“Này là mẹ con”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập và cử hành lần đầu tiên trong toàn thể Hội Thánh vào thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống năm 2018. Ngài nói, Giáo Hội là phụ nữ và là người mẹ, mà đức tính đầu tiên của một người mẹ là dịu dàng.
Bài đọc Sáng Thế được chọn hôm nay tường thuật câu chuyện sa ngã của nguyên tổ vốn xem ra không dịu dàng mấy khi người này quắt quéo đổ lỗi cho người kia. Adam đổ cho Evà; Evà đổ cho con rắn… Thế nhưng, với Thiên Chúa thì khác, như một bà mẹ nhân từ, Người nghiêm khắc với con rắn nhưng lại khoan nhân với con người. Qua lời răn đe, Người đã kín đáo ban một lời hứa và đó cũng là tiền Tin Mừng, “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân người”.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã trối người mẹ của mình cho thánh Gioan, người môn đệ yêu dấu, “Này là mẹ con”. Qua Gioan, đại diện các tông đồ, Chúa Giêsu trao mẹ của mình cho Giáo Hội và đến lượt mình, Giáo Hội đó vốn được gọi là hiền thê của Chúa Giêsu cũng tiếp tục sứ mệnh làm mẹ, tiếp tục trao ban sự sống. Một Giáo Hội là mẹ đầy nữ tính mới có thể có những thái độ cư xử dịu dàng hiệu quả và như thế, sẽ hành xử theo cung cách của một phụ nữ và một người mẹ, đó là sự dịu dàng.
Giáo Hội là một người mẹ đi dọc theo con đường của sự dịu dàng, Giáo Hội ấy biết nói loại ngôn ngữ đầy khôn ngoan của sự trìu mến, vuốt ve; của sự lắng nghe, của ánh mắt biết xót thương và biết cả sự cần thiết của im lặng. Đó cũng phải là cốt cách của chúng ta, người tín hữu thuộc mọi đấng bậc trong Giáo Hội. Người Kitô hữu sống theo tinh thần này biết rằng, như một người mẹ, chúng ta phải đi cùng một con đường này. Đó là trở thành một người dịu dàng, thân ái và tràn đầy yêu thương hầu có thể tặng trao sự sống Giêsu trong các tâm hồn.
Trong đệ nhị thế chiến, một văn sĩ Hungary gốc Do Thái bị Ðức Quốc Xã bắt làm tù binh. Qua những tác phẩm chống người Ðức, văn sĩ này khó lòng che giấu được tung tích của mình. May thay, một người Pháp cũng là tù binh quý mến anh, người này đề nghị là hai người nên dùng chung một tên và một lý lịch, bởi họ sẽ bị thuyên chuyển đến các trại khác nhau. Quả vậy, quân Ðức không nhận ra hồ sơ hai người. Cùng lúc, người lính Pháp trao luôn cho văn sĩ chiếc thẻ bài của mình với một số thư của mẹ anh. Anh dặn dò, “Nếu có ai điều tra lý lịch của anh, hãy cho họ xem những lá thư này”. Được sống sót, về sau, văn sĩ có dịp đọc lại những lá thư này. Nhìn những lá thư nhàu nát, dòng chữ yếu ớt, ông đoán được rằng, người mẹ này hẳn là một bà mẹ quê già yếu, nhưng thương con với tất cả sự thắm thiết dịu dàng của tình mẫu tử. Chung quy những lá thư ấy đều dặn dò giống nhau, “Con hãy giữ gìn sức khỏe, nhớ đi ngủ sớm, cố gắng đắp chăn cho thật ấm… xin Chúa chúc lành cho con và chóng đưa con về nhà bình an”. Mang lấy tên tuổi và lý lịch của người lính Pháp, văn sĩ gốc Do Thái đọc lại những lời yêu thương ấy như lời của người mẹ ruột mình. Cũng chính những dòng chữ nguệch ngoạc dạt dào tình mẹ dịu hiền ấy đã trở thành một bảo chứng cứu thoát ông.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu cũng đã cho chúng ta mang lấy tên tuổi và lý lịch của Ngài, “Này là mẹ con”; nhờ đó, chúng ta không chỉ được cứu mà còn được thuộc về gia đình con cái Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ nhân ái, xin đừng để con chanh chua cứng cỏi; xin cho con được thuỳ mị dịu dàng nhất là với những ai cứng cỏi chanh chua”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)