Chúa Nhật (15-09-2024) – Trang suy niệm

14/09/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

BÀI ĐỌC I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!”

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

BÀI ĐỌC II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

All. All. – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

15/09/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – B

Mc 8,27-35

MẦU NHIỆM THẬP GIÁ

Đức Giê-su lại hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (Mc 8,29-30)

Suy niệm: Kể cũng lạ, Phê-rô đã rất chính xác khi đại diện nhóm môn đệ để tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô”, thế mà Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Ngài. Sự thật là Phê-rô chỉ mới nói đúng về ‘lý thuyết’ nhưng ông và các bạn môn đệ còn mù mờ chưa hiểu rằng Đấng Ki-tô mà mọi người phải nhờ tin mới được cứu độ (x. Ga 20,31) trước đó “phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết, và sau ba ngày sống lại” rồi mới đem lại sự sống vinh quang (x. Lc 24,26). Sự nông cạn của Phê-rô càng tỏ rõ qua việc ông cố tình can ngăn Đức Giê-su đi nộp mình chịu chết… Thế nên, làm sao có thể nói về Ngài khi chưa hiểu Ngài!

Mời Bạn: Để biết Đức Giê-su, trước hết, chúng ta được mời gọi đến và ở lại với Ngài; để là môn đệ đích thực của Chúa, phải tin nhận Ngài là Đấng Ki-tô mà là Đấng Ki-tô chịu đóng đinh thập giá. Chúng ta chỉ mất vài giây để nói lên lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su, nhưng chúng ta phải dùng mọi giây phút suốt cả cuộc đời để “vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Ngài” (Lc 9,23).

Sống Lời Chúa: Tự nguyện làm những hy sinh, hãm mình và đón nhận những đau khổ thử thách cách vui lòng để vác thập giá mình hằng ngày đi theo Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, thì Chúa cũng đồng thời công khai ý định đón nhận thập giá. Xin giúp con hiểu rằng, đức tin không chỉ là lời tuyên xưng nơi môi miệng, mà còn phải vác thập giá để theo Chúa mỗi ngày. Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM: AI MUỐN THEO TÔI  

Trước câu hỏi của Thầy Giêsu: “Anh em nói Thầy là ai?”

Phêrô đại diện cho cả nhóm đã trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”

Câu trả lời này đã mở ra một giai đoạn mới,

vì từ nay Thầy Giêsu không còn giảng bằng dụ ngôn nữa.

Thầy sẽ bắt đầu nói thẳng về những biến cố sắp xảy ra.

Khi tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia,

Phêrô đã khẳng định một điều hết sức quan trọng.

Dân Israen đã chờ Đấng Mêsia cả sáu thế kỷ.

Họ mong Đấng ấy đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ,

cho đất nước được độc lập, hạnh phúc, ấm no.

Họ vẫn chờ một vị vua thuộc dòng tộc Đavít lên ngôi,

đúng như lời Thiên Chúa đã hứa (2 Sm 7,12-17). 

Phêrô tin Đấng Mêsia đã đến rồi, không phải chờ nữa!

Đấng Mêsia là Thầy Giêsu đang ở ngay bên.

 

Vào chính giây phút Phêrô reo lên như thế,

Thầy Giêsu đã vén mở cho các môn đệ

con đường làm Mêsia rất khác thường của Thầy.

Con đường này hẳn làm các ông chưng hửng,

vì đây là một Mêsia chỉ chiến thắng sau bao khổ đau,

một Mêsia sống lại sau khi bị giết chết.

Nhưng đây là con đường Thiên Chúa muốn Thầy đi,

đây là kế hoạch mà Đấng Mêsia “phải” chấp nhận.

Phêrô đã phản ứng mạnh mẽ khi nghe Thầy nói

về con đường bi thảm Thầy sắp đi.

Ông không thể chấp nhận chuyện Thầy bị hãm hại.

Ông muốn kéo Thầy ra khỏi những suy nghĩ u ám

về định mệnh đang chờ mình.

 

Phêrô đã thất bại trong việc lôi kéo Thầy,

vì Thầy Giêsu thấy đằng sau lòng tốt của Phêrô

có bóng dáng của Xatan, kẻ đã từng cám dỗ Ngài.

