Chúa Nhật (11-06-2023) – Trang suy niệm

10/06/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 10 TN. LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

BÀI ĐỌC I: Đnl 8, 2-3. 14b-16a

“Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Bài trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. “Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Đấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Đấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10, 16-17

“Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.

Đó là lời Chúa.

CA TIẾP LIÊN: “Lauda Sion: Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen”

Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên này, tất cả hoặc từ câu 21 (“Này đây bánh”) cho đến hết.

1. Hỡi Sion, hãy ngợi khen Đấng cứu độ ngươi, Đấng lãnh đạo và mục tử của ngươi / với những bài vãn và những khúc ca!/ 2. Ngươi có sức chừng nào, hãy rán ngợi khen chừng nấy, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người./ 3. Đề tài của sự ngợi khen đặc biệt, đó là bánh sống và tác thành sự sống, ngày hôm nay đã đặt ra cho ngươi./ 4. Đó là bánh mà trên bàn tiệc thánh, cho đoàn thể mười hai người anh em, Chúa đã ban tặng chẳng khá nghi ngờ./ 5. Hãy xướng lên lời ca khen ngợi đầy đủ, lời ca hoan hỉ và râm ran, tâm thần hãy vui mừng rạng rỡ!/ 6. Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm bàn tiệc thánh / lần đầu tiên được thiết lập ra./ 7. Tại bàn tiệc này của Đấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới / chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ./ 8. Lễ nghi cũ nhường chỗ cho sự thực; đêm tối tăm nhường chỗ cho sự sáng sủa./ 9. Điều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người./ 10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu / trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ./ 11. Đây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng / bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người./ 12. Điều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên./ 13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu./ 14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình./ 15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân./ 16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao./ 17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết./ 18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy./ 19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng / trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể / Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau./ 20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Đấng ẩn dật bên trong. 21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển./ 22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna./ 23. Lạy Chúa Giêsu là mục thủ tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy / những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh./ 24. Chúa là Đấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận / với những công dân thánh của nước trời. Amen. Alleluia.

ALLELUIA: Ga 6, 51-52

All. All. – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – All.

PHÚC ÂM: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

11/06/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – A

Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

Ga 6,51-58

VUN ĐẮP TÌNH CHÚA BAN

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. (Ga 6,56-57)

Suy niệm: Lời Chúa Giê-su nói trên đây khiến nhiều người nghe chói tai lại là lời an ủi và niềm hy vọng cho các tín hữu. Bởi mỗi lần cử hành Thánh Lễ là một lần Chúa Giê-su ban chính Mình Ngài cho các tín hữu. Nhờ cử hành ấy, Hội Thánh được nối kết với cuộc Khổ Nạn hồng phúc của Chúa, được Chúa ở cùng mọi ngày cho tới ngày Chúa lại đến. Khi tham dự Thánh Lễã, Ki-tô hữu hiểu rằng lúc này Lời không còn là lời nói suông mà đã trở thành hiện thực. Đó chính là Mình Máu Chúa, nay được trao cho con người làm lương thực cho con người lữ hành trên đường dương thế. Đó chính là việc Chúa đến ở với con người, “cắm lều” trong tâm hồn con người để chia sẻ với họ mọi nỗi niềm của thân phận con người. Từ nay, kẻ ăn Mình Ngài hiểu rằng, trong họ không chỉ có sự sống tự nhiên mà còn có sự sống thần linh của Chúa nữa.

Mời Bạn: Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là một dịp bạn đụng chạm với mầu nhiệm Thiên Chúa trao ban Thân Mình Con Yêu Dấu của Ngài. Bạn có cùng với Hội Thánh xác tín tuyên xưng niềm tin ấy trong Thánh Lễ và trong đời bạn không?

