Chúa Nhật (12-06-2022) – Trang suy niệm

11/06/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi – Năm C

BÀI ĐỌC I: Cn 8, 22-31

“Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành”.

Trích sách Châm Ngôn.

Đây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: “Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? – Đáp.

1. Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bÄng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Đáp.

2. Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. – Đáp. 

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-5

“Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! – Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 16, 12-15

“Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/06/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – C

Chúa Ba Ngôi

Ga 16,12-15

THIÊN CHÚA “ĐI RA”

“Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,15)

Suy niệm: Nói Thiên Chúa “đi ra” nghe có vẻ nghịch lý, bởi vì không có gì ở ngoài Chúa, và Ngài cũng không cần thêm gì khác để phải “đi ra”. Đối với Thiên Chúa là Đấng toàn năng thì “mọi sự Cha có” không chỉ là tất cả mọi sự hiện hữu trên thế gian này mà còn là chính Ngài là nguồn mạch mọi sự hiện hữu. Và “mọi sự Cha có” đó cũng là của Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa. Trong khung cảnh rất thân mật của bữa Tiệc Ly, Thầy Giê-su bộc lộ mầu nhiệm thâm sâu đó của Chúa Ba Ngôi; và vì yêu thương nhân loại tha thiết, Thầy Giê-su tỏ ra cho chúng ta biết rằng ai “yêu mến và tuân giữ lời Ngài” thì Chúa Cha và Ngài sẽ “đi ra” để “đến và ở lại nơi người ấy” (x. Ga 14,23), để nhờ Thiên Chúa “đi ra”, chúng ta được “đi vào” và ở lại trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi vì khi ta “yêu mến và tuân giữ” Lời Chúa, Thánh Thần sẽ đem “mọi sự của Chúa Cha” là chính Đức Giê-su mà ban tặng cho chúng ta.

Mời Bạn: Ba Ngôi Thiên Chúa là khuôn mẫu của tình yêu hiệp thông. Nhờ bí tích Thánh tẩy “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, chúng ta được nhận làm nghĩa tử trong “Gia đình Ba Ngôi”. Bạn được mời gọi trở nên tấm gương phản chiếu Tình yêu Hiệp thông đó bằng đời sống bác ái, hiến thân phục vụ.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa Giê-su để luôn yêu thương như Chúa yêu để ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch Tình Yêu, xin giúp con biết họa lại chân dung Chúa Ba Ngôi bằng đời sống yêu thương tự hiến và quảng đại vị tha. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM

DẪN TỚI SỰ THẬT TOÀN VẸN

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính của đức tin.

Đây là nguồn cội của mọi mầu nhiệm đức tin khác.

Ta chỉ biết được mầu nhiệm này nhờ mặc khải từ trên.

Trí khôn con người không hiểu được

làm sao chỉ có một Thiên Chúa duy nhất,

nhưng Thiên Chúa ấy lại là ba, là Cha, Con và Thánh Thần

Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa, Thánh Thần là Thiên Chúa,

nhưng không có ba Thiên Chúa, mà chỉ có ba Ngôi vị thần linh.

Ba Ngôi vị có vinh quang và uy quyền ngang nhau,

cùng được phụng thờ và tôn vinh như nhau.

 

Chúa Ba Ngôi từ từ vén mở cho ta thấy Ngài là ai.

Để có thể diễn tả phần nào mầu nhiệm, cần nhiều thế kỷ.

Hội Thánh từ từ nhận ra Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Con Một,

Người Con được Thiên Chúa Cha sinh ra từ ngàn đời.

Hội Thánh từ từ nhận ra Thánh Thần là Thiên Chúa,

là một Ngôi vị bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.

Cuối cùng, Hội Thánh khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa,

là ba Ngôi vị, là Cha, Con và Thánh Thần.

Cả ba Ngôi có cùng một bản thể thần linh.

Dù được giải thích, chúng ta vẫn không hiểu hết mầu nhiệm.