Nơi hoang địa, Xatan đã lôi kéo Đức Giêsu

đi vào con đường cứu độ theo kiểu trần tục tự nhiên

nhờ nhảy xuống từ nóc Đền thờ hay quỳ bái lạy nó.

Giờ đây, Phêrô lại đang làm một điều tương tự,

bởi đó Thầy Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ không kém.

Thầy đã gọi anh học trò yêu quý là Xatan,

và Thầy ra lệnh cho anh lui ra đằng sau Thầy,

đứng vào đúng chỗ của người môn đệ.

Phêrô không muốn Thầy đi vào con đường khổ nhục,

nhưng ý nghĩ của ông không phải là ý Thiên Chúa.

 

Con đường Thầy Giêsu cũng là đường cho đám đông, 

cho bất cứ ai muốn theo, bây giờ và mãi mãi.

Những gì Thầy phải làm thì môn đệ cũng phải làm.

Đó là từ bỏ chính mình, làm cho mình ra không (Pl 2,7).

Đó là vác thập giá của mình, là chấp nhận mất mạng sống.

Người môn đệ Thầy Giêsu cũng phải trải qua khổ đau,

qua cái chết nhục nhằn mới được vinh quang phục sinh.

Đời người môn đệ phải kết dính với đời Thầy Giêsu:

đi sau Thầy, vác thập giá mình mà theo Thầy,

và chịu mất mạng sống ở đời này vì Thầy (Mc 8,34-35),

bởi lẽ chính Thầy đã vác thập giá của mình (Mc 15,20-21)

và đã chịu mất mạng vì họ (Mc 10,45). 

 

Chẳng ai là môn đệ Chúa Giêsu mà lại đi đường khác.

“Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa

thì cũng phải đi như chính Đức Giêsu đã đi” ( 1 Ga 2,6). 

Vào thời bạo chúa Nê-rô, các kitô hữu bị bách hại dã man.

Họ thấy ấm lòng khi đọc Tin Mừng Máccô

vì biết mình đi sau Thầy, đi cùng một đường với Thầy.

Các kitô hữu hôm nay cũng không ngạc nhiên 

nếu đời họ được che phủ dưới bóng thập giá.

Có nhiều thứ bách hại thời nay tinh vi hơn của Nêrô,

kéo họ chiều theo cái lợi nhất thời của lối nghĩ trần tục,

tìm giải pháp dễ dãi để giải quyết ngay những khó khăn.

 

Chọn theo Giêsu là chọn theo Ngài đi vào đường hẹp.

Nếu thấy mình đi trên đường rộng rãi, thênh thang,

thì không chắc mình đang đi trên Đường Giêsu.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

Xin nhớ đến sáu triệu người đã bị chết vì hơi ngạt, 

bị giết, bị dìm dưới nước, bị thiêu sống, bị tra tấn, 

bị đánh đập hay chịu lạnh cóng cho đến chết.

Chỉ vì lòng độc ác của một người

mà cả dân tộc chúng con bị đóng đinh,

trong khi thế giới lặng lẽ đứng nhìn.

Trái tim chúng con 

sẽ chẳng bao giờ quên được những chuyện đó.

 

Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,

Xin cho tro cốt của những đứa trẻ bị thiêu ở Auschwitz,

cho dòng sông máu đổ ra ở Bab-bi Yar hay Maj-da-nek,

trở thành lời cảnh báo cho nhân loại biết rằng:

lòng căm thù dẫn đến hủy diệt, bạo lực thì dễ lây lan,

và khả năng độc ác của con người thì vô hạn.

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

Xin Chúa hãy làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:

“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc, thành cày, 

rèn giáo mác nên liềm, nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Amen. 

Alexander Kimel (người sống sót sau Holocaust) 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG CHÍN

Mầu Nhiệm Hội Thánh

Từ sự hiện diện của Đức Kitô trong thâm sâu cõi lòng con người, chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm Hội Thánh. Bản văn Sách Tông Đồ Công Vụ giúp chúng ta khám phá về sự bắt đầu của Hội Thánh. Hội Thánh là một cộng đoàn được khai sinh từ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Hội Thánh mới được khai sinh này được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm cho sinh động. Chẳng hạn, chính trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ đã mạnh dạn xông pha rao giảng.

