Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng Năm C
BÀI ĐỌC I: Br 5, 1-9
“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.
Trích sách Tiên tri Barúc.
Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.
Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.
Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Đáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan(c. 3).
Xướng:
1)Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Đáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Đáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. – Đáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Pl 1, 4-6. 8-11
“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Đức Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô.
Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô, anh em được Đức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 3, 1-6
“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
09/12/2018 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – C
Lc 3,1-6
DỌN ĐƯỜNG CỨU ĐỘ
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3,4-6)
Suy niệm: Đức Giê-su Ki-tô hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách đây đã hơn 2.000 năm, thế nhưng không vì thế mà chúng ta đương nhiên được giải cứu, nói như thánh Âu-tinh: “Khi tạo dựng nên con Chúa không cần có con, nhưng khi cứu độ con, Chúa cần con cộng tác.” Vì thế mà mùa Vọng là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại sự cộng tác của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Để có thể đón nhận ơn cứu độ, mỗi người chúng ta phải điều chỉnh lại cách ăn nết ở của mình. Con đường cứu độ cứu độ là chính Đức Giê-su Ki-tô. Nhưng nếu chúng ta không mở cửa tâm hồn mình, uốn nắn lại con đường là lối sống của mình để “nối mạng liên thông” với Đức Ki-tô thì ơn cứu độ không thể nào đến với chúng ta được.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta bị mê hoặc lạc lối trong “mê cung” của tiền bạc, thú vui, quyền lực, danh vọng. Để thoát ra khỏi “khu rừng rậm” cám dỗ ấy, phải biết loại bỏ lòng đam mê, ham muốn chúng và chỉ nhắm tới Chúa là lẽ sống duy nhất và vĩnh cửu của mình mà thôi.
Chia sẻ: Không thể theo Chúa nửa vời mà mong đạt tới sự sống đời đời được. Bạn có cảm nghiệm gì về tính triệt để này của Tin Mừng Chúa Ki-tô?
Sống Lời Chúa: Sống tinh thần mùa vọng bằng cách sống giản dị, không xa xỉ hoang phí, tự nguyện giảm bớt những chi tiêu không thật sự cần thiết để dành cho hoạt động bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con có dịp nhìn lại cuộc sống của mình. Xin cho chúng con luôn kiên vững trên con đường mang tên Giê-su, để chúng con hiểu biết chân lý và đạt được sự sống đời đời. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG MƯỜI HAI
Linh Hồn Tôi Nhảy Mừng Trong Chúa
Nỗi chờ mong của Đức Nữ Trinh, Đấng “được sủng ái giữa các người phụ nữ” (Lc 1,42), đúc kết tất cả niềm hy vọng mà Dân Thiên Chúa đã đặt vào các lời hứa được trao cho các tổ phụ. Và xuyên qua dân Israel, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại được kết đọng lại trong nỗi chờ mong vĩ đại này.
Chúng ta cũng hãy trân trọng thái độ chờ mong trong đức tin của Đức Maria, một đức tin cắm rễ sâu trong lịch sử dân tộc và trong niềm hy vọng của toàn thể loài người. Chúng ta hãy nắm vững ý nghĩa của nó khi chúng ta hành trình qua các thế kỷ. Đó là một con đường được thiết lập vững chắc trên niềm hy vọng cứu độ đến từ chỉ một mình Thiên Chúa.
Đức Maria được chúc phúc bởi vì Mẹ tin vào sự hoàn thành những lời Chúa nói cùng Mẹ (Lc 1,45). Mẹ biết rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ lời hứa của Người. Mẹ ‘vui mừng’ và đồng thời Mẹ ‘được chúc phúc’ bởi Thiên Chúa. Hai tình trạng hiện hữu ấy không thể tách rời – vì cái trước là hệ quả của cái sau.
Lời chúc phúc, được Thiên Chúa nói lên, luôn luôn là nguồn sự sống và do đó cũng là nguồn đem lại niềm vui. Trong toàn bộ Thánh Kinh, niềm vui đến xuyên qua việc trao ban và thông truyền sự sống, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Hễ ai được Thiên Chúa ‘chúc phúc’ bằng sự sống của Ngài, thì người ấy cũng ‘mừng vui’.
