Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần II Mùa Thường Niên Năm B
BÀI ĐỌC I: 1 Sm 3, 3b-10. 19
“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe'”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng:
1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. – Đáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20
“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại.
Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 11, 23
Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 1, 35-42
“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
17/01/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – B
Ga 1,35-42
RÁP-BI, THƯA THẦY!
Đức Giê-su hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. (Ga 1,38-39)
Suy niệm: Cuộc sống vẫn cứ thế. Nhà nông mong mùa thu hoạch kiếm hoa màu. Công nhân viên chức mong cuối tháng kiếm đồng lương. Người bán mong có người mua để kiếm đồng lời. Học trò mong đỗ đạt kiếm tìm một cuộc sống sung sướng hơn. Thế mà những người môn đệ mới lần đầu tiếp xúc với Chúa, đã nhanh nhẩu đáp: “Ráp-bi, Thầy ở đâu?” Vâng, họ chỉ muốn tìm chính Thầy, và muốn đến chính nơi Thầy ở, và lưu lại đó với Thầy. Cuối cùng, các ông đã chia sẻ sứ mệnh của Thầy và cùng chết với Thầy. Người môn đệ Chúa hôm nay tìm gì? Tiền bạc, việc làm, tiện nghi… Nhưng không đủ nếu chúng ta dừng lại ở đó và coi đó là cùng đích của cuộc đời. Hãy tạ ơn Chúa đi bạn, vì được Giáo Hội hướng dẫn giới thiệu, được Chúa soi sáng thúc đẩy, bạn còn biết tìm chính Chúa. Tìm Chúa nơi tha nhân, nơi cuộc sống cộng đoàn, nơi bổn phận mỗi ngày. Tìm Chúa rồi, hãy ở lại với Ngài, hãy để Ngài ở lại với ta.
Mời Bạn: Khi bạn rong ruổi tìm kiếm lợi lộc cuộc đời mà không bao giờ thấy thỏa mãn, đó là dấu hiệu bạn chưa tìm và chưa gặp Chúa. Hãy bắt đầu tìm Chúa ngay đi bạn. Không bao giờ là quá sớm hoặc quá trễ.
Sống Lời Chúa: “Hãy đến và sẽ thấy”. Hôm nay, bạn thử quyết tâm sống một ngày Chúa Nhật thật trọn vẹn, đỉnh cao là việc tham dự Thánh Lễ.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin đồng hành với con trong mọi bước đường cuộc sống, để trong mọi việc, con luôn nhận ra sự hiện diện của chính Chúa, cùng làm với Chúa và luôn theo ý Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể chuyện Đức Giêsu
gọi bốn môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em ruột.
Để đáp lại, họ phải bỏ nghề đánh cá, bỏ lưới và thuyền,
bỏ cha mẹ, bỏ gia đình thân yêu.
Đó là những điều cao quý và thân thương đối với họ.
Họ chấp nhận bỏ để theo Đức Giêsu,
bước vào cuộc sống mới, bấp bênh hơn, phiêu lưu hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng kể chuyện Đức Giêsu
gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51).
Không thấy nói đến chuyện họ bỏ gia đình hay nghề nghiệp,
nhưng hai môn đệ đầu tiên đã phải bỏ một điều khác.
Họ đã bỏ vị thầy cũ của họ là Gioan Tẩy giả
để đi theo vị thầy mới là Đức Giêsu.
Con đường đến với Thầy Giêsu gồm nhiều bước.
Các bước này xâu thành một chuỗi, gắn kết với nhau.
Bước trước chuẩn bị cho bước sau.
Bước sau lại chuẩn bị cho bước kế tiếp.
Lỡ một bước là làm hỏng cả hành trình,
vì mỗi bước đều có tầm quan trọng như nhau.
Hai môn đệ của Gioan Tẩy giả đã mở lòng để dấn bước.
Và Đức Giêsu cũng mở lòng để mời gọi hai ông.
Như một sự tình cờ, Đức Giêsu đi ngang qua chỗ Gioan
và hai môn đệ của ông đang đứng.
Bước một bắt đầu bằng lời giới thiệu của Gioan.
Lời này không dễ hiểu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).
Trước đây Gioan đã từng làm chứng: “Đây là Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Dù chưa hiểu tại sao thầy mình gọi vị này là Chiên Thiên Chúa,
nhưng hai môn đệ vẫn nghe và tin vào lời của thầy.
Họ đã đáp lại bằng hành động đi theo Đức Giêsu: đó là bước hai.
Đi theo có thể coi là bắt đầu hành trình làm môn đệ.
