Chúa Nhật (29-01-2023) – Trang suy niệm

28/01/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Thường Niên Năm A

BÀI ĐỌC I: Xp 2, 3; 3, 12-13

“Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi, một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn”.

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hãy tìm Chúa, hỡi tất cả các người hiền lành trong nước, là những kẻ tuân giữ luật Chúa; hãy tìm công lý, hãy tìm sự khiêm nhường, nếu các ngươi muốn được che chở trong ngày thịnh nộ của Chúa. Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn, biết tin tưởng vào thánh danh Chúa. Kẻ sống sót của Israel sẽ không làm điều bất công, sẽ không nói dối, miệng chúng sẽ không nói lời phỉnh gạt, vì chúng sẽ được chăn dắt và nằm ngủ không bị quấy rầy. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10.

Đáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3).

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Đáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Đáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Đức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua từ đời này sang đời khác. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 26-31

“Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy xem ơn kêu gọi của anh em: Vì (trong anh em) không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng. Nhưng điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người. Chính do Người mà anh em ở trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng do Thiên Chúa, đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và sự cứu rỗi cho chúng ta, ngõ hầu, như đã chép: “Ai tự phụ, thì hãy tự phụ trong Chúa”. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12a

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/01/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – A

Mt 5,1-12a

PHÚC THAY CHO BẠN

“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12)

Suy niệm: Theo khảo sát của viện Gallup về các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022 thì các nước Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch vẫn dẫn đầu. Chót bảng xếp hạng là Apghanistan. Việt Nam ta thì thường thường bậc trung được xếp thứ 77 trong số 146 quốc gia được khảo sát. Tuy nhiên, dù sống trong quốc gia nào, người Ki-tô hữu vẫn có thể có hạnh phúc mà Thiên Chúa đã và đang ban cho họ. Những mối “phúc thay” của Chúa không phải là những hy vọng mơ hồ về hạnh phúc tương lai, mà là niềm vui người Kitô hữu đã cảm nếm ngay trong đời sống hằng ngày, dù phải chịu mọi sự “bách hại và vu khống”. Thật vậy, có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được làm con cái Chúa, được có Đức Giê-su là Thầy, là Chúa của đời mình.

Mời Bạn: Để thật sự cảm nhận những “phúc thay” của Chúa, bạn phải sống theo tám chuẩn mực của người môn đệ Giê-su. Mời bạn đọc và nghiền ngẫm tám chuẩn mực này: khó nghèo, hiền lành, sầu khổ (vì tội lỗi mình và đau khổ của đồng loại), khát khao nên người công chính, xót thương, trong sạch, xây dựng hòa bình và sống công chính.

Sống Lời Chúa: Chọn một mối phúc mà bạn thấy thích hợp nhất để thực hiện trong đời sống của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứ gởi chúng con vào thôn xóm, đem an hòa cho những ai bất thuận, đem thanh bình cho kẻ sống âu lo, đem ủi an cho những người sầu khổ, đem niềm vui cho những ai bất hạnh, đem trợ giúp cho những người gặp cảnh khó khăn. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG GIÊNG

Làm Việc – Con Đường Nên Thánh

Trong đời sống, rõ ràng có một bậc thang các giá trị. Chúng ta đề cao lao động. Đúng. Chúng ta đề cao con người hơn, trong quan hệ với lao động. Điều này thậm chí càng đúng hơn. Nhưng con người cần một cái gì đó vượt quá chính mình. Con người cần cơm bánh hằng ngày, vâng, nhưng con người không sống duy chỉ nhờ vào cơm bánh.

Con người luôn luôn được nội tâm mình thôi thúc kiếm tìm một cái gì đó khác. Những kho báu giấu ẩn trong thâm sâu cõi lòng con người thật nhiều vô kể. Lương thức, mỹ cảm, lòng quảng đại, hoài niệm, hy vọng, thao thức về huyền nhiệm, cảm thức đạo đức và luân lý, khát vọng công lý, khát vọng tự do, khả năng liên đới và cộng tác … – tất cả những điều ấy tiềm ẩn trong sâu thẳm trái tim con người.

