Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm C
BÀI ĐỌC I: Hc 27, 5-8 (Hl 4-7)
“Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói”.
Trích sách Huấn Ca.
Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 91, 2-3. 13-14. 15-16
Đáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa! (x. c. 2a).
Xướng:
1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Đấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm. – Đáp.
2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông. – Đáp.
3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Đá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà! – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 54-58
“Người đã ban cho chúng ta sự chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì lúc ấy ứng nghiệm lời đã ghi chép rằng: “Sự chết đã tiêu tan trong chiến thắng”. “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu? Nọc độc của sự chết là tội, thế lực của tội là lề luật”. Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 39-45
“Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.
“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
27/02/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – C
Lc 6,39-45
CHỮ TÂM HAY CHỮ TÀI?
“Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.” (Lc 6,45)
Suy niệm: Người tốt là người từ tâm. Tâm tốt được gọi là từ tâm, là kho tàng tốt để lúc nào cũng sẵn sàng phát ra những lời nói, hành vi tốt cho người cho đời. Người từ tâm nghĩ đến gánh nặng của người lân cận hơn của mình, suy nghĩ và hành động cho người khác hơn cho mình. Một người vừa có tâm vừa có tài – được gọi là hiền tài – thì còn gì tốt bằng! Chúa Giê-su muốn ta quan tâm, đi vào nội tâm của mình, được Ngài coi như kho tàng – có thể chất chứa bao điều tốt hay tràn ngập bao ý tưởng xấu xa – từ đó phát xuất ra bao lời nói, hành vi tốt hay xấu, quảng đại hay ích kỷ, vì Chúa hay vì mình. Người Ki-tô hữu chứng tỏ mình là người tốt thực sự khi biết hành động cho lẽ phải bằng một lương tâm đúng đắn và khách quan. Người tài có thể mang mặt nạ diễn tuồng hay, nhưng không bao giờ được nhìn nhận là người tốt nếu người ấy tri hành không hợp nhất.
Mời Bạn: Thi hào Nguyễn Du nhận thức rõ cái ‘thiện căn’ đó khi nói “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Bạn nghĩ sao bao người chung quanh ta cứ muốn chứng tỏ mình có tài mà không trau dồi tâm đức? Điều đó đang gây ra bao hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.
Sống Lời Chúa: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Vì thế, ta nên cẩn trọng trong lời nói, trong các xét đoán của mình để người khác thấy được lòng ta chứa đựng điều tốt lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đưa con đi tận vào tâm hồn mình, để Chúa thanh lọc những tâm tư xấu xa, lấp đầy bằng tâm tình đạo đức. Xin cho con biết quan tâm đến kho tàng lòng mình, sống chân thực với Chúa và chân thành với mọi người. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Biết mình là chuyện không dễ.
Ở một đền thờ bên Hy Lạp có khắc câu: Hãy biết mình.
Chẳng ai gần gũi với mình bằng chính bản thân mình.
Vậy mà tôi vẫn là một bí ẩn đối với tôi.
Người ta thích làm những bản trắc nghiệm
để biết về chỉ số thông minh, về tâm lý, tính tình…
Nhưng để biết mình cần trắc nghiệm bằng cả cuộc đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói về chuyện thấy mình.
Ngài dùng lối ngoa ngữ để dạy dỗ môn đệ.
Tôi không thấy cái xà trong mắt mình,
nghĩa là không nhận ra nơi tôi một khuyết điểm trầm trọng
mà ai ai cũng thấy, trừ chính tôi.
(Tôi không thể thấy hay tôi không muốn thấy!)
Nhưng tôi lại thấy cái rác nhỏ trong mắt anh em.
Dường như thấy cái rác nhỏ nơi mắt người khác
dễ hơn là thấy cái xà nơi mắt mình.
Phải chăng vì đứng gần mình quá nên tôi không thấy rõ,
hay vì tôi vẫn coi mình là hoàn hảo
nên khó chấp nhận những thiếu sót nơi mình?
Ðể thấy mình, cần khiêm tốn hỏi và nghe người khác.
Anh em tôi biết về tôi hơn tôi biết tôi.
“Hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh.
Tôi vẫn thường nói như vậy và làm như vậy.
Hăng hái, vội vã giúp người khác sửa mình,
sửa cả những chuyện chẳng đáng gì.
Ðức Giêsu không cấm ta góp ý cho người khác,
nhưng Ngài dặn ta trước hết hãy lấy xà khỏi mắt mình,
để thấy rõ mà lấy rác nơi mắt anh em.
Bao dung hơn với tha nhân,
và nghiêm khắc hơn với chính mình.
Không coi cái xà của mình nhỏ hơn cái rác của anh em.
Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình.
Khiêm tốn sửa mình trước khi góp ý cho tha nhân.
Ðức Giêsu còn cho ta những nguyên tắc nhận định.
Nguyên tắc thứ nhất: xem quả thì biết cây.
Bụi gai không sinh trái vả, bụi rậm không sinh trái nho.
Nhìn hậu quả, ta biết được nguồn gốc, nguyên nhân.
Ðể khỏi bị lừa, hãy để ý đến hậu quả cuối cùng:
quả tốt do cây tốt, quả xấu do cây xấu.
Lắm khi ma quỷ giả dạng thiên thần sáng láng,
lừa phỉnh dụ dỗ, cho ta trái thơm ngon.
Nhưng cuối cùng trái ngon lại là trái độc.
Cần có thời gian lâu dài và theo dõi kỹ lưỡng
ta mới thấy ma quỷ lòi đuôi xấu xa của nó.
Nguyên tắc thứ hai: lòng có đầy, miệng mới nói ra.
Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người.
Những lời giả dối sớm muộn cũng sẽ bại lộ.
Nếu chúng ta được Chúa biến đổi cái tâm của mình,
hẳn toàn bộ đời sống bên ngoài của ta cũng đổi.
Nhưng đổi bên ngoài cũng ảnh hưởng đến bên trong.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
Không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước gì đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning Christ)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG HAI
Khát Khao Kết Hợp Mật Thiết Với Đức Kitô
Trong suốt cả Mùa Chay, lời mời gọi này của phụng vụ vẫn âm vang trong lòng chúng ta: “Hãy nhớ rằng người là tro bụi, và người sẽ trở về bụi tro” (St 3,19). Nếu chúng ta đủ khiêm tốn nhìn nhận thân phận của mình, chúng ta có thể nhận hiểu tính khẩn thiết trong tiếng gọi của Thiên Chúa: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Ước gì tiếng gọi đó vẫn luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong suốt Mùa Chay. Ước gì tiếng gọi đó làm thay đổi cách nghĩ của chúng ta, thay đổi cách cư xử của chúng ta. Uớc gì tiếng gọi đó thúc giục chúng ta biết khao khát cầu nguyện nhiều hơn nữa và kết hiệp với Đức Kitô mật thiết hơn nữa trong chính nội tâm của mình. Ước gì tiếng gọi đó giúp chúng ta nhận hiểu nhu cầu phải hy sinh và tiết chế. Ước gì – đối với chúng ta – tiếng gọi đó của Thứ Tư Lễ Tro trở thành vừa là một đòi hỏi của con tim vừa là một ân phúc dồi dào nhận được từ Thiên Chúa. Ước gì tiếng gọi đó thúc đẩy chúng ta biết chú ý đến các nhu cầu của người khác: bạn hữu, gia đình và cả những người ở xa. Ước gì tiếng gọi đó thôi thúc tất cả chúng ta dấn thân thực hiện những công việc từ thiện cụ thể.
Một Mùa Chay nữa lại đến. Đây là “thời gian thuận tiện” để quay về với Thiên Chúa. Đây là “ngày cứu độ”. Tuy nhiên, ‘thuận tiện” hay “cứu độ” đến mức nào còn tùy thuộc vào thái độ đáp trả của chính chúng ta.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27/2
CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN
Hc 27, 4-7; 1Cr 15, 54-58; Lc 6, 39-45.
LỜI SUY NIỆM: ““Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.”
