Chúa Nhật (13-12-2020) – Trang suy niệm

12/12/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng Năm B

BÀI ĐỌC I: Is 61, 1-2a. 10-11

“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54

Đáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (Is 61, 10b).

Xướng:

1) Đức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước. – Đáp.

2) Vì Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Đức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. – Đáp.

3) Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 1, 6-8. 19-28

“Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

13/12/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B

Ga 1,6-8.19-28

ĐẾN ĐỂ LÀM CHỨNG

“Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7)

Suy niệm: Ngày 21/11/2004, xe tự hành Spirit sau một năm đổ bộ lên sao Hoả –từ ngày 03/01/2004, gần bằng hai năm ở trái đất– đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: nó đã giúp phát hiện sự hiện diện và tác động của nước nơi những khối đá và những lớp lưu huỳnh trầm tích trên “Đồi Columbia”. Chỉ một chút dấu vết của nước thôi cũng đã đủ làm chứng khả năng sự sống đã từng có mặt trên hành tinh đỏ này. Chứng từ của những khối đá sao Hoả chỉ là một sự so sánh thô thiển với lời chứng của Gio-an Tẩy giả. Ông không phải là sự sống nhưng sự sống tiềm tàng trong ông, sự sống đã đến trong đời ông khi ông còn trong dạ mẹ. Ông không mạo nhận là sự sáng, nhưng ông phản chiếu sự sáng và “ông đến để làm chứng cho sự sáng.”

Mời Bạn: Than ôi! Đến như đất đá vô tri kia còn có thể làm chứng cho chúng ta rằng cách đây hằng tỷ năm đã có một sự sống đi qua đời nó; còn bạn, còn tôi, tại sao chúng ta ngày hôm nay lại không thể làm chứng cho sự sống, sự sáng của Chúa đang ở trong chúng ta? Phải chăng vì mối tình của chúng ta với Đức Ki-tô đã chưa đậm đà đủ để có thể ghi lại dấu ấn gì nơi đời sống của mình?

Chia sẻ: Cả nhóm quyết tâm cùng làm một việc cụ thể theo tinh thần Phúc Âm để làm chứng cho Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Phương thế dẫn nước hằng sống đến tưới đẫm “tâm hồn sao hoả” của bạn là suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể. Bạn hãy siêng năng thực hiện nhé.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ghi vào lòng con dấu ấn tình yêu, để con nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Trong bài Tin Mừng trên đây
cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần.
Lẽ sống của Gioan là làm chứng.
Ông được sai đến để làm chứng (x. c.6-7).
Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan,
cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).
Gioan không làm chứng cho mình hay về mình,
bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng.
Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35)
giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Ðức Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa,
tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn
đến tìm hiểu con người ông.
Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai ?
Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định:
“Tôi không phải là Ðức Kitô” – “Không phải” – “Không”.
Những tiếng không dứt khoát và trung thực.
Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông.
Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng
hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê.
Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình
khiến Ðấng ông giới thiệu bị che khuất.
Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai ?
Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa,
là lời mời gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô.
Ông biết rõ mình là người đến trước
nhưng vị đến sau lại có trước ông
và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30).
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Làm đầy tớ cho Ðức Kitô, ông nhận mình không xứng.
Gioan tự xóa mình trước Ðức Kitô.
Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ.
Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị
cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.
Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Ðức Giêsu,
và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài
để chịu phép rửa (Ga 3,26).
Có ai siêu thoát như Gioan?
Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên.
Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng.
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.

“Có một vị đang ở giữa các ông
mà các ông không biết.”
Hôm nay Ðức Giêsu vẫn là Ðấng xa lạ với nhiều người.
Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ,
trong khi Ðấng Cứu Ðộ đã đến từ 2000 năm.
Xin được làm người chứng như Gioan,
giới thiệu cho bạn bè Ðấng mà họ đang tìm kiếm.

Gợi Ý Chia Sẻ

Giới trẻ hôm nay say mê các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thể thao… Theo ý bạn, điểm nào nơi Ðức Giêsu có thể làm cho giới trẻ say mê? Ðức Giêsu có phải là mẫu người lý tưởng của các bạn trẻ không?

Gioan là con người siêu thoát. Ông không tìm mình, ông vượt lên trên cái vòng danh lợi. Bạn có quen biết ai làm chứng tuyệt như Gioan không?

