Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm B
BÀI ĐỌC I: St 9, 8-15
“Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt”.
Trích sách Sáng Thế.
Đây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: “Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Đây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Đáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Đáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Đáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Pr 3, 18-22
“Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4,4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
PHÚC ÂM: Mc 1, 12-15
“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
21/02/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – B
Mc 1,12-15
CHÚA CHỊU CÁM DỖ
Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ. ( Mc 1,13)
Suy niệm: Mùa Chay là một hành trình “chịu cám dỗ” theo chân Chúa Giê-su. Cám dỗ đến từ Xa-tan, “tên cám dỗ” (Lc 4,3), nhưng cũng có thể do chính chúng ta tiếp tay khi chúng ta không quyết liệt chống lại các khuynh hướng xấu, lúc đó việc chúng ta bại trận là cái kết được báo trước. Người con cái Chúa và môn đệ Chúa Ki-tô cũng giống như chủ tướng của mình luôn được đặt trong một cuộc chiến với ma quỷ, thế gian và chính xác thịt của mình. Cuộc chiến không khoan nhượng, một mất một còn, dai dẳng suốt cả cuộc đời. Để có thể trụ vững chiến đấu và chiến thắng, ta phải sống tinh thần chay tịnh, khổ chế, làm chủ giác quan, cảnh giác trước những dụ dỗ đường mật của ma quỉ cũng như tính xác thịt yếu mềm của ta, và nhờ ân sủng Chúa trợ giúp, đặc biệt qua các bí tích, cách riêng qua Bí tích Hòa giải.
Mời Bạn: Sau bốn mươi ngày chay tịnh nơi hoang địa, Chúa chịu cám dỗ; còn ta sau những lần, những ngày ăn uống quá độ, ta lại dễ dàng sa ngã, đầu hàng, thua cuộc trước Xa-tan. Bạn nghĩ sao về nhận định này? Đâu là vũ khí của bạn trong Mùa Chay này để đối phó với các cơn cám dỗ?
Sống Lời Chúa: Hãy biết đi vào hoang địa của lòng mình, là tìm sự tĩnh lặng bên trong cũng như bên ngoài để ăn năn sám hối, sống kết hiệp thân tình với Chúa. Đó sẽ là quyết tâm của tôi trong Mùa Chay năm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ngắm nhìn mẫu gương Chúa chịu cám dỗ, chiến đấu can trường, và chiến thắng vẻ vang. Xin giúp con biết mình, ban sức mạnh giúp con chiến đấu chống lại tính mê nết xấu cố hữu trong con, vì con cần Chúa trong đời. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Mỗi khi bắt đầu mùa Chay,
Hội Thánh lại mời chúng ta vào hoang địa với Ðức Giêsu.
Chính Thánh Thần đã dẫn đưa Ngài đến nơi đó,
ngay sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan
và nhận được Thánh Thần để lên đường đi sứ vụ.
Bốn mươi ngày sống trong cô tịch và cầu nguyện.
Một cuộc tĩnh tâm để định hướng tương lai,
qua đó Ðức Giêsu thấy rõ con đường Ngài phải đi,
và qua đó Ngài cũng thấy mình bị Xatan cám dỗ.
Mùa Chay là thời gian trở lại với Chúa
và nhận ra những cám dỗ đang bủa vây tôi,
những cám dỗ mới hay cám dỗ cũ dưới lớp áo mới.
Nếu đời tôi là một chuỗi những chọn lựa,
thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.
Tôi có tự do để chọn giữa cái tốt và cái xấu.
Giữa những cái tốt, tôi có tự do để chọn cái tốt hơn.
Biết mình đã lạc hướng hay lệch hướng là điều cần thiết.
Con người hôm nay không yếu đuối hơn ngày xưa.
Nhưng có lẽ nó bị cám dỗ nhiều hơn xưa,
vì cuộc sống tiến bộ cho người ta nhiều chọn lựa.
Tôi phải chọn kênh truyền hình, chọn băng video,
chọn một loại vải, một kiểu áo, chọn chỗ giải trí tối nay.
Có những áp lực đè nặng trên chọn lựa của tôi:
áp lực của quảng cáo, khuyến mãi,
áp lực của mode, của bạn bè, của dư luận…
Có những mời mọc nhắm vào các giác quan của tôi.
