Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến ‘của đời này, của đời sau’; ‘người nhiều của, kẻ ít của’; ‘người trước hết, kẻ sau hết’ và như thế, con người phải chọn lựa điều mình sở hữu. Vua Tirô, cậy mình lắm của, ông chết giữa trùng khơi; Chúa Giêsu bảo,‘Người có của khó vào Nước Trời; người trước hết sẽ nên sau hết, kẻ sau hết sẽ nên trước hết’.
Bài đọc Êzêkiel nói về Tirô, một vị vua cậy mình lắm của, bị Thiên Chúa truất phế. Người phán với ông, “Ngươi chỉ là người phàm, chứ không phải là Chúa, ngươi dám tự cho mình là Chúa!”; “Ngươi đã tích trữ vàng bạc trong kho tàng”; “Ngươi tự cao tự đại về sự phú cường của ngươi”. Vì thế, “Ta sẽ dẫn quân ngoại bang, những kẻ hung bạo nhất trong các dân đến giày xéo ngươi, họ sẽ tuốt gươm chống lại sự khôn ngoan tốt đẹp của ngươi và làm ô danh ngươi. Họ sẽ giết, triệt hạ ngươi, ngươi sẽ chết như những kẻ chết chìm dưới lòng biển”; đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng hôm nay, “Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử”.
Bối cảnh Tin Mừng hôm nay xảy ra ngay sau trình thuật người thanh niên sở hữu nhiều của cải bỏ đi. Chúa Giêsu nói, “Người giàu có thật khó vào Nước Thiên Chúa!”; “Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và nhiều kẻ sau hết sẽ nên trước hết”. Câu cuối cùng này sẽ nói lên nhiều điều.
“Những kẻ trước hết” là ai? Trước tiên, chúng ta phân biệt ‘Vương quốc Satan’ và ‘Vương quốc Thiên Chúa’. Ở bất cứ nền văn hoá nào, con người đều ham danh, ham của, ham uy tín, ham thành công…vậy mà Satan là thủ lãnh của thế gian không ngừng tìm kiếm những con người này để tâng bốc, mua chuộc; và con người bị mê hoặc, bị cuốn hút vào những cạm bẫy huyễn danh mà Satan chào mời. “Những kẻ trước hết” là những kẻ đang được Satan và những ai thuộc về nó tôn làm thần tượng, họ nỗ lực sở hữu của cải, quyền lực và danh vọng; họ sống bằng lời khen ngợi và đánh giá của người khác. Vậy mà, Thánh Kinh coi họ là những kẻ rốt hết trong Nước Trời. Tương phản với những ai phụng sự Satan là “Những kẻ trước hết” trong Nước Thiên Chúa. Đó là những tâm hồn thánh thiện vốn có thể được tôn vinh hoặc không được tôn vinh trong thế giới này; ai đó có thể nhìn thấy sự tốt lành của họ, tôn vinh họ nhưng rất thông thường, họ bị coi khinh và chẳng đáng để ai học đòi bắt chước theo cách nhìn thế gian vì họ khó nghèo, dung dị.
Vậy thì con người phải sở hữu điều gì? Hư danh trong vương quốc Satan hay trở nên những tâm hồn thánh thiện dán mắt vào Thiên Chúa và phần thưởng đời đời của Người? Dĩ nhiên chúng ta sẽ cầu xin để mỗi ngày chọn lựa Thiên Chúa. Và như người leo núi luôn mang theo mình những gì nhẹ nhất; cũng thế, trong hành trình leo núi thiêng liêng, chúng ta sẽ mang theo những gì nhẹ nhất. Một chiếc thuyền chìm không phải vì nó không có khả năng nổi nhưng bởi trọng lượng nó phải tải vượt quá sức nó; cũng thế, chúng ta chỉ có thể đến được với Chúa khi chúng ta trở nên trống rỗng để ân sủng Người có thể tràn ngập linh hồn.
Một thiền sư nhắm mắt ngồi tịnh niệm bên bờ sông Hằng, một thanh niên mạo muội đến xin làm đồ đệ. Anh rón rén đặt hai viên ngọc như của lễ bái sư dưới chân ông. Mở mắt, vị thiền sư không để lộ một chút vui thú… và không cần nhìn kỹ tặng vật, ông cầm lấy một viên ném xuống dòng sông. Tiếc của, chàng thanh niên nhảy xuống dòng nước, cố tìm viên ngọc, nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm thấy. Chiều đến, mệt mỏi, buồn bã, anh lên bờ, xin vị linh sư chỉ rõ nơi đã ném ngọc quý. Vị thiền sư cầm viên còn lại ném luôn và nói, “Chỗ đó, xuống đó mà tìm!”.
Anh Chị em,
Chú tiểu đồng tầm sư học đạo xem ra còn quá quyến luyến với của cải thế gian; phần chúng ta, chúng ta đã chọn đi theo Chúa, chúng ta có dám chọn lấy Thiên Chúa và phần thưởng Người hứa ban? Thánh Gioan Thánh Giá, người đã trải nghiệm được tình yêu của Chúa Kitô một cách sâu sắc, đã hiểu được thế nào là sự từ bỏ, ngài viết, “Để đến với một sở hữu mà bạn không có, bạn phải đi qua một con đường, trên đó, bạn không sở hữu gì cả”. Như vậy là đến với một sở hữu trên một con đường không sở hữu.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì con chỉ khát khao sở hữu Chúa và làm vui lòng Người. Xin giúp con tránh xa mọi hư danh, cho con biết chọn Chúa làm gia nghiệp và thuộc về Chúa mỗi ngày”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)