Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm C
1 Mùa Chay
BÀI ĐỌC I: Đnl 26, 4-10
“Dân được chọn tuyên xưng đức tin”.
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên Chúa rằng: “Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ và bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con”. Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 90, 1-2. 10-11. 12-13. 14-15
Đáp: Lạy Chúa, xin hãy ở cùng con trong lúc gian truân (x. c. 15b).
1) Bạn sống trong sự che chở của Đấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Đấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: Chúa là chiến luỹ, nơi con nương náu, lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài. – Đáp.
2) Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén mảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa ra lệnh cho các Thiên Thần Ngài săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường. – Đáp.
3) Chư vị đó bồng bế bạn trên tay, để bạn khỏi vấp chân vào đá. Trên mình hổ mang, rắn lục bạn bước đi, bạn đạp chân trên sư tử và giao long. – Đáp.
4) Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời, Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân, Ta sẽ cứu gỡ và làm vinh dự cho người. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 10, 8-13
“Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gì? Lời ở kề trong miệng và trong lòng ngươi. Đó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. Vì Thánh Kinh đã có nói: “Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn”. Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đối với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4,4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
PHÚC ÂM: Lc 4, 1-13
“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
10/03/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – C
Lc 4,1-13
SỐNG NHƯ CON CÁI THIÊN CHÚA
Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3)
Suy niệm: Trong cuốn tiểu thuyết “Thuyền Trưởng Tuổi Mười Lăm” của Jules Verne có kể chuyện một tên buôn nô lệ giả dạng làm đầu bếp trên tàu, mỗi buổi sáng dùng cục nam châm làm lệch chiếc kim của la bàn trên tàu một chút xíu. Bằng cách ấy, y đã lừa được cậu thuyền trưởng bất đắc dĩ mới mười lăm tuổi lái tàu lạc hướng lọt vào sào huyệt của bọn buôn nô lệ. Đó cũng là chiến thuật của ma quỷ dưới tên gọi “tên cám dỗ”. Y không thuyết phục Chúa Giê-su hành động phản lại Chúa Cha, mà chỉ dụ dỗ Ngài vận dụng chính tư cách “Con Thiên Chúa” để làm những việc không phải là ý định, chương trình của Cha Ngài. Trái lại, Chúa Giê-su luôn kiên định lập trường: là Con Thiên Chúa, lẽ sống của Ngài là thực hiện ý muốn của Chúa Cha.
Mời Bạn: Khi cám dỗ chúng ta, ma quỷ cũng không dùng chiến thuật nào khác. Nó không bắt đầu cám dỗ chúng ta phạm ngay một tội trọng nhưng dụ dỗ chúng ta làm những việc tốt nhưng chỉ vì ý riêng (để thoả mãn lòng háo danh, tự ái… chẳng hạn), hoặc chỉ thoả hiệp một chút dục vọng thầm kín, và tự trấn an bằng cách biện hộ rằng mình cũng chưa đến nỗi phạm tội trọng…, để rồi một ngày bừng con mắt dậy thấy mình đã lún sâu trong tội lỗi tự bao giờ!
Sống Lời Chúa: Học nơi Chúa Giê-su chống lại tên cám dỗ: – luôn trung kiên tìm kiếm và thi hành ý Chúa; – chống lại cám dỗ ngay từ đầu, không du di, không khoan nhượng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con noi gương Chúa Giê-su, Con Chúa biết luôn trung thành vâng theo ý Chúa. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG BA
Cái Giá Của Ơn Giao Hòa
Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, đã trả giá cân xứng cho tội lỗi chúng ta. “Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người là sự giao hòa của chúng ta.
Đó là lý do tại sao cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô – được biểu trưng một cách bí tích trong Thánh Lễ – thường được gọi là phụng vụ “hy lễ hòa giải”. Đây là lời của Kinh Nguyện Thánh Thể III: “Xin Cha nhìn đến Đấng mà cuộc tử nạn của Người đã giao hòa chúng con với chính Cha”. Giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, đó là việc thiết yếu. Chính Đức Giêsu đã dạy rằng trước khi dâng của lễ, cần phải giao hòa với anh em trước đã (Mt 5,23).
Thánh Phao-lô viết: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Giáo Hội tha thiết lặp lại lời kêu gọi ấy của Thánh Tông Đồ. Giáo Hội kêu gọi tất cả chúng ta tiến tới sự thánh thiện đích thực trong Đức Kitô. Thánh Phao-lô tiếp tục: “Vì chúng ta, nên Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi – để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).
