Chúa Nhật (25-04-2021) – Trang suy niệm

24/04/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm B

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 8-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Đá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Đáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. – Đáp.

2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Đấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Đáp.

3) Phúc đức cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. – Đáp. 

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3, 1-2

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 10, 11-18

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/04/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – B

Ga 10,11-18

MỤC TỬ VÀ ĐOÀN CHIÊN

“Tôi chính là Mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của Tôi và  chiên của Tôi biết Tôi.” (Ga 10,14)

Suy niệm: Mọi người đã được rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng, nhưng có một số người được Chúa đặc biệt sai đi để dấn thân triệt để hơn cho đoàn chiên Chúa: những người sống đời tu. Thay vì xây dựng tổ ấm như bao người trẻ khác, họ muốn con tim mình được trọn vẹn thuộc về Chúa, để việc phụng sự Ngài và phục vụ đoàn chiên. Vì thế, giữa đoàn chiên và người mục tử có những mối dây thân thiết, những nghĩa vụ tương ứng. Đoàn chiên biết người mục tử để luôn tôn trọng, thông cảm với những mỏng dòn yếu đuối của một con người, nhất là có tinh thần xây dựng, giúp mục tử chu toàn nhiệm vụ thánh của mình; ngược lại, người mục tử cũng phải đối xử với đoàn chiên cách nhân từ, khoan hậu, sống chết với đoàn chiên như Thầy của mình. Đoàn chiên cố gắng sống đạo tốt và cầu nguyện để Giáo Hội có được những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Mời Bạn: Hãy nâng đỡ các linh mục, tu sĩ, bằng lời cầu nguyện, bằng sự hỗ trợ, để họ sống xứng đáng là những mục tử nhân lành như Chúa Giê-su.

Chia sẻ: Bạn có ưu tư khi thấy con số linh mục, tu sĩ trong Giáo Hội ngày càng giảm sút?

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ sốt sắng cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ đáp lại lời Chúa mời gọi sống đời tu.

Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: ‘Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt.’ Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để Nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên tông đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời”.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ
là một hình ảnh quen thuộc đối với người Pa-lét-tin.
Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết.
Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử.
Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê,
vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên,
chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.
Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô.
Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó.
Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,
như Cha biết tôi và tôi biết Cha.
Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều.
Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động.
Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do.
Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc.
Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo.
Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên
có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng,
và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.
Sau Phục Sinh, Ðức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng
chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài.
Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu.
Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài.
Ðức Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu.
Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá
giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Mọi mục tử phải noi gương Ngài,
dám chết để cho chiên được sống.

Hội Thánh dành Chúa Nhật hôm nay để cầu cho ơn thiên Triệu.
Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài,
để lo cho đoàn chiên trên thế giới.
Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập gia đình.
Ðiều đó thật là tốt đẹp.
Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số bạn trẻ
ở bên Ngài cách đặc biệt để được Ngài sai đi.
Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm,
để có thể yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn.
Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên
ở ngay nơi lời nài xin của con người.
Những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương,
đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa cuộc sống.
Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa.
Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn thấy đám đông bơ vơ.
Những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố,
những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội…
Thấy họ bằng trái tim và để cho tim mình đáp trả.

Tạ ơn Chúa đã cho Hội Thánh hơn 100.000 đại chủng sinh,
hơn 400.000 linh mục, hơn 800.000 nữ tu.
Nhưng đồng lúc chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt,
tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.
Có thể chính bạn được Chúa bất ngờ mời gọi
để đứng trong đội ngũ những người phục vụ đó!
(Ðể có con số chính xác hơn, xin xem thống kê của Giáo Hội được đổi mới theo từng năm) 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG TƯ

Phó Thác Cho Quyền Lực Cứu Độ Của Đức Kitô

Ơn cứu chuộc bắt đầu với Thập Giá và được hoàn thành nơi cuộc Phục Sinh. Chiên Con đã cứu chuộc bầy chiên. Đức Kitô vô tì tích đã giao hòa các tội nhân với Chúa Cha.

Và, con người đã được giải thoát khỏi sự chết và được trao ban lại sự sống. Và, con người đã được giải phóng khỏi tội lỗi và được trao ban lại tình yêu. Hỡi tất cả những ai còn đang chìm trong bóng tối của sự chết, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã sống lại! Hỡi tất cả những ai còn đang bị đè nặng dưới ách của tội lỗi, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã vượt thắng tội lỗi nơi Thập Giá và nơi cuộc Phục Sinh của Người! Hãy phó thác sự sống của anh em cho Người!

