Chúa Nhật (11-02-2024) – Trang suy niệm

10/02/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT: MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.

BÀI ĐỌC I: Lv 13, 1-2. 44-46

“Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại”.

Bài trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông. “Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 31, 1-2. 5. 11

Đáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ (c. 7).

1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian!

2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”.

3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10,31 – 11,1

“Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

All. All. – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 1, 40-45

“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Đó là lời Chúa.

*******************

MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.

BÀI ĐỌC I: Hc 44,1.10-15

“Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại”

Bài trích sách Huấn Ca

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6

Đáp: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. (c.1)

1) Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.

2) Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.

3) Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

4) Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình

BÀI ĐỌC II: Ep 6,1-4.18-23

“Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”

Bài trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì. Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Tv 111,1-2

All. All. – Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. – All.

PHÚC ÂM: Lc 1,67-75

“Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ. trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa, như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa; để giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta; để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Người: lời minh ước mà Người tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng ta, rằng: Người cho chúng ta không còn sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù, được phục vụ trước tôn nhan Người, trong thánh thiện và công chính trọn đời chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

11/02/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B

Mồng Hai Tết – Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ

Mt 15,1-6

THỜ CHA KÍNH MẸ

“Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.” (Mt 15,4)

Suy niệm: Dân Việt Nam từ ngàn xưa, ngay từ khi chưa nghe biết Tin Mừng đã ân cần tuân giữ điều răn “Thảo kính cha mẹ” rồi:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao ấy, người Việt Nam chúng ta già trẻ lớn bé ai mà không biết, bởi vì đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta từ bao đời nay rồi. Trong những ngày tết, đạo hiếu càng được nhấn mạnh với bầu khí gia đình thân mật ấm cúng: anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… Đạo hiếu thật là phù hợp với luật tự nhiên ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn tiếp tục bảo vệ đạo hiếu bằng những lời răn đe nghiêm khắc: “Thiên Chúa dạy: ngươi phải thờ cha kính mẹ.” Thật khủng khiếp, Lời Chúa nói với ta hôm nay: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.”

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy tinh thần đạo hiếu nơi người trẻ ngày nay có phần bị phai nhạt do tác động của những chuyển biến xã hội không? Trong bối cảnh đó, khi chu toàn giới răn “Thảo kính cha mẹ,” bạn cũng đồng thời chấn hưng những giá trị truyền thống của dân tộc mình và dọn đường cho Tin Mừng đến với anh chị em đồng bào.

Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để xoá đi sự hiểu lầm nơi anh chị em lương dân rằng “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”?

Sống Lời Chúa: Bạn bố trí lại bàn thờ tổ tiên theo tinh thần dân tộc và phù hợp với đức tin. Trong ngày giỗ, bạn mời cả những người họ hàng bên lương tham dự thánh lễ cầu cho ông bà.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên,
như thế họ có thể bị coi là bất hiếu.
Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ.
Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng
thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ.
Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó.
Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn,
sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về,
“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.”
Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất.
Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên
Chỉ có hai điều không được phép,
đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.

Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố
không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm,
cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.
Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa,
các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng,
còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình,
nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ.
Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa.
Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ.
Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh.
Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu,
đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ
mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm
thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6).
Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người
mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).

Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái,
chúng ta cần tự hỏi:
Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ?
Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ?
Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy? 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG HAI

Âm Nhạc Phản Ảnh Mối Hòa Điệu Trong Tạo Vật

Aâm nhạc là ngôn ngữ phổ quát của mọi con người. Aâm nhạc có thể khơi trào cảm xúc sâu xa, có thể truyền đạt những tình cảm thanh cao, và có thể đánh thức mối đồng cảm đối với tâm tư của người nghệ sĩ. Loài người cần đến âm nhạc, vì âm nhạc chuyển tải chính tinh thần của người ta, nâng tâm hồn người ta lên cao, thăng hoa xúc cảm, và giúp người ta hân hoan hướng nhìn về Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng – một cách nào đó – con người trở thành ‘người’ hơn và trở thành ‘Kitôhữu’hơn nhờ âm nhạc.

