Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm A
BÀI ĐỌC I: Xh 17, 3-7
“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8)
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! – Đáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta,và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-2. 5-8
“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 4, 42 và 15
Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.
PHÚC ÂM: Ga 4, 5-42 (bài dài)
“Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”. Người đàn bà đáp: “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Bà nói ‘tôi không có chồng’ là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”.
Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: “Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?” Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?” Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: “Xin mời Thầy ăn”. Nhưng Ngài đáp: “Thầy có của ăn mà các con không biết”. Môn đệ hỏi nhau: “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?” Chúa Giêsu nói: “Của Thầy ăn là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Đúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
15/03/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – A
Ga 4,5-42
MỘT CÂU CHUYỆN TRUYỀN GIÁO
Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,10)
Suy niệm: Người phụ nữ Sa-ma-ri-a chưa nhận ra “người đang nói với chị” là ai. Chị ta chỉ biết rằng đây là một người đàn ông xứ Ga-li-lê; mà người xứ Ga-li-lê thì chị biết rồi, họ coi những người Sa-ma-ri như chị bằng nửa con mắt. Chị đã hả hê lòng “tự ái dân tộc” bằng những câu trả lời đốp chát khi “ông Ga-li-lê” nọ xin chị nước uống. Chị cứng cỏi là thế, nhưng rồi Chúa Giê-su cũng đã giúp chị cởi mở cõi lòng để đón nhận ơn Thiên Chúa. Trước tiên, bằng thái độ hiền lành khiêm nhường, Ngài ngỏ lời cầu xin sự giúp đỡ của chị: “Cho tôi xin chút nước uống.” Ngài luôn nhẫn nại và tôn trọng chị dù Ngài biết rõ vết thương ẩn kín trong tâm hồn chị: “Chị đã nói đúng. Chị đã có năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị.” Cuối cùng chị nhận ra “người đang nói với chị đây” không chỉ là một vị ngôn sứ mà còn là “Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô”.
Mời Bạn: đến với Chúa với tấm lòng sám hối của chị xứ Sa-ma-ri-a và từ đó đến với tha nhân với trái tim hiền lành khiêm nhường và thái độ bao dung nhẫn nại của Chúa Giê-su, để nhờ đó, giống như chị, chúng ta cũng có thể dẫn anh chị em đồng bào mình đến với Ngài.
Chia sẻ: Bạn có thấy câu chuyện bên bờ giếng Gia-cóp này là một mẫu mực cho công cuộc truyền giáo không?
Sống Lời Chúa: Tập sống tinh thần hiền lành, khiêm tốn, khoan dung, nhẫn nại như Chúa để loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê chiêm ngắm Chúa để mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG BA
Những Chuẩn Mực Rõ Ràng Để Sống
Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các ngươi; Ta đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cảnh nô lệ…
Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng…,
Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh…,
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ…,
Ngươi không được giết người.
Nguơi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian hại người.
Ngươi không được ham muốn nhà người ta, vợ người ta … hay bất cứ gì khác của người ta.
Xh 20,2.7-8.12-17
Giáo Hội rao giảng Thập Giới được trao cho con cái It-ra-en tại Núi Si-nai. Đây là Luật của Thiên Chúa, thể hiện những gì Thiên Chúa dạy bảo để con người sống một cách ngay chính. Những chuẩn mực sống này mở cho ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa về điều thiện và điều dữ luân lý. Những chuẩn mực này chính là luật luân lý.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 15/3
Chúa Nhật III Mùa Chay
Xh 17, 3-7; Rm 5, 1-2.5-8; Ga 4, 5-42.
Lời Suy Niệm: Người đến một thành xứ Samari, tên là xy-kha, gần thuở đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đây, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mõi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng 12 giờ trưa. Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước; Đức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống.”