Càng vượt qua chính mình hơn, con người càng trở thành ‘người’ hơn. Đó chính là chân trời của những giá trị tâm linh. Những giá trị ấy vượt ngoài kinh nghiệm giác quan và tạo thành thế giới siêu nhiên.

Như vậy, những suy tư của tôi hôm nay lại trở về với cốt lõi của Tin Mừng lao động. Khi Giáo Hội sát cánh với người lao động và khi Giáo Hội nỗ lực thăng tiến phẩm giá của họ – không phân biệt chủng tộc, niềm tin, giai cấp – thì đấy là Giáo Hội đang thực thi sứ mạng được Đức Kitô trao phó cho mình. Đức Kitô đã và vẫn đang tiếp tục là đồng minh và là trạng sư vĩ đại nhất của con người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta – như ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính – Người đã từ trời xuống thế để làm một con người ở giữa chúng ta.

Bất cứ ai tin vào Người sẽ tìm thấy ánh sáng soi dẫn mình tại mỗi bước quặt cuộc đời. Dưới ánh sáng Thập Giá Đức Kitô, lao động là một con đường hoàn thiện nhân bản và là một tiếng gọi siêu nhiên. Đó là một con đường nên thánh.

Ngày nay, sau Công Đồng, người giáo dân Công Giáo chúng ta đạt được một bước trưởng thành hơn, và chiều kích tâm linh của lao động cũng được nhận thức nhiều hơn. Đó là một linh đạo phải được đào sâu thêm mãi qua việc nỗ lực xây dựng tình huynh đệ chân thành đích thực, và qua việc nỗ lực làm thấm nhập ơn bình an của Đức Kitô vào môi trường lao động.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29/1

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Xp 2, 3; 3, 12-12; 1Cr 1, 26-31; Mt 5, 1-12a.

LỜI SUY NIỆM: “Thấy đám đông dân chúng, Đức Giêsu lên núi, Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.” Người mở miệng dạy họ rằng:  (Mt 5,1-2).

          Đời sống của mỗi người đều có những chỗ khuyết, chỗ hụt, những mất mát, yếu kém và không thể bù đắp, nên ở đời chẳng có ai có được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc hạnh phúc nhất cũng có lắm điều làm bận lòng.

          Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta bí quyết để có hạnh phúc thật. – Hạnh phúc thật là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng con người cần phải sống tích cực để đón nhận.

          Được Nước Trời, được Đất Hứa, được thấy Thiên Chúa, được Ngài an ủi, thương xót và làm cho no thỏa, những điều đó có nghĩa là được sống thân tình với Ngài, được vui hưởng hạnh phúc viên mãn của chính Thiên Chúa.

          Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền. Con người chỉ hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội, với Đấng đã , đang và sẽ ban cho mình tất cả.

          Nói cho cùng, người hạnh phúc thật là người biết mở ra, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

          Lạy Chúa Giêsu. Hạnh phúc thật của chúng con là được ở trong Nước Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con biết đón nhận và sống từng ngày một, dưới ơn ban của Chúa. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Giêng

 Ðứng Núi Này Trông Núi Nọ  

Một tác giả nọ đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn về con lừa, con rùa và một con ruồi mà tuổi thọ chỉ vỏn vẹn một ngày như sau: Nhận thấy kiếp sống của mình quá vắn või, con ruồi đã than thân trách phận như sau: “Nếu tôi có được nhiều thì giờ hơn, thì có lẽ mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Các bạn cứ nghĩ xem: chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi phải sinh ra, phải lớn lên, phải học hỏi kinh nghiệm, phải vui hưởng cuộc sống, phải đau khổ, phải già rồi cuối cùng phải chết? Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ”. 