Nhìn lại chính buổi ban đầu của Giáo Hội, chúng ta nhận thấy một mối liên kết chặt chẽ giữa trách nhiệm nhân loại của các tông đồ và sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh Giêrusalem viết cho dân ngoại: “Điều đó dường như tốt đẹp đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng ta…” (Cv 15,28, RSV). Chắc hẳn ở đây có một ám chỉ về tính cộng tác giữa Chúa Thánh Thần và các tông đồ.

Không hề có chuyện tình cờ ở đây. Cũng như linh hồn của Kitô hữu được Thiên Chúa Ba Ngôi trú ngụ, thì Giáo Hội – là cộng đoàn các Kitô hữu – cũng được Thiên Chúa Ba Ngôi trú ngụ như vậy. Quả thực, Kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi bởi vì Kitô hữu là một thành phần trong Nhiệm Thể Đức Kitô, trong mức độ mà Kitô hữu là cành nho sống động, tháp nhập vào thân nho thật là Đức Kitô.

Ngay tại thế này, bất chấp những khốn khổ trong cuộc sống hằng ngày, Hội Thánh vẫn ở trong sự mật thiết với Thiên Chúa, và đấy là cơ sở cho tính bất khả ngộ của Giáo Hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 15/9

Chúa Nhật XXIV Thường Niên

Is 50, 5-9a; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35.

LỜI SUY NIỆM: “Người trách ông Phêrô: Xatan! lui lại đằng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8,33)

          Khi Phêrô đứng trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô đã nhanh nhẫu tuyên xưng niềm tin của mình: “Thầy là Đấng Kitô”. Được Chúa Giêsu dặn dò: “Chúa Giêsu liền cấm ngặt các ông không đươc nói với ai về Người”. Nhưng liền đó, sau khi nghe Chúa Giêsu tiên báo về sự thương khó và Phục Sinh của Người, Phêrô cũng can ngăn Người, và đã bị Chúa Giêsu quở trách: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy”.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang mời gọi mỗi người chúng con: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Xin cho mỗi người chúng con biết dùng sự hy sinh, quên mình hằng ngày như là của lễ dâng lên Chúa để đền tội cho chính chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 15-09 KÍNH NHỚ BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Lòng đạo đức của các tín hữu tập trung trước hết vào cảnh nát lòng mà Đức Trinh Nữ phải chịu trong ngày Chúa cứu thế chịu nạn. Họ suy gẫm những nỗi đau của Mẹ. Khi Mẹ gặp Chúa Giêsu. Con Mẹ, vai vác thánh giá, lúc mẹ trên đỉnh Canvê đứng dưới chân thánh giá suốt ba giờ hấp hối của Chúa Giêsu, và trong khi Mẹ dự cuộc mai táng Chúa Giêsu, thực sự trọn cuộc đời Mẹ đầy những thương đau. Việc tôn sùng bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria, được một linh mục đạo đức là cha Jean de Coudenberghe thiết lập.

Đau lòng về những tai họa do cuộc nội chiến sau cái chết của nữ bá tước miền Bourgogne, Ngài chạy đến với mẹ sầu khổ. Để hun đúc lòng sùng kính của các tín hữu, Ngài đặt trong ba thánh đường thuộc quyền Ngài một tượng Đức Trinh Nữ với bản khắc bằng thơ, bảy hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho Đức Trinh Nữ phải sầu khổ:

– Lời tiên tri của Simêon.

– Cuộc chạy trốn qua đất Ai cập.

– Việc lạc mất Chúa Giêsu tại Giêrusalem.

– Việc Chúa Giêsu vác thánh giá.

– Việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

– Việc hạ xác Chúa Giêsu khỏi Thánh giá.

– Việc táng xác Chúa Giêsu trong mồ.

Ngày 25 tháng 10 năm 1495, Đức Alexandre VI chấp thuận hội Đức Mẹ sầu bi đã được thành lập tại Bỉ năm 1490. Những cuốn niên giám của hội chứng tỏ rằng việc tôn sùng bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria đã được phổ biến cách rộng rãi ở hai bên sườn núi Flandres.

