“Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại!”.
Cuối thế kỷ 18, Adoniram Judson đi truyền giáo ở Miến Điện; suốt 40 năm, Judson vùi mình ở đó, dịch Thánh Kinh ra tiếng Miến. Trong nhật ký của Judson, người ta đọc được những lời này, “Suốt 18 năm, tôi không có một ngày nghỉ; 6 năm đầu, không một người trở lại. Bù vào đó là giam cầm, tra tấn! Chưa bao giờ nhìn thấy một con tàu nào ra khơi mà tôi không muốn nhảy lên để về nhà! Nhưng lạy Chúa, cuộc sống thật ngắn ngủi. Hàng triệu người Miến đang diệt vong. Con gần như là người duy nhất trên trái đất biết tiếng của họ, để rao truyền một Tin Mừng ‘cứu rỗi các linh hồn!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay xem ra cũng trăn trở ‘cái trăn trở’ của Judson. Các giá trị Tin Mừng Chúa Giêsu đề cập xem ra cũng đang dấy lên ‘một trăn trở’; đúng hơn, một cuộc ‘cách mạng’, hay ít nữa, một ‘cuộc nội chiến’ vốn sẽ diễn ra trên chiến trường trái tim mỗi người! Với Ngài, dường như có một điều gì đó trong cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều, so với nỗi sỉ nhục bị ai đó đánh vào má hay đánh cắp tài sản của mình. Điều quan trọng hơn đó là gì? Phải chăng, là sự ‘cứu rỗi các linh hồn!’.
Giáo huấn của Chúa Giêsu hẳn đã gây sốc cho các môn đệ đầu tiên và cho cả chúng ta hôm nay. Chưa bao giờ, trong thực tế, lý tưởng tình yêu lại được đặt cao, đòi hỏi một nhân đức anh hùng như vậy! Bởi lẽ, nó khơi dậy một cuộc chiến giữa ‘con người cũ’ và ‘con người mới’ bên trong mỗi người, một ‘con người cũ’ luôn chống lại và không dễ chấp nhận những gì nghịch với lẽ thường. Thế nhưng, ai chấp nhận giáo huấn của Chúa Giêsu, trái tim người ấy sẽ vươn tới một trương độ mới; vói thấu một tầm cao mới, một tầm cao mang dáng dấp ‘Giêsu’. Vậy, câu hỏi đặt ra là, làm sao tôi có thể hoàn toàn chấp nhận những lời dạy mang tính cứu rỗi này, ‘cứu rỗi các linh hồn?’.
Nếu Kitô hữu cứ nằng nặc đòi công lý trần thế và sự trừng phạt của nó, chúng ta sẽ không tập trung vào điều quan trọng nhất, đó là cứu rỗi những người đã làm điều sai trái với mình. Thật dễ dàng để yêu những người tốt với mình; thế nhưng, tình yêu Chúa Kitô lại đòi hỏi chúng ta mở rộng đến mọi người; và đôi khi, yêu thương mà chúng ta trao tặng chính là chấp nhận vô điều kiện những bất công mà người khác gây ra cho mình. Quả là mạnh mẽ trong hành động yêu thương này! Và nếu ước muốn sâu xa nhất của chúng ta là ‘cứu rỗi các linh hồn’, cứu đời đời, chúng ta chỉ có thể yêu theo cách này, cách ‘Giêsu yêu!’. Còn nếu tất cả những gì chúng ta muốn là công lý người đời và sự thoả đáng cho những sai trái, thật dễ, chúng ta sẽ đạt được nó; nhưng điều này có thể trả giá đắt, chính sự cứu rỗi của họ. Chúng ta có thể chiến thắng, nhưng họ thì mất linh hồn!
Trong thư Côlôssê hôm nay, thánh Phaolô kêu gọi, “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”, nghĩa là Kitô hữu phải nên giống Ngài; “Trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”. Những lời Phaolô nói đây, thật phù hợp với tâm tình ngợi khen của Thánh Vịnh đáp ca, “Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!”.
Anh Chị em,
Nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta có tất cả. Thánh giá và cái chết của Con Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ đời đời, không chỉ ‘cứu rỗi các linh hồn’ những ai tin nhận Ngài, nhưng còn cứu rỗi cả những người đã đóng đinh Ngài; và ơn cứu độ ấy còn được ban tặng cho toàn thể nhân loại, trong đó có chúng ta. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa thật thâm trầm! Cũng thế, về phía chúng ta. Thiên Chúa biết rằng, một hành động thương xót và tha thứ sâu sắc chúng ta dành cho người khác, đặc biệt với những ai đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho chúng ta, là một trong những món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng trao. Và đó là một trong những hành động mang tính biến đổi lớn nhất mà chúng ta có thể làm trước hết cho chính linh hồn mình; tiếp đến, khi tha thứ cho người khác, hoàn toàn buông bỏ sự bất công, thì hành động yêu thương của chúng ta có một sức mạnh vĩ đại để thay đổi họ. Và nếu hành động yêu thương đó quả đã thay đổi được họ, thì đây sẽ là nguyên nhân đem lại cho chúng ta một niềm vui vĩnh viễn, niềm vui thiên đàng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhờ ân sủng Chúa, xin biến đổi con; nhờ đó, con cũng trở nên công cụ ‘cứu rỗi các linh hồn’, cách riêng cứu rỗi những ai đã xúc phạm con, Giáo Hội của con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)