Cầu Nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG MƯỜI HAI

Một Lời Mời Tiến Tới Mật Thiết

Chúa đang đến gần! Nào ta hãy hân hoan lắng nghe lời sau đây của Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a: “Hãy reo vui, hỡi con gái Si-on! … Này Vua Israel là Đức Chúa đang ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn phải sợ hãi … Hỡi Si-on, đừng sợ! Đừng thất đảm!” (Xp 3,14-16).

Thiên Chúa đang hiện diện giữa Israel dân Người, sự hiện diện gần gũi ấy của Người là nguồn sức mạnh chống lại mọi sự dữ. Sự hiện diện của Người là sự nâng đỡ có sức cứu độ. Người là ‘Đấng cứu độ uy quyền’ (Xp 3,17). Đây là nguồn mạch để chúng ta canh tân tinh thần. Vì sự hiện diện của Người giữa con người cho thấy tình yêu của Người đối với chúng ta, một tình yêu chiến thắng mọi sự dữ.

Tân Ước làm chứng cho sự thật đó. Chẳng hạn, Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi xin nói lại. Hãy vui lên! Chúa đang đến gần” (Pl 4,4-5). Hãy vui lên trong sự hiện diện cứu độ của Người, hãy vững tin nơi Thiên Chúa. Rồi Thánh Tông Đồ viết: “Anh em đừng âu lo xao xuyến, nhưng trong mọi sự, bằng lời kinh nguyện và cầu xin, với tâm tình tạ ơn, anh em hãy trình bày những ước nguyện lên Chúa” (Pl 4,6).

Lời tuyên bố “Chúa gần đến” là một lời mời gọi đi vào kết hợp mật thiết với Người – sự mật thiết này được thể hiện cách trực tiếp qua cầu nguyện. Chính qua cầu nguyện mà chúng ta mở lòng mình ra với Chúa và chia sẻ cho Ngài chính cuộc sống của chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/12

Chúa Nhật III Mùa Vọng

Is 61, 1-2a. 10-11; 1Tx 5, 16-24; Ga 1, 6-8. 19-28.

LỜI SUY NIỆM: Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin.”

          Chúa Nhật III Mùa Vọng là một tuần của niềm vui như ngôn sứ Isaia nói: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tâm hồn tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, cũng như Thánh Phao lô mời gọi: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” Và trong Tin Mừng của Gioan: “Gioan tẩy Giả là người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về Ánh Sáng”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con thể hiện niềm vui trong cuộc sống bằng lời tạ ơn Chua trong mọi sự.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 13-12: Thánh LUCIA

Đồng Trinh Tử Đạo – (Thế kỷ IV)

Theo lịch sử, chắc chắn là đã có một thánh nữ tử đạo tên là Lucia và mộ Ngài được tìm thấy trong hang toại đạo của các Kitô hữu Syracusa. Sau đây là câu chuyện về cuộc tử đạo của Ngài.

Lucia là một thiếu nữ quí phái người Syracusa tại thủ đô miền Sicily. Mẹ Ngài gốc người Hy Lạp tên là Eutychia, có nghĩa là hạnh phúc. Sớm thành goá phụ, bà đã gắng chuẩn bị cho Lucia một điạ vị cao bằng cách dưỡng dục thánh nữ theo tinh thần Kitô giáo. Bà thường nói với con gái mình về lòng can đảm của các vị tử đạo đã tưới máu trên đế quốc hai thế kỷ qua. Như ở Sicily, tại hải cảng Catana, nửa thế kỷ trước thánh nữ Agatha thay vì chối bỏ đức tin, đã khước từ tình yêu của quan cầm quyền và trung thành với Chúa Kitô giữa các cực hình.

Mẫu gương đáng phục này đã ám ảnh Lucia và khi Eutychia nhận lời cầu hôn cho con gái mình, Lucia khẩn cầu Chúa cất xa những cuộc cưới hỏi trần thế để dâng hồn xác phụng sự một mình Ngài thôi. Bỗng Eutychia ngã bệnh, Lucia lấy cớ này để đình hôn. Dầu vậy, Ngài thấy buồn vì mẹ khổ lâu, nên khuyên bà kêu cầu với thánh nữ Agatha, Ngài đưa mẹ đi Cathana để dưỡng bệnh. Khi đó, Ngài xem thường những sắc lệnh bách hại đạo của Điôclêtianô, khấn hiến mình hoàn tòan cho Thiên Chúa. Ngài đòi phân gia tài để phân phát cho người ghèo. Ngài nói: – “Dâng cho Chúa điều người ta không mang theo sau khi chết thì cũng không có gì là nhiều”.

