Chúa Nhật (16-06-2024) – Trang suy niệm

15/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

BÀI ĐỌC I: Ez 17, 22-24

“Ta sẽ cho cây thấp mọc lên”.

Bài trích sách Tiên tri Êgiêkiel.

Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ một chồi non từ ngọn mọc ra và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi kết quả và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó. Tất cả những cây rừng đều biết Ta là Thiên Chúa, Ta đã hạ cây cao xuống và cho cây thấp mọc lên. Ta đã làm cho cây tươi ra khô héo, và làm cho cây khô trở nên xanh tươi. Ta là Chúa, Ta đã phán và đã hành động”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 91, 2-4. 13-14, 15-16

Đáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa.

1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Đấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm.

2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.

3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Đá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà!

BÀI ĐỌC II: 2Cr 5,6-10

“Dù ra đi hay ở lại trong thân xác, chúng ta hãy sống đẹp lòng Chúa”.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng ta hằng bạo dạn, vì biết rằng bao lâu sống trong thân xác này, là chúng ta lưu lạc xa Chúa, – vì chưng nhờ đức tin, chớ không phải vì đã thấy mà chúng ta tiến bước – Chúng ta cũng bạo dạn và ao ước thà lìa xa thân xác để ở cùng Chúa. Và vì thế, dù ở trong xác hay ra khỏi xác, chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Bởi tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước tòa án của Đức Kitô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình, tùy mình đã làm lành hay đã làm dữ.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 8, 12

All. All. – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 4, 26-34

“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”. Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung Nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh Nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng Lời Chúa cho họ, tùy sức họ có thể hiểu được và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

16/06/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – B

Mc 4,26-34

VẪN TIN, DÙ BIẾT HAY KHÔNG!

“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa như hạt giống âm thầm nẩy mầm, mọc lên, trổ bông kết trái… nhưng bằng cách nào thì người gieo giống không biết! Chi tiết “không biết” này rất nên được lưu tâm. Thật vậy, con người càng biết nhiều – mà ngày nay, kho tàng tri thức của con người đã trở nên đồ sộ hơn bao giờ hết – thì người ta càng nhận ra rằng chúng rất hạn chế so với cõi vô minh bao la vô tận. Vũ trụ tự nhiên vận hành thế nào, người ta còn “không biết” huống chi là “Nước Thiên Chúa”! Bài học ở đây là khiêm nhường, nhìn nhận Thiên Chúa, dành chỗ cho Ngài – không phải chỉ ở những chỗ mình không hiểu, không biết, mà là mọi chỗ trong đời ta.

Mời Bạn: Trong đức tin của Áp-ra-ham, của Đức Ma-ri-a, luôn có bao hàm yếu tố “không biết”: Áp-ra-ham lên đường mà không biết mình sẽ được dẫn đi đâu, không biết bằng cách nào mình đã già mà còn có thể trở thành cha của một dân tộc đông đúc. Đức Ma-ri-a không biết làm sao mình có thể thụ thai, rồi cũng không biết bằng cách nào “triều đại” của Giê-su, con mình, sẽ “sẽ vô cùng vô tận”! Phải chăng nhiều khi sự cố chấp đòi biết tường tận con đường là một cản trở không cho phép ta cất bước lên đường tiến tới những chân trời mới?

Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra Chúa trong mọi sự bằng sự ‘hiểu biết’ của đức tin, ngay cả khi trí óc mình bất lực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa, nhưng Chúa biết đức tin con hèn yếu; xin ban thêm lòng tin cho con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG SÁU

Có Thể Tin Tưởng Dù Ngay Giữa Khổ Đau

“Vì sao Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta?” Câu hỏi ấy đã được đặt ra trong sách giáo lý Kitô giáo hay trong giáo huấn về đời sống Kitôhữu. Trong ánh sáng đức tin kiên vững của Giáo Hội, chúng ta (cả người trưởng thành lẫn thanh thiếu niên) cần phải tâm niệm những lời này: “Thiên Chúa đã tạo nên ta để ta hiểu biết và yêu mến Ngài trong cuộc sống này và để sống với Ngài mãi mãi trong cuộc sống đời sau”.

