Chúa Nhật (22-07-2018) – Trang suy niệm

21/07/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: Gr 23, 1-6

“Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta”. Chúa lại phán: “Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”.

Chúa còn phán rằng: “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Đáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Ep 2, 13-18

“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí. Đó là lời Chúa

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

22/07/2018CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – B

Mc 6,30-34

NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA MỖI NGÀY

Đức Giê-su bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)

Suy niệm: “Lao động là phúc lành cho ta. Chúa đã khôn khéo sắp đặt thế giới để lao động là điều cần thiết; Ngài ban cho ta đôi tay và sức lực để lao động. Tận hưởng thú vui sẽ không có ý nghĩa nếu ta chỉ có thú vui. Chính niềm vui khi lao động miệt mài giúp ta vui hưởng sự nghỉ ngơi, tựa như trải nghiệm đói và khát làm cho thức ăn thức uống đem lại những thú vị như vậy” (nhà văn Mỹ E. Elliot). Đời sống con người gồm có hai nhịp: lao động và nghỉ ngơi. Lao động mải mê mà không nghỉ ngơi sẽ làm ta kiệt sức, chán ngán. Trái lại, chỉ nghỉ ngơi mà không lao động, cuộc sống sẽ vô vị và dễ đưa đến sự ác. Trong đời sống thiêng liêng, ngày sống gồm có những giờ lao động vất vả, nhưng cũng cần những giây phút nghỉ ngơi bên Chúa qua cầu nguyện, dâng lễ… giúp cho đời sống ta quân bình, và đầy niềm vui.

Mời Bạn: Hãy tổ chức một ngày sống theo hai nhịp gợi ý trên đây: lao động và nghỉ ngơi bên Chúa. Nghỉ ngơi bên Chúa để Ngài bồi dưỡng, tăng cường sức lực tinh thần, cũng như để cảm nếm sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời, và nhờ vậy, việc lao động của bạn cũng được đổi mới và tràn đầy sáng tạo.

Sống Lời Chúa: Trong 288 ngày của Năm thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mỗi ngày tôi sẽ dành 5 phút để đọc và suy niệm Lời Chúa và dâng lễ hằng ngày (nếu có thể).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng như thể lý của các môn đệ. Xin cho con cũng biết, bên cạnh việc chăm lo cho sức khỏe thể lý, cũng dành thời gian cho đời sống thiêng liêng qua việc cầu nguyện, dâng lễ, đọc Lời Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

22 THÁNG BẢY

Chính Thiên Chúa Chọn Chúng Ta Trước

Sự tiền định đi trước cả sự tạo thành vũ trụ. Bằng việc áp dụng những loại suy của ngôn ngữ con người vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng trước hết Thiên Chúa muốn thông truyền chính Ngài – trong thần tính của Ngài – cho con người, bởi vì con người được mời gọi trở thành hình ảnh của Ngài và giống như Ngài trong thế giới thụ tạo. Tiên vàn, trong người Con Vĩnh Cửu của Ngài, Thiên Chúa chọn con người để con người tham dự vào chức phận làm con ấy nhờ ân sủng. Rồi, Thiên Chúa muốn thu họp tất cả thế giới thụ tạo về với chính Ngài trong Đức Kitô.

Như vậy, mầu nhiệm tiền định hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Mạc khải về kế hoạch vĩ đại này vén mở trước mắt chúng ta viễn tượng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta đến chính trung tâm của Vương Quốc này – ở đó chúng ta khám phá ra mục đích tối hậu của công cuộc tạo dựng. Chúng ta hiểu Thiên Chúa muốn gì.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 22/7

Chúa Nhật XVI Thường Niên

Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34.

