Chúa Nhật (29-09-2019) – Trang suy niệm

28/09/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Am 6, 1a. 4-7

“Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày.

Trích sách Tiên tri Amos. 

Chúa toàn năng phán: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Đavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Đáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).

Xướng:

1) Chúa là Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Đáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục; Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Đáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 6, 11-16

“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Đấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Đấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Đấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen! Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 16, 19-31

“Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

” ‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.

“Người đó lại nói: ‘Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu’ “. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/09/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – C

Lc 16,19-31

NIỀM TIN LÀ GIẢI PHÁP

“Mô-sê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16,31)

Suy niệm: Phân hóa giàu – nghèo vẫn luôn là vấn nạn lớn của xã hội, khó có thể giải quyết tận căn. Đã có bao vĩ nhân, nhà cách mạng với những quan điểm, triết thuyết mới mẻ mong thu hẹp khoảng cách ấy, nhưng rốt cuộc ‘miêu lại hoàn mèo.’ Trong dụ ngôn La-da-rô và người phú hộ, Đức Giê-su đã soi sáng cho vấn đề xã hội muôn thuở này. Với các tín hữu, niềm tin vào sự sống đời sau giúp ta quảng đại chia sẻ, vui vẻ cho đi, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa người với người. Chỉ vì không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, con người đã để cho lòng tham của cải thế gian chiếm mất lòng họ, “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình,” (c.19) đến độ không còn thấy ai khác ngoài bản thân. Niềm tin chính là đôi mắt thần giúp ta nhìn thấy tha nhân đang đau khổ, là chìa khóa hóa giải mọi khoảng cách giữa người với người.

Mời Bạn:  “Chơi đi kẻo để xuân tàn, cái già xồng xộc nó liền theo sau,” câu ca dao bình dân phản ảnh quan niệm của con người mọi thời, người ta dễ cho phép mình hưởng thụ tối đa bất chấp sự khốn cùng của người khác. Lương tâm Ki-tô hữu chúng ta nghĩ gì về tình trạng này?

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn thấy khuôn mặt Chúa Ki-tô nơi những người nghèo khổ, để luôn kính trọng, quí mến và sẵn sàng làm những gì có thể hầu giúp họ vượt khó.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, con được  no nê mà vẫn thiếu ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mà họng vẫn khô ran, vì bên con còn có người đang khát…” Xin Chúa giúp con khỏa lấp mọi nỗi khốn cùng nơi anh chị em con. Amen.  (theo Myrtle Householder).

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG CHÍN

Một Cuộc Bắt Đầu Mới Trong Đức Kitô

Chiều hôm trước ngày chịu tử nạn Thập Giá, Đức Kitô đã nói với các tông đồ: “Thánh Thần… sẽ làm chứng về Thầy; và cả anh em nữa cũng sẽ là những chứng nhân…” (Ga 15,26-27, RSV).

Những lời này cũng còn nhắm nói với từng người đến lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Bí tích này là một dấu chỉ của một cuộc bắt đầu mới trong Đức Kitô. Ý thức về sức mạnh của Chúa Thánh Thần và ý thức về di sản tông truyền phong phú vẫn còn tiếp tục trong Giáo Hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, các bạn trẻ không thể tách mình ra khỏi ân huệ này. Không, các bạn không đứng ngoài!

Nguyện xin Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn các bạn, như Ngài đã tác động trong tâm hồn các tông đồ xưa khi các ngài được sai đi loan báo Tin Mừng. Các bạn hãy ý thức về ân sủng của Thiên Chúa mà các bạn đã lãnh nhận! Hãy kiên vững trong đức tin của các bạn và hãy mạnh mẽ tuyên xưng đức tin ấy! Hãy sống theo những chân lý của đức tin ấy! Hãy nhớ rằng Thiên Chúa muốn được tôn thờ cách đích thực. Ngài muốn các bạn tôn thờ Ngài trong Thánh Thần và chân lý (Ga 4,23).