Đó là một chân lý lớn lao và chắc chắn về Thiên Chúa. Ngài là Cha Trên Trời của chúng ta và là Đấng hướng dẫn cuộc sống chúng ta bằng sự tiếp xúc êm ái và đầy yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài mãi mãi.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/6

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN

Ed 17, 22-24; 2Cr 5, 6-10; Mc 4, 26-34.

Lời suy niệm: Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ tùy theo mức độ họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.” (Mc 4, 33-34)

          Cách giảng dạy của Chúa Giêsu đang giúp cho mỗi một người trong chúng ta khi truyền đạt Giáo lý của Người, chúng ta cần tránh việc đề cao về mình, phô trương sự uyên bác của mình, nhưng biết tìm cách làm sáng tỏ sứ điệp mà mình muốn trao gởi đến người nghe, giúp họ hiểu sứ điệp, đem lại sự sống cần thiết cho họ.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng những dụ ngôn gần gũi với con người, để con người dễ lãnh hội. Xin Chúa giúp cho chúng con được ơn thông hiểu, để nhận ra những điều Chúa muốn nói với chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Sáu

Hãy Ðến Với Ta 

Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước… Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu…

Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn…

Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.

Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Ðức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.

“Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế… Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: “Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy”.

Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 11 – Năm B – Thường Niên

Bài đọc: Eze 17:22-24; II Cor 5:6-10; Mk 4:26-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trên mọi hoạt động của con người.

Trong cuộc đời, có những điều xảy ra vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Chẳng hạn, chúng ta không cắt nghĩa được sự sống, không giải thích nổi đức tin; vì những điều này đến từ Thiên Chúa. Một ví dụ rõ ràng hơn là sự thành hình của Giáo Hội Công Giáo. Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội từ con số 12 các tông đồ, và Giáo Hội đã không ngừng phát triển và tồn tại hơn 2,000 năm qua, cho dẫu phải đương đầu với biết bao những bắt bớ và thăng trầm của lịch sử.

Các bài đọc muốn nhấn mạnh đến tác nhân chính của công trình cứu độ là chính Thiên Chúa, con người chỉ giữ phần phụ thuộc trong công trình này. Trong bài đọc I, Thiên Chúa là Người tìm ngọn hương bá, vun trồng nó, và cho nó phát triển từ một chồi non thành một cây hương bá to lớn, đến nỗi “muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.” Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò của đức tin trong cuộc sống con người. Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa ban cho hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa giống như hạt giống gieo xuống đất, con người có biết đến hay không thì hạt giống vẫn sống: nó nẩy mầm, bén rễ, mọc lên, sinh hoa kết trái, và sẵn sàng cho mùa gặt. Ngài cũng so sánh Nước Thiên Chúa như hạt cải, tuy nhỏ bé nhất trong các hạt giống, nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn cho muôn chim kéo đến làm tổ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là tác nhân chính trong việc tìm ra, vun trồng, và làm cho cây hương bá lớn mạnh.

1.1/ Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng: Các ngôn sứ, đặc biệt Isaiah và Ezekiel, muốn nhấn mạnh đến uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, điều khiển và cứu chuộc; con người chỉ giữ một vai trò rất nhỏ là cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ đã có sẵn đến cho mình, và loan truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân.

Hình ảnh chồi non của cây hương bá mà Thiên Chúa chọn lựa và đem trồng có thể so sánh với hình ảnh chồi non của gốc tổ Jesse trong Isaiah 11:1-10. Chồi non này cách chính yếu là chính Đức Kitô, và cách thứ hai là Giáo Hội mà Đức Kitô thiết lập. Theo Ezekiel, Đức Kitô sẽ trở thành cây hương bá to lớn, thay thế các vua của dòng tộc David để cai trị không chỉ dân Do-thái, nhưng còn mọi quốc gia trên thế giới. Đó chính là ý nghĩa của câu “muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.”

