Chúa Nhật (25-02-2024) – Trang suy niệm

24/02/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY – NĂM B

BÀI ĐỌC I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv 114, 9).

1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

2) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

3) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi!

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

PHÚC ÂM: Mc 9, 2-10

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

25/01/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – B

Mc 9,2-10

CÁI GIÁ CỦA VINH QUANG

“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” (Mc 9,5)

Suy niệm: “Không có con đường nào dẫn tới vinh quang lại trải đầy hoa” (La Fontaine). Để đạt được tấm huy chương vàng danh giá, các vận động viên Olympics đã khổ công tập luyện. Cái giá họ phải trả là mồ hôi và cả máu họ đổ ra suốt thời gian tập luyện và thi đấu nữa. Được chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Trên núi Ta-bo, ba môn đệ đã mê mẩn, chỉ muốn ‘dựng lều’ để ở lại mãi trên núi với Thầy và các ông Mô-sê và Ê-li-a. Cho các ông thấy vinh quang của Ngài, Chúa muốn củng cố đức tin của họ trước cú ‘sốc’ của Ngài sẽ chịu khổ hình. Nhưng Chúa bắt các ông ‘xuống núi’ với mệnh lệnh phải giữ kín việc hiển dung này cho đến khi “Con Người từ cõi chết sống lại” để họ ý thức rằng thập giá Núi Sọ là cái giá phải trả cho vinh quang họ thấy trên Núi Hiển Dung, vinh quang chỉ đạt được nếu họ cùng đi với Ngài trên con đường thập giá.

Mời Bạn: Những cây thánh giá bằng vàng bạc sẽ chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc trang sức nếu như bạn không vác những cây ‘thập giá’ trong đời bạn. “Vinh quang của ta là Thánh giá Đức Ki-tô”, đúng là vậy, nhưng chỉ đúng khi chúng ta “cùng vác thập giá với Ngài” rồi mới có thể “cùng Ngài phục sinh”.

Chia sẻ: Bạn sẽ hy sinh điều gì hoặc từ bỏ nết xấu nào nơi mình để có thể gọi là bạn vác thập giá mình theo Chúa Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Đón nhận một sự gây  khó dễ, một lời chỉ trích hay phê phán từ người khác với thái độ tích cực.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su chí thánh, xin cho con biết vác thập giá đời mình theo Thầy, hầu mai ngày cùng Thầy đạt tới phúc vinh quang. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, các vị hoàng đế Byzantin 

đã ra lệnh đập phá các ảnh tượng tôn giáo,

bởi họ tin rằng Kinh Thánh cấm không được tạc ảnh tượng.

Đầu thế kỷ thứ 8, thánh Gioan Đamascô đã chống lại chuyện này.

Ngài viết: “Vào thời xưa, Thiên Chúa không có hình có dạng,

nên không bao giờ có thể được vẽ ra.

Nhưng nay, khi Thiên Chúa đã mang xác thể, 

trò chuyện với con người,

tôi sẽ vẽ một bức tranh theo Thiên Chúa mà tôi thấy.”

Nhờ khẳng định mạnh mẽ này của thánh nhân

mà ngày nay chúng ta có những ảnh tượng thánh.

 

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, nơi con người Đức Giêsu,

Thiên Chúa vô hình đã có một khuôn mặt, một thân xác,

giống như bất cứ người nào trong chúng ta.

Các môn đệ đã rất quen với khuôn mặt ấy, thân xác ấy.

Họ đã có thời gian sống chung, trò chuyện và gặp gỡ

với người mà họ gọi là Thầy, là Rabbi !

Sáu ngày trước khi được Thiên Chúa hiển dung (x. Mc 9,2),

Thầy đã nói cho các môn đệ biết về tương lai của mình:

bị đau khổ, bị loại trừ, bị giết và sống lại.

Thầy cũng nói cho các môn đệ biết về tương lai của họ:

từ bỏ mình, vác thập giá, mất mạng sống để rồi tìm được lại.

