Chúa Nhật (25-07-2021) – Trang suy niệm

24/07/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: 2 V 4, 42-44

“Họ ăn xong mà hãy còn dư”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: “Xin dọn cho dân chúng ăn”. Đầy tớ của người trả lời: “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ra lệnh: “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: ‘Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư'”. Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 15-16. 17-18

Đáp:  Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê (c. 16).

Xướng:

1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp.

2) Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê. – Đáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. Chúa gần gũi những kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Ep 4, 1-6

“Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.

Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.

Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.

Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/07/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – B

Ga 6,1-15

LIÊN ĐỚI TẠO RA PHÉP LẠ

“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Mt 8,2b)

Suy niệm: Đói khát luôn là sợ hãi khủng khiếp đối với con người. Những ai đã từng trải nghiệm cái đói cái khát thì càng thấu hiểu sự khốc liệt, nỗi ám ảnh vì đói khát. Chúa Giê-su cũng kinh qua cảm nghiệm đói khát đó trong suốt bốn mươi ngày ăn chay cầu nguyện nơi hoang địa trước khi đi rao giảng Tin Mừng. Thế nên, khi thấy đông đảo dân chúng quy tụ bên mình đang bị cơn đói khát dày vò, Chúa đã chạnh lòng. Ngài đã hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi dân chúng. Tuy nhiên, điều đáng suy gẫm ở đây là mặc dù với quyền năng Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết mình sắp làm gì, nhưng lại kêu mời sự cộng tác của các môn đệ, của em bé và cả dân chúng như điều kiện để dấu lạ được diễn ra. Chúa cần các môn đệ cộng tác để cùng lòng chạnh thương trước cơn đói của dân chúng, cần em bé quảng đại cho đi phần lương thực nuôi sống mình, cần đám đông bày tỏ tình liên đới, sẵn sàng bẻ đôi tấm bánh, chia sẻ con cá mình nhận được cho người thân cận.

Mời Bạn: Cơn đại dịch Covid đang làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, đói khát không chỉ cơm bánh mà cả tình thương. Chúa cũng đang kêu mời mỗi người chúng ta cộng tác như điều kiện để dấu lạ hóa bánh ra nhiều được tái diễn. Bạn sẽ đóng góp phần nhỏ bé nào để cộng tác với Ngài?

Sống Lời Chúa: Giúp đỡ một gia đình khó khăn ở bên cạnh bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn quảng đại, biết chạnh thương trước bao nỗi thống khổ, trước cơn đói khát của mọi người, để dấn thân cho anh chị em chúng con nhiều hơn. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

CẦU NGUYỆN

Cả bốn sách Tin Mừng đều kể lại chuyện bánh hóa nhiều,

vì đây là một phép lạ mang nhiều ý nghĩa.

Hội Thánh sơ khai coi trọng phép lạ này.

Bánh hóa nhiều không phải do mỗi người trong đám đông

lấy bánh giấu trong bao của mình ra, để chia cho người khác.

Đây không phải là phép lạ do con người bớt ích kỷ,

nhưng do sự quảng đại quyền năng của Con Thiên Chúa,

Đấng đã biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11),

Đấng có thể đi bình yên trên mặt biển động (Ga 6,19).

 

Dấu lạ bánh hóa nhiều đi kèm với một diễn từ dài

làm nên cả chương 6 của Tin Mừng thứ tư.

Trình thuật về bánh hóa nhiều ở đây có những đặc điểm 

khi so với các Tin Mừng Nhất Lãm.

Nét đầu tiên là sự chủ động của Đức Giêsu.

Khi thấy đám đông dân chúng kéo đến với mình,

Đức Giêsu đã bày tỏ mối bận tâm của mình với Philípphê:

“Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Ngài muốn kéo các môn đệ vào cuộc.

Ngài như muốn tìm chỗ mua bánh để đãi mọi người.

Ý muốn ấy là chuyện lạ, chưa từng xảy ra,

vì dân chúng thường đến chỉ để nghe giảng và chữa bệnh.