Chia sẻ: Điều gì sẽ xảy ra khi Chúa ở lại trong bạn?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm nhiều lần câu sau đây: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tai con không cảm thấy chói khi nghe lời Chúa, chân con không rời xa Chúa vì những lời khó hiểu, nhưng xin giúp con yêu Chúa, vì yêu Chúa mới thực ở trong Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Còn gì đẹp bằng việc cả gia đình tham dự Thánh Lễ Chúa nhật!
Còn gì vui bằng việc đi nhà thờ và gặp những người bạn thân!
Mỗi Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ linh thánh với Thiên Chúa,
nơi cả triều thần thiên quốc, cả thế giới người sống và người chết,
gần nhau, nâng đỡ nhau và cầu nguyện cho nhau.
Dự lễ Chúa Nhật đâu chỉ là một luật buộc của Giáo Hội,
mà còn là niềm vui được tặng ban cho người kitô hữu.

Dự lễ Chúa Nhật là để tạ ơn Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể tự bản chất là bí tích Tạ Ơn.
Chúng ta có bao lý do để nói một lời tạ ơn Thiên Chúa,
vì tất cả những gì Ba Ngôi làm cho chúng ta qua các công trình
sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, đã và đang diễn ra.
Chúng ta luôn có lý do để tạ ơn vì những điều chân thiện mỹ
vẫn tồn tại nơi mọi sự và nơi con người, bất chấp những bóng tối.
Dự lễ Chúa Nhật là nhân danh muôn loài thụ tạo để ca ngợi Chúa Cha,
nhờ Chúa Kitô, và trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần.

Dự lễ Chúa Nhật là dự một bữa tiệc, mặc áo đẹp, lòng vui như mở hội,
vì đại tiệc này do chính Chúa Kitô khoản đãi.
Ngài mời từng người: “Tất cả anh chị em hãy đến mà dự tiệc của Tôi!”
Ngài nuôi ta bằng Lời ban sự sống của Ngài, qua việc nghe các Bài Đọc.
Ngài còn nuôi chúng ta bằng Mình và Máu của Ngài, qua việc rước lễ.
Trong bữa Tiệc Vượt Qua, ngay trong đêm Ngài bị bắt ở Vườn Dầu,
Đức Giêsu đã cầm lấy bánh, bẻ ra, trao đi và nói một câu bất ngờ:
“Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy.”
Ngài lại trao cho các môn đệ chén rượu nho và nói:
“Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là chén Máu Thầy.”
Chúng ta tin bánh đã trở nên Mình, rượu đã trở nên Máu Chúa.
Đức Giêsu mời chúng ta ăn uống Mình và Máu Ngài
dưới dạng bánh và rượu đã được biến đổi cách mầu nhiệm
nhờ lời của Ngài và nhờ quyền năng Thánh Thần.

Dự lễ Chúa nhật là thông hiệp vào hy lễ thập giá trên núi Sọ.
Đức Giêsu đã không chỉ nói: Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy.
Nhưng Ngài nói: “Đây là Mình Thầy bị trao nộp vì anh em,
Đây là Máu Thầy đổ ra vì anh em.”
Như thế Ngài đã nói đến cái chết sắp đến của Ngài.
Rước Mình và Máu Thầy là mở lòng đón lấy  
Đấng đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc thế gian,
để rồi có sức hy sinh đời mình cho người khác.
Đức Kitô đã đổ máu mình trên thập giá duy chỉ một lần,
nhưng hy lễ ấy lại trở thành hiện thực trong từng Thánh Lễ.
Từ đó ơn cứu độ tuôn trào trên thế giới và trên từng người.
Hãy tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng.
Vì bí tích Thánh Thể là hy lễ của Đức Kitô,
nên khi dự lễ, ta hãy đem theo đời mình làm lễ dâng,
với muôn khổ đau, nhọc nhằn, để kết hợp với hy lễ của Đức Kitô.
Hãy dâng đời mình như những hạt lúa bị xay, bị nướng thành bánh,
như những trái nho bị ép để làm thành rượu nho.
Khi rước lấy Đấng ban sự sống, Đấng là sự sống,
chúng ta được ở lại trong Ngài và sống nhờ Ngài (Ga 6,56-57).
Xin cho chúng ta đi hết cuộc đời lữ thứ trần gian
nhờ tâm linh được dưỡng nuôi bằng lương thực thiên quốc.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói;
Càng uống con càng khát;
Càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con,
Hơn cả tầng mật ong,
Vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
Vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?
Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,
Con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,
Đòi hỏi đó làm con đau đớn,
Vì con không muốn từ bỏ
Những thói quen của con
Để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
Ca ngợi và tôn vinh Chúa,
Bởi đó là sự sống đời đời cho con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG SÁU

Biết Phân Định Tốt Xấu

Con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”; mầu nhiệm này còn được trình bày trong các sách khác của Thánh Kinh. Chẳng hạn, ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… rồi lại đưa con người trở về đất. Người cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất. Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó. Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muôn chim cầm thú. Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người … Người còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống; Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời, và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết” (Hc 17,1. 2b – 7. 9 – 10).

