Chúa Nhật (07-10-2018) – Trang suy niệm

06/10/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: St 2, 18-24

“Cả hai nên một thân thể”.

Trích sách Sáng Thế.

Chúa là Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.

Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6

Đáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Đáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. – Đáp.

3) Đó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. – Đáp.

4) Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Dt 2, 9-11

“Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Đấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Đức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Đấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 2-12 hoặc 2-16

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/10/2018 – CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – B

Lễ Mân Côi

Lc 1,26-38

XIN VÂNG

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Mẫu gương tuyệt vời trong việc đáp tiếng “xin vâng,” đó chính là Mẹ Ma-ri-a. Cả cuộc đời Mẹ gói trọn trong hai tiếng “xin vâng.” Mẹ xin vâng theo lời sứ thần truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Trung thành với lời “xin vâng” tiên khởi đó, Mẹ ghi nhớ và “suy đi nghĩ lại” trong lòng mọi việc xảy đến trong cuộc đời Mẹ để khám phá thánh ý Chúa ẩn chứa trong đó. Có thể nói, từ ngày đón nhận lời thiên sứ truyền tin cho đến lúc nhận lời trăng trối của Đức Giê-su từ trên thập tự và trọn cả cuộc đời Mẹ, là một chuỗi dài của tiếng “xin vâng” để cho ý muốn của Chúa được thể hiện. “Xin vâng”, hai tiếng thật nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng lại chứa đựng một sức mạnh phi thường xuất phát từ Đức Ki-tô “vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8) nhờ đó muôn loài được cứu độ; sự vâng phục ấy được phản ảnh trọn vẹn nơi lời “xin vâng” của Đức Ma-ri-a.

Mời Bạn: Thế giới hôm nay đang lâm vào cơn khủng hoảng “quyền bính-vâng phục”: con cái cãi lệnh cha mẹ; không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa; bề dưới chống đối, bất tuân mệnh lệnh bề trên. Ngược lại vẫn còn nhiều bậc bề trên, những bậc làm cha mẹ cư xử cứng cỏi, độc đoán, muốn bề dưới phục tùng kiểu vâng lời “tối mặt”. Mời bạn noi gương Đức Ma-ri-a: vâng phục ý Chúa tỏ hiện qua lời sứ thần, qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành những phút tĩnh lặng, suy đi nghĩ lại những việc xảy ra trong ngày sống để khám phá thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Truyền Tin.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG MƯỜI

Kiên Vững Trong Niềm Tin Của Chúng Ta

Tất cả chúng ta phải xác tín rằng trong hiện tình của đời sống Giáo Hội, chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa và không thối chí nản lòng trước bao khó khăn mà mình phải đương đầu. Rất dễ có nguy cơ chúng ta đâm bối rối, ngay cả tuyệt vọng và cay đắng. Chúa vẫn luôn dẫn dắt Giáo Hội của Người. Người dùng Giáo Hội để hoàn tất các mục đích của Người, nhưng Người không hề chước miễn cho Giáo Hội khỏi những khó khăn, nghịch cảnh và lo âu trong cuộc đời này.

Để đương đầu với những thách đố ấy, chúng ta cần phải gặp gỡ, thảo luận và lập chương trình cho tương lai. Chúng ta phải nghĩ ra những ý tưởng mới và tìm kiếm những phương thế mới, hầu có thể củng cố Giáo Hội và đẩy mạnh việc thánh hóa các linh hồn, không ngừng rao giảng cho mọi người Tin Mừng của Đức Kitô. Tiềm ẩn bên trong các khó khăn của chúng ta là sứ điệp đầy năng lực đổi mới của Đức Kitô.

Đám đông dân chúng hỏi Đức Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, đó là tin vào Đấng Người sai đến” (Ga 6,28-29). Đây là mệnh lệnh nền tảng cho chúng ta, một mệnh lệnh vẫn còn hiệu lực cho mọi người mọi nơi mọi lúc.