Còn chuyện ăn uống thì họ tự lo.

Philípphê thấy chuyện Thầy muốn đãi ăn là bất khả thi.

Nếu có dùng hai trăm ngày lương công nhật để mua bánh

thì cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút,

bởi lẽ trước mặt Thầy trò là đám đông gần năm ngàn người!

Anrê khá nhanh nhạy khi tìm ra một cậu bé

có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá.

Nhưng ông mau chóng nhận thấy rằng 

những thứ đó chẳng thấm vào đâu so với số đông dân chúng.

Như thế cả hai ông đều không trả lời được câu hỏi của Thầy:

“Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Mua bánh cho hàng ngàn người ăn đúng là không dễ,

nếu chỉ dựa trên năng lực của con người.

Thật ra Thầy Giêsu chỉ hỏi vậy thôi, 

chứ tiền đâu mà nghĩ đến chuyện mua bán.

Thầy đã lên một kế hoạch mà các môn đệ chưa biết.

Chính Thầy sẽ nuôi đám đông này, sẽ đãi họ một bữa ăn.

một bữa ăn không thịnh soạn, nhưng đủ để họ nhớ mãi.

 

Thầy sẽ không phải đi tìm nơi để mua bánh,

nhưng Thầy lại cần toàn bộ bánh và cá của cậu bé ở đây.

Như một sự tình cờ, Thầy sẽ nuôi đám đông cả ngàn người

bằng tất cả số lương thực ít ỏi và khiêm tốn ấy, 

số lương thực mà Anrê bảo là chẳng thấm vào đâu.

Trong tay Thầy, những đóng góp chẳng thấm vào đâu của ta

sẽ làm nên những điều lớn lao kỳ diệu.

Thầy Giêsu không lấy khí trời để nuôi dân.

Thầy lấy bánh của con người để nuôi con người.

Chính Đức Giêsu tự tay trao bánh và cá cho dân chúng.

Ngài là người nuôi họ ăn, ăn no nê và dư dật.

 

Có ai cám ơn cậu bé có năm cái bánh không?

Cậu có biết là bánh của cậu đã nuôi mọi người không?

Để làm một phép lạ lớn lao, Đức Giêsu cần một cậu bé.

Thế giới hôm nay khốn khổ vì dịch bệnh và đói nghèo.

Chúa Giêsu hôm nay vẫn cần những người như cậu.

Với những đóng góp nhỏ bé của tôi,

Ngài có thể chữa lành và nuôi ăn cả thế giới.

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, 

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói, 

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Chúa cũng từng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari, 

và đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

 

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con, 

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói, 

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều 

vì sợ người ta xỉu dọc đường, 

Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

 

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người, 

và Chúa chẳng bao giờ coi thường 

những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng 

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, 

mà còn nhờ Lời Chúa, 

không chỉ đói khát thức ăn vật chất 

mà còn khao khát những giá trị tinh thần.

 

Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng 

như ông nhà giàu xây thêm kho,

nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng. 

Xin cho chúng con hiểu 

giá trị của một ly nước được trao đi, 

của tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn.

 

Lạy Chúa Giêsu, 

Chúa đói khát nên vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày 

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng 

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ. 

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa 

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Muốn Mọi Người Được Cứu Độ

Giờ đây chúng ta hiểu một khía cạnh nền tảng khác của sự quan phòng thần linh. Đó là, công cuộc cứu độ của Đức Kitô và sự hoàn thành cuối cùng của công cuộc đó vào hồi tận thời khi Đức Kitô đến lại. Thật vậy, “Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ và nhận thức được chân lý” (1Tm 2,4).

