Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm B
BÀI ĐỌC I: Is 53, 10-11
“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22
Đáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).
Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa. – Đáp.
2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Đáp.
3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16
“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 10, 35-45 (bài dài)
“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Đó là lời Chúa.
Hoặc bài vắn này: Mc 10, 42-45
“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
17/10/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – B
Mc 10,35-45
XIN NHƯ Ý CHÚA
Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì. Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38-39)
Suy niệm: Thần thoại Hy Lạp kể rằng vua Midas được vị thần cho ban một điều ước, muốn gì cũng sẽ được như ý. Nhà vua ước ông đụng tới bất cứ cái gì, cái đó sẽ hoá thành vàng. Nhưng chính lúc nhà vua vui mừng vì từ cung điện đến cọng rác trong đền vua đều hoá vàng thì tai hoạ ập tới: ngay cả thức ăn vừa chạm tới miệng nhà vua đã hoá thành vàng. Và dù là đói lả, nhà vua cũng không thể ăn được những miếng vàng ấy. Hình ảnh vua Midas tham lam đến độ mù quáng không biết mình phải ước điều gì, không chỉ là biểu tượng mà là có thật nơi hai môn đệ “không biết mình xin gì”: họ xin được quyền cao chức trọng trong vương quốc trần thế mà các ông nghĩ Thầy mình sẽ thiết lập. Chúa Giê-su chặn đứng ngay tham vọng nguy hiểm đó. Ngài khiển trách các ông đồng thời cho các ông biết điều cần xin –mà Ngài sẽ cho– là cùng uống “chén đắng” của Ngài, đó là vác thập giá theo Chúa để muôn người được cứu độ.
Mời Bạn: Theo tính tự nhiên, ai cũng cầu ước được sung sướng, quyền cao chức trọng. Còn Chúa khi chọn gọi ai làm môn đệ, Ngài muốn người ấy “uống chung chén đắng” với Ngài. Một vị thánh đã nói: Chúa yêu thương ai thì Ngài ban thánh giá cho người ấy. Bởi thế, nếu thấy đau khổ, khó khăn, thử thách xảy ra trong đời bạn, bạn nhớ rằng Chúa đang hỏi bạn: “Con có muốn uống chén đắng với Thầy không?” Mong rằng bạn sẽ thưa rằng: “Thưa Thầy, có.”
Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng hy sinh dấn thân phục vụ anh chị em gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Ghế tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi,
nên ghế là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế đại biểu…
Tất cả nỗ lực dồn vào việc có một ghế,
sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế cao hơn.
Ngay cả những người đã bỏ mọi sự để theo Chúa
cũng bị ám ảnh bởi những chiếc ghế danh dự.
Chính lúc Ðức Giêsu nói đến cái chết gần kề của mình,
thì Gioan và Giacôbê lại xin được ngồi hai bên tả hữu.
Có vẻ họ không bắt được tần số của Thầy!
Thanh tẩy mình khỏi tội lỗi không khó lắm.
Nhưng thanh tẩy mình khỏi nhân đức và công trạng của mình
thì khó hơn bội phần.
Hai môn đệ đã từ bỏ những điều rất cao quý,
nhưng bây giờ lại muốn kiếm chút lợi lộc
từ chính sự từ bỏ và phục vụ của mình.
Họ dám lên tiếng đòi hỏi Ðức Giêsu:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con điều chúng con xin”.
Thái độ bực tức của mười môn đệ còn lại
có thể bắt nguồn từ một sự ganh tỵ ngấm ngầm.
Nhiều môn đệ cũng ước mơ hai ghế tả hữu.
Ðức Giêsu kéo hai ông ra khỏi tham vọng và đam mê
để đưa họ trở về với thực tại gai góc sắp đến.
Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang,
nhưng liệu họ có dám chia phần với Ngài trong đau khổ?
