Chúa Nhật (08-12-2019) – Trang suy niệm

07/12/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng Năm A

BÀI ĐỌC I: Is 11, 1-10

“Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.

Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng.

Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương.

Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 7-8. 12-13. 17

Đáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người (c. 7).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.

2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng.Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Đáp.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống người cùng khổ. – Đáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca khen người. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 15, 4-9

“Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, những gì đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: “Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại”. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 3, 1-12

“Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.

Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Đấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.  Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

8 THÁNG MƯỜI HAI

Mầu Nhiệm Khởi Nguyên

Phụng vụ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm gợi cho chúng ta suy tư về ‘mầu nhiệm khởi nguyên’. Thực vậy, bài đọc I được trích từ Sách Sáng Thế. Ở đây chúng ta thấy lịch sử cứu độ khởi đầu bằng tội lỗi của người nam và người nữ đầu tiên. Lời tiên báo đầu tiên về Đấng Cứu Thế được ghi lại cho các thế hệ tương lai: Protoevangelium (Tin Mừng tiên khởi).

Thiên Chúa Giavê nói với Thần Dữ dưới lốt con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi nàng; Người sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cố cắn gót chân Người” (St 3,15).

Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm được giới thiệu như một tương phản của cảnh sa ngã ấy. Vô Nhiễm có nghĩa là tự do khỏi di lụy tội nguyên tổ. Vô nhiễm là sự giải thoát Đức Maria khỏi các hậu quả do sự bất tuân phục của Ađam thứ nhất.

Sự giải thoát ấy được trả giá bằng sự vâng phục của Ađam thứ hai là Đức Kitô. Đúng là nhờ giá này, giá máu cứu độ của Người, mà cái chết thiêng liêng do tội lỗi không thể chạm tới Mẹ của Đấng Cứu Chuộc.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/12

Chúa Nhật II Mùa Vọng

Br 5, 1-9; Pl 1, 4-6. 8-11; Lc 3, 1-6.

LỜI SUY NIỆM: “Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng sông Giođan rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.”

          Mỗi người Kitô hữu đều có một sứ vụ “Loan báo Tin Mừng”, để chuẩn bị cho sứ vụ đó, trong những ngày sống của mình, từ suy nghĩ, lời nói và việc làm mỗi người trong chúng ta luôn phải đặt mình trước mặt Thiên Chúa. để trở nên nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa xã hội mà chúng ta đang sống, giúp cho những người sống chung quanh chúng ta nhận ra có sự hiện hữu và tình yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi con người.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn tỉnh thức, cầu nguyện và biết hoán cải đời mình ngày càng trở nên tốt giữa cộng đồng xã hội hôm nay, để nêu gương sáng đức tin cho người khác.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Ngày 08-12: ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Một trong những lễ đẹp lòng trái tim Mẹ Maria nhất, chắc chắn là lễ vô nhiễm nguyên tội. Thánh lễ này nhằm tôn kính đặc ân riêng cho mẹ là đã được thụ thai trong lòng thánh Anna một cách tinh tuyền không vương tì ố. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi tội tổ tông, tội mà vì mọi người chúng ta khi sinh ra đều vướng mắc vì thuộc dòng giống Adam. Đức Maria, do một đặc ân duy nhất, từ lúc hình thai, vẫn luôn tinh tuyền xinh đẹp trước mặt Chúa. Bởi vậy, do ơn thánh và do cuộc sống, Mẹ luôn là đối tượng đẹp mắt Chúa, theo như lời thánh kinh đã được quy về Mẹ: – Mẹ tuyệt mỹ, không hề vương vấn tội tình.

Người ta có thể tự hỏi, làm sao lại có đặc ân này ? Để trả lời cho trường hợp đặc biệt này, chúng ta chạy đến ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã có sức mạnh toàn năng để cứu nhân loại khỏi tội nguyên tổ, cũng đã giữ gìn cho Mẹ khỏi tội tổ tông. Chắc chắn đây là một phép lạ, nhưng phép lạ này không lạ lùng hơn các điều kỳ diệu trong cuộc đời Đức Mẹ. Hơn nữa, các dặc ân khác Đức Mẹ thụ hưởng mà chúng ta chấp nhận sễ dàng, đều là hiệu quả của ơn vô nhiễm nguyên tội và giả thuyết ơn huệ này, nếu chối bỏ ơn Vô Nhiễm nguyên tội, mỗi biến cố trong cuộc đời Đức Maria đều giả thiết một phép lạ mới, nhưng với ơn vô nhiễm nguyên tội, mọi điều đều có thể giải thích được dễ dàng, vì không vương mắc tội nguyên, Mẹ Maria vượt qua tất cả những gì là hiệu quả và hình phạt do tội gây nên, như tình tư dục, thống khổ và tan rữa sau khi chết. Con người không mắc tội nguyên tổ là một bí ẩn không thể giải thích nổi. Đức Maria, nếu mắc tội nguyên tổ lại còn là một bí ẩn khó giải thích hơn nữa.

Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thễ thay đổi. Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến… nhưng thời đại của chúng ta được thấy sự vinh quang cao cả này trở thành tín điều trong đức tin Kitô giáo, ngày 8 tháng 12 năm 1854, trước sự hiện diện của 54 hồng y, 42 Đức Tổng giám mục và 92 Đức Giám mục cùng đoàn người đông đảo, vị đại diện Chúa Kitô đã tuyên bố tín điều từ bao thế kỷ đợi trông. Chúng ta kể ra một vài lý do khiến Giáo hội công bố tín điều: Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

  1. Chúa Giêsu Kitô, vì sự thánh thiện của Ngài, phải được sinh ra bởi người mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Đấng thấy cả tì vết nơi các thiên thần, lại chịu sinh ra từ một thân thể bị nhơ nhớp vì tội lỗi được sao ? Thân xác của Chúa Kitô là xác thân bởi Mẹ Maria. Vậy nếu Mẹ Maria thụ thai trong tội, hẳn Ngài đã thông truyền cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa !
  2. Vinh quang của Chúa Giêsu phải giữ cho Mẹ Người khỏi vết nhơ tội nguyên. Mục đích của Chúa Con khi xuống trần gian này là để hủy diệt sự uy quyền của quỉ dữ và tội lỗi. Người đã thắng ma quỉ khi nhờ phép rửa tội, đưa các Kitô hữu ra hỏi vòng tội lỗi, thanh tẩy các tội nhân nhờ phép giải tội. Người đã thắng ma quỉ cả trước khi Người sinh ra, như khi thánh hóa từ lòng mẹ tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan tẩy giả, thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ.

Nhưng những chiến thắng này chưa hoàn toàn. Còn một lúc mà quyền lực hỏa ngục khoe khoang rằng: có thể làm cho ơn thánh bị vô hiệu, đó là lúc thụ thai. Vậy sự chiến thắng sẽ hoàn hảo nếu Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đặc ân này thể hiện lời hứa đã được loan báo từ trước: – Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa giòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (St 3,15).

Niềm tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria đã được chính Đức Mẹ chứng thực. Năm 1858, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày tuyên bố tín điều, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và tuyên bố: – Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai.

Việc mừng trọng thể lễ Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội vào mùa vọng có một ý nghĩa đặc biệt, như mừng “cuộc chuẩn bị căn bản cho Đấng Cứu thế xuất hiện, vầng đông sáng tươi của một Hội Thánh không tì vết” (Marialis Cultus 3)

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

08 Tháng Mười Hai

Thiên Chúa Vẫn Tiếp Tục Yêu Thương 

Ðời người, có lẽ ai cũng có một lần trải qua một biến cố lớn trong lịch sử thế giới hay dân tộc…

Một ít cụ già hiện còn sống sót có lẽ đã trải qua cuộc đại chiến thứ nhất. Nhiều người đã có thể chứng kiến những tàn phá khốc liệt của thời đệ nhị thế chiến, cộng với nạn đói kinh hoàng ở Bắc Việt năm 1945. Và đa số chúng ta đã trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến không biết bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu cuộc chiến trong nước cũng như tại các nước khác trong những năm gần đây… Thêm vào đó, còn có biết bao nhiêu thiên tai và tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cho con người.

Chiến tranh và sự sa đọa của con người có lẽ mang lại cho chúng ta cái cảm tưởng rằng sự dữ, tội ác đã lan tràn khắp cả mặt đất; thế giới ngày nay không còn biết đến Thiên Chúa nữa. Cùng với tất cả một đoàn người mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 gọi là “các tiên tri chuyên loan báo thảm họa”, có lẽ chúng ta chỉ nhìn vào thế giới bằng đôi mắt của bi quan, thất vọng, chúng ta chỉ nhìn thấy thảm họa, tang tóc… để rồi loan báo ngày tận cùng của thế giới như kề bên.