Nhưng người theo đuổi Lucia thấy Ngài bán nữ trang và ruộng đất rồi phát cho người khổ cực, liền nổi giận và tố cáo với Paschse là người cầm quyền ở Syracusa. Lucia bị cầm tù. Trước tòa, Ngài đã trả lời cách đáng phục:

“Giờ thì tôi chẳng còn gì nữa để dâng, tôi dâng chính mình như bánh thánh lên Thiên Chúa tôi cao. Ong run rẩy trước mặt Thiên Chúa, còn tôi, tôi kính sợ Thiên Chúa. Ông muốn làm đẹp lòng họ, còn tôi, tôi chỉ có một ước vọng là làm đẹp lòng Chúa Kitô thôi. Những người thiêu huỷ thân xác là những người bỏ niềm vui mau qua để đổi lấy những niềm vui đời đời. Thánh Phaolô tông đồ đã nói: Ai sống trong sạch và đạo đức là đền thờ Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ở trong họ. Thân thể chỉ ra nhơ uế nếu linh hồn đồng tình với nó”.

Nhà cầm quyền truyền trao Lucia cho bọn đâm đãng êể làm nhục cho đến chết. Nhưng Ngài đã thành một sức mạnh khủng khiếp khiến bao sức lực của họ cũng không thể kéo Ngài đi được. Người ta kêu các phù thủy, đưa bò đến kéo nhưng không nghĩa lý gì đối với sự bất động của Trinh nữ.

Người ta đốt lửa cũng không chạm tới Ngài. Sau cùng, người ta dùng giáo đâm cổ Ngài, nhưng Ngài còn tiên báo một cách lạ lùng: – “Tôi báo cho các ngươi biết rằng, Giáo hội Chúa được ơn bình an vì hôm nay Điôclêtiano bị đuổi khỏi đế quốc, Maximianô phải chết. Và như Catana vui sướng được chị tôi là Agatha bảo trợ, thành Syracusa được Chúa ban cho tôi, nếu các ngươi hết lòng thực hiện thánh ý Chúa”.

Và dân Sicily thấy Paschase bị xiềng. César biết được rằng ông ta sẽ chiếm thành. Lucia trước khi chết đã được rước Mình Chúa do các linh mục đem đến.

Lucia là tên do từ ngữ Lux, nghĩa là ánh sáng. Như ánh sáng, gương mẫu đời Ngài dẫn các linh hồn lên trời. Tên Ngài khiến những ai đau mắt thường kêu cầu Ngài.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

13 Tháng Mười Hai

Danh Hiệu Của Ánh Sáng 

Không những ở Việt Nam, nhưng trên toàn thế giới, nhiều thánh nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia, như nữ tu Lucia, một trong ba trẻ đã được thấy Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Những người thiếu nữ mang tên Lucia này không khỏi thất vọng khi tìm hiểu về đời sống và sự nghiệp của thánh nhân. Vì những sách cũ đã viết tiểu sử của các thánh nhân đã ghi lại nhiều câu chuyện về thánh Lucia, để rồi các tác giả viết về đời sống của các thánh nhân thời đại chúng ta lại phê bình những câu chuyện ấy không có tính cách lịch sử. Chúng ta chỉ có thể tóm lại những chứng tích lịch sử để viết về cuộc đời, nhất là cái chết vì niềm tin của thánh Lucia như sau:

Một chàng thanh niên không Công Giáo thất vọng vì không được Lucia đáp trả lại tình yêu của mình đã tố cáo với nhà cầm quyền Lucia là người Công Giáo. Và nàng đã bị xử tử vào năm 304 tại thành Syracuse vùng Sicilia, mạn Nam nước Italia. Di tích lịch sử thứ hai là tên Lucia được ghi trong danh sách những thánh tử đạo trong lời nguyện thánh lễ Roma, nay là lời nguyện Thánh Thể thứ nhất trong phụng vụ mới.