Uống chung chén đắng Thầy sắp uống,
chịu chung phép Rửa Thầy sắp chịu
là chấp nhận bị dìm sâu xuống dòng nước khổ đau.
Thật ra được ngồi hai bên tả hữu Thầy trong vinh quang
đâu phải là phần thưởng để trả công cho người bền chí.
Trung tín theo Chúa đến cùng đã là phần thưởng rồi.
Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao,
nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.
Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền
thường dễ có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách.
Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân.
Ðó là lối lãnh đạo dễ thấy nơi người đời.
Ðức Giêsu không chấp nhận chuyện đó nơi Hội Thánh:
“Nơi anh em thì không như vậy”.
Ngài đề xướng một lối lãnh đạo mới.
Ai muốn làm lớn, làm đầu trong Hội Thánh
phải trở nên đầy tớ và nô lệ cho mọi người.
Ðức Giêsu mời chúng ta làm một cuộc cách mạng lớn,
không phải chỉ là đổi ngôi, mà là đổi lòng.
Tận diệt trong tim những tham vọng ăn trên ngồi trước.
Ðức Giêsu không ủng hộ một xã hội hay Giáo Hội vô tổ chức.
Nhưng Ngài coi lãnh đạo là khiêm nhường phục vụ.
Phục vụ là động từ tóm kết toàn bộ đời Ðức Giêsu.
Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ,
và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG MƯỜI
Người Nghèo Là Những Ai?
Nhưng ai là người nghèo trong thời đại chúng ta? Tin Mừng nói đến những người mù, những người bị áp bức, và những người bị giam cầm (Lc 4,18). Người nghèo là những người sống mà không có được những nhu cầu thiết yếu để sống, cả những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, trong thế giới hôm nay, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương mình để lánh nạn. Hàng triệu người, đôi khi toàn bộ những bộ tộc hay những vùng dân cư, bị đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì hạn hán hay vì thiếu lương thực.
Làm sao người ta có thể nhắm mắt trước tình trạng nghèo khổ và ngu dốt của những đồng loại mình chưa bao giờ có được cơ hội đến trường? Làm sao có thể không day dứt khi nhìn thấy vô số người đang phải chịu đựng một cách hoàn toàn bất lực trước sự bất công và trước tình trạng kém phát triển? Cũng có rất nhiều người đã bị tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng và phải đau khổ cùng cực bởi vì họ không thể tôn thờ Thiên Chúa theo lương tâm mình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17/10
Chúa Nhật XXIX Thường Niên
Is 53, 10-11; Dt 4, 14-16; Mc 10, 35-45.
LỜI SUY NIỆM: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Trong cuộc sống của con người trên trần gian này luôn muốn mình được những cái nhất trong mọi môi trường, trong mọi cơ cấu, trong mọi tổ chức. Điều này các môn đệ của Chúa Giêsu đang khi họ ở với Người cũng không tránh khỏi. Nên Chúa Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc “vàng”: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.”
Lạy Chúa Giêsu. Trong Sách Giáo Lý số 2554 có dạy: “ Người dã chịu Phép Rửa phải chiến đấu chống lại tính ganh tỵ bằng sự nhân hậu, khiêm nhường và phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.” Xin cho chúng con thực hiện điều giáo lý của Giáo Hội đã dạy chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-10
Thánh INHAXIÔ Thành Antiokia
Giám Mục Tử Đạo (+107)
Người ta nghĩ rằng: thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: Ngài là đứa trẻ đưa năm chiếc bánh và hai con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là Ngài đã được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau khi thánh giám mục Evôda qua đời. Suốt bốn muôi năm cai quản giáo phận, kể cả những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, Ngài đã tỏ ra là một giám mục gương mẫu về mọi nhân đức.
Mười lăm năm bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại nhen nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng: mình đạt được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ong coi việc bách hại các tín hữu Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng năm107, ông tới Antiôkia. Được biết tại đây có giám mục Inhaxiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu Ngài tới để xét hỏi. Sau khi đe dọa và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục thánh thiện này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.