Chúng ta cần điều chỉnh quan điểm nhiễm màu tự nhiên chủ nghĩa của chúng ta về sự quan phòng – trong đó quan phòng chỉ được giới hạn trong sự sắp xếp tốt đẹp của thiên nhiên hay ngay cả trong sự ứng xử theo luân lý tự nhiên. Thực ra, sự quan phòng thần linh được diễn tả xuyên qua kế hoạch cứu độ từ đời đời của Thiên Chúa gắn kết với công cuộc cứu độ của Đức Kitô. Nhờ “sự viên mãn” của Đức Kitô, chúng ta biết rằng trong Người và qua Người chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi của chúng ta – và tội lỗi tự yếu tính của nó chống lại sự hoàn thành công cuộc của Đức Kitô, chống lại sự hoàn thành mà thế giới và con người sẽ tìm thấy nơi Thiên Chúa.

Đề cập đến sự viên mãn nơi Đức Kitô, Tông Đồ Phao-lô tuyên bố: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người – cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 25/7

Chúa Nhật XVII Thường Niên

2V 4, 42-44; Ep 4, 1-6; Ga 6, 1-15.

LỜI SUY NIỆM:  Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây.”

          Chúa Giêsu đang ngước mắt nhìn đến mỗi người trong chúng ta, và Người đang đòi hỏi nơi những cọng sự viên của Người cùng có một sự quan tâm như Người: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn quan tâm đến sự sống của mỗi người trong chúng con; Chúa vẫn đang gởi đến với chúng con những linh mục, tu sĩ nam nữ, tông đồ giáo dân, và những người thiện nguyện, giúp cho chúng con có được cuộc sống an vui. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con có tâm tình tạ ơn và cọng tác với với nhau, đêm lại sự sống an vui cho những người đang sống chung quanh chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 25-07: Thánh GIACÔBÊ TIỀN

Tông Đồ

Thánh Giacôbê, con ông Giêbêdê và bà Salomê, là anh của thánh Gioan và bà con với Chúa Giêsu. Người ta gọi Ngài là thánh Giacôbê Tiền, để phân biệt với thánh Giacôbê hậu, cũng là một tông đồ và làm giám mục Gierusalem. Gọi là “tiền” vì Ngài được gọi trước hay vì Ngài cao lớn hơn, nhất là vì Ngài lớn tuổi hơn.

Thánh nhân cùng với em là Gioan được kêu gọi làm tông đồ trong khi họ đang chài lưới bên bờ biển Galilê (Mc 1,19-20). Trong tường thuật này, chúng ta thấy gia đình ông Giêbêđê xem như cũng khá giả và có thuê những người làm công.

Kể từ khi bỏ cha mẹ, chài lưới và những người làm công, anh em Giacôbê và Gioan luôn sát cánh bên Chúa. Họ chia sẻ với Người nếp sống “con người cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” và trong những buổi tiệc vui như ở Cana (Ga 2,1). Trong cộng đoàn tông đồ, Giacôbê luôn giữ một chỗ đứng quan trọng sau Phêrô. Bởi vậy Ngài được vào số ba môn đệ trong các biến cố phục sinh cho con gái Giarô (Mc 5,37) biến hình (Mc 9,2) và hấp hối ở Gethsemani (Mc 14,33).

Giacôbê hẳn phải hiểu rõ đặc ân của mình và ông đã đáp trả bằng một nhiệt tình cũng đặc biệt. Một lần qua Samaria, ông đã bất mãn vì dân làng không tiếp đón Chúa Giêsu một cách nồng hậu. Ông phát biểu: – Thưa Ngài, Ngài có muốn chúng tôi khiến lửa từ trời giáng xuống mà tiêu diệt chúng không ?

Nhiệt tình của ông giống như Elia. Nhưng Chúa Giêsu lại sửa sai tính nóng nảy ấy của ông:  – Các ngươi không biết các ngươi ứng theo thần khí nào (Lc 9,52-56).

Và người đặt cho Giacôbê và Gioan biệt danh là Boanerghê, nghĩa là con cái của sấm sét (Mc 3,17).

Dĩ nhiên là con người, khi theo Chúa Giêsu, các ông vẫn còn những yếu đuối, khi nghe loan báo về cuộc hoàn thành sứ mạng sắp tới, Giacôbê và em ông không ngần ngại thưa:
– Xin cho chúng tôi được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả, trong vinh quang của thầy.