LỜI SUY NIỆM: “Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

          Trong tuần trước chúng ta đã nghe đoạn Tin Mừng Chúa sai các môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng, hôm nay là lúc các Tông đồ mang kết quả báo lại với Chúa Giêsu, Người ghi nhận tất cả với lời khuyên: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”. Điều này cho chúng ta thấy được Chúa rất quan tâm đến nhu cầu cần thiết cho con cái của Người: “làm việc và nghỉ ngơi”. Mặc dầu vậy, khi Người thấy đám đông đi theo Người, Người lại yêu thương trong sự quan tâm của Người: Họ như bầy chiên không người chăn dắt”, để rồi Người lại “dạy dỗ họ nhiều điều.”

          Lạy Chúa Giêsu. Thật là hạnh phúc cho tất cả chúng con, khi được Chúa chọn gọi và cho chúng con cọng tác trong công trình mở mang Nước Chúa. Xin cho chúng com có đầy nhiệt tâm trong bổn phận của mình, đặc biết luôn quan tâm đến những người anh em chung quanh chúng con, để nâng đỡ và phục vụ họ, trong yêu thương vì kính mến Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 22-07: Thánh MARIA MADALENA

Các Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.

Người thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).

Đàng khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đâng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).

Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu Ngài tới gặp “thầy”. Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26,6-13).

Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.

Với sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên “Maria” buổi sáng phục sinh.

Sau đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài đã từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

22 Tháng Bảy

Người Bị Mạo Nhận 

Ngoại trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.

Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.

Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi “7 quỷ dữ”. Cách nói “7 quỷ dữ” này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.

Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: “Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng… Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna… cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài”.

Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: “Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em”.

Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.

Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: “Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm B

Bài đọc: Jer 23:1-6; Eph 2:13-18; Mk 6:30-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng trong thất vọng 

            Trong cuộc đời, có những lúc con người cảm thấy lo âu, sợ hãi, chán nản đến tuyệt vọng, vì phải đương đầu với quá nhiều vấn đề: căng thẳng, chia rẽ, hận thù, bất an … Thiên Chúa muốn con người phải tuyệt đối tin tưởng và hy vọng nơi Ngài, và Đức Kitô là nguồn hy vọng của mọi người, là giải pháp của mọi vấn nạn của cuộc đời.

            Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: chỗ nào có lo âu, thất vọng, chỗ đó có hy vọng và giải quyết tuyệt vời của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah tường thuật nguy hiểm của các chủ chăn vô trách nhiệm làm chiên lạc bầy và niềm hy vọng có được Người Mục Tử Nhân Lành sẽ đến chăm sóc và quy tụ chiên về. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Ephesô tường thuật sự thù địch giữa con người với Thiên Chúa, giữa Do-thái và Dân Ngoại; và niềm hy vọng Thánh Giá sẽ hòa giải những mối xa cách thù địch này. Trong Phúc Âm, các tông đồ làm việc quá tải mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu săn sóc đoàn chiên. Chúa Giêsu bảo các ông hãy lui vào trong nghỉ ngơi để chính Ngài dạy dỗ và săn sóc dân chúng. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền.

1.1/ Nguy hiểm của các mục tử không làm tròn bổn phận: Xưa cũng như nay, chúng ta luôn có những mục tử không làm tròn bổn phận của mình như tiên tri Jeremiah cảnh cáo: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác – sấm ngôn của Đức Chúa – Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa.”

            Những dấu hiệu cho thấy người chăn chiên không chu toàn nhiệm vụ người mục tử:

            – không chịu lưu tâm chăm sóc chiên: Họ không dạy dỗ cho chiên của mình biết về Thiên Chúa và các Lề Luật của Ngài. Họ không làm gương sáng cho chiên noi theo; ngược lại còn làm gương mù. Họ không quan tâm đến các nhu cầu phần hồn cũng như phần xác của chiên.

            – không yêu thương chiên cách vô vị lợi: Họ chỉ quan tâm đến lông chiên và thịt chiên của những con béo tốt, những con chiên có thể làm lợi cho họ mà thôi (Eze 34:7).

            – không bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm: Họ xua đuổi chiên đi cách trực tiếp hay gián tiếp, hay làm chiên lạc bầy bằng những học thuyết sai lạc hay lối sống vô luân.