Thế giới có tội lỗi đó, thế giới có tang thương đó, thế giới có nhiều thảm họa đó, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa: Ngài đã làm người ngay giữa lòng của một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài…

Thế giới của chúng ta đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc được những dấu chỉ của thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Mừng lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, hôm nay Giáo Hội cũng muốn lập lại với chúng ta chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương con người và không có gì Thiên Chúa không làm được.
Thiên Chúa đã tạo dựng Mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi tỳ vết của tội lỗi. Mẹ là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, Mẹ là bình minh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa cứu chuộc và ban cho sức mạnh để vươn lên không ngừng.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ với tất cả niềm cậy trông và lạc quan ấy. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn tỏ bày tình yêu không hề lay chuyển của Ngài cho nhân loại và qua Mẹ, Ngài cũng muốn chúng ta bước đi trong vâng phục và yêu mến, cậy trông.

Thân phận yếu hèn của chúng ta được dệt bằng những vấp ngã và chỗi dậy không ngừng. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ không tỳ vết để chúng ta không ngừng ngước mắt nhìn lên. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ luôn “Thưa, xin vâng!” giữa muôn ngàn đớn đau thử thách, để chúng ta tiếp tục chỗi dậy sau những lần vấp ngã.

Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ. Mẹ luôn có đó để giúp chúng ta khỏi vấp ngã và nếu chúng ta có vấp ngã, Mẹ sẽ đỡ chúng ta dậy và giúp chúng ta tiếp tục “Thưa, xin vâng!” với Chúa để chúng ta bước đi theo Chúa Giêsu…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm A

Bài đọc: Isa 11:1-10; Rom 15:4-9; Mt 3:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết cách chuẩn bị sẽ giúp con người đạt được kết quả mong muốn.

Con người lo lắng, sợ hãi, và bất an, vì phải đương đầu với bao nhiêu gian tà, chiến tranh, chia ly, và chết chóc. Con người mong ước được biết sự thật, hiệp nhất, và bình an. Thiên Chúa hứa sẽ ban cho con người một Đấng Thiên Sai để dạy cho con người biết sự thật và cai trị họ trong công bằng và yêu thương.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những quà tặng mà Đấng Thiên Sai sẽ mang tới cho con người. Trong Bài Đọc I, Thánh Thần của Thiên Chúa xuống trên Đấng Thiên Sai. Ngài có đầy đủ mọi ơn cần thiết để cai trị dân chúng cách khôn ngoan và xét xử dân chúng trong công bình. Trong Bài Đọc II, Đấng Thiên Sai sẽ xóa đi tất cả mọi dị biệt ngăn cách và ban cho con người được hiệp nhất và bình an. Trong Phúc Âm, để đón nhận Đấng Thiên Sai, con người cần thật lòng ăn năn xám hối và chuẩn bị tâm hồn. Đấng Thiên Sai sẽ làm phép rửa cho con người trong Thánh Thần và lửa để tha tội và thánh hóa con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.

1.1/ Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai: Để hiểu lời tiên-tri hôm nay, một người cần trở về hoàn cảnh lịch sử thời của tiên-tri Isaiah sống. Các vua của Judah đã dần dần suy xụp, vì họ đã bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang và đối xử rất bất công với dân chúng. Hậu quả là toàn nước bị quân đội Bablon phá đổ tan tành vào năm 587 BC, vua quan cũng như dân chúng bị lưu đày và không biết sẽ có ngày trở lại. Chính trong bối cảnh lịch sử này, Thiên Chúa đã sai tiên-tri Isaiah tới để khơi nguồn hy vọng cho dân. Ba điều chính Thiên Chúa hứa với dân trong trình thuật hôm nay.

(1) Nhà Judah sẽ không mất ngôi vua: Như lời Thiên Chúa hứa cùng David, giòng dõi ông sẽ làm vua cai trị đến muôn đời. Sống trong nơi lưu đày, làm sao có vua để cai trị? Nhưng Thiên Chúa hứa: “Từ gốc tổ Jesse, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.” Mầm non mọc lên từ gốc tổ Jesse chính là Đức Kitô, thuộc giòng tộc Jesse, cha của vua David.