Không hứa sẽ thỏa mãn ước vọng của họ, Chúa Giêsu đã chỉ hỏi: – Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không ?

Một lần nữa, các ông bày tỏ nhiệt tình của mình: – Thưa được (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40)

Đã có những phút giây Giacôbê vì yếu đuối như các tông đồ khác, như khi ngủ vùi khi Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối hay như việc ông trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng phục sinh, nhất là sau ngày lễ Hiện Xuống, Giacôbê đã thực hiện lời hứa của Ngài. Ngài sẵn sàng chịu chết dưới lưỡi gươm theo lệnh truyền của Hêrôđê Agrippa (Cv 12,2), có lẽ vào năm 42. Thế là Giacôbê đã trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin và tìnhmến của mình vào thế kỷ II, Clêmentê thành Alexandria đã làm chứng rằng,chính kẻ tố cáo thánh nhân lại được Ngài cải hóa và lãnh phúc tử đạo cùng lúc với Ngài.

Truyền thống cho rằng Giacôbê đã mang Tin Mừng đến Tây Ban Nha. Tuy nhiên điều này không được chứng thực rõ ràng. Lần đầu tiên truyền thống này được viết ra vào thế kỷ VII, dựa vào nguồn Hy lạp không đáng tin. Một thế kỷ sau, khi một ngôi sao chỉ cho thấy ngôi mộ của thánh Giacôbê, niềm tin của quần chúng bắt đầu lan rộng.

Nơi hành hương ở Compostella (có lẽ bởi chữ Campustella: cánh đồng sao) là trung tâm rất nổi tiếng dầu chúng ta tin rằng thánh Giacôbê có đi Tây Ban Nha đi nữa thì cũng không thể nói được rằng nơi đây có di tích của thánh nhân.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Bảy

Hạt Giống Rơi Xuống Ðất Có Thối Ði…

Giacôbê, vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay là con ông Giêbêđê và bà Salomê và là anh của thánh Gioan tông đồ. Người ta quen gọi thánh Giacôbê Tiền để phân biệt với thánh Giacôbê, giám mục đầu tiên của Giêrusalem, được gọi là Giacôbê Hậu, kính ngày 03/5 cùng với thánh Philipphê.

Giacôbê và Gioan là hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi sau khi Ngài đã chiêu mộ hai anh em Phêrô và Anrê. Phúc Âm thánh Matthêu thuật lại: Hai anh em ông được Chúa gọi ở bờ hồ Genezareth, trong lúc đang ở trong thuyền vá lưới với cha. Ðược Chúa gọi, hai ông bỏ thuyền và người cha để theo Chúa ngay lập tức. Ðiều này chứng tỏ lòng hăng hái nhiệt thành của hai anh em, nên hai người được Ngài cho biệt hiệu là “con cái của sấm chớp” như chúng ta thấy xảy ra ít là trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất khi người xứ Samaria ngăn cản không cho Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đi qua lãnh thổ của họ để tiến về Giêrusalem, hai anh em Giacôbê đã hỏi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy có bằng lòng để chúng tôi khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy họ không?”.

Sau đó, trong chuyến đi Giêrusalem lần cuối cùng, cả hai đã đến xin ngồi bên phải và bên trái Thầy, khi Chúa Giêsu sẽ thống trị trong vinh quang. Và khi không hiểu hoàn toàn ý nghĩa câu hỏi của Chúa: “Anh em có uống được chén Ta sẽ uống không?”, hai ông đã nhất quyết thưa: “Chúng tôi uống được”. Vì thế, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, như các môn đệ khác, Giacôbê cũng can đảm làm chứng những điều mắt thấy tai nghe về Thầy Giêsu, dầu bị cầm tù, đòn vọt, nhưng đã vui mừng vì được đau khổ vì Chúa Giêsu.

