Chúa Nhật (06-09-2020) – Trang suy niệm

05/09/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm A

BÀI ĐỌC I: Ed 33, 7-9

“Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết’; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng” (x. c. 8).

Xướng:

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! – Đáp.

2) Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/09/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – A

Mt 18,15-20

SỬA LỖI HUYNH ĐỆ

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15)

Suy niệm: Kinh nghiệm nhận thấy trong tương quan với người thân cận, chúng ta thường cứ thích tự nâng mình lên và hạ thấp người khác. Hơn nữa, khi thấy các khuyết điểm của người anh em thì chúng ta hay chụp lấy cơ hội để nói xấu, dèm pha, chê bai, chống đối hay loại trừ người thân cận. Điều này gây tổn thương và làm xáo trộn cho đời sống huynh đệ giữa chúng ta. Lời dạy của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay là một phương thuốc tốt để chữa trị cho căn bệnh này: Đó là sống đức bác ái để biết thương yêu và tôn trọng người thân cận. Từ đó chúng ta sẽ có những hành động phù hợp trong tương giao, biết nâng đỡ sẻ chia, biết chỉ bảo, nhắc nhở và thậm chí sửa sai khuyết điểm cho anh chị em mình.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã truyền cho chúng ta giới luật yêu thương của Ngài, đó là lối sống, là dấu hiệu của người Ki-tô hữu. Điều đó có nghĩa là người Ki-tô hữu phải lấy đức bác ái làm qui tắc ứng xử cho mình trong tương quan với người khác: Trong mọi việc, từ lời ăn tiếng nói cho đến việc góp ý sửa lỗi cho nhau, chúng ta phải khởi đi từ một động lực duy nhất là đức bác ái.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy khó khăn khi phải góp ý sửa lỗi cho người anh em? Mặt khác, bạn có dễ dàng đón nhận lời góp ý của người khác không?

Sống Lời Chúa: Khi kiểm điểm đời sống, tôi xét xem tôi đã để những tâm tình giận hờn, ghen ghét, ganh tị tác động đến suy nghĩ và việc làm của tôi như thế nào.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Trong cộng đoàn Hội Thánh,
các Kitô hữu là anh chị em của nhau (Mt 23,8)
và là anh chị em với Ðức Kitô
nhờ biết thi hành ý Cha trên trời (Mt 12, 48-50).
Thế nhưng Hội Thánh vẫn có người lỗi phạm.
Ðời sống của họ nghịch với đòi hỏi của đức tin.
Chúng ta không thể lạnh lùng
khi thấy anh em mình sa ngã,
bởi lẽ tất cả chúng ta làm nên một thân thể.
Chúng ta mang vết thương của nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho thấy
thái độ ta phải có trước một người lầm lỗi.

Trước hết, phải mạnh dạn góp ý.
Chỉ ai yêu thực sự mới dám góp ý thẳng thắn.
Nhiều khi chúng ta chỉ dám nói sau lưng.
Nhiều khi chúng ta không đủ can đảm góp ý.
Vì sợ người khác giận mình,
vì sợ mất một số quyền lợi
hay vì sợ chính mình bị góp ý.
Góp ý xây dựng là một dấu chỉ yêu thương,
chứ không phải là đi tìm cọng rơm trong mắt người.

Nhưng phải biết cách góp ý.
Cần giữ sự kín đáo và tôn trọng nhau.
Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp,
thì nên đem theo vài người nữa,
không phải để gây áp lực,
nhưng để cho thấy tính khách quan hơn.
Nếu họ vẫn không chịu nghe,
thì phải đưa ra cộng đoàn.
Nếu họ cũng không chịu nghe cộng đoàn,
thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.

Như thế góp ý có nhiều giai đoạn.
Cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương,
vì Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất,
tuy Ngài cũng không muốn có gương xấu xảy ra.

Góp ý là một bổn phận của yêu thương,
nhưng bản thân tôi cũng cần được góp ý.
Một cộng đoàn trưởng thành là cộng đoàn
có khả năng ngồi lại để góp ý cho nhau,
trong giáo xứ, trong gia đình và từng nhóm nhỏ.
Chúng ta đang sống trong tinh thần Sám Hối – Canh Tân.
Chúng ta cần yêu thương để dám góp ý,
cần khiêm tốn để được góp ý.
Có khi chúng ta quen sống trong bầu khí
chịu đựng nhau, giữ kẽ, dĩ hoà vi quý.
Như thế là duy trì một sự trì trệ kéo dài.

