Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô – Năm C
BÀI ĐỌC I: St 14, 18-20
“Ông mang bánh và rượu tới”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Menkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: “Xin Thiên Chúa Tối Cao và Đấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông”. Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Đáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).
Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rÄng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”. – Đáp.
Đức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rÄng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”. – Đáp.
“Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”. – Đáp.
Đức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rÄng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 11, 23-26
“Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 9, 11b-17
“Tất cả đều ăn no nê”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
23/06/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – C
Mình và Máu Chúa Ki-tô
Lc 9,11b-17
HIỆU QUẢ CỦA THÁNH THỂ
“Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” (Lc 9,16)
Suy niệm: Phép lạ Đức Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều là hình ảnh báo trước về việc Ngài sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm phép lạ hóa ra vô số cho hơn năm ngàn người no nê, dư dật; cũng vậy, Thánh Thể Ngài là tấm bánh được bẻ ra cho muôn người được no thỏa, dư đầy. Ai ăn cá và bánh ngày ấy rồi cũng đã chết; còn ai lãnh nhận Thánh Thể Ngài cũng sẽ chết, nhưng cái chết ấy là ngưỡng cửa để bước vào cõi sống đời đời. Cả hai phép lạ, phép lạ ngày ấy tại thảm cỏ ven hồ Ti-bê-ri-a và phép lạ diễn ra trên bàn thờ hằng ngày, đều cho ta thấy Chúa của ta là một vị Chúa quyền năng, cao cả, nhưng Ngài đã dùng quyền năng ấy để phục vụ cho con người, vì lòng yêu thương con người, yêu thương cho đến cùng (Ga 13,1).
Mời Bạn: Đức Hồng y Ph.Xav. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Mình Máu Thánh Chúa, phương dược chữa xác cứu hồn, là thang thuốc trường sinh bất tử. Nhờ rước Thánh Thể, tôi được an ủi và can đảm tràn ngập cõi lòng.” Bạn cũng sẽ vậy thôi! Nhờ siêng năng rước Mình Máu Thánh Chúa, bạn được an ủi, niềm vui, thêm lòng mến Chúa yêu người.
Sống Lời Chúa: Tôi rước Thánh Thể Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, và đọc kinh Rước lễ thiêng liêng hàng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Giê-su, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con. Vì bây giờ con chẳng chịu Chúa thật được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG SÁU
Một Sự Soi Dẫn Từ Trên
Sự quan phòng của Thiên Chúa và sự tự do của con người không hề đối nghịch nhau. Đúng hơn,hai đàng hỗ tương mật thiết cho nhau. Hai thực tại ấy bộc lộ một mối hiệp thông yêu thương – trong đó Thiên Chúa tôn trọng và cùng làm việc với ý chí tự do của chúng ta. Chẳng hạn, khi suy xét đến vận mệnh tương lai của mình, chúng ta tìm thấy nơi mạc khải thần linh – nhất là nơi Đức Kitô – một sự soi sáng quan phòng giúp chúng ta thấy đường lối cứu độ và ý muốn của Chúa Cha.
Chính Thiên Chúa thực hiện sự soi sáng đó, tuy rằng Ngài vẫn giữ mầu nhiệm này hoàn toàn kín nhiệm đối với chúng ta. Nhìn từ một viễn tượng như thế, ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa không phủ nhận sự hiện diện của sự dữ và đau khổ trong cuộc sống con người. Đúng hơn, sự quan phòng ấy trở thành một điểm tựa giúp ta có thể hy vọng cả trong những nỗi khổ đau, và thậm chí nó cho phép chúng ta thoáng thấy được bằng cách nào ta có thể rút điều tốt ra từ cái xấu.