Con lừa quanh năm ngày tháng chỉ bị đày đọa trong những việc nặng nhọc thì lại than vãn: “Giả như tôi chỉ có 24 tiếng đồng hồ để sinh ra, để sống thì có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn, bởi vì cái gì tôi cũng nếm thử được một chút và cái gì tôi cũng chỉ phải chịu đựng trong một khoảnh khắc”. 

Ðến lượt con rùa, nó phát biểu như sau: “Tôi không hiểu được các bạn. Tôi đã sống được 300 năm nhưng tôi vẫn không thấy đủ giờ để kể hết những kinh nghiệm tôi đã trải qua. Khi được 200 tuổi, tôi chỉ ước mơ được chết cho xong. Tôi thương hại chú ruồi, nhưng tôi lại ghen với ông bạn lừa”. 

Sau khi đã kể cho nhau nghe kinh nghiệm sống của mình, xem chừng như không thấy ai thỏa mãn kiếp sống của mình. Người thì than phiền sống quá ngắn, người thì ngán ngẩm vì sống quá lâu. Cuối cùng, ba chú mới rủ nhau đến vấn kế con nhện, vì con nhện vốn được xem là một con vật khôn ngoan. Sau khi nghe mọi lời kể lể, con nhện mới dõng dạc ban cho mỗi con một lời khuyên. Với con rùa, nó nói như sau: “Hỡi lão rùa già, đừng than phiền nữa. Hỏi thử có ai được giàu kinh nghiệm cho bằng lão chưa?”. 

Quay sang con ruồi, con nhện ra lệnh: “Hỡi chú ruồi, chú cũng đừng than thân trách phận nữa. Hỏi thử có ai có nhiều trò vui cho bằng chú không?”. 

Với chú lừa, thì xem ra lời cảnh cáo của con nhện có vẻ nặng nề hơn cả: “Còn đối với ông bạn lừa, tôi không có lời khuyên nào cho ông bạn cả. Oâng bạn là người bất mãn suốt đời. Oâng bạn vừa muốn được sống lâu như lão rùa lại vừa muốn sống ngắn ngủi như chú ruồi. Trời nào có thể làm vừa lòng chú”. 

Câu chuyện ngụ ngôn trên đây có thể nói lên sự bất mãn thường xuyên trong tâm hồn của con người. Thất bại hay thành công, nghèo hèn hay sang trọng, dốt nát hay thông minh, bệnh tật hay khỏe khoắn. Xem chừng như không bao giờ con người cảm thấy hoàn toàn hài lòng với chính mình, với người khác và với cuộc sống. con người dễ dàng đứng ở núi này nhìn sang núi nọ. Tựu trung, có lẽ sự bất mãn là biểu hiện của một thiếu sót lớn lao trong tâm hồn con người: đó là thiếu sót Tình Yêu. Có tình yêu, người ta sẽ không còn bất mãn. Có tình yêu, xem chừng người ta cũng không màng đến thời gian. Một tác giả nào đó đã nói: “Thời gian qúa chậm đối với những kẻ chờ đợi và sợ hãi. Thời gian lại quá dài đối với những kẻ than phiền. Nhưng với những người đang yêu, thì thời gian không còn nữa”. 

Phải chăng tình yêu không là liều thuốc để chữa trị căn bệnh bất mãn trong lòng người? Có chấp nhận chính mình, có yêu thương chính mình, chúng ta sẽ không còn phải than thân trách phận nữa. Có yêu thương tha nhân, chúng ta sẽ thấy được tha nhân là nguồn hạnh phúc của mình. Có yêu đời, chúng ta mới đời dễ thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 4 – Năm A – Thường Niên

Bài đọc: Sop 2:3; 3:12-13; 1 Cor 1:26-31; Mt 5:1-12a.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hạnh phúc là biết khiêm nhường tìm nương ẩn nơi Thiên Chúa.

