Cuốn theo chiều gió

30/04/2020

“Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lắng nghe bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, chúng ta cảm nhận một cái gì đó bay bay; bay từ Giêrusalem xuống Gaza; bay lên Azotus; bay ngược lên tận Caesarea. Ồ, không phải một cái gì bay bay nhưng là một con người, Philipphê, khi thiên sứ bảo ông, “Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam”. Đó cũng là ngọn gió Thánh Thần đã đùn đẩy vị tông đồ lên đường; và nhờ ông, quan thái giám của nữ hoàng Êtiopia đón nhận Tin Mừng.

Không thể truyền giáo từ trên ghế bành; ‘chỗi dậy và ra đi’ nghĩa là luôn luôn di chuyển, tiến về phía trước. Muốn ra đi, phải đi ra; không chỉ ra khỏi nhà nhưng còn ra khỏi mình, ra khỏi não trạng đóng khung, khỏi lối nghĩ hẹp hòi, ra khỏi một con tim xơ cứng; đó là đi ra chỗ nước sâu, ra với những anh chị em đang sống bên lề của mọi lề.

Ngày kia, tại Krakow, một bạn trẻ hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô, “Liệu con phải nói gì với người bạn thân khi anh ta là người vô thần?”. Ngài trả lời, “Này con, chẳng lẽ việc cuối cùng mà con phải làm là chỉ nói một điều gì đó thôi sao. Thay vào đó, con hãy bắt đầu làm. Người bạn vô thần của con nhìn thấy điều con làm rồi sẽ hỏi con về điều này. Và khi người ấy hỏi, con hãy nói. Như thế, rao giảng Tin Mừng là làm chứng. Con sống điều con làm, vì con tin vào Chúa Giêsu Kitô; con khơi lên trong lòng bạn con sự tò mò và bạn con sẽ thắc mắc, ‘Tại sao con lại làm những điều đó’. Câu trả lời của con là, ‘Bởi vì tôi tin Chúa Giêsu Kitô và tôi rao truyền Ngài không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả đời sống của tôi’”.

Cha Bob McCahill, người Mỹ, ở tuổi 82, sau 45 được sai đi truyền giáo tại Bangladesh, vẫn tiếp tục đạp xe đạp đi tìm và giúp đỡ những người nghèo ở các vùng quê. Ngài được như vậy là nhờ cầu nguyện và sống điều độ. Ngài là chứng tá của tình huynh đệ Kitô giáo đối với người Hồi giáo và Ấn giáo. Cha Bob đến đây năm 1975, đã cư trú ở 12 thị trấn khác nhau. Thông thường, ngài chỉ ở lại ba năm tại mỗi nơi; ngài nói, “Năm đầu tiên là năm tìm hiểu, năm thứ hai là năm tin tưởng; năm thứ ba là năm yêu thương”. Mỗi ngày sau khi dâng thánh lễ và cầu nguyện thật sốt sắng, lót lòng thật chắc dù rất đạm bạc, ngài đạp xe đi tìm kiếm và thăm viếng người nghèo. Ngài nói, “Tôi là một nhà truyền giáo. Hành động của tình yêu tự nó là truyền giáo, đặc biệt nơi những người luôn luôn nghi ngờ một nhà truyền giáo đến là để cải đạo họ và sử dụng y tế, giáo dục và phát triển xã hội cho mục đích đó. Chúng ta phải chứng tỏ tất cả những điều ấy là hoàn toàn vị tha”. Thỉnh thoảng, một số người Công giáo hỏi, “Cha sống và phục vụ giữa những người Hồi giáo như thế mang lại kết quả gì?”; ngài trả lời, “Tôi không mong đợi những kết quả tuyệt vời rồi mới tiếp tục hoạt động tông đồ. Mọi hoạt động đều phụ thuộc vào Chúa và tôi cảm thấy những gì đang làm là ý Chúa dành cho tôi. Hạnh phúc và bình an tôi trải nghiệm là do Chúa ban và là dấu chỉ cho tôi biết, tôi nên tiếp tục con đường này bao lâu vẫn còn sức chịu đựng về thể chất, tinh thần và tâm linh”.

Anh Chị em,

Chúa Thánh Thần đang linh động thổi trên mỗi người theo cách thức sáng tạo của Ngài, không ai giống ai. Ngài thổi trên cha Bob để cha rong ruổi trên các nẻo đường làng quê Bangladesh; Ngài cũng đang phà hơi trên chúng ta tuỳ theo cách thức và ơn gọi của từng người. Liệu chúng ta có đủ thanh thoát nhẹ nhàng hầu có thể cuốn theo chiều gió của Thánh Linh? Điều đó tuỳ thuộc vào sự cầu nguyện và ơn Chúa ban. Hôm nay Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, “Không ai đến được với Tôi, nếu Cha, Đấng sai Tôi, không lôi kéo người ấy”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, đừng ngưng thổi con; vì Chúa nín hơi, con rơi cái chẹp”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)