“Hội Thánh được bình an, nhiều người tin theo Chúa”;
“Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay cho thấy hai thái độ tương phản của dân chúng thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ trước Tin Mừng. Công Vụ Tông Đồ và thánh Gioan cho thấy thuận lợi của trò, bất lợi của Thầy; thành quả của trò, thất đoạt của Thầy; bằng chứng là dân tuôn đến trò, dân bỏ rời Thầy.
Hội Thánh sơ khai hoan hỷ vì Phêrô đi đến đâu phép lạ xảy ra đến đó. Kia, Ênêa bất toại được lành; kìa, Tabitha, người chết biết đi… và Hội Thánh Giuđêa, Galilêa, Samaria, Lyđa, Sarôna và Gioppê vui mừng, nhiều người tin theo. Đang khi với Chúa Giêsu, bối cảnh lại khá ê chề, “Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa”; họ nói, “Lời gì mà chói tai quá! Ai nghe cho nổi”.
Người ta chạy theo phép lạ nhưng họ quên, phép lạ phải dẫn đến lòng tin. So với các phép lạ Chúa Giêsu vị thầy đã làm thì những gì Phêrô người học trò thực hiện có đáng gì đâu; danh tiếng của Thầy lẫy lừng hơn tiếng đồn về Phêrô bội phần. Con người mọi thời luôn chạy theo vụ lợi, tức thời, đang khi điều quan trọng là tin nhận những gì mà các dấu lạ nhắm đến là tin nhận “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”, Đấng được Chúa Cha sai đến.
Lời Chúa vẫn luôn luôn gây sốc ở mọi thời; Tin Mừng luôn là điều khó hiểu, khó chịu và nhất là khó sống. Kitô hữu theo Chúa cả đời vẫn phải đặt mình trước Lời để chọn lựa mỗi ngày. Đó là một chọn lựa căn bản cần được làm mới lại thường xuyên từng ngày ngang qua các chọn lựa nhỏ. Kitô hữu mất đức tin vì không dám sống niềm tin cũng như không dám đáp lại những thách thức của Tin Mừng; bởi lẽ, Lời Chúa là gươm hai lưỡi, dò xét tâm hồn và thử thách tâm can. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều người mà với họ, “Bỏ Ngài, con biết theo ai?”, vì Lời Chúa tuy khó nghe, nhưng ban sự sống; dẫu chướng tai, nhưng là thần khí chiếu soi.
Cũng có một số người bỏ Chúa không vì Lời Chúa khó nghe nhưng vì người có đạo sống gai chướng. Những gì họ nghe người đạo gốc nói, những gì họ thấy người đạo dòng làm khiến họ dè bĩu, “Thật chướng tai gai mắt”.
Một anh đạo dòng biết người láng giềng của mình là một ông già cực đoan tự xưng là vô thần. Anh tìm cách tiếp xúc, kết bạn và giới thiệu Chúa cho người này. Ngày kia, anh tặng ông bạn mình một cuốn Thánh Kinh, lòng đầy hy vọng. Ông hàng xóm vui vẻ đón nhận và hứa đọc. Sau nhiều năm, một hôm tình cờ ghé thăm, anh thấy cuốn Thánh Kinh nằm trong sọt rác. Rất đỗi ngạc nhiên, anh hỏi, “Sao cuốn sách nằm đây? Ông có đọc nó không?”. Người láng giềng lạnh nhạt đáp, “Mỗi ngày tôi đọc cuộc sống anh, tôi đâu cần đọc thêm nó”.
Anh Chị em,
Tại sao người vô thần kia lại lạnh lùng đến thế. Về điều này, cha Flor McCarthy viết, “Tôi là cuốn Thánh Kinh đối với người hàng xóm; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi. Hôm nay, người ấy đọc tôi trong nhà tôi; ngày mai, người ấy đọc tôi trên đường. Người ấy có thể là họ hàng, một người bạn hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao; cũng có thể người ấy không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Thánh Kinh qua cuộc sống tôi”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày, Chúa hào phóng gieo Lời, con hào hiệp nghe Lời; xin cho con dám hào hùng sống Lời”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)