Trong cuộc sống hằng ngày, trong giao tiếp, mỗi người chúng ta thường thấy những tật xấu và lỗi lầm của người khác, mà quên mất những tật xấu và những lỗi lầm thiếu sót của chính mình. Lời Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta hôm nay, chính là để giúp chúng ta tự xây dựng lại đời mình tốt hơn, để hòa nhập vào xã hội mà mình đang sống, đem lại an vui, giúp nhau sống đời hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa Cha tạo dựng cho chúng con bàn tay có năm ngón Mỗi lần chúng con đưa tay chỉ điều gì đó cho anh em, thì chỉ có một ngón chỉ về phía trước, còn bốn ngón tay kia lại chỉ về bản thân mình. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết kiểm điểm đời sống mỗi tối trước khi đi ngủ, xin ơn tha tội, để được bình an.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
27 Tháng Hai
Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “Ba Thập Giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta lkhông thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 8 – Năm C – Thường Niên
Bài đọc: Sir 27:5-8 (4-7); 1 Cor 15:54-58; Lk 6:39-45.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng có đầy miệng mới nói ra.
Con người chỉ có thể nhận xét những gì xảy ra bên ngoài, chứ không được như Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn. Vì thế, để chúng ta có thể nhận xét một người, người đó phải biểu lộ ra bên ngoài: hoặc bằng lời nói hoặc bằng hành động. Lời nói đi đôi với hành động là cách chắc chắn nhất để thuyết phục lòng người.
Các bài đọc hôm nay chú trọng đến hai cách biểu lộ này. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca chú trọng đặc biệt đến lời nói, ví nó biểu tỏ sự khôn ngoan và tính khí của một người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô tin tưởng những gì Đức Kitô đã mặc khải và chứng thực về việc sống lại. Con người được cứu thoát khỏi sự chết không bằng Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô và thực hành những gì Ngài truyền dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ những bài học khôn ngoan, cần thiết và cụ thể trong cuộc đời: Họ phải khôn ngoan sáng suốt trước khi họ có thể lãnh đạo người khác. Họ phải học biết mình để sửa chữa những nết xấu thay vì tốn thời giờ phê bình người khác. Họ phải tập luyện để có nhân đức từ bên trong thì mới có thể sinh quả tốt được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tính khí con người biểu lộ qua lời nói.
1.1/ Phải có dịp chuyện trò mới biết ai dở ai hay: Tác giả Sách Huấn Ca dùng hai hình ảnh quen thuộc với dân chúng để dẫn chứng việc chúng ta chỉ biết rõ một người qua những gì họ nói.
(1) Giống như khi người ta sàng gạo, trấu sẽ ở lại trong sàng và gạo sẽ được thảy vào trong thùng; khi một người mở miệng nói, người ta sẽ biết ngay anh nói dở hay nói hay, suy nghĩ cẩn thận hay bạ gì nói ấy.
(2) Giống như chiếc bình được làm ra bởi người thợ gốm, phải đem thử lửa thì mới biết chiếc bình nào tốt. Chiếc bình sẽ dùng được lâu, nếu người thợ gốm chịu khó nung đất ở nhiệt độ cao. Chiếc bình sẽ dễ vỡ khi đất được nung ở nhiệt độ thấp. Cũng vậy, phải nghe một người chuyện trò, chúng ta mới biết kiến thức và sự khôn ngoan của người ấy sâu xa hay nông cạn.
1.2/ Chớ vội khen khi người chưa lên tiếng. Giống như kinh nghiệm xem quả là biết cây: cây xấu không thể sinh trái tốt, và ngược lại, cây tốt không thể sinh trái xấu. Lời con người nói ra là kết quả của những gì tích tụ trong con người của họ: người khôn ngoan không thể thốt ra những lời nông cạn, thiếu hiểu biết; ngược lại, người nông cạn, thiêu hiểu biết, không thể thốt ra những lời khôn ngoan.
Nhiều người thích người ít nói; nhưng tác giả Sách Huấn Ca đề phòng: Người trầm tư, ít nói, chưa chắc đã là người khôn ngoan; vì có thể họ chẳng có gì để nói. Nếu muốn biết rõ họ, phải tạo cơ hội cho họ nói: “Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng; muốn biết người, phải nghe miệng nói năng.”