Với lời của Chúa Giêsu; trong mọi cuộc đối thoại, Người thường khai mở để đưa người đối diện với Người dễ gần gũi Người hơn, như đối với Nathanaen, và hôm nay với người phụ nữ người Samari: “Chị cho tôi xin chút nước uống.” Đã mở ra một sứ vụ truyền giáo đem lại biết bao con người đến với Người và tin vào Người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con biết đơn sơ, khiêm tốn trong mọi cuộc đối thoại với tha nhân để đem họ đến gần với Tin Mừng.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
15 Tháng Ba
Ðời Là Một Chuyến Ði
Một tác giả nọ đã nói lên tính cách bí ẩn của cuộc sống con người bằng một câu chuyện như sau:
Tại một vùng quê nọ bên Tây phương, một ông từ nhà thờ có thói quen mà không ai có thể lay chuyển được. Mỗi ngày, cứ 15 phút trước giờ ngọ, ông gọi điện thoại đến cho người tổng đài trong vùng và hỏi giờ. Ngạc nhiên về thói quen lạ lùng ấy, người tổng đài đã đặt câu hỏi: “Thưa ông, nếu không có gì làm phiền ông, xin cho ông biết lý do hỏi giờ như thế mỗi ngày?”. Ông từ nhà thờ mới giải thích: “Ồ, có gì đâu. Tôi là người phải kéo gác chuông mỗi ngày vào giờ ngọ. Tôi cần biết giờ chính xác”.
Người tổng đài điện thoại mới vỡ lẽ ra. Ông nói với ông từ nhà thờ như sau: “Thật là buồn cười. Trong khi ông hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi lại điều chỉnh đồng hồ theo tiếng chuông của ông”.
Tác giả của câu chuyện trên đây kết luận rằng: cuộc sống quả là một bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời. Chúng ta cần một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Và người có thể nói với chúng ta về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chính là Thiên Chúa, Chủ tế của sự sống.
Kinh thánh, Lời của Chúa, thường ví cuộc sống như một cuộc hành trình. Từ lúc Noe xuống tàu, qua Abraham cất bước ra đi vào vùng đất xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Ðức Maria và cả cuộc đời không ngừng di động của Ðức Kitô: tất cả đều là những hình ảnh diễn tả cuộc hành trình Ðức Tin của người Kitô chúng ta.
Ðời là một cuộc hành trình… Ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng. Tuổi thơ và thanh niên được dệt bằng những năng động để không ngừng dự phóng và tiến tới. Ở tuổi trung niên, thành công tràn ngập nhưng thất bại cũng giăng đầy lối đi: có những người bạn chợt đến rồi đi; vui tươi hớn hở chớm nở, nhưng thất vọng cũng bao trùm… Rồi tuổi già chợt đến, chúng ta mới nhận ra rằng tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ…
Ðời là một cuộc hành trình. Ðức Kitô đã trải qua cuộc đời trần thế bằng không biết bao nhiêu cuộc hành trình. Sinh ra trong một cuộc hành trình, vừa mở mắt chào đời đã phải vội vã ra đi như một người tị nạn. Năm 12 tuổi lạc mất trong một cuộc hành trình… Ra đời, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Palestina. Và cuối cùng, Giêrusalem, đồi Calvê là điểm đến của cuộc hành trình.
Qua cuộc hành trình không nghỉ ngơi ấy, Ðức Kitô đã tuyên bố với chúng ta: “Ta là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống”.
Chỉ trong Ngài, qua dấu chân của Ngài, chúng ta mới thật sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình của chúng ta… Ngài là Con Ðường dẫn chúng ta về cõi phúc vinh quang. Nhưng Con Ðường của Ngài chính là Con Ðường của yêu thương và phục vụ… Hãy tin tưởng rằng khi chúng ta sống yêu thương, sống phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên Con Ðường của Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật III Mùa Chay, Năm A
Bài đọc: Exo 17:3-7; Rom 5:1-2, 5-8; Jn 4:5-42 (hoặc 4:5-15, 19b-26, 39a, 40-42).
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa kiên nhẫn hoán cải tâm hồn con người.
