Đừng thôi mơ ước

09/05/2020

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị với cuộc đối thoại trong Tin Mừng hôm nay. Philipphê xin Chúa Giêsu một điều khá lạ, “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”; câu trả lời trách yêu của Thầy ông lại càng lạ hơn, “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà Philipphê, anh chưa biết ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Dường như Chúa Giêsu muốn nói với Philiphê rằng, ‘Anh Philiphê, xem ra anh không nhớ gì cả; bao lần Thầy đã nói với anh em về Chúa Cha. Nhớ lại đi!’. “Tôi và Cha tôi là một”; “Của ăn tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi”; “Tôi đến không phải để làm theo ý tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”; “Mọi sự của Cha cũng là của Thầy”; “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha hằng ở với Thầy”; “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy”; “Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy”; cũng như hôm nay, “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”.

Theo quan niệm của người Do Thái, không ai nhìn thấy Thiên Chúa mà người ấy không chết; vậy mà, lần đọc các sách Tin Mừng, điều ngược lại đã xảy ra. Không ai thấy Chúa Giêsu mà phải chết, nhưng sống thì có.

Giả như hôm nay, một lương dân nào đó nói với mỗi người chúng ta, “Nầy ông, này bà, này anh, này chị, này em, này bạn, này soeur, này cha… hãy tỏ cho tôi thấy Chúa của các người”. Chúng ta phải trả lời làm sao, liệu chúng ta có dám mau mắn nói với họ, “Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha; ai thấy tôi là thấy Chúa Giêsu”.

Những ngày qua, một câu chuyện khiến tôi nhớ đến những người già. Tôi cầu nguyện cho họ, những mong cho họ thấy được những khuôn mặt của Thiên Chúa nơi người khác nhất là nơi con cái mình. Và có lẽ như tôi, Anh Chị em cũng sẽ nhức nhối khi đọc một câu chuyện thương tâm đến quặn lòng như vậy trên một tờ báo của đất khách quê người.

Tờ Orange County Register thứ sáu tuần trước đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào viện tâm thần. Ông không có bất cứ một giấy tờ nào để chứng tỏ ông là ai, ở đâu, làm gì. Ông không nói một lời, chỉ lặng lẽ, đôi khi cười một mình như người mất trí. Ông là một người châu Á, không chừng là Việt Nam. Như vậy ông không sinh ra ở đây hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một phim Tiệp Khắc. Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai khác ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta nghe có những thiếu phụ sinh con rồi đem bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông suy kiệt; kể ra cũng may, bằng không, ông sẽ đau khổ biết chừng nào. Trước đây người ta kể chuyện có người chở mẹ già bỏ ở cây xăng, thật khó tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “đem cha bỏ chùa”.

Anh Chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Người già vẫn luôn là cội rễ của chúng ta. Người trẻ là chồi, là lá; nếu không có rễ, không thể trổ sinh hoa trái, người già là gốc rễ. Hôm nay tôi muốn nói với các cụ, tôi biết các cụ cảm thấy cái chết gần kề và sợ hãi, nhưng xin các cụ hãy nhìn theo hướng khác. Hãy nhớ đến con cháu và đừng thôi mơ ước. Đây là điều Thiên Chúa đòi hỏi các cụ, “Hãy mơ ước”. Tôi sẽ nói gì với người trẻ? “Hãy can đảm nhìn về phía trước và hãy làm cho những ước mơ của người già trở thành hiện thực. Hãy mang lấy người già và trẻ em dưới cánh, mang lấy lịch sử dưới cánh, mang lấy người khốn quẫn dưới cánh”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin, với ơn Chúa, ai đó vẫn có thể nhìn nhầm Chúa nơi con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)