Như đứa bé múc nước đại dương đổ vào lỗ nhỏ trên bãi cát,

chúng ta không thể múc cạn được mầu nhiệm cao siêu.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay hé lộ cho ta thấy

tương quan giữa ba Ngôi vị với nhau, và với người tín hữu.

 

Cả ba Ngôi Thiên Chúa đều hướng về nhau, sống cho nhau.

Cha là nguồn cội của tất cả thần tính (GLGHCG 245).

Cha chẳng giữ gì cho mình, nhưng chia sẻ tất cả.

Chỉ Cha mới có sự sống nơi chính mình và có quyền xét xử,

nhưng Cha đã ban các quyền ấy cho Con (Ga 5,22-23.26).

Cha ban cho Con quyền năng trên mọi người (Ga 17,2),

Cha trao mọi sự trong tay Con (Ga 3,35),

bởi đó Đức Giêsu mới nói: “Mọi sự Cha có là của Thầy”

Hay: “Mọi sự của Con là của Cha,

và mọi sự của Cha là của Con” (Ga 16,15; 17,10).

Thánh Thần lấy từ kho tàng của Con cũng là của Cha,

để loan báo cho các môn đệ Chúa Giêsu thuộc mọi thời.

 

Cả ba Ngôi Thiên Chúa cùng nhắm đến con người,

cùng nhau hoạt động để cứu thế gian tội lỗi.

Thiên Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi ban Người Con Một

xuống thế làm người, bị giương cao trên thập giá,

để xóa tội cho nhân gian (Ga 1,29).

Khi Người Con này về với Cha, Cha lại sai Thánh Thần,

là Thiên Chúa Ngôi Ba, để tiếp tục công việc còn dang dở.

Các môn đệ chưa hiểu hết lời của Thầy Giêsu nói với họ.

Thánh Thần sẽ giúp họ hiểu lời Thầy đã nói trước đây,

hiểu sứ mạng của Thầy, và hiểu con người thật của Thầy. 

Thầy Giêsu là sự thật đem lại sự sống (Ga 14,6).

Thánh Thần sẽ dẫn các môn đệ thuộc mọi thời đại

đi vào trong sự thật trọn vẹn về Thầy Giêsu,

giúp ta tin Thầy là Con Một Thiên Chúa (Ga 16,13).

Thánh Thần sẽ giúp ta hiểu rất sâu lời của Thầy,

và áp dụng trong những hoàn cảnh mới mẻ của cuộc sống.

 

Khi chiêm ngắm chương trình cứu độ con người của Ba Ngôi,

ta thấy các Ngôi vị cùng làm việc với nhau cách hài hòa.

Cha sai phái Con và Thánh Thần đến với thế giới.

Mỗi Ngôi làm mỗi việc, nhưng việc nào cũng có mặt Ba Ngôi.

Ngôi nào cũng tự xóa mình khi làm việc với nhau.

Con và Thánh Thần đều không tự mình nói (Ga 12,49; 16,13).

Con nói nhờ nghe Cha, Thánh Thần nói nhờ nghe Con.

Con tôn vinh Cha và Cha tôn vinh Con (Ga 8,54).

Thánh Thần tôn vinh Con (Ga 16,14).

 

Ta học được nhiều điều từ cuộc sống của Chúa Ba Ngôi.

Cách sống, cách cộng tác của Ba Ngôi là mẫu mực cho ta.

Chúng ta cố xây dựng mọi cộng đoàn kitô hữu

thành một hình ảnh sống động của Ba Ngôi cho thế giới.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa,

xin ban cho con sự thanh thản

để chấp nhận những điều con không thể đổi,

lòng can đảm

để đổi những điều con có thể đổi,

và óc khôn ngoan

để phân biệt đôi bên.

 

Con sống từng ngày một,

thưởng thức từng giây một;

chấp nhận đau khổ như con đường dẫn đến bình an.

 

Thế giới tội lỗi này như thế nào,

con đón nhận nó như vậy,

không đòi nó phải theo ý mình.