Năm 42, vua Hêrôđê, cháu của Hêrôđê cả, người đã âm mưu giết con trẻ Giêsu, đã bách hại một số thủ lĩnh của các tín hữu Kitô, trong số đó có cả thánh Giacôbê, như sách Tông Ðồ Công Vụ ghi: “Cùng thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay bắt bớ và làm khổ mấy người trong Giáo Hội, vua đã truyền chém ông Giacôbê, anh của ông Gioan. Thấy điều này làm vừa lòng người Do Thái, ông lại bắt cả ông Phêrô nữa”.

Với nguồn tin này, chúng ta biết thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên đã đổ máu đào minh chứng cho niềm tin của mình.

Trong thời nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, các quân phiến loạn đốt nhà thờ, nhà thương, tu viện và giết hại nhiều linh mục cũng như nữ tu. Ngày nọ, một vị linh mục già nua bị phiến quân bắt và bị kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước mặt đội lính hành quyết, cha nói với tên trưởng toán: “Xin anh làm ơn cắt dây trói này, để tôi có thể giơ tay chúc lành cho anh và xin Thiên Chúa cũng tha thứ và chúc lành cho các anh”.

Lịch sử ghi nhận đa số các tông đồ đã kết thúc cuộc đời chứng tá cho niềm tn bằng những cái chết đau thương, khởi đầu cho những lớp người chứng tá khác trải qua bao thế hệ. Và cũng như vị linh mục trong câu chuyện trên, hàng trăm, hàng ngàn chứng nhân của niềm tin vẫn còn đang bị giam cầm, tra vấn, đày đọa vì niềm tin. Họ chấp nhận những khổ hình một cách bình thản, không oán hận, trái lại, noi gương Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tha thứ cho những ngươi làm khổ họ.

“Hạt giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái”. Không gì minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố này của Chúa Giêsu bằng những cuộc sống chứng tá của các tín hữu Kitô đang chịu đau khổ, giam cầm và tử hình vì niềm tin.

Tử đạo là một ơn gọi đặc biệt, nhưng mọi tín hữu Kitô đều được kêu gọi dâng những ốm đau, bệnh tật, những hy sinh nho nhỏ hằng ngày để cầu cho Nước Cha được trị đến.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 17 – Năm B – Thường Niên

Bài đọc: II Kgs 4:42-44; Eph 4:1-6; Jn 6:1-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin tưởng quyền năng Thiên Chúa và rộng lượng san sẻ cho mọi người.

            Ca dao Việt-nam có câu: “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.” Tư tưởng này rất gần với quan niệm của người Công Giáo: Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất và ban cho mọi người cùng hưởng. Ngài muốn con người san sẻ cho nhau để đừng có cảnh người quá giàu trong khi người khác không có của ăn. Để làm được điều này, ca dao Việt-nam đòi con người phải có nhân đức anh hùng; Thiên Chúa đòi con người phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài. Con người không dám chia sẻ cho tha nhân những gì mình có, vì sợ sẽ không đủ cho mình; nhưng nếu con nguời biết rộng lượng cho đi, Thiên Chúa sẽ cho lại dư đầy. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mk 4:24-25).

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong hai tư tưởng này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Elisha truyền tiểu đồng phát quà tặng dân chúng mang đến cho ông, mặc dù chẳng thấm vào đâu; nhưng Đức Chúa đã cho toàn dân ăn no. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu bảo vệ sự hiệp nhất mà họ đã được kêu gọi bằng cách ăn ở khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, và bác ái. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi năm ngàn người đàn ông ăn và còn dư thừa 12 thúng, từ năm chiếc bánh và hai con cá.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.

1.1/ Phải có lòng rộng lượng để chia sẻ cho tha nhân: “Có một người từ Baal-Shalisha đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa: hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Elisha nói: “Phát cho người ta ăn.””

            Trình thuật hôm nay nằm trong phần cuối của chương 4 trong Sách Các Vua II. Trong suốt chương 4, tác giả tường thuật sự kiện: Vì hành động tử tế của người đàn bà thành Shunem, tiên-tri Elisha đáp lại bằng cách cho bà có đứa con trai và cứu sống đứa bé khi nó chết vì nhức đầu (II Kgs 4:1-44).

