Được gọi để gặp gỡ

08/11/2020

“Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa ‘làm người’ để gặp gỡ ‘con người’ theo những cách thức ‘rất người’; cuộc gặp gỡ này không xa xôi, chóng vánh hay hời hợt nhưng là một cuộc gặp gỡ thân mật suốt cả cuộc đời của mỗi người và của từng người. Mỗi người chúng ta được tạo dựng, được gọi, không chỉ để sống nhưng còn để gặp gỡ, để nhập đoàn với con Thiên Chúa đi vào tiệc cưới Nước Trời, tiệc thiên đàng. Đây cũng là một trong những chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, ‘Được gọi để gặp gỡ’.

Thiên Chúa tổ chức tiệc cưới; Con Thiên Chúa tự giới thiệu mình như một ‘Chàng Rể’, Ngài là lý do của niềm vui, lý do của tiệc mừng; mười trinh nữ phù dâu, đại diện cho cô dâu, chia sẻ niềm vui của nàng. Nhiệm vụ duy nhất của họ là chào đón chàng rể và cùng chàng rể đi vào dự tiệc; không ai có thể thay thế vị trí của họ. Việc họ nghiêm túc thực hiện vai trò của mình thế nào, sẽ quyết định hạnh phúc đời đời của họ thể ấy. Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô; như các trinh nữ phù dâu, mỗi người chúng ta sẽ không hiểu được một cách sâu sắc tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh, nếu Ngài và Hội Thánh đã không trở nên niềm vui cho mỗi người vốn ‘được gọi để gặp gỡ’ và không ai có thể thay thế vị trí của ai.

Cuộc sống là một sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ‘Chàng Rể’ và thời gian là một trong những quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa ban cho mỗi người; một khi thời gian mất, nó không bao giờ được phục hồi. Vì ‘được gọi để gặp gỡ’, nên mỗi người nhận ra rằng, khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời là khoảnh khắc ‘Chàng Rể’ đến và thực chất, đó cũng là khoảnh khắc chúng ta từ giã cuộc đời. Phút cuối ấy, một cách nào đó, sẽ là kết quả và bản tóm tắt của tất cả giờ ngày chúng ta đã sống cho đến thời điểm đó. Mỗi giây phút là một sự chuẩn bị để gặp ‘Chàng Rể’ Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta, hiến mạng sống để đổi lấy sự sống đời đời cho chúng ta; thế nhưng, chúng ta sẽ không tài nào xoay xở ứng biến khi thời khắc Ngài đến nếu mỗi người thiếu khôn ngoan như năm trinh nữ khờ dại mang đèn mà lại không mang theo dầu. Mỗi hành động của đức tin, mỗi hành vi của lòng trông cậy và mỗi hành xử của lòng yêu mến để làm theo ý muốn của Thiên Chúa, sẽ thiết lập một mối quan hệ của chúng ta với ‘Chàng Rể’. Cuộc sống của chúng ta phải là một cuộc tìm kiếm Giêsu, học biết Giêsu và yêu mến Giêsu; trái tim chúng ta sẽ sẵn sàng, cởi mở để canh cánh chờ đợi Ngài như năm trinh nữ khôn ngoan vừa mang đèn lại vừa mang đầy dầu. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy, chính Con Thiên Chúa mỗi ngày đích thân đến tìm gặp con người, ban Lời Ngài, ban Mình Ngài để bất cứ ai muốn gặp gỡ Ngài bất cứ giờ nào cũng có thể gặp được; nhờ đó, vào buổi gặp gỡ cuối cùng của mỗi người, không ai nhìn ai là người xa lạ. Được như thế, bấy giờ, mỗi người sẽ lắng nghe những lời yêu thương của ‘Chủ Tiệc’, “Hỡi tôi tớ tốt lành và khôn ngoan, hãy vào mà hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

Cả một đời theo Chúa, cả một đời tìm kiếm Ngài, một cuộc đời ‘được gọi để gặp gỡ’ ‘Chàng Rể’ Giêsu… thế mà rốt cuộc, thử hỏi ai trong chúng ta muốn mình nói những lời tuyệt vọng như năm cô trinh nữ khờ dại đã nói, “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”; và còn gì bi thảm hơn khi mỗi người phải nghe những lời từ bên trong vọng ra rằng, “Ta bảo thật các ngươi, Ta không biết các ngươi là ai”. ‘Chàng Rể’ chắc chắn biết cô dâu, người mà chàng đã trao cả cuộc đời mình; và ‘Chàng Rể’ biết cả bạn của cô dâu, những người đã hiểu được tình yêu của chàng và nàng, những người đã yêu mến họ. Vì vậy, ‘Chàng Rể’ không thể không biết chúng ta trừ khi chúng ta ‘hết yêu’ hai người hoặc đã cạn tình cạn nghĩa như đèn cạn dầu với ‘Chàng Rể’ và Hiền Thê của Đức Lang Quân. Vì thế, sự chuẩn bị trong khi chờ đợi ‘Chàng Rể’ là cả một cuộc đời chờ đợi trong tin yêu, hy vọng và biết ơn; dầu trong đèn, dầu mang theo đầy bình chính là lòng bác ái của đời người Kitô hữu.