Hỡi con người của thế giới hôm nay! Hãy qui phục Đức Kitô, qui phục quyền lực của Người! Càng khám phá ra những nẻo đường tội lỗi sau lưng mình, anh em càng ý thức hơn sự chết khủng khiếp như thế nào. Anh em hãy đặt mình trong quyền năng cứu độ của Đức Kitô!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 25/4

Chúa Nhật IV Phục Sinh

(Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)

Cv 4, 8-12; 1Ga 3, 1-2; Ga 10, 11-18.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

          Chúa Giêsu đang nói với mỗi một người trong chúng ta đây. Người là Mục Tử Nhân Lành. Mục tử duy nhất đối với mỗi một người trong chúng ta ngay lúc này và mãi mãi. Chính Người là Đấng ban cho chúng ta sự sống tràn đầy. Người luôn hướng dẫn chúng ta đi trên con đường an lành, đem chúng ta đến nơi cánh đồng xanh tươi và dòng suối trong mát, không những thế Người cùng đồng hành với từng người trong chúng ta để bảo vệ chăm sóc và gìn giữ.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng Mình Máu Thánh Chúa, để đức tin của chúng con ngày càng vững mạnh hơn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 25-04

THÁNH MARCÔ THÁNH SỬ
(Thế kỷ I)

Marcô là ai ? Chắc chắn Ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Roma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tim 4,11). Sách Công vụ ba lần nói tới một “Gioan cũng gọi là Marcô” (Cv 12,12; 25,15.17) là bạn thiết của thánh Barnaba.

Các học giả thường đồng ý rằng: Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:

– Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.

Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).

Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ở Alexandri. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.

Từ đây, chúng ta phải dựa vào truyền thống để tìm hiểu về Marcô. Có lẽ sau khi thánh Phêrô qua đời, Marcô đi rao giảng ở Alaexandria thành lập và làm giám mục giáo đoàn này. Sự kiện không được chắc vì các bậc tiến sĩ của Alexandria như Clêmente (200), và Origênê (203) không nhắc nhở gì đến.

Cuốn Chronicon-Pascale không mấy có thế giá cho rằng: Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 – 117).

Dựa vào bút pháp của Marcô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của Ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa Ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Marcô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, Ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.

Người ta có thể cho rằng: Ngài không có đau khả năng viết văn cho duyên dáng. Nhưng với những khiếm khuyết này, Marcô lại tỏ ra rất chân thành, Ngài đã ương ngạnh từ chối việc bỏ bớt những sự kiện vụng về hay là giải thích chúng. Chẳng hạn không thánh sử nào giấu giếm sự chậm hiểu của các thánh tông đồ, nhưng ở Marcô nhấn mạnh: “Lòng họ ra như chai lại” ( Mc 6,51). Marcô cũng không che dấu tham vọng không thể tin nổi của họ (Mc 9,34). Chính Phêrô cũng rất thẳng thắn: “Ông không biết phải đáp ứng làm sao” (Mc 9,6). Có lẽ chứng cớ hùng hồn nhất nói lên sự lương thiện của Marcô là Ngài đã liều tỏ ra mâu thuẫn với chính mình.

Chẳng hạn đối với Ngài Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ “vượt các thiên thần” (3,32) “có quyền tha tội” (2,10). Nhưng rồi Ngài không ngần ngại viết rằng: “Ở Nazareth Người đã không làm được phép lạ nào” (6,5) Ngài cũng không dấu diếm sự kiện bà con Chúa Giêsu nghi ngờ Người thiếu khôn ngoan (3,21) hay sự kiện Chúa Giêsu thất vọng với cây vả không trái (11,13). Những chi tiết loại này khiến cho tựa đề của Marcô được nguyên vẹn (Phúc âm Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa) nhưng lại mang dáng vẻ khó hiểu vì Ngài đã không thèm dấu giếm gì hết. Với một sử gia tài danh như vậy, chúng ta rất an tâm.

Tại đền thờ thánh Marcô người ta nói có chôn dưới bàn thờ thánh nhân do các thương gia mang từ Alexandria về vào thế kỷ IX. Thánh sử được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của Ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan tẩy giả từ trong sa mạc. Đọc Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta như có thể nghe tiếng nói thô sơ của thánh sử “Đừng nhìn tôi, hãy nhìn Người”.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Tư

Sư Tử Có Ðôi Cánh 

Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.

Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:

“Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống”.

Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là “Marcô, người con của tôi”.

Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.

Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.

Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: “Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm”. Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!

Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.

Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật IV – Năm B – Phục Sinh 

Bài đọc: Acts 4:8-12; I Jn 3:1-2; Jn 10:11-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những nguồn sức mạnh vô biên tiềm ẩn nơi các tín hữu.