Cần phải suy niệm thật kỹ bản văn phong phú và sâu sắc trên của Sách Huấn Ca. Hãy ôm ấp những lời ấy trong lòng mình và hãy xích lại gần hơn với Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 11/6

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Đnl 8, 2-3. 14b-16a; 1Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58.

Lời Suy niệm: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời; Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

          Với dân Do-thái vào thời Chúa Giêsu, họ khó mà hiểu được câu nói này của Chúa Giêsu, họa chăng họ chỉ liên tưởng đến Manna mà tổ tiên họ đã được hưởng dùng để nuôi sống trong Sa mạc tiến về Đất Hứa. Nhưng với ngày hôm nay. Đối với người Kitô hữu, nhờ có Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội đã thấy được sự thật: “Mình Máu Thánh Chúa Kitô” chính thật là lương thực trường sinh, là thần dược tăng thêm sức mạnh từng bước một, trên con dường tiến về Nước Trời.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con tin. Mỗi khi  đón nhận Mình Máu Thánh Chúa trong mình, là chúng con đang có sự hiện hữu thực sự của Chúa trong thân xác và linh hồn của chúng con, như Chúa đã nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”(Ga 6,55). Để chúng con được sống với Chúa mọi ngày và gặp được Chúa Cha trong ngày sau hết. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11-06: Thánh BARNABA TÔNG ĐỒ

(Thế kỷ I)

Thánh Barnaba nắm giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách công vụ tông đồ, không phải cho mình mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách. Ngài là một người Do thái được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo hội sơ khai ở Giêrusalem.

Chính ở địa vị này mà khoảng năm 39 tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv 9-27). Bốn năm sau, Ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26). Thành phố này rất quan trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân. Một lần nữa, cùng với Saolê, Ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho Giáo hội Giêrusalem (Cv 27-30). Nơi đây hai người lại được Gioan Maccô là bà con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn.

Ba người họp thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14). Từ đây Barnaba dần dần ẩn mặt đi. Dầu Chypre là sinh quán của Ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới là Phaolô dẫn dầu cuộc truyền bá Phúc âm. Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới lục địa Tiểu Á. Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes.

Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông. Ba năm sau Phaolô trở về và được cộng đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối Ngài theo trong chuyến hành trình (Cv 15,1-35). Nămsau, dự định hành trình truyền giáo thư hai có sự tranh chấp về việc kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và Barnaba trở về Chypre. Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên Ngài không còn được nhắc đến trong sách Công vụ nữa. Trong việc trao đổi thư từ của Phaolô với Giáo hội Côrintô cho thấy khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống (1Cr 9,5). Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Roma (2Tm4). Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.

Một truyền thống sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria, Rôma, và Milan. Tại Milan, Ngài là giám mục tiên khởi. Một truyền thống đáng tin hơn cho biết Ngài chết vì ném đá ở Salamis,sinh quán của Ngài. Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc âm thánh Barnaba và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnana. Nhưng những tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công vụ các tông đồ. Cuốn gọi là thơ thánh Barnaba mà nhiều giáo phụ chép vào thơ mục thánh kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do thái theo Kitô giáo ở Alexandria.

Người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực Ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

11 Tháng Sáu

Kẻ Tháo Ðinh 

Một trong những chi tiết trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục gợi hứng cho các họa sĩ: đó là việc hạ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại việc ông Nicôđêmô và một người môn đệ kín đáo khác của Chúa Giêsu tên là Giuse Arimahtia đã đến xin phép Philatô được tháo gỡ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Trong hầu hết các bức tranh mô tả biến cố này, người ta đều thấy hình ảnh tiều tụy, không còn hình tượng của Chúa Giêsu mà hai người môn đệ đỡ xuống khỏi thập giá. Một người tháo đinh ra khỏi tay Ngài, còn một người thì tháo đinh ra khỏi chân Ngài.