Các bài đọc của Chủ Nhật tuần này tập trung trong một bài học căn bản và quan trọng nhất của cuộc đời: nhận ra mình chỉ là con số không trước mặt Thiên Chúa, để rồi hoàn toàn trông cậy vào Ngài. Đây là một bài học rất khó cho người xưa cũng như nay, vì con người luôn hãnh diện về những thành quả đã gặt hái được là do công sức của họ, mà quên đi rằng: nếu không có Thiên Chúa trợ giúp ban ơn, không bao giờ họ đạt được những thành quả đó. Người tự nhận thành công là kiêu ngạo và đánh cắp công ơn của Thiên Chúa. Người kiêu ngạo là người đánh lừa chính mình, tha nhân, và Thiên Chúa, vì dám nhận những điều mình không có hay không phải là của mình. Người khiêm nhường, ngược lại, nhận biết tất cả những gì mình có được là do công ơn của Thiên Chúa. Họ tin nếu không có Thiên Chúa giúp sức, họ không thể thành công dù chỉ một việc bé nhỏ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường.

1.1/ Anh em hãy tìm kiếm Người: Ngôn sứ Sophonia sống trong thời gian trước cuộc lưu đày Babylon. Ông đã chứng kiến biết bao cảnh vua quan cũng như dân chúng kiêu ngạo vì những thành công của họ, chối bỏ Thiên Chúa, và chạy theo các thần ngoại để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của họ. Ông cảnh cáo dân chúng: “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.” Từ ngữ nghèo hèn ông dùng ở đây là anawim, không có nghĩa là nghèo khổ về phần xác, nhưng là những người “nghèo” về tinh thần, như chúng ta đã nói ở trên. Người công chính sống không phải bởi niềm tin vào sức mạnh hay khả năng của mình, nhưng bởi đức tin vào Thiên Chúa (Hab 2:4). Người khiêm nhường nhận biết mối tương quan của mình với Thiên Chúa và tha nhân, và biết cách hành xử cho xứng thứ bậc.

1.2/ Con người phải trải qua gian khổ mới biết nhận ra quyền năng của Thiên Chúa: Dân chúng đã không chịu nghe lời khuyên bảo của các ngôn sứ, hậu quả là họ đã bị mất nước và bị lưu đày. Tuy nhiên, các ngôn sứ vẫn cung cấp niềm hy vọng cho dân, họ luôn nói về “số còn sót lại.” Đây không phải là những người sống sót sau chiến tranh và lưu đày; nhưng là những người anawim: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa.” Số còn sót lại sẽ biết sống theo sự thật, chứ không còn dám mon men theo đường nẻo gian ác nữa.

2/ Bài đọc II: Không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.

2.1/ Hãy xem xét tỉ mỉ cuộc đời của mình: Dân thành Corintô nổi tiếng về sự kiêu hãnh, vì họ giàu có và danh tiếng. Thánh Phaolô muốn nhắc các tín hữu Corintô tìm hiểu lý do tại sao Thiên Chúa chọn họ: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, đâu có mấy người quý phái.” Ngài cũng nhắc cho họ biết cách thức chọn lựa và làm cho thành công của Thiên Chúa rất khác với cách thức của thế gian: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.” Mục đích của thánh Phaolô là để cho các tín hữu nhận ra: “Tất cả là do bởi Thiên Chúa,” để rồi họ đừng tự hào về vinh quang cá nhân của mình.

2.2/ Đức Giêsu Kitô đã làm mọi sự cho con người: Điều con người cần phải tự hào là Đức Kitô, và con người phải cám ơn Thiên Chúa về món quà vô giá này, vì “chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, Đấng đã thánh hoá và cứu chuộc anh em.”

3/ Phúc Âm: Hãy học để nhận ra đường lối nên trọn lành của Thiên Chúa.