Tiếng gọi mời con người hòa giải với Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là một sứ điệp hay thậm chí một tiếng kêu van. Sứ điệp ấy mạnh mẽ không kém so với sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan, hay so với sứ điệp của các ngôn sứ trong Cựu Ước. Song nó không chỉ là một sứ điệp. Đó là một hành động đầy năng lực. Đó là một hành động phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Đó là một hy tế, một sự trả giá lớn lao. Chúng ta đã được chuộc về với một giá đắt. Chúng ta hãy tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa vì lòng thương xót của Ngài (1Cr 6,20; 7,23)
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 10/3
Chúa Nhật I Mùa Chay
Đnl 26, 4-10; Rm 10, 8-13; Lc 4, 1-13.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ.”
Khởi đầu Mùa Chay Thánh, Giáo Hội cho chúng ta thấy cách Chúa Giêsu chiến thắng cảm đỗ, hầu giúp cho chúng ta học biết và vâng phục Chúa Cha: “Chúa Giêsu thực hiện cách hoàn hảo ơn gọi của dân Ítraen; trái hẳn với những kẻ xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt bốn mươi năm trong hoang địa. Chúa Giêsu được mạc khải như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Trong việc này, Chúa Giêsu hoàn toàn thắng ma quỷ… Chiến thắng của Chúa Giêsu trước cám dỗ trong hoang địa báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha.” (GL 539)
Lạy Chúa Giêsu. Chiến thắng của Chúa trước ba cám dỗ trong hoang địa. Và dạy chúng con: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài thôi.” Xin cho chúng con thờ phượng Chúa trong tin yêu và vâng phục, để chúng con được lãnh nhận sự sống đời đời trong Nước Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
10 Tháng Ba
Gieo Gió Gặt Bão
Ðêm 17/5/1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hỏa tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hỏa tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!
Người Ả Rập thường nói: “Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi”. Có lẽ người Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía Iraq.
Liên Xô là nước cung cấp cho I raq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988, Iraq đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với chiến xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí giới.
Ðể đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ Mỹ kim. Ngày nay, 133 chiến đậu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.
Năm 1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi sổ những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Ðức cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các vũ khí hóa học và nguyên tử.
Vô tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: “Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một quái vật”.
Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói: “Gieo gió thì gặt bão”… Các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp vào để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.
Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.
Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của tang thương, đau khổ và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.
Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã, yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ… Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho tha nhân và cho chính bản thân.
Chiến tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.
Nơi nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.
Người môn đệ của Ðức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời gọi để xây dựng Hòa Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của Yêu Thương.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm C
Bài đọc: Deut 26:4-10; Rom 10:8-13; Lk 4:1-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Năm lời tuyên xưng quan trọng của người Kitô hữu
Con người bị bao vây bởi những sự giả trá của thế gian; chẳng hạn: gán những ơn lành được hưởng cho những thần do tay loài người dựng nên; hay cho con người có thể tự sống mà không cần đến Thiên Chúa, cha mẹ, hay những người chung quanh… Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho con người phải lầm lũi bước đi trong sự sai trá, Ngài ban cho con người có trí khôn để suy xét và một kho tàng vô tận của Kinh Thánh để con người biết nhận ra sự thật và tôn thờ Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải biết nhận ra các ơn lành đến từ Thiên Chúa và tuyên xưng Ngài cho xứng đáng. Trong Bài Đọc I, ông Moses truyền cho dân Do-thái phải khắc sâu trong lòng hai biến cố Thiên Chúa đã làm cho họ: xuất hành ra khỏi Ai-cập và dẫn đưa vào Đất Hứa; họ phải biết cảm tạ Thiên Chúa bằng cách dâng những lễ vật đầu mùa quí giá nhất cho Ngài. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma một điều quan trọng: để được Thiên Chúa đón nhận lời cầu xin, họ phải tin Đức Kitô trong lòng và tuyên xưng Ngài nơi miệng lưỡi, chứ không phải chỉ là người Do-thái. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy chúng ta ba bài học quan trọng qua ba lần chịu cám dỗ của Ngài: thứ nhất, con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra; thứ hai, con người phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, chứ không phải bất cứ loài thọ tạo nào của Ngài dựng nên; sau cùng, con người không được quyền thử thách Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành cho con người.
1.1/ Nhớ lại quá khứ giúp con người biết sống hiện tại: Hai biến cố quan trọng trong lịch sử của người Do-thái là biến cố Xuất Hành và vào Đất Hứa.
