“Thêm thắt đặt điều là do sự dữ mà ra”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ thật bất ngờ khi nói rằng, trình thuật sách Các Vua hôm nay kể lại một câu chuyện ‘truyền chức’ thời Cựu Ước. Qua đó, một cái gì thật dung dị, chơn chất và trung thực đến mộc mạc biểu lộ ở thầy trò Êlia và Êlisê, người sẽ là đồ đệ và cũng là ngôn sứ kế nghiệp ông. Sự thẳng thắn và chân thực đó cũng là giáo huấn mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay, “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt đặt điều là do sự dữ mà ra”.
Theo lệnh truyền của Thiên Chúa, Êlia trở lại con đường đã đi, qua ngả Đamas mà về xứ, để tìm xức dầu tấn phong Khadaen làm vua Aram, Giêhu làm vua Israel và Êlisê làm ngôn sứ. Cử chỉ Êlia ném chiếc áo choàng của mình trên người đồ đệ Êlisê mang ý nghĩa truyền chức, phong chức, trao phó một sứ vụ. Êlisê hiểu ngay một sứ vụ mới được trao cho mình; và vừa khi được khoác áo, ông thành thật xin Êlia ban phép để về hôn chào từ giã cha mẹ. Êlia đồng ý; Êlisê đã về nhà, chẻ cày làm củi, bắt đôi bò làm thịt đãi người thân và đó là tiệc tạ ơn ngày thụ phong. Xong việc, Êlisê đã trở lại và theo thầy, thi hành sứ vụ.
Những gì đã xảy ra với Êlisê thật đáng cho chúng ta suy nghĩ. Đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, điều cần nhất nơi kẻ được gọi là ý ngay lành. Êlisê đã ngay lành khi chọn đi theo tiếng gọi của sứ vụ nhưng ông cũng đã thẳng thắn giãi bày tâm tư lòng mình với thầy mình. Bên cạnh đó, hành động chẻ cày làm củi cũng nói lên sự dứt khoát từ bỏ những gì là quá khứ an toàn để tiến tới một tương lai vô định mà chính Thiên Chúa sẽ hướng dẫn ông.
Ở đây, chúng ta còn gặp thấy sự trung thực và ngay lành nơi Êlia. Ông xức dầu phong vương Khadaen và Giêhu làm vua, còn Êlisê thì làm ngôn sứ. Ông không thay người đổi việc theo ý mình nhưng hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Bên cạnh đó, ông đã lắng nghe thỉnh cầu của Êlisê, đáp ứng nguyện vọng và kiên nhẫn đợi chờ. Để rồi mọi sự tốt đẹp như Chúa muốn.
Trong cuốn Sức Mạnh Của Ơn Gọi, Đức Thánh Cha Phanxicô kể lại tâm sự của một tu sĩ trẻ. Ngày kia, mẹ của thầy bị bệnh rất nặng, thầy xin vị Giám tỉnh chuyển đến cộng đoàn gần chỗ mẹ mình để có thể gần gũi hơn vì bà chỉ sống thêm được vài tháng. Vị Giám tỉnh nghe thầy giãi bày; cuối cùng, ngài nói, “Tôi sẽ suy nghĩ thêm việc này và phân định xem thế nào thì tốt hơn”. Thầy ấy rất khổ sở vì chưa là linh mục và vẫn còn đang học. Tối hôm ấy, thầy vào nhà nguyện và ở lại đó đến khuya. Vị Giám tỉnh phải rời đi rất sớm vào sáng hôm sau. Khi trở lại phòng, thầy nhìn thấy trên cửa phòng mình có đính một lá thư của vị Giám tỉnh. Hoá ra là lá thư trước cửa ấy đã được đề ngày tháng của ngày hôm sau và nội dung đại loại là, “Tôi đã chú ý lắng nghe điều anh trình bày hôm qua, và sau khi đã dâng thánh lễ và phân định lâu giờ trước nhà tạm, tôi nghĩ rằng anh cứ ở lại đây thì tốt hơn”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Thật là giả hình khủng khiếp! Lá thư đã được viết ngay sau khi nói chuyện với chàng tu sĩ trẻ, chẳng có sự phân định hay sự chú tâm thật sự nào cả. Điều vị Giám tỉnh đã viết chỉ là hoàn toàn dối trá. Người đính thư trên cửa nghĩ rằng mọi người đã đi ngủ và họ sẽ đọc thư sáng hôm sau, nhưng thật là dối trá! Như vậy là không ngay thẳng. Dù sao, tu sĩ trẻ này đã kiên nhẫn. Nhưng tôi biết rằng, thật khó để giúp anh ta ra khỏi nỗi khó khăn ấy và lấy lại tinh thần”.
Anh Chị em,
Hơn lúc nào hết, Giáo Hội và xã hội cần đến những con người trung thực, có ý ngay lành trong đạo cũng như ngoài đời. Sự trung thực và ngay lành không chỉ cần có ở các tuyển nhân nhưng còn rất cần thiết ở các nhà giáo dục, lãnh đạo và đào tạo.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dù chỉ một lần trong đời, xin đừng để con mang tiếng là dối trá”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)