          Có rất nhiều tác giả viết về bài Phúc Âm này, nhưng không ai cho cái nhìn sáng suốt và sâu xa bằng hai thánh Augustin và Thomas Aquinas. Theo hai vị này, chỉ có 7 mối phúc, chứ không phải 8 mối; vì mối cuối cùng chỉ là giảng nghĩa của mối thứ tư mà thôi. Hơn nữa, theo truyền thống Do-thái, con số 7 được coi là con số hoàn hảo nhất. Hai vị thánh so sánh 7 mối phúc với 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần, và họ tìm ra 7 món quà đó đi ngược chiều với 7 mối phúc. Họ cũng đặt một nhân đức tương xứng với mỗi mối phúc này. Sau cùng, khi họ so sánh với 7 lời xin trong Kinh Lạy Cha, họ cũng tìm thấy những lời này tương xứng với 7 mối phúc. Nói tóm, họ nhận ra sự tương xứng tuyệt vời và toàn hảo giữa Kinh Lạy Cha, 7 mối phúc, và 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi sẽ rất vắn tắt ở đây, nhưng sẽ khai triển rộng hơn trong những lần chia sẻ tới.

(1) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ: Nghèo khó không có nghĩa là về của cải vật chất, nhưng là nghèo khó trong tâm hồn; nghĩa là biết “kính sợ Thiên Chúa” (anawim). Người nghèo khó là người nhận biết mình chỉ là con số zero trước mặt Thiên Chúa, họ có được chút gì là hoàn toàn do lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không do một chút gì công sức của họ. Mẹ Maria là mẫu gương sáng ngời cho mối phúc thứ nhất này. Mặc dù được ban tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường tuyên xưng: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã thương nhìn tới. Từ nay đến muôn đời, thiên hạ sẽ khen tôi có phúc.” Ngược lại với sự nghèo khó trong tâm hồn này là tội kiêu ngạo, tội lấy mọi công ơn Thiên Chúa là của mình. Người kiêu ngạo đúng thực là người đánh cắp công ơn của Thiên Chúa, của cha mẹ, và của tha nhân. Con người cần có nhân đức khiêm nhường, tức là khó nghèo trong tâm hồn để tin tưởng vào Thiên Chúa, thay vì tin tưởng nơi mình. Sách Khôn Ngoan cho đây là nhân đức quan trọng nhất trong tiến trình giáo dục con cái. Cha mẹ cần tập luyện cho con cái nhân đức đầu đời này. Hễ con cái biết kính sợ Thiên Chúa, chúng cũng sẽ biết thảo hiếu và vâng lời cha mẹ. Một khi Thiên Chúa mà con cái không kính sợ, cha mẹ chúng cũng chẳng coi ra gì. Một người kiêu ngạo khinh thường Thiên Chúa, chẳng có tội gì mà họ không dám phạm.

Lời xin thứ nhất của Kinh Lạy Cha: “Xin cho Danh Cha cả sáng” phù hợp với mối phúc thứ nhất và nhân đức khiêm nhường. Tất cả là của Thiên Chúa; vì thế, con người cần phải làm vinh danh Thiên Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa và làm cho mọi người nhận biết Danh Thánh là bổn phận đầu tiên của con người.

(2) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Hiền lành là nhân đức cần thiết trong sự giao tiếp giữa người với người. Người hiền lành không ức hiếp tha nhân và đối xử bất công với họ; nhưng luôn luôn biết tôn trọng và trả lại cho tha nhân những gì thuộc về họ. Người có nhân đức này phải là người biết kính sợ và yêu thương Thiên Chúa, và vì kính yêu Chúa, họ cũng yêu thương tha nhân. Phần thưởng họ sẽ nhận được là cơ nghiệp mà Thiên Chúa đã hứa ban trên nước Thiên Đàng.

Lời xin thứ hai cho “Nước Cha trị đến” tương xứng với nhân đức hiền lành và mối phúc thứ hai. Khi mọi người biết “mến Chúa yêu người,” nước Thiên Chúa quả thật đã đến ngay từ đời này, và chắc chắn đó cũng là Ngày Chung Thẩm mà Thiên Chúa và con người hằng ước mong.