1.2/ Hy vọng: Những dấu hiệu của người Mục Tử Nhân Lành:

            – chăm sóc chiên cẩn thận: Họ dạy dỗ chiên biết kính sợ Thiên Chúa và tuân hành các Lề Luật của Ngài.

            – yêu mến và lo lắng cho chiên: Họ băng bó chiên bị thương, vỗ béo chiên gầy còm, đi tìm con chiên lạc và quy tụ tất cả chiên lạc về một đàn.

            – bảo vệ chiên và sẵn sàng hy sinh tính mạng vì chiên: Họ bảo vệ chiên khỏi thú dữ giết hại, khỏi tay của những phường trộm cướp, khỏi những vùng nguy hiểm đe dọa tính mạng chiên.

            Hai cách Thiên Chúa có thể làm để chăm sóc chiên:

            (1) Hoặc Chính Chúa Thượng sẽ chăn dắt chiên như lời sấm của Jeremiah: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.”” Thánh sử Gioan đồng nhất vị Mục Tử này với Đức Kitô (Jn 10).

            (2) Hoặc Chúa sẽ huấn luyện và gởi tới các mục tử tốt lành: “Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa.”

2/ Bài đọc II: Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.

            Hận thù xa cách xảy ra là do sự không hiểu biết, ghen ghét, thiếu cảm thông, hay tính kiêu hãnh coi mình hay giòng giống mình trổi vượt hơn người khác. Thánh Phaolô nêu lên hai mối hận thù xa cách chính:

2.1/ Giữa con người với Thiên Chúa: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” Khi con người phạm tội, họ xa cách Thiên Chúa, và không xứng đáng làm con cái của Ngài. Nhưng nhờ máu của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đổ ra, con người được sạch mọi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ vậy, họ lại được hưởng quyền làm con cái Thiên Chúa.             

2.2/ Giữa Do-thái và Dân Ngoại: Khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, họ cũng được đòi phải hòa giải với nhau, như lời thánh Phaolô: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.” Có tác giả giúp chúng ta nhớ tư tưởng này bằng cách cắt nghĩa Thập Giá gồm 2 mảnh: mảnh đứng tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, mảnh ngang tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với nhau.

            Thánh Phaolô cắt nghĩa tiến trình hòa giải giữa Do-thái và Dân Ngoại như sau: “Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.” Trước khi Đức Kitô đến, có một sự phân cách rõ ràng giữa người Do-thái và tất cả các sắc dân khác. Người Do-thái coi chỉ có họ mới xứng đáng là “Dân Riêng” của Thiên Chúa, vì Ngài đã chọn, bảo vệ, và ban Lề Luật cho họ; tất cả dân tộc khác được xếp hạng Dân Ngoại, không thanh sạch, và không được hưởng những đặc quyền như họ. Vì thế, người Do-thái sống cách biệt với các dân tộc khác, và không muốn có sự chung đụng gì với các dân tộc khác. Khi Đức Kitô đến, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng và bao trùm tất cả mọi dân tộc. Điều kiện được cứu độ là niềm tin vào Ngài, chứ không dựa trên việc giữ Lề Luật nữa. Dĩ nhiên, Đức Kitô không hủy bỏ tất cả Lề Luật, nhưng các tín hữu vẫn phải giữ các Luật căn bản để chứng tỏ đức tin của họ.

            Để hiểu những gì thánh Phaolô nói về sự xa cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại, chúng ta cần hiểu cách cấu trúc của Đền Thờ Jerusalem thời đó: Có 3 bức tường ngăn cách các hạng người khác nhau. Bức tường thứ nhất ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại; người dân ngoại nào vượt bức tường này là động chạm đến người Do-thái và sẽ bị tử hình. Bức tường thứ hai ngăn cách giữa phái nam và phái nữ của người Do-thái; người nữ không được phép bước vào chỗ của người nam. Bức tường thứ ba ngăn cách giữa người giáo dân và hàng tư tế; chỉ có tư tế mới được vào trong để dâng của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có một bức màn đóng kín từ trên xuống dưới để ngăn cách giữa nơi thánh của các tư tế và nơi Cực Thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện; chỉ có các Thượng Tế mới được vào nơi Cực Thánh trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần mà thôi.