Một họa sĩ nọ, thay vì vẽ lại chân dung của hai người môn đệ của Chúa Giêsu đã chọn những khuôn mặt của thời đại ông. Và người tháo đinh ra khỏi bàn chân của Chúa Giêsu không ai khác hơn là chính ông. Khi được hỏi lý do tai sao ông lại đồng hóa mình với một trong hai người môn đệ, nhà họa sĩ đã giải thích như sau: “Những người như tôi rất thường đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Và những đinh sắt tôi dùng để đóng đinh Chúa chính là tội lỗi của tôi. Ðã đến lúc, tôi cảm thấy cần phải tháo gỡ chiếc đinh của tội lỗi ra khỏi thân xác của Ngài”.

Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi”. Ðiều đó có nghĩa là do tội lỗi của chúng ta, chúng ta góp phần vào việc đóng đinh Ngài vào thập giá.

Thập giá vẫn luôn mãi là một lời tố cáo, một bản án cho tội lỗi. Nhưng đó không chỉ là một biểu tượng, mà là một hiện thực. Nếu Ðức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Một, nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người và nếu tội lỗi là một chối bỏ, thì mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta cũng chối bỏ chính Ngài, chúng ta đóng đinh Ngài vào thập giá một lần nữa. Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người, nếu Ngài tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ khốn cùng, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, thì mỗi một lần chúng ta khước từ hay xúc phạm đến người anh em, là mỗi lần chúng ta chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá. Qua mỗi người anh em của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục bị chối bỏ và chịu đóng đinh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm A

Bài đọc: Deut 8:2-3, 14b-16a; 1 Cor 10:16-17; Jn 6:51-59.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ích lợi của việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Kitô

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu mầu nhiệm khó hiểu nhất trong Đạo Công Giáo, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; tuần này, chúng ta cùng nhau học hỏi mầu nhiệm khó thứ hai, mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Những người Do-thái đương thời với Chúa Giêsu hỏi nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt ông cho chúng ta ăn được?” Có hiểu hay không, bí-tích Thánh Thể vẫn là một thực tại, có nguồn gốc từ biến cố Thiên Chúa nuôi dân bằng manna suốt 40 năm trường trong sa mạc, và được mặc khải cách rõ ràng trong chương 6 của Tin Mừng Gioan. Giống như lần trước, chúng ta sẽ tập trung trong những lợi ích mà bí-tích Thánh Thể mang lại cho con người.

Trong bài đọc I, Sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta hiểu lợi ích của manna là để con người có sức mạnh vượt qua những thử thách của Thiên Chúa suốt 40 năm trường trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự hiệp nhất với Đức Kitô và với nhau là hiệu quả của bí-tích Thánh Thể, vì mỗi khi người tín hữu lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Kitô, họ trở nên một thân thể với Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự sống thần linh được ban cho những ai ăn thịt và uống máu Ngài. Hơn nữa, bí-tích Thánh Thể còn là Bánh mang lại sự sống trường sinh mà con người ở mọi nơi và mọi thời luôn khao khát nó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Manna trong Sách Xuất Hành là hình bóng của Bí-tích Thánh Thể.

1.1/ Manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết: Biến cố Xuất Hành là một biến cố lớn và không thể quên của người Do-thái. Các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ không ngừng nhắc nhở dân chúng nhớ lại biến cố Vượt Qua, như tác giả Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân chúng về mục đích của biến cố này: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt 40 năm trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.”

Sau khi thoát khỏi Ai-cập, dân Israel hết lương thực và phải chịu đói khát. Họ kêu lên Thiên Chúa, và Ngài “đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết.” Manna là bánh bởi trời Thiên Chúa cho rơi xuống trên mặt đất mỗi sáng. Người Do-thái chưa từng biết đến manna trên mặt đất này. Trong tiếng Do-thái, manna đến từ “manhu,” có nghĩa là “Cái gì vậy?” Đây là câu hỏi khi người Do-thái đi lượm manna lần đầu tiên.