Đức Maria vui mừng chờ mong món quà sự sống. Nhưng chính sự sống ấy cứu độ Mẹ và làm cho Mẹ mừng vui. Vì sự sống ấy là chính Con Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09/12
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG.
Br 5:1-9; Pl 1: 3-.8-11; Lc 3:1-6
LỜI SUY NIỆM: “Có tiếng người hô trong hoang địa, hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bat cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải phang cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
Vị Tiền Hô đã được Thiên Chúa đặt trong một khung cảnh của lịch sử, và với công việc loan bao sự chuẩn bị tâm hồn cho toàn dân đón Đấng Cứu Thế. Cũng như ơn gọi của Gioan Tẩy Giả, hôm nay mỗi Kitô hữu chúng ta cũng đang được chính Chúa chọn gọi và đặt vào một nơi chốn nhất định để mỗi người chúng ta sống đúng với ơn gọi của Ngài ban, với trách nhiệm rao giảng Lời Chúa, cọng tác giúp cho con người biết sám hối, ăn năn trở lại với tình yêu, thương xót của Thiên Chúa để được sống trong bình an với Chúa và bình an với mọi người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết dọn mình bằng cách biết khiêm nhường, không quanh co gian xảo với người anh em, nhưng sống chân thật trong tình yêu của Chúa và yêu thương mọi người để đòn Chúa đến.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
09 Tháng Mười Hai
Thế Nào Là Cầu Nguyện?
Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ… Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: “Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều”. Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: “Có lẽ con có lý… Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện”.
Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: “Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?”. Cha bề trên mỉm cười đáp: “Các thầy đã ăn cả rồi”. “Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?”, người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: “Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa”.
Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ… Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.
Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm C
Bài đọc: Bar 5:1-9; Phi 1:4-6, 8-11; Lk 3:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời con người.
Tình thương và uy quyền của Thiên Chúa vẫn ấp ủ và bảo vệ con người; nhưng để cảm nhận được, con người cần có con mắt đức tin và trái tim đầy tình yêu. Nhiều người nghĩ họ có thể đi tìm vinh quang cho cuộc đời mà không cần biết đến Thiên Chúa; nhưng thực tế đã chứng minh đó chỉ là vinh quang nhất thời, giả tạo, và không mang lại niềm vui cũng như bình an đích thực cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống con người và sự cần thiết phải sửa dọn tâm hồn để có thể lãnh nhận Ngài. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Baruch nhận ra sự khờ dại của toàn thể con cái Israel khi họ từ bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang và vinh quang giả tạo của trần thế. Hậu quả là mất nước, Đền Thánh bị phá hủy, và vua quan cũng như dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ. Tiên-tri cũng nhận ra tình thương và uy quyền của Thiên Chúa: nếu toàn dân chịu xám hối và ăn năn trở lại, Thiên Chúa sẽ hủy bỏ tang phục mà họ đang mặc trên mình. Ngài sẽ mặc cho họ áo choàng công chính, đội triều thiên vinh quang, và chiếu dọi ánh vinh quang vĩnh cửu của Ngài trên họ. Trong Bài Đọc II, Phaolô, sau khi đã có kinh nghiệm về hạnh phúc của một người được Thiên Chúa hoàn toàn chiếm hữu, đã chia sẻ niềm vui và cầu nguyện cho các tín hữu cũng sẽ được hưởng niềm vui và hạnh phúc như ông; nhưng họ phải hoàn toàn đặt trọn niềm tin yêu nơi Đức Giêsu Kitô và cố gắng sống tinh tuyền thánh thiện trong khi chờ đợi ngày Ngài đến. Trong Phúc Âm, Gioan Tiền Hô được Thiên Chúa trao sứ vụ dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới bằng việc kêu gọi con người sửa dọn tâm hồn và thay đổi cuộc sống. Khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, chỉ những người đã chuẩn bị tâm hồn sẽ được “nhìn thấy” ơn cứu độ của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi.
1.1/ Thiên Chúa là Đấng giải thoát con cái Israel: Tác giả của Sách tiên-tri Baruch được nhiều học giả cho là thư ký của tiên-tri Jeremiah. Sách này có thể được viết trong Thời Lưu Đày hay sau đó, khi tác giả có cơ hội suy nghĩ nhiều về tình thương của Thiên Chúa dành cho con cái Israel, dù họ đã bất trung phản bội Ngài.
