Chúa Nhật (10-10-2021) – Trang suy niệm

09/10/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I:    Kn 7, 7-11

“Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.

Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:   Tv  89, 12-13. 14-15. 16-17

Đáp:     Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).

Xướng: 1) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.     – Đáp.

2) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai.     – Đáp.   

3) Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.     – Đáp.

BÀI ĐỌC II:   Dt 4, 12-13

“Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Đấng mà chúng ta phải trả lẽ. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:  Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia. 

PHÚC ÂM:  Mc 10, 17-27   hoặc 17-30

“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu.

Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/10/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B

Mc 10,17-30

THIÊN CHÚA QUẢNG ĐẠI

“Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” (Mc 10,27b)

Suy niệm: Phúc Âm theo thánh Mác-cô kể có một người đến hỏi Chúa Giê-su làm thế nào để “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chắc hẳn những ai quen biết anh ta đều khen anh là người tốt phước vì chẳng những anh anh giàu có mà còn là người đạo đức vẫn tuân giữ các giới răn. Cả đến như Chúa Giê-su cũng “đem lòng yêu mến” anh. Tiếc thay anh đã tính toán thiệt hơn, chỉ muốn tích góp để càng ngày càng sở hữu nhiều hơn, chứ không dám đem “những gì anh có mà cho người nghèo” đổi lấy sự sống đời đời mà anh mong muốn. Để đạt được sự sống đời đời, không chỉ sống “tốt” một cách tự nhiên, mà còn phải dám sống theo ý Chúa, dấn thân cách quảng đại đến mức cho đi tất cả “vì Chúa Ki-tô và vì Tin Mừng”. Và Thiên Chúa không thua kém chúng ta về sự quảng đại, Ngài sẽ ban lại cho chúng ta “gấp trăm ngay ở đời này.”

Mời Bạn: Để làm môn đệ Chúa Ki-tô, người Ki-tô hữu phải dám mạo hiểm dấn thân từ bỏ cách triệt để, dám sống niềm tin tưởng phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Mời bạn nhìn lại cuộc sống của chính mình để nhận ra ân sủng của Chúa luôn tràn đầy trong từng khoảnh khắc của dời mình. Bạn còn ngại gì mà không dám dấn thân trọn vẹn theo thánh ý Chúa?

Sống Lời Chúa: Trong giờ suy gẫm, bạn nhìn ngắm Chúa Giê-su quảng đại, bao dung (đối với người bệnh hoạn, tật nguyền, tội lỗi…), nhất là trong cuộc thương khó của Ngài, và bạn xin ơn bắt chước Chúa.

Cầu nguyện: Xin cho con dám tín thác vào Chúa và nhận ra tình yêu thương vô điều kiện Chúa dành cho con để con sẵn sàng chia sẻ với anh chị em của con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM: ĐƯỢC GẤP TRĂM

Câu chuyện về người đàn ông đến với Đức Giêsu

là câu chuyện có một kết thúc buồn.

Chúng ta không rõ người ấy thực sự bao nhiêu tuổi,

chỉ biết anh không còn trẻ (Mc 10,20; x. 1 Tm 4,12),

và đang làm chủ một tài sản lớn (Mc 10,22).

Anh có cuộc sống tương đối tốt với tha nhân,

và có lẽ anh cũng giữ tương quan tốt với Thiên Chúa.

Cuộc sống của anh như thế chẳng có gì đáng phàn nàn.

Chỉ có điều là tâm hồn anh không bình an.

Anh vẫn thấy có cái gì không ổn, cái gì chưa tốt lắm.

Anh vẫn khắc khoải, thao thức với một câu hỏi trong tâm.

Và anh muốn tìm một bậc thầy mà anh kính phục để hỏi.

 

Thầy Giêsu chính là người mà anh tìm gặp.

Lúc Thầy lên đường thì anh chạy lại, quỳ xuống trước mặt.

Với tất cả sự kính trọng và tin tưởng vào uy tín của Thầy,

anh hỏi Thầy câu hỏi mà anh vẫn giữ bấy lâu:

“Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì

để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17).

Câu hỏi có vẻ đơn sơ nhưng nói lên một khao khát,

một mơ ước về một điều gì đó không thuộc đời này.

Anh mong Thầy trả lời một cách cụ thể,

chỉ rõ cho anh điều anh phải làm bây giờ.

Khi anh tập trung sự chờ mong vào con người Thầy,

thì Thầy lại hướng anh về Thiên Chúa tốt lành.