(2) Đặc trưng của Đấng Thiên Sai: Tuy sinh ra như một con người; nhưng Ngài lại có uy quyền của Thiên Chúa, vì “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và thông hiểu, thần khí mưu lược và mạnh mẽ, thần khí hiểu biết và đạo đức, thần khí kính sợ Đức Chúa.”

Bản Do-thái MT có hai lần “kính sợ Thiên Chúa;” trong khi Bản Hy-lạp LXX và Latin Vulgate thay thế “ơn đạo đức” cho một lần “kính sợ Đức Chúa.” Đấng Thiên Sai được xức dầu với bảy ơn Chúa Thánh Thần và Ngài thông ban 7 ơn này cho con người qua bí-tích Thêm Sức.

(3) Đấng Thiên Sai sẽ xét xử dân chúng trong công bình và chính trực: Biết cách xét xử đúng đắn và trung tín là hai đặc tính cần thiết của một vị anh quân; vì thế, Ngài sẽ có “đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.” Vì thấu hiểu những gì bên trong con người, nên “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.”

1.2/ Hiệu quả là toàn dân sẽ được hưởng cảnh thái bình: Kể từ khi phạm tội trong Vườn Địa Đàng, con người càng ngày càng xa cách Thiên Chúa, tha nhân, và các tạo vật của Ngài. Lời tiên-tri của Isaiah có ý muốn nói: Khi triều đại của Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ đưa vũ trụ trở về tình trạng nguyên thủy tốt lành trong Vườn Địa Đàng, khi con người chưa phạm tội, lúc đó dã thú ở chung và tùng phục con người. Tiên tri Isaiah diễn tả: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.”

Khi con người hiểu biết mọi sự thật của Thiên Chúa, con người sẽ không còn theo đuổi chiến tranh, và Sion cũng như mọi nơi được hưởng hòa bình: “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” Lời tiên-tri Isaiah không chỉ mang lợi ích cho người Do-thái, mà còn lan tràn ra cho hết mọi dân tộc. Tất cả các quốc gia sẽ tìm kiếm để học hỏi sự thật của Thiên Chúa: “Đến ngày đó, cội rễ Jesse sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa là nguồn mạch của hiệp nhất.

2.1/ Mọi lời đã chép trong Kinh Thánh để dạy dỗ chúng ta: Nguy cơ chia rẽ luôn hiện diện với con người ở mọi nơi, mọi thời, vì bất đồng ý kiến, lợi nhuận vật chất, ham hố quyền hành, và hãnh diện cá nhân hay dân tộc. Lịch sử con người và Giáo Hội là một bằng chứng hùng hồn cho sự hiện diện của chia rẽ. Để đề phóng và hàn gắn các chia rẽ, thánh Phaolô khuyên các tín hữu nên đọc Kinh Thánh: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên trì, và khích lệ chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.”

Trước tiên, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta niềm hy vọng vào Thiên Chúa, vì Ngài là Chủ Tể trời đất và điều khiển muôn loài; không ai có thể làm hại nếu chúng ta sống theo sự thật và giữ vững niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, và kẻ gian ác chắc chắn phải đền tội. Thứ đến, Lời Chúa giúp chúng ta kiên trì vượt qua mọi đau khổ, vì chúng ta biết đau khổ gian nan rèn luyện nhân đức. Nói cách khác, đau khổ không thể thiếu trong cuộc đời, vì đau khổ giúp chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta vào Thiên Chúa. Sau cùng, Lời Chúa luôn an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, vì nó nhắc nhở chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Vì thế, thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên trì và khích lệ, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Giêsu Kitô đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

2.2/ Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em: Vì luôn có một hố sâu chia cách giữa người Do-thái và các Dân Ngoại: Người Do-thái không tin Thiên Chúa muốn cho Dân Ngoại được cứu độ, và Dân Ngoại luận tội người Do-thái đã giết Đức Kitô; thánh Phaolô phải cắt nghĩa cho cả hai bên biết họ được cứu độ là hoàn toàn do Thiên Chúa, chứ không do sự xứng đáng lãnh nhận hay công trạng của họ.

(1) Đối với người Do-thái: Đức Kitô đến để phục vụ người Do-thái là vì Thiên Chúa trung thành với lời đã hứa với các tổ phụ của họ.