Mong sao mau đến ngày các Kitô hữu trên thế giới
ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng
và trở nên hiệp nhất như ý Chúa muốn.

 Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa có người bạn thân là La-da-rô.
Chúa cũng coi các môn đệ là bạn hữu.
Tạ ơn Chúa đã cho con những người bạn
để nâng đỡ con trên đường đời.

Dù chúng con có nhiều điểm khác biệt,
nhưng xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu.
Xin cho chúng con biết yêu thương nhau thật tình,
chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui,
nâng nhau dậy khi vấp ngã,
phấn khởi trước những thành công,
khích lệ trước một cố gắng nhỏ,
và nhất là thẳng thắn góp ý cho nhau,
để cùng nhau tiến bộ.

Lạy Chúa, xin mở rộng vòng tay con,
để có thể đón nhận những người bạn mới.
Xin cho con đừng trở nên nghèo nàn
vì chỉ muốn làm bạn với ai giống con.
Xin dạy con biết thế nào là gặp gỡ.
Gặp gỡ không phải chỉ là quảng đại cho đi,
mà còn là khiêm nhưởng nhận lãnh.
Gặp gỡ không phải chỉ là tâm sự về mình,
mà còn là lắng nghe người khác.
Gặp gỡ không phải chỉ là
phân phát sự giàu có của mình,
mà còn là nhìn nhận và đón nhận
sự phong phú của tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con trở nên bạn của Ngài,
nhờ đó,
chúng con mãi mãi là bạn thân của nhau.  Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG CHÍN

Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô

Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.

Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).

Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

06/09/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – A

Mt 18,15-20

SỬA LỖI HUYNH ĐỆ

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15)

Suy niệm: Kinh nghiệm nhận thấy trong tương quan với người thân cận, chúng ta thường cứ thích tự nâng mình lên và hạ thấp người khác. Hơn nữa, khi thấy các khuyết điểm của người anh em thì chúng ta hay chụp lấy cơ hội để nói xấu, dèm pha, chê bai, chống đối hay loại trừ người thân cận. Điều này gây tổn thương và làm xáo trộn cho đời sống huynh đệ giữa chúng ta. Lời dạy của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay là một phương thuốc tốt để chữa trị cho căn bệnh này: Đó là sống đức bác ái để biết thương yêu và tôn trọng người thân cận. Từ đó chúng ta sẽ có những hành động phù hợp trong tương giao, biết nâng đỡ sẻ chia, biết chỉ bảo, nhắc nhở và thậm chí sửa sai khuyết điểm cho anh chị em mình.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã truyền cho chúng ta giới luật yêu thương của Ngài, đó là lối sống, là dấu hiệu của người Ki-tô hữu. Điều đó có nghĩa là người Ki-tô hữu phải lấy đức bác ái làm qui tắc ứng xử cho mình trong tương quan với người khác: Trong mọi việc, từ lời ăn tiếng nói cho đến việc góp ý sửa lỗi cho nhau, chúng ta phải khởi đi từ một động lực duy nhất là đức bác ái.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy khó khăn khi phải góp ý sửa lỗi cho người anh em? Mặt khác, bạn có dễ dàng đón nhận lời góp ý của người khác không?

Sống Lời Chúa: Khi kiểm điểm đời sống, tôi xét xem tôi đã để những tâm tình giận hờn, ghen ghét, ganh tị tác động đến suy nghĩ và việc làm của tôi như thế nào.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Chín

Không Mong Ðền Ðáp 

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.

Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.

Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.

Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.

Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: “Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?”.

Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại… Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.

Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại… Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng…

Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng… Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt… Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A

Bài đọc: Eze 33:7-9; Rom 13:8-10; Mt 18:15-20.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sửa lỗi cho nhau.

Sống chung là có đụng. Khi có đụng thì có người sai người đúng. Làm sao biết được ai sai ai đúng? Sửa lỗi cho nhau là cách để nhận ra. Nhưng sửa lỗi là vấn đề hết sức tế nhị, vì tự ái nên không ai muốn nhận phần sai về mình. Nhiều người nhận thấy việc sửa lỗi hại nhiều hơn lợi nên chọn thái độ dĩ hòa vi quý để gia đình hay cộng đòan được bình an. Nhưng sự bình an này chỉ tạm thời và giả tạo vì những tật xấu cá nhân không kịp thời sửa chữa sẽ dần dần lan ra và tác hại trên cộng đòan.