Trong hành trình đức tin, nhiều người nghĩ họ tin vào Thiên Chúa là do ý muốn và công sức của họ; nhưng thực ra, Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc hoán cải tâm hồn con người, Ngài cho họ cơ hội gặp gỡ, dùng Lời Chúa bên ngoài và thúc đẩy của ơn thánh bên trong, để giúp họ nhận ra tình yêu Ngài dành cho họ, và họ tin vào Ngài. Nếu Thiên Chúa không tỏ tình yêu trước, chẳng ai có thể tin vào Ngài để được cứu độ.
Trong 3 tuần lễ liên tiếp của Chủ Nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm của Mùa Chay, Giáo Hội muốn dùng 3 bài Phúc Âm của thánh Gioan, chương 4, 9, và 11, để giáo dục niềm tin của các tân tòng. Mục đích là để giúp họ nhận ra 3 điều chính: Thứ nhất, Thiên Chúa kiên nhẫn đi tìm họ để giúp họ tuyên xưng niềm tin vào Ngài qua nước của bí-tích Rửa Tội qua câu truyện Chúa Giêsu hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Thứ hai, sau khi họ đã trở thành tín hữu, Ngài sẽ tiếp tục giáo dục để họ nhận ra những sự thật khác về Thiên Chúa và về cuộc đời, qua câu truyện Chúa Giêsu mở mắt cho anh mù từ lúc mới sinh. Sau cùng, Ngài sẽ cho họ được sống lại từ cõi chết như Ngài đã cho anh Lazarus đã chết 4 ngày được sống lại.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật sự kiên nhẫn và tình thương tha thứ của Thiên Chúa trong việc hoán cải tâm hồn con người. Trong bài đọc I, khi dân chúng không có nước để uống trong sa mạc, họ kêu trách Moses và đe dọa trở về đất nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa truyền lệnh cho Moses đập vào tảng đá ở núi Horeb khiến cho nước trào ra cho dân chúng uống. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác quyết Thiên Chúa vẫn thương con người ngay khi họ vẫn còn là tội nhân, Ngài đã ban cho con người Đức Kitô để chịu chết và tha tội cho con người, để mở lối cho con người vào hưởng mọi ân sủng, và để chỉ đường cho con người vào chốn trường sinh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kiên nhẫn hướng dẫn người phụ nữ Samaria để chị nhận ra và tin tưởng vào Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Sau khi được soi sáng, chị trở thành nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho dân của chị, và chị đưa mọi người đến với Chúa Giêsu để được Ngài hướng dẫn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”
1.1/ Con người luôn kêu trách Thiên Chúa khi gặp trái ý: Hành trình của dân Do-thái 40 năm trong sa mạc có thể được so sánh với hành trình của mỗi người chúng ta trên đường tiến về quê trời. Thiên Chúa đã làm rất nhiều ơn lành cho con người, nhưng họ không bao giờ thấy đủ. Khi dân Do-thái thấy không có nước uống trong sa mạc, họ đã kêu trách ông Moses rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” Ông Moses kêu lên cùng Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!”
1.2/ Thiên Chúa luôn kiên nhẫn sửa dạy con người: Ngài vừa mới làm bao nhiêu phép lạ trước mắt họ để đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập. Họ cần hiểu rằng: Nếu Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, Ngài cũng có uy quyền để cung cấp cho họ những thứ cần thiết trên đường. Ngài đã cho họ có bánh ăn, manna, và giờ đây Ngài cũng sắp cho họ có nước uống.
Manna và nước uống cần thiết cho cuộc sống thể lý của con người; nhưng theo các thánh giáo-phụ, đây chỉ là hình ảnh của thức ăn thiêng liêng mà Thiên Chúa sẽ ban cho con người trong tương lai. Manna tượng trưng cho Mình (thịt) của Chúa Giêsu, và nước uống tượng trưng cho Máu của Ngài. Tảng Đá đây chính là thân thể của Ngài, và khi người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu khi Ngài sinh thì trên Thập Giá, tức thì Máu cùng Nước chảy ra.