Dầu là biểu tượng của lòng bác ái, Kitô hữu ‘được gọi để gặp gỡ’ chuẩn bị gặp Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào vì người ấy luôn luôn có lòng bác ái trong đời sống mình. Bác ái không chỉ là niềm đam mê hay một cảm xúc tức thời; bác ái là một cam kết triệt để yêu thương; bác ái là một nếp sống, một cách sống luôn luôn yêu thương người khác bằng trái tim của Chúa Giêsu; bác ái là thói quen hàng ngày mà người Kitô hữu hình thành bằng cách chọn đặt tha nhân trên mình, cống hiến cho tha nhân tất cả những gì Chúa Giêsu đòi hỏi; đó có thể là một hy sinh nhỏ hoặc một hành động anh hùng của thứ tha; nhưng dù trường hợp nào xảy ra, Kitô hữu cũng cần có lòng bác ái thường xuyên để sẵn sàng đón Chúa, gặp Chúa; và đó là khôn ngoan như bài đọc sách Khôn Ngoan nói đến, “Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan, sẽ gặp được nó”; đó cũng là khao khát Thiên Chúa như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thổ lộ, “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa”.

Một trợ sĩ nọ sống êm đềm hạnh phúc nhiều năm trong một tu viện cổ kính. Hằng ngày, thầy làm những việc lặt vặt, phục vụ cộng đoàn với lòng yêu mến. Hôm ấy, khi đang rửa chén, một thiên thần hiện đến nói với thầy, “Chúa sai tôi đến nói với thầy rằng, thời gian của thầy đã mãn; hôm nay, thầy được gọi vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa”. Trợ sĩ tươi cười trả lời, “Ôi, thú vị và sung sướng thay, Chúa nhớ đến tôi. Nhưng, thiên thần ơi, ngài thấy đó, còn rất nhiều chén đĩa chưa rửa; tôi thật có lỗi với anh em nếu bỏ ngang công việc mà biến mất. Có lẽ Chúa cũng vui lòng cho phép tôi bước vào cõi đời đời trễ hơn một chút khi đã rửa xong mớ chén đĩa này”. Thiên thần nhìn vào mắt thầy, đầy cảm thông, “Thầy có lý, tôi sẽ trình với Chúa”; rồi thiên thần biến mất, thầy trợ sĩ tiếp tục rửa chén. Bữa khác, thầy đang làm vườn, thiên thần lại hiện đến. Thầy huơ huơ lưỡi cuốc về phía đám cỏ và nói với thiên thần, “Cỏ mọc um tùm thế này, chắc Chúa có thể chờ tôi thêm chút nữa”; thiên thần lại mỉm cười và biến đi. Một sáng nọ, thầy chăm sóc bệnh nhân, thiên thần lại xuất hiện. Thầy nói, “Ngài thấy đó, còn rất nhiều bệnh nhân chờ tôi”; thiên thần lại mỉm cười và biến đi. Tối hôm ấy, về nhà, thầy trợ sĩ ngả lưng trên chiếc giường đơn sơ của mình, mệt nhọc sau một ngày làm việc cần cù, thầy nhớ lại những lần xin khất hẹn và bất chợt, thấy mình kiệt sức. Thầy quỳ xuống bên giường và cầu nguyện, “Lạy Chúa, giờ đây xin sai thiên thần Chúa đến với con. Con xin hứa, lần này con sẽ không khất nữa”. Tức thì, thiên thần hiện ra đứng kề bên. Thầy nói, “Lần này, nếu ngài đưa tôi đi, tôi hoàn toàn sẵn sàng để đi với ngài vào vương quốc của Chúa”. Thiên thần nhìn sâu vào đáy mắt thầy trợ sĩ, mỉm cười rồi nói, “Thế bấy lâu nay, thầy nghĩ là thầy đang ở đâu?”.

Anh Chị em,

Thầy trợ sĩ bấy lâu hưởng nếm thiên đàng dưới thế mà thầy không hay biết. Một nhà thần học đã viết, “Thiên đàng không phải là nơi có Chúa, nhưng nơi nào có Chúa, nơi đó là thiên đàng”. Như vậy, sống với Chúa, yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân trong bổn phận của đấng bậc mình là sống một đời sống ân sủng, là sống cuộc sống thiên đàng như các trinh nữ khôn ngoan với đèn sáng trưng, với dầu đầy bình; đó là những con người ‘được gọi để gặp gỡ’, gặp Thiên Chúa, gặp con người; cũng là những con người sẵn sàng đón Chúa đến trong đời mình bất cứ lúc nào.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến trái tim con thành nơi tích hợp mọi sự nhân lành của trái tim Chúa; cho con biết trân quý giây phút hiện tại, yêu mến bổn phận Chúa trao và luôn luôn nhớ, con ‘được gọi để gặp gỡ’, gặp Chúa và gặp anh em; và như thế, con biết mình đang ở đâu, thật hạnh phúc cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)