Công cụ của ân sủng

14/01/2023

“Ông liền đứng dậy đi theo Người”.

Một thương gia rất hài lòng với chiếc phong vũ biểu tốt nhất vừa sưu tầm. Nhưng về đến nhà, ông vô cùng thất vọng khi thấy chiếc kim của nó có vẻ bị kẹt; nó chỉ vào khoảng ‘bão’. Lắc nó vài lần, chiếc kim vẫn kẹt ở đó! Ông bực bội ngồi xuống, viết một thư phàn nàn gửi cho cửa tiệm. Tối hôm sau, từ văn phòng trở về, ông không tìm thấy chiếc phong vũ biểu; cả ngôi nhà cũng không! Thì ra, chiếc kim của nó đã chỉ đúng; rằng, có một trận cuồng phong!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không nói đến một ‘phong vũ biểu’; nhưng cách tương tự, nói đến một ‘la bàn!’. Người tậu được nó, không phải là một thương gia hoài nghi, nhưng là một quan thuế cả tin, Matthêu! Matthêu luôn tin vào kim chỉ nam của la bàn vốn luôn chỉ về Giêsu, người gọi ông! Sự chóng vánh của Matthêu phản ánh sự ‘bật dậy’ dứt khoát của một người dám buông bỏ một ‘hoàn cảnh’ tội lỗi; để từ đó, hướng về Giêsu, tuân theo một cuộc sống mới, một cuộc sống công chính, thánh thiện và trở nên một ‘công cụ của ân sủng’ trong sự thông hiệp với Ngài!

Matthêu sẽ là tông đồ, người viết Tin Mừng vốn “là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi” như tác giả thư Do Thái hôm nay mô tả; hoặc như Thánh Vịnh đáp ca tung hô, “Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống!”. Như vậy, sự thánh thiện của một người không đơn thuần là rời bỏ một quá khứ xấu, nhưng còn là một tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Chúa; cũng không chỉ là dứt mình ra khỏi một cái gì đó, nhưng là được biến đổi để trở nên một ai đó, một ‘công cụ của ân sủng’ mà Chúa nhắm đến khi tạo dựng mỗi người để họ trở nên.

Cũng thế, khi gọi chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ đưa ra một tấm bản đồ; thay vào đó, một chiếc la bàn. Chúng ta không nhìn thấy toàn bộ bức tranh; đơn giản, chỉ biết phương hướng, và nó luôn chỉ về Giêsu. Mỗi ngày, Giêsu mời gọi chúng ta để mắt vào Ngài, kim chỉ nam; từ đó, chúng ta đi theo, chìm sâu hơn vào Ngài và tham phần vào tình yêu Ngài. Matthêu thực sự không biết đời mình sẽ ra sao, nhưng biết chắc, nó phải thay đổi; và nó phải bắt đầu từ đâu. Matthêu tin rằng, Chúa Giêsu là người đáng để tin, tin đến nỗi ông sẽ phó mình cho Ngài, mặc cho tương lai đùn đẩy. Matthêu đâu biết rằng, rồi đây, ông sẽ là một ‘công cụ của ân sủng’, công cụ của Lời!

Niềm vui của Matthêu phớn phỡ với bạn bè qua bữa tiệc mừng ngày ‘vĩnh khấn’. Ở đây, lời Khải Huyền thật thâm trầm, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy”. Matthêu có thể nói ‘không’, ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’; và nếu đã có một sự từ chối, hẳn đã không có một tiệc tối nào và do đó, bạn bè của ông đã bỏ lỡ cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, một cuộc gặp biết đâu đã thay đổi vĩnh viễn một số cuộc đời của họ. Bằng việc thưa “vâng” của Matthêu, Chúa Giêsu đã có thể chạm vào cuộc sống của ông và của những người khác. Và như vậy, bất cứ ai thưa “vâng” với Chúa, Chúa sẽ làm một điều gì đó không chỉ cho người ấy, mà qua họ, người khác cũng được tham phần vào tình yêu và ân sủng Ngài.

Anh Chị em,

“Ông liền đứng dậy đi theo Người”. Lời mời gọi bước theo Giêsu, trước hết, là một lời gọi hoán cải tâm hồn; tiếp đến, là tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Matthêu đã trải nghiệm tiến trình đó trong suốt đời mình; đã trở nên một phong vũ biểu, một la bàn chính xác cho hậu thế với chiếc kim luôn chỉ về Giêsu. Không chỉ báo cho người khác có một trận cuồng phong, Matthêu còn chỉ ra một Đấng có uy quyền trên cả cuồng phong, cuồng phong trong thiên nhiên, cuồng phong trong linh hồn. Như Matthêu, bạn và tôi được mời gọi trở nên một phong vũ biểu, một la bàn, ‘công cụ của ân sủng’ cho tha nhân, với một điều kiện, luôn chỉ đúng hướng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, Chúa gọi con trở nên một ‘công cụ của ân sủng’; xin cho con đừng bao giờ trở nên một công cụ tồi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)