Thiên Chúa mới là nguồn sự sống đời đời,

và đường dẫn đến sự sống bước đầu là giữ các giới răn.

Thầy kể cho anh những điều cấm làm cho tha nhân,

và một điều phải làm cho cha mẹ (Mc 10,19).

Chắc anh không mãn nguyện lắm với câu trả lời trên,

vì người Do-thái nào cũng thuộc nằm lòng rồi.

Hơn nữa, chẳng những anh thuộc mà còn tuân giữ nữa:

“Thưa Thầy, tất cả những điều đó,

tôi đã tuân giữ từ hồi còn trẻ” (Mc 10,20).

Vậy mà anh vẫn không bình an.

Hẳn anh còn chờ một câu trả lời khác của Thầy Giêsu.

 

Thầy Giêsu bị hấp dẫn bởi lòng đạo đức của anh,

nhưng đồng thời Thầy nhận ra một điều anh còn thiếu.

Chính điều này làm anh thao thức không nguôi,

dù anh đã sống nghiêm chỉnh các điều răn của Chúa.

Thầy mời anh lên đường tìm lại tự do, bằng cách:

đi, bán của cải, cho người nghèo, rồi đến và theo Thầy.

Điều anh còn thiếu, đó là chưa buông bỏ cái thừa.

Để có sự sống đời đời, anh phải thôi gắn bó với của cải.

Chỉ khi tay trắng, không còn chỗ cậy dựa,

anh mới bắt đầu sở hữu kho tàng trên trời.

Anh hỏi Thầy xem mình phải làm gì,

và Thầy đã chỉ cho anh những điều phải làm.

Nhưng anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi,

vì không thể làm được điều Thầy mời gọi.

 

Lời mời của Thầy làm lộ ra lý do khiến anh khắc khoải.

Anh thật sự không có tự do, anh bị trói buộc.

Không phải anh sở hữu của cải, mà của cải sở hữu anh.

Anh muốn sống tốt hơn, nhưng không làm được.

Có thiện chí và ước muốn tốt lành, vẫn không đủ.

Còn phải can đảm chấp nhận những buông bỏ đau đớn.

 

Chuyện của anh cũng là chuyện của tôi.

Chúa vẫn nói với tôi về những điều tôi còn thiếu,

những điều tôi phải làm để được sống vĩnh cửu.

Tôi không dám làm vì không tin mình được gấp trăm.

Tôi chỉ thấy điều mình bị mất ngay trước mắt.

Xin cho tôi đừng vội quay lưng bỏ đi,

đánh mất cơ hội bằng vàng để trở nên môn đệ Chúa.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha,

sống là tìm kiếm.

Mỗi người chạy theo điều mình kiếm tìm.

Chúng con tự hỏi mình đang tìm gì, tìm ai,

đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình.

 

Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian

chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.

Tiền bạc , danh vọng, khoái lạc, quyền lực

vẫn là những điều mê hoặc chúng con,

nên Cha không có chỗ cao nhất

trong cuộc đời chúng con.

 

Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải.

Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê,

và làm chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.

Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha.

Vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy

những ước mơ sâu kín của chúng con,

và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG MƯỜI

Lòng Tôn Sùng Đích Thực Đối Với Chúa Kitô

Trong một quốc gia có truyền thống Kitô giáo lâu đời như nước Ý, lòng đạo đức bình dân có một đặc tính Kitô giáo không thể phủ nhận được. Rất nhiều tập tục của quốc gia này bắt nguồn từ các lễ mừng của Giáo Hội và vẫn còn được nối kết với các dịp lễ ấy. Cần phải lưu ý đến nguồn gốc của các tập tục này. Trong trường hợp một số tập tục có vẻ đi lệch khỏi các nguồn gốc nguyên thủy, cần phải cố gắng để trả lại cho chúng ý nghĩa ban đầu.

Đối với những sự sùng ngưỡng có tính cá nhân, chúng ta cần liệu sao để chúng không bao giờ bị méo mó trở thành một thứ đạo đức sai lạc, mê tín dị đoan, hay những thực hành ma thuật. Như vậy, lòng sùng kính các thánh – vốn được thể hiện trong các lễ kính thánh quan thầy, trong các cuộc hành hương, rước kiệu và trong rất nhiều hình thức đạo đức khác – không được bị giảm trừ đến chỉ còn là chuyện cầu xin sự bảo vệ, cầu xin cho được những sở hữu vật chất, hoặc cho sự lành mạnh thể xác. Tiên vàn các tín hữu phải xem các thánh như là những mẫu gương sống và bắt chước Chúa Kitô. Các thánh phải được giới thiệu như là một con đường dẫn tới lòng sùng mộ lớn lao hơn đối với Chúa Kitô.