Các giác quan như những cánh của mở của căn nhà trống trải.
Bao kích thích khêu gợi như luồng gió lùa vào nhà.
Thắng được những đòi hỏi vô độ của thân xác
đòi hỏi một sự tự chủ lớn lao.
Thắng được những đam mê mù quáng của con tim
cần có một thái độ anh hùng từ bỏ.
Thắng được sự cứng cỏi, cố chấp của trí tuệ
cần có một lòng khiêm tốn mở ra trước chân lý.
Cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng,
vì con người vẫn nghiêng như tháp Pizza.
Cần phải tập nghiêng về điều ngược lại
để tạo lập được sự quân bình trong cuộc sống.
Nói cho cùng, cám dỗ nào cũng khiến con người khép kín,
chỉ nghĩ đến mình và sống cho mình.
Cám dỗ im lặng vì sợ liên lụy.
Cám dỗ giả mù trước sự thật rành rành.
Cám dỗ thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân.
Cám dỗ sống một đời sống tầm thường và buông thả.
Cái cao cả của con người là chiến đấu và chiến thắng.
Chỉ khi nhận Thiên Chúa và tha nhân làm trung tâm,
con người mới thành người trọn vẹn.
Ước gì mỗi Kitô hữu đều có bản lãnh của Ðức Giêsu
để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của mình.
Nhưng trước hết, chúng ta cần ăn chay và cầu nguyện.
Cầu Nguyện
Như đoá sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG HAI
“Lạy Chúa, Xin Tạo Cho Con Một Tấm Lòng Trong Trắng”
Ngoài Thiên Chúa ra, không gì có thể lấp đầy khát vọng con người. Đó là ý nghĩa của hoán cải. Và đó là sứ điệp cứu độ. Thiên Chúa là Tình Yêu. Con người đã quay lưng lại với Thiên Chúa để tìm kiếm những sự thỏa mãn nơi những gì không thể làm mình thỏa mãn được. Và Thiên Chúa – qua Con của Ngài – đã mời gọi con người từ bỏ nẻo đường tội lỗi để trở lại cùng Ngài.
Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã không ngần ngại thí bỏ Con của Ngài. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã không ngần ngại xử Con của Ngài như một tội nhân – dù Người hoàn toàn vô tội, “để cho chúng ta có thể trở nên công chính” (2Cr 5, 21).
Giáo Hội lên lời nhân danh Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức về tội lỗi mình và nhận hiểu tình yêu của Thiên Chúa. Ngôn ngữ của Giáo Hội hết sức triệt để. ‘Triệt để’ nghĩa là ‘truy ngược về tới tận gốc rễ’.
Tiếng gọi triệt để ấy là cốt tủy của bầu khí bước vào mùa Chay. Tận đáy lòng mình, chúng ta phải thốt lên được như tác giả thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm… Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa…Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51, 3. 5 – 6. 12).
Mùa Chay là mùa Thiên Chúa ngỏ lời mật thiết với chúng ta, mùa để chúng ta lắng nghe, đón nhận ơn cứu độ, và trở thành con người mới.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21/2
Chúa Nhật I Mùa Chay
St 9, 8-15; 1Pr 3, 18-22; Mc 1, 12-15.
LỜI SUY NIỆM: Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên thần hầu hạ Người.
Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu được Thần Khí đẩy Người vào hoang địa chịu Xatan cám dỗ, Đây là một mẫu gương của người Kitô hữu. Mỗi người trong chúng ta khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta không còn sống bởi sinh khi nữa, nhưng được sống bởi Thần Khí. Trong mỗi người đều có sự hiện diện và ơn ban của Chúa Thánh Thần; với sức mạnh và khôn ngoan để chiến thắng Xatan.
