Đầy ắp ở đó rồi

20/06/2020

“Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thi thoảng, chúng ta nghe nói, “Em ấy đẹp như Đức Mẹ; chị ấy mới nhìn qua, tựa Đức Mẹ” và chúng ta tạm đồng ý là Đức Mẹ đẹp. Nhưng Đức Mẹ đẹp thế nào, điều gì làm cho Đức Mẹ đẹp? Đó là câu hỏi chúng ta thử đặt ra trong ngày lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ hôm nay.

Mẹ là “Đấng Đầy ơn Phúc”, đó chính là nét đẹp đầu tiên của Mẹ, trình thuật Truyền Tin đã nói lên điều đó; với Chúa, Mẹ hằng chiêm ngắm và sống Lời Người, nét đẹp thứ hai; đồng thời, Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng các biến cố, đó cũng là một nét đẹp khác. Biến cố lạc mất Chúa trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ.

Trước hết, thiên sứ vào nhà một trinh nữ, có thể nói, một thiếu nữ tiểu tốt, vậy mà lời chào của ‘rồng đến nhà tôm’ ấy lại chẳng vô danh chút nào, “Kính chào Bà Đầy Ơn Phước, Chúa ở cùng Bà”; ôi, Mẹ là phụ nữ đầy ơn phước, có phước nhất giữa muôn vàn phụ nữ. Tiếp đến, Tin Mừng nói, Mẹ “Hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”; thánh Giáo Hoàng Phaolô VI gọi Mẹ là “Virgo Audiens, Trinh Nữ Lắng Nghe”; thánh Augustinô thì cho việc được làm môn đệ Chúa Kitô lại giá trị hơn việc được làm mẹ. Trước khi Ngôi Lời ngự xuống lòng Mẹ, Lời Chúa đã đầy ắp ở đó rồi. Mẹ cưu mang Ngôi Lời chín tháng, cho bú mớm ba năm; nhưng Lời đã nuôi dưỡng linh hồn Mẹ khi Mẹ còn thơ ấu và ở mãi đó suốt đời. Mẹ sinh một Ngôi Lời, còn Lời thì sinh hoa kết trái vô vàn nơi Mẹ. Mẹ là mẹ của Ngôi Lời, nhưng Mẹ cũng là môn đệ của Lời; Chúa ở trong Mẹ, Mẹ ở trong Chúa. Vì thế, có thể nói, trái tim vô nhiễm của Mẹ là một trái tim cực sạch; ở đó, Lời Chúa đầy ắp đến ngập tràn. Đó là những nét đẹp đặc trưng của Mẹ.

Lời Chúa đầy ắp khiến Mẹ lặng lẽ, một sự lặng lẽ tuyệt vời để Mẹ trở nên kiểu mẫu cho những ai biết để tâm lắng nghe tiếng nói bên trong của Thánh Thần. Mẹ lặng lẽ, âm thầm và hầu như Mẹ chọn thinh lặng suốt đời để trở nên người con linh hoạt thường xuyên của Thánh Thần, nhờ đó, Mẹ có thể vượt qua mọi nỗi gian truân trong cuộc đời như Bêlem, như Nazareth, như Cana hoặc như ngày lạc mất Chúa hay cả chiều tê tái trên đồi Canvê.

Trong tập thơ “Người Làm Vườn”, thi hào Tagore đã mô tả người phụ nữ thế này, “Hỡi người phụ nữ, ngươi không chỉ là kiệt tác của Thượng Đế nhưng còn là công trình của loài người. Con người luôn tô điểm cho ngươi để ngươi thêm rực rỡ, các thi sĩ dệt cho ngươi chiếc voan mỹ lệ với những dây vàng óng ả của óc tưởng tượng; các hoạ sĩ tô vẽ cho ngươi một chân dung mới mẻ và bất tử; biển khơi đọng cho ngươi muôn châu ngọc, hầm mỏ dâng cho ngươi đá quý vàng ròng; vườn ngày hạ tặng cho ngươi muôn đoá hồng để ngươi thêm cao sang. Khao khát của lòng người làm cho ngươi trẻ mãi; một nửa ngươi là phụ nữ, một nửa ngươi là giấc mộng”.

Anh Chị em,

Những vần thơ ấy như muốn nói rằng, một phụ nữ lý tưởng sẽ không bao giờ có trên mặt đất này; mãi mãi người phụ nữ ấy vẫn là đối tượng của ảo mộng hơn là hiện thực, của ước mơ hơn là nhìn thấy. Ấy thế, với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, điều này lại là một sự thật. Với Đức Maria, Thiên Chúa đã không tiếc công khi phải ròng rã đợi chờ Mẹ; Người đợi Mẹ mỏi mòn ngàn năm này đến ngàn năm khác từ khi nhân loại ngã sa; để qua Mẹ, Thiên Chúa tái lập chương trình cứu độ của Người khi Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Độ trần gian.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ nói ít nhưng cầu nguyện nhiều; con thì nói nhiều, cầu nguyện ít. Xin cho con đầy ắp Lời Chúa như Mẹ để có thể nói nhiều với Chúa trong một thinh lặng đầy”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)