Quả thực, đây là một mầu nhiệm vĩ đại. Thiên Chúa là Thánh Thần!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29/ 9

Chúa Nhật XXVI thường niên

Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6, 11-16; Lc 16, 19-31.

LỜI SUY NIỆM: “Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”

          Cái vực thẳm lớn đã ngăn cách bên này và bên kia không còn có thể qua lại được, đó là thái độ dững dưng trước hoàn cảnh của người đồng loại đang chịu những bất hạnh. Chính sự dững dưng, đã tạo cho con người thiếu tình thương và sự quan tâm đến người khác và các tạo vật chung quanh mình; tạo cho mình sự ích kỷ, chỉ biết có mình.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành phần trong Giáo Hội hôm nay đừng dững dưng những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 29-09 CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GABRIEL, RAPHAEL

Giáo huấn của Giáo hội về thế giới thần thiêng rất giản dị và không thay đổi, là có một thế giới như vậy, trong đó gồm có cả thần lành và thần dữ và ảnh hưởng đến thế giới chúng ta. Trong kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng rằng việc tạo dựng được thể hiện gồm có “muôn vật hữu hình và vô hình”.

Còn về ảnh hửơng của thế giới vô hình, của các thần thiêng đối với chúng ta, chỉ cần nhớ lại biến cố cám dỗ Eva tại vườn địa đàng và biến cố truyền tin cho Đức Mẹ. Trong lịch sử như Thánh kinh trình bày, thế giới thần thiêng được tỏ lộ trong bối cảnh những thiên thể đến thế giới này để thi hành thánh ý Thiên Chúa hay để truyền đạt lời Chúa cho loài người. Thiên thần theo nguyên ngữ là sứ giả. Thánh Gregiriô thu nhặt nhiều đoạn khác nhau để xếp các thiên thần thành 9 phẩm.

Riêng phẩm tổng lãnh được 1Tx 4,16 nhắc đến. Nhưng Thánh kinh chỉ nêu tên 3 vị tổng lãnh là: Micae, Gabrie, và Raphae mà thôi. Nhắc đến tên các Ngài, chúng ta cũng cần phải ghi nhớ lời dặn dò của thánh Grêgôriô Cả: “tên các thiên thần là danh xưng chỉ các chức phận chứ không chỉ bản tính”. Mica để có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa”. Gabrie có nghĩa là “uy lực của Thiên Chúa”. Raphe có nghĩa là “thầy thuốc của Thiên Chúa”. Lần dở lại thánh kinh, chúng ta sẽ thấy rõ phận vụ mỗi đấng thực hiện và dĩ nhiên các phận vụ ấy liên quan đặc biệt đối với loài người chúng ta.

Người Do thái vẫn coi tổng lãnh thiên thần Micae là đấng bảo trợ đặc biệt. Trong Kitô giáo, Ngài cũng là đấng bảo trợ đặc biệt Giáo hội. Chúng ta coi Ngài là đấng thống soái đạo binh trên trời, dựa theo lời kể của thánh Gioan: “Một cuộc chiến dữ dội xảy ra trên trời, tổng lãnh thiên thần Micae cùng với các đồng bạn giao chiến cùng con rồng, con rồng và các đồng đảng chống lại mãnh liệt. Song chúng không sao thắng nổi và chúng mất địa vị trên trời. Con rồng lớn tức là con rắn xưa kia, thường gọi là ma quỉ hay là satan. Kẻ lừa dối thiên hạ, bị quăng xuống đất cùng với đồng đảng của nó” (Kh 12,7-9)

Tổng lãnh thiên thần Gabrie được sai đến với Đức trinh nữ Maria ở Nazareth để nói rõ cho Mẹ biết định mệnh của mẹ (Lc 1,23). Ngài cũng đến với Zacaria để nói cho biết việc sinh hạ của Gioan tẩy giả (Lc 1,11-19). Chính Ngài đã tiên báo cho Daniel biết việc Đấng thiên sai đến (Dn 9,21) . Nay Ngài được nhận làm đấng bảo trợ của nhân viên bưu điện và điện thoại.