Công Đồng Vatican II đã nêu bật cho ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa khi Công Đồng qui chiếu đến sự tiến triển của thế giới sẽ xảy ra khi vương quốc Thiên Chúa triển nở, khi Công Đồng vén mở ra sự thường hằng và khôn ngoan của Thiên Chúa tình yêu. “Ai khôn ngoan hãy hiểu những điều này; ai thận trọng thì hãy nhận biết. Đường lối của Chúa thì ngay thẳng, trong đường lối đó người công chính bước đi, nhưng kẻ tội lỗi thì vấp ngã” (Hs 14,10).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23/6
Chúa Nhật X Thường Niên
Mình và Máu Chúa Kitô
St 14, 18-20; Cr 11, 23-26; Lc 9, 11-17.
LỜI SUY NIỆM: “Chính anh em hãy cho họ ăn.”
Các Tông đồ của Chúa Giêsu sau khi rao giảng trở về, đã thuật lại những thành công tốt đẹp mà các ông đã thực hiện được. Nhưng đến khi các ông phải đối đầu với thực tại về cơm bánh của dân chúng, các ông đã muốn trốn tránh trách nhiệm. Điều này Chúa Giêsu không thể chấp nhận, nên Người bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho các chủ chăn ngày nay biết lắng nghe lời Chúa hôm nay. Đặc biệt đối với những người đang đói khát Mình Máu Thánh Chúa. Xin Chúa cho các ngài mau mắn phục vụ đến tận nơi cho những người này.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
23 Tháng Sáu
Khối Ðá Cẩm Thạch
Một lần kia các phụ nữ giàu có sinh sống tại thành phố Firenze, miền bắc nước Italia nảy ra sáng kiến góp một khối đá cẩm thạch lớn và thuê một nhà điêu khắc tạc thành bức tượng nào tùy ý, mà ông nghĩ là dân chúng sẽ ưa thích để làm quà cho thành phố.
Nhưng có lẽ đây không phải là một nhà điêu khắc tượng có biệt tài hay vì khối đá bị sẻ không đúng theo quy luật điêu khắc, nên sau khi nghiên cứu một thời gian, ông ta không biết dùng khối đá để tạc tượng gì nên đành bỏ cuộc với lời quả quyết: “Ðây là một khối đá vô dụng”.
Kể từ ngày ấy, khối đá cẩm thạch quý giá bị bỏ ngoài trời mặc cho mưa sa tuyết phủ. Một nhà điêu khắc khác cũng được mời đến xem khối đá, nhưng sau khi nhìn ngắm và có người thử phác họa vài nét nháp trên giấy, tất cả đều bỏ đi với cùng một ý kiến của nhà khắc tượng đầu tiên.
Cho đến một ngày kia, Michelangelo, nhà điêu khắc và kiến trúc thời danh có dịp ghé thăm thành phố nhà. Không rõ có ai lưu ý ông về khối đá hay ông tình cờ khám phá ra, nhưng ông cảm thấy muốn tạc một bức tượng được tạc từ khối đá mà ai cũng cho là vô dụng.
Ông đo mọi kích thước. Ông bỏ hàng ngày để nhìn ngắm khối đá để tìm hứng. Bỗng chốc ông thấy thật rõ ràng một bức tượng mà ông xác tín là dân chúng thành Firenze sẽ rất mến mộ. Ông nhìn thấy hình chàng thanh niên David vai mang cái ná bắn đá, tay cầm những hòn sỏi, trong tư thế sẵn sàng ra chiến đấu với tên khổng lồ Goliát.
Những nhà khắc tượng khác đồng ý cho rằng: đây là một khối đá vô dụng.
Nhưng dưới cặp mắt của Michelangelo khối đá ấy đã mang hình ảnh chàng thanh niên David, vị anh hùng dân tộc Do Thái và lập tức ông lấy dụng cụ bắt tay vào việc, mặc cho những người tạc tượng khác lắc đầu mỉm cười ngụ ý nói rằng: đây là thật công dã tràng.
Nhưng Michelangelo vẫn miệt mài làm việc, gác ngoài tai những tiếng thị phi. Rồi cuối cùng, mỗi nhát búa, mỗi cái đục đẽo làm nổi hẳn một bức tượng chàng David hiên ngang, oanh liệt, mà trải qua bao thế kỷ vẫn làm say mê hàng vạn du khách, trố mắt đứng nhìn một kỳ công tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc.