(2) Đối với các Dân Ngoại: Đức Kitô đến để kêu gọi các Dân Ngoại là vì tình thương Thiên Chúa dành cho họ. Và ngài kết luận: ”Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.”

3/ Phúc Âm: Phải sửa soạn và dọn đường mới có thể đón nhận Đấng Thiên Sai.

Không phải ai cũng có thể đón nhận Đấng Thiên Sai. Nếu ai muốn đón nhận Ngài, họ phải thanh tẩy tâm hồn sạch mọi tội lỗi và dọn đường cho thẳng, như lời của Gioan kêu gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Và: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”

3.1/ Được cứu độ bằng niềm tin chân thành, chứ không chỉ danh xưng: Bấy giờ, người ta từ Jerusalem và khắp miền Judah, cùng khắp vùng ven sông Jordan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Jordan.

(1) Niềm tin biểu tỏ bằng hoa quả bên ngoài: Khi thấy nhiều người thuộc phái Pharisees và phái Sadducees cũng đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” Chỉ dọn tâm hồn bằng hình thức bên ngoài, mà không chịu thanh tẩy tâm hồn bên trong, sẽ không tiếp nhận được Đấng Thiên Sai, vì Ngài thấu suốt tâm hồn con người và là Đấng rất mực thánh thiện.

(2) Danh xưng không giúp con người được cứu độ: Nhiều người Do-thái bị dụ dỗ để tin, họ có thể được cứu độ bằng bất cứ giá nào vì họ là con cái của tổ phụ Abraham. Gioan thẳng thắn đả phá niềm tin lầm lạc này: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Abraham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” Tương tự như thế cho những người tín hữu nghĩ mình có thể được cứu độ mà không cần phải ăn năn xám hối hay sống ngay lành.

3.2/ Đấng Thiên Sai sẽ làm phép rửa cho con người trong Thánh Thần và lửa: Gioan phân biệt hai phép rửa bằng nước và bằng Thánh Thần và lửa:

(1) Phép rửa của Gioan là phép rửa bằng nước để tỏ lòng ăn năn xám hối.

(2) Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa.

– Phép rửa bằng Thánh Thần: Mặc dù truyền thống Do-thái chưa có sự cắt nghĩa rõ ràng về Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa như Công Giáo sau này; nhưng họ đã có một số những quan niệm về thần khí. Trong tiếng Do-thái, họ chỉ có một danh từ “ruah” dùng chung cho thần khí, gió, và hơi thở. Gió tượng trưng cho sức mạnh hay quyền lực; khi thần khí của Thiên Chúa vào trong con người, thần khí sẽ giúp họ làm những điều mà người thường không làm nổi. Hơi thở tượng trưng cho sự sống, khi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của con người, Ngài làm cho con người được sống. Thần khí của Thiên Chúa cũng bao gồm 7 ơn mà chúng ta gọi là 7 ơn của Thánh Thần như trong Bài Đọc I. Thần khí sẽ giúp con người nhận ra sự thật từ những sự gian tà và giúp cho con người biết kính sợ Thiên Chúa.

– Phép rửa bằng lửa: Gioan có lẽ dùng cách khác để giải nghĩa sự hiện diện của Thánh Thần bằng cách dùng biểu tượng của lửa. Có 3 công dụng chính của lửa: lửa dùng để soi sáng như Thánh Thần giúp con người nhận ra sự thật; lửa dùng để sưởi ấm như Thánh Thần sưởi ấm con người với tình yêu Thiên Chúa; sau cùng, lửa dùng để thanh luyện con người sạch mọi tội lỗi và làm cho con người xứng đáng với Thiên Chúa. Ngoài ra, một tác dụng khác của lửa là để đốt sạch những dơ bẩn của thế gian, như cũng được diễn tả trong trình thuật hôm nay: “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta khát vọng được Đấng Thiên Sai ngự đến, vì Ngài sẽ xóa tan mọi sợ hãi, sai lầm, và chia rẽ bất đồng. Ngài sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi và thánh hóa chúng ta bằng cách ban cho chúng ta 7 ơn của Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức.

– Để có thể đón nhận Đấng Thiên Sai, chúng ta cần thật lòng ăn năn xám hối và xưng thú mọi tội lỗi. Chỉ có những người thành tâm mới có thể đón nhận Ngài. Chúng ta hãy chuẩn bị và cầu xin để Ngài ngự đến trong tâm hồn chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************