Chúa Nhật (10-09-2023) – Trang suy niệm

09/09/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN – NĂM A

BÀI ĐỌC I: Ed 33, 7-9

“Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”.

Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: “Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết”; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng” (x. c. 8).

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!

2) Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.

BÀI ĐỌC II: Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

All. All. – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – All.

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

10/09/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – A

Mt 18,15-20

NHỮNG ĐIỀU KHÓ NÓI

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15)

Suy niệm: Không gì khó nói hơn việc đi sửa lỗi người khác. Vì nhiều lý do. Trước hết, lý do bản thân: tôi cũng chẳng hay ho gì mà dám lên mặt dạy đời. Và bao nhiêu lý do khác. Nếu cùng là người trong nhà với tôi: bụt nhà không thiêng. Nếu không phải là người nhà với mình: thôi thì đèn nhà ai nhà nấy rạng. Bao giờ người ta cũng có lý do để né tránh vấn đề gai góc này. Chắc phải ‘uống mật gấu’ mới đủ dũng khí để “sửa lỗi cho người khác” bởi chưng cục tự ái của mỗi người chẳng khác nào trái bom hẹn giờ không biết lúc nào sẽ nổ tung lên. Trên đây, Chúa Giê-su đưa ra qui tắc vàng: muốn sửa lỗi cho nhau, phải được thúc đẩy bởi tình bác ái, phải tôn trọng danh dự của nhau và nhắm đến lợi ích đích thực của người anh em. Việc đi gặp riêng “một mình anh với nó thôi” tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại ôn hoà, tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau nhận ra thánh ý Chúa.

Mời Bạn: Bạn có nghĩ rằng 99% thất bại trong việc sửa lỗi phát sinh do việc nóng nảy, thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng nhau? Về phần mình, khi được người khác sửa lỗi, bạn đã phản ứng thế nào?

Chia sẻ: Học hỏi cách Chúa Giê-su sửa lỗi cho: – người đàn bà ngoại tình (Ga 8,1-11) – cho Phê-rô (Ga 13,6-11.36-38; Lc 22,31-34.54-61; Ga 21,15-23).

Sống Lời Chúa: Suy niệm nhiều lần những đoạn Tin Mừng trên.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết noi gương Chúa, ghét tội nhưng thương người có tội, biết sẵn sàng hy sinh đền thay tội lỗi cho anh em mỗi khi con muốn sửa lỗi cho nhau.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Sống với nhau trong cộng đoàn Hội Thánh
thế nào cũng có chuyện này chuyện kia xảy ra.
Có những đụng chạm nhỏ có thể bỏ qua dễ dàng.
Đức Giêsu đòi Phêrô phải tha đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,22).
Nhưng cũng có những lỗi, những tội gây tai hại rất lớn
cho một cá nhân, và từ đó ảnh hưởng xấu đến cả cộng đoàn.
Khi đó Đức Giêsu không khuyên các kitô hữu sống dĩ hòa vi quý,
cố chịu đựng cho qua, coi như không có chuyện gì.
Ngài khuyên chúng ta nên thẳng thắn góp ý xây dựng,
chẳng những vì lợi ích của người bị hại, và của cộng đoàn,
mà còn vì lợi ích của chính người phạm tội nữa.

Chúng ta không có quyền để cho người anh em của mình đi lạc.
Bỏ chín mươi chín con chiên để tìm con chiên lạc và đưa nó về:
đó là bổn phận của người mục tử, và của cả chúng ta (Mt 18,12).
Đức Chúa đã long trọng phán với ngôn sứ Êdêkien:
“Nếu ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ đường xấu,
…Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).
Chúa Cha không muốn cho ai trong cộng đoàn phải hư mất.
Ngài quý từng con người, dù đó là một người bé mọn (Mt 18,14).
Như thế sửa lỗi cho người anh em là cùng làm việc với Thiên Chúa,
để giữ lại người anh em này cho cộng đoàn.
Sửa lỗi chỉ để thể hiện một điều, đó là tình yêu.
Tình yêu huynh đệ phải chi phối toàn bộ tiến trình sửa lỗi.

