kỳ. Tiểu bang Mississipi có tất cả một triệu người da đen. Mặc dù luật pháp Hoa kỳ bảo đảm cho mọi người công dân, không phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội, quyền được bỏ phiếu, trong thực tế chỉ có 100 ngàn người da đen đủ can đảm thi hành quyền này. Con số còn lại, vì sợ hãi bởi nhiều sức ép khác nhau đã không dám đi bỏ phiếu.
James Meredith, người thanh niên da đen nói trên, đã tuyên bố: “Chúng ta cần phải giải thoát khỏi những sợ hãi do người da trắng tạo ra. Tôi sẽ tuần hành từ Memphis đến thủ phủ của tiểu bang để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng một người da đen có quyền sống và đi lại, tôi muốn thắng vượt nỗi sợ hãi và những đe dọa do những người phân biệt chủng tộc tạo nên”.
Trong phút chốc, nhiều người, kể cả những người da trắng, đã ra khỏi nhà và tuần hành bên cạnh Meredith. Meredith tâm sự với một vị mục sư đi bên cạnh như sau: “Thoạt tiên, tôi định mang theo một khẩu súng. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định mang theo một khí giới duy nhất: đó là quyển Kinh Thánh”.
Meredith dự định băng qua 350 cây số để đến tiểu phủ của tiểu bang, nhưng chưa đầy một ngày đường, anh đã bị một người da trắng quá khíh bắn ngã gục. Phát súng định mệnh đó làm rung động toàn thể nước Mỹ.
Giữa lúc Meredith đang nằm điều trị tại một nhà thương, từng đoàn người đến thăm và ủng hộ sáng kiến của anh. Sự sợ hãi giờ đây nhường chỗ cho một phong trào đang vươn lên với đầy khí thế…
Mục sư Martin Luther King, giải thưởng Nobel về Hòa Bình và là thủ lãnh của phong trào tranh đấu bất bạo động của người da đen tại Hoa Kỳ, đã ngỏ lời với từng trăm ngàn người đang đứng trước cửa bệnh viện Memphis như sau: “Cuộc tuần hành chống lại sợ hãi sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta sẽ xuống đường lại ngay mà nơi Meredith đã bị bắn gục. Con đường từ Memphis đến Jackson chỉ dài độ 350 cây số. Nhưng xiềng xích của sợ hãi và đe dọa mà chúng ta muốn bẻ gãy lại còn dài gấp bội”.
Những người da đen bên Hoa Kỳ đã phải trải qua những năm tháng dài dưới sự đe dọa và sợ hãi. Sợ hãi là tâm trạng thường tình của những ai đang sống trong đe dọa, bất an.
Không biết mình sẽ bị bắt giữ lúc nào, không biết mình sẽ được phóng thích lúc nào, không biết mình có đủ cơm ăn áo mặc cho ngày mai không, không biết tương lai của con em mình sẽ như thế nào, không biết niềm tin của mình rồi ra có còn đứng vững trước những đe dọa không. Từng nỗi hoang mang ấy khiến ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua sợ hãi.
Chúa Giêsu, trong những giây phút nguy ngập nhất đã trấn an các môn đệ của Ngài: “Các con đừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”. Nghĩ đến cuộc khổ nạn đang chờ đợi ở trước mắt, Chúa Giêsu đã run rẩy sợ hãi đến độ toát mồ hôi máu. Nhưng cuối cùng, Ngài đã thắng vượt tất cả bằng khí giới của Tình Thương. Tình Thương là sức mạnh của Ngài trong bao thử thách… Meredith đã không mang theo súng đạn để trấn an chính mình, anh chỉ mang theo một quyển Kinh Thánh. Phải, bởi vì Kinh Thánh là biểu hiện của Tình Thương.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa, Năm B
Bài đọc: Exo 24:3-8; Heb 9:11-15; Mk 14:12-16, 22-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu hy sinh Mình và Máu Người cho chúng ta được sống.
Mỗi năm, tại các quốc gia trên thế giới, người ta thường có một ngày đặc biệt (Memorial Day) để tưởng nhớ các chiến sĩ đã bỏ mình vì chính nghĩa. Đây là những con người đã hy sinh bản thân bằng cách đổ máu, để bảo vệ tổ quốc và dân lành khỏi kẻ thù. Ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta cũng dành để tưởng niệm Đức Kitô, không những đã hy sinh thân mình và đổ máu cứu con người khỏi chết, cho con người được sống đời đời, mà còn muốn ở với con người mọi ngày cho đến tận thế, qua việc thiết lập Bí-tích Thánh Thể. Ngài có thể làm những chuyện này vì Ngài có uy quyền và Ngài yêu thương con người.