Phương cách tốt nhất để chống lại những lạm dụng là đưa những lời Tin Mừng vào trong các cử hành đạo đức bình dân. Đối với các tín hữu ưa chuộng những hình thức sùng ngưỡng bình dân, chúng ta cần hướng dẫn họ đi từ một dạng thái đức tin mơ hồ đến những biểu lộ của niềm tin Kitô giáo đích thực. Chúng ta phải tìm cách Phúc Aâm hoá lòng đạo đức bình dân, qua đó chúng ta có thể giúp tháo gỡ những khuyết điểm của nó, gạn đục khơi trong nó, làm cho những yếu tố ‘hàm hồ’ trở nên có ý nghĩa minh bạch hơn trong bối cảnh của đức tin, đức cậy và đức ái Kitô giáo đích thực.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/10

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên

Kn 7, 7-11; Dt 4, 12-13; Mc 10, 17-27.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

          Trong cuộc gặp gỡ của người thanh niên đạo đức với Chúa Giêsu, Người đã đặt câu hỏi về đời sống của anh với các điều răn, Anh ta đã trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữa từ nhỏ”. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng cảm mến.” Đây là niềm vui đầu tiên của cuộc gặp gỡ. Và để hướng dẫn anh ta đạt được sự sống đời dời như lòng mong ước của anh ta. Chúa Giêsu đề nghi: “Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến theo tôi.” Nhưng sau lời đề nghị đó đã làm cho cuộc gặp gỡ thành một nỗi buồn và thất vọng: “Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” Và Chúa Giêsu mở lời than trách: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết hy sinh vì hạnh phúc của người nghèo. Và dạy chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì chính Chúa mới là hạnh phúc của đời chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Mười

Trần Như Nhộng

Trần Bình vốn là một mưu thần đời nhà Hán, thời Hán Sở tranh hùng. Một hôm, khi trốn Sở về đầu Hán, Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái đò đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết người khét tiếng. Hắn nghĩ Trần Bình là một người giàu có, định ra tay hãm hại để thâu đoạt tiền của. Biết ý định của tên lái đò, trước khi xuống đò, Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áo. Mình trần như nhộng, Trần Bình lại đến xin tên lái đò cho chèo phụ giúp hắn. Nghĩ rằng một người trần truồng như thế không phải là một người giàu có, tên lái đò đã để yên cho Trần Bình. Thế là ông thoát nạn.

Ðôi khi phải chấp nhận một vài nhục nhã, cắt bỏ đi một phần của cải hay cả một phần thân thể, chúng ta mới có thể thoát khỏi hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Trong bất cứ một cuộc di tản nào, để bảo đảm cho mạng sống, đôi khi người ta phải bỏ lại đằng sau nhà cửa, ruộng vườn, tài sản và ngay cả bà con thân thuộc của mình. Chúng ta có một sự sống giá trị gấp bội phần sự sống trên trần gian này. Sự sống ấy đòi hỏi chúng ta phải hy sinh tất cả mọi sự trong cuộc sống tạm bợ này. Lời sau đây của Chúa Giêsu đã đánh động không biết bao nhiêu người trong lịch sử nhân loại: “Lời lãi cả thế gian để được ích gì nếu mất linh hồn mình?”

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 28 – Năm B – Thường Niên 

Bài đọc: Wis 7:7-11; Heb 4:12-13; Mk 10:17-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?

Nhiều người biết rất rõ đích điểm của cuộc đời là cuộc sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa; nhưng làm thế nào để đạt được đích điểm đó, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho chỉ cần tin vào Đức Kitô là được cứu rỗi; có người cho chỉ cần đi lễ mỗi tuần, đọc kinh mỗi ngày; có người cho chỉ cần ăn ngay ở lành… Nhưng thánh Giacôbê nói: “đức tin không việc làm là đức tin chết.” Chúa Giêsu cũng tuyên bố: ”không phải ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa.” Và câu châm ngôn ăn ngay ở lành cũng rất tổng quát và mơ hồ: Nếu chỉ giản lược trong đời sống chỉ biết lo cho cá nhân hay gia đình mình, cuộc sống như thế có đủ đáp ứng lời mời gọi mà Chúa dạy các môn đệ trong Kinh Lạy Cha không? Một cách cụ thể, con người đã góp phần gì vào việc: xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời?

Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến câu hỏi: Phải làm thế nào để đạt được cuộc sống đời đời? và câu trả lời: “Phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa.” Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan đề cao sự quan trọng của Đức Khôn Ngoan. Theo ông, Đức Khôn Ngoan đáng quý trọng hơn mọi sự trên trần gian này, vì hai lý do: (1) Có Đức Khôn Ngoan là có mọi sự; và (2) Chỉ có Đức Khôn Ngoan tồn tại muôn đời. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái đồng nhất Đức Khôn Ngoan với Lời Chúa, hay Ngôi Lời chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Không như khôn ngoan của thế gian, Lời Chúa luôn sống động, hiệu quả, và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi. Lời Chúa đòi con người phải suy tư, thúc đẩy con người phải hành động, và làm chứng cho con người trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi được người thanh niên hỏi phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời, Chúa Giêsu tuyên bố: phải giữ tất cả các điều răn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.

1.1/ Hiểu biết khôn ngoan đáng quí trọng hơn mọi sự: Theo truyền thống Do-thái, vua Solomon là “tác giả” của các Sách Khôn Ngoan; vì vua Solomon được coi là người khôn ngoan nhất trong lịch sử của nhân loại. Truyền thống kể lại truyện khi Thiên Chúa hỏi nhà vua muốn xin bất cứ gì, thì Thiên Chúa cũng ban cho. Vua Solomon không xin cho có uy quyền, cũng chẳng xin cho được giầu có, sức khỏe, sống lâu, hay bất cứ điều gì khác; nhưng chỉ xin cho được khôn ngoan để biết sống và cai trị dân. Thiên Chúa rất hài lòng với điều nhà vua xin; nên Ngài hứa sẽ ban cho vua Solomon được khôn ngoan đến độ không có ai trước và sau vua được khôn ngoan như thế.

+ Khôn ngoan quí trọng hơn vương quyền: Nắm giữ vương trượng, ngai vàng, mà không biết cách cai trị dân chúng; sớm muộn gì rồi vương quyền cũng vào tay người khác. Nếu có Đức Khôn Ngoan, vua sẽ biết lòng dân mong ước gì, và cai trị họ theo những điều họ mong ước, thì vương quyền sẽ tồn tại lâu dài, và vua không phải chịu trách nhiệm trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

+ Khôn ngoan quí trọng hơn của cải: Vua Solomon thú nhận: ”Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.” Có giàu có đến đâu chăng nữa, mà không biết cách sống sao để được bình an và hạnh phúc, có lợi cho người sở hữu nó đâu. Thực tế chứng minh: nhiều người giàu có, nhưng vẫn không muốn sống, và có người còn tìm cách kết liễu đời mình nữa.

+ Khôn ngoan quí trọng hơn sức khỏe và sắc đẹp: Đây phải là bài học khôn ngoan cho nhiều người trong xã hội chúng ta, quá chú trọng đến việc tập luyện và nhịn ăn uống để có một thân thể cân đối đẹp đẽ và khỏe mạnh. Dĩ nhiên chúng ta không đả kích những điều đó không quan trọng; nhưng không đủ để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Có đẹp đẽ khỏe mạnh đến đâu chăng nữa, rồi cũng úa tàn theo thời gian. Vua Solomon cho biết lý do ông quí trọng Đức Khôn Ngoan hơn: ”Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.”

Nói tóm, vua Solomon đã suy nghĩ rất nhiều khi xin cho được Đức Khôn Ngoan, vì khi có Đức Khôn Ngoan là có tất cả: ”Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.”

1.2/ Làm sao để có Đức Khôn Ngoan? Khác với khôn ngoan của thế gian, ai muốn có phải cố gắng luyện tập; Đức Khôn Ngoan mà vua Solomon có được là do Thiên Chúa ban: “Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.”

2/ Bài đọc II: Đức Khôn Ngoan chính là Lời của Thiên Chúa.

2.1/ Đặc tính trổi vượt của Lời Chúa: Tác giả Thư Do-thái liệt kê các đặc tính của Lời Chúa như sau: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệusắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.”

