Chúa Nhật (20-10-2024) – Trang suy niệm

19/10/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa nhật XXIX Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Đáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).

1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 35-45 (bài dài)

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Đó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mc 10, 42-45

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Đó là lời Chúa..

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

20/10/2024 – CHÚA NHẬT 29 TN – B

Chúa Nhật Truyền giáo       

Mc 10,35-45

LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,43-44)

Suy niệm: Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khiến cả nhóm mười môn đệ bực mình vì họ háo thắng, ích kỷ, muốn mình trổi vượt hơn anh em. Môn đệ Chúa Giê-su sống với anh em, làm việc chung và chia sẻ chung một số phận với họ: tất cả cùng nằm gai nếm mật với nhau, cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Họ chia sẻ thành công và cả thất bại của nhóm. Họ không tìm một chỗ nào đó bên tả, hay bên hữu nhưng một chỗ ở giữa anh em để cùng đồng hành với anh em. Họ quan tâm những sự thuộc về Chúa, những vấn đề chung, đặt quyền lợi chung lên trên những tính toán cá nhân.

Mời Bạn: Chỗ của người môn đệ không là ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ nhưng là dưới chân Chúa và anh em: dưới chân Chúa để nghe Lời Chúa; dưới chân anh em để phục vụ. Một chỗ trong Nước Chúa là để phục vụ và phục vụ theo điều mình đã học được nơi Chúa.

Chia sẻ: Khi chọn người vào các chức vụ trong cộng đoàn, chúng tôi có quan tâm đến khả năng cống hiến và chu tòan công tác của người được chọn hay chỉ có ý trao ban một tước vị, một danh dự cho người đó? Có những biểu hiện của tình trạng lạm dụng quyền hành hay tham quyền cố vị hay không?

Sống Lời Chúa: Tôi truyền giáo bằng đời sống khiêm tốn phục vụ. Tôi sẵn sàng đảm nhận những công tác âm thầm, nhỏ bé để làm sáng danh Chúa và mở rộng vương quốc của Tình Yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà không đòi một quyền lợi nào.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM: ANH EM KHÔNG NHƯ THẾ

Xem ra Nhóm Mười Hai, nhóm môn đệ nòng cốt,

lại là những người có nhiều tham vọng về quyền lực.

Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ hai,

họ đã tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-34).

Sau khi Thầy loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ ba,

họ vẫn bất hòa về chuyện ghế ngồi (Mc 10,35-41).

Thầy Giêsu không dạy học trong lớp, với phấn và bảng.

Thầy dạy từ những chuyện xảy ra hàng ngày trong nhóm.

Thầy uốn nắn các môn đệ với một sự tinh tế lạ lùng

và một sự kiên nhẫn đáng thán phục.

 

Giacôbê và Gioan là hai môn đệ được Thầy ưu ái.

Họ được thấy khuôn mặt Thầy sáng láng trên núi cao,

và xao xuyến âu lo trong Vườn Dầu (Mc 9,2; 14,33).

Có phải vì thế mà họ muốn vận động để xin Thầy

những vị thế cao hơn anh em chăng?

Chưa bao giờ Thầy trò đối thoại dài đến thế (Mc 10,35-40).

Thầy Giêsu hẳn rất thất vọng vì câu hỏi của hai ông.

Rõ ràng họ đang đắm mình trong một thế giới trần tục,

mê mải với những mộng tưởng về vinh quang.

Họ còn đứng ngoài, chưa vào được thế giới của Thầy.

Tuy giận, nhưng Thầy vẫn điềm đạm khi hỏi:

“Các anh muốn Thầy làm cho các anh điều gì?”

vẫn rất tự chủ và bao dung khi trách:

“Các anh không biết các anh xin gì?”

Thầy không đáp lại lời xin ngồi hai bên tả hữu,

Nhưng thầy lại đưa ra một thách đố cho hai ông:

Các anh có dám uống chung một chén với Thầy,

và chịu chung một phép rửa với Thầy không?

 

Chén ấy là chén đắng của khổ nhục và cái chết

mà Thầy muốn tránh né ở Vườn Dầu (Mc 14,36).

Chén ấy là chén máu Thầy trên bàn Tiệc Ly,

khi Thầy trao cho các môn đệ cùng uống (Mc 14,23-24).

Thầy Giêsu mời hai ông đi vào cuộc Khổ nạn của Thầy.

Thầy mời họ chịu chung phép rửa Thầy sắp chịu.