Lạy Chúa Giêsu. Trong Mùa Chay Thánh này; Xin cho tất cả mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn sống cầu nguyện và tỉnh thức trước những cám dỗ của Xatan. Để giữ mình, sống đẹp lòng Chúa và với mọi người chung quanh chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-02: Thánh PHÊRÔ ĐAMIANÔ
Giám mục Tiến sĩ (1007 – 1072)
Vị tu sĩ và Hồng Y sẽ nắm giữ một vai trò hàng đầu trong Ktô giáo này chào đời năm 1007 tại Ravenne, trong một gia đình nghèo túng, đến nỗi một trong số các anh Ngài đã phải thốt lên khi Ngài sanh ra: – “Chỉ còn thiếu nỗi bất hạnh này nữa thôi. Sao lại phải có nhiều người thừa hưởng cái di sản nhỏ nhoi này vậy”
Và người mẹ kiệt sức đã không muốn cho đứa trẻ sơ sinh bú sữa mà thất vọng bỏ mặc nó. Một bà hàng xóm giảng giải cho bà rằng: – “Những con báo con hùm không bỏ con chúng, trong khi chúng ta là những người Kitô hữu lại bỏ rơi con cái mình sao ? Đứa trẻ mà người ta xua đuổi này, một ngày kia biết đâu lại chẳng là niềm hân hạnh của gia đình ?”
Người đàn bà can đảm này không tin lời mình nói lắm, nhưng đã cung ứng những săn sóc đầu tiên cho đứa bé nghèo khổ. Người mẹ mắc cỡ nên âu yếm ẵm lấy đứa trẻ. Bà đặt tên là Phêrô.
Năm năm sau, Phêrô mồ côi cha mẹ, người được trao cho người anh đã giận dữ đón nhận cuộc sinh hạ của Ngài. Bị đối xử như người làm thuê Ngài phải chăn heo, ngủ chuồng của súc vật, mặc rách rưới và ăn bánh đen. Một ngày kia nhặt được đồng tiền, của trời ơi ngạc nhiên đối với đứa trẻ không hề ăn hàng, Ngài mang tiền đi xin lễ cho cha mẹ. Chính vì vậy mà dường như cha mẹ đã chúc lành cho cả đời đứa trẻ, con mình.
Đamianô, người anh cả của Ngài đã làm linh mục đưa Ngài về Ravenna ở với mình. Anh cho Ngài ăn học và Phêrô đã tỏ ra thông minh, đến nỗi Ngài đã sớm trở thành giáo sư. Đứa trẻ bị khinh miệt ngày trước, bây giờ dạy học tại Parma rồi tại Ravenna. Để bày tỏ lòng biết ơn với người anh cả, Ngài nhận tên mình là Phêrô Đamiano. Ngài được may mắn về mọi mặt. Nhiều gia đình quí, phải gọi Ngài tới ở. Song những thành công không làm cho Ngài thôi cầu nguyện ăn chay. Dưới bộ áo ngoài, Ngài mặc một chiếc áo nhặm.
Trước danh tiếng ngày càng gia tăng, Ngài tự nhủ: – Ích lợi gì nếu tôi dính bén vào được của cải chóng qua này? Bởi vì một ngày kia, tôi sẽ phải giã từ tất cả, tại sao ngay từ bây giờ tôi không hiến dâng chúng cho Thiên Chúa ?
Thế là Ngài từ bỏ cuộc sống dễ dãi và gia nhập dòng Camaldules, Ngài chọn cái gì nặng nhọc nhất và lui vào vô tịch ở nhà dòng Phonte Avellna. Đời khổ hạnh và cầu nguyện sắp biến Ngài thành một vị thánh lớn. Ngài chỉ muốn khiêm tốn vâng phục và thống hối, nhưng trong khi ẩn mình đi, thì năm 1043, vì vâng lời, Ngài đã được đặt làm tu viện trưởng. Khi đó, Ngài tăng số các tu sĩ, lập nhiều tu viện, giúp đỡ các dòng khác. Ý kiến của Ngài luôn hướng thượng, đến nỗi người ta nói rằng: Ngài được Thánh Thần soi sáng.
Giáo hội đang trải qua một thời u buồn và người tu sĩ nghèo khổ hôm qua sắp giữ một vai trò lớn lao làm giảm bớt đau đớn của Roma. Những nết xấu bỉ ổi đè nặng trên triều đại Giáo hoàng. Lời nói của Thánh Thần lẫn sự hiện diện của Ngài chưa đủ, Ngài viết một tác phẩm, “cuốn sách về thành Gomorrha”, để lột trần những lạm dụng đang làm cho Giáo hội phải tủi hổ. Còn chính Ngài, để làm cân bằng cho sự yếu đuối của những giám mục bất xứng, đã tự mình đền tội đánh đòn hàng ngày đến độ chảy máu, dành giờ để hát mười thánh vịnh như Ngài đã khuyên nhủ các tu sĩ. Ngài ăn chay ba ngày mỗi tuần.