Khẳng định những điều nói trên, tôi cũng nghĩ đến những giá trị độc đáo khác mà âm nhạc cống hiến. Sự hài hòa của giai điệu được tạo ra do sự kết hợp của các nốt nhạc; cũng thế, âm nhạc nếu được trình tấu bởi một nhóm sẽ sản sinh ra tình liên đới, mối đồng cảm và tình hữu nghị. Aâm nhạc có thể được xem như một lời mời gọi người ta tham dự vào một công cuộc cao quí chung – công cuộc ấy sẽ thăng hoa và củng cố tình cảm.

Những điều nói trên càng được thấy rõ ràng hơn khi âm nhạc làm dâng trào niềm vui trong các dịp lễ mừng của cộng đoàn. Nhờ âm nhạc, người ta cảm nghiệm được niềm phấn khởi hân hoan, lòng sốt sắng cầu nguyện và nhiệt tâm dấn thân vào hành động. Quả thật, âm nhạc có năng lực thúc đẩy người ta phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Vì thế, trong tư cách là một nghệ thuật, âm nhạc hướng lòng người ta chiêm ngắm vẻ đẹp vốn tuôn chảy từ chính Thiên Chúa, và âm nhạc cũng là một lời mời gọi người ta cảm thụ sự hòa điệu trong tạo vật. Uớc gì tất cả chúng ta biết dùng âm nhạc để ca ngợi Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 11/2

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

(Ngày quốc tế bệnh nhân)

Lv 13, 1-2. 45-46; 1Cr 10, 31-11,1; Mc 1, 40-45..

Lời Suy Niệm: Có người mắc bệnh phong đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muôn anh sạch đi!” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh ta. (Mc 1,40-42)

          Đối với Chúa Giêsu mọi người khi đến gặp Người và đặt trọn niềm tin vào Người thì nhận được ơn lành như lòng mình ao ước, như người mắc bệnh phong trong đoạn Tin Mừng này. Ngoài ra trong Tin Mừng còn tường thuật nhiều nhiều người đã cầu xin Người đã nhận được ơn lành cho con cái của mình như người phụ nữ Canaan, như ông Giairô…

          Lạy Chúa Giêsu, Thánh Augustinô có nhắc cho mỗi người chúng con biết: “Chúng con cầu nguyện với Chúa, là vì Chúa là Thiên Chúa của chúng con”. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con vững tin trong mỗi người chúng con đều có Chúa, và Chúa luôn nhân lời cầu xin của chúng con. Amen. 

**************************

Mồng Hai Tết

(Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ)

Hc 44, 1. 10-15; Ep 6, 1-4. 18-23; Mt 15, 1-6.

Lời Suy Niệm: Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu  và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa”. Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa.” (Mt 15,1-3).

          Những người Pharisêu và các kinh sư họ rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề Luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa; cho nên khi họ thấy các môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn, nên họ đã chất vấn Người. Qua đó Chúa Giêsu cho họ biết: đối với Lề Luật không còn ghi trên bia đá nữa; nhưng cần phải ghi khắc “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” mỗi người với tình yêu chân thật.

          Lạy Chúa Giêsu, qua lề luật về sự thanh sạch: “Không chịu rửa tay trước khi dùng bữa của người Do Thái, sẽ trở thành ô uế”. Chúa đã cho chúng con biết: mọi thức ăn đều thanh sạch; chỉ có những cái gì từ con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Xin cho chúng con biết giữ gìn tâm hồn và thân xác luôn trong sạch để được đẹp lòng Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11-02: ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lộ Đức (Lourdes) là một tỉnh nhỏ khoảng 6000 dân nằm giữa thung lũng Pyrênê, gần suối Gave. Hôm ấy là ngày 11 tháng 2 năm 1858. Trời lạnh lẽo. Vào buổi trưa, Bernadetta, cô gái 14 tuổi vui tươi, thiếu ăn và quê mùa cùng với mấy người bạn đi lượm củi khô ở bờ suối Gave.