Họ đã có dấu hiệu chùn bước khi nghe về tương lai u ám…

Chẳng ai để ý đến việc Thầy nói về phục sinh (Mc 8,31),

hay về việc Thầy sẽ đến trong vinh quang rực rỡ (Mc 8,38).

 

Hôm nay, Thầy dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao,

nơi Thầy quen gặp Cha, Đấng sai Thầy.

Chính nơi đây Thầy đã được Cha biến đổi hình dạng.

Không phải chỉ khuôn mặt, nhưng toàn bộ con người.

Cả con người Thầy rạng ngời ánh vinh quang thần linh.

Cả y phục của Thầy cũng mang sắc trắng của thiên giới.

Vị Thầy thân quen của họ như bước ra từ một thế giới khác.

Rồi có hai nhân vật đáng kính là Êlia và Môsê xuất hiện.

Các vị này trò chuyện với Thầy Giêsu.

Cảnh tượng linh thiêng này làm họ ngây ngất và hoảng sợ. 

Đỉnh điểm của thị kiến này là tiếng nói phát ra từ đám mây.

Mây vừa che giấu, vừa tỏ bày sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thiên Chúa trực tiếp nói với các môn đệ từ đám mây.

Ngài giới thiệu cho họ biết Thầy Giêsu của họ là ai.

Thầy không chỉ là Đấng Kitô như Phêrô tuyên xưng.

Thầy còn là Người Con yêu dấu của Thiên Chúa,

có tương quan thân thiết với Cha chẳng ai sánh bằng.

Hai ông Êlia và Môsê xuất hiện rồi lại biến đi. 

Chỉ Thầy Giêsu còn ở lại, chỉ Thầy được gọi là Con yêu dấu.

Thiên Chúa Cha ra lệnh: Hãy lắng nghe Người (Mc 9,7).

Lắng nghe về định mệnh đang chờ đợi cả Thầy lẫn trò,

rồi chấp nhận và đi vào con đường Thiên Chúa dọn sẵn,

con đường hẹp, chẳng ai muốn đi,

nhưng lại dẫn đến sự sống, chứ không phải là ngõ cụt.

 

Bài Chúa Biến hình trên núi luôn được đọc vào Mùa Chay.

Đây là một hy vọng xanh ngát ngay giữa màu tím của phụng vụ.

Rồi cũng đến lúc Thầy trò phải xuống ngọn núi này

để lên núi Cây Dầu và núi Sọ.

Rồi có lúc ba môn đệ sẽ thấy 

khuôn mặt xao xuyến của Thầy trong Vườn Dầu (Mc 14,33-34),

khuôn mặt đầy máu và thương tích trong cuộc Khổ nạn.

Nhưng Phêrô sẽ không sao quên được kinh nghiệm quý này:

ông nghe tiếng của Chúa Cha phán từ trời trên núi thánh,

và thấy Thầy Giêsu với vẻ lẫm liệt uy phong (2 Pr 16-18).

 

Biến hình là sự nâng đỡ của Thiên Chúa dành cho ba môn đệ,

nhưng cũng là quà tặng của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu.

Khi Đức Giêsu đón lấy ý định nhiệm mầu của Cha,

chấp nhận bước vào cuộc Khổ Nạn,

thì thần tính vốn được che giấu của Ngài nay được Cha vén mở.

Mùa Chay là thời gian chúng ta lên núi để được biến hình,

nếu chúng ta chấp nhận lắng nghe và tuân giữ lời Con Chúa.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

 

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hon

sau mỗi lần gặp Chúa.

 

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa

trong lời nói của con.

 

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu

có bộ mặt chán nản và thất vọng.

 

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG HAI

Tin Tưởng Vào Thiên Chúa, Đấng Cứu Thoát

Người It-ra-en thường ôn lại đêm tối của cuộc Xuất Hành, và hoài niệm ấy giúp khích lệ họ tin tưởng vào Thiên Chúa – Đấng cứu thoát họ.

Giáo Hội – cùng với Tông Đồ Phao-lô – nhìn về đêm Phục Sinh. Ở đó, Giáo Hội tìm thấy niềm khích lệ giữ vững đức tin của mình – một đức tin vốn xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô: “Vì nếu anh em tuyên xưng …rằng Đức Giêsu là Chúa và chân thành tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Người từ cõi chết, thì anh em sẽ được cứu độ” (Rm 10, 9).

