“Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay nói đến những ngày phôi thai của Kitô giáo, “Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria; lúc đó Saolô đang tàn phá Hội Thánh. Những người bị phân tán đã đi khắp nơi, đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa”.
“Họ” ở đây trước hết là các tông đồ, các môn đệ nhưng “họ” ở đây chiếm đại đa số là giáo dân: là ông, là bà; là cha, là mẹ; là anh là chị thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Thời bách hại cũng như thuở bình an, hôm qua cũng như hôm nay, khắp nơi mọi chốn… Chúa Thánh Thần luôn luôn thổi, Ngài thổi bất ngờ, thổi đủ mọi cách và muốn thổi đâu thì thổi. Qua dòng thời gian, Ngài thổi trên những con người yêu mến Thiên Chúa, chọn Chúa Giêsu, những con người mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. Họ đã đến với Giêsu và càng đến, họ càng khao khát Ngài; Ngài đã trở nên của ăn của uống cho cuộc đời và linh hồn của họ. Và Giêsu đó đã hứa sẽ không xua đuổi bất cứ ai đến với Ngài như Ngài hứa trong Tin Mừng hôm nay.
Chị thánh Catarina thành Siêna Giáo Hội mừng kính hôm nay cũng thuộc trong số đó. Là một vị thánh độc đáo của thế kỷ 14, chị không phải là một nữ tu; đúng hơn là một giáo dân, một tu sĩ dòng ba. Chị được sinh đôi, con thứ 23 trong một gia đình đạo đức luôn bận rộn với 24 người con. Từ thuở tập đi, chị được thấy Chúa và điều này giục giã chị hiến trọn đời mình cho Ngài; đó là sự kiện đầu tiên trong một chuỗi vô số sự kiện thần bí đã xảy ra trong đời chị. Lớn lên, không lập gia đình, chị có thời giờ dạy giáo lý, hướng dẫn tâm linh, chăm sóc người bệnh và phục vụ người nghèo. Chị không sợ đối mặt với bất cứ ai, ngay cả Giáo Hoàng. Chị thân hành đến tận Avignon nước Pháp, lưu lại ba tháng để thỉnh cầu Đức Grêgôriô XI đang ở đó quay về Rôma. Cuối cùng, bất chấp ngăn cản của các trợ tá thân tín, Đức Grêgôriô đã nghe lời chị mà đưa giáo triều về lại thành đô vĩnh cửu.
Tuần thứ III Phục Sinh, khi lắng nghe diễn từ bánh hằng sống nói đến bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể bỏ qua lòng yêu mến cách riêng bí tích này của chị thánh. Cha linh hướng của Catarina kể, “Một hôm, tôi có việc phải đi từ sáng sớm, không dâng lễ được. Khi về, chị đến thưa rằng, ‘Thưa cha, con đói lắm’. Tôi hiểu, chị muốn rước lễ; nhưng để thử chị, tôi nói, ‘Tôi đi đường xa về, nhọc lắm, không dâng lễ được’. Catarina u buồn bỏ đi, nhưng chỉ vài phút sau, chị trở lại thưa những lời như trước, ‘Thưa cha, con đói lắm’. Cảm động trước tấm lòng ao ước của chị, tôi ra nhà thờ kéo chuông, dâng lễ. Lạ lùng thay, khi tôi vừa bẻ Mình Thánh làm hai, một nửa trong tay tôi biến mất. Tôi lo sợ kiếm tìm dáo dác, nhưng chị thánh mỉm cười nói, ‘Chúa đã đến với con’. Quả thực, lúc ấy, mặt chị sáng như thiên thần”.
Anh Chị em,
Gió muốn thổi đâu thì thổi và Thánh Thần Đấng Phục Sinh đã thổi như thế đó. Nếu cơn gió bách hại đã đưa các tông đồ và các Kitô hữu sơ khai ra khỏi Giêrusalem để đi tới các vùng phụ cận thì qua mọi thời và cho đến hôm nay, Giáo Hội toàn cầu cũng đang chứng kiến những cơn gió lạ của Thánh Thần. Quả vậy, như phấn hương và mầm giống được gió đong đưa, ru hời và thổi đi tứ tán thế nào, môn đệ Chúa cũng được đưa đến mọi nơi trong mọi thời như vậy, trong đó có chúng ta. Là chứng nhân phục sinh, chúng ta mang hạt giống Lời Chúa, để gieo, để vãi cho các mảnh đất tâm hồn gần xa, mỗi người mỗi cách. Thật diệu kỳ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, như sợi bồ công anh được gió ru hời thổi đi, xin cho con biết mọc lên; đừng để con thành sợi thối hoặc mầm điếc”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)