Bỗng một bà mặc đồ trắng hiện ra với cô, trên một tảng đá bao quát cả hang Massabielle. Vừa sợ lại vừa vui, cô lần chuỗi và không dám tới gần theo lời Bà mời.

Chẳng ai muốn tin cô. Bị rắc rối chính cha mẹ cô không muốn cho cô trở lại hang đá nữa. Nhưng có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó. Cô trở lại hang đá. Các cuộc thị kiến vẫn tiếp diễn. Bà lạ nói chuyện và kêu gọi cầu nguyện, rước kiệu và xây dựng một đền thờ tại đây.

Các bậc khôn ngoan chống đối. Dân chúng lại xúc động. Công an thẩm vấn Bernadetta. Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa. Cô cũng không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn. Các nữ tu dạy học cũng bất bình. Nhưng Bernadetta vẫn khiêm tốn lịch sự .

Ngày 25 tháng 2, một đoàn người cảm kích theo cô sau khi cầu nguyện, Bernadetta đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rổi quì xuống. Theo lệnh bà lạ, cô cúi xuống lấy tay cào đất. Một dòng nước vọt lên. Cứ 24 tiếng đồng hồ là có khỏang 120.000 lít nước chảy ra.

Ông biện lý cho gọi Bernadetta tới. Ông chế giễu, tranh luận và đe dọa cô nữa. Cuối cùng ông kết luận: – Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ ?

Nhưng Bernadetta bình tĩnh trả lời cách rõ ràng. – Thưa ông, cháu không hứa như vậy.

Cha sở lo âu, Ngài cấm các linh mục không được tới hang. Bernadetta tới gặp Ngài và nói: – Bà lạ nói: Ta muốn gặp người ta rước kiệu tới đây.

Ngài liền quở trách và gằn từng tiếng: – Con hãy nói với bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ đức, phải nói cho rõ rệt. Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à ? Trước hết bà phải cho biết tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.

Làm xong nhiệm vụ, Bernadetta bình thản ra về.

Đã có những phép lạ nhãn tiền: một người thợ đẽo đá mù lòa đã thấy được ánh sáng, một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục, báo chí công kích dữ dội và cho rằng: đó chỉ là ảo tưởng.

Nhưng dòng nước vẫn chảy thành suối. Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới, những kẻ hoài nghi phải chùn bước. Một em bé hai tuổi bệnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ. Họ nghèo lắm, bà hàng xóm đã dọn sẵn cho một một cái quách. Người cha thở dài: – Nó chết rồi.

Người mẹ chỗi dậy. Không nói một lời bào, bà ôm đứa trẻ chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào trong dòng nước giá lạnh. Dân chúng cho rằng bà đã điên lên vì buồn khổ. Tắm em bé trong 15 phút xong, bà ẵm em về nhà. Sáng hôm sau, em hết bệnh. Ba bác sĩ đã chứng thực chuyện lạ này.

Bernadetta vẫn giản dị vui tươi tự nhiên. Hàng ngày cô trở lại hang đá.

Ngày 25 tháng 3 cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng rỡ nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt: – Bà nói: Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ đã được truyền từ miệng người này sang người khác. Đám đông cất cao lời cầu khẩn: – Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.

Bernadetta hỏi một người chị bạn thân: – Vô nhiễm thai là gì nhỉ ?

Và cũng không bao giờ cô phát âm đúng chính xác từ ngữ này.

Luôn giữ mình khiêm tốn, Bernadetta đã ẩn mình trong một tu viện. Lúc 3 giờ chiều ngày 16 tháng năm 1879, cô từ trần, được 36 tuổi.

Dòng nước ở hang Massablle vẫn chảy. Người ta lũ lượt tuôn đến cầu nguyện và không biết bao nhiêu ơn lành Đức Mẹ đã ban cho các tâm hồn thiết tha cầu khẩn. Đức Giáo hoàng Leo XIII cho phép mừng việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ đức, vào ngày 11 tháng 2, để ghi nhớ 18 lần mẹ đã hiện ra với Bernadetta, kể từ ngày 11 tháng 2 tới ngày 16 tháng 7 năm 1858.