1.2/ Phải tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa: Nhưng tiểu đồng hỏi ông: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?” Ông bảo: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.” Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán. Chúng ta còn nhớ trình thuật: Vì hành động tử tế của bà góa thành Zarephath mà tiên-tri Elijah đã làm phép lạ cho hũ bột và chai dầu olive của bà không bao giờ vơi và còn cứu sống con trai của Bà (I Kgs 17:1-18).

2/ Bài đọc II: Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.

2.1/ Ơn gọi hiệp nhất của người Kitô hữu: Thánh Phaolô viết lá thư này cho các tín hữu Ephesô, khi người đang bị tù tại Rôma. Ngài khuyên các tín hữu như sau: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.”

            Để hiệp nhất, con người cần biết những lý do tại sao họ phải hiệp nhất. Thánh Phaolô đưa ra 7 lý do quan trọng:

            (1) Chỉ có một thân thể: Tất cả các tín hữu là chi thể của một thân thể là Hội Thánh với Đức Kitô là Đầu. Thân thể của Đức Kitô lành mạnh khi tất cả chi thể lành mạnh. Chi thể nào tách rời khỏi thân thể sẽ không thể tồn tại.

            (2) Một Thánh Thần: Có nhiều quà tặng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng ban mọi quà tặng cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.

            (3) Một niềm hy vọng: Tất cả các tín hữu đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng là cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa và với nhau.

            (4) Chỉ có một Chúa: là Đức Kitô.

            (5) Một niềm tin: là tin vào Đức Kitô.

            (6) Một phép rửa: bởi Nước và bởi Thánh Thần.

            (7) Chỉ có một Thiên Chúa: Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người.

2.2/ Những đức tính cần thiết của người Kitô hữu: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.” Đây là những đức tính tối quan trọng không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho tất cả những ai muốn thành công và sống bình an với mọi người.

            + Khiêm tốn (tapeinofrosu,nh): Con người khiêm tốn nhận ra chỗ đứng thực sự của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Những người kiêu ngạo không nhận ra điều này, họ tự cho mình đã biết quá nhiều, quá hay, quá đủ; nên bỏ qua những gì Chúa dạy, và lấy mình như tiêu chuẩn để phán xét tha nhân. Họ quên đi một sự thật là sự khôn ngoan của họ chỉ là một giọt nước trong biển khôn ngoan của nhân loại, và chẳng là gì so với sự khôn quan của Thiên Chúa. Người khiêm tốn sẽ được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới và được mọi người quí mến; trong khi kẻ kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa và tha nhân khai trừ.

            + Hiền từ (prau<thj): Con người hiền từ luôn biết cách cư xử nhã nhặn với tất cả mọi người; họ không để cho tính nóng giận làm chủ con người họ. Ngược lại, người dữ dằn để cho tính nóng giận làm chủ con người, họ nói những lời cộc cằn thô lỗ, và sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề.

            + Nhẫn nại (makroqumi,a): Con người nhẫn nại luôn biết kiên trì và tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn và gian khổ trong cuộc đời. Họ không dễ nản lòng, ta thán, và bỏ cuộc.

            + Bác ái (avga,ph): Thánh Phaolô nêu bật tầm quan trọng của nhân đức này: “Trên hết mọi sự, anh em hãy có nhân đức yêu thương, vì đó là sợi giây ràng buộc mọi điều toàn thiện.” Chúng ta đã nói nhiều lần về nhân đức này, nó chỉ tìm thấy trong khuôn khổ của Kitô Giáo, vì nhân đức này đến từ Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chỉ khi nào một người có nhân đức này, họ mới có thể thi hành những điều khó khăn Đức Kitô dạy: phải cầu nguyện, tha thứ, và làm ơn cho kẻ thù; họ mới có thể sẵn sàng hy sinh chết để làm chứng cho Thiên Chúa và bảo vệ tha nhân.

3/ Phúc Âm: Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.

3.1/ Con người phải tin nơi quyền năng của Thiên Chúa: “Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilee, cũng gọi là Biển Hồ Tiberia. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?””