Không ai trong chúng ta là khối đá vô dụng khi được chọn để tạc thành những bức tượng tín hữu Kitô sống động dưới những nhát búa, nét đục của Chúa Giêsu.
Lời Chúa và sự hiện diện của Ngài muốn tạo chúng ta thành những Kitô hữu xứng với danh gọi, nghĩa là giống Chúa Giêsu.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa, Năm C
Bài đọc: Gen 14:18-20; 1 Cor 11:23-26; Lk 9:11b-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bí-tích Thánh Thể diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức không thể tách rời nhau và là hai tặng phẩm vô giá Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người từ xa xưa, vì yêu thương con người.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật nguồn gốc và mục đích của hai bí tích này. Trong bài đọc thứ nhất, tác giả Sách Khởi Nguyên đề cập đến một nhân vật kỳ lạ là Melchizedek xuất hiện mang theo bánh và rượu để ra đón Abraham chiến thắng trở về. Không ai biết Melchizedek là ai cho đến khi tác giả Thư Do-thái dùng phương pháp “midrash” nối kết với Thánh Vịnh 110, để tuyên bố: Đức Kitô chính là Melchizedek Thiên Chúa đã chuẩn bị từ thời tổ phụ Abraham để làm Thượng Tế cứu thoát con người khỏi tội nhờ lễ vật Ngài dâng trên đồi Golgotha một lần là đủ, và giờ đây chúng ta vẫn còn tái diễn mỗi ngày trong các nhà thờ để hưởng nhờ hiệu quả của biến cố đó. Trong bài đọc II, thánh Phaolô truyền lại những gì Ngài đã tiếp nhận được nơi Đức Kitô cho các tín hữu Corintô về “bữa tiệc tình yêu.” Đây là trình thuật đầu tiên chúng ta biết được (Thư Corintô I có trước các Sách Tin Mừng) và các cộng đoàn đầu tiên đã trung thành cử hành mỗi khi hội họp để tưởng nhớ Đức Kitô và loan truyền Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Trong Phúc Âm, tuy Đức Kitô chính thức thiết lập hai bí tích Thánh Thể và Truyền Chức trong Bữa Tiệc Ly; nhưng các động tác chính của bí tích Thánh Thể: “cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, và trao cho các môn đệ” đã có từ khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi 5,000 người ăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bí tích Thánh Thể và chức tư tế
Tác giả Thư Do-thái dùng phương pháp midrash (tra chữ Melchizedek) để xác định Melchizedek chính là Đức Kitô. Ngài là Thượng Tế Tối Cao và muôn đời theo phẩm trật Melchizedek. Tác giả dùng hai trình thuật chính:
1.1/ Sáng Thế Ký 14:18-20: Melchizedek không cha, không mẹ có nghĩa Ngài không có nguồn gốc thế gian và là tư tế của Thiên Chúa đến muôn đời. Tên Do-thái của Melchizedek có nghĩa “Vua công chính.” Ngài đang làm vua thành Salem có nghĩa là “thành bình an.” Hầu hết các học giả đều đồng nhất thành này với thành Jerusalem hiện giờ. Ông mang bánh và rượu ra để chỉ bữa ăn giao ước với Abraham. Ông chúc phúc cho Abram và nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Abram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” Ông Melchizedek phải quyền thế hơn Abram, vì ông chúc phúc cho Abram và lãnh nhận “một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” từ Abram.
1.2/ Thánh Vịnh 110:1-4: Thánh Vịnh này được làm bởi vua David và nói về ngày đăng quang của Đức Kitô như sau: Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.” Từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Đức Chúa phán bảo rằng: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con.” Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melchizedek.”
