Lời Chúa Hôm Nay
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
BÀI ĐỌC I: Ed 2, 2-5
“Đây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri”.
Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 122, 1-2a. 2bcd. 3-4
Đáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con (c. 2cd).
1) Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những người nam tôi tớ, nhìn vào tay các vị chủ ông.
2) Như mắt của những người tỳ nữ, nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa, là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Người thương xót chúng tôi.
3) Nguyện xót thương, lạy Chúa, nguyện xót thương, vì chúng con đã bị khinh dể ê chề quá đỗi! Linh hồn chúng con thật là no ngấy lời chê cười của tụi giàu sang, nỗi miệt thị của lũ kiêu căng.
BÀI ĐỌC II: 2 Cr 12, 7-10
“Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi”.
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Đức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: 1 Pr 1, 25
All. All. – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – All.
PHÚC ÂM: Mc 6, 1-6
“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
07/07/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – B
Mc 6,1-6
TIN BUỒN TRONG TIN MỪNG
“Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao?” (Mc 6,3)
Suy niệm: Trong các sách Tin Mừng có khi cũng chứa đựng cả tin buồn nữa. Tin Mừng Mác-cô kể những người đồng hương với Chúa Giê-su đã ‘đóng chặt’ Ngài trong cái khung là “bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-mon”, những người hàng ngày ‘mặt chạm mặt’ với họ tại làng quê Na-da-rét. Họ mang nặng thành kiến ‘bụt nhà không thiêng’ nên chỉ coi Chúa là người bình thường như họ. Họ không thể nhận ra Vị Thiên Chúa nhập thể làm người đang ẩn giấu vinh quang nơi con người Giê-su mà họ được sống gần gũi suốt mấy chục năm qua. “Tin Mừng trọng đại cho toàn dân” trong ngày Chúa giáng sinh (x. Lc 2,10-11), tiếc thay lại là một tin buồn cho họ: Chúa sẽ than khóc cho họ như Ngài khóc thương cho Giê-ru-sa-lem vì họ “không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm” (x. Lc 19,44).
Mời Bạn: Lời Chúa có phải là Tin Mừng cho bạn chưa? Kinh nghiệm về sai lầm do thành kiến của dân làng Na-da-rét dạy chúng ta đừng đánh giá một ai dựa vào thành kiến chủ quan. Hãy nhớ rằng bạn là con người có giới hạn, bạn rất có thể sai; đồng thời, cũng nhớ rằng người khác là một bí nhiệm, bạn không thể biết hết về họ. Ngược lại, bạn hãy có cái nhìn tích cực nơi tha nhân, đó là nhìn thấy nơi tha nhân có Chúa hiện diện, hay nói cách khác, làm cho Chúa được tỏ hiện nơi tha nhân.
Sống Lời Chúa: Tập có cái nhìn và phán đoán tích cực về tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy Chúa nơi tha nhân, để nhờ đó con nhìn thấy điều tốt đẹp nơi họ.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Nadarét thời nay khác nhiều so với thời Đức Giêsu.
Đó không còn là một ngôi làng với vài trăm người sinh sống,
với một cái giếng cung ứng nước cho cả dân làng,
với một hội đường nhỏ để cầu nguyện trong ngày sabát.
Nadarét hôm nay là nơi quy tụ của nhiều kitô hữu
thuộc những hệ phái khác nhau nhưng ở với nhau
trên phần đất mà Đức Giêsu đã sống hơn ba mươi năm.
Đức Giêsu đã lớn lên và trưởng thành ở làng Nadarét.
Dân ở đây gần gũi nhau và quen biết nhau.
Họ biết Đức Giêsu từ nhỏ, từ thiếu nhi thành thiếu niên,
thành thanh niên, rồi thành một người lớn chững chạc.
Họ biết Đức Giêsu là một người làm thợ như cha mình,
kiếm sống bằng lao động, bằng mồ hôi vất vả.
Ngài không phải là một người học thức thuộc giai cấp trên,
không phải là bậc thầy trong dân Israel hay tư tế.
Họ biết gia đình, và họ hàng của Đức Giêsu.
Họ có thể kể tên mẹ và các anh chị em của Ngài,
vì những người đó vẫn đang sống bên cạnh họ.
Nói chung, Đức Giêsu là một người bình thường,
có tên tuổi, quê quán, họ hàng, nghề nghiệp.
Rồi có ngày Ngài bỏ gia đình để lên đường, đi rao giảng,
kêu gọi một số bạn trẻ theo mình làm môn đệ.
Ngài được họ và dân chúng coi là một vị thầy.
