“Lạy Cha chúng con ở trên trời!”.
Trong cuốn “Foundations of Faith”, “Những Nền Tảng Của Đức Tin”, J.C. Ryle viết, “Có hai điều mà con người không có số học để tính toán, không có thước đo để đo lường. Một là, mức độ mất mát của Thiên Chúa, Đấng dám cho đi chính mình; hai là, mức độ ân tứ của Ngài, khi phải ban Con Một cho tội nhân… Tội lỗi phải thực sự vượt quá chính nó, khi Thiên Chúa buộc phải ban Con Một của Ngài để làm Bạn của tội nhân và bấy giờ, tội nhân được trở nên con cái của Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhận định của J.C. Ryle đúng là một trong những nền tảng của đức tin. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại nền tảng này qua Kinh Lạy Cha mà Ngài dùng để dạy chúng ta cầu nguyện. Kinh Lạy Cha là bản tóm tắt của toàn bộ Tin Mừng; nó được gọi là “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu”. Với kinh nguyện này, Chúa Giêsu dạy chúng ta bảy lời thỉnh cầu với Thiên Chúa; trong đó, mọi khao khát của con người và mọi biểu hiện của đức tin được tỏ lộ.
Kinh Lạy Cha không bắt đầu bằng một lời cầu xin; đúng hơn, bắt đầu với việc thừa nhận danh tính của chúng ta là ‘con cái của Cha’. Đây là nền tảng then chốt để “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” được thưa lên đúng cách. Nó cũng tiết lộ cách tiếp cận nền tảng mà chúng ta phải thực hiện trong mọi lời cầu nguyện và trong toàn bộ đời sống Kitô hữu của mình. Kinh nguyện này bắt đầu rằng, “Lạy Cha chúng con ở trên trời!”. Hãy xem những gì được chứa đựng trong lời mở đầu này!
Trong Thánh Lễ, linh mục mời gọi mọi người cầu nguyện với Kinh Lạy Cha thế này, “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”. Sự “dám nguyện” ‘táo bạo’ này đến từ sự hiểu biết nền tảng rằng, Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Mỗi Kitô hữu phải nhận thức Chúa Cha là Cha của mình; biết mình là con trai, con gái của Thiên Chúa và đến gần Ngài với sự tự tin của một đứa trẻ. Đứa trẻ có cha mẹ yêu thương, nó không sợ cha mẹ của nó. Đúng hơn, mọi đứa trẻ có niềm tin lớn nhất rằng, cha mẹ chúng yêu thương chúng, cho dù chúng thế nào đi nữa; ngay cả khi có tội, các trẻ biết, chúng vẫn được yêu thương. Đây phải là điểm khởi đầu nền tảng cho mọi lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu với sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bất kể điều gì xảy ra với chúng ta, bất kể chúng ta thế nào. Với sự hiểu biết này, chúng ta sẽ có tất cả sự tự tin cần thiết để kêu cầu Thiên Chúa.
Gọi Thiên Chúa là “Cha” hay cụ thể hơn, “Abba”, “Cha ơi” có nghĩa là chúng ta kêu cầu Thiên Chúa theo cách riêng tư nhất và thân mật nhất. “Abba”, “Cha ơi” là một thuật ngữ thể hiện sự quý mến dành cho Chúa Cha. Điều này cho thấy, Thiên Chúa không chỉ là Đấng Toàn Năng; nhưng còn hơn thế nữa, Ngài là Cha nhân từ của tôi; và tôi, con trai, con gái, ‘con cái của Cha’, con cái rất yêu dấu của Ngài. Gọi Thiên Chúa là “Cha” còn thể hiện một mối quan hệ hoàn toàn mới do Giao Ước Mới được thiết lập trong bửu huyết của Chúa Kitô; chính nhờ mối quan hệ mới mẻ này, chúng ta được trở nên thần dân trong Vương Quốc Ngài. Đây chính là quà tặng từ Thiên Chúa mà chúng ta không tự sức, hoặc tự quyền có được. Nói cách khác, không ai có quyền được gọi Thiên Chúa là Cha nếu không có Chúa Giêsu. Đó là một ân sủng và là một quà tặng nhờ công nghiệp cứu chuộc của Giêsu, Con Một Ngài.
Thánh Phaolô trong bài đọc Côrintô hôm nay cho thấy niềm xác tín đó, “Đã có sự thật của Đức Kitô trong tôi!”. Sự thật của Đức Kitô là Tin Mừng Cứu Độ của Ngài; sự thật đó còn là mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc con người trong Ngài. Công trình cứu chuộc đó được tán tụng qua lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính!”.
Anh Chị em,
Ân sủng làm ‘con cái của Cha’ bày tỏ sự hiệp nhất sâu xa của chúng ta với Chúa Giêsu; vì thế, chúng ta chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” trong chừng mực chúng ta nên một với Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, việc gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con” cũng cho thấy sự kết hợp mà chúng ta chia sẻ với nhau; trong Chúa Giêsu, chúng ta là anh chị em của nhau. Ở đây, chủ nghĩa cá nhân bị bỏ lại để đổi lấy sự hiệp nhất huynh đệ. Vì thế, mỗi ngày, đọc Kinh Lạy Cha, đặc biệt trong Thánh Lễ, chúng ta không chỉ kết nối sâu sắc với nhau, nhưng còn có thể cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, Cha của mình; và cùng lúc, hiệp nhất nên một với nhau trong Thánh Thể của Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin Thánh Thần Chúa uốn nắn con mỗi ngày, cho con trở nên loại hình con cái mà Cha trên trời đang muốn con trở thành. Để được vậy, xin cho con nên giống Chúa ngày một hơn, hầu con xứng đáng là ‘con cái của Cha’ trên trời”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)