Với những lời ấy, Thánh Phao-lô muốn dạy chúng ta ý thức hơn về nhu cầu cần được cứu độ của mình. Chúng ta cần phải kêu cầu sự giải cứu ấy, sự giải cứu đến từ mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: “Bất cứ ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu độ” (Rm 10, 13).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 25/2

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

St 22, 1-2. 9-13. 15-18; Rm 8, 31b-34; Mc 9, 2-10.

Lời Suy Niệm: Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (Mc 9,2)

          Chúa Giêsu tỏ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy Người xác nhận lời tuyên xưng của Phêrô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người (Lc 24,26). Người phải đi qua thập giá tai Giêrusalem. Ông Môsê và ông Êlia đã thấy vinh quang của Thiên Chúa trên núi. Lề Luật và các Tiên tri đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêssia. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đúng là do ý muốn của Chúa Cha: Chúa Con hành động với tư cách là Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Đám Mây nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi đều xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói.

          Lạy Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Chúa đã hiển dung trên núi và tuỳ theo khả năng, các môn đệ Chúa chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh trên thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình; rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu toả. Amen (GL 555)

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

25 Tháng Hai

Dân Thành Athènes 

Ngày kia, triết gia Esopos người Hy Lạp ngồi bên vệ đường trước cổng thành Ethènes. Một người khách lạ tình cờ đi qua dừng lại hỏi ông như sau: “Dân thành Athènes như thế nào?”.

Triết gia bèn trả lời: “Xin ông cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như thế nào?”. Người khách lạ nhíu mày cằn nhằn: “Tôi đến từ Argos và dân Argos toàn là một lũ người láo khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày”.
Một cách bình thản, triết gia Esopos mỉm cười đáp: “Tôi rất lấy làm buồn để báo cho ông biết rằng rồi ra ông sẽ thấy dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa”.
Ngày hôm sau, một người khách lạ khác đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi: “Dân thành Athènes như thế nào?”. Người khách lạ ấy cũng cho biết mình đến từ Argos là nơi mà ông cho là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải rời xa, bởi vì dân chúng Argos là những người rất dễ thương, dễ mến…

Lần này, triết gia Esopos cũng biểu đồng tình với người khách lạ như sau: “Này ông bạn đáng mến, tôi rất vui mừng cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành Athènes cũng dễ thương dễ mến như thế”.

Câu chuyện mang tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định người khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một khung cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy thường không nằm trong người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của mỗi người. Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con người, nghĩa là chúng ta được mời gọi để luôn có cái nhìn tích cực về người khác và các biến cố. Một thất bại rủi ro xảy đến ư? Người Kitô hãy cố gắng khám phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt, trong cách cư xử của người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt…

Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: “Do bản chất, tôi vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại… Mỗi một cử chỉ khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật II – Năm B – Mùa Chay 

Bài đọc: Gen 22:1-2, 9, 10-13, 15-18; Rom 8:31-34; Mk 9:2-10

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa hy sinh Người Con Một cho con người.

             Tình yêu là quan niệm trừu tượng: con người không thể định nghĩa tình yêu, nhưng có thể cảm nghiệm thế nào là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa còn khó hiểu hơn nữa, vì chúng ta chưa từng thấy Ngài; nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mỗi khi ngước nhìn Cây Thập Giá.

            Các Bài Đọc hôm nay được sắp xếp rất tài tình để giúp chúng ta cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa qua hai biến cố xảy ra trên Núi Moriah và trên Đồi Golgotha. Trong Bài Đọc I, Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự kiện Thiên Chúa muốn thử thách đức tin của ông bằng cách ra lệnh cho ông phải giết Isaac, người con một duy nhất chính Thiên Chúa đã ban cho ông trong lúc tuổi già. Với một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa, ông đã giơ dao sẵn sàng giết con theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô đã so sánh biến cố này với biến cố Tử Nạn của Chúa Giêsu trên Đồi Golgotha, trước khi rút ra kết luận: Nếu Thiên Chúa đã yêu con người đến độ đã hy sinh Người Con Một cho con người, còn gì có thể mà Thiên Chúa không làm cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín lên núi Thabor, cho các ông xem thấy vinh quang của Ngài, để chuẩn bị cho các ông đối diện với Cuộc Thương Khó sắp tới. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Tổ-phụ Abraham sẵn sàng hy sinh người con một cho Thiên Chúa.