1.2/ Manna là của ăn đàng của dân Do-thái suốt 40 năm trong sa mạc: Thánh Vịnh 78:25, bản Do-thái gọi manna là Bánh của những người mạnh; trong khi bản Bảy Mươi gọi là Bánh của các thiên thần. Bản dịch Do-thái chính xác hơn, vì manna là Bánh ban sức mạnh cho người Do-thái, để họ có sức chịu đựng bao nhiêu thử thách xảy đến cho họ trong sa mạc trong suốt 40 năm trường. Chỉ khi dân Do-thái đặt chân tới đồng bằng Jericho, vào đúng ngày Lễ Vượt Qua, manna mới chấm dứt, và dân Do-thái bắt đầu dùng các thức ăn địa phương (Jos 5:12).

Khi còn lang thang trong sa mạc, ông Moses đã truyền cho dân chúng gom một bình đầy manna đặt trong Hòm Chứng Ước, cùng với cây gậy của Aaron và hai bia đá có khắc Thập Giới (Heb 9:4), để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa đã làm mưa từ trời cho dân có bánh ăn trong sa mạc. Manna được giữ trong nơi Cực Thánh, như chúng ta giữ Mình Thánh Chúa ngày nay, để người Do-thái luôn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ.

+ Khi người Do-thái nghĩ ông Moses đã làm cho cha ông họ có manna ăn trong sa mạc, Chúa Giêsu đã sửa sai họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Jn 6:31-32). Sau cùng, manna cũng được nhắc trong mặc khải cho hội thánh tại Pergamum, một trong 7 Hội Thánh trong Sách Khải Huyền: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ ban cho manna đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Rev 2:17). Tác giả Sách Khải Huyền nối việc ăn manna với những người chiến thắng.

2/ Bài đọc II: Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch hiệp nhất.

2.1/ Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với Đức Kitô: Thánh Phaolô chất vấn các tín hữu Cotintô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” Truyền thống của các nước miền Cận Đông tin: Khi con người dâng lễ vật cho bất cứ thần nào, chính thần ấy nhập vào lễ vật họ dâng; và khi họ ăn phần dâng cúng được các tư tế trả lại cho họ, các thần sẽ vào trong thân thể họ và làm cho họ được khỏe mạnh, thông minh và nhân đức như các thần. Cũng vậy, khi người Kitô hữu nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa, họ trở nên một phần của thân thể Đức Kitô. Tương tự, một gia đình hay một cộng đoàn cùng lãnh nhận Mình Thánh Chúa, tất cả đều trở nên những phần tử của thân thể Đức Kitô. Tất cả đều dự phần vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa.

2.2/ Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với nhau: Không phải các tín hữu chỉ thông hiệp với Đức Kitô, nhưng họ còn thông hiệp với nhau, “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Theo thần học về thân thể của Đức Kitô, mỗi người chúng ta trở nên những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu. Vì thế, mỗi người không còn giữ và làm theo ý riêng mình nữa; nhưng tất cả đều cùng chung một ý muốn và làm theo thánh ý của Đức Kitô, và như thế, họ cùng hiệp nhất với nhau. Nếu đã cùng hiệp nhất trong một thân thể của Chúa, các tín hữu không thể làm bất cứ điều gì chia cắt thân thể của Đức Kitô.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống thần linh và sự sống đời đời cho con người.

3.1/ Phân tích từ ngữ Hy-lạp: Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sau đây cần được nghiên cứu từng từ ngữ và cách cấu trúc: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

+ Cụm từ “ego eimi” theo sau bởi một thành ngữ xảy ra 7 lần trong Gioan, và túc từ theo sau đều mặc khải một sứ vụ đặc biệt của Đức Kitô như: Ta là Bánh Hằng Sống; Mục Tử Tốt Lành; Cửa Chuồng Chiên; Cây Nho; Sự Sống Lại và Sự Sống; Ánh Sáng Thế Gian; Đường, Sự Thật, và là Sự Sống.

+ Túc từ “o arton o zon” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy theo cách dịch:

(1) Có thể dịch là “bánh hằng sống hay bánh trường sinh,” có nghĩa bánh không bao giờ hư nát. Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Chúa là Bánh Hằng Sống.

