Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B
BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 32-34. 39-40
“Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”.
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22
Đáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng:
1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Đáp.
2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu. – Đáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Đáp.
4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 14-17
“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! – Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20
“Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
30/05/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – B
Chúa Ba Ngôi
Mt 28,16-20
HIỆP THÔNG TRONG CHÚA BA NGÔI
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.” (Ga 14,6)
Suy niệm: “Lúc khởi nguyên, Ba Ngôi đã phán: “Ta hãy tạo dựng con người.” Khởi đầu Tin Mừng, Ba Ngôi dường như cũng phán: “Ta hãy cứu độ con người” (J. Ryle). Cám ơn Hội thánh đã nghĩ ra việc làm dấu Thánh giá trên thân xác, vừa tuyên xưng Ba Ngôi, đồng thời xác tín ơn cứu độ ta gắn kết với Ba Ngôi. Ta vẫn tin rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu,” thế nhưng, câu Ngài là Tình Yêu chỉ có ý nghĩa khi Ngài không đơn độc. Thế mà theo mặc khải của Đức Giê-su, Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị: Cha, Con, và Thánh Thần. Vì là Tình yêu, Ba Ngôi cùng hiệp thông trong việc sáng tạo cũng như trong việc cứu độ con người.
Mời Bạn: “Ma quỷ muốn Đức Ki-tô chứng tỏ mình là Thiên Chúa bằng cách biến đá thành bánh; nhưng Thánh Thần cho thấy Thần tính của mình qua việc biến đá thành xác thịt (Ed 36,26)” (T. Watson). Biến quả tim chai đá thành quả tim bằng thịt biết rung cảm, yêu thương, quên mình, là công việc Thánh Thần vẫn âm thầm làm mỗi ngày trong đời ta. Bạn đã làm gì để cộng tác tích cực với công việc gian khó này của Ngài?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm dấu Thánh Giá, tôi ghi nhớ công trình Ba Ngôi thực hiện trong đời mình, nỗ lực biến quả tim chai đá thành quả tim bằng thịt với ơn Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm tạ Chúa ban cho con ơn lớn nhất là được hiện hữu trên đời, được làm con Chúa, nhận biết Ngài, và nay đang đưa dẫn con đến hạnh phúc muôn đời trong hiệp thông với Ngài. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
“Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất,
bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa.
Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn,
bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.”
Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư.
Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa,
cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài.
Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.
Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa?
Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài?
Phải là Ðấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa,
Ðấng ấy là Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Nhờ Ðức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở,
nhờ Ngài mà chúng ta biết
có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị
là Cha, Con và Thánh Thần.
Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Tình Yêu,
Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.
“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).
“Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15).
Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong niềm hạnh phúc sung mãn,
Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình
và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.
“Ðến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con
và trong Chúa Thánh Thần”:
đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy
và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23).
“Cha sẽ ban cho các anh một Ðấng Phù Trợ khác
để Ngài ở với các anh luôn mãi” (Ga 14,16).
Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!
Chúa Cha, Ðấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.
Chúa Con, Ðấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.
Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
là sống hiệp thông và chia sẻ,
là ở lại trong Tình Yêu
vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi
trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi,
nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân
vẫn còn là ước mơ Ðức Giêsu chờ ta thực hiện.
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG NĂM
Công Cuộc Của Thiên Chúa Ba Ngôi
“Khi Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; vì thế Thầy đã nói: Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13 – 15).
Đức Kitô đã nói những lời đó vào buổi tối trước khi vào cuộc Khổ Nạn. Người đang nói về Chúa Cha, về chính Người, và về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng “lấy từ Chúa Con” – trong sự hoàn thành nhiệm cục cứu độ. Ngài lấy những gì thuộc về Chúa Con và những gì – nơi Chúa Con – thuộc về Chúa Cha: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”.
Từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần – đó là công cuộc sáng tạo. Từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần – đó là công cuộc cứu chuộc. Đó là công cuộc đổi mới thiêng liêng của tất cả những gì đã được tạo dựng. Bất luận cái gì được đổi mới trong Chúa Thánh Thần qua cuộc hy sinh của Chúa Con đều phải qui hồi về với Chúa Cha là Đáng Sáng Tạo. Và, như vậy, mọi sự đều tham dự vào sự sống. Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12, 27).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30/5
Chúa Nhật IX Thường Niên
Lễ Chúa Ba Ngôi
Đnl 4, 32-34. 39-40; Rm 8, 14-1; mt 28, 16-20.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi người trong chúng ta, phải tích cực “ra đi” loan báo Tin Mừng tình yêu thương, tha thứ và cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa cho hết mọi người. Mỗi người trong chúng ta cần phải đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúng ta ra đi, không phải đơn độc một mình với sự yếu kém thấp hèn của mình; nhưng luôn có sự hiện diện của Người, Người cùng đồng hành với chúng ta với tất cả quyền năng lớn lao trên trời cũng như ở dưới đất này của Người.