Ngài hoạt động ở những vùng quanh biển hồ Galilê,
rao giảng Nước Trời đến gần rồi, chữa đủ mọi thứ bệnh,
đuổi các thần ô uế, tha tội, hoàn sinh kẻ chết…
Lời nói của Ngài có quyền uy đặc biệt,
chạm vào Ngài có thể đem lại ơn chữa lành.
Đức Giêsu đã trở nên nổi tiếng ở khắp vùng Galilê,
nhưng dân làng Nadarét vẫn chưa có cơ hội gặp Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
lần đầu tiên Đức Giêsu trở về quê mình là Nadarét,
gặp lại những khuôn mặt thân quen trong hội đường.
Khi nghe Ngài giảng, dân làng ngỡ ngàng sửng sốt.
Họ không thể tin đây là ông thợ Giêsu, người làng mình,
và họ đặt câu hỏi về nguồn gốc của sự thay đổi khó tin đó:
“Bởi đâu ông này được như thế ?” (Mc 6,2).
Bởi đâu ông hết sức khôn ngoan trong lời giảng dạy,
và quyền năng trong những phép lạ ông đã làm khắp nơi?
Tiếc thay, người làng Nadarét đã không tìm thấy câu trả lời,
vì họ khép kín trong hiểu biết và kinh nghiệm họ đã có.
Những lợi thế lại trở thành rào cản.
Họ không thể tin ông Giêsu có một nguồn gốc phi thường,
vì họ đã quá quen với hình ảnh ông Giêsu làm thợ.
Họ không tin làng của họ có một vị ngôn sứ, một Đấng Mêsia.
Họ càng không thể nào dám nghĩ rằng
Thiên Chúa đã chọn ngôi làng Nadarét
để sống phần lớn phận người bình thường của mình.
Tên ngôi làng ít tiếng tăm từ nay được vinh dự
gắn liền với tên của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Nadarét.
Có thể nói, Đức Giêsu đã thất bại khi về làng,
Ngài không thể làm được những phép lạ lớn ở đó,
vì phép lạ thường diễn ra trong bầu khí đức tin.
Tin là mở lòng để Thiên Chúa tự do hoạt động.
Hôm nay, như người Nadarét ngày xưa,
chúng ta cũng được sống gần gũi với Chúa Giêsu
qua những việc đạo đức có vẻ bình thường
như cầu nguyện, tham dự thánh lễ, làm việc bác ái…
Chúng ta có cảm nhận được cái phi thường
ở trong những điều bình thường mỗi ngày không?
Cầu Nguyện
Lạy Thiên Chúa,
xin ban cho con sự thanh thản
để chấp nhận những điều con không thể đổi,
lòng can đảm
để đổi những điều con có thể đổi,
và óc khôn ngoan
để phân biệt đôi bên.
Con sống từng ngày một,
thưởng thức từng giây một;
chấp nhận đau khổ như con đường dẫn đến bình an.
Thế giới tội lỗi này như thế nào,
con đón nhận nó như vậy,
không đòi nó phải theo ý mình.
Con tin rằng nếu con lụy phục ý Chúa,
thì Chúa sẽ làm cho mọi sự được ổn thỏa.
Con tin rằng con có thể khá hạnh phúc ở đời này,
và vô cùng hạnh phúc với Chúa mãi mãi ở đời sau.
Reinhold Niebuhr
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG BẢY
Đừng Lo Lắng !
Nhận thức của chúng ta về sự quan phòng thần linh trong Cựu Ước được củng cố và được làm cho phong phú thêm trong Tân Ước. Trong tất cả những lời nói của Đức Giêsu về chủ đề này, những lời được ghi lại bởi hai Thánh Sử Matthêu và Luca sau đây đặc biệt cho ta nhiều ấn tượng: “Vậy, anh em đừng băn khoăn về những vấn đề như mình sẽ ăn gì uống gì hay mặc gì. Những kẻ không tin luôn luôn theo đuổi những thứ ấy. Nhưng Cha của anh em trên trời biết anh em cần gì. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi thứ khác sẽ được ban cho anh em” (Mt 6,31-33; Lc 12,29-31).
“Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi.Vậ anh em đừng sợ; anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,29-31; Lc 21,18).
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quí giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,26-30; Lc 12,24-28).