            – Khi Đức Kitô đến, Ngài đập tan các bức tường ngăn cản giữa con người với con người, như lời thánh Phaolô diễn tả: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và Dân Ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.” Không chỉ đập tan bức tường thứ nhất mà mọi bức tường ngăn cản giữa con người với con người: không còn Do-thái hay Hy-lạp, không còn nô lệ hay tự do, nhưng tất cả được rửa để tháp trong một Nhiệm Thể duy nhất là Đức Kitô (I Cor 12:13).

            – Hơn nữa, Đức Kitô cũng xé đi bức màn ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa, như lời Tin Mừng diễn tả: Màn trong Đền Thờ xé ra làm hai khi Chúa Giêsu gục đầu xuống và trút hơi thở cuối cùng (Mt 27:51, Mk 15:39, Lk 23:45). Kể từ giờ ấy, con người không còn xa lạ với Thiên Chúa nữa; họ có thể trực tiếp đến với Ngài bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, chứ không cần phải qua trung gian thầy Thượng Tế, và cũng không cần đợi đến Ngày Xá Tội một năm một lần. Thánh Phaolô diễn tả tư tưởng này như sau: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thánh Thần duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”

3/ Phúc Âm: Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.

3.1/ Căng thẳng nguy hiểm giữa chủ chăn và đòan chiên

            (1) Quá tải của sứ vụ tông đồ: “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy… Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.”

            Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, làm sao các tông-đồ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng? Làm sao các ông có thể thăng bằng giữa đời sống cá nhân với mục vụ tông đồ?

            (2) Chiên vất vưởng không người chăn: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.” Làm sao để có đủ mục tử chăm sóc cho dân khi càng ngày càng ít người đi tu? Xã hội càng tiến bộ, đời sống luân lý và gia đình càng sa sút. Làm sao kiếm được các thợ rành nghề để săn sóc dân chúng?

3.2/ Hy vọng: Chúa Giêsu là giải quyết cho cả hai bên, các mục tử và đoàn chiên.

            (1) Người tông-đồ phải có thời giờ nghỉ ngơi với Đức Kitô: Chúa Giêsu nhận ra sự bận rộn trong công tác mục vụ của các tông-đồ. Để tránh cho các ông nguy cơ bị “làm việc quá độ,” Ngài bảo các ông: ”Các con hãy vào trong để nghỉ ngơi một chút.” Chính Ngài đi tìm chỗ nghỉ cho các ông. Đây phải là một kinh nghiệm sống cho chúng ta: Chúa không đòi chúng ta làm việc quá độ, cũng không khuyến khích sự lười biếng. Chúng ta phải giữ sao cho cân bằng, khi nào quá mệt mỏi, chúng ta phải kiếm giờ để nghỉ ngơi dưỡng sức trong Chúa; chứ không phải phí sức vào những cuộc vui chơi làm chúng ta càng mệt mỏi hơn.

            (2) Người dạy dỗ họ nhiều điều: Không phải chỉ có các mục tử là người chủ chăn, Đức Kitô là Mục Tử Tốt Lành và trên hết. Chính Ngài sẽ dạy dỗ, săn sóc, và bảo vệ dân chúng, như trình thuật hôm nay: ” Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành: Tất cả chúng ta hãy học hỏi, đặt trọn niềm tin tưởng,  và niềm hy vọng nơi Ngài.

            – Cha mẹ hay cha xứ đều là các mục tử chăm sóc những chiên của Thiên Chúa. Trên hết mọi sự, người mục tử phải dạy cho dân biết và quí mến Đức Kitô.

            – Mỗi người chúng ta đều là các chiên của Thiên Chúa. Chúng ta phải học biết về Đức Kitô và cầu nguyện cho các mục tử của mình. Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta đang cầu nguyện cho chính chúng ta. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************