Cùng được dìm xuống nước với Thầy trong phép rửa

mà lòng thầy khắc khoải chờ mong (Lc 12,50).

Nếu không cùng Thầy uống chung chén đắng,

và chịu chung phép rửa của cái chết với Thầy,

thì họ không thể được hưởng niềm vui Phục sinh.

Thầy giúp họ thông hiệp Mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy,

mầu nhiệm của khổ đau, cái chết và sống lại.

Rồi họ sẽ đi vào con đường của Thầy,

còn chuyện ghế ngồi tả hữu, họ không nên bận tâm.

 

Thầy Giêsu chẳng những dạy Giacôbê và Gioan,

Thầy còn dạy cho cả Nhóm Mười Hai cách lãnh đạo.

Có cách lãnh đạo của các người làm lớn ngoài đời.

Họ dùng uy, dùng quyền mà thống trị và cai quản dân.

“Nhưng giữa anh em, thì không như vậy !”

Có một kiểu lãnh đạo khác trong cộng đoàn tín hữu,

lãnh đạo kiểu phục vụ cho anh em.

Người làm lớn, làm đầu thì phải là đầy tớ cho mọi người.

Như thế Thầy Giêsu đã cho ta thấy hình ảnh

của Hội thánh mà chúng ta cần xây dựng.

Nơi đây trẻ em được đón tiếp, phụ nữ được tôn trọng.

Nơi đây không có thèm muốn về quyền lực, chức tước,

vì biết rằng đó chỉ là phương tiện để phục vụ.

Nơi đây có những mục tử hiến mình cho đàn chiên.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tính đồng nghị.

Ngài mời mọi thành phần dân Chúa cùng nhau lắng nghe,

đối thoại, cầu nguyện và phân định,

can đảm để nói, khiêm tốn để nghe, vượt qua thành kiến.

Nhờ đó Hội Thánh có được sự hiệp nhất và niềm vui,

lôi kéo được nhiều người đến gia nhập.

 

LỜI NGUYỆN

 

Lạy Thiên Chúa,

nơi con có biết bao ước mơ,

bao khát vọng mong chờ.

Có những ước mơ đã thành hiện thực.

Cũng có những ước mơ mãi chưa tròn.

Nhưng dù được toại nguyện hay không,

con vẫn luôn hy vọng nơi Chúa.

 

Con biết rằng Chúa chẳng bao giờ để con một mình,

và thế nào Chúa cũng vuông tròn những điều Chúa hứa.

Ngay cả khi mọi chuyện có vẻ không đi theo đường của con,

con tin chúng vẫn đi theo đường của Chúa,

và rốt cuộc đường của Chúa là đường tốt nhất cho con.

 

Lạy Chúa, xin củng cố niềm hy vọng nơi con,

nhất là khi những ước mơ của con không thành hiện thực.

Xin cho con đừng quên rằng

Tên của Chúa là Tình Yêu. Amen.

 

Henry Nouwen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG MƯỜI

Kiến Tạo Hòa Bình Bằng Tình Yêu

Chiến tranh và bạo lực là con đẻ của sự xem thường các quyền căn bản của con người. Quyền căn bản nhất của con người, đó là phải xem mỗi người là một ngã vị độc đáo và không thể thay thế được. Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Qua Bí Tích Phép Rửa, con người trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa và thông dự vào ơn cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.

Ở nơi đâu con người còn bị lạm dụng để làm thỏa mãn quyền lợi, nhu cầu, khát vọng của người khác thì ở đó sẽ nảy sinh bạo lực, lộn xộn và chiến tranh. Trái lại, ở nơi nào con người biết phục vụ cho quyền lợi của anh chị em mình, biết xem anh chị em mình “là những tạo vật duy nhất được Thiên Chúa yêu thương do chính bản chất của nó“ (MV 24), thì ở đó có tình yêu đích thực, hòa bình sẽ triển nở. Bởi vì nền móng của hòa bình là tình yêu.

Nói cách khác, Thiên Chúa là nguồn gốc của hòa bình – vì Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình yêu. Đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là đời sống yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Tình yêu này mạnh mẽ và biệt vị đến nỗi nó được biểu hiện như một ngã vị thần linh – đó là Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần tràn ngập trong lòng chúng ta, nhất là khi lãnh nhận các bí tích, thì chúng ta sẽ có được tình yêu ấy và sẽ trở thành những người kiến tạo hòa bình đích thực.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 20/10

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Is 53, 10-11; Hr 4, 14-16; Mc 10, 35-45.