Tổng lãnh thiên thần Raphae là một trong bảy vị tổng lãnh hầu cận trước nhan Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện phận vụ này trong câu chuyện Tobia sau khi Ngài giữ gìn trẻ Tobia trong một cuộc hành trình xa và khi được chữa lành cho Tobia cha được sáng mắt. Trong Tân ước, tổng lãnh thiên thần Raphael được đồng hoá với vị thiên thần đã khuấy nước trong hồ gần Gierusalem và lại xuống hồ trước tiên khi nước mới sủi lên, thì bất cứ mắc bệnh tật gì đều được khỏi cả (Ga 5,1-4).

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

29 Tháng Chín

Người Ăn Cắp Cừu 

Tại một miền quê bên Mỹ, vào thời kỳ lập quốc. Có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang đang ăn cắp cừu. Dân trong làng đã mở tòa án nhân dân để trừng phạt.

Sau khi nghị án, mọi người đã đồng thanh cho khắc trên trán của tội nhân hai chữ viết tắt S.T có nghĩa là “Người ăn cắp cừu”.

Một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự sỉ nhục đã trốn sang một vùng đất khác để chôn chặt dĩ vãng của mình. Nhưng anh không thể xóa nhòa được hai chữ viết tắt trên trán của mình. Bất cứ một người lạ mặt nào cũng đều tra hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ấy. Lại một lần nữa, không chịu nổi sự nhục nhã, anh đã rời bỏ nơi cư ngụ mới để tiếp tục lang thang và cuối cùng mòn mỏi trong cay đắng, anh đã bỏ mình nơi đất khách quê người.

Nếu người anh của mình đã bị sự nhục nhã gặm nhấm đến độ phải trốn suốt cả đời mình, thì người em lại tự nói với mình: “Tôi không thể bỏ trốn chỉ vì ăn cắp mấy con cừu. Tôi phải ở lại đây và tôi phải tạo lại sự tin cẩn nơi những người xung quanh và nơi chính tôi”.

Với quyết tâm đó, anh đã trở lại trong xứ của mình. Và không mấy chốc, anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như danh thơm của một người thanh liêm chính trực.

Nhưng cho dù năm tháng có qua đi, hai chữ S.T vẫn còn ghi đậm trên vầng trán của anh… Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa của hai chữ viết tắt ấy. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng hai chữ viết ấy có nghĩa là Thánh thiện”.

Một thi sĩ người Ấn Ðộ đã gửi tặng cho Ðài Phát Thanh Chân Lý những vần thơ sau đây:

“Hãy tin nơi bạn, vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa.

Hãy tin ở công việc của bạn vì một công việc chính trực là một lời cầu nguyện.

Hãy tin ở ngày hôm nay vì mỗi phút chứa đựng một dịp may để phụng sự Chúa. 

Hãy tin ở những người xung quanh của bạn vì bạn hữu là điều quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc.

Hãy tin ở hiện tại vì hôm qua đã qua đi và ngày mai sẽ không bao giờ đến.

Hãy tin ở lòng thương của Chúa vì Ngài tha thứ cho bạn. Và bạn hãy tha thứ cho chính mình”.

Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta và Ngài mời gọi chính chúng ta cũng đừng thất vọng về chính mình. Mỗi một may mắn là một dịp để chúng ta dâng lời cảm tạ và chúc tụng Chúa. Mỗi một thất bại va đau khổ là khởi đầu của một nguồn ơn dồi dào hơn. Mỗi một vấp phạm là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Bởi vì trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm C

Bài đọc: Amo 6:1a, 4-7; 1 Tim 6:11-16; Lk 16:19-31.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết quản lý của cải Thiên Chúa ban.