Thái độ lẩn tránh này cũng bị Thiên Chúa kết tội trong bài đọc I hôm nay vì sự hư mất của một linh hồn nếu không được sửa lỗi. Bài đọc II nhấn mạnh về thái độ phải có khi sửa lỗi: Vì yêu thương chứ không vì bất cứ một lý do nào khác. Bài Phúc Âm đưa ra một tiến trình thứ tự trong việc sửa lỗi hầu bảo đảm được kết quả mong muốn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bổn phận phải sửa dạy và loan báo nguy hiểm của các tiên tri.

Bài đọc I dùng phân từ “ƒôpeh,” đến từ động từ “ƒ¹pâ”. Động từ này có nghĩa là canh gác để khi có dấu hiệu nguy hiểm thì đánh chuông báo động cho mọi người được biết. Trong Sách Khôn Ngoan, động từ được dùng cho người nội trợ khôn ngoan là người luôn biết thu xếp lo liệu cho mọi nhu cầu có thể xảy ra trong nhà (Prov 31:27). Cũng vậy, Thiên Chúa luôn quan sát những gì xảy ra trên thế giới để xét xử cách công minh cho mọi người (Prov 15:3; cf Psa 66:7). Phân từ “ƒôpeh” có nghĩa người canh gác, người luôn ở nơi cao trên tường thành và chịu trách nhiệm loan báo cho Bộ Chỉ Huy biết mọi nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào (1Sam 14:16; 2 Sam 18:24ff; 2 Kgs 9:17-20). Nếu người canh gác không tỉnh thức chu tòan bổn phận, ông có thể bị tử hình.

Nhiệm vụ của tiên tri đôi khi được mô tả theo ngôn ngữ này như Chúa phán cùng tiên tri Ezekiel: “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (Eze 3:17; cf Eze 33:7; Jer 6:17; Hab 2:1). Mặc dù Thiên Chúa luôn trung thành trong việc gởi các người canh gác của Ngài là các tiên tri đến sửa dạy dân chúng, nhưng nhiều người đã nhắm mắt làm ngơ trước những lời cảnh giác của họ (Isa 56:10). Sự thất bại của những người canh gác và sự từ khước những sứ giả thật là những lý do chính tại sao Israel bị tàn phá và bị lưu đày. Ngược lại, các tiên tri thật sẽ là những người canh gác đầu tiên ca tụng ơn cứu độ của Thiên Chúa (Isa 52:7-10).

Như người canh gác có thể bị tử hình nếu không chịu loan báo kịp thời những nguy hiểm xảy ra, người có trách nhiệm không chịu sửa lỗi cho những người dưới quyền mình cũng sẽ phải chịu hậu quả như vậy trước mặt Thiên Chúa. Điều này được Ngài tuyên phán rõ ràng hôm nay: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết,” mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.”

Bổn phận của người có trách nhiệm là phải nói, bổn phận của người dưới quyền là sửa. Cả hai đều phải chịu phán xét trước tòa Chúa. Nếu người có bổn phận đã nói mà người dưới quyền không chịu sửa, tội về phần người dưới quyền: “Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”

2/ Bài đọc II: Mến Chúa, yêu người. Yêu mến là chu tòan Lề Luật.

2.1/ Sửa dạy vì yêu thương: Lý do chính của việc sửa dạy là yêu thương. Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương nên đã khôn ngoan bố trí cho con cái Ngài có rất nhiều người canh gác để canh giữ họ khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác: trong nhà có cha mẹ, anh chị em; nơi học đường có thầy cô; nơi nhà thờ có các cha; giáo hội địa phương có các giám mục; và Giáo Hội hòan vũ có Đức Giáo Hòang và hàng Giáo Phẩm của ngài.

Những người canh gác của Thiên Chúa được đòi hỏi bắt chước Thiên Chúa để hướng dẫn những người Chúa trao như Người Mục Tử Tốt Lành: đi tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương, vỗ béo chiên gầy còm, tìm đồng cỏ xanh và suối mát cho chiên ăn uống. Người Mục Tử Tốt Lành sẵn lòng thí mạng sống để bảo vệ chiên mình khỏi nanh vuốt cho sói hay kẻ trộm, khỏi rơi xuống vực thẳm, chứ không để chiên lang thang khắp nơi làm mồi ngon cho mọi nguy hiểm.