            (1) Uy quyền của Thiên Chúa trong biến cố Vượt Qua: Sự kiện Gioan đề cập đến Lễ Vượt Qua không phải là chuyện tình cờ, nhưng mang ý nghĩa thần học. Ngài có ý nhắc cho dân Do-thái nhớ lại uy quyền lớn lao của Thiên Chúa đã mang dân vượt Biển Đỏ an toàn; trong khi quân đội của vua Pharao bị nhận chìm giữa lòng đại dương. Nếu một Thiên Chúa có quyền năng đưa dân Do-thái vượt qua Biển Đỏ, Ngài cũng có thể làm cho dân có bánh ăn no nê trong sa mạc, điều bị coi là không thể đối với con người.

            (2) Uy quyền của Chúa Giêsu khi nuôi năm ngàn người ăn: Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

            (3) Hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: Chúa Giêsu dư biết sự cứng lòng của con người, nên Ngài chuẩn bị cho họ bằng phép lạ “Bánh hóa nhiều.” Nếu Chúa Giêsu có thể làm phép lạ “Bánh hóa nhiều” để nuôi năm ngàn người đàn ông ăn no nê, Ngài cũng có thể hiến thân mình để trở nên của ăn nuôi dân hàng ngày. Hơn nữa trong Tin Mừng Gioan, chúng ta không thấy tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta chỉ có công thức truyền phép “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó,” và diễn từ về Thánh Thể trong phần kế tiếp của chương 6.

3.2/ Thiên Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người.

            (1) Con người chỉ quan tâm đến mình: Hai lý do làm con người sợ không dám chia sẻ:

            + Sợ tốn tiền: Ông Philíp đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Các môn đệ không muốn bỏ tiền của mình để mua bánh cho người khác, nhất là với một số dân đông đảo như thế. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ khuyên Chúa Giêsu giải tán dân để họ vào các thành mà mua lương thực. Ngược lại, Chúa Giêsu truyền: “Chính anh em hãy cho họ ăn.”

            + Sợ không đủ cho mình: Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Phản ứng của con người là lo đầu cơ tích trữ, nhất là trong những lúc khan hiếm lương thực và mạng sống bị đe dọa.

            (2) Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người: Thiên Chúa làm được mọi sự, nhưng Ngài muốn con người biểu lộ niềm tin giống như em bé sẵn sàng đưa cho Chúa 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá để chia sẻ với mọi người. Trong Kinh Tiền Tụng, chúng ta cũng dâng bánh và rượu là hoa mầu ruộng đấtlao công của con người lên Thiên Chúa, để xin Ngài làm cho trở thành Bánh Trường Sinh và của uống thiêng liêng cho chúng ta.

            Khi linh mục dâng bánh và rượu lên cho Thiên Chúa, người linh mục cũng dâng những đau khổ của chính mình và của dân chúng, cộng với lễ hy sinh đau khổ của Đức Kitô. Tất cả những điều này có sức mạnh để Thiên Chúa chấp nhận và sinh ích cho con người.

             (3) Thiên Chúa không muốn con người chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Con người chỉ quan tâm đến những nhu cầu vật chất. Họ muốn tôn Chúa Giêsu làm vua để Ngài cung cấp bánh ăn cho họ, như ma quỉ đã từng cám dỗ Chúa trong sa mạc để biến đá thành bánh. Chúa Giêsu từ chối việc dân tôn Ngài làm vua để có bánh ăn nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Ngài muốn họ yêu mến Ngài và thực sự muốn mời Ngài làm vua trong lòng của họ. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta có dám rộng lượng cho đi để được Thiên Chúa cho lại dư thừa không? Nếu không dám cho đi, ngay cả cái chúng ta đang có cũng sẽ dần dần hao hụt dần.

            – Thiên Chúa vì yêu thương đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để gia tăng nghị lực cho tâm hồn chúng ta. Sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh để nuôi sống anh em về phần hồn cũng như về phần xác. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************