1.2/ Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện: Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa là Người phác họa, thi hành, và mang nó đến chỗ thành công. Một khi Thiên Chúa bắt đầu thi hành, không một uy quyền hay chính thể nào trên thế giới có thể chống lại hay ngăn cản ý định của Ngài. Thiên Chúa có toàn quyền chọn lựa và định đoạt: “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.” Con người thuộc mọi thời đại phải nhận ra và phục tùng uy quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Đọc lại lịch sử Cứu Độ, một điều được các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ lặp đi lặp lại sau các lời tuyên sấm cùa Thiên Chúa là “Đức Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã phán.” Lịch sử Cựu Ước chứng nhận những lời này là trung thực: Thiên Chúa trung thành thực thi những gì Ngài đã hứa. Ví dụ: lời hứa ban cho Abraham một dòng dõi, Đất Hứa; lời hứa ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai, lời hứa sẽ thiết lập một giao ước mới…

2/ Bài đọc II: Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin.

2.1/ Vai trò của đức tin trong cuộc đời của các tín hữu: Theo thánh Phaolô, khi sống trong cuộc đời này, chúng ta không thấy Thiên Chúa; nhưng chúng ta vẫn mạnh dạn tiến bước là nhờ niềm tin vào những lời Chúa nói. Nhiều tác giả ví đức tin như ngọn hải đăng dẫn đường cho con thuyền đời của mỗi người chúng ta trong đêm tăm tối. Trong lịch sử, chúng ta có hàng ngàn hàng vạn những chứng nhân của niềm tin như : Abraham, Isaac, Jacob, Moses, Joshua, Isaiah, Jeremiah, Thánh Giuse, Đức Mẹ, các thánh… Họ can đảm bước đi không phải vì đã thấy; nhưng hoàn toàn do bởi niềm tin vào những gì Thiên Chúa hứa. Kinh Thánh chứng nhận: họ đã không phải hổ thẹn, vì tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đã làm.

Nhiều người phản kháng rằng họ chỉ tin và bước đi khi nhìn thấy kết quả. Điều này khôi hài, vì biết bao lần trong cuộc đời, họ đã làm khi chưa nhìn thấy hậu quả. Họ đã làm theo ý của cha mẹ, thầy cô, các nhà lãnh đạo ngoài đời cũng như trong tôn giáo. Họ đã đặt niềm tin vào những con người phàm này để tiến tới. Tại sao họ lại không đặt niềm tin vào một Thiên Chúa uy quyền có khả năng biến đổi sự vật từ không ra có, và chẳng gì là không thể đối với Người!

Quan niệm của thánh Phaolô về cuộc đời tương tự như truyền thống của Việt-nam: Sống gởi, thác về. Còn sống trong thân xác là con người lưu lạc xa Thiên Chúa; khi dứt bỏ thân xác là con người trở về với Thiên Chúa. Làm sao chúng ta biết điều này là thật? Chúng ta phải tin tưởng vào những gì Thiên Chúa mặc khải và sự suy luận của lý trí. Mặc khải về sự sống lại và sự sống đời sau đã được chứng nhận bởi Đức Kitô trong Kinh Thánh. Suy luận của lý trí về sự trường sinh bất tử của linh hồn được chứng thực bởi các triết gia Hy-lạp.

2.2/ Mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm. Tin tưởng và làm theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời là điều mà một người khôn ngoan phải làm, chứ không phải là điều tùy thuộc; vì sống làm sao, Thiên Chúa sẽ trả cho chúng ta như vậy.

(1) Nếu chúng ta cố gắng tìm ra và sống theo thánh ý của Thiên Chúa, chứ không theo sở thích của chúng ta, Thiên Chúa chắc chắn sẽ cho chúng ta sống lại và hưởng hạnh phúc bên Ngài.

(2) Nếu chúng ta chỉ sống theo ý riêng, chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá cho lối sống đó. Chúng ta sẽ không được sống hạnh phúc với Thiên Chúa và sẽ bị tiêu diệt muôn đời.