Những lời tâm huyết mà Thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê của Ngài cũng thật ý nghĩa cho chúng ta: “Hãy công bố Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/10

Chúa Nhật XXVII thường niên

Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

Cv 1, 12-14; Gl 4, 4-7; Lc 1, 26-38.

LỜI SUY NIỆM: “Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

            Trong ngày Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi, nhắc nhở người Công Giáo bày tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ bằng cách cùng với Đức Mẹ ôn lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Mẹ và cuộc Đời của Chúa Giêsu, Con của Mẹ: Năm mầu nhiệm Vui, năm sự Sáng, năm sự Thương và năm sự Mừng. Đang khi suy tưởng những sự kiện ấy, miệng họ lập đi lập lai kinh Lay Cha, mười kinh Kính Mầng, kinh Sáng Danh với lời cầu nguyện cho người sống cũng như người đã qua đời.

            Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn vui sống với tràng hạt mân côi trên tay của mình, giúp chúng con xa lánh các dịp tội trong ngày sống của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 07-10

THÁNH MẪU MÂN CÔI

Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Người ta gọi chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của người bình dân. Thực vậy, cho tới thế kỷ XII, Hội Thánh chỉ dùng 150 thánh vịnh làm kinh nguyện chính thức. Tới khi bà thánh Birgitta được ơn Chúa soi sáng mới đặt ra chuỗi 150 Kinh Kính Mừng để thay thế cho 150 Thánh vịnh.

Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc âm rút gọn của người bình dân, bởi vì sau này người ta thêm 15 mầu nhiệm vào kinh Mân côi. Cứ 10 kinh Kính mừng lại suy gẫm vê một mầu nhiệm mùa Vui, Thương hoặc Mừng.

Chuỗi Mân Côi rất cao quí vì chính nội dung của nó như chúng ta vừa đề cập tới. Người biết xử dụng sẽ gặp được hiệu quả phi thường. Ngay trong sự tích việc thành lập lòng sùng kính này đã đã ghi dấu bằng một phép lạ đặc biệt. Ngày kia trên đường đi Tây Ban Nha, hai thánh Đôminicô và Bernađo chẳng may bị sa vào tay quân cướp. Sau khi bóc lột tất cả, chúng bắt các Ngài phải làm nô lệ chèo thuyền. Một lần con thuyền bị bão đánh giữa khơi. Trong cơn nguy nan, thánh Đôminicô đã cầu xin Đức Mẹ và được Ngài hiện ra dạy phải lần chuỗi Mân Côi. Mọi người trong thuyền đều hứa sẽ thực hiện theo lời chỉ dạy của Mẹ. Bão tố liền tan biến.

Cũng chính thánh Đôminico, trong cuộc tranh đấu chống lại bè rối Albigeois năm126, một lần nữa được Đức Mẹ dạy cho biết phải dùng chuỗi Mân Côi làm khí giới. Thánh nhân đã dốc toàn lực phổ biến thực hành đạo đức này và được gặt hái được thành quả mĩ mãn. Bè rối Albigeois hoàn toàn bị tiêu diệt.

Năm 1571, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi, Khi ấy quân Hồi Xâm lăng Au Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người chạy đến với Kinh Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới tồi tàn, người công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu, từ Roma, Đức Giáo hoàng đã thấy được cuộc chiến thắng này và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức giáo hoàng đã thiết lập một lễ để ghi nhớ chiến thắng này.

Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan… Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Vậy khi mừng lễ Thánh mẫu Mân Côi, Giáo hội muốn chắc lại sức mạnh cứu rỗi vô song của Kinh mân côi và kêu gọi mọi người hãy năng lần chuỗi Mân Côi như phương thế hữu hiệu để cải thiện đời sống và xây dựng Nước trời.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

07 Tháng Mười

Chờ Ðợi 

Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên…

Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau…

Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.

Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.

Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.

Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng “Thưa, xin vâng!”, Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.

Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng phó thác.Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm B

Bài đọc: Isa 53:10-11; Heb 4:14-16; Mk 10:35-45.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ý nghĩa và giá trị của đau khổ

Người đời muốn có uy quyền để cai trị, để được người khác tôn trọng và phục vụ mình. Hậu quả xảy ra là mọi người ghen tị, tranh chấp, và tìm các tiêu diệt nhau; vì không ai muốn thua người khác. Người môn đệ của Đức Kitô được dạy để trở nên đầy tớ khiêm nhường và phục vụ mọi người. Hậu quả là yêu thương đùm bọc, đoàn kết, và xây dựng cộng đoàn. Nhìn vào hậu quả của cả hai khuynh hướng, một người có thể nhận ra lối sống nào tốt đẹp cá nhân và cho cộng đoàn hơn; nhưng vì tính ích kỷ và lòng ham muốn của cá nhân, con người đi lạc đường Đức Kitô dạy dỗ.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào Đức Kitô, mẫu gương khiêm nhường và phục vụ cho con người. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ bị nghiền nát vì đau khổ để chuộc tội cho muôn người và hoàn tất thánh ý của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái muốn nhắc nhở cho các tín hữu biết noi gương và chạy đến với Đức Kitô mỗi khi chịu đựng đau khổ; vì Ngài đã từng trải qua những đau khổ như con người, nên Ngài biết giúp cho con người vượt qua đau khổ. Trong Phúc Âm, khi hai anh em, Giacôbê và Gioan đến xin với Chúa Giêsu một đặc quyền, là cho hai anh em một người ngồi bên tả và một người ngồi bên hữu trong vương quốc của Thiên Chúa; Đức Kitô trách họ không biết họ đang xin gì. Các môn đệ khác bất bình với hai anh em vì họ cũng không muốn ai hơn họ. Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ: kẻ làm lớn nhất trong Nước Trời là kẻ hiến thân phục vụ người khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì đã nếm mùi đau khổ, Tôi Trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính.

1.1/ Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội: Thiên Chúa cũng như con người, khi phải lựa chọn là lựa chọn cho một mục đích. Nếu Người Tôi Trung chọn con đường đau khổ, hiến thân mình làm lễ vật đền tội, ba điều lợi ích sau đây sẽ xảy ra:

(1) Lợi ích cho Người Tôi Trung: Tiên tri Isaiah liệt kê: ”Người sẽ nhìn thấy giòng dõi của mình và triều đại của Người sẽ vô tận… Người sẽ nhìn thấy kết quả do công khó của mình và được mãn nguyện.” Giòng dõi của Đức Kitô chính là những người mà Ngài đã cứu chuộc. Trong Ngày Phán Xét, Ngài sẽ làm vua cai trị họ và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Thấy trước được hậu quả, Người Tôi Trung sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, vì cái đau khổ tạm thời không thể so sánh với cái vĩnh cửu mai sau.

(2) Lợi ích cho tha nhân: ”Vì đã nếm mùi đau khổ, người, Tôi Trung công chính của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” Mọi người đã phạm tội, và như một hậu quả, họ phải chết. Nhưng vì Người Tôi Trung muốn gánh lấy hậu quả mà con người phải chịu cho chính họ; đó là lý do con người được tha thứ tội lỗi, và được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Hậu quả của việc nên công chính là họ sẽ được sống muôn đời.

(3) Ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu: Ý muốn của Thiên Chúa chính là Kế Hoạch Cứu Độ con người của Thiên Chúa. Ngài không muốn con người phải chết, nhưng muốn họ được hưởng ơn cứu độ. Vì yêu thương Thiên Chúa và yêu thương con người, Người Tôi Trung sẵn sàng chịu đau khổ để ý nguyện của Thiên Chúa được hoàn thành, và mang con người về cho Thiên Chúa.