Câu đầu tiên của đoạn Tin Mừng này dùng từ “anh em” hai lần.
Điều đó cho thấy người phạm tội nặng vẫn là anh em của tôi.
Đó không phải là kẻ thù, nhưng là người tôi không muốn mất.
Chính vì thế tôi phải kiên nhẫn bước vào một hành trình,
để giúp người anh em nhận lỗi, hoán cải và trở về nẻo chính.
Tôi phải đi nhiều bước trong hành trình này.
Từng bước một, bước nọ sau bước kia,
không vội vã dùng ngay những biện pháp mạnh mẽ.
Luôn luôn đợi chờ, luôn luôn hy vọng.
Luôn tạo cơ hội để có những cuộc gặp gỡ thân tình
và nâng niu những điểm sáng mong manh.
“Không bẻ gãy cây lau bị giập; không dập tắt tim đèn leo lét.”

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mời chúng ta đi ba bước.
Bước một là gặp gỡ riêng tư với người anh em phạm lỗi.
Sự kín đáo cho thấy danh dự của người này được tôn trọng.
Nếu không thành công, ta mới qua bước hai.
Cuộc gặp gỡ lần này đông hơn vì có thêm một hai người nữa.
Hy vọng người phạm lỗi gặp được cái nhìn khách quan hơn.
Nhưng nếu người ấy vẫn khăng khăng không nghe,
lúc đó mới đưa ra trước cả cộng đoàn Hội Thánh địa phương.
Từ chối lắng nghe tiếng nói của Hội Thánh
là tự tách lìa, không còn coi mình thuộc về cộng đoàn nữa.
Lúc đó cộng đoàn sẽ coi người ấy như người ngoài, như dân ngoại.

Cộng đoàn Hội Thánh chẳng hề muốn mất một người anh em,
nhưng nếu người ấy cứ không nghe thì đành phải chịu (cc. 16.17).
Không nghe là khép lại với con người, cũng là khép lại với Thiên Chúa.
Bởi đó quyết định cầm buộc của Hội Thánh dưới đất
cũng là quyết định của Thiên Chúa trên trời (Mt 18,18).
Chỉ mong Hội Thánh làm mọi quyết định trong bầu khí cầu nguyện,
bình tâm phân định để tìm ý Chúa với rất nhiều tình yêu (Mt 18,20).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rue nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Khát Vọng Tuyệt Đối

Giáo Hội tuyên bố rằng con người, trong hành trình cuộc sống của mình, cần phải được hết mực kính trọng, yêu thương và quan tâm săn sóc – bởi vì con người được tiền định sống đời đời. Vì vậy, bất cứ nền văn hoá nào tôn trọng phẩm giá và định mệnh tối hậu của con người đều hỗ trợ cho con người sống một cuộc sống cao thượng và công chính trên cuộc hành trình dương thế này.

Thánh Phaolô đề cập đến điều này trong giáo huấn của ngài gửi cho cộng đoàn tín hữu Philipphê: “Cuối cùng, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý”. (Pl 4,8). Trong suốt cuộc hành trình dương thế này, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, con người phải ý thức hoàn toàn rằng mình là một lữ khách trên đường hành hương về với Thiên Chúa.

Chính trong khát vọng tuyệt đối này có hàm ẩn kinh nghiệm về Thiên Chúa. Trong tất cả những con người xuyên qua lịch sử đã kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy khuôn mặt vĩ đại của Thánh Augustinô, người đã thốt lên khi gặp gỡ được Đấng mà mình kiếm tìm: “Con đã gặp Ngài ở đâu để nhận biết Ngài, nếu không phải là chính nơi Ngài, vượt xa trên chính con?” (Tự Thú của T. Augustinô, 10,26).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/9

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

Ed 33, 7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20.