Có rất nhiều điểm trùng hợp giữa hai trình thuật mà tác giả Thư Do-thái nêu lên: Đức Kitô là Thượng Tế đến muôn đời theo phẩm trật Melchizedek, chứ không phải là Thượng Tế theo phẩm trật Aaron hay Levi, được thiết lập ít nhất 430 năm sau Abraham. Chức tư tế của Đức Kitô được làm bởi lời thề của Thiên Chúa cao trọng hơn chức tư tế theo dòng dõi Levi, cha truyền con nối. Lễ vật của Đức Kitô cao trọng hơn lễ vật của tư tế dâng hằng ngày hay Thượng Tế dâng mỗi năm một lần. Ngài chỉ dâng một lần là đủ vì Ngài dâng chính máu của Ngài chứ không phải máu của các con vật… (x/c Thư Do Thái, chương 7-8) Nói tóm, Đức Kitô là Thượng tế của giao ước mới, hoàn hảo hơn giao ước cũ. Ngài đến để hủy bỏ toàn bộ chức tư tế cũ và lễ vật hy sinh của giao ước cũ.
1.3/ Qumran 11Q13: Đây là tài liệu khám phá tại Qumran, hang 11, nói về nhân vật Melchizedek như sau:
“Ông sẽ xuất hiện trong Năm Thánh sau cùng. Melchizedek sẽ trả lại cho dân chúng những gì thuộc về họ. Ông sẽ công bố cho họ Năm Thánh, và sẽ giải phóng họ khỏi nợ nần và tất cả các tội của họ. Bắt đầu Năm Thánh, Ông sẽ công bố chiếu chỉ này; sau đó đến Ngày Xá Tội (sau giai đoạn thứ 10 của Năm Thánh), Ông sẽ đền tội cho tất cả các “con của ánh sáng” và những người được tiền định cho Melchizedek. Vì đây là thời gian ấn định là “Năm hồng ân của Melchizedek.” Bằng quyền năng, Ông sẽ xét xử dân thánh của Thiên Chúa và sẽ thiết lập một vương quốc công chính, như đã được viết về ông trong Thánh Vịnh: “Một nhân vật giống như Đức Chúa đã thay thế Ngài trong công hội của Thiên Chúa; giữa các sứ thần, ông phân xử” (Psa 82:1). Kinh Thánh cũng nói về ông: “Hãy nhận chỗ cao nhất trên Trời: Một thiên sứ? sẽ phân xử con người” (Psa 7:7-8). Melchizedek sẽ thi hành việc báo thù theo chỉ thị của Thiên Chúa. Ông cũng giải phóng tất cả các tù nhân khỏi tay của Belial và tất cả quyền lực của quỉ thần với nó.”
Ngôn sứ Isaiah đề cập đến Năm Hồng Ân mà Đức Kitô xác định àm chỉ về Ngài: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta” (Isa 61:1-2).
2/ Bài đọc II: Truyền thống của Giáo Hội về bí tích Thánh Thể
Thư Corintô là tài liệu sớm nhất (50-60 AC) nói về việc cử hành Lễ Bẻ Bánh hay Lễ Tình Yêu (tiệc Agapê) trong cộng đoàn sơ khai. Các Tin Mừng đều viết sau Thư Corintô (60-100 AC).
Phaolô viết: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”
Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” Hai điều chúng ta cần nghiên cứu trong trình thuật này:
2.1/ Tưởng Niệm: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”
Tưởng niệm trước tiên là nhớ đến tình yêu của Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ trong suốt cuộc đời tại thế, và nhất là tình yêu hy hiến mà Ngài đã làm cho các ông trong Cuộc Khổ Nạn – Cái chết trên đồi Golgotha – và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Tưởng niệm cũng là lúc các môn đệ nhớ lại những gì Chúa Giêsu dạy và các ông phải làm: Noi gương Đức Kitô, các ông cũng phải chết đi cho các tín hữu để tỏ tình yêu cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
Thánh Phaolô nhắc lại những điều này để khiển trách các tín hữu Corintô đã không dự tiệc theo như lòng Chúa Giêsu mong muốn. Họ coi đó như là một buổi dạ tiệc hay bữa ăn thông thường. Các tín hữu Corintô đã làm tổn thương đến đức bác ái khi họ chia nhóm theo giai cấp giầu nghèo, không đợi nhau và đoàn kết khi cử hành Lễ Bẻ Bánh. Nói tóm, Ngài khiển trách họ đã biến Lễ Bẻ Bánh thành buổi hội họp chỉ để ăn uống!