             Người Kitô hữu, tuy bề ngoài cũng giống như bao nhiêu con người khác, nhưng họ có những nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi con người của họ; mà chính họ nhiều khi không ý thức là mình có hay không biết cách xử dụng chúng. Khi các tín hữu biết xử dụng các nguồn sức mạnh này, họ có thể chữa lành bệnh tật, cho người chết sống lại, khai trừ ma quỉ, vượt qua các khó khăn của cuộc sống, và đạt được đích điểm là cuộc sống muôn đời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ.

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong các nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi các tín hữu. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến Danh Đức Kitô mà các Kitô hữu tin tưởng, và mầm sống Phục Sinh mà họ đang mang trong mình. Thánh Phêrô dùng Danh Đức Giêsu Kitô để chữa lành người bại liệt, và Ngài quả quyết con người phải tin vào Danh này mới được ơn cứu độ. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan đề cập đến đặc quyền làm con Thiên Chúa của các tín hữu, và gia tài họ sẽ được thừa hưởng sau này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để qui tụ tất cả con chiên lạc để bảo vệ chúng, và làm cho chiên được sống dồi dào. Người Kitô hữu có một người bảo vệ uy quyền, yêu thương, và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho họ.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Các tín hữu mang Danh Đức Kitô và mầm sống Phục Sinh nơi mình.

            Người Kitô hữu chúng ta có một danh thánh quyền năng, mà không một danh nào trên địa cầu này có uy quyền như danh thánh đó. Danh mà thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philipphê xác tín: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phi 2:10-11).

1.1/ Nhân Danh Đức Kitô, Phêrô chữa lành bệnh: Thượng Hội Đồng chất vấn hai ông Phêrô và Gioan: “Các ông lấy quyền năng nào và nhân danh ai để chữa bệnh?” Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị.” Người Kitô hữu chúng ta không phải ai cũng có thể chữa bệnh như Phêrô, cha Piô, hay cha Bửu Diệp; nhưng niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô có thể giúp chúng ta tránh những nguy cơ của bệnh tật và giúp chúng ta vui sống bình an với mọi người. 

1.2/ Chỉ nhờ danh Đức Kitô, con người mới được cứu độ: Trên đồi Calgary, những người trong Thượng Hội Đồng tưởng rằng họ đã loại trừ Chúa Giêsu và tránh được hậu quả mà họ lo sợ là dân chúng bỏ họ mà theo Ngài, nhưng Phêrô nhắc nhở cho họ biết sự sai lầm của họ: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” Chính Chúa Giêsu đã từng mặc khải điều này cho các môn đệ: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:40). Bằng niềm tin vào Danh Đức Kitô, người tín hữu bảo đảm được hưởng cuộc sống muôn đời.

2/ Bài đọc II: Các tín hữu được hưởng đặc quyền làm con Thiên Chúa.

2.1/ Người tín hữu là con Thiên Chúa: Bằng niềm tin nơi Đức Kitô và chịu Phép Rửa, người tín hữu trở thành con Thiên Chúa, như thánh Gioan xác nhận: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Người Kitô hữu được hưởng đặc quyền này không phải do liên hệ máu mủ hay họ hàng, cũng không phải vì họ tốt lành hay đã làm nên công trạng gì; nhưng đơn giản là vì Thiên Chúa yêu họ, ban cho họ Người Con Một của Ngài là Đức Kitô, để họ có thể trở thành những người con nuôi của Ngài nhờ niềm tin vào Đức Kitô, như Gioan cắt nghĩa: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”

            Người tín hữu không phải là con của thế gian: Thế gian ở đây hiểu là những người không tin và chống lại Thiên Chúa. Khi người tín hữu tin Đức Kitô, họ đã thắng thế gian vì thế gian không tin Người; nhưng giá họ phải trả giá là thế gian sẽ ghét và truy tố họ, vì họ không chịu sống theo những tiêu chuẩn của thế gian. Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ điều này trước Cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Jn 15:18-19).

2.2/ Quyền lợi của những người con Thiên Chúa: Gioan tóm gọn trong một câu đơn giản: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”

            Trước tiên, người tín hữu được bảo đảm quyền sống lại và mang một thi thể Phục Sinh bất tử như Đức Kitô. Điều này gợi lại ý hướng của Thiên Chúa khi dựng nên con người giống hình ảnh và những đặc tính của Thiên Chúa (Gen 1:26), mà tội lỗi đã bôi bẩn và làm hoen ố con người. Đức Kitô đến không những để cất đi tội lỗi, mà còn thánh hóa các tín hữu bằng ơn thánh qua các Bí-tích, và khôi phục lại hình ảnh tốt lành và thánh thiện nguyên thủy của con người.