Cuộc hành trình về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào, dân chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này thánh Inhaxiô có dịp tiếp xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết bảy bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để mong được các tín hữu ngưỡng mộ Ngài đút lót tiền bạc. Thánh nhân viết với lòng khiêm tốn:
– Trên đất liền hay ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu với các súc vật, bị xiềng vào mười con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính canh giữ tôi. Người ta càng cho tiền, họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn tệ của họ là trường đào luyện tôi mọi ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được nên công chính đâu”.
Ở Smyrna, thánh Inhaxiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của thánh Gioan như thánh Inhaxiô. Thánh Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn lừng danh. Tại đây thánh Inhaxiôco có dịp gặp đại diện của nhiều Giáo hội tới thăm. Biết rằng ở Ahila Delphia có sự chia rẽ trong hàng giáo sĩ, Ngài đã viết thư khuyên nhủ họ:
– Hãy tránh xa những phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy theo mục tử các bạn khắp nơi như đoàn chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp phần củng cố đức tin các bạn, nhưng không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô. Được mang xiềng xích vì danh Chúa, hơn lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự trọn lành. Nhưng kinh nguyện của các bạn sẽ làm cho tôi được xứng đáng với Thiên Chúa và với di sản mà lòng nhân từ và đã dọn sẵn cho tôi.
Các thư của các thánh nhân gửi riêng cho mỗi nơi, Ngài ca tụng tinh thần kỷ luật của tín hữu Manhêsianô (Magnésiens): – Tôi hãnh diện được gặp các bạn nơi cá nhân đức giám mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của Ngài không được nên cớ để các bạn suồng sã với Ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên Chúa là Cha nơi Ngài.
Với dân Trallianô (Tralliens) Ngài viết: – “Hãy yêu thương nhau. Xin cầu nguyện cho tôi nữa. Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được nhận vào hưởng gia nghiệp mà tôi đã sẵn sàng chiếm hữu”.
Nhưng Ngài sợ dân Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử đạo của mình. Nhờ một du khách đi Italia, Ngài khẩn khoản: – “Các bạn không thể trao tặng cho tôi một bằng chứng quí mến nào khác, là để cho tôi được tế hiến mình cho Thiên Chúa. Ân huệ tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám tạ ơn Chúa mà nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Đức giám mục Smyrna bên Tây phương đã được, để Ngài được đưa vào vinh quang. Hãy để cho tôi thành của ăn nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng Thiên Chúa, Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.
Tốt hơn, hãy săn sóc các thú vật này để chúng thành nấm mồ của tôi. Chính lúc này tôi đang trở nên một môn đệ chân chính. Chớ gì những hình khổ độc dữ nhất đổ xuống mình tôi, miễn là tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả thế gia này nào có ích lợi gì cho tôi ? Tôi chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô…
Ngài còn viết thêm: – Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập giá. Trong tôi chỉ có một dòng nước hằng sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về với Cha”.
Thánh nhân còn viết nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin, kỷ luật Giáo hội và những sai lầm nguy hại.
Ngày 20 tháng 12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lập lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi dân Roma: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Hai con sư tử gầm rống và bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương Ngài lại được đưa về Roma.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
17 Tháng Mười
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa
Dưới từa đề “Lòng nhân từ cảm hóa”, người ta thuật lại một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố dối diện với chúng ta. Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.
Chàng thanh niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.
Chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta đã đi nửa đoạn đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng thời gian chúng ta âu yếm dâng lên Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Cô với hàng triệu lời chào: “Kính Mừng Maria, đầy ơn phước”. Nhưng, ước gì xen lẫn với những lời kinh tiếng hát, chúng ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu nhiệm thuật lại các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú tâm nghe lời Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui: “Ðức bà đi viếng thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Mẹ Maria, cũng như bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó là hãy thể hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để tinh thần phục vụ Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm lại.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 29 – Năm B – Thường Niên
Bài đọc: Isa 53:10-11; Heb 4:14-16; Mk 10:35-45.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ý nghĩa và giá trị của đau khổ
Người đời muốn có uy quyền để cai trị, để được người khác tôn trọng và phục vụ mình. Hậu quả xảy ra là mọi người ghen tị, tranh chấp, và tìm các tiêu diệt nhau; vì không ai muốn thua người khác. Người môn đệ của Đức Kitô được dạy để trở nên đầy tớ khiêm nhường và phục vụ mọi người. Hậu quả là yêu thương đùm bọc, đoàn kết, và xây dựng cộng đoàn. Nhìn vào hậu quả của cả hai khuynh hướng, một người có thể nhận ra lối sống nào tốt đẹp cá nhân và cho cộng đoàn hơn; nhưng vì tính ích kỷ và lòng ham muốn của cá nhân, con người đi lạc đường Đức Kitô dạy dỗ.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào Đức Kitô, mẫu gương khiêm nhường và phục vụ cho con người. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ bị nghiền nát vì đau khổ để chuộc tội cho muôn người và hoàn tất thánh ý của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái muốn nhắc nhở cho các tín hữu biết noi gương và chạy đến với Đức Kitô mỗi khi chịu đựng đau khổ; vì Ngài đã từng trải qua những đau khổ như con người, nên Ngài biết giúp cho con người vượt qua đau khổ. Trong Phúc Âm, khi hai anh em, Giacôbê và Gioan đến xin với Chúa Giêsu một đặc quyền, là cho hai anh em một người ngồi bên tả và một người ngồi bên hữu trong vương quốc của Thiên Chúa; Đức Kitô trách họ không biết họ đang xin gì. Các môn đệ khác bất bình với hai anh em vì họ cũng không muốn ai hơn họ. Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ: kẻ làm lớn nhất trong Nước Trời là kẻ hiến thân phục vụ người khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì đã nếm mùi đau khổ, Tôi Trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính.
1.1/ Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội: Thiên Chúa cũng như con người, khi phải lựa chọn là lựa chọn cho một mục đích. Nếu Người Tôi Trung chọn con đường đau khổ, hiến thân mình làm lễ vật đền tội, ba điều lợi ích sau đây sẽ xảy ra:
(1) Lợi ích cho Người Tôi Trung: Tiên tri Isaiah liệt kê: ”Người sẽ nhìn thấy giòng dõi của mình và triều đại của Người sẽ vô tận… Người sẽ nhìn thấy kết quả do công khó của mình và được mãn nguyện.” Giòng dõi của Đức Kitô chính là những người mà Ngài đã cứu chuộc. Trong Ngày Phán Xét, Ngài sẽ làm vua cai trị họ và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Thấy trước được hậu quả, Người Tôi Trung sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, vì cái đau khổ tạm thời không thể so sánh với cái vĩnh cửu mai sau.
(2) Lợi ích cho tha nhân: ”Vì đã nếm mùi đau khổ, người, Tôi Trung công chính của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” Mọi người đã phạm tội, và như một hậu quả, họ phải chết. Nhưng vì Người Tôi Trung muốn gánh lấy hậu quả mà con người phải chịu cho chính họ; đó là lý do con người được tha thứ tội lỗi, và được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Hậu quả của việc nên công chính là họ sẽ được sống muôn đời.
(3) Ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu: Ý muốn của Thiên Chúa chính là Kế Hoạch Cứu Độ con người của Thiên Chúa. Ngài không muốn con người phải chết, nhưng muốn họ được hưởng ơn cứu độ. Vì yêu thương Thiên Chúa và yêu thương con người, Người Tôi Trung sẵn sàng chịu đau khổ để ý nguyện của Thiên Chúa được hoàn thành, và mang con người về cho Thiên Chúa.