2/ Bài đọc II: Con người được cứu độ nhờ niềm tin vào Đức Kitô và trung thành với sứ vụ của mình.
2.1/ Lề Luật không có sức mạnh làm cho con người khỏi chết: Trong chương 15 của Thư I Corintô, thánh Phaolô đã cắt nghĩa chi tiết hai câu hỏi: Thứ nhất, thân xác con người có sống lại không; thứ hai, nếu có sống lại thì thân xác chúng ta sẽ giống cái gì. Câu hỏi thứ nhất tương đối dễ hơn, vì chúng ta có bằng chứng sống lại của Đức Kitô. Câu hỏi thứ hai khó trả lời, vì ngay cả Phaolô cũng chưa có kinh nghiệm sống lại. Chỉ có một điều chắc chắn là : “Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” Thân xác của chúng ta lúc đó có Thần Khí của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài.
Lề Luật, tội lỗi, và sự chết là bộ ba có liên hệ mật thiết với nhau. Đó là lý do thánh Phaolô nói: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.” Chúng ta có thể quảng diễn hai câu này như sau:
(1) Lề Luật hành động như nhà luân lý, phải có Lề Luật thì mới có tội. Nếu không có Luật, thì cũng không có tội. Luật nhắc nhở cho con người biết điều gì là tội.
(2) Hậu quả của tội là cái chết. Con người chỉ cần cố tình phạm một tội trọng thôi là đã đủ chết rồi (Deut 30:15-16).
(3) Vì thế, Lề Luật tuy tốt và đến từ Thiên Chúa; nhưng không có sức mạnh làm cho con người khỏi phải chết.
2.2/ Chúng ta được cứu độ nhờ niềm tin vào Đức Kitô và kiên trì làm những gì Ngài dạy bảo. Điều này thánh Phaolô đã cắt nghĩa rõ ràng trong phần đạo lý của Thư Galat và Thư Rôma. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô chỉ nói cách vắn tắt: “Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
Không giống như Thư Galat và Roma được chia làm 2 phần rõ rệt: phần đạo lý và phần khuyên nhủ; trong thư I Corintô, hai phần này hòa lẫn với nhau. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô tiếp tục nói: “Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.” Như thế, con người được cứu độ không chỉ bằng niềm tin vào Đức Kitô; nhưng còn bằng những việc làm để chứng tỏ niềm tin này. Chính thánh Phaolô cũng không chỉ tin vào Đức Kitô; nhưng Ngài còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng chịu mọi gian khổ, để làm chứng cho Đức Kitô và để chu toàn sứ vụ mà Đức Kitô đã trao phó cho ngài.
3/ Phúc Âm: Hãy học biết chính mình.
3.1/ Nhà lãnh đạo phải sáng suốt: Đây là một thực tế trong cuộc đời; nhưng không mấy người nhìn ra nhu cầu cần phải sáng suốt. Cha mẹ phải hướng dẫn con mình; nhưng cha mẹ có sáng suốt đủ để hướng dẫn con cái? Người mục tử phải hướng dẫn đoàn chiên; nhưng liệu người mục tử có sáng suốt đủ để hướng dẫn đoàn chiên mình? Ngay cả người mục tử có nhận ra ai là chiên của mình đang cần sự hướng dẫn? Đức Giêsu nêu ra cho các môn đệ một hình ảnh: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Làm sao để một người có thể trở thành nhà lãnh đạo sáng suốt?
(1) Phải học hỏi để biết: Để có kiến thức cần phải học, vì không ai có thể cho người khác điều mình không có! Hành nghề gì cũng đòi phải học hỏi và qua kỳ thi để có bằng cấp; nhưng nghề làm cha mẹ quan trọng như thế thì ít người chịu học hỏi và chẳng ai cấp bằng để hướng dẫn con cái; phần lớn đều trở nên cha mẹ cách bất đắc dĩ: khi có con là đương nhiên trở thành cha mẹ!