Đức Giêsu đi trước, hai môn đệ đi sau (Ga 1,37).
Không rõ họ đi như vậy bao lâu, chẳng ai nói một câu.
Hai ông ngần ngại, nhút nhát không dám lên tiếng trước.
Đức Giêsu có biết rằng hai người này đang đi theo mình không,
hay đơn giản chỉ là tình cờ đi chung đường?
Có. Ngài biết rõ hai ông cố ý đi theo mình.
Và Ngài đã quay lại, đã nói câu nói đầu tiên: “Các anh tìm gì?”
Đây là bước thứ ba, bước của Đức Giêsu (Ga 1,38).
Các anh theo tôi để tìm gì? Các anh nghĩ tôi có thể cho cái gì?
Câu hỏi của Đức Giêsu bắt người ta đi vào lòng mình
để nhận ra đâu là khao khát sâu thẳm của trái tim.
Đức Giêsu đã mở lời, bắt đầu cuộc đối thoại.
Câu hỏi của Ngài đã được trả lời bằng một câu hỏi khác:
“Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?” (Ga 1,38):
đó là bước thứ tư, biểu lộ lòng khao khát.
Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn thăm nhà Thầy.
Muốn biết nhà Thầy vì chúng con muốn biết chính Thầy.
Muốn biết rõ một người thì chỉ mong đến nhà người ấy.
“Các anh hãy đến mà xem”: đó là bước thứ năm (Ga 1,39).
Lời mời của Đức Giêsu đáp lại lòng mong mỏi của họ.
Ngài mời họ đến nhà để vén mở cho họ thấy thế giới của mình.
Hai ông vui sướng đáp lại ngay, đó là bước thứ sáu (Ga 1,39).
Họ đã đến, đã xem thấy nơi ở, và đã ở lại với Đức Giêsu.
Có thể họ đã ở lại cả đêm để trò chuyện với vị Thầy mới.
Ngây ngất và hạnh phúc như người khám phá ra kho tàng,
Anrê nhận ra vị Thầy này chính là Đấng Mêsia (Ga 1,41).
Bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Gioan Tẩy giả.
Và bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Anrê.
Ông đã hưởng niềm vui quá lớn đến độ vào hôm sau
ông đã lập tức đi tìm người em là Simôn (Ga 1,41-42),
rối rít khoe với em về khám phá mới,
và không cần nhiều bước, ông dẫn em đến ngay với Đức Giêsu.
Philipphê cũng sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho Nathanaen (Ga 1,45).
Chuyện giới thiệu Đức Giêsu sẽ còn kéo dài đến tận thế.
Nói chung rao giảng Tin Mừng là tiếp tục giới thiệu.
Không ai có thể giới thiệu Đức Giêsu
nếu đã không đích thân gặp Ngài và tin Ngài.
Không ai thực sự gặp Đức Giêsu và tin Ngài
mà lại không muốn giới thiệu Ngài cho người khác.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin hãy đi trước con và làm thầy dẫn lối.
Con xin đi theo Ngài từng bước thôi.
Xin hãy đi sau con và làm người bảo vệ.
Con sẽ đưa Ngài đến thăm tệ xá của lòng con.
Xin hãy đi bên con và làm người bạn đường.
Con sẽ trò chuyện với Ngài suốt đường đi.
(gợi hứng từ Saint Exupéry)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG GIÊNG
Xây Dựng Một Bầu Khí Sống Hoạt Yêu Thương
Nhiều khía cạnh khác của đời sống gia đình cũng cần được quan tâm. Chẳng hạn, chúng ta không được phép quên quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người già lão. Và cũng có những quyền lợi của gia đình xét như một toàn thể – tôi đã đề cập đến những quyền này trong Tông Huấn Familiaris consortio. Tòa Thánh đã đúc kết những quyền này trong bản “Hiến Chương Quyền Của Gia Đình”.
Tất cả các quyền ấy đều rất quan trọng; nhưng ở đây tôi muốân đề cập một cách đặc biệt đến quyền được giáo dục của con cái. Trách nhiệm giáo dục con cái mình là một trách nhiệm rất quan trọng của cha mẹ – qua đó họ giúp con cái mình đạt đến mức trưởng thành đầy đủ trong tất cả các giá trị căn bản nhất của đời sống. Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện con cái trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể.” (GD 3).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17/1
Chúa Nhật II Thường Niên
1Sm 3, 3b-10. 19; 1Cr 6, 13c-15a. 17-20; Ga 1, 35-42.
LỜI SUY NIỆM: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: Các anh tìm gì thế?”