Những di tích bên lề cũng nên nói đến là nhiều địa danh, nhiều làng mạc, thành phố bên Âu Châu mang tên nàng, cũng như có những bằng chứng lịch sử về sự tôn kính nàng từ trước thế kỷ thứ 5.

Chữ “Lucia” có nghĩa là ánh sáng. Và gương can đảm chết vì lòng tin của nàng vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tâm hồn những người đang bị thử thách và đau khổ vì lòng tin, cũng như làm rạng rỡ những khuôn mặt của những thiếu nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia.

Muốn hiểu sự can đảm của thánh Lucia Giáo Hội mừng kính hôm nay với tước hiệu đồng trinh, tử đạo, chúng ta có thể tưởng tượng một thiếu nữ Công Giáo sống giữa những người không Công Giáo vào thời kỳ tôn giáo này bị bách hại. Ðể sống trọn niềm tin Công Giáo, nàng cũng gặp nhiều khó khăn như đại đa số những tín hữu Kitô trong thời đại chúng ta phải sống chung với những người vô thần, không tin tưởng.

Lạ lùng hơn là niềm tin của Lucia. Nàng tin vào một người sáng lập tôn giáo với thân thế và sự nghiệp không mấy được rõ ràng ở một nước thuộc địa xa xôi với thủ đô Jerusalem bị quân đội Roma phá hủy cách đó 200 năm. Trước khi truyền đạo, ông này làm nghề thợ mộc và sau một thời giảng đạo ngắn ngủi, ông bị quân lính Roma đóng đinh vào thập tự, một hình phạt dành cho dân thuộc địa phạm những trọng tội sát nhân hay nổi loạn. Nay Lucia tin tưởng với tất cả tâm hồn là ông ấy đã Phục Sinh, như một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã chấp nhận những gì ông truuyền dạy và đã làm.

Ðể biểu lộ lòng tin của mình, Lucia đã thề hứa giữ sự trinh khiết, không lập gia đình.

Lucia lập lời hứa đó vì nàng biết đến gương anh dũng của những người chết vì đạo trong các hí trường tại Roma hay những nơi khác và nhất là để giữ lòng trung tín với ông Giêsu làng Nagiareth, đã bị chết treo trên thập giá, nhưng đối với niềm tin của nàng là Ðấng Cứu Thế, Con Một Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm B

Bài đọc: Isa 61:1-2, 10-11; I Thes 5:16-24; Jn 1:6-8, 19-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy vui mừng lên! 

Tại sao phải vui mừng? Con người vui mừng vì nhiều lý do: Có thể vui mừng vì đạt được những gì mình hy vọng như: học sinh ra trường, nhà nông thu họach mùa màng, mục đồng được báo tin vui Đấng Cứu Thế đã ra đời, Ba Vua đi tìm và được gặp Đấng Cứu Thế. Có thể vui mừng vì tìm lại được những gì đánh mất như: tình yêu, sức khỏe, mù được thấy, qùe được đi, câm được nói. Có thể vui mừng vì làm được những gì mình đã không thể làm: như người đàn bà mang thai và có con trong lúc tuổi già, linh mục có quyền trừ quỉ và tha tội.

Các Bài Đọc của Chủ Nhật III Mùa Vọng xoay quanh chủ đề “Hãy vui mừng lên,” vì Đấng Cứu Thế sắp tới; Ngài mang theo tất cả những gì con người đang thiếu thốn và mong đợi. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah kêu gọi dân Do-Thái hãy vui mừng lên vì Năm Tòan Xá sắp tới, niềm vui vì sắp hết Thời Lưu Đày (50 năm, từ 587 BC đến 538 BC). Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô không những kêu gọi các tín hữu vui mừng lên, mà còn phải vui mừng luôn mãi. Lý do là vì Ngày Chúa Quang Lâm sắp tới; và mọi người sẽ được nhìn thấy ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả báo cho dân biết Đấng Cứu Thế đã xuống và ở giữa con người; nếu họ đi tìm thì họ sẽ gặp Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Tuyên bố Năm Hồng Ân (hay còn gọi là Năm Tòan Xá)