(1) Sống động (zôn): Tất cả các tác phẩm nhân loại, dù hay đến đâu chăng nữa, cũng bị thời gian đào thải, vì không theo kịp đà tiến của nhân loại; nhưng Kinh Thánh lại khác, nó vẫn luôn sống động. Đã hơn hai ngàn năm qua, Kinh Thánh vẫn là Sách được nhiều người đọc nhất, vì nội dung của Kinh Thánh vẫn thích hợp và sống động với con người ở mọi thời và mọi nơi.

(2) Hữu hiệu (energês): Lời Chúa trong Kinh Thánh không phải chỉ là những lời để suy niệm; nhưng thúc đẩy và cung cấp năng lực cho con người hành động. Tiên-tri Isaiah nói rất hay về Lời Chúa như sau: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11). Hai câu này chắc chắn áp dụng cho Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa, khi Ngài xuống trần gian nhập thể để cứu chuộc con người. Hai câu đó cũng áp dụng cho chúng ta, vì tuy ơn cứu chuộc Đức Kitô đã dọn sẵn cho con người; nhưng nó phải hoạt động nơi chúng ta để mang lại ơn cứu chuộc cho cá nhân chúng ta.

(3) Sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: Như thanh gươm hai lưỡi có sức xuyên thủng cả hai bên, Lời Chúa sắc bén, có sức xuyên thủng bất cứ con người nào, cho dù những người lạnh lùng và chai đá nhất.

+ xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh: Truyền thống Hy-lạp tin con người là tập hợp của ba phần: tinh thần (pneuma), đời sống thể lý (psychê), và thân xác (sark). Psyche là đời sống thể lý của con người, cái mà con người có chung với các tạo vật khác; nhưng cái làm con người suy nghĩ và hành động khác nhau là tinh thần.

+ xuyên thấu chỗ phân cách sụn (harmos) với tuỷ (muelos): Nếu thanh gươm có thể tách rời sụn với tủy; Lời Chúa cũng có thể tách rời tinh thần ra khỏi đời sống thể lý của một người. Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.

2.2/ Lời Chúa là chứng cớ phán xét con người: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Lời Chúa thúc đẩy con người phải hành động, các việc làm của con người sẽ là những bằng chứng tố cáo con người. Ví dụ, Gioan nói về việc con người phán xét chính mình như sau: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Jn 3:17-18). Sự hiện diện của Đức Kitô buộc con người phải hành động: tin hay không tin vào Ngài; và tùy vào việc tin hay không tin, con người tự luận phạt chính mình. Con người không thể giữ thái độ trung dung, không chịu phản ứng, trước sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời.

3/ Phúc Âm: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?

3.1/ Làm thế nào để đạt được đích điểm của cuộc đời: Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hai điều Chúa đòi anh phải làm:

(1) Giữ các giới răn với tha nhân: ”Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”

(2) Giữ các giới răn với Thiên Chúa: Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Điều Chúa Giêsu đòi hỏi anh ở đây không gì khác hơn giới răn thứ nhất: “Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”

3.2/ Giàu có khó vào Nước Trời: Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”

Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

(1) Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là con người không được đặt của cải trên lòng mến Thiên Chúa, vì “của cải anh ở đâu, lòng trí anh ở đó.” Nếu lòng trí đã đặt vào của cải, còn lòng trí đâu dành cho Thiên Chúa và các việc của Ngài? Chúng ta không nói của cải không cần thiết; nhưng chúng ta phải đặt đúng thứ tự của nó: sau Thiên Chúa và sau tha nhân.

(2) Phần thưởng cho những môn đệ của Đức Kitô: Thiên Chúa là Đấng uy quyền và thương yêu, Ngài không bao giờ bỏ đói những ai trông cậy và làm việc cho Ngài. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Khi các môn đệ đi theo Chúa, họ giả sử phải bỏ tất cả: nghề nghiệp, gia đình, nhà cửa, và mọi thứ tiện nghi; nhưng họ không chết đói, và họ có nhiều thời gian dành cho việc mở mang Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải đặt đúng thứ tự ưu tiên trong cuộc đời: Thiên Chúa, tha nhân, và của cải vật chất. Đảo lộn thứ tự ưu tiên này sẽ gây bất an, chia rẽ, và làm cho con người mất hạnh phúc.

– Tin như nào sẽ sống như thế. Nếu chúng ta tin Đức Khôn Ngoan là điều đáng quí trọng hơn hết các giá trị vật chất, hãy cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu được Lời Chúa.

– Để đạt được cuộc sống đời đời, chúng ta phải giữ tất cả điều răn; chứ không chỉ giữ một số những gì chúng ta thích, và bỏ lơ những gì chúng ta không thích.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************