Lời Suy Niệm: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,44-45)

          Trong cuộc sống của con người trên trần gian này, luôn muốn mình được những cái nhất trong mọi môi trường, trong mọi cơ cấu, trong mọi tổ chức. Điều này các môn đệ của Chúa Giêsu đang khi họ ở với Người cũng không tránh khỏi, khi Gioan và Giacôbê đến xin với Chúa Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Qua lời cầu xin này, Chúa Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc “vàng”: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.”

          Lạy Chúa Giêsu, trong Sách Giáo Lý số 2554 có dạy: “Người đã chịu Phép Rửa phải chiến đấu chống lại tính ganh tỵ bằng sự nhân hậu, khiêm nhường và phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.” Xin cho chúng con thực hiện điều giáo lý của Giáo Hội đã dạy chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Mười

Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy 

Gần một nửa thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh, một danh tướng nhà Ðông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất hủ: “Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì”.

Tại thành Sparte thuộc Cổ Hy Lạp, mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con một cái mộc và bảo con rằng: cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó, xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.

Người Kitô chúng ta cũng đã nhận lấy một chiếc mộc. Ðó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa ngõ của bí tích này, chúng ta như được gửi ra chiến trường.

Cái chết từng ngày là điều đang chờ đợi chúng ta. Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh. Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi qua con đường ấy. Ngài cũng đang có mặt trong cuộc chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng phút giây. Nếu có một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn đào ngũ và bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn những đoạn đường tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 29 – Năm B – Thường Niên 

Bài đọc: Isa 53:10-11; Heb 4:14-16; Mk 10:35-45.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ý nghĩa và giá trị của đau khổ

Người đời muốn có uy quyền để cai trị, để được người khác tôn trọng và phục vụ mình. Hậu quả xảy ra là mọi người ghen tị, tranh chấp, và tìm các tiêu diệt nhau; vì không ai muốn thua người khác. Người môn đệ của Đức Kitô được dạy để trở nên đầy tớ khiêm nhường và phục vụ mọi người. Hậu quả là yêu thương đùm bọc, đoàn kết, và xây dựng cộng đoàn. Nhìn vào hậu quả của cả hai khuynh hướng, một người có thể nhận ra lối sống nào tốt đẹp cá nhân và cho cộng đoàn hơn; nhưng vì tính ích kỷ và lòng ham muốn của cá nhân, con người đi lạc đường Đức Kitô dạy dỗ.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào Đức Kitô, mẫu gương khiêm nhường và phục vụ cho con người. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ bị nghiền nát vì đau khổ để chuộc tội cho muôn người và hoàn tất thánh ý của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái muốn nhắc nhở cho các tín hữu biết noi gương và chạy đến với Đức Kitô mỗi khi chịu đựng đau khổ; vì Ngài đã từng trải qua những đau khổ như con người, nên Ngài biết giúp cho con người vượt qua đau khổ. Trong Phúc Âm, khi hai anh em, Giacôbê và Gioan đến xin với Chúa Giêsu một đặc quyền, là cho hai anh em một người ngồi bên tả và một người ngồi bên hữu trong vương quốc của Thiên Chúa; Đức Kitô trách họ không biết họ đang xin gì. Các môn đệ khác bất bình với hai anh em vì họ cũng không muốn ai hơn họ. Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ: kẻ làm lớn nhất trong Nước Trời là kẻ hiến thân phục vụ người khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì đã nếm mùi đau khổ, Tôi Trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính.

1.1/ Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội: Thiên Chúa cũng như con người, khi phải lựa chọn là lựa chọn cho một mục đích. Nếu Người Tôi Trung chọn con đường đau khổ, hiến thân mình làm lễ vật đền tội, ba điều lợi ích sau đây sẽ xảy ra:

(1) Lợi ích cho Người Tôi Trung: Tiên tri Isaiah liệt kê: ”Người sẽ nhìn thấy giòng dõi của mình và triều đại của Người sẽ vô tận… Người sẽ nhìn thấy kết quả do công khó của mình và được mãn nguyện.” Giòng dõi của Đức Kitô chính là những người mà Ngài đã cứu chuộc. Trong Ngày Phán Xét, Ngài sẽ làm vua cai trị họ và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Thấy trước được hậu quả, Người Tôi Trung sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, vì cái đau khổ tạm thời không thể so sánh với cái vĩnh cửu mai sau.