Bài học giáo dục về việc xử dụng tiền của đúng chỗ và đúng mức rất cần cho cuộc sống, vì đại đa số con người qua bao thời đại đều không biết bài học này. Hậu quả là không biết bao nhiêu người rơi vào cám dỗ của bẫy tiền mà quỉ thần đã khôn khéo giăng ra, để rồi phải chịu những hậu quả tai hại cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và Giáo Hội, cả đời này và đời sau.

Các bài đọc hôm nay rất cần thiết để các tín hữu chúng ta học hỏi và suy xét, để rồi rút ra những bài học cụ thể cho chính mình trong cách xử dụng tiền của và giáo dục những người chúng ta có trách nhiệm.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos cảnh cáo vua chúa và những nhà lãnh đạo trong cả hai vương quốc Israel và Judah, đã lạm dụng chức quyền để lãng phí tiền của vào những cuộc vui chơi trác táng, mà không chịu hoàn thành sứ vụ được trao là lo cho dân hiểu biết Thiên Chúa và mưu cầu cơm no áo ấm cho mọi người trong nước. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ của mình hãy tránh xa mọi cám dỗ bất chính do lòng ham mê tiền của gây ra, và biết dùng thời giờ để luyện tập nhân đức để giành cho được cuộc sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa cho các tín hữu trong ngày Đức Kitô quang lâm. Trong Phúc Âm, thánh Lucas đưa ra câu truyện của hai nhân vật: ông đại phú và anh dân nghèo Lazarô, để nhắc nhở mọi người hãy biết sống làm sao để đạt hạnh phúc đời đời, vì cuộc sống đời sau là phản ngược của cuộc sống đời này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Khốn cho những ai chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ!

1.1/ Người giầu làm những việc vô nghĩa.

Ngôn sứ Amos viết những lời khiển trách nặng nề này tại vương quốc Israel cho cả vua chúa và các nhà lãnh đạo tại hai vương quốc Judah và Israel, khi cả hai vương quốc này chưa bị thất thủ và lưu đày: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samaria.” Sion là thủ đô của vương quốc Judah và Samaria là thủ đô của vương quốc Israel. Những nhà lãnh đạo tại Sion nghĩ họ đã có Đền Thờ Jerusalem, nơi Thiên Chúa ngự trị; vì thế, sẽ không có quyền lực nào có thể phá nổi Nhà của Đức Chúa. Những nhà lãnh đạo của Samaria cũng nghĩ tương tự như thế, vì chính Thiên Chúa đã ra lệnh tách quốc gia ra làm đôi, và họ cũng có đền thờ của Đức Chúa tại Bethel bảo vệ. Họ nghĩ là quốc gia cứ an vui như vậy mãi để họ tiếp tục hưởng thụ của cải họ đang có. Hai điều mà ngôn sứ Amos liệt kê:

(1) Giầu có làm con người tốn của vào những việc vô ích: Giường là chỗ để nghỉ ngơi dưỡng sức, con người chỉ cần một khung giường và một tấm phản, hay một tấm nệm cho những ai sợ đau lưng; chứ con người không cần một giường làm bằng ngà voi, hay gỗ quí, hay cẩn xà cừ. Tất cả những thứ phụ thuộc đó chỉ là để phô trương sự giàu có của mình. Theo phong tục Do-thái, giết chiên non hay bê béo thường là để làm của lễ hy sinh hay tiếp đón khách quí; chứ không phải là điều làm thường xuyên hay mỗi ngày.
(2) Giầu có làm con người tốn thời gian cho việc hưởng thụ: Phú quí sinh lễ nghĩa hay ăn no rồi rửng mỡ. Thay vì phải dùng thời giờ cho những việc dạy dỗ và quản trị dân chúng, sau khi đã no say, họ lại quay qua đàn hát để giải trí. Họ sáng chế nhạc cụ để ca hát những bài ca đã nghe được trong cung điện các nơi, như để biểu lộ sự giàu sang hưởng thụ của triều đại mình.