Lời Suy niệm: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh phải đi sửa lỗi nó, một mình anh mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.”

          Lời Chúa đang dẫn đưa từng bước một cho mỗi người trong chúng ta khi thấy người anh em lỗi phạm công khai, hầu giúp họ có thể sửa lỗi. Đồng thời, qua đó mỗi người cũng phải luôn xét mình lại, để chỉnh sửa lại đời sống với nhau trong cộng đoàn.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho chúng con những ơn cần thiết khi đến giúp cho người anh em chúng con sửa lỗi khi đã trót phạm, và cũng để chúng con luôn biết giữ mình, không làm gương xấu và làm cớ cho người anh em vấp phạm. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Chín

Quà Tặng Quý Giá Nhất 

Trong một góc hè phố, một bác hành khất tê bại nằm co quắp. Chợt có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đi qua. Người hành khất bèn mở miệng xin bố thí. Người đàn ông ăn mặc sang trọng xỏ tay vào túi áo, nhưng ông tìm mãi mà chẳng được gì. Vừa bối rối, vừa thành kính, ông ta mới phân bua với người hành khất:

“Này bác, tôi muốn biếu bác chút đỉnh, nhưng rất tiếc, vì đi bất ngờ nên tôi không có mang tiền theo. Xin bác thông cảm cho”.

Người hành khất mới trả lời: “Cám ơn ông. Ông đã cho tôi nhiều hơn mọi của bố thí. Bởi vì ông đã gọi tôi là Bác. Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi đã nhận được danh dự đó trên môi miệng của một người sang trọng nào cả”.

Dù là một người hành khất, dù là một người tàn tật, dù là một người bị xã hội ruồng rẫy bỏ rơi, tất cả đều có một phẩm giá như nhau. Quà tặng quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác, chính là tôn trọng người đó với tất cả phẩm giá cao quý nhất của họ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 23 – Năm A – Thường Niên

Bài đọc: Eze 33:7-9; Rom 13:8-10; Mt 18:15-20.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sửa lỗi cho nhau.

Sống chung là có đụng. Khi có đụng thì có người sai người đúng. Làm sao biết được ai sai ai đúng? Sửa lỗi cho nhau là cách để nhận ra. Nhưng sửa lỗi là vấn đề hết sức tế nhị, vì tự ái nên không ai muốn nhận phần sai về mình. Nhiều người nhận thấy việc sửa lỗi hại nhiều hơn lợi nên chọn thái độ dĩ hòa vi quý để gia đình hay cộng đòan được bình an. Nhưng sự bình an này chỉ tạm thời và giả tạo vì những tật xấu cá nhân không kịp thời sửa chữa sẽ dần dần lan ra và tác hại trên cộng đòan.

Thái độ lẩn tránh này cũng bị Thiên Chúa kết tội trong bài đọc I hôm nay vì sự hư mất của một linh hồn nếu không được sửa lỗi. Bài đọc II nhấn mạnh về thái độ phải có khi sửa lỗi: Vì yêu thương chứ không vì bất cứ một lý do nào khác. Bài Phúc Âm đưa ra một tiến trình thứ tự trong việc sửa lỗi hầu bảo đảm được kết quả mong muốn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bổn phận phải sửa dạy và loan báo nguy hiểm của các tiên tri.

Bài đọc I dùng phân từ “ƒôpeh,” đến từ động từ “ƒ¹pâ”. Động từ này có nghĩa là canh gác để khi có dấu hiệu nguy hiểm thì đánh chuông báo động cho mọi người được biết. Trong Sách Khôn Ngoan, động từ được dùng cho người nội trợ khôn ngoan là người luôn biết thu xếp lo liệu cho mọi nhu cầu có thể xảy ra trong nhà (Prov 31:27). Cũng vậy, Thiên Chúa luôn quan sát những gì xảy ra trên thế giới để xét xử cách công minh cho mọi người (Prov 15:3; cf Psa 66:7). Phân từ “ƒôpeh” có nghĩa người canh gác, người luôn ở nơi cao trên tường thành và chịu trách nhiệm loan báo cho Bộ Chỉ Huy biết mọi nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào (1Sam 14:16; 2 Sam 18:24ff; 2 Kgs 9:17-20). Nếu người canh gác không tỉnh thức chu tòan bổn phận, ông có thể bị tử hình.