Nhìn lại ba điều lợi ích lớn lao này, Người Tôi Trung sẵn lòng hy sinh mạng sống mình, chịu đựng đau khổ để hoàn tất ý định của Thiên Chúa.

1.2/ Nếu Người Tôi Trung từ chối đau khổ: Những gì sẽ xảy ra nếu Người Tôi Trung không chịu chấp nhận gian khổ:

(1) Ngài sẽ không được thấy một giòng dõi đông đảo của con người được cứu chuộc, và không thể làm vua cai trị họ.

(2) Con người, tạo vật yêu dấu mà Thiên Chúa đã dựng nên phải hư mất đời đời.

(3) Ý muốn của Thiên Chúa không được thành tựu. Điều này không thể xảy ra, vì sự hiệp thông trọn vẹn giữa Cha và Con.

2/ Bài đọc II: Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.

2.1/ Con đường gian khổ là con đường Thiên Chúa chọn.

(1) Đức Kitô đã trải qua hết những đau khổ của kiếp người: Nhiều người chúng ta dễ nản chí và than trách Thiên Chúa khi phải chịu đựng và đương đầu với đau khổ; nhưng chúng ta đừng bao giờ quên đây là cách thức duy nhất Thiên Chúa đã chon cho Ngài và cho Con của Ngài, với mục đích dể đem ơn cứu độ cho con người. Chúng ta chịu đựng đau khổ là xứng đáng với tội lỗi của chúng ta; nhưng chúng ta phải biết Thiên Chúa không mắc tội gì để chịu đựng những đau khổ này. Các Ngài chọn với mục đích duy nhất là để mang ơn cứu độ cho con người. Tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy biết đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Kitô: ”Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.”

(2) Gian khổ có thể vượt qua được: Một điều sẽ giúp chúng ta rất nhiều như đã giúp Đức Kitô là chúng ta cần biết gian khổ đời này chỉ tạm thời và không thể nào so sánh được với vinh quang mà chúng ta sẽ được hưởng sau này. Đức Kitô xuống trần cũng chỉ có hơn 30 năm; Ngài chịu đựng cực kỳ gian khổ cũng chỉ có hơn ba năm. Sau đó là chiến thắng phục sinh khải hoàn. Chúng ta đừng để những danh vọng hay vinh quang tạm thời ngăn cản không cho chúng ta đạt tới phúc trường sinh bất diệt. Mỗi khi cảm thấy cong oằn vì đau khổ thế gian, chúng ta hãy biết ngước nhìn lên Đức Kitô: ”Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”

2.2/ Hãy biết học hỏi để chịu đựng gian khổ như Đức Kitô.

(1) Mục đích tại sao chịu đau khổ phải luôn là ánh sáng soi đường cho chúng ta: Giống như Đức Kitô luôn biết sống kết hợp với Chúa Cha, nhất là trong những giây phút đau khổ nhất của cuộc đời, Ngài luôn xin cho ý Cha được thể hiện. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải nắm chắc mục đích của Thiên Chúa muốn chúng ta sống trên đời này là để mưu cầu ơn cứu độ cho mình và cho mọi người. Nếu đánh mất mục đích này, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của hưởng thụ cá nhân và những chước cám dỗ của ma quỉ.

(2) Nguồn sức mạnh của chúng ta là nơi Đức Kitô: Đức Kitô để lại những lời dạy dỗ khôn ngoan qua Kinh Thánh và kho tàng ân sủng qua các Bí-tích Ngài đã thiết lập. Tác giả Thư Do-thái khuyên: ”Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”

3/ Phúc Âm: Vinh quang có được là phần thưởng của chịu đựng đau khổ.

3.1/ Tham vọng của con người: Các tông-đồ cũng là những con người, mặc dù được Chúa Giêsu kêu gọi và hướng dẫn, nhưng các ông vẫn còn mang tính ích kỷ và thói muốn vượt trổi người khác. Trình thuật hôm nay kể hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

3.2/ Chung phần đau khổ sẽ chung phần vinh quang: Đức Kitô lợi dụng cơ hội để dạy dỗ các ông về giá trị của đau khổ và điều kiện để chung hưởng vinh quang.