Với một giáo huấn mạnh mẽ như vậy, Chúa Giê-su không chỉ củng cố giáo huấn của Cựu Ước về sự quan phòng thần linh mà thôi. Người còn cho thấy tại sao chúng ta không bao giờ được phép nghi ngờ sự quan phòng ấy. Người bảo chúng ta đừng lo lắng, bởi vì chúng ta có thể ung dung thanh thản trong tình yêu của Cha trên trời dành cho chúng ta.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07/7
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
Ed 2, 2-5; 2Cr 12, 7-10; Mc 6, 1-6.
Lời suy niệm: Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4)
Đây là một thực tế mà Chúa Giêsu đã gặp phải khi Người trở lại thăm Nadarét, quê hương của Người. Điều này ngày hôm nay cũng đã thường xảy ra, với những người lớn lên xa quê hương của mình một thời gian, sau khi thành đạt một lãnh vực nào đó, muốn trở lại quê hương mình để được đóng góp phần nhỏ bé của mình cho quê hương, cho giáo xứ của mình thì cũng thường gặp sự chống đối, nghi ngờ và xem thường, đặc biệt trong lãnh vực Công Tác Tông Đồ giáo dân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con, luôn có nhiệt tâm xây dựng quê hương, giáo xứ cũng như nhiệt tâm đón nhận những đóng góp của tất cả những ai muốn quê hương, giáo xứ ngày càng phát triền và trưởng thành trong đức tin và đức mến. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
07 Tháng Bảy
Ðể Cho Lòng Tha Thứ Tiếp Tục Hiện Hữu
Chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:
Có hai người anh em ruột nọ bắt chói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt răng đền răng. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã quy định… Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng ba ngày để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử… Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế thay cho hắn”.
Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn ba ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang bước ra giữa pháp trường và dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tội xin trở lại đây để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này nữa”.
Sau lời phát biểu dõng dạc của kẻ tử tội, người đàn ông đã đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa”.
Sau hai lời tuyên bố trên , đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người…
Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: “Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa”.
Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát… Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức đã bị bóp nghẹt, chứng từ của người tín hữu Kitô cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chới với đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ…
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói; Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuốc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hội.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải thiện xã hội.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 14 – Năm B – Thường Niên
Bài đọc: Eze 2:2-5; II Cor 12:7-10; Mk 6:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những điều ngăn cản con người không nhìn ra sự thật.
Trong hành trình đi tìm sự thật, con người cần phải học biết Thiên Chúa, biết tha nhân, và biết chính mình. Nếu chỉ ngông cuồng biết mình thôi, con người dễ phản loạn chống lại Thiên Chúa và tha nhân. Hơn nữa, khi con người chỉ biết mình, con người sẽ dễ kiêu hãnh và khinh thường Thiên Chúa và tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra một số lý do tại sao con người không tin Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I: Vì tính ngông cuồng và phản loạn, dân tộc Israel đã lạc xa đường lối Thiên Chúa. Tiên tri Ezekiel được Thiên Chúa sai tới để chinh phục họ về cho Ngài. Trong Bài Đọc II: Để ngăn ngừa tính kiêu hãnh của Phaolô, Thiên Chúa đã bắt ông chịu đau khổ để ông nhận ra một điều quan trọng: sức mạnh ông có được đến từ Thiên Chúa. Ngài hoạt động trong những yếu đuối của Phaolô. Trong Phúc Âm: Được chứng kiến những lời khôn ngoan từ miệng Chúa và chứng kiến những phép lạ Ngài làm, thay vì những người đồng hương Nazareth đánh giá Chúa trên những giá trị này để tin vào Chúa; họ lại đánh giá gia đình, tài sản, địa vị, và các môn đệ, những điều không phải là Chúa, để rồi khinh thường và không tin vào Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giống nòi phản loạn không chịu tin vào Thiên Chúa.
1.1/ Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá: Dân tộc Israel bị Thiên Chúa mắng là giòng giống phản loạn. Thiên Chúa phán với Tiên-tri Ezekiel: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng.”
Đặc tính của người phản loạn:
+ Họ không muốn nghe lời của bất cứ ai: Họ lấy mình làm tiêu chuẩn để phán xét mọi người. Họ không muốn nghe lời Thiên Chúa hay những gì Ngài nói qua các ngôn sứ.
+ Họ khó chịu khi thấy ai làm gì không giống họ: Họ không muốn tin Thiên Chúa; đã vậy, họ còn ngăn cản những ai tin vào Thiên Chúa. Lý do: những tín hữu khuấy động lương tâm của họ. Người Do-thái bắt bớ và truy tố các ngôn sứ, vì các ngôn sứ không chịu phản loạn như họ.