Phêrô Đamianô đã muốn là một tu sĩ rốt cùng suốt đời. Nhưng năm 1057, Đức Stephanô IX đã đặt Ngài làm Hồng Y giám mục Ostia. Ngài phản đối, nhưng Đức Thánh Cha khi giảng giải cho Ngài đã cầm tay xỏ nhẫn và đeo thánh giá cho Ngài. Trách vụ giao phó cho Ngài thật lớn lao. Phêrô Damianô hiến trọn tâm hồn cho gia đình mới rộng lớn này. Ngài đón nhận mọi khó khăn, chiến đấu chống các lạc giáo, chấm dứt các xáo trộn của Giáo hội Milanô dẹp tan những bất đồng với xã hội giáo hoàng. Những lo lắng mệt nhọc không cản trở Ngài sẵn sàng hiến dâng đời mình, dù chỉ cho một linh hồn thôi.
Dù kiệt sức, Ngài vẫn dậy sớm để giải tội, không nản lòng, Ngài săn sóc những người bất hạnh, phân phát áo mặc bánh ăn cho họ, thăm viếng các bệnh nhân. Mỗi ngày để nhắc lại tình yêu của Chúa Kitô, Ngài rửa chân cho 12 người nghèo. Đối với những người về quê lập nghiệp, Ngài gửi đồ trợ giúp họ, Ngài nhân hậu đồng đều đối với những người giàu có, những người cũng gặp khó khăn và cố gắng làm cho họ sống bác ái vị tha hơn. Thư từ còn làm cho ảnh hưởng của Ngài lan rộng hơn.
Sau bao nhiêu nhọc mệt và phục vụ, Phêrô trở nên già nua, Đức Thánh cha cho phép Ngài trở lại với nếp sống nhà dòng, Ngài đã muốn căn phòng xấu nhất, ăn thứ bành dành cho heo, hành hạ mình bằng dây lưng sắt, tìm đền bù cho các tội nhân và thánh hóa mình hơn nữa. Ngài nói:
– Một chiến sĩ của Chúa Kitô phải biết mình có thể tiến đến đâu trên đường nhân đức.
Phêrô Đamianô đã định ngày thứ sáu phải được thánh hiến bằng chay tịnh và thống hối, để kính nhớ Chúa Giêsu đã chịu chết trên thánh giá, và ngày thứ bảy kính Đức Mẹ, Đấng mà Ngài đã soạn một bản kinh Nhật tụng để chúc khen.
Tuy đã cao niên, nhưng khi Đức Thánh Cha xin Ngài làm đại diện cho mình tại Pháp. Thánh nhân lên đường ngay. Ngài viếng thăm nhiều địa phận, dẹp tan nhiều cuộc cãi vã, đi tới tận Nước Đức, hoà giải nhà vua với vợ mình là hoàng hậu Berthe, mẹ vua xin được Ngài hướng dẫn. Rồi Ngài tiêu diệt các bè rối tại Florence và mang an bình lại cho Ravenna. Phêrô Đamianô lên cơn sốt ở Faenza. Tu viện Nữ Vương các thánh thiên thần tiếp đón Ngài,
Ngài đã qua đời năm 1072 đang khi xin các tu sĩ vây quanh mình đọc kinh nhật tụng. Chính Ngài đã trước tác mộ bia của mình như sau: – “Mọi cái hôm nay đều phải qua đi để cho điều tồn tại mãi mãi tới gần. Hãy mộ mến những sự trên trời hơn những sự dưới đất, mộ mến điều tồn tại hơn cái rữa tàn. Ước gì tinh thần bạn đạt tới những đỉnh cao, tới được những nơi phát ra sự sống bạn”.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
21 Tháng Hai
Người Cùi Hủi
Raoul Follreeau, vị đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kể lại mẩu chuyện đáng thương tâm như sau:
Trong một thị trấn nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi… Tuy không là một phán quyết dứt khoát, nhưng kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh mỗi lúc lại càng xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che dấu con người mà họ coi như một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một cái mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực tiếp tế mỗi ngày. Vũ trụ của anh chỉ còn là khung mùng phủ kín bốn chân giường. Ngậm đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn mỗi một hy vọng: đó là chốn thoát được chính nhà giam của anh… Ngày nọ, anh đã chốn ra khỏi khuôn mùng và gia đình của anh. Nhưng chẳng may, người ta đã nhận bắt được anh. Lần nay, người đàn ông khốn khổ dường như không còn một hy vọng nào nữa. Anh chỉ còn muốn tìm sự giải thoát qua cái chết…