Khi được Gioan giới thiệu về Chúa Giêsu là Đấng quyền thế hơn ông, ông không đáng xách dép cho Người. Hai môn đệ đã rời ông e dè, rụt rè, kính cẩn đi theo sau lưng Chúa Giêsu một cách im lặng; với một khoảng cách. Người biết, và đã rút ngắn khoảng cách đó, bằng cách quay lại, gợi chuyện và cuối cùng chính Người mời họ đến xem nơi Người ở, và họ đã ở lại với Người, ngay ngày hôm đó.
Lạy Chúa Giêsu, Thánh Augustinô khuyên bảo chúng con: “Khi đến với Chúa, chúng ta không đến với một Đấng ẩn mình và giữ khoảng cách với chúng ta, mà đến với Đấng đang chờ chúng ta. Ngài còn đi trước để tìm gặp chúng ta trên đường chúng ta tìm kiếm Ngài”. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con vững tin sống trong tình thương của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-01: Thánh ANTÔN
Viện Phụ (Thế kỷ IV)
Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ.
Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.
Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.
Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.
Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: – Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.
Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: – Oi, lạy Chúa, Chúa ở đâu ? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con ?
Tiếng Chúa trả lờ i: – Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.
Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.
Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: – Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.
Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.
Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.
Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau: – Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.
Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:
– Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết ? Thánh nhân trả lời:
– Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.
Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.
Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: – Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.
Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ:
– Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô .
Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.
Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.
Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: – Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.
Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
17 Tháng Giêng
Cứ Ðể Yên Như Thế
Trong một tác phẩm có tựa đề “Quyển Phúc Aâm thứ 5”, một tác giả người Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời kỳ bách hại tại Roma, các tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta cũng thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh được đặt cho các nhà thờ. Nhưng người ta vẫn chưa thấy có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lời. Thấy thế thánh Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bèn ra lệnh cho thánh Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng kính cho Ngôi Lời.
Con người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng vĩ đại của Giáo Hội mới đi rảo khắp nơi để thu tập vật tư. Thánh Mathêô đã cung cấp đá. Thánh Marcô mang vôi đến. Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng đá cẩm thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..
Với tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở bắt tay vào việc xây cất. Nhưng thời gian trôi qua, công sức đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô mới chỉ hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm mệt, vị thủ lãnh các tông đồ mới cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để hoàn thành ngôi Nhà Thờ”.
Chúa Giêsu mới trả lời: “Cứ để yên như thế. Ngươi hãy nhớ rằng cứ mỗi người đi ngang qua công trình này đều có thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây tường và thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ được dựng lên”.
Có hai sự kiện xem ra tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu giá, vì giáo dân không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ. Trong khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà thờ mới mỗi ngày một gia tăng.
Có thể có hai quan niệm sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống Công Bình và Bác Aùi, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi đó thì có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích biểu dương tôn giáo, họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng đến nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công Bình và Bác Aùi.
Kỳ thực, giữ đạo trong nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một thái độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao. Nhưng sống Công Bình và Bác Aùi mà không múc lấy sức sống từ việc gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng là một thiếu sót. Người Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn đạt sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúa. Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Và cuộc sống cũng sẽ trở nên cằn cỗi, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.
“Hãy trở nên những viên đá sống động”. Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Hãy trở thành những viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền Thờ gỗ đá mới sống động.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật II Thường Niên, Năm B
Bài đọc: I Sam 3:3-10, 19; I Cor 6:13-15, 17-20; Jn 1:35-42.
CHỦ ĐỀ: Nhận ra thánh ý Thiên Chúa
Thiên Chúa có thể mặc khải trực tiếp cho một người hay qua trung gian của người khác. Để nhận ra ý định của Thiên Chúa, nhiều khi con người cần cả ba: Thiên Chúa, người trung gian, và chính đương sự. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những trường hợp con người có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa.
Trong Bài đọc I, Thiên Chúa gọi con trẻ Samuel 3 lần giữa đêm tối trong Đền Thờ, và Samuel đã nhận ra tiếng của Thiên Chúa qua sự giúp đỡ của Thầy Cả Eli. Trong Bài Đọc II, qua sự dạy dỗ của Thánh Phaolô, chúng ta nhận ra phẩm giá của thân xác và phải biết quí trọng nó, vì thân xác chúng ta là một phần chi thể của Đức Kitô, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả chỉ đường cho hai môn đệ thân tín của mình theo Chúa Giêsu. Anrê, sau khi đã gặp được Chúa, dẫn em mình là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con trẻ Samuel được Thầy Cả Êli hướng dẫn để nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa.