Năm 1907, Đức Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này. Cùng với Giáo hội, chúng ta kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và đừng quên chạy đến Mẹ là nguồn suối chảy tràn muôn ơn phúc.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

11 Tháng Hai

Ðức Mẹ Lộ Ðức 

Buổi sáng ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam nước Pháp, trời lạnh như cắt. Cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc và biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.

Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì kìa từ trong hang: một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ cực kỳ diễm lệ đó chỉ mỉm cười.

Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh Kính Mừng trong ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh sáng chan hòa giữa mùa đông vẫn còn lạnh đó, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn…

Ba ngày sau đó, sau khi đã có những tiếng xì xầm về hiện tượng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bách được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em của cô. Lần này, khi người thiếu nữ mặc áo trắng xuất hiện Bernadette đã mạnh dạn hô lớn: “Nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại”. Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Ðây là lần thứ hai người áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào ngày 18 tháng 2 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette đã được diễm phúc gặp Ðức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ: “Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Từ nơi cô đang quỳ cầu nguyện mỗi khi Ðức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.

Ðó là nguồn gốc của hang Ðức Mẹ Lộ Ðức. Ngày nay, từng giờ từng phút, khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Ðến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.

Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, đều có những hang Lộ Ðức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhớ biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng Mẫu Tâm.

Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng có một lần mơ ước đến tận nơi để cầu nguyện. Mẹ Maria đã không hiện ra với tất cả mọi người. Phép lạ cũng không hiện ra một cách tỏ tường với tất cả mọi người đến cầu khấn. Ðiều quan trọng không phải là hành hương đến tận nơi Thánh, nhưng chính là sứ điệp mà Mẹ muốn nhắn gửi với chúng ta qua những người được diễm phúc thấy Mẹ hiện ra. Sứ điệp đó vẫn luôn luôn là hy sinh, là phục vụ và nhất là cầu nguyện.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Mồng 2 Tết Nguyên Đán

Bài đọc: Sir 44:1, 10-15; Eph 6:1-4, 18-23; Mt 15:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: Ngày đầu năm hôm qua, chúng ta dành đặc biệt để cám ơn Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta nhiều hồng ân nhất trong cuộc đời. Ngày mồng hai tết hôm nay, chúng ta dành để cám ơn những người đã góp công góp sức xây dựng nên cuộc đời chúng ta nhiều thứ hai: đó là cha mẹ, ông bà và tổ tiên chúng ta. Như là một định luật công bằng nền tảng, đã nhận ơn thì phải biết ơn và trả ơn; hay ít nhất cũng biết nói lên lời cám ơn.

           Các bài đọc hôm nay xoay quanh trục phải biết ơn những người đi trước; nhất là giới răn phải thảo hiếu cha mẹ. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn Ca trải rộng sự biết ơn đến các thế hệ cha ông của chúng ta. Mỗi người đi trước, cách này hay cách khác, đã để lại cho chúng ta những điều quí giá và danh thơm đức hạnh trong cuộc đời. Bổn phận của con cháu sau khi đã được thừa hưởng gia tài là phải tiếp tục khai triển kho tàng quí giá đó để sinh ích cho mình và tiếp tục truyền lại cho thế hệ mai sau. Trong bài đọc II, thánh Phaolô không những chú trọng đặc biệt đến việc sống mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái; Ngài cũng mở rộng sự biết ơn và cầu nguyện đến những người đã loan truyền và nâng đỡ đức tin của mình. Trong Phúc Âm, khi các kinh sư và Pharisees phê bình các môn đệ của Ngài vi phạm truyền thống của tổ tiên là không chịu rửa tay trước khi dùng bữa; Chúa Giêsu vạch ra sự giả hình của họ khi Ngài tố cáo họ dùng truyền thống của tổ tiên để vi phạm giới răn thứ tư của Thiên Chúa là phải thảo kính cha mẹ.