Thịt và Máu của Chúa Giêsu chính là lương thực thần thiêng mà Ngài ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể, để nuôi dưỡng và cung cấp sức mạnh cho con người đời trên hành trình tiến về quê trời. Điều này đã được Gioan cắt nghĩa chi tiết trong chương 6. Chúa Giêsu cắt nghĩa cho người phụ nữ Samaria trong bài Phúc Âm của Gioan tuần này, khi Ngài nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Chúng ta có thể hiểu Nước chính là Máu của Chúa ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
2.1/ Những điều con người được lãnh nhận từ Đức Kitô: Theo thánh Phaolô, con người được cứu độ là do hoàn toàn tình thương của Thiên Chúa, chứ không do bởi bất cứ một việc lành nào con người làm. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô liệt kê 5 ơn lành con người được lãnh nhận từ Đức Kitô.
(1) Được trở nên công chính: Con người được trở nên công chính là do bởi việc đặt niềm tin nơi Đức Kitô. Lề luật không có sức mạnh làm con người trở nên công chính.
(2) Được bình an với Thiên Chúa nhờ hòa giải: Tội lỗi gây ra sự xáo trộn trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Đức Kitô chịu chết để xóa tan tội lỗi cho con người, và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa.
(3) Được hưởng muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa: Cái chết của Đức Kitô mang lại cho con người muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa qua các bí-tích Ngài thiết lập, bắt đầu từ sự kiện người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
(4) Được hy vọng hưởng vinh quang của Thiên Chúa: Một khi đã được tẩy sạch khỏi tội lỗi và được thánh hóa bằng các ân sủng, con người trở thành những người con thánh thiện, xứng đáng được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa trong Nước Trời.
(5) Được sự hiện diện của Thánh Thần: Để giúp con người nhận ra những sự thật và tình yêu của Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta một Đấng Phù Trợ khác là Chúa Thánh Thần sau khi Đức Kitô về trời.
2.2/ Thiên Chúa chứng tỏ tình thương của Ngài cho con người qua Đức Kitô: Để chứng minh Thiên Chúa là người đi bước trước trong hành trình đức tin của con người, Phaolô đưa ra hai bằng chứng rõ ràng:
(1) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ chưa biết Ngài: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.”
(2) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ còn là tội nhân: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.”
3/ Phúc Âm: “Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
3.1/ Thiên Chúa đi tìm con người, bất kể hoàn cảnh và thời gian: Giờ thứ sáu của Do-thái là mười hai giờ trưa của chúng ta. Giờ này đa số mọi người ở trong nhà để ăn trưa và nghỉ ngơi. Chúa Giêsu chịu đựng nắng nôi, vất vả đi tìm chiên lạc để dắt về cho Thiên Chúa. Để chinh phục người phụ nữ Samaria, trước hết Chúa Giêsu phải vượt bức tường kỳ thị chủng tộc, vì người Do-thái không muốn có bất cứ sự liên hệ gì với người Samaria, họ coi người Samaria như những Dân Ngoại. Một bằng chứng cho sự kỳ thị này được tìm thấy trong Tin Mừng Lucas, khi dân Samaria không chịu tiếp đón Chúa Giêsu, hai ông Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu để hai ông khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi dân thành đó (Lk 9:53-54). Kế đến, Chúa Giêsu phải vượt bức tường xét đoán của các môn đệ khi Ngài nói chuyện với một phụ nữ. Những điều này được bày tỏ qua câu hỏi ngạc nhiên của người phụ nữ Samaria, sau khi Chúa Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng việc xin nước uống: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”
3.2/ Chúa Giêsu mặc khải về “Nước Hằng Sống:” Chúa Giêsu xin nước uống chỉ là để mở đầu câu truyện, và để mặc khải cho người phụ nữ về một điều quan trọng của Thiên Chúa. Ngài trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”
Chị phụ nữ không nhận ra điều Chúa Giêsu muốn nói về “Nước Hằng Sống.” Chúa Giêsu không dùng mạo từ để xác định nước mà chị phụ nữ đang nói tới. Chị tưởng Chúa Giêsu muốn nói về “nước giếng,” với mạo từ xác định, nên chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”
Chúa Giêsu phân biệt giữa “Nước Hằng Sống” và “nước này.” Ngài nói với chị: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Chúa Giêsu có thể muốn đề cập tới hai điều ở đây: Thứ nhất, Nước Rửa Tội. Nước của bí-tích Rửa Tội sẽ tẩy trừ mọi tội lỗi của con người; không những thế, nó còn ban cho con người mọi ân sủng cần thiết cho cuộc sống đời đời. Thứ hai, Máu của Ngài trong bí-tích Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng và thánh hóa con người để họ trở nên những người xứng đáng lãnh nhận Nước Trời. Chương 6 của Gioan sẽ dành đặc biệt để nói về Mình Thánh Chúa.