Những người dưới quyền cũng được đòi để yêu mến và kính trọng những người canh gác như những đại diện của Chúa, vâng lời họ để họ có thể chu tòan sứ vụ Chúa trao, và nhất là cho chính bản thân mình khỏi mọi nguy hiểm. Người Mục Tử Tốt Lành phải biết chiên của mình, nhưng chiên của ông cũng phải biết ông và nghe tiếng ông; để đừng đi theo tiếng gọi của người lạ và nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt của họ.

Nói tóm, tất cả mọi thành phần đều phải có nhân đức yêu thương để làm căn bản cho mọi họat động nhất là việc sửa lỗi, như lời thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.”

2.2/ Sửa dạy vì các lý do khác: Một lý do đầu tiên là sửa dạy để thỏa mãn tính nóng giận. Khi gặp ai làm những gì trái ý, nhất là trong những lúc mệt mỏi và dưới nhiều áp lực, con người thường dễ nổi nóng, la hét, đập phá, chửi rủa… Sửa dạy trong lúc nóng giận như thế chẳng những sẽ không đạt được kết quả mong muốn mà còn gây thêm hận thù, khinh thường, và đổ vỡ trong gia đình. Cách tốt nhất là đừng bao giờ sửa dạy trong lúc nóng giận, hãy đi vào phòng hay tìm chỗ yên tĩnh nghỉ ngơi, suy nghĩ qua đêm để tìm phương cách thích hợp và những lời lẽ khôn ngoan để cố đạt được kết quả mong muốn. Một lý do khác là sửa dạy để vạch ra những lầm lỗi của đối phương cho người khác nhìn thấy. Khi một người bị sửa dạy vì ý hướng này họ sẽ tìm mọi cách để biện hộ vì tự ái của họ, và như thế cũng không đạt kết quả như ý muốn của việc sửa lỗi. Một lý do nữa là thái độ “vạch lá tìm sâu” như thái độ của các Kinh-sư và Biệt-phái, họ tìm cách làm giảm danh giá của người khác để bảo vệ danh tiếng hay gìn giữ khán giả của họ.

3/ Phúc Âm: Bổn phận và cách sửa dạy.

Chúa Giêsu đưa ra tiến trình của việc sửa lỗi gồm 3 giai đọan phải theo như sau:

(1) Bước đầu tiên là giữa hai người mà thôi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Con người ai cũng có tự ái dẫu biết mình làm sai, họ không muốn bị sửa sai trước mặt người khác, nhất là trước mặt những người thân tín của họ. Bước này cũng cần thiết để bảo vệ công bằng vì hai bên cần biết tất cả những gì liên quan đến sự việc đã xảy ra hầu xét đóan cho đúng đắn.

(2) Kế tiếp cần hai hoặc ba chứng nhân: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Mục đích của bước này là để chứng thực điều lầm lỗi. Luật lệ người Do-Thái công nhận lời chứng của hai hay ba chứng nhân là sự thật.

(3) Bước cuối cùng là đưa bị can ra trước mặt cộng đòan (ekklêsía): “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa cộng đòan. Nếu cộng đòan mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Mục đích của bước cuối cùng này là để bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng như quyền lợi chung của cộng đòan. Cộng đòan hiện diện là do sự tập hợp của nhiều cá nhân và được bảo vệ bằng các luật lệ và hình phạt mà mọi người đã đồng ý thi hành. Một khi đương sự không chịu tuân giữ các qui luật thì cũng chẳng còn lý do gì để ở trong cộng đòan nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Sửa lỗi nhau là một công việc hết sức tế nhị và khó khăn. May mắn cho chúng ta vì Chúa đã để lại cho chúng ta một cách sửa lỗi sao cho có hiệu quả. Chúng ta cần theo đúng những bước này mỗi khi phải sửa lỗi anh em.

– Hai thái cực cần tránh trong việc sửa lỗi: Thái độ “xin cho hai chữ bình an” không giải quyết được vấn đề vì trước hay sau rồi cũng phải giải quyết. Thái độ này cũng bị luận tội bởi Thiên Chúa vì đã không chu tòan bổn phận của người canh gác. Ngược lại thái độ xét xử người khác từng ly từng tí và mọi nơi mọi lúc cũng không nên làm vì người được sửa sẽ nhàm chán và không muốn nghe.

– Để việc sửa lỗi có hiệu quả đòi tất cả mọi người phải có tâm hồn yêu thương. Mục đích của việc sửa lỗi là để cứu vớt tội nhân, cho họ có cơ hội ăn năn trở lại, chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************