(3) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Người có “kiến thức” càng nhiều càng dễ nhận ra tội lỗi họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Nhận ra tội lỗi là bắt đầu tiến trình hòa giải. Người không chịu học hỏi và tìm hiểu, sẽ không nhận ra tội lỗi của mình, và họ sẽ không cần xin lỗi để được hòa giải và tha thứ.

Lời xin thứ ba cho “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời” tương xứng với mối phúc thứ ba và quà tặng kiến thức của Chúa Thánh Thần. Người luôn biết ăn năn xám hối tội lỗi của mình dễ nhận ra thánh ý Thiên Chúa và tìm cách thực hiện, chứ không tìm cách thỏa mãn những ý muốn và dục vọng thấp hèn của mình.

(4) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Người công chính là người biết tin tưởng hoàn toàn nơi Đức Kitô; nhưng trung thành sống niềm tin này trọn cuộc đời không dễ dàng. Họ cần vâng giữ những gì Đức Kitô truyền dạy, và phải có nhân đức “can đảm” để làm chứng cho Ngài. Điều thường gọi là “Mối Phúc Thứ Tám” được bao gồm trong mối phúc thứ năm này, vì những người chịu truy tố và sẵn sàng tử đạo là những người phải có một niềm tin vững mạnh vào Đức Kitô.

Lời xin thứ tư cho “lương thực hàng ngày” tương xứng với nhân đức can đảm và mối phúc thứ tư. Khuynh hướng chung của con người là lo tích trữ của cải để hưởng thụ. Dám xin cho được chỉ có của ăn hằng ngày đòi một niềm tin mạnh mẽ và can đảm để vượt qua những ước muốn thấp hèn.

(5) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Người biết xót thương là người biết mở rộng tâm hồn để tiếp nhận và hiểu biết người anh em đồng loại, chứ không khép kín tâm hồn để kết tội tha nhân. Người biết thương xót tha nhân sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Lời xin thứ năm “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” rõ ràng quá phù hợp với mối phúc thứ năm và quà tặng “biết lắng nghe những lời khuyên bảo” của Chúa Thánh Thần. Người không biết tha thứ sẽ chẳng bao giờ nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

(6) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Một người càng giữ tâm hồn trong sạch bao nhiêu, người đó càng hiểu biết Thiên Chúa nhiều bấy nhiêu, và cuối cùng, Thiên Chúa sẽ ban cho họ phần thưởng là được nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là.

Lời xin thứ sáu “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” tương xứng với quà tặng “hiểu biết” và mối phúc thứ sáu. Để có thể vượt qua những chước cám dỗ, con người cần có sự hiểu biết tất cả những nguyên nhân đem tới và hậu quả sẽ phải lãnh nhận.

(7) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Hòa bình được xây dựng trên hai nền tảng là sự thật và bác ái, chứ không phải chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh. Hòa bình không dựa trên sự thật mà chỉ dựa trên lòng thương xót là hòa bình giả tạo, sẽ không bền vững lâu dài, chỉ chờ đợi đến ngày chiến tranh sẽ bùng nổ. “Khôn ngoan” là quà tặng của Chúa Thánh Thần giúp con người nhận ra những gì thuộc về Thiên Chúa để cố gắng gặt hái cho kỳ được; đồng thời nhận ra những gì là giả trá và tạm thời để tránh xa.

Lời xin thứ bảy “cứu khỏi mọi sự dữ” đòi một người phải có nhân đức khôn ngoan của Chúa Thánh Thần trước hết để nhận ra những sự thuộc về Thiên Chúa và những sự thuộc về thế gian.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta hãy cố gắng học cho kỳ được bài học căn bản và quan trọng này, để luôn biết cám ơn Thiên Chúa về mọi ơn lành Ngài đã đổ xuống trên chúng ta.

– Chúng ta đừng bao giờ kiêu ngạo nhận những gì không phải là của mình.

– Bảy Mối Phúc và Kinh Lạy Cha là con đường và những lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa ban cho con người. Chúng ta hãy để tâm suy xét những lời dạy của Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************