Chị phụ nữ tuy không hiểu rõ Chúa Giêsu muốn nói gì, nhưng có lẽ vì muốn tránh mỏi mệt mỗi ngày khi phải kín nước, nên xin Chúa Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”
3.3/ Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: Để giúp chị tin vào Ngài, Chúa Giêsu bày tỏ uy quyền của Ngài qua việc cho chị biết: Ngài đã nhìn thấu cuộc đời của chị. Ngài bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giêsu bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”
Thấy người lạ nói “trúng tim đen” của mình, chị phụ nữ giật mình và tuyên xưng: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Jerusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu mặc khải về sự thờ phượng thật trong thần khí và trong chân lý: Khi quốc gia Do-thái bị tách làm hai dưới thời vua Jeroboam, nhà vua cho xây một đền thờ tại Bethel, thuộc Samaria. Mục đích là để cho dân khỏi xuống Jerusalem để bị ảnh hưởng bởi vua của miền Nam. Chúa Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Messiah, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Hành trình đức tin của người phụ nữ khởi hành từ chỗ nhìn Chúa Giêsu như một người Do-thái thù nghịch, đến chỗ thú nhận “Ngài là một ngôn sứ.” Sau cùng đến chỗ tin Ngài là Đấng Messiah, khi chị mời gọi mọi người đến với Chúa Giêsu: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”
3.4/ Tin Thiên Chúa là phải thi hành thánh ý của Ngài: Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Rabbi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”
Các môn đệ loay hoay lo lắng tìm của ăn phần xác, trong khi Chúa Giêsu vất vả tìm kiếm lương thực phần linh hồn. Lương thực đó không gì khác hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa, mà thánh ý Thiên Chúa là làm sao cho mọi người được cứu độ. Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy kết quả truyền giáo của Ngài: “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng!” Đồng lúa đã chín vàng đây là dân thành Samaria, và chị phụ nữ có thể được coi là nhà truyền giáo đầu tiên trong Tin Mừng Gioan.
3.5/ Niềm tin có được thực sự là do Thiên Chúa, con người chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để mời gọi người khác bắt đầu hành trình đức tin của họ. Khi nghe lời làm chứng của người phụ nữ, có nhiều người Samaria trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, và họ ra giếng gặp Ngài.
Vậy, khi đến gặp Người, dân Samaria xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
Người khác chỉ có thể dùng lời nói hay việc làm khơi dậy niềm tin trong con người chúng ta. Để có thể sở hữu một niềm tin chắc chắn và một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta cần đích thân chạy đến với Ngài, và đào sâu mối liên hệ với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện không ngừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Không phải chúng ta tự ý đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã đi bước trước để chuẩn bị mọi sự cho chúng ta. Điều này chứng tỏ tình thương vô biên của Thiên Chúa.
– Tình thương của Thiên Chúa được biểu tỏ trọn vẹn và hoàn hảo qua Đức Kitô. Chúng ta hãy chạy đến và đào sâu mối liên hệ với Ngài qua Lời Hằng Sống và các bí-tích.
– Con người có trí khôn và tự do. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu để hoán cải con người bằng cách chỉ cho họ thấy tình thương tha thứ của Thiên Chúa, chứ không bằng bất cứ một sự ép buộc nào.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************