Lễ kính nhớ bảy sự thương khó Đức Ttrinh Nữ Maria được cử hành vào ngày thứ sáu trước Chúa nhật Thương khó.

Tuy nhiên lòng sùng kính này còn có trước cả những cử hành trọng thể bề ngoài nữa. Tại Florence năm 1233 đã xuất hiện dòng tôi tớ Đức Bà, đặc biệt tôn sùng việc tử đạo của Ngài. Đến năm 1688, dòng này được đặc ân mừng một lễ thứ hai kính nhớ bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria. Ngày 18 tháng 9 năm 1814. Lễ này được Đức Piô VII cho mừng trong cả Giáo hội.

Việc kính nhớ lần thứ hai trong năm phụng vụ này xuất phát bởi ý tưởng cho rằng: trong mùa chay, Giáo hội tập rung vào mầu nhiệm cứu chuộc và không chú ý hoàn toàn vào các sự đau khổ của Mẹ Maria được. Cùng với Giáo hội kính nhớ một lần nữa bảy sự thương khó của Đức Trinh nữ Maria chúng ta chiêm ngưỡng mọi đau khổ của Ngài như sự đồng khổ với Chúa Giêsu, để cùng biết hiệp nhất mọi khó khăn trong đời chúng ta với cuộc khổ nạn hồng phúc của Chúa. 

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

15 Tháng Chín

Ðây Sẽ Là Niềm An Ủi Của Con 

Một trong những hình ảnh thánh thiện nhất về đời sống Kitô có lẽ là hình ảnh của những người hấp hối trên tay cầm thánh giá.

Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà. Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: “Lạy Chúa tôi”. Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: “Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều. Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ”. Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.

Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: “Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con”.

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Ðức Mẹ Ðau Khổ hay cũng thường được gọi là 7 sự thương khó của Ðức Mẹ.

Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ Maria quả thực là một người đàn bà đau khổ. Nhưng cũng giống như người đàn bà can đảm trong câu chuyện trên đây, Mẹ luôn có Chúa bên cạnh. Còn nỗi đớn đau nào bằng khi ôm lấy xác Chúa được tháo gỡ từ thập giá? Nhưng đó cũng là bí quyết của Mẹ. Mẹ luôn có Chúa trong lòng, từ lúc cất giữ mọi sự trong lòng để suy niệm cho đến lúc ôm lấy xác Chúa: từng phút giây của cuộc sống, Mẹ đau khổ nhưng luôn có Chúa trong lòng. Sự hiện diện của Chúa trong lòng đã giúp Mẹ đi hết cuộc hành trình Ðức Tin.

Là mẫu mực trong cuộc hành trình Ðức Tin, Mẹ cũng muốn trao gởi Ðấng Cứu Thế cho mỗi người chúng ta. Mang lấy Ðức Kitô chịu đóng đinh trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy được sự nâng đỡ trong muôn nghìn thử thách đớn đau trong cuộc sống.

Mẹ Maria đã đảm bảo cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy kết hiệp với thập giá của Ðức Kitô. Trong mọi đau khổ, chúng ta hãy ngước nhìn lên thập giá của Ngài. Chúng ta hãy thốt lên như thánh Phaolô: “Tooi chỉ biết có mỗi Ðức Kitô chịu đóng đinh”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 24 – Năm B – Thường Niên.

Bài đọc: Isa 50:5-9a; Jas 2:14-18; Mk 8:27-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đau khổ là con đường duy nhất dẫn tới vinh quang. 

            Cô P đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở, mẹ cô đã qua đời để lại cha cô và 3 người em. Cô phải thay mẹ chăm sóc các em; nhất là người em gái còn trẻ mắc chứng bệnh “lupus” hiểm nghèo. Khi gặp một linh mục công giáo đến an ủi, cô rơm rớm nước mắt và thắc mắc: Tại sao một Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự và thương yêu con người, lại bắt cô, em cô, và gia đình cô phải chịu nhiều đau khổ như thế?