3/ Phúc Âm: Con người không thể hiểu thấu công trình của Thiên Chúa.

Trong trình thuật của Marcô hôm nay, Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu diễn giải qua 2 ví dụ. Mục đích của việc diễn giải là để nói lên: (1) Nước Thiên Chúa lớn mạnh là do Thiên Chúa, không do công sức của con người; và (2), Nước Thiên Chúa tuy bắt đầu bé nhỏ, nhưng có tiềm năng lan rộng khắp thế giới.

3.1/ Nước Thiên Chúa được ví như một hạt giống chứa đựng tiềm năng của sự sống. Chúa Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” Qua ví dụ này, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến 3 điều sau đây:

(1) Con người không phải là tác giả của sự sống: Sự sống đến từ Thiên Chúa và được trao ban cho muôn vật. Trong sự tạo dựng của Thiên Chúa, hạt giống tự nó đã có tiềm năng của sự sống. Con người không cho hạt giống sự sống, nhưng có thể giúp nó tăng trưởng và cho kết quả tốt hơn. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa đến từ Thiên Chúa và đã có tiềm năng phát triển. Con người không tạo nên Nước Thiên Chúa, nhưng có thể giúp cho Nước Thiên Chúa mau đến.

(2) Đặc điểm của Nước Thiên Chúa:

* Sự tăng trưởng của nó không hiểu được: Con người có thể nhìn thấy sự tăng trưởng của hạt giống, nhưng không thể cắt nghĩa sự tăng trưởng của nó. Cũng vậy, con người có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa lớn mạnh dần, nhưng không thể cắt nghĩa lý do của sự lớn mạnh này.

* Sự tăng trưởng của nó cứ phát triển đều đặn: Không giống như sự tiến bộ của con người, có lúc tăng trưởng có lúc suy thóai. Sự tăng trưởng của hạt giống và của Nước Thiên Chúa cứ phát triển đều đặn và lớn mạnh dần.

(3) Mùa màng sẽ tới: Khi gieo giống xuống, con người chờ đợi mùa màng tới. Cũng vậy, khi Thiên Chúa bắt đầu triều đại của Ngài, là sẽ có ngày vinh quang. Con người cần kiên nhẫn và chuẩn bị xứng đáng cho Ngày đó.

Đức tin được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn con người. Đức tin đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ con người; nhưng con người có thể cộng tác với Thiên Chúa để làm cho đức tin phát triển. Đức tin có tiềm năng lớn mạnh để giúp con người luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa cho dù phải đương đầu với bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.

3.2/ Tiềm năng của sự sống không lệ thuộc vào hình dạng bên ngoài: Hạt cải là hạt bé nhỏ nhất nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn. Hạt cải bên Palestine là hạt có thể trở thành cây, chứ không phải chỉ trở thành rau như của chúng ta. Trong thế giới thời đó, các đế quốc thường được ví như cây, và các nước chư hầu được ví như cành. Chúa Giêsu có ý muốn nói: Nước Thiên Chúa bắt đầu với một nhóm người Do-Thái nhỏ; nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn, và tất cả con người thuộc mọi quốc gia đến tìm chỗ nương tựa. Điều này đã được chứng minh bằng con số hơn một nửa dân số của thế giới đã tin vào Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức tin là quà tặng quí giá Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn con người. Chúng ta phải biết quí trọng, phát triển, và giữ vững đức tin.

– Chúng ta sống là nhờ đức tin và hy vọng vào Đức Kitô. Nếu không đặt niềm tin nơi Đức Kitô và thi hành những gì Ngài dạy bảo, chúng ta sẽ không có hy vọng được sống muôn đời.

– Đức tin có tiềm năng lớn mạnh và thực hiện những chuyện vượt quá sức con người. Vì thế, khi chúng ta chưa thực hiện được những gì Thiên Chúa đòi, đức tin của chúng ta còn non nớt, yếu kém. Chúng ta cần xin Thiên Chúa củng cố niềm tin cho chúng ta. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************