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi sáng thức dậy và trước khi lên giường đi ngủ, chúng con thường ghi dấu Thánh Giá với lời Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết cảm tạ ngợi khen Chúa đã ban ơn đức tin cho chúng con; đồng thời cũng nhắc cho chúng con nhớ, mình đang là chứng nhân của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
30 Tháng Năm
Một Chỗ Khủng Khiếp
Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là “Một chỗ khủng khiếp” như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: “Mai là ngày lễ Phục Sinh”.
Nghe thế, tôi tự hỏi: “Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?…”. Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: “Ðức Kitô đã sống lại thật”.
Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: “Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không quan trọng gì cho lắm”. Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
Ðược dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”.
Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật Lễ Ba Ngôi – Năm B
Bài đọc: Deut 4:32-34, 39-40; Rom 8:14-17; Mt 28:16-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất để lo liệu cho con người.
Vua David, tác giả Thánh Vịnh 8, sau khi đã suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa và sự bất xứng của con người, đã phải thốt lên: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” Không phải chỉ có một ngôi, mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng cộng tác để lo liệu cho con người. Điều này nhắc nhở cho con người biết họ có địa vị cao quí trước Thiên Chúa; và họ phải biết sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người. Trong Bài Đọc I, ông Moses nhắc lại hai đặc quyền mà dân tộc Israel được hưởng: Thiên Chúa đã chọn họ làn dân riêng và ban Thập Giới cho họ. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu đặc quyền được làm con Thiên Chúa qua niềm tin vào Đức Kitô, và họ sẽ được thừa hưởng gia tài của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: Các ông phải đi khắp nơi thu nhận môn đệ và dạy bảo họ tuân giữ những gì Ngài đã dạy dỗ các ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.
Chúng ta phải hiểu tình yêu Chúa dành cho dân tộc Do-thái, trước khi chúng ta có thể hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho hết mọi người.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái: Người Do-thái rất hãnh diện được Thiên Chúa chọn làm dân tộc riêng của Ngài từ muôn dân tộc trên thế giới. Họ cũng hãnh diện về Thập Giới, vì không một dân tộc nào được thần minh của họ thân hành hiện đến để ban Lề Luật cho. Trình thuật hôm nay nhắc nhở cách đại cương tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái:
(1) Thiên Chúa tỏ mình cho dân tộc Israel: Sau khi đã vượt qua Biển Đỏ, Moses dẫn dân chúng vào trong sa mạc để được thử luyện bởi Thiên Chúa. Trước khi vào Đất Hứa, Ngài muốn ban cho dân Thập Giới; nhưng để tỏ uy quyền của Ngài cho dân biết kính sợ, Ngài đã làm cho cả ngọn núi cháy bừng như lửa, và Ngài nói chuyện với Moses từ đám lửa. Chứng kiến cảnh tượng này, dân Do-thái thất kinh vì mắt và tai họ không chịu đựng nổi uy quyền của Thiên Chúa. Họ xin Moses để Thiên Chúa nói với mình ông thôi, rồi ông sẽ nói với họ những gì Thiên Chúa muốn. Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa hay thiên sứ mà còn sống, như ông Moses nhắc nhở cho dân chúng: “Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?”
(2) Thiên Chúa chọn họ là dân riêng của Ngài: Ông Moses hỏi dân: “Có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố đáng ghi nhớ, vì Thiên Chúa tỏ tình yêu và uy quyền của Ngài cho dân tộc Do-thái, để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của người Ai-cập.
1.2/ Bổn phận của người Do-thái: Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel là một giao ước, được ký kết giữa hai bên: Thiên Chúa sẽ yêu thương, bảo vệ, và ban ơn cho họ; đổi lại, họ cũng phải chu toàn hai bổn phận sau:
(1) Con người phải thờ phượng một mình Thiên Chúa: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.” Thờ bụt thần khác hay không thờ phượng Chúa trên hết mọi sự, là vi phạm giao ước với Thiên Chúa.
(2) Con người phải tuân giữ các giới răn của Người: Ông Moses long trọng truyền lệnh cho dân: “Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.” Không tuân giữ Lề Luật, dù nhỏ mọn đến đâu chăng nữa, cũng vi phạm giao ước này.
Từ một dân tộc Do-thái, tình yêu Thiên Chúa lan rộng đến mọi dân tộc khác, khi Đức Kitô xuất hiện. Từ nay, ơn được làm con Thiên Chúa và được sống muôn đời là của mọi người.
2/ Bài đọc II: Ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, người đó là con cái Thiên Chúa.
2.1/ Vai trò của Chúa Thánh Thần: Ngài soi sáng và hướng dẫn các tín hữu.
Chúa Cha là Người ban Thánh Thần: khi Chúa Cha ban Thánh Thần của Người cho ai, kẻ đó là con cái Thiên Chúa, như Phaolô xác quyết: “Quả vậy, phàm ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.”
Có nhiều thần khí khác nhau trong thế gian; nhưng chỉ có một Thánh Thần duy nhất. Thần khí mà con người sở hữu trước khi lãnh nhận Thánh Thần, là thần khí của nô lệ và sợ hãi; nhưng khi đã được lãnh nhận Thánh Thần, con người trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, và Thánh Thần thúc đẩy để con người có thể kêu lên hai tiếng “Abba! Cha ơi!” với Chúa Cha.