1.2/ Họ chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ: Nhà Giuse mà ngôn sứ Amos dùng ở đây ám chỉ sự sắp sụp đổ của cả hai vương quốc. Theo ông, hai tội to lớn mà vua chúa và toàn dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa:

(1) Bỏ quên Thiên Chúa: Vua chúa và các nhà lãnh đạo đã chạy theo tiền của và bỏ quên Thiên Chúa. Họ không còn nghĩ đến những lời dạy bảo của Thiên Chúa; vì nếu nghĩ tới, họ sẽ không dám làm như vậy.

(2) Bất công xã hội: Giầu có thường liên quan đến bất công xã hội. Một số những bất công ngôn sứ Amos đã liệt kê trong những chương trước như: thâm lạm công quĩ, ăn của hối lộ, lấy của người nghèo, mua bán gian lận…

Hậu quả là cả hai vương quốc sẽ bị quân thù phương Bắc san phẳng và đem đi lưu đày. Vua chúa và những nhà lãnh đạo sẽ là những người dẫn đầu trong cuộc lưu đày và họ sẽ nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Những lời tiên báo của ngôn sư Amos đã trở thành hiện thực khi vương quốc miền bắc bị thất thủ năm 721 BC bởi Assyria, và vương quốc miền Nam bị thất thủ năm 587 BC. bởi tay vua Babylon.

2/ Bài đọc II: Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách.

2.1/ Cách sống của người môn đệ Chúa: Phaolô gọi Timothy, môn đệ của mình, với một danh xưng cao trọng là “người của Thiên Chúa.” Trong Cựu Ước, Moses và các ngôn sứ được gọi là người của Thiên Chúa. Mục đích của Phaolô là khuyên Timothy phải sống đúng với danh xưng này, người của Thiên Chúa phải sống khác với người của thế gian. Phaolô liệt kê những điều Timothy phải làm:

(1) Hãy tránh xa những cám dỗ mà giầu có mang lại: Dựa vào những gì Phaolô đã nói trước trình thuật hôm nay, “những điều đó” chỉ lòng lo lắng những sự đời này và bỏ quên Thiên Chúa để chạy theo những cám dỗ của tiền bạc mang lại.

(2) Hãy cố gắng luyện tập nhân đức: để trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. Khi không chịu ảnh hưởng của tiền của, các tín hữu sẽ có khôn ngoan và nhiều thời gian để học hỏi và luyện tập nhân đức theo những đòi hỏi của Thiên Chúa.

(3) Hãy giành cho được sự sống đời đời: Đây là lý do cao trọng và trên hết mà các tín hữu phải luôn nhớ mình được kêu gọi để đạt tới. Thánh Phaolô có lẽ nhắc lại lời tuyên xưng của Timothy khi chịu phép Rửa Tội là bỏ tà thần và mọi quyến rũ bất chính của nó, đồng thời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa và cuộc sống đời đời. Thánh Phaolô cũng cho Timothy một mẫu gương để Timothy noi theo là gương của Đức Kitô. Ngài đã can đảm tuyên nhận mình là “Vua dân Do-thái;” cho dẫu lời tuyên xưng này đem lại bản án tử hình cho Ngài.

(4) Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách.

2.2/ Đức Kitô sẽ xuất hiện và ban phần thưởng là cuộc sống đời đời. Thánh Phaolô cũng nhắc lại hai điều cốt cán của đức tin: (1) Đức Kitô sẽ trở lại để phán xét con người: Con người sẽ phải trả lời với Ngài và chịu trách nhiệm cho những gì họ đã làm trên trần gian. (2) Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà mọi người phải hướng về, chứ không phải là của cải thế gian hay bất kỳ điều gì khác.

