Dịch chuyển sự lo lắng

17/07/2022

“Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá!”.

Một nhà tu đức nói, “Không ai hạnh phúc cho đến khi người ấy học được cách tận hưởng những gì mình có và không lo lắng về những gì mình không có! Cũng thế, sẽ không hạnh phúc khi một Kitô hữu quá lo lắng chuyện thế gian, cho đến khi người ấy ‘dịch chuyển sự lo lắng’ đến một điều gì đó hữu thần hơn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng, “‘Dịch chuyển sự lo lắng’ đến một điều gì đó hữu thần hơn!”, khác nào nói, “Hãy lo lắng tìm kiếm Chúa hơn!”. Đó cũng là những gì Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đề cập qua hai cuộc viếng thăm: một của Abraham, Sara; một của Matta, Maria. Điểm chung độc đáo của hai cuộc thăm viếng này là chính Thiên Chúa, trở thành những Vị Khách!

Trong thế giới xôn xao hôm nay, thật thú vị, chúng ta cần học bài học ‘dịch chuyển sự lo lắng’ từ chỗ “lo lắng bối rối về nhiều chuyện” sang ‘lo lắng bối rối về một chuyện’, chính Thiên Chúa! Vì có vẻ như mọi thứ đang chuyển động nhanh hơn, ngày càng có nhiều thứ tranh giành thời gian của chúng ta hơn; và chúng ta phải giải quyết tất cả. Nền văn hoá hiện đại gần như buộc mỗi người phải nhanh chóng vượt qua những tình thế rất khó xử; và chúng ta phải cố gắng làm những gì đúng, cố gắng chịu trách nhiệm những gì phải làm. Và này, mỗi người định hình chính mình và thấy mình nơi “Matta” trong thế giới chóng mặt này, một thế giới dường như đang bay…

Vậy mà Phúc Âm nói, “Chỉ cần một điều, Maria đã chọn phần tốt nhất”. Đó là yêu Chúa Kitô, nên giống Chúa Kitô, và sống vì Chúa Kitô! Một khi cuộc sống chín muồi và sự vĩnh cửu đến gần, điều còn lại là tình yêu đối với Chúa Kitô; mọi thứ khác đều tan thành mây khói, sương mù và hư không. Chúa Kitô là kho tàng mà mỗi người nên bán hết, kể cả mạng sống, cái tôi và sự phù phiếm để mua lấy; Ngài là tất cả những gì chúng ta cần! Bởi lẽ, điều gì sẽ xảy ra khi cuộc sống kết thúc? Ai có thể lấp đầy tâm hồn, mang lại ý nghĩa cho nó ngoài Thiên Chúa? Chúa Giêsu lưu ý điều này; vì lẽ, nhiều khi, chúng ta dễ dàng đặt những thứ khác lên hàng đầu!

Bài đọc Sáng Thế cho thấy cách Abraham “chọn phần tốt nhất” khi ông không để mình phân tâm bởi một điều gì khác ngoài việc làm vui lòng các Vị Khách; ở đây, chính là Thiên Chúa. Ông lấy nước, bánh, bắt bê béo làm thịt… và “đứng hầu các Ngài dưới bóng cây”. Các Vị Khách hiểu hoàn cảnh của ông, ban cho ông một lời hứa vốn sẽ thoả mãn mọi ước nguyện; vì ông đã “chọn được phần tốt nhất”. Thú vị thay! Kìa, dưới rặng sồi Mambrê, chúng ta gặp trước một Maria Bêtania trẻ trung, người đã “chọn phần tốt nhất”, nơi cụ già Abraham chín muồi! Vậy mà, những cuộc gặp gỡ này được Thánh Kinh gọi là “những cuộc thần hiện”, Thiên Chúa mặc khải chính mình, điều mà Phaolô trong thư Côlôssê hôm nay nói, “Đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay tỏ bày cho các thánh của Ngài”. Và như một ao ước, Thánh Vịnh đáp ca đã thốt lên, “Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?”.

Anh Chị em,

“Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá!”. Lời Chúa ngỏ với Matta xem ra đánh trúng tim bạn và tôi. Sống giữa một xã hội mà ‘thành công’ đã khó, phương gì là ‘thành nhân’, chúng ta không chỉ lo lắng nhiều điều cho bản thân mà còn lo toan cho cả những người mình có trách nhiệm. Trước hết, hãy “học cách tận hưởng những gì mình có”, đón nhận cuộc sống với lòng biết ơn; và “đừng quá lo lắng về những gì mình không có!”. Thứ đến, cần xác tín, trong Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa không còn là Vị Khách thoả mãn các ước nguyện cỏn con, ngay cả đó là một cậu bé cho đôi vợ chồng già; nhưng Ngài còn là “người nhà”, cắm lều giữa chúng ta, trong chúng ta; Ngài chia sẻ sự sống thần linh cho chúng ta; sống với chúng ta, sống cùng chúng ta và sống cho chúng ta! “Trong Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu”. Vậy tại sao chúng ta không dâng mọi lo lắng cho Ngài; Cha nhân lành, quyền năng, thấu hiểu! Chỉ khi làm được như thế, chúng ta mới ‘dịch chuyển sự lo lắng’ từ chỗ “lo lắng về nhiều chuyện” sang “một chuyện cần” là chính Ngài. Với Ngài, không chỉ ‘thành nhân’, chúng ta có thể ‘thành thánh’, tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con phân tâm với bất cứ điều gì ngoài Chúa. Xin ‘dịch chuyển sự lo lắng’ của con không chỉ đến một chỗ hữu thần, nhưng đến hẳn với một Vị Thần, chính Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)