Lần thứ hai, anh chốn khỏi vũ trụ tối tăm của anh. Nhưng lang thang mãi mà vẫn không tìm được sự tin tưởng và giúp đỡ của những người khác, anh đã tìm đến cái chết như một lời biện hộ cuối cùng. Người đàn ông đã mua thuốc ngủ và tự vận trước mặt mọi người. Cái chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta yêu cầu cho khám nghiệm tử thi. Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã không bao giờ mắc bệnh phong cùi…
Những ai đã và đang sống dưới một chế độ độc tài trong đó mọi thứ tự do cơ bản nhất của con người bị chối bỏ, đều cảm nhận được sự độc hại của thái độ thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa người với người… Một xã hội mà quan hệ giữa người với người cjỉ xây dựng trên dối trá, lừa đảo, hận thù, ganh ghét…. Một xã hội như thế không thể không đi đến chỗ diệt vong…
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để xây dựng Nước Chúa, Nước của Chân Lý, của Công Bình, của Bác Ái, của sự tín nhiệm lẫn nhau…
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta chế độ kiểu mẫu: Ngài không nhìn người bằng một nhãn hiệu, bằng một lăng kính có sẵn. Tất cả mọi người, dù tội lỗi thấp hèn đến đâu cũng đều được Ngài nhìn dưới ánh mắt của cảm thông, của yêu thương, của tha thứ… Tất cả mọi người đều được nhìn dưới ánh mắt yêu thương của Ngài như một giá trị độc nhất vô nhị trong tình yêu của Thiên Chúa.
Ðể được một cái nhìn như thế, chúng ta luôn được mời gọi để gạt bỏ mọi thứ thành kiến ra khỏi tâm hồn chúng ta. Trong tất cả mọi sự và trong mọi người, chúng ta hãy mặc lấy cái nhìn của Chúa Giêsu. Chỉ với cái nhìn ấy, chúng ta mới mong tái tạo được sự tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau trong xã hội chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B
Bài đọc: Gen 9:8-15; I Pet 3:18-22; Mk 1:12-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa thực hiện mọi sự tốt đẹp qua Đức Kitô.
Nhìn lại lịch sử là điều cần thiết để hiểu biết và phê bình. Để so sánh cách chính xác, con người thường so sánh những gì xảy ra trước và sau khi một người nhận công việc hay chức vụ. Ví dụ, để phê bình tổng thống Obama, người ta sẽ dựa vào tình hình chính trị và kinh tế trước và sau khi ông nhậm chức tổng thống.
Lịch sử Cứu Độ cần thiết để chúng ta nhận diện tội lỗi con người và tình thương của Thiên Chúa. Cả ba Bài Đọc hôm nay đều cho chúng ta thấy một sự tương phản trước và sau những biến cố lịch sử chính.
Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế cho chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra sau trận Lụt Hồng Thủy; điều này giả sử phải có lý do và những gì xảy ra trước đó. Thiên Chúa đã nhìn thấy tội lỗi con người xúc phạm đến Ngài quá nhiều, nên Ngài muốn tái tạo một trời mới đất mới, trong đó có gia đình Noah. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Phêrô so sánh Lụt Hồng Thủy với cái chết của Đức Kitô. Nếu Lụt Hồng Thủy tàn sát tất cả vì tội lỗi con người, cái chết của Đức Kitô xóa đi tất cả tội lỗi và cứu sống con người. Điều này bảo đảm Lời hứa của Thiên Chúa: Lụt Hồng Thủy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Trong Phúc Âm, sau khi Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ 40 đêm này, Ngài đã thắng vượt được tất cả và bắt đầu hành trình rao giảng Tin Mừng để đem ơn Cứu Độ đến cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Gia đình Noah được cứu thóat khỏi Lụt Hồng Thủy.
