Con người của cứu rỗi

26/12/2021

“Cha mẹ không biết Con phải lo việc của Cha Con sao?”.

Charles Swindoll nói, “Sự bận rộn huỷ hoại các mối quan hệ; nó thay thế nồng nàn bằng hời hợt; nuôi sống bản ngã, nhưng lại bỏ đói con người bên trong; lấp đầy một lịch làm việc, nhưng phá vỡ một gia đình! Cứ bận rộn như thế, mãi mãi không bao giờ bạn là một ‘con người của cứu rỗi!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ Thánh Gia Thất mời gọi chúng ta khởi đi từ những gì căn bản nhất trong gia đạo để chiêm ngắm một gia đình thánh; trong đó, những ‘con người của cứu rỗi’ hướng đến một ‘gia đình cứu rỗi’ rộng lớn hơn. Một ý tưởng tích cực trái ngược với cảnh báo của Charles Swindoll.

Bài đọc Huấn Ca cho biết nền tảng đạo đức của một gia đình; ở đó, “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Ngài củng cố trên đoàn con”; bài đọc gần như chỉ nói đến đạo làm con, “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng”. Sang bài đọc thứ hai, giáo huấn của thánh Phaolô càng cụ thể và chi tiết hơn; trong đó, những đức tính không thể thiếu để mỗi thành viên gia đình có thể sống các mối tương quan đẹp ý Thiên Chúa, “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái!”. Thánh Vịnh đáp ca xem đó là một gia đình kính sợ Chúa, “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người!”. Thế nhưng, tất cả dường như chỉ để chuẩn bị cho một gia đình cứu rỗi gồm những ‘con người của cứu rỗi’ mà Thiên Chúa kỳ vọng.

Để hiểu rõ ý nghĩa của hai cụm từ ‘gia đình cứu rỗi’ và ‘con người của cứu rỗi’, Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện lạc mất Con trong đền thờ. Sau ba ngày tìm kiếm, Maria và Giuse gặp lại Con; những lời của Con đã khiến hai đấng bối rối; thế nhưng, đây là những lời giúp chúng ta hiểu ra, ‘con người của cứu rỗi’ là gì, “Cha mẹ không biết Con phải lo việc của Cha Con sao?”. Luca viết tiếp, “Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nazareth, và vâng phục hai người”. Chính sự vâng phục ấu thời của trẻ Giêsu lại chuẩn bị cho sự vâng phục mang tính cứu rỗi mai ngày. Giáo Lý Hội Thánh số 532 viết, “Sự vâng lời của Chúa Giêsu đối với cha mẹ hợp pháp của Ngài đã hoàn thành trọn vẹn điều răn thứ tư; đó là hình ảnh của việc Ngài vâng phục Cha trên trời như con thảo. Sự vâng phục thường nhật của Ngài đối với thánh Giuse và Đức Maria công bố, đồng thời, báo trước sự vâng phục của Thứ Năm Tuần Thánh, “Không phải theo ý Con”. Sự vâng phục trong cuộc sống ẩn dật của Ngài đã khởi đầu công trình tái lập những gì Ađam đã phá đổ vì bất tuân phục”.

Học giả Công giáo, cha Raymond Brown, giải thích, “Sau khi nghe những lời ấy, Đức Maria không nói thêm một lời nào, nhưng ghi nhớ tất cả để suy đi nghĩ lại trong lòng. Đó là một gợi ý về những gì sẽ xảy ra sau này một khi Chúa Giêsu ‘ở trong nhà Cha’ của Ngài; và sứ mệnh của Ngài thì lớn hơn bất kỳ mối quan hệ huyết thống nào. Mẹ Maria hiểu ra điều này! Mẹ là hình ảnh mẫu mực cho chúng ta về ý nghĩa của việc lắng nghe Lời Chúa và sống nó như một môn đệ của Chúa Giêsu”.

Anh Chị em,

Ai trong chúng ta mà lại không muốn trở nên một ‘con người của cứu rỗi’, được lớn lên trong một ‘gia đình cứu rỗi?’. Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa đóng ấn và ban ơn; chúng ta không thiếu một ơn nào, hầu hoàn thành tất cả những gì mà Ngài có thể trông chờ. Trong mọi đấng bậc, Thiên Chúa đặt mỗi người chúng ta vào một vị trí không thể thay thế; đó có thể là một gia đình, một lớp học, hay một cộng đoàn; thậm chí, có thể là một trại cải tạo hay một nhà tù. Tất cả chúng ta có chung một sứ mệnh, được kêu gọi trở nên một ‘con người của cứu rỗi’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con luẩn quẩn với những bận tâm tầm thường; xin giúp con ý thức, con được gọi cho một sứ mệnh, một ‘con người của cứu rỗi’ mà Chúa muốn con trở thành!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)