2.2/ Loan truyền: “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”
Loan truyền trước hết là loan truyền ơn cứu độ được Đức Kitô thực hiện qua cái chết của Ngài. Bằng máu của Ngài đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã tha các tội của nhân loại đã xúc phạm đến Ngài. Khi con người được sạch tội, họ được giao hòa với Thiên Chúa, và xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ là cuộc sống đời đời. Hy lễ của Đức Kitô vẫn tái diễn mỗi ngày trên bàn thờ vì con người vẫn phạm tội và cần được tha thứ, dù Lễ Tế của Ngài chỉ thực hiện một lần là có công hiệu suốt đời, vì đó là Máu của con Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Những chuẩn bị trước cho việc lập Bí-tích Thánh Thể
Đây là trình thuật được tường thuật cả bốn Thánh Ký. Riêng Gioan, trình thuật này được tiếp nối bằng diễn từ về Thánh Thể trong suốt chương 6. Gioan không tường thuật sự kiện Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly; nhưng chương 6 chứa đựng tất cả những gì Chúa Giêsu muốn mặc khải về bí tích Thánh Thể và các phản ứng của con người.
3.1/ Chúa Giêsu quan tâm đến nhu cầu ăn uống cũng như tinh thần của dân chúng.
Có thể nói trình thuật của Luca hôm nay như một Thánh Lễ: Chúa tập họp dân chúng từ khắp nơi lại để giảng dạy và chữa lành (tương ứng với Phụng Vụ Lời Chúa). Sau đó là phần cho dân chúng ăn (Phụng Vụ Thánh Thể).
Ba điều chúng ta cần để ý đến trong trình thuật hôm nay: Thứ nhất, Chúa động lòng xót thương dân chúng. Ngài không chỉ bằng lòng với việc dạy dỗ; nhưng còn lo đến kiếm của ăn cho dân. Thứ hai, Ngài truyền cho các môn đệ phải kiếm lương thực cho dân ăn dẫu các ông phản đối. Sau cùng, đây là một phép lạ: Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa đã phân phát cho các môn đệ để các môn đệ cho dân ăn no nê mà vẫn còn dư 12 thúng đầy. Phép lạ này phải có liên quan đến bữa tiệc Thánh Thể, vì chỉ một thân thể của Chúa Giêsu được bẻ ra để nuôi biết bao người ăn no nê mà vẫn còn dư.
3.2/ Công thức truyền phép trong bí tích Thánh Thể: “Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” Có thể nói đây là một công thức truyền phép của tiệc Thánh Thể mà các môn đệ đã dần dần quen thuộc. Họ chỉ cần nhìn cử chỉ và điệu bộ Chúa làm, họ nhận ra là chính Chúa Giêsu, như hai môn đệ trên đường đi Emmaus của Lucas, hay như các môn đệ bên bờ hồ Galilee trong Gioan, chương 21.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Bí-tích Thánh Thể là bí tích tình yêu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị và mặc khải cho con người từ thời tổ phụ Abraham. Sau khi đã nhận được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng phải mang tình yêu này vào cuộc sống để yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
– Bí-tích Thánh Thể là bí tích hiệp nhất mọi người trong cùng một thân thể của Đức Kitô. Chúng ta đừng để chia rẽ xảy ra trong gia đình và cộng đoàn.
– Bí-tích Thánh Thể là bí tích tạ ơn. Chúng ta cần nhận ra tất cả những ơn lành của Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, nhất là ơn cứu độ đến từ Đức Kitô qua hiến lễ trên đồi Golgotha của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************