“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”.
Trong “Zion’s Fire”, tạm dịch “Lửa Zion”, Lita Kurtzer, viết, “Tôi không nản chí, buồn bã, hay khóc lóc; tôi từ chối thất vọng, và đây là lý do tại sao. Tôi có một Thiên Chúa quyền năng hằng yêu thương tôi. Ngài toàn trí, toàn tri và toàn trị! Mọi thứ có thể thay đổi, nhưng Ngài thì không. Ngài biết mọi chuyện, từ đầu đến cuối. Ngài là niềm an ủi của tôi; người bạn thân yêu nhất của tôi. Bệnh tật làm tôi yếu đi, cúi thấp đầu xuống; tôi kêu cầu Ngài, ngã vào tay Ngài, và bước đi. Khi hoàn cảnh đe doạ cướp lấy bình an, Ngài kéo tôi sát ngực Ngài. Khi mọi nỗ lực của tôi không còn, trái tim tôi tan chảy và yếu đuối chiếm ưu thế, thì Ngài ôm tôi, xoa dịu trái tim và tâm hồn tôi. Giữa tôi và nghịch cảnh, Ngài ‘đang ở giữa’, giúp tôi giành chiến thắng trong cuộc đua!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Ngài ‘đang ở giữa’, giúp tôi giành chiến thắng trong cuộc đua!”, ý tưởng của Lita Kurtzer được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay. Những người biệt phái đặt câu hỏi với Chúa Giêsu, khi nào Triều Đại Thiên Chúa đến? Ngài đáp, “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”. Nói rằng, “Triều Đại Thiên Chúa ‘đang ở giữa’ các ông”, khác nào nói, “Triều Đại ấy chính là Tôi!”.
Trong tâm trí người đương thời, Triều Đại Thiên Chúa là thời điểm bất ngờ khi một vị Vua Thiên Sai toàn thắng xuất hiện, Ngài tiêu diệt sự dữ và kẻ ác. Chúa Giêsu cho biết, không hẳn thế! Triều Đại đó không được tìm thấy qua các dấu chỉ để ai đó có thể nói rằng, nó “ở đây” hay “ở kia”; nhưng nó ‘đang ở giữa’ họ, nghĩa là đã ở ngay trước mắt họ, “một Ai đó” đang sừng sững giữa họ. Chính con người Ngài, hiện thân của Thiên Chúa; Đấng Messia Thiên Chúa sai đến tỏ bày trong sự dạy dỗ có thẩm quyền, trong uy phép chữa lành bệnh tật, trong việc giải thoát con người khỏi quyền lực ác thần, và trong lòng thương xót đối với tội nhân và những kẻ bị ruồng bỏ. Tất cả đó là bằng chứng sự trị vì của một Triều Đại Thiên Chúa ‘đang ở giữa’ họ.
Phần chúng ta, thay vì tập trung vào một ngày nào đó trong niên lịch về “Ngày” của Chúa, chúng ta tập trung vào thực tế cuộc sống, nơi Triều Đại Thiên Chúa có thể dễ dàng được nhận ra trong cuộc sống của bạn và tôi cũng như cuộc sống người khác. Khi mà lòng bác ái được thể hiện với một tầm nhìn mới, tầm nhìn vĩnh cửu vốn phản ánh các giá trị Phúc Âm, thì Triều Đại Thiên Chúa đã ở đó. Qua mọi thời, đã có những con người sống như thế được tìm thấy khắp nơi, bất kể họ là ai, theo tôn giáo nào, bất cứ nơi đâu, mà không cần phải giới hạn trong Giáo Hội.
Ngày nay, chúng ta thường dễ choáng ngợp bởi những điều xấu xa của thế giới, choáng ngợp đến nỗi bỏ lỡ sự hiện diện của Triều Đại Thiên Chúa. Vậy mà, Chúa Giêsu đang sống trong vô số cách, nơi vô số người. Vì thế, hãy luôn cố gắng để nhìn thấy và nhận ra sự hiện diện của Ngài, hãy để cho mình được truyền cảm hứng từ sự hiện diện đó và yêu thích nó. Triều Đại Ngài hiện diện ở đâu bác ái hiện diện! Thư Philêmon hôm nay cho thấy điều đó. Nhân danh bác ái, Phaolô xin Philêmon đón nhận Onêsimô, đứa con Phaolô đã sinh ra trong xiềng xích, “Xin anh đón nhận nó, không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”. Theo cách này, Triều Đại Thiên Chúa đang hiện diện trong nhà tù, nơi Phaolô bị giam giữ; nó cũng đang hiện diện nơi Philêmon, nơi mà lòng bác ái đang giục giã ông làm theo lời Phaolô.
Anh Chị em,
“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”. Khi nói những lời đó, Chúa Giêsu như đang nói, “Triều Đại ấy chính là Tôi!”. Đúng thế, ngay giờ phút này, Chúa Giêsu ‘đang ở giữa’ chúng ta; đang “kéo chúng ta sát ngực Ngài” trong Thánh Thể, đang “an ủi” chúng ta qua Lời Ngài; Ngài đang “ôm lấy” chúng ta qua những người thân yêu; Ngài đang “xoa dịu trái tim và linh hồn” chúng ta trong từng nghịch cảnh. Và Ngài đang cùng chúng ta rảo khắp các nẻo đường để tiếp tục chữa lành, tiếp tục băng bó, tiếp tục đem các tâm hồn lầm lạc trở về. Ước gì bạn và tôi cũng nói được một cách mạnh mẽ như Chúa Giêsu, “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”; ‘Triều Đại Thiên Chúa là chính tôi!’, ‘Một Giêsu khác đây!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì những người chung quanh con có thể nhận ra Chúa khi họ gặp con, nhìn thấy con. Chớ gì họ có thể nhận ra rằng, qua con, chính Chúa ‘đang ở giữa’ họ!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)