+ Họ muốn làm gì thì làm: Giống như con ngựa bất kham, không muốn đeo bất cứ điều gì trên người để tự do bay nhảy tung tăng khắp chốn; nhưng người chủ phải chế ngự nó bằng giây cương hàm thiết, nó mới chịu ngoan ngoãn thi hành lệnh của chủ. Giống người phản lọan cũng thế, họ không muốn giữ bất cứ luật lệ nào của Thiên Chúa cũng như của loài người. Nhưng loại người như thế sẽ không tồn tại lâu dài, vì luật pháp sẽ không dung thứ họ. Cho dù họ có thể qua mặt loài người, họ sẽ không qua khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
1.2/ Các ngôn sứ là khí cụ Thiên Chúa dùng để vạch ra lầm lỗi của họ: Chúa muốn Tiên-tri Ezekiel phải can đảm nói những gì Chúa muốn nói: “Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.”
Thái độ của ngôn sứ: Không được sợ hãi loại người phản loạn này, nhưng phải can đảm vạch ra lầm lỗi của chúng: “Phần ngươi, hỡi con người, đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói, dù ngươi có bị chống đối, có gặp chông gai tư bề, hay ngồi trên bò cạp. Những lời chúng nói, ngươi đừng sợ; có phải giáp mặt chúng, cũng đừng khiếp, vì chúng là nòi phản loạn. Ngươi cứ nói với chúng những lời của Ta, dù chúng nghe hay không, vì chúng là quân phản loạn” (Eze 2:6-7).
2/ Bài đọc II: Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.
2.1/ Đau khổ giúp con người khỏi tự cao tự đại: Phaolô, trước khi trở thành môn đệ của Đức Kitô, là người nhiệt thành và kiêu hãnh. Ông hãnh diện với truyền thống của cha ông, và nhiệt thành truy tố những tín hữu của Đức Kitô, Người mà ông cho là xúi giục dân chúng chống lại Lề Luật của cha ông. Để dạy Phaolô một bài học, Chúa để ông té ngựa và bị mù; đồng thời Ngài cũng mặc khải cho ông biết nguy hiểm của những ai mù quáng giơ chân đạp mũi nhọn. Kể từ đó Phaolô suy nghĩ về thái độ quá khích của mình, và khiêm nhường để Đức Kitô hướng dẫn cuộc đời của ông.
Trình thuật hôm nay kể: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.” Qua các Thư Phaolô, chúng ta biết ông đã được Đức Kitô thân hành hiện ra dạy dỗ và cho hiểu biết nhiều mầu nhiệm. Chính vì được thấu hiểu các mầu nhiệm mà Satan ganh tị với ông. Không lạ gì khi Satan đến vả mặt ông vì chúng không muốn ai thấu hiểu những mầu nhiệm này. Hơn nữa, biết những điều phi thường dễ đưa con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu. Chúng ta không biết rõ “cái dằm đâm vào thân xác Phaolô” là cái gì: có người cho là cám dỗ thân xác, có người cho là các bệnh tật mà ông phải chịu; nhưng điều quan trọng ông đã nói ra là “cái dằm” ngăn ngừa ông để khỏi tự cao, tự đại.
2.2/ Phaolô nhận ra sức mạnh đến từ Thiên Chúa: Qua kinh nghiệm của biến cố trở lại và của “cái dằm đâm vào thân xác,” Phaolô hiểu rõ con người kiêu hãnh và yếu đuối của mình. Ông biết nếu không có sức mạnh của Thiên Chúa chữa lành và ở với ông, ông sẽ mù lòa suốt đời về cả thể lý và tâm linh; nhưng vì tình yêu Thiên Chúa dành cho ông, Ngài cho ông lại được nhìn thấy ánh sáng và thấu hiểu sự quan trọng của Đức Kitô trong Kế Hoạch Cứu Độ.
Trong trình thuật hôm nay, vì nhiệt thành rao giảng đức tin, Phaolô đã ba lần xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ của “cái dằm;” nhưng Đức Kitô quả quyết với ông: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Chúng ta ít nhiều cũng có những kinh nghiệm như Phaolô, khi đang hăng hái nhiệt thành rao giảng hay làm việc tông đồ, mà chúng ta bị những ngăn trở như bệnh tật, bắt bớ, hiểu lầm; chúng ta muốn Chúa lấy đi những trở ngại này với ý hướng tốt lành, để chúng ta mạnh khỏe và có cơ hội tiếp tục phục vụ Chúa. Thiên Chúa có kế hoạch khác: nhiều khi Ngài muốn chúng ta chậm lại để có thời giờ suy nghĩ chín chắn hơn, hay muốn chúng ta nghỉ ngơi để chuẩn bị cho sứ vụ sắp tới cam go hơn.