Các Bài Đọc hôm nay tường thuật tình yêu Thiên Chúa qua các việc Ngài làm để cứu chuộc con người. Trong Bài Đọc I, vì con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, nên để được tha tội, con người cần dâng các súc vật. Máu của các súc vật đổ ra để cho con người khỏi chết và được sống. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh lễ vượt qua và giao ước Sinai được thực hiện qua ông Moses, với lễ vượt qua và giao ước mới, được thực hiện qua Đức Kitô. Ngài là Bánh Không Men và Chiên Vượt Qua của giao ước mới, sẵn sàng hy sinh để chết thay cho con người, và làm cho họ được sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thành Jerusalem để chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Đang khi dùng bữa, Ngài đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, để hiến Mình và Máu cho con người được sống cả đời này và đời sau. Ngài cũng truyền cho các môn đệ phải làm những điều đó thường xuyên để tưởng nhớ đến Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giao ước Sinai được chứng thực bằng máu của chiên bò.
1.1/ Thiên Chúa thiết lập giao ước trên núi Sinai với dân người: Trước khi tiến vào Đất Hứa, Thiên Chúa muốn thiết lập với dân người một giao ước. Vì con người không thể chịu nổi khi Thiên Chúa muốn nói với họ; nên họ đã xin Thiên Chúa nói với họ qua ông Moses. Sau khi đã nhận chỉ thị của Thiên Chúa, ông Moses xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” Giao ước là một thỏa thuận của hai bên chính thức ký kết một số điều để bảo vệ nhau. Theo giao ước Sinai, Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân, và dân hứa sẽ thi hành mọi điều luật của Ngài.
“Ông Moses chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Moses lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.””
1.2/ Giao ước được ký kết bằng máu chiên bò: “Bấy giờ, ông Moses lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”” Người Do-thái quan niệm: “máu là sự sống.” Khi giao ước được ký kết bằng máu, họ lấy sự sống mà thề với Thiên Chúa là họ sẽ giữ Lề Luật của Ngài; nhưng họ đã vi phạm giao ước nhiều lần sau khi đã ký kết với Thiên Chúa. Để được tha thứ, Thiên Chúa truyền cho họ phải sát tế các súc vật để lấy máu làm của lễ hy sinh đền tội cho họ, như Sách Levi viết: “vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống. Vì thế, Ta đã bảo con cái Israel: Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết.” (Lev 17:11-12).
2/ Bài đọc II: Người đã vào cung thánh không phải với máu súc vật, nhưng với Máu của Mình.
2.1/ Máu của giao ước cũ và máu của giao ước mới: Máu của giao ước cũ chỉ là hình ảnh và phải được kiện toàn bằng Máu của giao ước mới. Tác giả Thư Do-thái đã so sánh một cách chi tiết hai giao ước cũ và mới, rồi đưa đến kết luận như sau: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” Đức Kitô là Thượng Tế cao trọng hơn tất cả các thượng tế, vì các lý do sau:
(1) Ngài không phải dâng lễ đền tội cho mình vì Ngài không có tội; trong khi các thượng tế khác phải dâng lễ đền tội cho mình trước khi dâng lễ đền tội cho người khác.
(2) Ngài tự nguyện hy sinh chính Mình để làm của lễ đền tội cho con người, và chỉ cần một lần là đủ. Từ nay, con người không cần phải dâng lễ vật chiên bò mỗi khi phạm tội nữa.
(3) Các Thượng Tế mỗi năm chỉ được vào trong Nơi Cực Thánh của Đền Thờ (nơi Thiên Chúa hiện diện) một lần trong Ngày Xá Tội, Đức Kitô vào một cung thánh hoàn hảo hơn trên trời, và Ngài luôn luôn ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người. Khi chịu chết, Đức Kitô đã xé tan bức màn ngăn cách giữa hai nơi thánh và cực thánh trong Đền Thờ; vì thế, tất cả mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa qua Đức Kitô bất cứ lúc nào.