            Các Bài Đọc hôm nay có thể giúp trả lời thắc mắc của cô P: mặc dù Thiên Chúa có uy quyền làm cho mẹ cô P sống và chữa lành em cô khỏi bệnh; nhưng Ngài chọn con đường đau khổ để mọi người trong gia đình cô P được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo những gì sẽ xảy ra cho Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhưng sẽ vượt qua tất cả vì một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa. Chính vì những đau khổ Ngài chịu, mà ơn cứu độ được dâng tặng cho mọi người. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: đức tin của họ vào Thiên Chúa phải được bày tỏ qua hành động. Nếu họ yêu thương Thiên Chúa, họ cũng phải giúp đỡ tha nhân bằng những hành động cụ thể. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Trong Phúc Âm, khi Phêrô can ngăn Chúa Giêsu đừng chấp nhận con đường đau khổ, Ngài mắng Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Bài ca thứ ba về Người Tôi Trung của Thiên Chúa

1.1/ Người Tôi Trung phải chịu đau khổ: Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước những gì sẽ xảy ra cho Đấng Thiên Sai và cho con người. Đấng Thiên Sai là Người Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ giải thoát con người bằng cách chịu mọi cực hình và gian khổ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Những điều tiên đoán này đã xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài được Thiên Chúa sai xuống trần để chuộc tội cho con người; nhất là trong Cuộc Thương Khó và cái chết đau khổ của Ngài trên Thập Giá.

1.2/ Niềm tin vững mạnh của Người Tôi Trung vào Thiên Chúa: Để vượt qua đau khổ, Người Tôi Trung cần có một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài tới thế gian: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?”

            Trong những phải đương đầu với đau khổ như cô P, không ai có thể giúp cô được, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Ngài để đau khổ xảy ra cho cô, không phải vì Ngài không thương cô hay muốn cô chịu đau khổ cho bỏ ghét; trái lại, Ngài muốn cô và mọi người trong gia đình nhận ra một sự thật: họ không thể sống thiếu tình thương của Thiên Chúa. Trong giai đoạn hiện tại, họ phải chịu gian khổ; nhưng trong tương lai, họ nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cha mẹ, của những thành phần trong gia đình. Những điều này sẽ giúp họ trung thành với Thiên Chúa và với nhau hơn. Hậu quả là họ sẽ cùng nhau đoàn tụ trong Nước Trời.

            Nhưng giả sử nếu những điều này không xảy ra cho gia đình cô P, có thể cô P và những người trong gia đình quá bằng lòng với vật chất thế gian, mà không cần đến Thiên Chúa; điển hình là có vài phần tử trong gia đình cô đã không tham dự thánh lễ hàng tuần nữa! Đây là câu hỏi cho cô P phải suy nghĩ: Nếu mục đích của cuộc đời là được đoàn tụ với Thiên Chúa đời đời trên Thiên Đàng, điều nào đáng cho cô P mong ước hơn: chịu đau khổ tạm thời ở đời này hay chịu đau khổ và xa cách vĩnh viễn ở đời sau?

2/ Bài đọc II: Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.

2.1/ Ngụy biện của con người: Nhiều con người ngày nay đang đánh lừa chính mình và người khác bằng ngụy thuyết: con người được công chính hóa nhờ đức tin, chứ không nhờ bất cứ việc lành nào con người làm (Rom 3:28, Gal 2:16). Thánh Phaolô quả thực có lý do để nói điều này vì con người được cứu chuộc nhờ giá máu của Đức Kitô; nhưng không phải vì đó, mà con người sẽ được cứu chuộc bằng bất cứ giá nào. Chính thánh Phaolô cũng đưa ra bao điều con người phải thực hành để được cứu độ. Chúng ta có thể liệt kê ít là 3 ví dụ trong Thư Rôma:

            (1) Trong Ngày Phán Xét: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời” (Rom 2:6-7).

             (2) Hay nói về việc không được xét đoán, thánh Phaolô dạy: “mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa. Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rom 14:12-13).

             (3) Hay nói về việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, ngài khuyên: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rom 13:12-13).

            Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố thẳng thắn: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Thánh Giacôbê trong trình thuật hôm nay đưa ra một trường hợp cụ thể: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”

2.2/ Đức tin phải biểu tỏ bằng hành động: Vấn đề ở chỗ không phải chọn có đức tin hay làm việc lành; nhưng ở chỗ có đức tin và làm việc lành, làm việc lành là dấu biểu tỏ người có đức tin. Vì thế, thánh Giacôbê kết luận: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” Đức tin và làm việc lành như hai mặt của một đồng tiền; đã chọn đồng tiền thì phải làm cả hai. Mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm này: chúng ta không tin được những người chỉ yêu bằng môi miệng; nhưng nhìn vào những việc làm của họ, chúng ta có thể nhận ra họ yêu thương chân thành hay không. Hoàn cảnh đau khổ mà gia đình đang chịu sẽ giúp em cô P nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cô P, và của các thành phần trong gia đình. Sự cảm nhận này sẽ giúp em cô P tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của những người trong gia đình; chứ không sống ích kỷ như không có Thiên Chúa và không có ai trong cuộc đời. 

3/ Phúc Âm: Thầy là Đấng Thiên Sai.

3.1/ Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Caesarea Philippi. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Mỗi ý kiến trên đây đều dựa vào một trong những đặc điểm của Chúa Giêsu như nói năng thẳng thắn như Gioan Tẩy Giả, có uy quyền làm phép lạ như tiên tri Elijah. Nhưng tất cả những ý kiến này không diễn tả đúng nguồn gốc của Chúa Giêsu.

            Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu hay Đấng Thiên Sai mà Cựu Ước thường xuyên đề cập tới. Ngài có nguồn gốc từ Thiên Chúa và được sai tới để giải thoát con người. Trong Marcô, Đức Giêsu thường cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Lý do, Ngài muốn họ hiểu biết đúng về Đấng Thiên Sai: Ngài không dùng uy quyền, nhưng chịu đau khổ để giải phóng con người.

3.2/ Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ: Sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thiên tính của Chúa Giêsu, Người bắt đầu mặc khải cho các ông biết về cách thức cứu độ mà Đấng Thiên Sai phải trải qua: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.”

            (1) Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để cứu độ con người: Dĩ nhiên, Thiên Chúa có uy quyền để cứu độ con người theo cách thức con người mong muốn; nhưng đó không phải là cách thức Ngài mong muốn, mà là qua con đường đau khổ. Nhiều người chất vấn tại sao Thiên Chúa làm như thế? Câu trả lời trước tiên là con người không khôn ngoan hơn Thiên Chúa: khi Thiên Chúa chọn cách nào, đó là cách thức tốt đẹp nhất cho con người. Nếu đầy tớ không thể chất vấn người chủ tại sao phải làm cách này mà không làm cách kia, con người cũng không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Thứ hai, theo kinh nghiệm, con người chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa khi họ bị đau khổ; khi con người sung sướng, hạnh phúc, rất ít người nhớ tới và yêu thương Thiên Chúa. Sau cùng, con người yêu thương sâu xa những ai đã hiến mình vì họ; mỗi lần nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận tình thương vô biên Thiên Chúa dành cho họ.

            (2) Con người trốn tránh đau khổ: Phản ứng của Phêrô cũng giống như phản ứng của cô P ở trên, và cũng giống như truyền thống Do-thái tin một Đấng Thiên Sai uy quyền. Họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Đó là lý do ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.

            Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Lời nói của Chúa Giêsu xác nhận tư tưởng của Thiên Chúa khác xa với tư tưởng của con người: thay vì phải chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa; Phêrô muốn Chúa Giêsu làm theo ý của mình. Đó là lý do Chúa mắng ông là Satan, vì Satan luôn cản trở ý định của Thiên Chúa. Đó là lý do Chúa đuổi ông ra đàng sau, vì bổn phận của môn đệ là theo Thầy; chứ không bắt Thầy phải theo mình.

            Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Hãy chấp nhận những lời dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa, cho dù những dạy dỗ này hoàn toàn ngược với ý muốn của chúng ta.

            – Con đường đau khổ là con đường khôn ngoan Thiên Chúa dùng để cứu độ con người. Ngài muốn Con Một Ngài chịu đau khổ để cứu chuộc con người và Ngài cũng muốn dùng đau khổ để con người nhận ra: họ không thể sống thiếu Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.

            – Để trở thành môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải từ bỏ ý riêng mình và vác thập giá theo Chúa. Một cuộc sống dễ dãi sẽ làm chúng ta xa lánh Chúa và không đạt được mục đích của cuộc đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************