Nhiệm vụ của tiên tri đôi khi được mô tả theo ngôn ngữ này như Chúa phán cùng tiên tri Ezekiel: “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (Eze 3:17; cf Eze 33:7; Jer 6:17; Hab 2:1). Mặc dù Thiên Chúa luôn trung thành trong việc gởi các người canh gác của Ngài là các tiên tri đến sửa dạy dân chúng, nhưng nhiều người đã nhắm mắt làm ngơ trước những lời cảnh giác của họ (Isa 56:10). Sự thất bại của những người canh gác và sự từ khước những sứ giả thật là những lý do chính tại sao Israel bị tàn phá và bị lưu đày. Ngược lại, các tiên tri thật sẽ là những người canh gác đầu tiên ca tụng ơn cứu độ của Thiên Chúa (Isa 52:7-10).

Như người canh gác có thể bị tử hình nếu không chịu loan báo kịp thời những nguy hiểm xảy ra, người có trách nhiệm không chịu sửa lỗi cho những người dưới quyền mình cũng sẽ phải chịu hậu quả như vậy trước mặt Thiên Chúa. Điều này được Ngài tuyên phán rõ ràng hôm nay: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết,” mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.”

Bổn phận của người có trách nhiệm là phải nói, bổn phận của người dưới quyền là sửa. Cả hai đều phải chịu phán xét trước tòa Chúa. Nếu người có bổn phận đã nói mà người dưới quyền không chịu sửa, tội về phần người dưới quyền: “Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”

2/ Bài đọc II: Mến Chúa, yêu người. Yêu mến là chu tòan Lề Luật.

2.1/ Sửa dạy vì yêu thương: Lý do chính của việc sửa dạy là yêu thương. Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương nên đã khôn ngoan bố trí cho con cái Ngài có rất nhiều người canh gác để canh giữ họ khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác: trong nhà có cha mẹ, anh chị em; nơi học đường có thầy cô; nơi nhà thờ có các cha; giáo hội địa phương có các giám mục; và Giáo Hội hòan vũ có Đức Giáo Hòang và hàng Giáo Phẩm của ngài.

Những người canh gác của Thiên Chúa được đòi hỏi bắt chước Thiên Chúa để hướng dẫn những người Chúa trao như Người Mục Tử Tốt Lành: đi tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương, vỗ béo chiên gầy còm, tìm đồng cỏ xanh và suối mát cho chiên ăn uống. Người Mục Tử Tốt Lành sẵn lòng thí mạng sống để bảo vệ chiên mình khỏi nanh vuốt cho sói hay kẻ trộm, khỏi rơi xuống vực thẳm, chứ không để chiên lang thang khắp nơi làm mồi ngon cho mọi nguy hiểm.

Những người dưới quyền cũng được đòi để yêu mến và kính trọng những người canh gác như những đại diện của Chúa, vâng lời họ để họ có thể chu tòan sứ vụ Chúa trao, và nhất là cho chính bản thân mình khỏi mọi nguy hiểm. Người Mục Tử Tốt Lành phải biết chiên của mình, nhưng chiên của ông cũng phải biết ông và nghe tiếng ông; để đừng đi theo tiếng gọi của người lạ và nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt của họ.

Nói tóm, tất cả mọi thành phần đều phải có nhân đức yêu thương để làm căn bản cho mọi họat động nhất là việc sửa lỗi, như lời thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.”