1.1/ Đức tin của Tổ-phụ Abraham: Đức tin phải chịu thử thách. Trình thuật Sáng Thế Ký hôm nay nói rõ: “Thiên Chúa muốn thử lòng ông Abraham.” Nhưng là một thử thách quá to lớn, vượt quá sức chịu đựng của con người khi Thiên Chúa đòi hỏi: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Moriah mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

            (1) Nếu chúng ta là Abraham, chúng ta sẽ phản ứng làm sao trước đòi hỏi của Thiên Chúa:

            * Đủ rồi Chúa ơi! Hết cách để thử rồi sao Chúa? Đây là người con một, người con Chúa ban cho trong lúc tuổi già. Nếu Thiên Chúa muốn Isaac như thế, chẳng thà đừng ban!

            * Làm sao một người cha có can đảm cầm dao giết đứa con vô cùng yêu quí của mình? Lại là đứa con nối dõi tông đường!

            (2) Phản ứng của Abraham: Nếu cứ quanh quẩn với lý luận con người, Abraham sẽ không thể hiểu nổi và chấp nhận đòi hỏi của Thiên Chúa, vì nó quá vô lý; nhưng ông chọn, như bao nhiêu lần đã chọn, để sống theo niềm tin. Thiên Chúa ban cho rồi Thiên Chúa cất đi, xin cho ý Ngài thể hiện. Thiên Chúa cất đi rồi Thiên Chúa lại ban, chẳng có gì không thể đối với Ngài. Vì thế, khi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaac con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.

1.2/ Vở bi kịch chấm dứt các đột ngột: Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Abraham! Abraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”

            – Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn Abraham: Ông thực sự đặt niềm tin trọn vẹn nơi Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn thử ông, nên khi thấy ông đã chứng tỏ niềm tin, Thiên Chúa không cần phải nhìn thêm điều gì nữa.

            – Tổ-phụ Abraham dâng của lễ thay cho con mình là Isaac: “Ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Abraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.”

1.3/ Phần thưởng Đức Chúa hứa ban cho Tổ-phụ Abraham: Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Abraham một lần nữa và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi:

            (1) Giòng dõi đông đúc: Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển.

            (2) Đất Hứa: Giòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch.

            (3) Và một dân tộc được tuyển chọn: Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã hy sinh Người Con Một cho con người.

2.1/ So sánh tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của Tổ-phụ Abraham: Biến cố xảy ra trên Núi Moriah chỉ là hình bóng và sự chuẩn bị để con người hiểu được biến cố xảy ra trên Đồi Golgotha. Có nhiều điểm giống nhau và khác nhau giữa hai biến cố này:

            (1) Cả hai người cha đều sẵn sàng hy sinh Người Con Một, người con yêu quí nhất. Nếu chúng ta hiểu được tình cha con giữa Abraham và Isaac, chúng ta cảm nghiệm được phần nào tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, biến cố Abraham-Isaac là để chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho biến cố Chúa Giêsu, để chúng ta cảm nhận được phần nào tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

            (2) Một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa hai biến cố: Trong biến cố Cựu Ước, Isaac không chết, con cừu đực được giết làm của lễ tòan thiêu chết thay cho con trẻ. Trong biến cố Tân Ước, Chúa Giêsu đã chết thực sự thay cho con người bằng cái chết tủi nhục và đau đớn hơn nhiều. Nếu chúng ta đã từng bất bình khi Thiên Chúa đòi Abraham sát tế con mình, chúng ta có thể hiểu nổi tình thương Thiên Chúa dành cho con người không? Thiên Chúa, chúng ta chưa từng xem thấy; nhưng khi nhìn thấy Chúa Giêsu chết treo trên Thập Giá, chúng ta cảm nhận được tình yêu quá lớn lao Ngài dành cho con người.