Thái độ chúng ta cần có là học nơi Phaolô: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.”
3/ Phúc Âm: Tại sao con người từ chối không tin vào Chúa Giêsu?
3.1/ Đức Kitô chuẩn bị cho người đồng hương để họ tin vào Ngài: Để một người có thể tin vào Đức Kitô, họ cần nhiều yếu tố quan trọng. Ngài chuẩn bị cho họ những điều cần thiết này:
(1) Ngài cho họ có cơ hội gặp gỡ Ngài: Họ không đi tìm Chúa, nhưng Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày Sabbath, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường.
(2) Ngài cho họ nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi Ngài: Khi Ngài giảng dạy trong hội đường, nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Chính họ đã phải thốt lên: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?”
(3) Ngài cho họ nhận ra Ngài có uy quyền của Thiên Chúa: Khi chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, họ đã phải ngạc nhiên thốt lên: “Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”
3.2/ Người đồng hương không nhận ra Đức Kitô: Lý do chính khiến người đồng hương không nhận ra Đức Kitô là thay vì họ phải phán xét chính Đức Kitô và các việc Ngài làm, họ lại quay qua phán xét gia đình của Chúa. Họ nói: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người.
Một ví dụ người Việt-nam chúng ta có kinh nghiệm là biến cố thi cử sau 1975, mà chúng ta thường nói khôi hài: “học tài thi lý lịch.” Thay vì chấm điểm thí sinh, giám khảo quay sang xét lý lịch gia đình. Nếu thí sinh là con của ngụy quân ngụy quyền, hay thuộc các gia đình “tư sản mại bản;” họ sẽ bị đánh rớt trước khi giám khảo có cơ hội xem bài thi của họ.
3.3/ Bụt nhà không thiêng: Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Đây là một thực tế đau lòng, mà người Mỹ có câu “Familiarity breeds contempt.” Tục ngữ Việt-nam cũng có câu tương tự: “Quen chó, chó liếm mặt.”
(1) Nơi quê hương: Nhiều người chúng ta có thói quen thổi phồng người ngoại quốc. Cái gì của Mỹ cũng hay, cũng tốt, cũng đẹp; cái gì của Việt-nam cũng dở cũng xấu. Họ có biết đâu họ đang bị thành kiến chi phối, vì dân tộc nào cũng có cái hay cái dở; và không phải người Mỹ nào cũng tốt hay người Việt-nam nào cũng xấu.
(2) Giữa họ hàng: Nhiều người thường đánh giá người đồng hương trên bằng cấp, địa vị, hay tài sản. Trình thuật hôm nay cho biết lý do họ khinh thường Chúa Giêsu là vì họ biết gia đình của Ngài. “Con bác xã chùa phải quét lá đa;” con bác thợ mộc, làm sao có cơ hội để quán thông Lề Luật? Qui tụ một đám môn đệ thất học như thế, thầy cũng chẳng hơn trò!
(3) Trong gia đình: Nhiều người trong chúng ta đã từng có kinh ngiệm này. Chúng ta không thể hiểu lý do tại sao khi chúng ta làm cho người ngoài gia đình chỉ một việc rất nhỏ bé như chỉ bài, cho một ly nước, giới thiệu một việc làm, họ đã biết ơn hết sức và trả ơn bội hậu cho chúng ta. Trong khi ở nhà, chúng ta hy sinh tất cả mọi sự cho gia đình đến chỗ chỉ còn chấp nhận cái chết; nhưng người trong nhà vẫn vô ơn, bạc nghĩa, đến chỗ một lời cám ơn cũng không được lãnh nhận. Có lẽ vì người trong gia đình giả sử chúng ta phải làm những việc đó!
Trình thuật Marcô kết luận: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải dẹp bỏ tính ngông cuồng và phản loạn, vì chúng gây thiệt hại cho chúng ta. Trái lại, chúng ta phải biết vâng lời Thiên Chúa và giữ các huấn lệnh của Ngài.
– Chúng ta phải dẹp bỏ tính kiêu hãnh vì nó đánh lừa chúng ta. Ngược lại, chúng ta hãy luyện tập cho biết khiêm nhường để nhìn nhận những yếu kém và giới hạn của mình.
– Khi phải phán xét, hãy phán xét biến cố xảy ra hay người làm biến cố đó; đừng phán xét biến cố không liên quan đến sự việc hay những người không liên quan gì đến biến cố đó.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************