(2) Lợi ích cho tha nhân: ”Vì đã nếm mùi đau khổ, người, Tôi Trung công chính của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” Mọi người đã phạm tội, và như một hậu quả, họ phải chết. Nhưng vì Người Tôi Trung muốn gánh lấy hậu quả mà con người phải chịu cho chính họ; đó là lý do con người được tha thứ tội lỗi, và được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Hậu quả của việc nên công chính là họ sẽ được sống muôn đời.

(3) Ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu: Ý muốn của Thiên Chúa chính là Kế Hoạch Cứu Độ con người của Thiên Chúa. Ngài không muốn con người phải chết, nhưng muốn họ được hưởng ơn cứu độ. Vì yêu thương Thiên Chúa và yêu thương con người, Người Tôi Trung sẵn sàng chịu đau khổ để ý nguyện của Thiên Chúa được hoàn thành, và mang con người về cho Thiên Chúa.

Nhìn lại ba điều lợi ích lớn lao này, Người Tôi Trung sẵn lòng hy sinh mạng sống mình, chịu đựng đau khổ để hoàn tất ý định của Thiên Chúa.

1.2/ Nếu Người Tôi Trung từ chối đau khổ: Những gì sẽ xảy ra nếu Người Tôi Trung không chịu chấp nhận gian khổ:

(1) Ngài sẽ không được thấy một giòng dõi đông đảo của con người được cứu chuộc, và không thể làm vua cai trị họ.

(2) Con người, tạo vật yêu dấu mà Thiên Chúa đã dựng nên phải hư mất đời đời.

(3) Ý muốn của Thiên Chúa không được thành tựu. Điều này không thể xảy ra, vì sự hiệp thông trọn vẹn giữa Cha và Con.

2/ Bài đọc II: Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.

2.1/ Con đường gian khổ là con đường Thiên Chúa chọn.

(1) Đức Kitô đã trải qua hết những đau khổ của kiếp người: Nhiều người chúng ta dễ nản chí và than trách Thiên Chúa khi phải chịu đựng và đương đầu với đau khổ; nhưng chúng ta đừng bao giờ quên đây là cách thức duy nhất Thiên Chúa đã chon cho Ngài và cho Con của Ngài, với mục đích dể đem ơn cứu độ cho con người. Chúng ta chịu đựng đau khổ là xứng đáng với tội lỗi của chúng ta; nhưng chúng ta phải biết Thiên Chúa không mắc tội gì để chịu đựng những đau khổ này. Các Ngài chọn với mục đích duy nhất là để mang ơn cứu độ cho con người. Tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy biết đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Kitô: ”Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.”

(2) Gian khổ có thể vượt qua được: Một điều sẽ giúp chúng ta rất nhiều như đã giúp Đức Kitô là chúng ta cần biết gian khổ đời này chỉ tạm thời và không thể nào so sánh được với vinh quang mà chúng ta sẽ được hưởng sau này. Đức Kitô xuống trần cũng chỉ có hơn 30 năm; Ngài chịu đựng cực kỳ gian khổ cũng chỉ có hơn ba năm. Sau đó là chiến thắng phục sinh khải hoàn. Chúng ta đừng để những danh vọng hay vinh quang tạm thời ngăn cản không cho chúng ta đạt tới phúc trường sinh bất diệt. Mỗi khi cảm thấy cong oằn vì đau khổ thế gian, chúng ta hãy biết ngước nhìn lên Đức Kitô: ”Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”

2.2/ Hãy biết học hỏi để chịu đựng gian khổ như Đức Kitô.

(1) Mục đích tại sao chịu đau khổ phải luôn là ánh sáng soi đường cho chúng ta: Giống như Đức Kitô luôn biết sống kết hợp với Chúa Cha, nhất là trong những giây phút đau khổ nhất của cuộc đời, Ngài luôn xin cho ý Cha được thể hiện. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải nắm chắc mục đích của Thiên Chúa muốn chúng ta sống trên đời này là để mưu cầu ơn cứu độ cho mình và cho mọi người. Nếu đánh mất mục đích này, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của hưởng thụ cá nhân và những chước cám dỗ của ma quỉ.