1.1/ Năm Tòan Xá: Để hiểu những gì Tiên Tri Isaiah nói tới hôm nay, chúng ta cần hiểu về Năm Tòan Xá. Theo truyền thống Do-Thái, cứ 50 năm một lần, con người có quyền làm lại từ đầu. Trong năm này, ruộng vườn nhà cửa được trả lại cho người bán, ân xá hay gỉam án cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân, nô lệ. Nói tóm, Năm Tòan Xá là năm mà mọi tội lỗi hay nợ nần được tha, để tất cả mọi người có thể làm lại cuộc đời (x/c Lev 25:8-55, Isa 49:8-26). Sở dĩ có năm này là vì Thiên Chúa yêu thương con người; Ngài không muốn tội lỗi và hậu quả của nó đè bẹp con người, nhưng cho con người có cơ hội để làm lại cuộc đời.

1.2/ Tiên Tri Isaiah loan báo Năm Hồng Ân: “Thánh Thần của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, một Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than.” Nếu so sánh những lời Tiên Tri nói tới trong đọan văn này, với những gì được mô tả ở trên về Năm Tòan Xá, chúng ta có thể nhìn thấy những điều giống nhau như: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, yên ủi mọi kẻ khóc than, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, công bố Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta.

Hơn nữa, đọan văn này là chương 61 của Sách Tiên Tri Isaiah III, gồm các chương từ 60 tới 66. Sách Isaiah III được viết sau Thời Lưu Đày; và Thời Lưu Đày được kéo dài đúng 50 năm (587-538 BC). Một số chi tiết quan trọng trong đọan văn cần được lưu ý:

– Thánh Thần được đề cập thường xuyên, bắt đầu chương 60, nhưng đã được hứa trước trong (Isa 11:1-2). Sự hiện diện của Thánh Thần bắt đầu triều đại Đấng Cứu Thế. Sau này, tất cả mọi người thuộc về Đấng Cứu Thế, sẽ được hưởng Thánh Thần (x/c Joel 2:28).

– Ai là người được xức dầu tấn phong? Theo truyền thống Isaiah (Isa 40:11, 54:1-17, 55:3), người được xức dầu tấn phong bởi Thánh Thần chính là Người Tôi Tớ của Yahveh, Đấng Cứu Thế!

– Điều Tiên Tri Isaiah muốn nhấn mạnh đến trong trình thuật hôm nay là Ơn Cứu Độ tòan diện, bao gồm mọi khía cạnh: thể lý, tâm linh, cá nhân, và xã hội (x/c Mt 11:4-6).

1.3/ Niềm vui vì được Thiên Chúa ghé mắt thương đến: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.”

Điều quan trọng nhất để hiểu đọan văn này là phải xác nhận: Ai là người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến trong đọan văn này? Theo Targum, người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến là Jerusalem. Bản Targum thêm câu, “Vì thế Jerusalem nói.” Jerusalem được nhân cách hóa để chỉ Israel, Dân Chúa. Jerusalem cử hành tình yêu trọn vẹn giữa Dân Thành với Thiên Chúa (Isa 54:5-8, Jer 33:10-11, Rev 19:7, 9, Jn 2:1-11). Jerusalem cũng có thể chỉ Giáo Hội, Jerusalem mới, Hiền Thê của Đức Kitô. Sau cùng, Jerusalem cũng có thể được áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria.

– Mấy điểm quan trọng của đọan văn này:

(1) Mặc cho tôi hồng ân cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa và được ban tặng cho con người.

(2) Choàng cho tôi đức chính trực công minh: Nhờ tin vào Đức Kitô, con người được hòa giải với Thiên Chúa, và vì thế, được trở nên công chính trước mặt Ngài.

(3) Ngày Cứu Độ được ví như Ngày Hôn Lễ: Đức Kitô là Chú Rể, Giáo Hội là Cô Dâu: “như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.”

(4) Một khi đã được Thiên Chúa ghé mắt thương đến, con người sẽ không còn khô cằn sỏi đá, nhưng kết trái đâm bông, sinh hoa kết quả; và xứng muôn lời ca ngợi.

(5) Vinh quang của Đấng Thiên Sai bắt đầu từ trái đất – với và qua con người – nhưng Thiên Chúa vẫn là nguồn của mọi đời sống (Isa 45:8, 53:2).

2/ Bài đọc II: Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến.

Đây là những lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô cho các tín hữu Thessalonica. Căn bản của những lời khuyên nhủ là Ngày Quang Lâm sắp tới, làm việc gì cũng phải nhắm tới ngày đó.