1.1/ Tội lỗi của con người: là một thực trạng không thể chối cãi. Sách Sáng Thế từ chương 1-11 tường trình từ chi tiết đến tổng quát các tội của con người:
– Tội Nguyên Tổ: Tổ tiên con người, Adam và Eve, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa ăn trái cấm. Con người phải lãnh nhận các hình phạt của việc bất tuân.
– Tội giết người: Cain giết Abel, em mình, vì tức giận Thiên Chúa không đóai nhìn đến lễ vật ông dâng. Cain phải chấp nhận hình phạt của Thiên Chúa.
– Tội kiêu ngạo: Con người xây tháp Babel vì muốn để lại danh tiếng và không phải tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hậu quả là ngôn ngữ bất đồng, Thiên Chúa phân tán họ khắp mặt đất.
– Tất cả các tội khác: là nguyên nhân của Lụt Hồng Thủy. Chúa cứu gia đình ông Noah.
1.2/ Tình thương Thiên Chúa cứu vớt con người: Ngay cả trong khi ra hình phạt cho con người, tình thương của Thiên Chúa vẫn thể hiện trong tất cả mọi trường hợp. Trong trận Lụt Hồng Thủy, sau khi nhìn thấy kết quả của sự tàn phá, Chúa hứa với Noah và gia đình ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa.” Dã thú ở với Noah trên tàu mà không làm hại ông cũng như các súc vật khác trên tàu, nhưng vâng lời con người. Khi con người sống công chính trước Thiên Chúa, tất cả các quyền lực và dã thú phải tùng phục con người. Dã thú cũng được bao gồm trong giao ước Thiên Chúa làm với con người.
Cầu Vồng là dấu hiệu của tình thương Thiên Chúa: Thiên Chúa phán: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.”
2/ Bài đọc II: Lời hứa của Thiên Chúa được hiện thực nơi Đức Kitô.
2.1/ Con người vẫn tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa: Từ thời Noah cho đến thời Đức Kitô, con người vẫn tiếp tục phạm tội, nhưng Thiên Chúa giữ lời hứa không giết con người bằng Lụt Hồng Thủy nữa. Nhưng làm sao để giải thóat con người khỏi tội? Đó chính là Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Ngài ban cho con người Đức Kitô để gánh tội cho con người.
2.2/ Chúa Giêsu đã chịu phép rửa trong nước và máu để chuộc tội cho con người: Các Thánh Giáo Phụ nhìn thấy sự giống nhau giữa Lụt Hồng Thủy và biến cố Đức Kitô:
* Trong Lụt Hồng Thủy, ai không tin vào Noah và ở trong tàu sẽ bị nước cuốn đi; cũng vậy, ai không tin vào Đức Kitô cũng phải chịu số phận tương tự. Tác giả Thư Phêrô quả quyết: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.”
* Lụt Hồng Thủy là hình bóng của Phép Rửa Tội: Cả hai đều rửa sạch tội lỗi con người. “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em.”
* Có phải chỉ cần chịu phép rửa là được cứu độ? Nhiều giáo phái tin như thế. Nhưng tác giả Thư Phêrô cắt nghĩa: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.” Con người vẫn phải trải qua thử thách và cám dỗ, và họ phải chứng minh sự trung thành với Thiên Chúa.
* Đức Kitô không những có quyền năng giải thóat những người đương thời và tương lai, mà còn cả những người đã hư mất trong và trước thời Noah: “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Noah đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước.”
3/ Phúc Âm: Đức Kitô bắt đầu triều đại của Thiên Chúa.
3.1/ Đức Kitô chịu cám dỗ trong hoang địa: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.” Sự kiện này xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Jordan bởi Gioan.