(2) Hay có thể dịch là “bánh mang sự sống thần linh.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa, Ngài là bánh mang sự sống thần linh cho con người như trong (Jn 6:33).

(3) Hay cũng có thể dịch là “bánh đang sống.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Ngài là Bánh đang sống.

Theo văn mạch và nội dung, nghĩa thứ (2) có lẽ thích hợp hơn cả; mặc dù hai nghĩa kia vẫn đúng với Chúa Giêsu.

+ Cụm từ: “từ trời xuống” nhắc nhở cho con người biến cố Thiên Chúa cho manna rơi xuống từ trời làm lương thực cho con cái Israel suốt 40 năm trong sa mạc. Manna là hình ảnh báo trước của bí-tích Thánh Thể. Bánh mang lại sự sống đời đời có thực và có nguồn gốc từ trời.

+ Bánh Hằng Sống chính là thịt (sárk) của Chúa Giêsu. Ngay từ đầu Tin Mừng, Gioan đã dùng danh từ này để nói về mầu nhiệm Nhập Thể: Và Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm (sárk) và đã cư ngụ giữa chúng ta.

+ Phản ứng của người Do-thái: Điều họ tranh luận ở đây không phải về nguồn gốc của Chúa Giêsu, nhưng là thịt của Ngài: Làm sao một người đang sống có thể lấy thịt của mình cho kẻ khác ăn? Trừ phi người đó phải chết! Điều khó khăn nữa là người Do-thái không có thói quen ăn thịt người.

3.2/ Sự cần thiết của bí-tích Thánh Thể: Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.”

+ Công thức “amen amen = thật, tôi bảo thật” báo hiệu trước một chân lý sẽ được mặc khải trong Tin Mừng Gioan. Chân lý Chúa Giêsu mặc khải ở đây là “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Nếu Chúa Giêsu không mặc khải chân lý cho con người, sẽ không có ai biết được.

+ Hai động từ ăn (esthio) và uống (pino) mà Gioan dùng ở đây là hai động từ căn bản dùng trong việc ăn uống của con người: như ăn bánh và uống nước.

+ Chúa Giêsu phân biệt hai sự sống: thể lý (psyche) và thần linh (zon). Nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, con người vẫn có sự sống thể lý; nhưng không có sự sống thần linh.

+ Sự sống muôn đời (zon aivonion): Sự sống thần linh sẽ dẫn con người đến sự sống muôn đời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Như Chúa Giêsu khi mang thân xác con người, mặc dù con người vẫn phải chết cách thể lý, nhưng sẽ được sống lại vinh hiển, và sẽ không bao giờ phải chết nữa.

+ Thịt và Máu Chúa là lương thực nuôi sống con người: “vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Hai danh từ dùng để so sánh: của ăn (brosis) và của uống (posis) là hai danh từ dùng để chỉ lương thực căn bản của con người.

+ Sự sống thần linh là sự sống của chính Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” Chúa Giêsu và người rước Chúa trở nên một, như thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi; mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”

+ Sự sống thần linh giúp con người hiểu biết sự khôn ngoan và các mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trí khôn con người không hiểu thấu được. Sự khôn ngoan có được là do Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn con người. Sự sống thần linh giúp cho con người có sức mạnh để đáp ứng lời mời gọi nên trọn lành của Đức Kitô mà sức riêng con người không thể làm được. Ví dụ, con người có được tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa để yêu thương kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho người ghét mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Như manna rơi xuống từ trời để nuôi dưỡng và tăng sinh lực cho dân Do-thái suốt 40 năm trường trong sa mạc, Chúa Giêsu trong bí-tích Thánh Thể cũng là Bánh từ trời xuống để nuôi dưỡng và tăng sinh lực cho chúng ta trong suốt cuộc đời trên dương gian.

– Bí-tích Thánh Thể là căn nguyên của sự hiệp nhất. Nếu mỗi người trong gia đình, trong cộng đoàn, giáo xứ hay Giáo Hội năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể, tất cả sẽ hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau.

– Bí-tích Thánh Thể làm chúng ta được tham dự cuộc sống thần linh với Thiên Chúa ngay từ đời này, và chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa ở đời sau.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************