(2) Phải lắng nghe và học hỏi với Đức Kitô: Nguồn khôn ngoan quan trọng nhất là Kinh Thánh và những mặc khải của Đức Kitô. Đây phải là nguồn đầu tiên chúng ta phải học hỏi vì không ai có sự khôn ngoan bằng Thiên Chúa. Tại sao chúng ta không chịu học với Đức Kitô trước, mà lại đi học với Dear Abby, Dear Ann Lander, hay với Dr. Ruth? Chúng ta không phủ nhận kinh nghiệm khôn ngoan của con người; nhưng nó chỉ là nguồn phụ thuộc mà thôi. Nếu không có thời giờ, người khôn ngoan là người biết tìm tới nguồn chính yếu để học hỏi sự thật, trước khi có thể nhận ra sự sai trái từ những nguồn phụ thuộc, nếu có.
(3) Phải có cái nhìn tổng quan về cuộc đời để nhận ra đâu là điều chính yếu từ bao điều phụ thuộc; nếu không sẽ dễ dàng chú trọng vào cái phụ thuộc và bỏ qua mục đích của cuộc đời.
3.2/ Hãy khử trừ thói quen phê bình người khác: Hầu hết các thánh nhân và các bậc thánh hiền đều khuyên con người “hãy biết mình trước.” Khi nào thấy mình thập toàn rồi, mới dám nghĩ tới việc sửa lỗi người khác, để tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê; mà cầm bó đuốc mà rê chân người.”
Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: “Sao anh thấy cái vỏ trấu trong con mắt của người anh em, mà cái thanh gỗ trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái vỏ trấu trong con mắt anh ra!” trong khi chính mình lại không thấy cái thanh gỗ trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái thanh gỗ ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái vỏ trấu trong con mắt người anh em!” Khi một người năng xét mình, họ sẽ nhận ra họ cũng có bao tội lỗi và khuyết điểm cần phải sửa, nhiều khi còn to lớn và xấu xa hơn tội của tha nhân gấp bội; nên họ cảm thấy xấu hổ khi phải phê bình người khác. Ngược lại, người không năng xét mình hay xét mình không kỹ, họ cảm thấy mình tốt lành; và vì thế, họ năng xét tội và phê bình tha nhân.
3.3/ Cây nào sinh quả đó: Tục ngữ Việt-nam dạy: “xem quả, biết cây.” Chúa Giêsu dạy: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”
Trong tiến trình trở nên tốt, con người trải qua các thứ tự như sau:
(1) Bắt đầu từ sự hiểu biết: Để làm đúng, con người cần phải hiểu biết đúng. Lời Chúa là sự thật, sẽ chỉ dạy con người biết đường lối phải theo. Nếu hiểu biết sai lầm, sẽ không thể làm đúng.
(2) Cố gắng mang ra áp dụng: Đã học, phải hành; nếu không nó chỉ là mớ lý thuyết mà không sinh ích lợi cho con người.
(3) Thực tập lâu ngày thành thói quen tốt: Các nhà luân lý gọi thói quen tốt là nhân đức, cũng như thói quen xấu là tội. Một khi đã có nhân đức nào, con người cũng tránh được tội ngược lại với nhân đức ấy; ví dụ, khi một người đã có nhân đức khiêm nhường, người ấy cũng tránh được tội kiêu ngạo.
Chúa Giêsu có ý muốn nói: Cả hai, tội và nhân đức, đều ẩn giấu trong con người; khi cơ hội tới, chúng sẽ phát ra. Nếu lòng một người chỉ toàn nhân đức, họ không thể làm điều xấu; và ngược lại, nếu lòng một người đầy tội, họ không thể làm việc lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Lời nói là hậu quả của việc học hành và tính tình của một người. Chúng ta có thể nhận ra kiến thức và tính tình của một người khi nghe họ nói.
– Lời của Thiên Chúa chính là Đức Kitô. Ngài đến để mặc khải cho con người chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và lam theo sự chỉ dạy của Đức Kitô.
– Lãnh đạo cần phải sáng suốt và biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Để sáng suốt, chúng ta cần phải học với Chúa qua những lời khôn ngoan của Kinh Thánh và những kinh nghiệm chúng ta thu thập được trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************