“Hoang địa” không có nghĩa là sa mạc, chỉ có nghĩa là vùng không hay rất ít người ở. Chỗ mà Marcô nói đến hôm nay là một vùng núi đá vây quanh bởi nhiều vực thẳm. Hiện nay vẫn còn một tu viện của các đan sĩ nằm chênh vênh lưng chừng núi. Đây là một sáng kiến rất đạc biệt. Nếu du khách đứng trên một ngọn đồi đối diện nhìn qua Núi Cám Dỗ, họ sẽ há miệng kinh ngạc khi nhìn thấy tu viện; vì họ không thể nào ngờ trong nơi hoang dã và hiểm trở như thế, con người có thể xây một căn nhà như những chiếc hộp chồng lên nhau giữa lưng chừng núi. Chỉ cần sơ sót chợt chân một tí là sẽ rơi xuống vực thẳm. Điều này tự nó nói lên nguy hiểm của “chước cám dỗ:” chỉ cần sơ sót một tí, con người sẽ mất mạng ngay. Chúng tôi có cơ hội leo lên chốn này để thăm tu viện, rồi từ đó leo lên tới đỉnh núi khỏang 30 phút. Núi cám dỗ không xa kinh thành Jerusalem bao nhiêu, khỏang 30 dặm lái xe. Trên đỉnh núi một người có thể nhìn thấy Jerusalem.
Trình thuật cám dỗ của Chúa Giêsu gợi lại “biến cố cám dỗ” trong Vườn Địa Đàng: có Satan, các dã thú, và các thiên thần. Khi con người chưa rơi vào chước cám dỗ, họ có thể ở chung với dã thú mà không sợ hãi. Khi con người sa chước cám dỗ, các dã thú sợ hãi và có thể gây nguy hiểm cho con người. Điều này cũng đã được tiên tri Isaiah nói tới khi triều đại Thiên Chúa đến, chó sói sẽ ở chung với chiên… trẻ thơ có thể thò tay vào hang rắn lục mà không sợ nguy hiểm (Isa 11:6-9). Ngay cả trong khi bị cám dỗ, các thiên thần của Chúa vẫn hiện diện để nâng đỡ và gìn giữ con người khỏi sa chước cám dỗ và “vấp chân vào đá.”
Marcô chỉ tường thuật tổng quát Chúa Giêsu chịu cám dỗ, nhưng không tường thuật chi tiết các cám dỗ như Matthew và Luke (Mt 4:1-11, Lk 4:1-13). Điều Marcô muốn nhấn mạnh là sự khác biệt giữa hai biến cố: Đức Kitô, Adam mới đã thắng vượt mọi cám dỗ, chứ không sa chước cám dỗ như Adam cũ.
3.2/ Đức Kitô rao giảng Tin Mừng: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilee rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.””
Thời kỳ đã mãn tức là thời gian con người phải chờ đợi đã hòan tất. Triều đại Thiên Chúa bắt đầu với sự xuất hiện của Đức Kitô. Qua Ngài, tất cả những gì Thiên Chúa hứa được thực hiện và hòan tất tốt đẹp. Chúa Giêsu rao truyền hai điều quan trọng:
(1) Ăn năn xám hối: Giống như Gioan, Chúa Giêsu cũng đòi con người phải nhận ra tội lỗi và ăn năn xám hối; vì không thể nhận được sự tha thứ nếu không thú nhận tội lỗi của mình. Ơn thánh của Thiên Chúa đòi sự cộng tác của con người.
(2) Tin vào Tin Mừng: Điều này làm Chúa Giêsu khác Gioan. Marcô muốn nói gì trong câu “tin vào Tin Mừng?”
– Tin Mừng là chính Đức Kitô: con người của Ngài, những lời Ngài dạy dỗ và các việc Ngài làm.
– Tất cả những gì Thiên Chúa hứa được thực hiện nơi Đức Kitô trong Kế Họach Cứu Độ.
– Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người: Như một người Cha, không có tội nào của con cái có thể lấy đi tình thương; ngọai trừ tội cố tình không chịu ăn năn trở về.
– Đức Kitô gánh tội cho con người: để bảo đảm sự công bằng của Thiên Chúa.
– Đức Kitô giải thóat con người khỏi chết và mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội cho con người.
– Kế họach Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô. Để được ơn Cứu Độ, con người phải tin vào Đức Kitô và lãnh nhận BT Rửa Tội.
– Như Đức Kitô đã chịu cám dỗ và đã tòan thắng, Ngài có thể giúp chúng ta cũng tòan thắng các chước cám dỗ của ma quỉ. Trường hợp sa chước cám dỗ, chúng ta đã có Bí-tích Hòa Giải để tha thứ. Ma quỉ không thể làm gì chúng ta bao lâu chúng ta luôn sẵn sàng xám hối và tin vào Tin Mừng.
– Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta đọc lại lịch sử và tin vào tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************