Thánh Phaolô xác quyết: “Chính Thánh Thần cùng chứng thực với thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.” Khi chúng ta tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa (Rm 3:28, Jn 1:12). Chúng ta có một nhân chứng khác nữa là Thánh Thần; vì không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần hướng dẫn (I Cor 12:3). Một lần nữa, chúng ta thấy niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
2.2/ Các Kitô hữu là những người thừa kế gia tài của Thiên Chúa:
(1) Quyền làm con: Như đã nói trên, con người trở thành con cái Thiên Chúa là nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không nhờ bất cứ lý do nào khác (Jn 1:13).
(2) Đồng thừa kế gia tài của Thiên Chúa với Đức Kitô: Thánh Phaolô lý luận: “Vậy đã là con, thì cũng là người thừa kế; mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô.” Đây là một hồng ân vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho con người: Tất cả những gì Thiên Chúa có, con người đều được hưởng; tất cả những gì Đức Kitô có, con người đều có; tất cả những gì Thánh Thần biết, con người đều có thể biết. Dĩ nhiên, để được hưởng hồng ân này, con người phải sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, và trung thành với nghĩa vụ làm con của mình.
(3) Chung phần đau khổ, chung phần vinh quang: Khi đồng thừa kế gia sản với Đức Kitô, con người không chỉ chung phần vinh quang, nhưng cũng chung phần với những đau khổ Ngài chịu. Đau khổ Ngài đang chịu bây giờ là nơi thân thể của Ngài là Giáo Hội; mà Giáo Hội là tất cả các tín hữu, những chi thể của một thân thể. Điều này mở ra nhiều lộ trình mới để chúng ta có thể chung phần đau khổ với Đức Kitô:
– Làm vơi đi đau khổ của anh chị em là làm vơi đi đau khổ cho Chúa;
– Giúp anh chị em yêu thương Chúa và đừng phạm tội là làm vơi đi đau khổ của Chúa;
– Chịu đựng gian khổ để đưa anh chị em về với Chúa là làm vơi đi đau khổ của Chúa …
3/ Phúc Âm: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
3.1/ Tiếng gọi truyền giáo: Các ông phải tiếp tục làm cho tất cả mọi người trở nên môn đệ của Chúa Ba Ngôi. Hai bổn phận quan trọng nhất các ông phải làm:
(1) Làm Phép Rửa cho họ: Điều kiện để chịu Phép Rửa là tin vào Đức Kitô. Để một người tin vào Đức Kitô, cần có những người rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bổn phận quan trọng hàng đầu của người môn đệ là rao giảng Tin Mừng trước khi con người có thể tin và chịu Phép Rửa để trở thành những người môn đệ mới của Chúa.
(2) Dạy bảo họ tuân giữ các giới răn: Để chứng tỏ niềm tin, các tín hữu cần giữ các giới răn. Vì thế, bổn phận thứ hai của người môn đệ là tiếp tục dạy bảo để các tín hữu giữ các giới răn của Chúa. Khi giữ các giới răn, người tín hữu tiếp tục ở lại trong tình thương của Thiên Chúa.
3.2/ Lời hứa bảo đảm cho các môn đệ: Lúc nào họ cũng có Ba Ngôi Thiên Chúa ở với họ.
(1) Chúa Giêsu đã được Chúa Cha trao toàn quyền trên trời cũng như dưới đất: Ngài có toàn quyền trên tất cả mọi biến cố xảy ra trên thế gian. Nếu chúng ta nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, chúng ta sẽ không sợ thua cuộc trước bất cứ một quyền lực nào của con người, thế gian, và quỉ thần. Điều này sẽ giúp chúng ta hăng hái trong việc rao giảng Tin Mừng.
(2) Chúa Giêsu ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Giêsu không vắng mặt trong cuộc đời các môn đệ sau khi Chúa về trời. Các môn đệ không những có Chúa Thánh Thần làm việc từ bên trong, để các ông hiểu thấu những gì Chúa Giêsu đã nói, và hướng dẫn để các ông am hiểu mọi sự thật. Các môn đệ còn có Chúa Giêsu trợ giúp và bảo vệ từ bên ngoài. Ngài thấy rõ mọi sự việc xảy ra cho các môn đệ, vì Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu những trợ giúp cần thiết cho các môn đệ. Điều gì, các môn đệ xin nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ không bao giờ từ chối (Jn 16:23-26). Nếu các môn đệ xác tín sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời, họ sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời, và kiên trung làm chứng cho Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Con người chúng ta có phẩm giá cao quí trước Thiên Chúa; vì thế, chúng ta phải luôn biết sống làm sao cho xứng với địa vị cao quí này.
– Nếu chúng ta cùng chung phần đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta cùng chung phần vinh quang với Ngài, và ngược lại.
– Tiếng gọi truyền giáo phải luôn thôi thúc chúng ta là những môn đệ của Chúa. Chúng ta đã làm gì để đáp lại lời mời gọi của Chúa?
– Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời. Ý thức này sẽ giúp chúng ta có sức mạnh chu toàn các bổn phận của người tín hữu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************