Cuộc đời con trẻ Samuel đặc biệt từ khi chưa ra đời. Mẹ của Samuel là Bà Hanna, Bà son sẻ và chịu sự khinh bỉ của người đời vì không có con một thời gian lâu dài. Bà khấn hứa với Thiên Chúa: nếu Ngài ban cho Bà một đứa con, Bà sẽ dâng con trẻ lại cho Thiên Chúa để nó phục vụ trong Đền Thờ luôn. Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của Bà và cho Bà có con trai. Tên Bà đặt cho con trẻ, Samuel, có nghĩa là “quà tặng của Thiên Chúa.” Giữ lời đã hứa với Thiên Chúa, khi con trẻ dứt sữa, Bà mang con và lễ vật hy sinh đến dâng cho Thầy Cả Êli trong Đền Thờ Thiên Chúa tại Shiloh. Sau khi từ giã mẹ, con trẻ Samuel ở luôn trong Đền Thờ từ ngày đó, cho đến khi xảy ra biến cố “Chúa gọi Samuel” hôm nay.
(1) Thiên Chúa gọi Samuel ba lần: Trình thuật kể: “Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Samuel lần nữa. Samuel dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” Bấy giờ Samuel chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Thiên Chúa gọi con người nhiều lần, nhưng con người có biết lắng nghe để nhận ra tiếng Chúa gọi hay không là chuyện khác. Sự ồn ào của thế gian và sự mải mê chạy theo những tiếng gọi khác là những lý do ngăn cản không cho con người nhận ra tiếng Chúa gọi.
(2) Thầy Cả Êli giúp Samuel nhận ra và đáp lại tiếng Chúa: Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông Êli nói với Samuel: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
(3) Samuel đáp trả tiếng Chúa gọi: Được sự hướng dẫn của Thầy, nên khi nghe Thiên Chúa gọi lần thứ ba, Samuel mau mắn thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Kể từ khi nhận ra tiếng Chúa, Samuel tiếp tục đàm đạo với Chúa nhiều lần. Samuel lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.
Mấy điều chúng ta có thể học nơi con trẻ Samuel: (1) Đền Thờ là nơi dễ nhận ra tiếng Thiên Chúa gọi, vì là nơi tĩnh mịch và xa cách những ồn ào của thế gian. Samuel phục vụ nơi Thánh Điện và ngủ trong Đền Thờ tại Shiloh; (2) Mỗi lần nghe tiếng gọi là mỗi lần mau mắn đáp trả, dù chưa nhận ra là tiếng của Thiên Chúa. Mỗi biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời mỗi người là Thiên Chúa đang muốn nói gì với cá nhân đó. Để nhận ra, đương sự cần có thời giờ suy nghĩ và cầu nguyện; (3) Bàn hỏi với vị linh hướng và theo sự chỉ bảo của ngài. Samuel chạy đến với Thầy mình, để xin sự hướng dẫn, và Samuel thực hành những gì Thầy dạy.
2/ Bài đọc II: Thân xác con người quan trọng và cần thiết để làm việc cho Thiên Chúa.
Chúng ta biết hầu hết các Thư viết bởi Phaolô là để trả lời cho những vấn nạn đang xảy ra trong những cộng đòan do Ngài thiết lập. Vấn nạn hôm nay là việc gian dâm, mà có một số người trong cộng đòan Côrintô không cho là tội. Theo một số các triết gia Hy-Lạp, thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn. Vì thế, có 2 lối sống là hệ quả của quan niệm này: (1) khổ chế: hành hạ thân xác bằng ăn chay nghiệm nhặt và đánh đập thân xác để chế ngự nó; và (2) buông thả: vì thân xác không quan trọng trong việc giải thóat con người, nên cứ việc tự do hưởng thụ khóai lạc. Thánh Phaolô phải đương đầu với lối sống thứ hai này; ngài khuyên các tín hữu Corintô phải tránh xa tội gian dâm vì 2 phẩm giá của thân xác.
2.1/ Thân xác anh em là một phần thân thể của Đức Kitô: Thần học về thân thể Đức Kitô là một trong những chủ đề chính của Thư Phaolô. Theo thần học này, các Kitô hữu là những chi thể của thân thể Đức Kitô; vì thế, tất cả các tín hữu đều có bổn phận phải bảo vệ thân thể cho nguyên vẹn, vì một chi thể đau là tòan thân đều cảm thấy đau lây. Dựa vào nguyên lý này, Phaolô kết luận, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa. Ngài hướng dẫn họ:
– Thân xác con người sẽ bị hủy diệt: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.”