2.2/ Sửa dạy vì các lý do khác: Một lý do đầu tiên là sửa dạy để thỏa mãn tính nóng giận. Khi gặp ai làm những gì trái ý, nhất là trong những lúc mệt mỏi và dưới nhiều áp lực, con người thường dễ nổi nóng, la hét, đập phá, chửi rủa… Sửa dạy trong lúc nóng giận như thế chẳng những sẽ không đạt được kết quả mong muốn mà còn gây thêm hận thù, khinh thường, và đổ vỡ trong gia đình. Cách tốt nhất là đừng bao giờ sửa dạy trong lúc nóng giận, hãy đi vào phòng hay tìm chỗ yên tĩnh nghỉ ngơi, suy nghĩ qua đêm để tìm phương cách thích hợp và những lời lẽ khôn ngoan để cố đạt được kết quả mong muốn. Một lý do khác là sửa dạy để vạch ra những lầm lỗi của đối phương cho người khác nhìn thấy. Khi một người bị sửa dạy vì ý hướng này họ sẽ tìm mọi cách để biện hộ vì tự ái của họ, và như thế cũng không đạt kết quả như ý muốn của việc sửa lỗi. Một lý do nữa là thái độ “vạch lá tìm sâu” như thái độ của các Kinh-sư và Biệt-phái, họ tìm cách làm giảm danh giá của người khác để bảo vệ danh tiếng hay gìn giữ khán giả của họ.

3/ Phúc Âm: Bổn phận và cách sửa dạy.

Chúa Giêsu đưa ra tiến trình của việc sửa lỗi gồm 3 giai đọan phải theo như sau:

(1) Bước đầu tiên là giữa hai người mà thôi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Con người ai cũng có tự ái dẫu biết mình làm sai, họ không muốn bị sửa sai trước mặt người khác, nhất là trước mặt những người thân tín của họ. Bước này cũng cần thiết để bảo vệ công bằng vì hai bên cần biết tất cả những gì liên quan đến sự việc đã xảy ra hầu xét đóan cho đúng đắn.

(2) Kế tiếp cần hai hoặc ba chứng nhân: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Mục đích của bước này là để chứng thực điều lầm lỗi. Luật lệ người Do-Thái công nhận lời chứng của hai hay ba chứng nhân là sự thật.

(3) Bước cuối cùng là đưa bị can ra trước mặt cộng đòan (ekklêsía): “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa cộng đòan. Nếu cộng đòan mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Mục đích của bước cuối cùng này là để bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng như quyền lợi chung của cộng đòan. Cộng đòan hiện diện là do sự tập hợp của nhiều cá nhân và được bảo vệ bằng các luật lệ và hình phạt mà mọi người đã đồng ý thi hành. Một khi đương sự không chịu tuân giữ các qui luật thì cũng chẳng còn lý do gì để ở trong cộng đòan nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Sửa lỗi nhau là một công việc hết sức tế nhị và khó khăn. May mắn cho chúng ta vì Chúa đã để lại cho chúng ta một cách sửa lỗi sao cho có hiệu quả. Chúng ta cần theo đúng những bước này mỗi khi phải sửa lỗi anh em.

– Hai thái cực cần tránh trong việc sửa lỗi: Thái độ “xin cho hai chữ bình an” không giải quyết được vấn đề vì trước hay sau rồi cũng phải giải quyết. Thái độ này cũng bị luận tội bởi Thiên Chúa vì đã không chu tòan bổn phận của người canh gác. Ngược lại thái độ xét xử người khác từng ly từng tí và mọi nơi mọi lúc cũng không nên làm vì người được sửa sẽ nhàm chán và không muốn nghe.

– Để việc sửa lỗi có hiệu quả đòi tất cả mọi người phải có tâm hồn yêu thương. Mục đích của việc sửa lỗi là để cứu vớt tội nhân, cho họ có cơ hội ăn năn trở lại, chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************