3/ Phúc Âm: Hậu quả của hai lối sống trái ngược nhau

3.1/ Cuộc sống đời này

(1) Lối sống vô tâm của phú gia: Quần áo chỉ là vật dùng để che thân, trong khi người nghèo không có quần áo đủ để mặc, ông nhà giàu mặc “toàn lụa là gấm vóc.” Lương thực giúp cho con người có đủ dinh dưỡng để sinh sống, trong khi người nghèo không có một bữa ăn no, ông nhà giàu “yến tiệc linh đình hằng ngày.”

(2) Cuộc sống đau khổ nhưng tin tưởng nơi Thiên Chúa của Lazarô: Lazarô không những nghèo còn mang bệnh tật đau đớn trên mình. Ông nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

Chúng ta không thể suy tán những gì trình thuật không đề cập tới, chúng ta chỉ có thể chú trọng đến hai tội của ông nhà giàu: (1) Ông không quan tâm gì đến nhu cầu của tha nhân: Lazarô nằm trước cửa nhà ông, khi ra vào lui tới ông đều gặp; nhưng ông đã quá hững hờ, vô tâm, vô cảm trước sự thiếu thốn và nỗi đau của đồng loại. (2) Ông không nghĩ gì đến cuộc sống đời sau hay kể gì đến lời dạy của Thiên Chúa; nếu ông nghĩ, ông sẽ không làm như thế.

Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

3.2/ Cuộc sống đời sau: là ngược hẳn lại những gì của cuộc sống đời này.

(1) Của ông nhà giàu: Ông không một chút quan tâm gì đến sự nghèo đói và đau đớn vì ghẻ lở của Lazarô, chưa bao giờ ông bố thí cho Lazarô một mẩu bánh; thế mà giờ đây ông lại xin: “Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” Chúa Giêsu đã từng nói: Anh dùng đấu nào đong cho tha nhân Thiên Chúa cũng dùng đấu ấy đong lại cho anh.

(2) Của Lazarô: Tên tiếng Do-thái là Eleazar, có nghĩa: Thiên Chúa là nguồn hy vọng của con. Tổ phụ Abraham cắt nghĩa rõ ràng về hậu quả của hai lối sống cho ông nhà giàu và cho Lazarô: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”

3.3/ Làm sao trị bệnh vô tâm, hờ hững? Ông nhà giàu vẫn còn thương nhớ đến tình ruột thịt nên nài nỉ tổ phụ Abraham: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” Tổ phụ Abraham đáp: “Chúng đã có Moses và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.”

Đây là lời cảnh tỉnh cho những người vô tâm, hờ hững. Không phải khi thấy phép lạ xảy ra hay người chết hiện về là một người thay đổi lối sống. Họ phải chịu khó bỏ giờ học hỏi và nghiên cứu những lời dạy của Moses và các ngôn sứ, để hiểu rõ và sau đó mang ra áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Bệnh vô tâm hững hờ không trị liệu bằng các phép lạ; nhưng là bắt đầu bằng việc biết sự thật và sống theo sự thật.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Của cải Thiên Chúa ban là của chung cho mọi người được hưởng. Con người không được ích kỷ để chỉ biết tiêu xài cho mình, mà không biết quan tâm đến những người nghèo khổ chung quanh. Chúng ta hãy có tinh thần tương thân tương ái để giúp đỡ những anh chị em túng nghèo. Giúp đỡ họ được kể là giúp đỡ chính Thiên Chúa.

– Hãy luyện tập để có trái tim biết rung động và dạy cho con cái có lòng thương xót người nghèo. Nếu không, trái tim dần sẽ trở thành chai đá không còn biết cảm thương đồng loại nữa. Một trái tim như thế sẽ gây nhiều khổ đau cho chính mình và cho tha nhân.

– Thiên Chúa không luận phạt sự giầu có, Ngài cũng không biểu dương sự nghèo đói; điều Ngài muốn nhấn mạnh là phải biết quản lý khôn khéo sự giầu có Ngài ban cho để mưu cầu lợi ích cho bản thân ở đời này và nhất là cho cuộc sống đời đời mai sau.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************