(2) Nguồn sức mạnh của chúng ta là nơi Đức Kitô: Đức Kitô để lại những lời dạy dỗ khôn ngoan qua Kinh Thánh và kho tàng ân sủng qua các Bí-tích Ngài đã thiết lập. Tác giả Thư Do-thái khuyên: ”Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”

3/ Phúc Âm: Vinh quang có được là phần thưởng của chịu đựng đau khổ.

3.1/ Tham vọng của con người: Các tông-đồ cũng là những con người, mặc dù được Chúa Giêsu kêu gọi và hướng dẫn, nhưng các ông vẫn còn mang tính ích kỷ và thói muốn vượt trổi người khác. Trình thuật hôm nay kể hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

3.2/ Chung phần đau khổ sẽ chung phần vinh quang: Đức Kitô lợi dụng cơ hội để dạy dỗ các ông về giá trị của đau khổ và điều kiện để chung hưởng vinh quang.

(1) Vinh quang qua đau khổ: Đức Giêsu bảo hai anh em: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.” Chén Đức Kitô sắp uống là Cuộc Thương Khó và cái chết sắp xảy ra của Ngài là Phép Rửa trong máu. Hai anh em có thể không hiểu rõ; nhưng vì ao ước được uy quyền quá mãnh liệt làm các ông dám trả lời có cho câu hỏi của Chúa Giêsu. Điều này cũng như một lời tiên báo là các ông cũng phải trải qua con đường đau khổ như Đức Kitô: Giacôbê trở thành tông đồ đầu tiên tử đạo tại Jerusalem; còn Gioan, tuy không chịu tử đạo, nhưng cũng phải trải qua mọi gian nan trong cuộc sống một thời gian rất lâu trong tuổi già.

(2) Vinh quang được cho bởi Thiên Chúa: Đức Kitô nói tiếp: ”Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.” Chúng ta không biết cách cai trị trên Thiên Đàng làm sao; nhưng cứ theo lời Đức Kitô dạy, các người cai trị là những người có tình yêu rộng mở và mong muốn được phục vụ người khác.

3.3/ Phản ứng ghen tỵ của các tông-đồ: Chỉ có hai chỗ quan trọng nhất sau nhà vua, hai anh em con ông Zebedee đã xin rồi; vì thế, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Chúng ta thấy kiểu mẫu thường xảy ra nơi con người: bắt đầu từ niềm mong ước được trổi vượt đến chỗ tìm cách để đạt được điều mong ước. Khi không đạt được, con người tìm mọi cách để tranh chấp làm sao cho đạt được điều mình mong muốn. Hậu quả xảy ra là bất an, chia rẽ, và mạnh ai người ấy sống. Nếu các tông-đồ cứ giữ ý như vậy, chắc chắn họ sẽ không thể đạt được ơn cứu độ, chứ đừng mơ tưởng sẽ mưu cầu ơn cứu độ cho người khác. Lợi dụng cơ hội, Chúa Giêsu dạy dỗ các ông.

(1) Ngài phân biệt cho các ông hai mục đích khác nhau giữa mục đích của thế gian và của người môn đệ Đức Kitô:

+ Của thế gian : Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.” Thủ lãnh của thế gian không tin vào ơn cứu độ đời sau; nên đối với họ, quyền lợi được hưởng là ở đời này. Vì thế, được người ta coi trọng, được ra lệnh, và được phục vụ là tất cả những gì họ ao ước trên thế gian này.

+ Của các môn đệ Đức Kitô: ”Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” Mục đích của người môn đệ của Đức Kitô là ơn cứu độ cho mình và cho mọi người; nên nếu phải hy sinh tất cả cho mục đích này, họ cũng sẵn lòng để làm.

(2) Đức Kitô làm gương sáng cho các môn đệ: ”Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Đức Kitô không chỉ dạy, nhưng Ngài sẵn sàng làm gương vác Thập Giá đi trước để chuộc tội cho con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thế giới hôm nay đã có quá nhiều những con người ích kỷ ham danh vọng, quyền bính, và lợi nhuận vật chất. Thế giới cần nhiều những môn đệ của Đức Kitô như thánh Vinh-sơn, Cha Sở họ Ars, Mẹ Têrêxa, và ĐGH Gioan Phaolô II.

– Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải noi gương Ngài để khiêm nhường phục vụ tha nhân; để mang lại sự sống cho họ và cho cộng đoàn được phát triển.

– Nếu ai cũng mong trở nên những nhà lãnh đạo uy quyền kiểu thế gian, lấy ai phục vụ những người già, bệnh tật, và mẹ góa con côi?

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************