(4) Máu của Đức Kitô không thể so sánh với máu của chiên bò: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” Thứ nhất, Máu của Đức Kitô đổ ra là máu tình nguyện, “làm theo ý Thiên Chúa;” chứ không phải máu của các súc vật bị bắt phải đền tội. Thứ hai, Máu của Đức Kitô là Máu của Con Thiên Chúa. Sau cùng, Máu của Đức Kitô đổ ra không những có sức thanh tẩy tội lỗi, còn có sức thánh hóa và thông ban cho con người sức sống thần linh.
2.2/ Công dụng của máu:
(1) Thanh tẩy: Máu của thân thể luân chuyển để lọc bỏ các chất dơ trong các phần của thân thể. Máu của giao ước cũ là máu của súc vật đổ ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Máu của giao ước mới thanh tẩy tội lỗi cho con người một lần là đủ: “Bởi vậy, Người là trung gian của một giao ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ. “
(2) Nuôi sống: Máu là biểu tượng của sự sống vì máu luân chuyển và nuôi dưỡng mọi phần của thân thể. Máu các súc vật đổ ra để chết thay cho con người. Máu Đức Kitô đổ ra để chết thay cho con người và khôi phục lại sự sống đời đời cho con người: “Máu Đức Kitô đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.”
(3) Liên kết: Máu liên kết các phần của thân thể với nhau. Trong Cựu Ước, ngày lễ Xá Tội (Yon Kippur) được mệnh danh là “at-one-ment = trở thành một,” để liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong Tân Ước, máu của Đức Kitô liên kết chúng ta, những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu.
3/ Phúc Âm: “Đây là máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra vì muôn người.”
3.1/ Lễ Vượt Qua của Đức Kitô: có bối cảnh lịch sử từ Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Trong biến cố Vượt Qua này, Thiên Chúa giải thoát dân tộc Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập, và đem họ vào vùng Đất Hứa tràn trề sữa và mật. Chúa Giêsu cũng ví Cuộc Thương Khó của Người như một vượt qua: “khi biết đã đến giờ Người sắp sửa từ giã cuộc đời này để về với Thiên Chúa” (Jn 13:1). Trong Lễ Vượt Qua cũ, bánh không men và chiên vượt qua là hai thứ không thể thiếu để mừng lễ: máu chiên dùng để bôi trên cửa nhà, để thiên thần vượt qua mà không vào sát hại như sát hại các con đầu lòng của người Ai-cập.
3.2/ Chúa Giêsu thiết lập Bí-tích Thánh Thể: Trong Lễ Vượt Qua mới, bánh không men chính là Mình Chúa Giêsu, như trình thuật kể: “Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Chiên Vượt qua mới là máu của Đức Kitô: “Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người.”
Trong Cuộc Vượt Qua mới, Đức Kitô cũng giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết bằng chính Mình và Máu của Ngài. Sau khi ăn Lễ Vượt Qua, người Do-thái phải lên đường bắt đầu cuộc hành trình qua Biển Đỏ. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế, sau khi đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, Chúa Giêsu và các môn đệ hát thánh vịnh, Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Olive để cầu nguyện và chịu thử thách.
Cuộc sống của mỗi người cũng thế, sau khi đã lãnh nhận thần lương của Bí-tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải vào cuộc đời để đương đầu với những khó khăn và thử thách hằng ngày của cuộc sống như: bệnh tật; học hành và công ăn việc làm; bất đồng, hiểu lầm, chia rẽ, và hận thù đến từ các mối liên hệ với tha nhân, cộng thêm vào những lo lắng tương lai… Chính sự sống thần linh nhận được từ Bí-tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh và nghị lực, để vượt qua tất cả các khó khăn này. Nếu không năng lãnh nhận thần lương, làm sao chúng ta tìm được sức mạnh để vượt qua các khó khăn của cuộc sống?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích tình yêu. Vì yêu nên Đức Kitô đã lập ra để ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này để xin Ngài gia tăng tình yêu cho chúng ta.
– Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích đem lại sự sống. Chúng ta không chỉ sống cách thể lý; nhưng phải sống đời sống thiêng liêng. Bí-tích Thánh Thể cung cấp sức mạnh tinh thần, để chúng ta có nghị lực vui sống và vượt qua các khó khăn mỗi ngày.
– Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích hiệp nhất. Bí-tích này liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Để có thể chung sống hài hòa, chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************