2.1/ Tinh thần của các Kitô hữu: “Phải vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thánh Thần. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.”

– Vui mừng, cầu nguyện, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh: đây chính là cách để chu tòan bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

– Phải nhận ra các ân huệ khác nhau được ban bởi cùng một Thánh Thần cho các người trong cộng đòan (I Cor 12-14). Đừng dập tắt những biểu lộ trung thực của Thánh Thần (Acts 7:51, Isa 63:10), mặc dù sự phân biệt những biểu lộ cũng là một ân sủng cần thiết (I Cor 12:10, 14:29), cần phân biệt sự nguy hiểm của quỉ thần và các thần gian dối (II Thes 2:2).

– Chớ khinh thường ơn nói tiên tri: biểu tỏ qua những lời rao giảng, dạy dỗ, và an ủi. Ơn này đánh dấu một ân huệ chuyển tiếp, không phải là một lọai đặc biệt của Kitô hữu (I Cor 14:31).

– Cân nhắc mọi sự: các biểu lộ ân huệ của Thánh Thần, không chỉ là lời khuyên nên làm lành lánh dữ.

2.2/ Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.”

– Ngày Chúa Quang Lâm là đích điểm. Cuộc sống các tín hữu phải xoay quanh Ngày này.

– Chúa là nguồn mạch bình an: Ngài sẽ đưa tất cả những lời hứa đến chỗ vẹn tòan cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Ngài. Chúa là Đấng trung thành: Chúa hứa và Ngài sẽ thực hiện.

– Tòan diện gồm: trí tuệ, linh hồn, và thân xác của con người. Thánh hóa tòan diện không phải chỉ là một lời hứa, nhưng còn là công việc của Thiên Chúa làm (Exo 31:13, Lev 21:8, Eze 37:28, Jn 17:19). Con người được thánh hiến bằng Lời Chúa, ơn thánh, và Chúa Thánh Thần.

3/ Phúc Âm: Tin Mừng: Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.

3.1/ Gioan là sứ giả loan báo Tin Mừng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Nhiều người cho rằng: sở dĩ Thánh-sử Gioan phải viết những lời này vì có giáo phái coi trọng Gioan Tẩy Giả hơn Đức Kitô. Điều này xảy ra không phải tự Gioan muốn như thế, nhưng có thể là môn đệ hay những người quí trọng ông. Thánh-sử Gioan muốn làm sáng tỏ quan niệm này, khi ngài nhấn mạnh:

– Chỉ có Đức Kitô là ánh sáng của thế gian (Jn 8:12).

– Gioan Tẩy Gỉa không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.

3.2/ Lời chứng của Gioan Tẩy Giả: Khi một số người gồm các Kinh-sư, Biệt-phái, từ Jerusalem đến chất vấn, ông trả lời họ như sau:

(1) Gioan không phải là Đức Kitô: Họ hỏi: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Gioan không muốn ai lẫn lộn mình với Đấng Kitô.

(2) Gioan không phải là Elijah: Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Elijah không?” Ông nói: “Không phải.” Ông có lý do để trả lời như thế, mặc dù trong Tin Mừng Nhất Lãm, chính Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết Gioan chính là Elijah phải tới. Ông chu tòan sứ vụ của TT Elijah, chứ không phải là hiện thân của Elijah như người Do-Thái tin.

(3) Gioan không phải là một ngôn sứ: Họ lại hỏi: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Có lẽ vì biết trách vụ của mình chỉ là người dọn đường, nên Gioan đã khiêm tốn thú nhận mình không phải là một ngôn sứ.

(4) Gioan là tiếng kêu trong hoang địa: Họ chất vấn ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.”

(5) Gioan phân biệt 2 Phép Rửa: Phép Rửa của ông và của Đấng Cứu Thế. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisees. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Elijah hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hãy vui mừng lên! Vì ơn cứu độ của chúng ta đã tới.

– Đấng Cứu Thế đã tới và đang ở giữa chúng ta. Mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được tha.

– Chúng ta có niềm vui của người bắt đầu cuộc đời mới với bao nhiêu ơn lành. Chúng ta phải vui mừng luôn, cầu nguyện với Thiên Chúa, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh vì Ngày Chúa Quang Lâm đã gần tới. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************