 

Con tin rằng nếu con lụy phục ý Chúa,

thì Chúa sẽ làm cho mọi sự được ổn thỏa.

Con tin rằng con có thể khá hạnh phúc ở đời này,

và vô cùng hạnh phúc với Chúa mãi mãi ở đời sau.

Reinhold Niebuhr

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG SÁU

Chúng Ta Quyết Định Vận Mệnh Của Chính Mình

Công Đồng Vatican II diễn tả cùng sự thật ấy về con người bằng những ngôn từ vừa bất hủ vừa rất chính xác đối với thời đại hôm nay: “Con người chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do … Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo sự lựa chọn ý thức và tự do” (MV 17). “Nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ; và cũng chính nơi đó con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (MV 14).

Sự tự do đích thực của con người là sự tự do đặt nền tảng trên sự thật. Từ nguyên thủy, sự tự do này đã mạc khải hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Vâng, sự thật giải phóng con người để con người trở nên chính mình một cách viên mãn trong Đức Kitô.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Sáu

Ngọn Lửa Không Hề Tắt

Tong tác phẩm Ðại Học Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga Solzenitzyn ghi lại thân phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học tập. Nhưng giữa những đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái nhìn lạc quan về thân phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô nhân nhất mà vẫn khôi hài, cười đùa, bỡn cợt được.

Trong tác phẩm đầu tay của ông có tựa đề “Hai chị em”, Hà Thúc Sinh đã nêu bật được hình ảnh con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn sàng kịch liệt chống lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình… Hai chị em Lan và Trực bị đắm tàu trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất còn sống sót, họ trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong nguyên một tuần lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị em. Sau một tuần lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi mong tìm lại được chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần áo. Khi ra đi, anh đã nhóm đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để kêu gọi sự chú ý của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng để còn có thể quay lại đảo… Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang đảo… Sóng to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương. Người chị tất tả chạy ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.

Tác giả đã kết thúc câu chuyện như sau: “Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một vùng hoang đảo trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú mục, người ta có thể nhìn thấy một ngọn lửa. Ngịn lửa ấy đốt bập bùng trên một triền núi, khi lớn, khi nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt”.

Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại không biết bao nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu xa.

Nhưng người Kitô hữu không phải là một thứ anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và tin ở sức mạnh vô song của ý chí. Chúa Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là một anh hùng của một ý chí sắt đá. Sức mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên Chúa. Lương thực của Ngài chính là Thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hiệp với Chúa Cha.

Qua ba cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã luôn luôn qui chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là khí giới, là thuẫn đỡ của Ngài.

Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải là ý lực sống của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến đấu, mà chính Ðức Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là Sự Sống của Ðức Kitô đang châu lưu trong từng người tín hữu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật Lễ Ba Ngôi – Năm C

Bài đọc: Pro 8:22-31; Rom 5:1-5; Jn 16:12-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa

Sách Bổn Việt Nam xưa cho chúng ta sự hiểu biết sai về Ba Ngôi Thiên Chúa: “Chúa Cha dựng nên ta, Chúa Con cứu chuộc ta, và Chúa Thánh Thần thánh hóa ta.” Thực ra, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hòa hợp trong công trình tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa con người. Chúng ta có thể tách rời Ba Ngôi để phân tích; nhưng phải tổng hợp cả Ba Ngôi lại để thấu hiểu Mầu Nhiệm, vì chúng ta chỉ có một Chúa.

Làm sao để hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi? Các Giáo Phụ dùng hai cách: nghiên cứu thần học và dựa trên những gì Thiên Chúa đã làm cho con người. Các ngài “phân biệt theologia (thần luận) với oikonomia (công trình). Thuật ngữ thứ nhất chỉ mầu nhiệm đời sống nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi công cuộc Thiên Chúa dùng để tự mặc khải và thông ban sự sống của Người. Nhờ công trình mà chúng ta được biết thần luận; nhưng đối lại, thần luận soi sáng toàn thể công trình. Các công trình của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết Người; và đối lại, mầu nhiệm đời sống nội tại của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu các công trình của Người. Cũng như trong các tương quan nhân loại, con người biểu lộ mình qua hành động; càng biết một người, chúng ta càng hiểu rõ hành động của họ hơn (C 236).