(1) Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương: Tác giả nhìn lại lịch sử Israel và cảm nhận được uy quyền của Thiên Chúa. Ngài điều khiển các thế lực chính trị để sửa phạt và bắt con cái Israel đi lưu đày trước khi cho họ trở về. Mục đích của việc sửa phạt là để mở mắt cho họ nhìn thấy tình thương và uy quyền của Ngài dành cho họ. Sách Baruch có nhiều tư tưởng tương tự với Sách tiên-tri Jeremiah, một trong những điều tương tự là tác giả ví Jerusalem như một người vợ mất chồng là Thiên Chúa, và mất con cái là tất cả dân chúng bị lưu đày. Sự khổ nhục này bị các Dân Ngoại chê trách làm cho niềm đau càng quặn thắt hơn.
Trình thuật hôm nay nói về việc Thiên Chúa sẽ đổi ngược số phận hoàn toàn của bà mẹ Jerusalem trong ngày Ngài ra tay cứu độ. Ngài sẽ cho toàn thể địa cầu nhìn thấy vinh quang của Jerusalem: “Hỡi Jerusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa, và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi.”
Hai bài học quí giá Ngài dạy cho con cái Israel: Thứ nhất, “vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa.” Tất cả các vinh quang ngoài Thiên Chúa chỉ tạm thời và gây ra mọi nỗi ô nhục cho họ. Thứ hai, “bình an xây dựng trên công chính.” Nếu họ không tuân hành những Lề Luật Thiên Chúa dạy và đối xử công bằng với mọi người, chiến tranh sẽ lan tràn và nhân loại không bao giờ được bình an.
(2) Con cái Israel được trở về vinh quang từ nơi lưu đày: Có hai áp dụng cho lời tiên tri này. Thứ nhất, là cuộc hồi hương của con cái Israel vào năm 538 BC theo chiếu chỉ của hoàng-đế Ba-tư là Cyrus. Cuộc trở về này tuy vui mừng, nhưng không vinh quang huy hoàng như trình thuật diễn tả hôm nay: “Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.” Thứ hai, tác giả có lẽ muốn nói tới vinh quang của Israel trong ngày Đấng Thiên Sai ngự đến.
1.2/ Israel phải chuẩn bị để đón Đấng Thiên Sai: Để những điều này xảy ra, con cái Israel phải chuẩn bị tâm hồn, ăn năn xám hối về những lỗi lầm họ đã xúc phạm tới Thiên Chúa, và đặt trọn vẹn niềm tin yêu nơi Ngài. Tác giả viết: “Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.”
Khi Đức Chúa lãnh đạo dân Người trở về, Israel sẽ được thịnh vượng và bình an: “Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Israel, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.”
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự nơi con người.
2.1/ Thiên Chúa khởi sự mọi điều nơi con người: Lá thư gởi cho các tín hữu Philip được viết từ nơi lao tù. Đây là cộng đoàn có thể nói rất được yêu mến bởi thánh Phaolô. Hai điều ngài muốn chia sẻ với họ: Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng bắt đầu hành trình đức tin nơi con người, khi Ngài ban cho con người hiểu được những gì thánh Phaolô rao giảng về Đức Kitô để họ tin vào Ngài. Không những thế Ngài còn nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin của các tín hữu để họ có thể trung thành cho đến hơi thở cuối cùng. Thánh Phaolô xác tín với họ điều này: “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm.” Nói cách khác, từ khởi sự cho đến hoàn thành niềm tin của con người đều do bởi ơn thánh của Thiên Chúa. Thứ hai, Thiên Chúa cho con người tham gia vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Theo kinh ngiệm của Phaolô, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không phải là một bổn phận; nhưng là một ân huệ Thiên Chúa ban cho các tín hữu được cộng tác với Ngài trong việc làm cho Nước Chúa trị đến.
2.2/ Đời sống công chính là hiệu quả ơn thánh của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người: Thánh Phaolô cầu xin 2 điều cho các tín hữu Philipphê:
(1) Thiên Chúa ban lòng mến: Tình yêu của Đức Kitô là động lực thúc đẩy thánh Phaolô và các tín hữu làm mọi sự, ngài nói: “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, cùng với kiến thức và tất cả mọi thấu hiểu.”