(1) Vinh quang qua đau khổ: Đức Giêsu bảo hai anh em: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.” Chén Đức Kitô sắp uống là Cuộc Thương Khó và cái chết sắp xảy ra của Ngài là Phép Rửa trong máu. Hai anh em có thể không hiểu rõ; nhưng vì ao ước được uy quyền quá mãnh liệt làm các ông dám trả lời có cho câu hỏi của Chúa Giêsu. Điều này cũng như một lời tiên báo là các ông cũng phải trải qua con đường đau khổ như Đức Kitô: Giacôbê trở thành tông đồ đầu tiên tử đạo tại Jerusalem; còn Gioan, tuy không chịu tử đạo, nhưng cũng phải trải qua mọi gian nan trong cuộc sống một thời gian rất lâu trong tuổi già.

(2) Vinh quang được cho bởi Thiên Chúa: Đức Kitô nói tiếp: ”Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.” Chúng ta không biết cách cai trị trên Thiên Đàng làm sao; nhưng cứ theo lời Đức Kitô dạy, các người cai trị là những người có tình yêu rộng mở và mong muốn được phục vụ người khác.

3.3/ Phản ứng ghen tỵ của các tông-đồ: Chỉ có hai chỗ quan trọng nhất sau nhà vua, hai anh em con ông Zebedee đã xin rồi; vì thế, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Chúng ta thấy kiểu mẫu thường xảy ra nơi con người: bắt đầu từ niềm mong ước được trổi vượt đến chỗ tìm cách để đạt được điều mong ước. Khi không đạt được, con người tìm mọi cách để tranh chấp làm sao cho đạt được điều mình mong muốn. Hậu quả xảy ra là bất an, chia rẽ, và mạnh ai người ấy sống. Nếu các tông-đồ cứ giữ ý như vậy, chắc chắn họ sẽ không thể đạt được ơn cứu độ, chứ đừng mơ tưởng sẽ mưu cầu ơn cứu độ cho người khác. Lợi dụng cơ hội, Chúa Giêsu dạy dỗ các ông.

(1) Ngài phân biệt cho các ông hai mục đích khác nhau giữa mục đích của thế gian và của người môn đệ Đức Kitô:

+ Của thế gian : Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.” Thủ lãnh của thế gian không tin vào ơn cứu độ đời sau; nên đối với họ, quyền lợi được hưởng là ở đời này. Vì thế, được người ta coi trọng, được ra lệnh, và được phục vụ là tất cả những gì họ ao ước trên thế gian này.

+ Của các môn đệ Đức Kitô: ”Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” Mục đích của người môn đệ của Đức Kitô là ơn cứu độ cho mình và cho mọi người; nên nếu phải hy sinh tất cả cho mục đích này, họ cũng sẵn lòng để làm.

(2) Đức Kitô làm gương sáng cho các môn đệ: ”Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Đức Kitô không chỉ dạy, nhưng Ngài sẵn sàng làm gương vác Thập Giá đi trước để chuộc tội cho con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thế giới hôm nay đã có quá nhiều những con người ích kỷ ham danh vọng, quyền bính, và lợi nhuận vật chất. Thế giới cần nhiều những môn đệ của Đức Kitô như thánh Vinh-sơn, Cha Sở họ Ars, Mẹ Têrêxa, và ĐGH Gioan Phaolô II.

– Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải noi gương Ngài để khiêm nhường phục vụ tha nhân; để mang lại sự sống cho họ và cho cộng đoàn được phát triển.

– Nếu ai cũng mong trở nên những nhà lãnh đạo uy quyền kiểu thế gian, lấy ai phục vụ những người già, bệnh tật, và mẹ góa con côi?

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************