Mỗi Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn những khía cạnh khác nhau của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa với mục đích cho chúng ta hiểu về nguồn gốc và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và sự Khôn Ngoan. Thiên Chúa “dựng nên” sự Khôn Ngoan từ nguyên thủy, trước khi dựng nên bất cứ một tạo vật nào; sau đó, Thiên Chúa cùng với sự Khôn Ngoan dựng nên muôn vật. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta thấy công trình cứu chuộc con người là sự cộng tác của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha sáng tạo Kế Hoạch, Chúa Con thi hành, và Chúa Thánh Thần làm con người nhận ra và tin vào Kế Hoạch Cứu Độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến cho các môn đệ sau khi Ngài về trời. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ thấu hiểu những mặc khải của Chúa Giêsu và sẽ hướng dẫn các ông từ từ đến sự thật toàn vẹn mà các ông không thể thấu hiểu trong một lúc vì trí khôn hạn hẹp của con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.

1.1/ Sự liên hệ và nguồn gốc của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa:

(1) Sự liên hệ: Tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa như sau: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.”

Đây chỉ là một kiểu nói để diễn tả sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa; nhưng kiểu nói này gây nhiều ngộ nhận. Thứ nhất, sự Khôn Ngoan đã phải ở với Thiên Chúa ngay từ đầu. Nói theo kiểu con người: phải có khôn ngoan trước khi có sáng tạo. Thứ hai là động từ “dựng nên:” Nếu sự Khôn Ngoan đã ở với Thiên Chúa ngay từ đầu, động từ “dựng nên” phải hiểu theo nghĩa nào? Chúng ta không thể hiểu như dựng nên vũ trụ muôn loài. Bè rối Arians dựa vào câu này để chứng minh Ngôi Lời được tạo dựng, chứ không tự mình mà có. Tác giả chỉ có ý nói sự Khôn Ngoan đã ở với Thiên Chúa trước khi sáng tạo vũ trụ và con người.

(2) Nguồn gốc của Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa được tác giả diễn tả như sau: “Ta đã được thành hình từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất.” Tất cả những câu này tác giả dùng chỉ nhằm diễn tả một điều: sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa có trước tất cả mọi sự.

1.2/ Sự liên hệ của Khôn Ngoan với các tạo vật: “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.”

Từ ngữ “thợ cả=amôn” được dùng để chỉ sự sáng tạo tài khéo của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Nhờ sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa mà muôn vật được tạo thành; và không có sự Khôn Ngoan, chẳng gì được tạo thành.

Trong lời Giới Thiệu của Tin Mừng Gioan, chúng ta tìm thấy nhiều điểm tương đồng khi so sánh sự Khôn Ngoan của Sách Châm Ngôn với Ngôi Lời của Tin Mừng Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Jn 1:1-3).

Về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu: Khi tông đồ Philíp nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Jn 14:8-10).

Nếu chúng ta nhìn Ngôi Lời như sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Chúng ta không thể tách rời sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa ra khỏi Thiên Chúa. Chỉ trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời mới mang lấy thân xác loài người để mặc khải cho con người biết sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Công trình cứu độ con người là của Ba Ngôi Thiên Chúa

2.1/ Chúa Cha là tác giả của công trình cứu độ: Cả Gioan cũng như Phaolô đều cho chúng ta cái nhìn rất rõ về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa (Jn 6:35-40; Rom 3:21-24). Chúa Cha là tác giả của Kế Hoạch này. Mục đích của Kế Hoạch là để giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, giao hòa con người với Thiên Chúa, và cho con người được hưởng ơn cứu độ.

2.2/ Chúa Con thực thi công trình cứu độ: Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian để mặc khải Kế Hoạch Cứu Độ cho con người, và mang Kế Hoạch tới thành công bằng việc chấp nhận trải qua Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển.