Lòng mến là điều kiện tiên quyết thúc đẩy việc học hỏi: khi yêu ai hay thích điều gì, con người sẽ tìm mọi cơ hội để tìm hiểu, để biết về điều đó hay người đó hơn. Nếu không có sự thúc đẩy của tình yêu, con người sẽ không bận tâm để tìm hiểu. Càng tìm hiểu bao nhiêu, con người càng có kiến thức nhiều. Khi các tín hữu càng yêu mến Đức Kitô, họ sẽ ra sức tìm hiểu để biết Ngài, và càng hiểu về Đức Kitô bao nhiêu, họ càng thấu hiểu những gì liên quan tới Ngài. Điều này sẽ giúp cho con người nhận ra những sai lầm giả trá của thế gian.
(2) Các tín hữu sống thánh thiện: Đức tin không bao giờ ở mức độ thuần tri thức, nhưng thúc đẩy con người tới chỗ hành động. Lại một lần nữa, thánh Phaolô chứng tỏ ơn cứu độ đến với con người không chỉ bởi niềm tin, nhưng còn tùy thuộc vào việc làm để chứng tỏ niềm tin của các tín hữu. Hai điều các tín hữu phải làm trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm là phải giữ mình sạch tội, và phải cố gắng để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện hơn. Chỉ như thế, các tín hữu mới có thể “đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”
3/ Phúc Âm: Tất cả phải chuẩn bị đường cho Đức Kitô đến.
3.1/ Tình hình chính trị và tôn giáo trong thời Đức Kitô nhập thể: Phần đầu của trình thuật hôm nay, thánh Luca muốn nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của biến cố Đức Kitô Nhập Thể trong hậu trường của thế giới:
– Tình hình thế giới: Toàn vùng Cận Đông thời đó đều nằm dưới sự cai trị của đế quốc Rôma, năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberius.
– Tình hình nước Palestine: Khi Herode Cả chết, ông chia vương quốc thành 3 miền cho 3 con của ông cai trị: Herode Antipas làm tiểu vương miền Galilee, người em là Philíp làm tiểu vương miền Ituraea và Trachonitis, Herode Archelaus điều khiển miền Judah, cùng với Pontius Pilate làm tổng trấn miền Judah.
– Tình hình tôn giáo: Hannah là thượng tế về hưu, nhưng có thế lực rất mạnh. Caiaphas, con rể của Hannah là thượng tế đương quyền; nhưng bị lệ thuộc rất nhiều vào Hannah.
Sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma, trong thời kỳ đất nước bị chia ba, lại thêm bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo; con dân Israel mong đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng họ khỏi những thế lực này.
3.2/ Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả: Trong thời kỳ khó khăn như vậy, Thiên Chúa vẫn nhớ tới con người, Ngài sai Gioan Tẩy Giả tới để mang Tin Mừng cho con người, như trong trình thuật hôm nay: “Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Zachariah là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Jordan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.”
Bổn phận của Gioan Tẩy Giả được sai tới là để chuẩn bị tâm hồn cho mọi người đón nhận Thiên Chúa. Sứ vụ của ông đã được loan báo trước trong sách ngôn sứ Isaiah: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.”
Không phải ai cũng có khả năng đón nhận món quà vô giá Thiên Chúa gởi đến là Người Con Một của Ngài. Để có thể nhận ra và đón nhận Ngài, con người phải chuẩn bị tâm hồn cùng với ơn thánh của Thiên Chúa. Điều Gioan khuyên dân chúng đây không phải là những chuẩn bị bề ngoài, mà là tâm hồn bên trong. Con người phải loại trừ những kiêu căng, ích kỷ, mọi thứ tham lam… trước khi họ có thể nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự cho con người. Để được vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trong cuộc đời, chúng ta cần phải biết kính sợ và tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài.
– Để có thể đón nhận Thiên Chúa, con người cần biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng: tránh xa tội lỗi, luyện tập nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện.
– Ơn cứu độ không chỉ dành cho một dân tộc hay một số người; nhưng mở rộng đến cho mọi dân tộc và mọi người. Chúng ta được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong việc mang ơn cứu độ đến cho mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************