– Thân xác con người sẽ được Thiên Chúa cho sống lại: “Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.” Chuyện kết hợp với ai là nên một thân xác với người ấy; điều này chỉ cho phép trong liên hệ vợ chồng. Khi chuyện này xảy ra ngòai liên hệ vợ chồng, kẻ làm chuyện ấy tự tách mình ra khỏi thân thể của Đức Kitô, vì tội lỗi không thể ở chung với sự thánh thiện trong thân thể của Chúa.
2.2/ Thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” Qua Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, các tín hữu đã có Chúa Thánh Thần qua việc xức dầu; và Chúa Thánh Thần là Đấng rất mực thánh thiện vì Ngài là Thiên Chúa. Con người chúng ta không thể sống cho chính chúng ta nữa, vì chúng ta đã được Thiên Chúa cứu chuộc qua cái chết của Đức Kitô. Do đó, chúng ta phải sống cho Thiên Chúa và làm vinh quang Ngài qua thân xác chúng ta.
3/ Phúc Âm: Người bảo họ: “Đến mà xem!”
3.1/ Gioan giới thiệu Đức Kitô cho 2 môn đệ của ông: “Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Khi một người giới thiệu môn đệ của mình với một Thầy hay hơn mình là chấp nhận mất môn đệ. Gioan không giữ môn đệ cho mình, ông chỉ cho hai môn đệ đi theo Thầy tốt hơn; vì ông quan tâm đến lợi ích cho môn đệ chứ không giữ lợi ích cho mình. Mấy ai trong chúng ta có được thái độ như của Gioan? Chúng ta đã đề cập đến nguồn gốc lịch sử của câu “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Chúa Giêsu chính là Con Chiên, lễ vật hy sinh để đền tội cho con người.
3.2/ Phản ứng của hai môn đệ: Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Hai môn đệ của Gioan có lẽ ngượng ngùng không biết mở lời làm sao, nên cứ tiếp tục theo đàng sau Chúa Giêsu. Để dễ dàng cho họ phản ứng, Chúa Giêsu mở lời trước: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”
– Chúng ta có thể nhận ra cả 3 yếu tố quan trọng đều có ở đây: (1) Gioan, người trung gian chỉ đường cho hai ông đến với Chúa; (2) chính hai ông phải vượt qua xấu hổ, ngượng ngùng để đi theo Ngài; và (3), Chúa Giêsu mở lời trước để đánh tan ngượng ngùng lúc ban đầu, và mời gọi hai ông đến và xem.
– Câu hỏi Chúa đặt cho hai ông: “Các anh tìm gì thế?” là câu hỏi nền tảng nhất trong đời sống con người. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận ra tại sao chúng ta đi tìm hay không đi tìm Thiên Chúa. Nếu câu trả lời là đi tìm của cải, danh vọng, chức quyền; chúng ta đừng đến với Chúa, vì Ngài sẽ không thỏa mãn khát vọng của ta. Nếu câu trả lời như của người thanh niên trẻ: “Tôi phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?” Hãy đến với Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời.
3.3/ Lời mời gọi của Đức Kitô: Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
– Người khác có thể nói về Chúa cho chúng ta nghe, hay giới thiệu chúng ta đến với Chúa; nhưng để nhận ra Chúa là ai, chúng ta cần kinh nghiệm của cá nhân chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta có được kinh nghiệm cá nhân biết Chúa, lúc đó Chúa mới thực sự thuyết phục chúng ta.
– Các môn đệ đáp trả lời mời của Chúa Giêsu; họ đến và ở với Ngài suốt ngày hôm đó. Giờ thứ mười của Do-Thái là khỏang 4 giờ chiều của chúng ta.
3.4/ Người nhận ra tiếng gọi theo Chúa trở thành người mời gọi: “Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messiah” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).”
– Yêu ai thực sự là muốn điều tốt nhất cho người ấy. Anrê đã gặp Đấng Thiên Sai, và đây là Tin Mừng quan trọng nhất cho những người Do-Thái. Thương em, Anrê dắt em mình tới giới thiệu với Đức Kitô.
– Phản ứng của Chúa Giêsu khi gặp Phêrô: Vừa gặp lần đầu, Chúa Giêsu đã biết rõ con người Phêrô là ai, và Ngài đã có sẵn cho ông một sứ vụ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần lắng nghe và nhìn xem để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.
– Chúng ta cần cả ba: tiếng Thiên Chúa gọi, người trung gian, và chính bản thân để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không cố gắng, chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.
– Một khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải thi hành những gì Thiên Chúa dạy.
– Ngòai ra, chúng ta còn phải hướng dẫn và đưa mọi người đến với Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************