Đứng trước Chúa Giêsu, con người có tự do để lựa chọn: tin hay không tin vào Ngài. Nếu con người chọn để tin vào Đức Kitô, họ sẽ được sạch tội và trở nên công chính. Một khi được trở nên công chính, con người được giao hòa với Thiên Chúa. Đức Kitô đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.

2.3/ Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trung thành với niềm hy vọng vào sự sống đời đời:

Tha tội chỉ là một khía cạnh của Kế Hoạch Cứu Độ, khía cạnh khác là thánh hóa con người bằng ơn thánh của các bí tích và sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Đức tin của chúng ta cần được thử thách trong những ngày chúng ta sống trên dương gian này. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không để chúng ta chiến đấu một mình, vì Ngài biết chúng ta sẽ không thể chống lại quyền lực của quỉ thần và của thế gian; nên Ngài đã ban ơn thánh và Thánh Thần để hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Gian truân cần thiết để thử thách đức tin như vàng cần thử lửa để biết vàng thật. Đức tin được thử thách sẽ giúp người tín hữu quen chịu đựng và kiên trì trong mọi thử thách. Khi người tín hữu kiên trì mong đợi niềm hy vọng vào Nước Trời như thế, họ chứng minh cho Thiên Chúa biết họ xứng đáng được hưởng cuộc sống đời đời.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu mặc khải Thánh Thần cho các môn đệ.

3.1/ Thánh Thần giúp con người thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa: Trước Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu biết các môn đệ sẽ chao đảo về sự ra đi của Ngài, nên Ngài mặc khải và nhắc lại những gì cần thiết để các ông vững tin vào Ngài; nhưng Ngài biết trí khôn hạn hẹp của các ông không thể thấu hiểu tất cả những gì Ngài muốn nói.

Một trong những mặc khải tối quan trọng Ngài để lại cho các ông là họ sẽ có sự hiện diện của Thánh Thần mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến. Hai điều Thánh Thần sẽ làm được Chúa Giêsu tiên báo hôm nay:

(1) Khi nào Thánh Thần sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Thánh Thần là Thần Sự Thật, Ngài sẽ hướng dẫn các môn đệ theo sự thật và sẽ làm cho các ông hiểu tất cả mọi sự thật hay sự thật toàn vẹn.

(2) Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói thêm điều gì mới lạ; nhưng sẽ nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói và làm cho các môn đệ thấu hiểu những lời này.

3.2/ Sự hòa hợp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Mỗi ngôi tuy có nhiệm vụ riêng; nhưng đều nhắm tới một mục đích là mang ơn cứu độ cho con người. Không có điều gì gọi là của riêng hay mâu thuẫn bất đồng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người là tài sản chung của Ba Ngôi Thiên Chúa.

– Hòa hợp trong sự thật: Sự thật chỉ có một và đến từ Chúa Cha. Chúa Con thấy và nói những gì từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần thấy và nói những gì từ Chúa Con.

– Hòa hợp trong sự liên hệ: Ai có Chúa Con, người ấy cũng có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ai không có một, thì cũng không có cả ba.

– Hòa hợp trong sự chúc tụng: Ai tôn vinh Cha, người đó cũng tôn vinh Con. Ai từ chối Con, người đó cũng từ chối Cha và Thánh Thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người chúng ta là đối tượng cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài đã hòa hợp để tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa chúng ta. Hãy sống xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa.

– Gia đình chúng ta là biểu hiện của mầu nhiệm Ba Ngôi. Chúng ta cố gắng bắt chước tính luôn yêu thương và hòa hợp của Ba Ngôi trong mọi công việc.

– Trí khôn của chúng ta rất hạn hẹp trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhất là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi chưa hiểu, chúng ta đừng vội nản chí; nhưng hãy biết khiêm nhường cầu nguyện để xin Thánh Thần của Thiên Chúa giúp chúng ta thấu hiểu.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************