1/ Bài đọc I: Chúng ta hãy tiếp tục làm vinh danh thế hệ cha ông của chúng ta.           

1.1/ Những gia sản quí báu của cha ông để lại cho con cháu: Nếu chúng ta chịu khó ngồi xuống xét xem tất cả những gì chúng ta đang có hiện nay, chúng ta sẽ nhận ra biết bao công ơn của các thế hệ đi trước để lại. Ví dụ:

            – Trong lãnh vực đức tin, phải nhờ công ơn của các nhà truyền giáo: các hy sinh và ngay cả máu đào của họ đổ ra để làm chứng cho đức tin mà chúng ta mới có những hạt giống đức tin gieo vào trên quê hương chúng ta. Hạt giống đức tin này được nuôi dưỡng và tăng trưởng bởi các tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tới chúng ta như hôm nay. Sở dĩ chúng ta có được một đức tin mạnh mẽ như hôm nay là do công sức của biết bao người góp phần vào, chứ không phải chỉ một sáng một chiều mà chúng ta có được.

            – Trong lãnh vực tri thức: biết bao nhiêu người đã vất vả cả đời để lại những công trình nghiên cứu hay dịch thuật mà giờ đây chúng ta đang xử dụng kết quả của họ trong đời sống.

            – Trong lãnh vực giáo dục: Biết bao thầy cô, từ lớp mẫu giáo cho đến giờ; nhất là cha mẹ đã hy sinh rất nhiều thời gian và công sức để chúng ta có được kiến thức và những đức tính tốt như chúng ta đang có…

1.2/ Bổn phận phải truyền lại cho thế hệ tương lai: Đã nhận vào phải rộng lượng cho đi.

            Đã nhận ơn là phải biết ơn và làm ơn. Làm sao chúng ta trả lại ơn đã nhận cho các thế hệ đi trước?

            (1) Là người Công Giáo, chúng ta tin linh hồn bất tử. Vì thế, chúng ta dành ngày mồng hai tết để cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên và các ân nhân đi trước chúng ta. Nếu các ngài còn đang phải đền tội trong chốn luyện hình, chúng ta xin Thiên Chúa giải thoát cho các ngài sớm được hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa. Nếu các ngài đã được hưởng phúc vinh quang, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không vô ích; vì chúng ta tin Hội Thánh cùng thông công: Thiên Chúa sẽ dùng lời cầu nguyện của chúng ta dâng cho các ngài để ban cho linh hồn nào đang cần được hưởng. Khi họ đã được hưởng vinh quang, họ cũng sẽ không quên cầu nguyện cho chúng ta đang phải chiến đấu trong cuộc lữ hành trần thế này.

            (2) Tiếp tục thi ơn cho thế hệ con cháu chúng ta: Mỗi thế hệ là một gạch nối giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau. Để có sự liên tục giữa các thế hệ, chúng ta cần chu toàn bổn phận của mình, vì chỉ cần một sự cách quãng giữa hai thế hệ thôi là thế hệ sau phải chịu rất nhiều thiệt thòi về nhân bản cũng như về đức tin.

            Một ví dụ để dẫn chứng điều này: Đức tin là món quà quí giá Thiên Chúa ban cho con người và các thế hệ đã cố gắng loan truyền đức tin này cho đến tận cùng trái đất. Khi chúng ta đã có đức tin rồi, chúng ta phải rao truyền đức tin cho con cháu và những vùng chưa có hạt giống đức tin. Nhưng nếu chúng ta quá bận rộn để làm việc kiếm tiền mà quên đi bổn phận rao giảng Tin Mừng đến nỗi con cháu chúng ta mất đức tin và Tin Mừng không lan ra tới những người chưa biết Thiên Chúa, chúng ta làm ô danh những người đã rao giảng Tin Mừng, tổ tiên, ông bà và cha mẹ chúng ta.