2.2/ Thiên Chúa không kết án con người: Thánh Phaolô giúp chúng ta rút ra một số kết luận từ biến cố này: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”

            Thiên Chúa không muốn kết án con người, con người kết án chính mình bằng cách dửng dưng hay quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?”

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình để chuẩn bị tâm hồn cho các Tông-đồ.

3.1/ Mục đích của việc Biến Hình: Chúa Giêsu cho các Tông-đồ nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa là để dạy cho các ông bài học: phải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang. Ngài chuẩn bị cho các Tông-đồ trước Cuộc Thương Khó sắp tới; để khi các ông phải đương đầu với Cuộc Thương Khó, các ông có sức mạnh để chịu đựng và vượt qua.

3.2/ Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ nhiều điều: Có nhiều điều Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các Tông-đồ qua việc Biến Hình này, nhưng không được trình bày cách rõ ràng:

            (1) Ngài chính là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

Đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha nói những lời này; lần thứ nhất trong biến cố Chúa chịu Phép Rửa tại sông Jordan trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng. Lần này trước khi Chúa Giêsu bắt đầu Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Mục đích là để các Tông-đồ xác tín mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con.

            (2) Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà Luật và các tiên-tri loan báo: Sự có mặt của hai chứng nhân: ông Elijah đại diện cho các tiên tri, cùng ông Moses đại diện cho Luật, hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, chứng tỏ điều này.

            (3) Đấng Thiên Sai tự nguyện chọn con đường Thập Giá: Câu hỏi của các môn đệ ở cuối trình thuật: “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” chứng tỏ các ông biết họ đàm đạo về Cuộc Thương Khó sắp xảy ra cho Chúa Giêsu tại Jerusalem. Trình thuật Biến Hình của Luca nói rõ điều này.

            (4) Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Đây là điểm cao của việc Biến Hình, mặc dù trình thuật không đề cập tới. Khi cho Con của Ngài đi qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người, Thiên Chúa muốn các ông hiểu tình yêu của Ngài dành cho con người.

            (5) Chúa Giêsu tự nguyện đi qua Cuộc Thương Khó: Các ông đã nghe chính Ngài bàn với các chứng nhân Cựu Ước về những gì sắp xảy ra; để khi nó thực sự xảy ra, các ông biết đó không phải là chuyện tình cờ. Ngài tình nguyện chấp nhận chịu đau khổ, chứ không phải Ngài thua cuộc trước bạo lực của con người.

3.3/ Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm các ông kể lại việc Biến Hình:

            – Bí mật của Đấng Thiên Sai: Có những việc chỉ cần cho một số người biết, nếu không sẽ gây hoang mang. Có những việc chỉ được tiết lộ khi thời gian đã chín mùi. Chúa chỉ tỏ việc Biến Hình cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thiên Chúa cho Người Con Một là cho chính Ngài. Ngài cũng mong chúng ta phải cho chính người con một của chúng ta, tức là cho chính chúng ta, như Abraham vậy. Tình yêu trọn vẹn là như thế. Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài qua hai biến cố: chuẩn bị tâm hồn con người qua biến cố Abraham-Isaac, và cảm nghiệm rõ ràng qua Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

            – Chúng ta không thể hiểu sự thử thách của Thiên Chúa dành cho Abraham, và càng không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại hy sinh Người Con Một của Ngài. Điều này giúp chúng ta những lúc không thể hiểu tại sao Thiên Chúa để đau khổ xảy ra, chúng ta biết tin tưởng vào Ngài như Abraham.

            – Đức tin phải được tôi luyện trong thử thách và đau khổ. Đàng sau Cuộc Thương Khó và Thập Giá là vinh quang Phục Sinh. Nếu chúng ta từ chối đau khổ và Thập Giá, chúng ta cũng từ chối con đường dẫn tới vinh quang Phục Sinh. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************