(1) Biến cố Xuất Hành: Sau một thời gian sống bên Ai-cập từ thời của Giuse và các con ông Jacob, người Do-thái bị vua Pharaoh và các quần thần đối xử rất dã man như những nô lệ. Người Do-thái kêu cầu lên Thiên Chúa, và Ngài đã sai ông Moses và ông Aaron đến với dân chúng để đem họ ra khỏi đất Ai-cập. Để cho vua Pharaoh chịu phóng thích dân chúng, Thiên Chúa “đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” trên đất Ai-cập, trước khi nhà vua cho phép dân chúng ra đi.”
(2) Dẫn đưa dân vào Đất Hứa: Thiên Chúa không phải chỉ giúp cho dân chúng ra khỏi Ai-cập; nhưng còn chuẩn bị tâm hồn dân chúng 40 năm trong sa mạc trước khi đưa dân vào đất Cannan, vùng đất tràn trề sữa và mật, như Ngài đã hứa cùng các tổ phụ của họ. Trong suốt 40 năm, Ngài đã thử thách để thanh luyện dân chúng khỏi mọi khuynh hướng xấu: than trách, mê ăn uống, và thờ bụt thần.
1.2/ Biết đáp trả tình thương Thiên Chúa: Khởi đầu và kết thúc trình thuật hôm nay, ông Moses truyền cho dân chúng phải dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho họ; các tư tế sẽ nhận tất cả và đặt chúng trước bàn thờ của Thiên Chúa. Của đầu mùa từ con người cũng như từ đất đai là của hiếm quí, nhưng họ phải hy sinh dâng hiến cho Thiên Chúa; không phải vì Thiên Chúa có thể ăn những thứ họ dâng; nhưng để cho dân chúng nhận ra những gì Ngài đã làm cho họ và họ phải đáp trả công ơn của Ngài.
2/ Bài đọc II: Tất cả những ai tin và kêu cầu danh Đức Kitô sẽ không phải thất vọng.
2.1/ Lời Kinh Thánh giúp con người nhận ra sự thật và tin tưởng nơi Thiên Chúa: Trình thuật hôm nay tiếp tục những gì thánh Phaolô đã trình bày trong những chương trước về đề tài con người được nên công chính là do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngay trong câu đầu tiên, thánh Phaolô đã trình bày về việc làm sao con người có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.”
Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh hai điều trong câu này: thứ nhất, Thiên Chúa là tác nhân chính, Ngài đã đặt Lời vào trong con người; thứ hai, Phaolô chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc rao giảng để khơi dậy đức tin nơi người nghe. Phaolô trích dẫn Sách Đệ Nhị Luật 30:14 theo văn bản của MT. Có sự khác biệt giữa Bản Bảy Mươi và Bản MT: Bản Bảy Mươi có thêm câu “và ngay trên tay bạn;” có lẽ tác giả của Bản Bảy Mươi cũng muốn đến sự liên hệ giữa đức tin và hành động để biểu lộ đức tin. Theo Phaolô, con người phải tin Đức Kitô trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng: Ngài đã được Thiên Chúa sai đến với con người để chịu chết và đã sống lại, thì mới được hưởng ơn cứu độ.
2.2/ Thiên Chúa thương xót tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài: Ơn cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng cho tất cả những ai tin và kêu cầu danh của Ngài; chứ không phải chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái như nhiều người lầm tưởng. Phaolô trích dẫn các Sách Tiên Tri, Isaiah 28:16 trong câu 11, và Joel 2:32 trong câu 13, để nói lên sự thật này. Đây là điều hợp lý và chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người. Phaolô kết luận: “Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.”
3/ Phúc Âm: Bổn phận của con người với Thiên Chúa.
3.1/ Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu cũng bị chi phối bởi những ảnh hưởng của vật chất như trình thuật của Lucas mô tả: “Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.” Khi con người đói, họ cần được ăn, bấy giờ, quỷ đến và nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
– Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Quỉ thần biết Chúa Giêsu sẽ bắt đầu sứ vụ rao giảng để chinh phục con người về cho Thiên Chúa, nên qua cám dỗ này, quỉ thần muốn chỉ cho Chúa Giêsu cách chinh phục con người: họ sẽ theo ông nếu ông làm phép lạ cho họ có bánh ăn. Trong Tin Mừng Marcô, đã có hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ để nuôi dân chúng ăn: một lần 5,000 và một lần 4,000. Chúa Giêsu từ chối cách chinh phục con người bằng việc làm phép lạ; Ngài muốn chinh phục họ bằng việc rao giảng Tin Mừng và mặc khải về tình thương Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với dân chúng khi họ đi tìm Ngài: “Đừng làm việc cho những lương thực mau hư nát, nhưng cho lương thực mang lại cuộc sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các anh” (Jn 6:27).