2/ Bài đọc II: Bổn phận của mỗi giáo dân trong việc rao giảng Tin Mừng.

2.1/ Phải sống mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái trong việc giáo dục đức tin và nhân bản:

            (1) Bổn phận của con cái: phải vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Tác giả Thư Ephêsô còn nhấn mạnh: “Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Đây có lẽ là giới răn khó giữ cho thời đại chúng ta vì xã hội quá đề cao nhân quyền của con cái; nhưng đây là giao ước của Thiên Chúa với con người và chỉ Thiên Chúa khôn ngoan mới biết những gì cần cho con cái. Nếu con cái không vâng lời cha mẹ là những người sống gần gũi và thường xuyên với họ nhất, hỏi ai là người có thể thay cha mẹ để giáo dục cho họ nên người.

            (2) Bổn phận của cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.”

            Mối liên hệ nào cũng đòi phải có hai chiều. Trong mối liên hệ giữa vợ chồng, thánh Phaolô đã khuyên: “21 Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa,23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. 25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh;26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Eph 5:21-28).

            Để biết giáo dục con cái cách hiệu quả, cha mẹ cần phải học biết sự thật và cách thức làm sao để đạt được hiệu quả mong ước cho con cái; vì nếu mù dẫn mù thì cả hai cùng xuống hố. Thánh Phaolô nhấn mạnh: cha mẹ hãy giáo dục con cái thay cho Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. Không phải chỉ khuyên răn để con cái nhận ra sự thật; nhưng còn biết sửa dạy khi chúng lầm lỗi nữa.

2.2/ Phải biết ơn và cầu nguyện cho những người đang rao giảng Tin Mừng.

            Trong lãnh vực đức tin, ngoài sự cộng tác của cha mẹ, còn cần đến sự giáo dục của những nhà rao giảng Tin Mừng. Họ là những người được Thiên Chúa và Giáo Hội chọn lựa để rao giảng Tin Mừng cho cha mẹ và cộng tác với cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái của họ. Nhiều lần thánh Phaolô đã so sánh mối liên hệ giữa ngài với các tín hữu như người cha tinh thần cưu mang các tín hữu trong đức tin. Vì thế, các tín hữu có bổn phận cầu nguyện cho Giáo Hội và những người chuyên chăm rao giảng Tin Mừng để họ có thể chu toàn bổn phận Thiên Chúa đã trao cho các ngài.

3/ Phúc Âm: Không được dùng truyền thống con người để vi phạm giới răn Thiên Chúa.

3.1/ Cần phân biệt ba loại luật: Thánh Thomas Aquinas giúp chúng ta nguyên lý để dễ hiểu lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay. Ngài nói: chúng ta cần phân biệt ba loại luật:

            (1) Luật Thiên Chúa: Vì đây là luật đến từ Thiên Chúa nên sẽ không bao giờ thay đổi cả. Giới răn thứ tư phải thảo kính cha mẹ là một trong Mười Điều Răn do Thiên Chúa thiết lập và đã trao cho con người qua trung gian của Moses trên núi Sinai. Giới răn này không bao giờ thay đổi; con người phải tuân giữ nó mọi nơi mọi thời.

            (2) Luật tự nhiên (natual law): Luật này cũng do Thiên Chúa thiết lập. Một vài ví dụ về luật này như: Mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây. Một sự sống mới xuất hiện khi một người nam và một người nữ giao hợp với nhau. Con người phải làm lành lánh dữ. Những luật này gọi là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết lập khi tạo dựng nên chúng, và chúng cũng không bao giờ thay đổi cả.

            (3) Luật hay truyền thống con người: Vì luật này do con người làm ra nên chúng có thể thay đổi như con người thay đổi vậy. Ví dụ: luật rửa tay trước khi dùng bữa hay luật Corban như Chúa Giêsu đề cập hôm nay.