Nhìn lại ba điều lợi ích lớn lao này, Người Tôi Trung sẵn lòng hy sinh mạng sống mình, chịu đựng đau khổ để hoàn tất ý định của Thiên Chúa.
1.2/ Nếu Người Tôi Trung từ chối đau khổ: Những gì sẽ xảy ra nếu Người Tôi Trung không chịu chấp nhận gian khổ:
(1) Ngài sẽ không được thấy một giòng dõi đông đảo của con người được cứu chuộc, và không thể làm vua cai trị họ.
(2) Con người, tạo vật yêu dấu mà Thiên Chúa đã dựng nên phải hư mất đời đời.
(3) Ý muốn của Thiên Chúa không được thành tựu. Điều này không thể xảy ra, vì sự hiệp thông trọn vẹn giữa Cha và Con.
2/ Bài đọc II: Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.
2.1/ Con đường gian khổ là con đường Thiên Chúa chọn.
(1) Đức Kitô đã trải qua hết những đau khổ của kiếp người: Nhiều người chúng ta dễ nản chí và than trách Thiên Chúa khi phải chịu đựng và đương đầu với đau khổ; nhưng chúng ta đừng bao giờ quên đây là cách thức duy nhất Thiên Chúa đã chon cho Ngài và cho Con của Ngài, với mục đích dể đem ơn cứu độ cho con người. Chúng ta chịu đựng đau khổ là xứng đáng với tội lỗi của chúng ta; nhưng chúng ta phải biết Thiên Chúa không mắc tội gì để chịu đựng những đau khổ này. Các Ngài chọn với mục đích duy nhất là để mang ơn cứu độ cho con người. Tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy biết đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Kitô: ”Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.”
(2) Gian khổ có thể vượt qua được: Một điều sẽ giúp chúng ta rất nhiều như đã giúp Đức Kitô là chúng ta cần biết gian khổ đời này chỉ tạm thời và không thể nào so sánh được với vinh quang mà chúng ta sẽ được hưởng sau này. Đức Kitô xuống trần cũng chỉ có hơn 30 năm; Ngài chịu đựng cực kỳ gian khổ cũng chỉ có hơn ba năm. Sau đó là chiến thắng phục sinh khải hoàn. Chúng ta đừng để những danh vọng hay vinh quang tạm thời ngăn cản không cho chúng ta đạt tới phúc trường sinh bất diệt. Mỗi khi cảm thấy cong oằn vì đau khổ thế gian, chúng ta hãy biết ngước nhìn lên Đức Kitô: ”Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”
2.2/ Hãy biết học hỏi để chịu đựng gian khổ như Đức Kitô.
(1) Mục đích tại sao chịu đau khổ phải luôn là ánh sáng soi đường cho chúng ta: Giống như Đức Kitô luôn biết sống kết hợp với Chúa Cha, nhất là trong những giây phút đau khổ nhất của cuộc đời, Ngài luôn xin cho ý Cha được thể hiện. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải nắm chắc mục đích của Thiên Chúa muốn chúng ta sống trên đời này là để mưu cầu ơn cứu độ cho mình và cho mọi người. Nếu đánh mất mục đích này, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của hưởng thụ cá nhân và những chước cám dỗ của ma quỉ.
(2) Nguồn sức mạnh của chúng ta là nơi Đức Kitô: Đức Kitô để lại những lời dạy dỗ khôn ngoan qua Kinh Thánh và kho tàng ân sủng qua các Bí-tích Ngài đã thiết lập. Tác giả Thư Do-thái khuyên: ”Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”
3/ Phúc Âm: Vinh quang có được là phần thưởng của chịu đựng đau khổ.
3.1/ Tham vọng của con người: Các tông-đồ cũng là những con người, mặc dù được Chúa Giêsu kêu gọi và hướng dẫn, nhưng các ông vẫn còn mang tính ích kỷ và thói muốn vượt trổi người khác. Trình thuật hôm nay kể hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”
3.2/ Chung phần đau khổ sẽ chung phần vinh quang: Đức Kitô lợi dụng cơ hội để dạy dỗ các ông về giá trị của đau khổ và điều kiện để chung hưởng vinh quang.