– Cám dỗ cho con người: Cơm bánh là điều quỉ thần thường xuyên dùng để cám dỗ con người ở mọi nơi và mọi thời. Chúng rất thành công trong cám dỗ về cơm bánh, không phải chỉ với những người đói khát thiếu ăn; nhưng còn với tất cả mọi người. Vì lòng tham vô đáy, con người không chỉ bằng lòng với “lương thực hằng ngày;” nhưng còn lo sao để có “lương thực cả đời.” Để thỏa mãn lòng tham, con người dùng nhiều thời gian để làm lụng, và không còn thời gian cho việc học hỏi Lời Chúa hay lo lắng cho những thiếu thốn của linh hồn. Sở dĩ con người có thể nhận ra ngay những đói khát về phần xác, vì nó dày vò thân xác con người và đưa tới cái chết, nếu không được ăn uống. Họ không nhận ra những thiếu thốn về phần linh hồn vì nó không làm cho con người phải chết ngay; nhưng nó cứ từ từ đưa con người tới chỗ chết bằng những quyết định thiếu khôn ngoan. Lời của Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng: như thân xác cần của ăn thế nào, linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa như thế.
3.2/ Ngươi phải thờ phượng một Thiên Chúa: Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
– Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Ngoài cơm bánh, con người rất dễ bị rơi vào lòng ham muốn của cải, danh vọng, và uy quyền. Quỉ thần như ngầm bảo Chúa Giêsu trong cám dỗ này: Họ sẽ theo ông nếu ông thỏa mãn họ với danh vọng, chức quyền, và của cải thế gian. Trong Tin Mừng, ba lần Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp tới, ba lần các môn đệ đều chứng tỏ những gì quỉ thần muốn cám dỗ là điều con người ước mong; nhưng Chúa Giêsu kiên nhẫn dạy dỗ các môn đệ về việc từ bỏ, hy sinh phục vụ, và vác thánh giá theo Ngài.
– Chúng ta có thể nhận ra sự gian trá của quỉ thần trong cám dỗ thứ hai này, vì của cải thế gian không thuộc về quỉ thần, nhưng thuộc về một mình Thiên Chúa. Ngài tạo dựng mọi sự cho loài người hưởng dùng khi họ còn sống trên thế gian. Con người chẳng mang được gì vào thế gian và cũng chẳng mang theo được gì khi từ giã cuộc đời. Quỉ thần biết lòng tham của con người muốn sở hữu nên hứa ban cho con người điều không thuộc về chúng. Trong thực tế, biết bao con người đã rơi vào bẫy giăng của chúng; họ chạy theo những lời hứa hão huyền và phù hoa của thế gian, mà quên đi Thiên Chúa, Đấng dựng nên tất cả.
3.3/ Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi: Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Jerusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
– Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Quỉ thần biết con người thích dễ dãi và chạy trốn đau khổ, nên như ngầm bảo Ngài: hãy chinh phục con người bằng việc làm phép lạ. Trong Tin Mừng, dân chúng chạy theo Chúa Giêsu để xin Ngài cất đi tất cả những đau khổ và bệnh tật. Ngài chữa lành rất nhiều người, nhưng là để khơi dậy niềm tin cho họ. Khi Chúa Giêsu hấp hối trên Thập Giá, cám dỗ này được lặp lại trên miệng của những người Do-thái: Nếu ông thực sự là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập Giá để tôi và mọi người đều tin.
– Cám dỗ cho con người: Thiên Chúa có thể lấy đi mọi đau khổ của con người; nhưng nếu Ngài làm như thế, con người chẳng chứng tỏ được niềm tin cũng như sự tiến bộ. Thử thách và đau khổ là cơ hội cho con người luyện tập đức tin và chứng tỏ niềm tin vào Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đang ở trong những ngày đầu của hành trình Mùa Chay. Mục đích của Mùa Chay là để huấn luyện con người có bản lĩnh để đương đầu với các chước cám dỗ của cuộc đời.
– Nếu chúng ta không biết lợi dụng thời gian của Mùa Chay để luyện tập, chúng ta sẽ không thể đối chọi những cám dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt luôn chờ đợi chúng ta rơi vào.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************