            Khi có xung đột giữa các loại luật, con người phải biết vâng theo luật nào trên luật nào. Thờ kính cha mẹ là luật của Thiên Chúa trong khi luật rửa tay trước khi ăn và luật Corban là do con người làm ra. Vì thế, con người phải chọn luật của Thiên Chúa. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ phải bị xử tử.

3.2/ Các ngụy biện của con người để khỏi phải giữ giới răn thứ tư của Thiên Chúa:

            Trước tiên, chúng ta cần hiểu luật Corban để nhận ra ngụy biện của các kinh sư và biệt phái. Cách đơn giản, luật Corban là luật hễ những gì một người đã có ý dâng cho Thiên Chúa, anh không thể lấy lại những gì đã dâng cho Thiên Chúa để giúp cho con người, ngay cả cho cha mẹ của mình. Luật bề ngoài có vẻ tốt như vậy, nhưng một người có thể thay đổi ý kiến sau này để xử dụng cho mình và không dâng cho Thiên Chúa nữa. Chúa quở mắng họ vì sự giả hình của họ. Họ xử dụng luật Corban để không phải thảo hiếu giúp đỡ cha mẹ.

            Trong thực tế tại xã hội Hoa-kỳ hôm nay, con người đã dùng rất nhiều lý do để không phải săn sóc cha mẹ và cho các ngài vào viện dưỡng lão:

            (1) Vì phải đi làm suốt ngày không có thời gian để coi sóc các ngài. Khi cho các ngài vào viện dưỡng lão, các nhân viên y tế sẽ chăm sóc các ngài tốt hơn chúng ta. Chúng ta cần phân tích những nhu cầu của cha mẹ trong tuổi già là gì? Họ cần được sống gần bên con cái. Nằm trong viện dưỡng lão rất cô đơn và buồn tủi khi cả ngày hay cả tháng không thấy bóng dáng đứa con nào đến thăm. Chúng ta cũng không chắc các nhân viên y tế sẽ chăm sóc cẩn thận cha mẹ hơn chúng ta vì họ là người dưng nước lã, làm sao có thể chăm sóc cha mẹ tồt hơn chúng ta là những người có liên hệ máu mủ? Cách tốt nhất là cố gắng làm sao để có được một kế hoạch chung: tận dụng tất cả các anh/chị/em và cháu chắt và chia thời gian ra săn sóc cho cha mẹ. Hơn nữa, chúng ta cũng biết giai đoạn khó khăn này chỉ tạm thời mà thôi. Một khi cha mẹ đã mất rồi, chúng ta tha hồ dùng thời gian cho cá nhân và cho gia đình chúng ta.

            (2) Cha mẹ về già thường khó chịu và lẩm cẩm làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình chúng ta: Đành rằng đây là những tính tình của tuổi già; nhưng Thiên Chúa vẫn dạy chúng ta phải gánh lấy tuổi già của cha mẹ chúng ta để đền đáp biết bao hy sinh và công sức các ngài đã làm để nuôi nấng chúng ta nên người. Chúng ta không thể vắt chanh bỏ vỏ; vì nếu chúng ta làm thế, con cháu cũng sẽ đối xử với chúng ta như thế khi chúng ta đến tuổi như họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Đã nhận ơn là phải biết trả ơn. Chúng ta có thể cầu nguyện và xin lễ cho tất cả những ai đã làm ơn cho chúng ta đã qua đời. Xin Thiên Chúa tha hình phạt và cho họ sớm được vui hưởng thánh nhan Thiên Chúa.

            – Cha mẹ là những người đã hy sinh cả cuộc đời để giáo dục và sửa dạy chúng ta; vì thế chúng ta cần vâng lời các ngài và săn sóc trả ơn cho các ngài khi các ngài không còn tự lo cho chính mình được nữa.

            – Thói ích kỷ của con người thường đưa ra những lý do để không giữ các giới răn của Thiên Chúa. Chúng ta cần nhớ là giới răn của Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Chúng ta cần khắc phục mọi khó khăn để tuân giữ các luật pháp của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************