(1) Vinh quang qua đau khổ: Đức Giêsu bảo hai anh em: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.” Chén Đức Kitô sắp uống là Cuộc Thương Khó và cái chết sắp xảy ra của Ngài là Phép Rửa trong máu. Hai anh em có thể không hiểu rõ; nhưng vì ao ước được uy quyền quá mãnh liệt làm các ông dám trả lời có cho câu hỏi của Chúa Giêsu. Điều này cũng như một lời tiên báo là các ông cũng phải trải qua con đường đau khổ như Đức Kitô: Giacôbê trở thành tông đồ đầu tiên tử đạo tại Jerusalem; còn Gioan, tuy không chịu tử đạo, nhưng cũng phải trải qua mọi gian nan trong cuộc sống một thời gian rất lâu trong tuổi già.
(2) Vinh quang được cho bởi Thiên Chúa: Đức Kitô nói tiếp: ”Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.” Chúng ta không biết cách cai trị trên Thiên Đàng làm sao; nhưng cứ theo lời Đức Kitô dạy, các người cai trị là những người có tình yêu rộng mở và mong muốn được phục vụ người khác.
3.3/ Phản ứng ghen tỵ của các tông-đồ: Chỉ có hai chỗ quan trọng nhất sau nhà vua, hai anh em con ông Zebedee đã xin rồi; vì thế, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Chúng ta thấy kiểu mẫu thường xảy ra nơi con người: bắt đầu từ niềm mong ước được trổi vượt đến chỗ tìm cách để đạt được điều mong ước. Khi không đạt được, con người tìm mọi cách để tranh chấp làm sao cho đạt được điều mình mong muốn. Hậu quả xảy ra là bất an, chia rẽ, và mạnh ai người ấy sống. Nếu các tông-đồ cứ giữ ý như vậy, chắc chắn họ sẽ không thể đạt được ơn cứu độ, chứ đừng mơ tưởng sẽ mưu cầu ơn cứu độ cho người khác. Lợi dụng cơ hội, Chúa Giêsu dạy dỗ các ông.
(1) Ngài phân biệt cho các ông hai mục đích khác nhau giữa mục đích của thế gian và của người môn đệ Đức Kitô:
+ Của thế gian : Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.” Thủ lãnh của thế gian không tin vào ơn cứu độ đời sau; nên đối với họ, quyền lợi được hưởng là ở đời này. Vì thế, được người ta coi trọng, được ra lệnh, và được phục vụ là tất cả những gì họ ao ước trên thế gian này.
+ Của các môn đệ Đức Kitô: ”Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” Mục đích của người môn đệ của Đức Kitô là ơn cứu độ cho mình và cho mọi người; nên nếu phải hy sinh tất cả cho mục đích này, họ cũng sẵn lòng để làm.
(2) Đức Kitô làm gương sáng cho các môn đệ: ”Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Đức Kitô không chỉ dạy, nhưng Ngài sẵn sàng làm gương vác Thập Giá đi trước để chuộc tội cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thế giới hôm nay đã có quá nhiều những con người ích kỷ ham danh vọng, quyền bính, và lợi nhuận vật chất. Thế giới cần nhiều những môn đệ của Đức Kitô như thánh Vinh-sơn, Cha Sở họ Ars, Mẹ Têrêxa, và ĐGH Gioan Phaolô II.
– Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải noi gương Ngài để khiêm nhường phục vụ tha nhân; để mang lại sự sống cho họ và cho cộng đoàn được phát triển.
– Nếu ai cũng mong trở nên những nhà lãnh đạo uy quyền kiểu thế gian, lấy ai phục vụ những người già, bệnh tật, và mẹ góa con côi?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************