            Thứ đến, các tín hữu được thừa hưởng những kho tàng vô cùng quí giá do Chúa Giêsu để lại. Chúng ta có thể tóm gọn trong 4 gia tài thánh:

(1) Toàn bộ Thánh Kinh về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Đây là một kho tàng khôn ngoan mà không một Sách nào hay tất cả các khôn ngoan của thế gian có thể so sánh được. Nó cung cấp cho người tín hữu mọi giải đáp cho cuộc đời.

(2) Thánh Thần là nguồn mạch 7 ơn thiêng. Ngài họat động trong tâm hồn các tín hữu, và sẽ giúp các tín hữu hiểu sự thật, sống sự thật, và có can đảm làm chứng cho sự thật, giữa bao nhiêu sai trá và cám dỗ của thế gian.

(3) Thánh Giá là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Giá giúp các tín hữu nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và thúc đẩy họ chấp nhận và đi đường gian khổ như Chúa Giêsu, để mang sự sống cho bản thân và cho tha nhân.

(4) Thánh Thể là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng các tín hữu, giúp họ luôn có cuộc sống thần linh trong tâm hồn, để có thể vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trong cuộc sống.

3/ Phúc Âm: Các tín hữu được bảo vệ bởi Người Mục Tử Nhân Lành.           

3.1/ Mục Tử Tốt Lành sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đòan chiên: Trong Tân Ước, Chúa Giêsu ví các tín hữu như chiên và Ngài như người chăn chiên hay Mục Tử. Trong Cựu Ước, tiên tri Ezekiel đã ví Israel như chiên và Thiên Chúa như người Mục Tử (Eze 34). Theo tiên tri, không phải các mục tử đều tốt lành, có những mục tử trong Israel không săn sóc và hướng dẫn chiên, mà chỉ để ý đến lông chiên và thịt chiên. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa quở trách họ và Ngài muốn chính Ngài là Mục Tử để chăn dắt chiên. Ba đặc tính về Mục Tử Tốt Lành Chúa muốn nêu bật trong trình thuật hôm nay:

            (1) Sự khác biệt giữa Mục Tử Tốt Lành và người chăn chiên: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói rình đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.”

            (2) Mục Tử Tốt Lành biết tất cả chiên của mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

            (3) Mục Tử Tốt Lành đến để tìm kiếm các chiên thất lạc và đưa về một đàn: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”

            Người tín hữu phải biết mình có một Mục Tử Tốt Lành luôn chú tâm săn sóc, hướng dẫn, và bảo vệ họ mọi giây phút trong cuộc đời. Điều cần là họ phải luôn lắng nghe, vâng lời, và làm theo những gì Ngài chỉ dạy, thì mới có thể được nuôi dưỡng, an vui, và tránh khỏi nguy hiểm.

3.2/ Mục Tử Tốt Lành có uy quyền hy sinh và cũng có uy quyền lấy lại sự sống: Các tín hữu không chỉ có một Mục Tử Tốt Lành, mà Ngài còn là một Mục Tử uy quyền. Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

            Nếu chúng ta chỉ có Mục Tử Tốt Lành biết yêu thương và hy sinh cho đoàn chiên thôi, điều đó chưa đủ, vì khi thế gian giết người Mục Tử Tốt Lành, đoàn chiên sẽ tan tác; nhưng chúng ta cần có một Mục Tử Tốt Lành và uy quyền, Ngài có thể tự mình sống lại và cứu đòan chiên khỏi chết. Chúa Giêsu là Mục Tử vừa tốt lành vừa uy quyền; Ngài yêu thương con người tới độ sẵn sàng hy sinh chết vì tội lỗi con người, và Ngài có uy quyền để sống lại từ cõi chết và phục hồi sự sống vĩnh cửu cho con người.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Chúng ta phải nhận ra và biết cách xử dụng những nguồn năng lực vô biên mà Thiên Chúa ban tặng, để sinh ích cho cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.

            – Chúng ta đừng khinh thường những sức mạnh mà mình đang mang trong mình; chúng có thể giúp chúng ta làm những điều vượt quá sức con người, như Sách CVTĐ đã chứng minh.

            – Chúng ta là con Thiên Chúa, không phải là con cái thế gian; nên đừng sống theo tiêu chuẩn của thế gian. Với những nguồn sức mạnh của Thiên Chúa ban, chúng ta có khả năng chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỉ và thế gian. Đừng sợ bất cứ một quyền lực nào, vì chúng ta được bảo vệ bởi người Mục Tử Tốt Lành, sẵn sàng thí mạng để bảo vệ chúng ta. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************